Top 14 Điều sinh viên cần biết khi lần đầu thuê trọ
Trở thành sinh viên, chúng ta không chỉ đối mặt với việc phải biết chịu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, mà còn là vấn đề chuyển môi trường sống. ... xem thêm...Đối với sinh viên xa nhà lên thành phố học tập, tìm được chỗ ở trọ tốt luôn là một vấn đề nan giải. Bất cứ ai cũng muốn có một chỗ ở ổn định để chuyên tâm vào chuyện học hành. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp các bạn sinh viên phải chuyển nhà trọ. Chuyển nhà trọ không những vất vả, mất thời gian, mất công sức, mà còn khiến cái nhìn của các bạn trở nên gay gắt hơn. Vậy, hãy cùng toplist sau đây, điểm qua vài điều cần biết trước khi ở trọ để không phải vướng phải tình cảnh chuyển trọ éo le nhé!
-
Tìm hiểu rõ ràng về nơi muốn trọ
Dù việc tìm nhà trọ phải diễn ra sau khi có thông báo nhập học chính thức, nên thời gian đối với các tân sinh viên và phụ huynh tương đối gấp gáp. Tuy nhiên, không thể vì thế mà quên đi bước đầu quan trọng này. Hãy thông qua nhiều nguồn tin khác nhau, tìm hiểu thật rõ về: an ninh, chủ nhà, người thuê trọ, vv... Việc tìm hiểu rõ về ngôi nhà mà bạn sắp ở mang lại rất nhiều lợi ích.
Thứ nhất: Xem xét được đây có phải nơi phù hợp với mình hay không. Có rất nhiều trường hợp,các bạn đến trọ rồi mới thấy không khí sống ở đây không hợp với mình, hoặc an ninh không đảm bảo nên lại phải chuyển đi, rất mất công.
Thứ hai: Tính tình chủ nhà và những người xung quanh có tốt không. Viêc sinh viên không vừa ý với chủ nhà rồi chuyển đi cũng là vấn đề thường gặp.
Các bạn có thể hỏi chủ nhà về những người cùng trọ xung quanh, hay hỏi thăm hàng xóm về bác chủ nhà, vv.. Một khởi đầu tốt, sẽ có bạn một cuộc sống mới tốt hơn. Vì vậy, đừng bỏ qua bước đầu quan trọng này nhé!
-
Hợp đồng thuê nhà rõ ràng
Xa nhà rất vất vả, không chỉ vì phải tự bản thân làm mọi viêc, mà còn vì rất dễ bị bắt nạt. Hiện nay, có rất nhiêu chủ nhà trọ vì lợi ích kinh tế mà sẵn sàng bất chấp mọi hành vi, gây thiệt hại cho người khác.
Trước đây, bạn mình đã từng phải mất không cho chủ nhà nửa năm tiền đặt cọc thuê trọ, chỉ vì không rõ ràng trong việc ký hợp đồng. Bác này khi bạn mình tới ở, thì nói muốn chuyển đi đâu cũng được, chỉ cần báo trước 2 tuần, nếu ở chưa hết nửa năm thì bác ý sẽ trả lại số thừa. Vậy mà khi bạn mình báo chuyển, bác ấy lại bảo bạn mình phá hợp đồng dù cho thực tế chả có hợp đồng nào cả. Muốn kiện tụng thì lại sợ bố mẹ ở quê lo lắng, một phần nữa là lạ lẫm nên đành chịu.
Để tránh việc tương tự xảy ra, mình hy vọng các bạn hãy có sẵn một vũ khí sắc bén để tự bảo vệ. Trong hợp đồng thuê nhà, các bạn hãy lưu ý các mục như: Thời gian thuê, tiền bồi thường, tiền nhà một tháng, hoặc tiền điện nước, vv... phải thật rõ ràng.
Hợp đồng dù sao cũng chỉ là một tờ giấy, nếu bác chủ nhà của bạn thực sự tốt, chắc chắn sẽ không ngại cho bạn xin một tấm vé an toàn, nên đừng lo lắng về chuyện có thể gây nên sự khó chịu.
-
Không quá nhường nhịn bạn cùng phòng
Bạn có thể là người tốt tính, thoải mái trong mọi vấn đề. Nhưng, hãy chắc chắn bạn không làm mất đi quyền lợi của bản thân. Bạn không nên để người bạn cùng trọ của mình được nuông chiều quá mức, điều này sẽ dẫn đến sự ỉ lại rất lớn.
Việc ỉ lại vào bạn, ngày một ngày hai có thể không thành vấn đề. Nhưng việc này lâu dần sẽ gây đến sự khó chịu và thiệt thòi cho chính bạn. Không chỉ thế, người bạn của bạn cũng sẽ bị lầm tưởng về vị trí của cậu ấy. Cậu ấy sẽ nghĩ đó là việc của bạn chứ không phải bạn đang giúp đỡ.
Một điều cần thiết nữa, khi bạn giúp bạn cùng phòng một việc gì đó, hãy để cậu ấy biết. Nhiều người nghĩ rằng không cần phải phô trương ra, mà chỉ cần giữ trong in lặng. Tuy nhiên, việc này không những không làm rạn nứt tình bạn mà còn khiến hai bạn gắn bó hơn. Vì người kia, biết rằng bạn có ơn với họ.
-
Không quá cứng nhắc với bạn cùng phòng
Việc bạn không nuông chiều bạn cùng phòng với mình, không có nghĩa là bạn sẽ mặc kệ cậu ấy. Hãy giúp đỡ nhau khi có thể. Nếu bạn thấy bạn cùng phòng mình có việc bận, viêc đột xuất thì hãy chủ động ngỏ ý muốn giúp đỡ.
Mình tin rằng, dù cho bạn cùng phòng của bạn có đồng ý hay từ chối thì trong lòng cậu ấy cũng đang cảm thấy biết ơn bạn sâu sắc. Con người, luôn thấy cảm động khi nhận được sự quan tâm lúc gặp khó khăn mà!
Không chỉ thế, việc giúp đỡ nhau vừa gắn kết thêm tình cảm của các bạn, mà cũng khiến chính bạn cảm thấy vui vẻ thoải mái khi đã làm một việc tốt.
-
Không nên gom tiền mua chung đồ
Dù hiện tại các bạn đang ở với nhau rất vui vẻ, tuy nhiên điều tệ nhất vẫn có thể xảy ra. Nên hãy lưu ý rằng, đồ của bạn thì sẽ luôn là đồ của bạn.
Hai bạn có thể chia nhau mua vật dụng cần thiết, rồi dùng chung, nhưng không cần chia tiền lại. Mặc dù như vậy có hơi tốn kém so với góp tiền. Nhưng viêc này mang lại hai lợi ích chính:
Thứ nhất: Khiến các bạn có thức hơn trong việc giữ đồ đạc, nhắc nhở nhau giữ gìn vật dụng trong nhà. Vì dù dùng chung, thế nhưng đồ của bạn mua, vẫn chỉ có mình bạn là chủ, bạn phải giữ gìn chứ. Đúng không nào?
Thứ hai: Việc này còn dùng để đảm bảo đến khi một trong bạn chuyển đi thì có thể mang theo đồ của mình mà không bị thiệt thòi gì.
Một người bạn khác của mình trước đây cũng từng gom tiền mua chung đồ dùng trong nhà, sau đấy khi bạn kia chuyển đi, cả hai gặp rất nhiều khó khăn, xích mích trong vấn đề chia đồ đạc.
-
Làm tốt nhiệm vụ của bản thân
Hãy có một thời gian biểu chia việc thật hợp lí và cụ thể. Sau đó, bạn hãy làm phần việc của mình thật tốt và không chờ nhắc nhở. Việc bạn nghiêm túc làm nghiệm vụ sẽ khiến cho người bạn kia cung ý thức được nhiệm vụ của mình. Hơn hết, khi bạn là người gương mẫu thì bạn mới cho tư cách đề nghị hay yêu cầu người khác nếu họ làm sai.
-
Không kể với người ngoài chuyện ở nhà
Mặc dù có nhiều bạn xem việc nói chuyện phiếm tâm sự là các giải tỏa stress hiệu quả. Nhưng các bạn tuyệt đối không nên nói xấu người bạn cùng phòng với mình, kể khổ hay than vãn chuyện gì ở nhà.
Có thể lúc kể chuyện bạn không có ý nghĩ gì xúc phạm người bạn của mình.Thế nhưng, chẳng ai thích bị mang ra làm chủ đề bàn tán cả.
Hãy thử nghĩ, nếu một ngày bạn vô tình nghe được có người bảo rằng bạn cùng phòng nói xấu bạn, chắc chắn tâm trạng bạn sẽ không vui đúng không?
Còn nếu, khi bạn không làm gì mà bạn cùng phòng mới là người kể xấu bạn. Cũng không nên tức giận. Hãy thể hiện là một con người văn minh, cư xử thật đúng mực và mọi người sẽ tự biết bạn mới chính là người xứng đáng được bảo vệ.
-
Giải quyết mọi vấn đề rõ ràng, quyết đoán
Có nhiều bạn ở trọ với nhau nhưng khi gặp vấn đề khó chịu với đối phương lại chọn cách im lặng. Đây là một lựa chọn rất sai lầm.
Khi có hiểu lầm mà không được giải đáp, chắc chắn tâm lí bạn sẽ khó chịu, không được thoải mái. Lâu dần, sẽ làm mối quan hệ của các bạn đi vào bế tắc, không thể dung hòa.
Vì vậy, khi có bất kỳ khó chịu gì, hãy mạnh dạn đưa ý kiến để cả hai cùng giải quyết. Bạn cũng không cần phải nói trực tiếp bằng lời, có thể dùng một bức thư chẳng hạn. Vừa giải quyết được vấn đề lại vừa nhẹ nhàng.
-
Không tự ý quyết định bất cứ điều gì
Trước đây khi ở nhà, bạn có thể quen với việc quyết định một vài chuyện theo ý mình mà không cần bố mẹ đồng ý.Tuy nhiên, việc này khi ở trọ lại là vấn đề rất cần tránh.
Hãy nhớ rằng, bạn không phải là chủ nhân duy nhất của căn phòng mà còn một người khác nữa. Vì vậy hãy để cậu ấy thấy mình được tôn trọng, từ những việc nhỏ nhất. Ví dụ như: Cùng nhau xem nên mua gas của hãng nào, hay đi chợ thì mua rau gì, bữa tối ăn gì, thông báo trước nếu có việc không về nhà, vv...
Đặc biệt, dù là bạn cùng phòng không có mặt, thì ban cũng vẫn nên hỏi ý kiến của cậu ấy. Ví dụ như: Gọi điện nói mình sẽ mời bạn đến ăn trưa, vv... Và chỉ làm mọi việc khi nhận được sự đồng ý.
-
Quan điểm tiền bạc rõ ràng
Mặc dù, vật dụng hằng ngày có thể mua riêng, nhưng ở chung với nhau, thì các bạn nên ăn chung. Vì vậy, hãy có một khoản tiền phòng nho nhỏ để đi chợ, hay cùng nhau mua sắm.
Ngày trước, mình chia tiền đi chợ bằng bằng cách dùng tiền của một người đi chợ, cuối thàng tổng lại rồi chia đều. Nhưng như thế khiến gánh nặng kinh tế đè nặng nên một người, mà đôi khi bạn khác đi chợ thì lại cộng rồi chia mấy lần rất phiền.
Tốt nhất, các bạn nên đóng một khoản tiền cố định vào mỗi tháng, sau đó chia đều để cầm. Sau đấy, ai tiêu gì, hoặc vay quỹ đều ghi lại rõ ràng. Bao giờ hết thì đóng thêm, hoặc mỗi tháng đóng một lần.
-
Hãy thuê phòng trọ gần nơi mình học
Hầu như với các em tân sinh viên thì việc thuê phòng trọ gần nơi mình học thực sự rất thuận lợi. Tốt nhất là chỉ nên thuê trọ xung quanh trường học trong khoảng bán kính từ 1 – 3km là được. Việc thuê trọ gần sẽ tiện cho việc đi lại nhất là khi mới lên học còn nhiều bỡ ngỡ. Việc thuê trọ gần cũng giúp việc học tập hay tham gia các hoạt động ngoại khóa trở nên thuận lợi hơn. Vì khoảng cách gần nên việc bạn có thể di chuyển nhanh chóng, tiện lợi đến nơi mình học là điều không cần bàn cãi nhiều nữa.
-
Hãy khảo sát giá thuê phòng trọ trước khi thuê
Nhà trọ xung quanh trường học của bạn rất nhiều, vì vậy mà đừng vội chọn ngay một nhà trọ nào đó vì có thể bạn sẽ bị hớ giá. Tốt nhất là nên đi khảo sát một vòng, sau đó bạn hãy xem nhà trọ nào có giá tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của bạn một cách tốt nhất thì hãy chọn nhé.
-
Kinh nghiệm để tìm người ở cùng khi thuê phòng trọ
Với những bạn tân sinh viên thì thường khi lên ít bạn có người ở cùng ngay mà sẽ phải tìm nơi trọ và ở 1 mình. Vì thế mà ngoài việc tìm phòng trọ giá rẻ ra thì còn cần phải tìm một người bạn ở cùng thật tâm đầu ý hợp nữa.
Kinh nghiệm để tìm một người bạn phù hợp đầu tiên chính là bạn nên tìm những người bạn bè quen biết với bạn. Khi mà bạn đã hiểu rõ về người bạn của mình rồi thì mới có thể tin tưởng được và ở cùng. Chưa kể đến việc tính cách có thể không hợp nhau dẫn đến những bất đồng và cãi vã khiến cuộc sống trở nên ngột ngạt và khó chịu hơn. Còn nếu như bạn không thể tìm được bạn bè thân thiết với mình thì tốt nhất có thể đăng tìm người ở ghép cùng nhưng nhất định phải đề phòng, cảnh giác với cả những món đồ có giá trị khi mà bạn chưa hiểu rõ về người bạn đó của mình nhé.