Bồ Tát Quán Thế Âm
Quán là quán sát, lắng nghe; Thế là thế gian; Âm là âm thanh. Bồ Tát Quán (Quan) Thế Âm là vị Bồ Tát quán sát, lắng nghe tiếng kêu than của chúng sanh trong thế gian để kịp thời cứu giúp họ thoát khổ. Tay phải Ngài cầm nhành dương liễu, tay trái cầm bình nước Cam Lồ để tưới mát chúng sanh, trên đỉnh đầu có hình Đức Phật A Di Đà. Có rất nhiều hình tượng khác của Quán Thế Âm như: Quán Âm Tự Tại, Quán Âm Chuẩn Đề, Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, v.v…
Theo Kinh Quán Âm Tam Muội, Bồ Tát Quán Thế Âm vốn là một vị cổ Phật trong quá khứ hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, do vì bi nguyện độ sanh nên Ngài quay trở lại làm Bồ Tát để cứu giúp chúng sanh khổ nạn. Do Ngài thương chúng sanh như mẹ thương con nên người ta thường tạc tượng Ngài mang hình dáng người nữ. Ngoài ra, Ngài có 32 ứng hóa thân (theo Phẩm Phổ Môn-Kinh Pháp Hoa) và 12 đại nguyện làm phương tiện khéo để phổ độ chúng sanh. Có nơi gọi Ngài là Mẹ Hiền Quán Thế Âm, Ngài đại diện cho TỪ BI.
Cùng với Bồ Tát Đại Thế Chí, Ngài là vị trợ thủ đắc lực đứng bên tay trái của Phật A Di Đà, giúp Phật tiếp dẫn và giáo hóa chúng sanh mười phương cầu về Cực Lạc, là một trong ba vị Thánh cõi Tây Phương (Tây Phương Tam Thánh).