Tổ Bồ Đề Đạt Ma
Bồ Đề Đạt Ma (470-543), (chữ Hán: 菩提達磨), dịch nghĩa là Giác Pháp (覺法). Ngài là vị Tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ và là vị Tổ đầu tiên của Thiền tông Trung Hoa, là vị Thánh Tăng nổi tiếng trong Phật giáo nói chung. Ngài còn là người sáng lập ra trường phái võ Thiếu Lâm nổi tiếng của Trung Quốc, cũng là cha đẻ của phương pháp Dịch Cân Kinh chữa bệnh trứ danh.
Tư tưởng Thiền cốt lõi và rất quen thuộc của Bồ Đề Đạt Ma gói gọn trong bài kệ ngắn: Bất lập văn tự. Giáo ngoại biệt truyền. Trực chỉ nhân tâm. Kiến tánh thành Phật. Mấy câu này nghĩa là: Không thành lập, không chấp trước vào văn tự (văn bản, ngôn ngữ, chữ nghĩa) vì thiền ý (tức chân lý) cao siêu, sâu xa, vượt ra ngoài phạm vi của ngôn ngữ văn tự và chữ nghĩa. Do vậy, sự truyền thừa của người tu thiền ở ngoài giáo điển kinh sách. Thiền là chỉ thẳng, nhìn thẳng vào tâm người, từ đó thấy được Phật tánh sáng suốt vốn có của mình mà được thành Phật.
Trong các chùa chiền, tự viện, tượng của Tổ Bồ Đề Đạt Ma thường được đặt trong gian thờ Tổ ngay phía sau lưng của chánh điện thờ Phật Thích Ca. Hình ảnh quen thuộc người ta thường thấy nhất ở Ngài là một vị La Hán râu tóc rậm rạp, đôi mắt lồi to oai nghiêm, trán dồ ra (tướng A La Hán), chân đất không mang giày dép mà vác trên vai một cây gậy với cái tay nải hoặc một cái giày cỏ.