Top 10 món ăn tốt nhất cho trẻ thời kì ăn dặm
Ăn dặm là giai đoạn rất quan trọng quyết định sức khỏe và trí tuệ của trẻ sau này. Sau đây Toplist sẽ chia sẻ cho các cha mẹ một vài món ăn đơn giản mà đầy đủ ... xem thêm...dưỡng chất cho trẻ ở giai đoạn này.
-
Cháo trai hành răm
Cháo trai là một món rất ngon và bổ dưỡng, tác dụng lớn nhất của nó là giúp trị dứt điểm chứng đổ mồ hôi trộm ở trẻ em một cách hiệu quả nhất.
Nguyên liệu:
- Trai: 1kg có thể nhiều hơn nếu nấu cho cả gia đình nhiều người cùng thưởng thức.
- Gạo tẻ: 200g nên chọn đúng gạo tẻ để có nồi cháo Trai ngon nhất.
- Gạo nếp: 50g
- Hành khô: 1 củ
- Gia vị: Dầu ăn, nước mắm ngon, mì chính.
- Hành lá, răm: 1 ít. (tùy vào việc bé có thích hay không)
Cách chế biến:
- Trai ngâm nước gạo, rửa sạch. Cho trai vào nồi đun sôi đến khi trai há miệng. Nhặt lấy thịt trai, phần nước gạn trong. (Để trai được sạch và khi nấu không bị tanh nên ngâm trai với vài lát gừng và ớt để trai nhả hết bùn đất).
- Thịt trai bỏ phần bẩn, rửa sạch, thái miếng nhỏ, hành lá, rau răm nhặt rồi rửa sạch thái nhỏ.
- Phi thơm hành khô với chút dầu ăn cho trai vào xào, nêm chút bột canh rồi cho thịt trai ra bát.
- Phần gạo nếp và gạo tẻ cho vào máy xay rối rồi ngâm gạo khoảng 2 giờ để khi nấu gạo sẽ nhanh nở và mau nhừ.
- Cho gạo vào nồi ninh cùng nước luộc trai, thỉnh thoảng khuấy đều để gạo không bị vón cục và khê ở đáy nồi. Nếu thấy cạn nước thì thêm phần nước trai hoặc nước lọc vào đun cho đến khi hạt gạo nở và chín mềm. Nêm nước mắm ngon cho vừa miệng. Khi thấy nồi cháo chín cho thịt trai vào đảo đều lên nấu thêm khoảng 2-3 phút, thêm ít hành răm thái nhỏ và chút mì chính.
-
Súp khoai lang
Súp khoai lang là một sự lựa chọn thông minh cho các bà mẹ khi có con rơi vào tình trạng ngại ăn uống, nhất là các loại rau củ. Khoai lang là một món cung cấp nhiều chất xơ, tinh bột và các loại chất khoáng, vitamin: vitamin C, D,... tốt cho hệ tiêu hóa, xương đồng thời mang cho bé yêu một nguồn năng lượng lớn đủ để thực hiện các hoạt động hàng ngày của bé.
Nguyên liệu:
- Khoai lang to: 2 củ
- Hành tây: 1 củ
- Nước dùng gà: 4 chén
- Gia vị, dầu ăn hoặc bơ
Cách chế biến:
- Hành tây xắt miếng mỏng theo chiều dọc của củ hành.
- Khoai lang gọt vỏ thái miếng nhỏ để khi nấu sẽ nhanh mềm.
- Đun chảy bơ hoặc đun nóng dầu ăn trong một nồi to, cho hành tây vào xào với chút muối cho tới khi hành mềm, chuyển màu vàng nâu rồi cho khoai vào xào cùng. Nêm chút gia vị cho ngấm.
- Cho nước dùng gà vào nồi khoai, đun với lửa to cho đến khi sôi thì hạ bớt lửa xuống mức thấp để nồi súp sôi lăn tăn khoảng 30 – 40 phút cho đến khi khoai chín mềm thì tắt bếp.
Cho khoai vào máy xay sinh tố hoặc dùng máy xay cầm tay, xay nhuyễn. Nêm nếm lại cho vừa miệng.
-
Cháo tôm với cải ngồng
Cháo tôm cải ngồng là một món ăn vô cùng bổ dưỡng đối với trẻ đang trong độ tuổi ăn dặm, món cháo dinh dưỡng này cung cấp đầy đủ những dưỡng chất cần thiết và những thành phần dinh dưỡng có giá trị cao từ tôm và rau cải ngồng giúp bé phát triển toàn diện và cân đối về thể lực và trí lực. Trong những ngày đông lạnh này, mẹ hãy nấu món cháo thơm ngon bổ dưỡng này giúp bé khoẻ mạnh hơn nhé.
Nguyên liệu:
- Tôm: 5 con
- Cháo trắng: 2/3 chén
- Cải ngồng: 4 lá
- Nước mắm
- Dầu ăn cho bé
- Ngò rí
- Nước lọc
Cách chế biến:
- Tôm sú rửa sạch, lột vỏ, bỏ đường chỉ đen trên lưng, sau đó đem xay nhuyễn. Cho 2 muỗng canh nước lọc vào tôm và đánh tan phần tôm. Làm như vậy tôm sẽ không bị vón cục khi nấu.
- Cải rửa sạch, băm nhuyễn.
- Cho nồi lên bếp, cho cháo trắng vào, cho thêm 30ml nước lọc vào, khuấy đều đun sôi.
- Cho tôm đã được đánh tan vào. Đợi cháo sôi trở lại thì cho cải ngồng vào.
- Nấu thêm 2 phút nữa, nêm vào đó 1 muỗng cà phê nước mắm ngon.
- Cho ít ngò rí và 2 muỗng dầu ăn cho bé vào.
- Múc cháo ra chén và cho bé ăn khi cháo còn ấm.
-
Cháo rau ngót thịt heo
Cháo thịt heo rau ngót là món ăn đơn giản mà vẫn giàu dinh dưỡng dành cho các bé với thịt lợn tươi ngon, mềm, giàu protein cùng rau ngót xanh giàu chất xơ giúp hệ tiêu hóa của bé luôn khỏe mạnh. Món này rất thích hợp cho trẻ lười ăn rau.
Nguyên liệu:
- Gạo tẻ trắng vo sạch: 50g
- Thịt lợn thăn: 100g
- Rau ngót: 1 bó nhỏ
- Gia vị: nước mắm ngon, mì chính, dầu ăn.
Cách chế biến:
- Thịt lợn rửa sạch, thái lát mỏng, sau đó băm hoặc say nhỏ bằng máy say sinh tố. Tẩm ướp gia vị, cho thêm khoảng 3 thìa nước lọc để giúp thịt mềm hơn.
- Rau ngót rửa sạch, thái chỉ nhỏ.
- Cho gạo và nước vào nồi nấu cháo theo công thức 1:10 tức là 1 phần gạo và 10 phần nước. Các bạn nhớ là trong giai đoạn này bé sẽ ăn cháo loãng hơn so với giai đoạn sau nên công thức nấu cháo sẽ là 1:10 nhé.
- Cho thịt đã ướp, gia vị vào nồi, đảo đều, đun sôi.
- Cho thêm rau ngót vào, nêm nếm gia vị thêm một lần nữa. Đun cho đến khi cháo sánh.
-
Cháo kê thịt gà
Cháo kê thịt gà rất thích hợp cho trẻ ở giai đoạn ăn dặm bởi vừa thơm ngon lại giàu dưỡng chất. Kê cũng khá giống với gạo nhưng nó có vị thơm đặc biệt và tương đối mềm trong khi thịt gà có vị ngọt lại giàu giàu protein và các khoáng chất như phốt pho, niacin, vitamin B6, selen và rất ít chất béo.
Nguyên liệu:
- Thịt lườn gà: 1 miếng
- Kê: 2 nắm
- Gạo nếp: 1 nắm
- Gạo tẻ: 1 nắm
- Hành lá, gia vị
Cách chế biến:
- Gà rửa sạch, luộc chín, xé sợi nhỏ; gạo nếp, gạo tẻ vo chung, để ráo; kê nhặt sạch sạn rồi vo sạch, hành lá thái nhỏ.
- Cho gạo nếp, gạo tẻ, kê vào nồi ninh cùng với nước luộc gà.
- Khi cháo đã mềm cho thịt gà vào, ninh thêm 5 phút, rắc hành lá lên mặt.
-
Cháo lươn cải thìa
Có lẽ các mẹ không còn quá lạ lạ với món lươn truyền thống tuy nhiên để có được món ăn đầy đủ dưỡng chất cho bé người ta chọn cách kết hợp với một chút cải thìa để có thêm chất xơ và tốt cho hệ tiêu hóa. Cách thực hiện món ăn này cũng khá đơn giản.
Nguyên liệu:
- Lươn: 50g
- Cải thìa: 1 cây
- Cháo trắng: 2/3 chén
- Nước dùng: 30ml
- Nước mắm
- Dầu ăn cho bé
Cách chế biến:
- Lươn mua về rửa sạch với giấm ăn, xay nhuyễn
- Cải thìa rửa sạch, băm nhỏ.
- Cho cháo trắng và nước dùng vào nồi nấu, cháo sôi thì cho cải thìa vào
- Khoảng 2 phút sau cho lươn vào, đảo đều và nhanh tay.
- Thêm gia vị và dầu ăn.
-
Khoai tây nghiền pate gan
Nếu các bé cảm thấy nhàm chán với những món súp hay cháo quen thuộc thì khoai tây nghiền pate là một sự lựa chọn hoàn hảo cho các mẹ. Trong khoai tây chứa một lượng protein rất lớn mà các bữa ăn hàng ngày khó tổng hợp được như lysine, methionine, threonin, tryptophan. Vì thế, bổ sung khoai tây mỗi ngày sẽ cung cấp 50-75% năng lượng và đảm bảo nhu cầu tăng trưởng của bé. Bên cạnh đó pate gan lại là kho dự trữ rất nhiều dưỡng chất như glycogen, vitamine (B 1 , B 2 , B 6 , B 12 , A,...). Sự kết hợp giữa hai loại thực phẩm này sẽ đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Nguyên liệu:
- Khoai lang tây: 40gr
- Sữa: 3 thìa
- Pate gan: 2 thìa
- Lòng đỏ trứng: 1
Cách chế biến:
- Khoai lang tây rửa sạch, gọt vỏ, thái thành lát thật mỏng, cho vào lò vi sóng làm chín. Khoai chín, lấy ra để nghiền thật mịn.
- Đánh tan lòng đỏ trứng và sữa, cho vào nồi đun nhỏ lửa, đảo đều để sữa không bị bén nồi.
- Khi sữa sôi cho khoai tây và pate vào, đảo đều và tiếp tục đun sôi trở lại.
-
Súp cá hồi bí đỏ
Súp cá hồi bí đỏ là một sự kết hợp khôn khéo của các bà nội trợ giữa 2 thực phẩm giàu chất dinh dưỡng là cá hồi và bí đỏ. Bí đỏ là loại thực phẩm đã quá quen thuộc trong mỗi bữa ăn của người Việt, nó chứa một hàm lượng lớn vitamin A, C, E, B6 và các khoáng chất như kali phốt pho mangan sắt,... Cá hồi cũng không còn quá xa lạ với người Việt, loại thực phẩm này rất giàu protein, Niacin , Vitamin B12 , Selen và các khoáng chất cần thiết.
Nguyên liệu:
- Bí đỏ: 1 quả nhỏ
- Cá hồi: 300 gr
- Bơ: 2 muỗng
- Nước cốt gà : 4 muỗng canh to
- Hành tây: 1/2 củ
- Gia vị: muối, bột nêm, nước mắm
Cách chế biến:
- Bí đỏ gọt vỏ, làm sạch, cho vào lò nướng đến khi bí mềm (bạn cũng có thể luộc bí với một chút muối nếu không có lò nướng). Bí chín đem xay nhuyễn.
- Hành tây cắt khoanh.
- Cá hồi hấp cách thủy, khi chín xé nhỏ
- Cho bơ vào chảo nóng, khi bơ tan cho hành tây và các hồi vào xào chín, cho thêm nước cốt gà vào đun sôi.
- Đợi hỗn hợp này nguội vào máy xay sinh tố, xay thật nhuyễn.
- Bắc nồi lên bếp, cho bí, hỗn hợp trên vào đun sôi.
- Múc ra tô, rồi rắc 1 chút hành lá lên để trang trí cho bắt mắt.
-
Khoai sọ nấu rau cải
Không chỉ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể như vitamin A, B, C và các axit amin cần thiết…, khoai sọ còn có tác dụng nhuận tràng và chống táo bón trong khi rau cải cũng rất giàu vitamin và chất xơ. Sự kết hợp này rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.
Nguyên liệu:
- 3 thìa khoai sọ
- 1 thìa rau cải băm nhỏ
- 5 đến 6 thìa nước hầm xương (nước hầm chân gà + mía...)
Cách chế biến:
- Khoai sọ gọt vỏ, rửa sạch. Tùy kích cỡ có thể bổ làm 3, làm 4, sau đó luộc chín, rồi dùng thìa rằm nát.
- Rau cải lấy phần lá, luộc chín, sau đó băm nhỏ.
- Cho khoai sọ, rau, nước hầm xương vào nồi, đun lại cho sôi 1 lát là được.
-
Cháo nấm rơm
Nếu bé đã chán những món ăn từ cá hay thịt thì cháo nấm rơm chính là sự lựa chọn hàng đầu. Đây là món chay thanh đạm nhưng rất giàu dinh dưỡng cung cấp năng lượng cho hoạt động hàng ngày của trẻ.
Nguyên liệu:
- 40 g gạo
- 100g tôm
- 100g nấm rơm
- Đậu hũ chiên: 1 miếng
- Hành khô: 2 củ
- Hành lá
- Gia vị: nước mắm, tiêu, muối, bột nêm
Cách chế biến:
- Gạo vo sạch, để ráo nước rồi cho vào nồi ninh nhừ với 350 ml nước lọc.
- Hành khô lột vỏ, băm nhuyễn chia thành 2 phần.
- Tôm làm sạch, bỏ đầu, băm nhuyễn rồi cho vào ướp cùng với hành khô, tiêu và 1 thìa nước mắm để trong 30 phút.
- Nấm rơm bổ đôi, ngâm với nước muối loãng rồi vớt ra để ráo nước. Đậu hũ cắt miếng nhỏ.
- Cho phần hành khô còn lại vào phi thơm với dầu ăn, đổ tôm vào cùng với nấm, xào chín. Nêm gia vị vừa ăn.
- Đợi cháo nhuyễn, rồi cho nấm cùng với tôm vào, đảo đều. Nêm lại thêm 1 lần nữa. Cháo chín, múc ra bát, cho đậu hũ vào và rắc vài cọng hành lá lên trên cho đẹp mắt.