Chùa Sóc Lớn
Chùa Sóc Lớn là ngôi chùa Khmer lâu đời nhất ở Bình Phước, được xây dựng năm 1931, đến năm 1937 chùa được khánh thành. Năm 1972, trong chiến dịch Nguyễn Huệ, chùa bị trúng bom của đế quốc Mỹ và bị sập hoàn toàn. Phật tử và bá tánh cho lập một ngôi nhà tranh để thờ các bức tượng. Năm 1995, Đại đức Lý Sang đã vận động các phật tử cùng nhân dân đóng góp làm ngôi Sa La (nơi để sư dùng cơm và ở) như hiện nay.
Kiến trúc của chùa Sóc Lớn đã thể hiện được kiến trúc tổng thể của một ngôi chùa Khmer, bao gồm nơi dạy học, Sa La, chánh điện, tháp thờ đức Phật… Đây là ngôi chùa theo phái Phật Giáo Nam Tông nên tượng thờ hầu hết là tượng Thích Ca đã có từ năm 1937 trở về trước.
Chùa Sóc Lớn là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, xã hội của cộng đồng người Khmer, là một “bảo tàng” giúp cho chúng ta có cái nhìn toàn diện về phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng và bề dày lịch sử văn hóa của dân tộc Khmer. Ngôi chùa còn có chức năng là một ngôi trường dạy chữ, dạy đạo lý nổi tiếng nơi đây.