Top 10 Ca khúc bất hủ về mùa thu Hà Nội.
Mỗi mùa qua đi đất nước lại đổi mình và Hà Nội cũng vậy, mỗi tiết trời mang một nét đẹp riêng nhưng có lẽ tiết trời thu Hà Nội được ... xem thêm...xem là đẹp nhất và cũng làm cho con người ta mang nhiều tâm trạng nhất. Những ca khúc sau được coi là những ca khúc bất hủ về mùa thu Hà Nội.
-
Có phải em mùa thu Hà Nội - Tô Như Châu, Trần Quang Lộc
Có phải em mùa thu Hà Nội là một bài thơ được nhà thơ Tô Ngọc Châu sáng tác năm 1970 sau đó được nhạc sĩ Trần Quang Lộc chắt lấy những vần thơ đắt nhất để cho ra đời bài hát "có phải em mùa thu Hà Nội" được ca sĩ Thái Thanh trình bày lần đầu tiên năm 1972, sau đó đã có rất nhiều ca sĩ hát thành công ca khúc này như Hồng Nhung, Thu Phương.
Ca khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội” không chỉ khán giả mà cả giới chuyên môn đánh giá cao, bởi giai điệu ngọt ngào và ca từ lãng mạn, thấm đẫm chất “Hà Nội”. Điều thú vị là hai tác giả Tô Như Châu, người viết lời và nhạc sỹ Trần Quang Lộc, viết nhạc đều chưa được đặt chân tới Hà Nội. Nhưng xuất phát từ tình cảm của mỗi người Việt Nam khi nghĩ về Thủ đô ngàn năm văn hiến, họ đã làm nên nhạc phẩm tuyệt vời về mùa thu - Mùa đẹp nhất của Thủ đô.
Nói về ca khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội” nhạc sỹ Trần Quang Lộc cho biết: ‘Tôi chỉ là người chắp cánh cho những vần thơ của nhà thơ Tô Như Châu bay lên. Và nếu không có con mắt tinh đời của nhạc sỹ Đức Trí thì có lẽ mãi ca khúc này vẫn nằm trong ngăn kéo. Tôi xin cảm ơn mọi người.”
-
Nhớ mùa thu Hà Nội - Trịnh Công Sơn
Ca khúc được sáng tác năm 1985 lấy cảm hứng chủ đạo là nỗi nhớ, khi tình yêu giữa đất và người vừa chớm nở đã phải chia xa. Ca khúc có mặt trong hầu hết list nhạc của người yêu Hà Nội. Từng có nhiều giọng ca thể hiện ca khúc này nhưng có lẽ Hồng Nhung là người thể hiện thành công nhất. Giọng hát của chị khiến cho những ai xa Hà Nội cũng phải xốn xang, bồi hồi, nhung nhớ… về một Hà Nội với bao sắc Thu đặc trưng.
Nhớ mùa thu Hà Nội ra đời trong một tháng “gặp gỡ” của những tâm hồn đồng điệu. Bài hát lấy cảm hứng chủ đạo là nỗi nhớ, khi tình yêu giữa đất và người vừa chớm nở đã phải chia xa. Ca khúc có mặt trong hầu hết list nhạc của người yêu Hà Nội. Cùng sự thể hiện của Hồng Nhung, Nhớ mùa thu Hà Nội làm người đi xa không khỏi xốn xang, người ở gần không khỏi bồi hồi vào những buổi sớm heo may trong lòng thành phố.
Sở dĩ Nhớ mùa thu Hà Nội khơi gợi nên tình cảm thân thuộc đến thế là bởi Trịnh Công Sơn đã bắt được “thần thái” của một thủ đô cổ xưa, trầm mặc, thiêng liêng trong ký ức mọi người. Những cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu là những hình ảnh khó có thể bắt gặp ở bất cứ đâu. Nó hiển hiện trong tâm trí người yêu Hà Nội như tranh phố Phái, như cốm làng Vòng, hay những con đường hoa sữa nồng nàn tháng 10.
-
Hà Nội mùa thu - Vũ Thanh
Bài hát được sáng tác năm 1980 và nhanh chóng trở thành tác phẩm bất hủ về Hà Nội. Mùa thu Hà Nội trong bài hát này vừa cụ thể lại vừa trừu tượng, vừa lịch sử lại vừa hiện đại, lấp lánh tương lai. Đó là một “mùa thu mới” không còn khói lửa đạn bom mà lắng đọng suy tư, bâng khuâng xao xuvến: “Anh nghe chăng/Trong lắng sâu nơi hồng trái tim mình/ Hà Nội mùa Thu ôi xao xuyến trong lòng ta/ Như bâng khuâng nghe gió đưa vang vọng giữa Ba Đình…”
Ca khúc “Hà Nội mùa Thu” đích thực là một bản tình ca trong sự chân thành, giai điệu toát lên vị ngọt ngào, vẻ dìu dặt mê say chỉ có trong tình yêu. Chỉ có điều đôi lứa trong tình khúc này đã suy nghĩ đến những điều lớn lao hơn, liên quan đến nhiều người, đến cuộc đời mà từ đó mới có họ. Đó cũng chính là đặc điểm của những bản tình ca cao đẹp trong dòng chảy các ca khúc cách mạng.
-
Đoản khúc thu Hà Nội - Trịnh Công Sơn
Bài hát này được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1995 mang vẻ nhẹ nhàng, ấm áp cũng giống như nhịp sống lặng lẽ, âm thầm của Hà Nội. Ở ca khúc này hình ảnh về thành phố nghìn năm lại là một "mùa thu tràn nỗi nhớ".
“Đoản khúc thu Hà Nội” có một vẻ lãng đãng rất Trịnh Công Sơn, với những câu hỏi đặt ra và những câu trả lời thường mang dáng vẻ …mơ hồ, nhưng chính cách sử dụng từ ngữ theo cách ấy làm cho ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn thường mang vẻ đẹp mong manh và …không thể nắm bắt.
Một "Đoản khúc thu Hà Nội" lưu ảnh Hà thành nghìn năm, với xào xạc lá với má ửng hồng... khiến bước chân người nghệ sĩ không đành xa.
-
Hà Nội đêm trở gió - Chu Lai, Trọng Đài
Ca khúc này dường như đã trở nên quá đỗi thân quen với người Hà Nội nói riêng và những người mến mộ Hà Nội nói chung. Nhưng không phải ai cũng biết về xuất xứ đặc biệt của ca khúc này. Mình chia sẻ với các bạn thông tin này nhé!. Vào năm 1993, lần đầu tiên bài hát Hà Nội đêm trở gió (nhạc Trọng Ðài, lời Chu Lai- Trọng Ðài) được trình diễn qua giọng hát của ca sĩ Tuyết Tuyết trong một vở kịch cùng tên của nhà văn Chu Lai do Nhà hát kịch Hà Nội công diễn tại rạp Công nhân (Hà Nội).
Tuy là tác phẩm viết riêng cho vở kịch nhưng bài hát Hà Nội đêm trở gió của nhạc sĩ Trọng Đài với âm điệu trữ tình, sâu lắng đã nhanh chóng đến với giới yêu nhạc cả nước, nhất là từ khi "những giọng ca vàng ASEAN-96"- qua chương trình ca nhạc tường thuật trên VTV - cùng nắm tay cất tiếng hát hoà chung bài hát này. Sau này, Ca khúc này cũng gắn liền với cái tên Mỹ Linh.
-
Hoa sữa - Hồng Đăng
Xuất hiện lần đầu tiên trong bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ của nữ đạo diễn Đức Hoàn vào năm 1978, “hoa sữa” đã nhanh chóng tìm được chỗ đứng riêng trong đời sống âm nhạc. “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng mãi sống trong tiềm thức của người yêu nhạc Việt Nam như là một trong những ca khúc hay nhất về mùa thu Hà Nội. NSND Lê Dung là người đầu tiên thể hiện ca khúc này nhưng đến những năm 90, “hoa sữa” lại được khán giả biết đến nhiều hơn qua giọng ca của nữ ca sĩ Thanh Lam.
Nhạc sĩ Hồng Đăng chia sẻ: "Hoa sữa từng được nhiều ca sĩ thể hiện nhưng mỗi ca sĩ hát bằng trải nghiệm, bằng tình yêu riêng của mình không ai giống ai. Mỗi giọng hát đều đem lại cho ca khúc một vẻ đẹp riêng không dễ so sánh ai hơn ai kém. Nếu Nhã Phương là người đầu tiên đưa Hoa sữa chính bước lên trên sân khấu âm nhạc thì Thanh Lam, là người đưa Hoa sữa đến với công chúng rộng rãi hơn qua băng hình có công sức dàn dựng không nhỏ của đạo diễn Phạm Hoàng Nam”.
-
Đâu phải bởi mùa thu - Phú Quang
Ca khúc được sáng tác năm 1976 dựa trên ý thơ của nhà thơ Giáng Vân trong bài thơ "yên tĩnh", tuy nhiên phải 10 năm sau bài hát này mới đến được với công chúng. Thanh Lam là một trong những ca sĩ thể hiện thành công bài hát này.
Thông điệp mà Phú Quang tự gửi tới mình và cả những ai đang yêu, đã yêu và chia ly qua “Đâu phải bởi mùa thu” là: “Đừng nghĩ chia li là do lỗi của một người. Tình yêu có lý lẽ riêng của nó. Có thể lỗi ở cả hai người, cũng có thể không bởi tại ai mà chỉ do hoàn cảnh, số phận xô đẩy. Đừng buồn bã, giày vò nhau vì những chia xa…”.
Mùa thu đẹp nhưng buồn, những chiếc lá vàng rơi xuống là biểu tượng của mùa thu nhưng có đôi khi lá vàng rơi cũng chẳng phải do mùa thu, mùa nào cũng có cái niềm riêng, thế nên mới có “Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu”. Phú Quang là vậy, trong nỗi buồn sâu lắng vẫn ánh lên niềm tin yêu trong cuộc sống, thúc giục người ta cố gắng kiếm tìm những khoảng trống trong tâm hồn để lấp đầy nó bằng niềm tin mãnh liệt. -
Hương ngọc lan - Anh Quân, Dương Thụ
Không ở đâu có những góc phố có cây ngọc lan và mùi hương ngọc lan đặc trưng như Hà Nội. Đó là những nét rất riêng của Hà Nội, nó mang hơi thở của mùa thu Hà Nội.
Ca khúc do Anh Quân – Dương Thụ sáng tác nằm trong album “tóc ngắn” của Mỹ Linh ra mắt năm 2000. Bài hát là câu chuyện của một cô gái đối thoại với người yêu ở một góc phố vào chiều cuối thu. Bài hát đã được rất nhiều ca sĩ trẻ hiện hiện lại dưới nhiều bản phối khác nhau nhưng đi vào lòng người nhất vẫn là bản gắn với giọng hát Mỹ Linh.
Sau này, ca sỹ trẻ Kimmese cũng đã phối lại bài hát và được khá nhiều các bạn trẻ đón nhận.
-
Im lặng đêm Hà Nội - Phạm Thị Ngọc Liên, Phú Quang
Chẳng thế mà hầu như những ai yêu Hà Nội không thể không biết những câu hát: Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn/ Trong căn phòng nhỏ.../ Chỉ còn mênh mông gương hồ/ Hiu hắt soi những cây bàng lá đỏ… Đó chính là lời bài hát Im lặng đêm Hà Nội mà nhạc sĩ Phú Quang đã phổ từ thơ Phạm Thị Ngọc Liên.
Đúng là chỉ có sự đồng cảm giữa nhạc sĩ và nhà thơ thì tác phẩm đó mới biến thành con chim biết hót được. “Nhạc sĩ Phú Quang khi đọc bài thơ Im lặng đêm Hà Nội: Anh đi có đôi lần nhìn lại/ Chỉ còn em, im lặng đến tê người, đến câu cuối cùng của bài thơ anh có cảm giác tê người, tê thực sự”, nghĩa là anh cảm thấy như thế, như anh đã trải qua điều đó rồi, đó là sự đồng điệu” - nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên nói.
Đây là một bài thơ nổi tiếng của Phạm Thị Ngọc Liên được in trong tập thơ "thức đến sáng và mơ" năm 2004. Nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc bài thơ này khi tìm được sự đồng cảm đến “tê người” từ những câu thơ cuối cùng của bài thơ. Ngọc Tân, Thanh Lam, Ngọc Anh, Phương Anh đã tìm đến “Im lặng đêm Hà Nội” để trải lòng mình.
-
Nồng Nàn Hà Nội - Nguyễn Đức Cường
Nếu phải kể tên nhạc sĩ 8X có những sáng tác về Hà Nội hay nhất chắc chắn người nghe nhạc sẽ nhớ ngay đến nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường. Anh được xem là một nhạc sĩ khá thành công với những ca khúc trở thành hit và giành được nhiều giải thưởng. Tiêu biểu là bài hát Nồng nàn Hà Nội.
Ca khúc này được viết khoảng năm 2007, ca khúc phong cách rock unplugged pha lẫn R&B là cái nhìn chân thực nhưng không kém phần lãng mạn về Hà Nội đương đại và nó từng được Hoàng Hải thể hiện thành công.
Nồng nàn Hà Nội trở thành một hiện tượng của nhạc trẻ Việt, lời bài hát giống như một sự kể lể, "điểm danh" về những điều mà đôi mắt người nhạc sĩ này đã thu lại được... Càng nghe càng thấy hay, càng "ngắm" càng thấy đẹp: "Đưa em đi qua phố phường bao sắc màu bao ánh đèn, ngồi ăn một quán ven đường, Hà Nội nhẹ nhàng ấm áp, dịu dàng đậm chất thơ, một ngày xa một cảm giác, lòng chợt nhớ...".