Top 15 Địa điểm du lịch nổi tiếng tại tỉnh Quảng Trị
Quảng Trị thuộc dải đất miền Trung đất nước và là nơi sở hữu những điểm tham quan rất đáng để đến khám phá mà không phải ai cũng biết đến. Nơi đây có cảnh quan ... xem thêm...yên bình với những con người chân chất, mộc mạc cùng những kí ức lịch sử vẫn còn in dấu. Đến Quảng Trị, bạn sẽ không chỉ được nghỉ ngơi và tham quan mà hơn hết, bạn sẽ học và hiểu ra rất nhiều điều, được đong đầy trải nghiệm cuộc sống quý giá mà không phải điểm đến nào cũng mang lại cho bạn. Quảng Trị - mảnh đất anh hùng là địa điểm du lịch thích hợp với những ai yêu thích lịch sử, đất nước và con người Việt Nam. Con người nơi đây với truyền thống chịu thương, chịu khó, cần cù, luôn anh dũng kiên cường đã làm nên những kỳ tích hào hùng và làm nên nhiều di tích lịch sử vô cùng quý giá.
-
Thành Cổ Quảng Trị
Thành Cổ Quảng Trị thuộc địa phận phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, cách quốc lộ 1A khoảng 2 km về phía Đông, được biết đến qua cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành khốc liệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nơi đây vừa là thành lũy quân sự, vừa là trụ sở hành chính của nhà Nguyễn từ năm 1809 đến năm 1945 và cho đến nay, Thành Cổ Quảng Trị trở thành điểm tham quan, nghĩa trang không nấm mồ, ngôi mộ chung của những người lính đã ngã xuống vì quê hương, đất nước.
Công trình này là một tòa thành có cấu trúc hình vuông theo kiểu Vauban, được bao quanh bởi hệ thống hào thành, dưới thân thành có đường phòng hộ. Trước mỗi cửa thành đều có chiếc cầu xây vòm cuốn nối bên trong với bên ngoài, bắc qua hào thành. Ngày nay, phía Tây của Thành Cổ là một công viên, quảng trường rộng lớn, nối liền di tích Thành Cổ - sông Thạch Hãn thành một quần thể di tích với các hạng mục: Tháp chuông, nhà tưởng niệm, bến thả hoa đăng... Nơi đây là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước và điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
-
Địa đạo Vĩnh Mốc
Địa đạo Vĩnh Mốc là một công trình đặc biệt thuộc địa phận xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Nơi đây được mệnh danh là vùng đất lửa bởi từng là tọa độ chết - mục tiêu hủy diệt của địch, song Địa đạo Vĩnh Mốc đã chở che cho biết bao người dân bảo toàn mạng sống.
Hệ thống địa đạo gồm 3 tầng với độ sâu và chức năng khác nhau:
- Tầng 1: sâu khoảng 12 - 15 m, là nỏi chiến đấu và trú ẩn tạm thời
- Tầng 2: sâu khoảng 18 m, là nơi sống và sinh hoạt của người dân
- Tầng 3: sâu 22 m, là kho chứa hậu cần phục vụ chiến đấu và cung cấp cho đảo Cồn Cỏ.
Du khách đến đây tham quan, khám phá mới hiểu được phần nào cuộc sống gian nan và ý chí kiên cường của quân và dân ta trong những năm tháng kháng chiến. Địa đạo Vĩnh Mốc là một minh chứng hùng hồn cho khát vọng sống mãnh liệt, yêu chuộng hòa bình, là niềm tự hào của dân tộc và con người Việt Nam.
-
Hang động Brai
Hang động Brai nằm sát biên giới Việt - Lào, thuộc địa phận thôn A Sóc, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hòa, tỉnh Quảng Trị, là điểm du lịch được biết đến với vẻ đẹp hoang sơ. Nơi đây được nhiều dân phượt biết đến và mê mẩn trước vẻ đẹp của nhiều khối thạch nhũ có tuổi thọ hàng trăm năm.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, hang động Brai trở thành nơi để người dân cùng bộ đội tránh đạn bom và đến nay, nơi đây trở thành điểm du lịch mới lạ của Quảng Trị. Đến đây, du khách sẽ ấn tượng bởi vẻ đẹp hoang sơ và càng kỳ vĩ khi đi vào bên trong. Các khối thạch nhũ lớn có hình thù độc đạo với nhiều màu sắc khác nhau như: cam, trắng, vàng... cùng nhiều bãi đá, dòng suối nhỏ, làm say đắm lòng người.
-
Cầu Hiền Lương và sông Bến Hải
Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải thuộc km 735, thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị nối liền quốc lộ 1A. Đây chính là cây cầu chia cắt hai miền Nam - Bắc của Việt Nam trong hơn 20 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra.
Sông Bến Hải bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy núi Trường Sơn, là ranh giới giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tính Quảng Trị. Đây là một dòng sông nhỏ, dài gần 100 km, nơi rộng nhất khoảng 200 m, nơi hẹp nhất khoảng 20 - 30 m và tại vị trí cầu Hiền Lương, lòng sông rộng 170 m.
Cầu Hiền Lương được xây dựng bằng gỗ thô sơ dành cho người đi bộ vào năm 1922 và đã bị máy bay Mỹ ném bom phá sập. Đến năm 1952, cầu được Pháp xây dựng lại dài 178 m, gồm 7 nhịp, 894 tấm ván, có trụ bằng bê tông cốt thép. Khi sông Bến Hải trở thành giới tuyến, cầu được chia làm hai phần, mỗi bên dài 89 m và được sơn hai màu khác nhau, đường ranh giới giữa hai miền là một vạch sơn trắng rộng 1 cm.
-
Thành Tân Sở
Thành Tân Sở thuộc địa phận xã Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Đây là di tích thành lũy quân sự cuối cùng của triều đại phong kiến nhà Nguyễn, nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử quan trọng của phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp đầu thế kỉ XX. Tân Sở thuộc vùng đất đỏ Cùa, là một vùng đất đặc biệt về vị trí, cách xa đồng bằng, được bao bọc bốn bên bởi núi trùng điệp, che chở lũy thành. Với lợi thế này, binh lính và người dân đã đào đất trồng tre trong nhiều ngày đêm để tạo nên căn cứ vững chắc.
Thành có cấu trúc hình chữ nhật với chiều dài khoảng 548 m, chiều rộng 428 m và tổng diện tích là 22,9 ha. Thành Tân Sở gồm 4 cửa: Tiền, Hậu, Tả, Hữu được đắp bằng đất vững chắc, bên ngoài có rào bằng cọc nhọn và bao quanh thành là hệ thống hào sâu 2 m, rộng 10 m. Nơi đây ghi dấu nhiều chuyển biến lịch sử quan trọng trong lịch sử, tiêu biểu là sự kiện Tôn Thất Thuyết ban Hịch Cần Vương, kêu gọi nhân dân năm 1885.
Ngày nay, tuy Thành Tân Sở không còn nguyên vẹn do trải qua thời gian cùng chiến tranh, nhưng nơi đây đã trở thành dấu ấn lịch sử, điểm đến thu hút những người yêu lịch sử và là niềm tự hào của người dân Quảng Trị.
-
Khe Sanh
Khe Sanh là một thị trấn thuộc địa phận huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, nơi đây được biết đến là "Trận Điện Biên Phủ thứ hai". Nằm trong một thung lũng đất đỏ cao hơn mặt nước biển 400 m, Khe Sanh trở thành cứ điểm lớn nhất trong tuyến phòng thủ Đường 9, một trong ba "mắt thần" của hàng rào điện tử McNamara gồm Khe Sanh, Làng Vây và Tà Cơn. Khí hậu nơi đây mang nét đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm.
Ngoài ra, Khe Sanh còn là địa điểm được nhắc đến trong các bài hát của Việt Nam và là tựa đề của bài hát viết về những đắng cay mà binh lính Úc phải chịu đựng ở khu quân sự này, mặc dù số binh lính này tham chiến tại đây là rất ít.
-
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn nằm ở dưới chân phía Đông của dãy Trường Sơn, bên cạnh đường Hồ Chí Minh và cách cầu Bến Tắt khoảng 400 m, thuộc khu vực đồi Bến Tắt, xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hi sinh anh dũng trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước.
Nghĩa trang được xây dựng vào tháng 10 năm 1975 và hoàn thành vào tháng 4 năm 1977, là nghĩa trang có quy mô lớn nhất Việt Nam với hơn 10.000 phần mộ của các liệt sĩ và được phân thành 10 khu vực chính. Công trình này thể hiện lòng biết ơn sâu sắc và sự tôn vinh của Đảng, nhà nước và toàn bộ người dân Việt Nam đối với những người con yêu quý khắp mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
-
Bãi biển Cửa Tùng
Bãi biển Cửa Tùng thuộc địa phận huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng trị, giáp với Địa đạo Vĩnh Mốc và sông Bến Hải. Đây là bãi biển đẹp nhất tỉnh Quảng Trị với bãi tắm bằng phẳng, cát trắng mịn, nước biển trong xanh và được mệnh danh là "Nữ hoàng của những bãi tắm".
Cửa Tùng tựa lưng vào các làng biển thuộc xã Vĩnh Quang với bốn mùa rợp bóng màu xanh của hồ tiêu, chè và rừng phi lao. Nơi đây không chỉ là điểm du lịch nổi tiếng mà còn là địa danh lịch sử của tỉnh Quảng Trị. Du khách đến với Cửa Tùng là đến địa đạo Vĩnh Mốc, vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn... những cái tên ghi dấu một thời lịch sử hào hùng của dân tộc.
-
Đảo Cồn Cỏ
Đảo Cồn Cỏ nằm ở phía Tây của bãi biển Cửa Tùng, cách bờ biển Vĩnh Linh khoảng 30 km. Đây là một trong những hòn đảo đẹp hiếm có của miền Trung và như một chiến hạm trấn giữ phía Đông của Tổ quốc. Đảo có hình dạng tương đối tròn, diện tích khoảng 4 km2 và tuy cách đất liền chưa đến 30 km nhưng các phương tiện thông thường đều không thể ra đảo khi có gió cấp 6 trở lên.
Tuy nhiên, trong những năm tháng chiến đấu, hàng trăm chiến sĩ tự vệ đã quên hiểm nguy, bằng phương tiện thô sơ đã chở vũ khí và lương thực từ đất liền tiếp tế cho đảo. Đảo Cồn Cỏ có độ phủ từng chiếm 3/4 diện tích đảo nên không khí ở đây rất trong lành, cộng thêm những bãi biển hoang sơ tạo nên điểm thu hút nhiều du khách gần xa.
-
Thắng cảnh Đakrông
Thắng cảnh Đakrông là tên gọi chung của khu vực có khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ thuộc địa bàn huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Nơi đây là điểm nút quan trọng trên tuyến đường Hồ Chí Minh và Đường 9, nằm trên trục hàng lang kinh tế Đông Tây, có cửa khẩu thông thương với nước Lào. Đặc biệt, Đakrông có 28 di tích lịch sử và trên 10 hang động lớn nhỏ tạo điều kiện cho hoạt động du lịch diễn ra ở đây.
Ngoài ra, thắng cảnh Đakrông còn có sông Đakrông xinh đẹp ẩn dấu những huyền thoại đậm chất sử thi và nhân văn cùng cầu Đakrông duyên dáng giữa mây trời ngút ngàn. Đồng thời hệ sinh thái rừng đặc trưng ở đây có giá trị cao, là kho tàng động thực vật phong phú, đa dạng và quý hiếm, tạo điều kiện cho hình thức du lịch sinh thái và khám phá thiên nhiên ở đây phát triển.
-
Làng cổ Bích La
Làng cổ Bích La với 500 tuổi thuộc xã Triệu Đông, huyện Triệu La nổi tiếng là một vùng đất địa linh nhân kiệt. Nơi đây là quê hương của rất nhiều nhân tài của nước ta từ thời xưa tới nay mà trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến đồng chí Lê Duẩn. Đến thăm làng cổ Bích La, bạn sẽ được khám phá những câu chuyện thú vị, những điều mà chưa bao giờ bạn tìm thấy ở các tài liệu trong sách hay các trang báo. Ngoài ra, lễ hội đình Bích La được tổ chức vào đêm mồng 2, rạng sáng ngày mồng 3 Tết cũng là một hoạt động văn hóa rất đáng để bạn khám phá.
Không chỉ là vùng địa linh nhân kiệt, làng cổ Bích La còn là điểm tham quan ở Quảng Trị với một quần thể di tích đặc biệt, rất khác so với nhiều làng cổ ở Việt Nam. Xung quanh làng cổ có nhiều công trình kiến trúc tín ngưỡng tọa lạc, rất linh thiêng. Và tại ngay chính làng cổ 500 năm tuổi này hằng năm đều có hội chợ đình nổi tiếng, thu hút rất nhiều du khách từ mọi miền tìm về du xuân, tham quan. Ở đây còn lưu giữ nhiều trò chơi, thú vui dân gian như bài chòi, bình thơ, thổi gà đất, hát bá trạo, hò đối đáp, viết thư pháp…
-
Thánh địa La Vang
Thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, thánh địa La Vang là trung tâm Thánh mẫu của giáo hội Công giáo Việt Nam. Cái tên La Vang bắt nguồn từ một câu chuyện rất thú vị, đó chính là việc đạo Công giáo bị chống lại dưới thời vua Cảnh thịnh, nhà Tây Sơn nên dân Công giáo ở Quảng Trị đã di dời lên đây để tránh bị trừng phạt, do đặc điểm hẻo lánh của vùng đất này mà người dân giao tiếp với nhau bằng việc “la lớn” lên và tiếng la ấy luôn vang ra xa.
Nằm trong khu vực Dinh Cát thời chúa Nguyễn Hoàng, Thánh Địa La Vang là trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc của giáo hội Công giáo Việt Nam.Từ thành phố Huế theo quốc lộ 1A ra Bắc, trên địa phận xã Hải Phú, phía tay trái có 2 lối rẻ vào cách nhau chừng 5km, một chổ có tấm bảng đề “La Vang 4km”,và một chổ có tấm bảng đề “Thánh địa La Vang 2km” là con đường xưa khá rộng đưa khách hành hương vào với thánh địa,nơi các tín đồ Công giáo tin rằng, Đức Mẹ Maria đã hiển linh ở khu vực này vào năm 1798. Ngày nay, đây là nơi mà người Công giáo trên khắp đất nước ta đều hành hương về vào mỗi dịp quan trọng.
-
Núi Talung, núi Klu
Nằm hai bên đường 9 và đường 14, hai dãy núi Ta lung, Klu đứng sừng sững tạo nên một khung cảnh khá hùng vĩ. Hai dãy núi này sở hữu những thảm rừng giá rất quý hiếm trên đất nước ta hiện nay. Những cây rừng ở đây đa dạng, phong phú về chủng loại, kích thước, tuy nhiên, đa phần là những cây có đường kính 0,5 - 0,7m. Du khách đến đây vì thế sẽ có cơ hội được du lịch sinh thái với một một loại rừng còn tồn tại rất ít trên đất nước ta và tìm hiểu về những huyền thoại lịch sử liên quan đến địa điểm này còn lưu lại.
Những dãy núi Ta Lung, Klu…đứng sừng sững hai bên sông Đakrông, hai bên Đường 9, Đường 14, tạo nên một quần thể núi non ẩn hiện với mây, in hình xuống dòng sông. Núi ở đây vừa có những vách đá dựng đứng cao chót vót vừa là một trong những nơi rất hiếm ở miền Trung còn bảo quản được thảm rừng già. Cây rừng đủ chủng loại, loại cây có đường kính gần 1m chiếm số lượng lớn. Khách đến không chỉ để du lịch sinh thái, đắm chìm trong cõi rừng già mà còn tham quan những con đường mòn huyền thoại do cha ông đã tạo nên để vào Nam đánh quân xâm lược Mỹ.
-
Bãi biển Cửa Việt
Bãi biển Cửa Việt nằm ở thôn Tân Lợi, xã Gio Việt, huyện Gio Linh cách Tp Đông Hà 15km về phía Đông Nam, cách đường xuyên Á khoảng 1km về phía Bắc. Bãi biển trải dài khoảng hơn 1km từ cửa Tùng đến mũi Hàu. Biển Cửa Việt nổi tiếng với những bãi cát trải dài phẳng mịn, ven những hàng phi lau xanh tốt.
Môi trường bãi biển Cửa Việt khá lý tưởng lại thuận tiện giao thông: gần thành phố, gần trục đường xuyên Á, gần cảng… nên hàng năm bãi tắm biển Cửa Việt thu hút một lượng khách khá lớn đến tham quan, nghỉ dưỡng. Với không gian rộng du khách không những đến biển để tắm mà còn có thể chơi những trò chơi trên cát cực kỳ hấp dẫn và thu hút.
-
Đồi cát vàng Nhĩ Hạ
Đồi cát vàng Nhĩ Hạ nằm trong hệ thống các đồi cát trải dài từ Gio Thành đến Trung Giang thuộc huyện Gio Linh của tỉnh Quảng Trị. Đồi cát ấy có chiều cao khoảng 30m và được chia thành nhiều ngọn đồi sừng sững xếp cạnh nhau, trông giống như một bức tường thành vững chãi để ngăn nạn cát bay và gió mùa cho cư dân địa phương.
Một điều đặc biệt là do đồi cát vàng nằm giữa đồng bằng nên đứng trên đỉnh đồi chúng ta có thể quan sát được hầu như phong cảnh xung quanh. Vào những buổi sáng sớm có thể ngắm bình minh của biển, hay những lúc chiều tà chúng ta đều có thể ngắm được cảnh hoàng hôn của núi.
Vừa đặt chân lên từng sóng cát mịn màng, tuyệt đẹp của đồi cát vàng Nhĩ Hạ là bạn sẽ được trải nghiệm vô số những điều thú vị và bất ngờ. Nhưng có lẽ thời khắc đẹp nhất để ngắm cảnh là lúc bình minh hay hoàng hôn bởi khi đó mặt trời vừa ló dạng, cả đồi cát như được phát sáng, nhấp nhô trong gió.