Gọi về niềm yêu dấu.
Bao lâu rồi ấy nhỉ, cứ như đã hơn nửa đời người tôi chưa được ăn lại món cháo nghệ mà nội đã từng chăm chút cho chúng tôi từ thuở xa xưa…
Còn nhớ cái lưng còng của nội cúi thật sát để nhặt cho bằng sạch chỗ tấm đầy sạn nằm trên dần. Ken dày những đầu lúa lởm chởm. Nội hết sàng, sảy lại cố nhặt như chú gà chăm chỉ. Nắm tấm sau khi nhặt xong nằm gọn ghẽ trong chiếc bát sành to bè. Lấy một chiếc nồi đã đen nhẻm nhọ, mà quên, chiếc nào cũng đen nhẻm nhọ. Nội hì hà đãi sạn, như kiểu người ta lắng vàng. Chỉ khác, thứ lóng lại dưới đáy chiếc bát sành phải đổ đi. Bọn gà con như chỉ chờ có thế, sán tới mổ lấy mổ để. Chao kĩ càng cho những đầu lúa còn sót lại trôi hết ra ngoài, nội thổi lửa. Từng bẹ tàu cau cháy hỗn lan ra mép bếp. Nội đưa tay dụi ngay vì sợ lửa cháy lan lên mớ củi rác bùi nhùi để dành đun cám lợn. Mấy thanh củi bạc hà cháy điềm đạm hơn được nội tin cậy cho vào bếp. Chỉ với một nhúm tấm mà nội bắt cái nồi to đùng. Nội bảo cho nước cháo khỏi trào. Nấu cháo mà để trào là mất hết dưỡng chất, mất hết vị ngon. Nội dặn tôi canh chừng bếp lửa. Phần nội ra sau hè đào tép nghệ. Nội kì cọ thật sạch rồi cho vào cối giã. Nghệ giã xong được nội lấy miếng vải mùng bọc lại rồi vắt bằng sạch chỗ nước dẻo kềnh vàng sánh. Nồi cháo sau một hồi lửa đã nghe thơm lừng mùi gạo. Những cái bụng réo rắt thòm thèm. Những đôi mắt hau háu đói ăn. Cả những chiếc mũi như càng nở to hít lấy hít để. Tội nghiệp, cái thời ấy khổ quá, đến bữa cơm còn trầy trật. Con nít tụi tôi làm gì có được tấm bánh đồng quà. Cứ lang thang ngoài vườn hái hết dái mít, tới lá mít non cuộn với hạt muối sống nhai rau ráu, vị chát mặn quắn lại nơi đầu lưỡi, rồi chạy vào bếp tu từng gáo nước chè. Chiếc gáo được bện bằng bẹ cau bị ngâm nước lâu ngày xộc xệch, nước chảy lem luốt cả cuống cổ hai ba khấng đất và tế bào chết lâu ngày không được kì cọ.
Nội lấy nước nghệ đã được lọc qua vải sạch cho vào nồi cháo đã nêm nếm vừa ăn. Nén đập dập phi với mỡ lợn vàng thơm rồi cho hẳn vào nồi. Mùi tấm, mùi nghệ, mùi nén xộc lên tạo thành một thứ hỗn hợp đặc quánh khó tả. Nội khệ nệ mang ra chồng đĩa, loại sâu lòng, rồi nhẹ nhàng múc từng vá chia cho mỗi đứa. Riêng tôi con gái, nội múc ra một chiếc bát. Tôi phụng phịu bởi sự khác biệt này, dẫu sao ăn trên đĩa cũng thật thú vị, vừa mau nguội, và chúng tôi tha hồ úp mặt vào đĩa cháo mà ngửi. Nội bảo, con gái không được ăn trên đĩa, hời hợt, sau lớn ra đường người ta dẫn đi lúc nào không hay. Tôi không biết như vậy có đúng không nữa, nhưng chén cháo nghệ của nội đã theo tôi qua suốt thời thơ ấu.
Những ngày cô-vid, cứ sáng sáng tôi lại loay hoay bếp núc với nồi cháo nồng nã mùi nén, mùi hành. Những khuôn mặt đỏ lơ đỏ lửng vừa rời khỏi nồi lá xông, khoan khoái tựa lưng vào thành ghế rồi nhón từng muỗng cháo với đầy đủ dưỡng chất, ai cũng cố gắng ăn lấy sức vượt qua đại dịch. Không còn cảnh khom người thổi lửa đến đỏ bừng hai má, cũng không phải săm se đôi bàn tay vàng chành nhựa nghệ. Mà tôi cũng không hiểu vì sao nội lại cho nghệ vào nồi cháo, chắc là để đánh lừa thị giác bọn trẻ con chúng tôi.
Không thịt, không cá, chỉ một nắm tấm với tép nghệ và vài củ nén thôi mà bát cháo của nội đã nằm sâu trong kí ức tuổi thơ tôi. Để rồi giờ đây, mân mê những hạt nén trên tay, tôi chợt chạnh lòng nhớ.
Qua những năm tháng đổi thay, qua những chênh vênh cuộc đời, hôm nay tôi về lại đây, thắp nén tâm nhang mà bùi ngùi nhớ nội. Thèm đến cháy lòng bát cháo nghệ sánh vàng nuôi chúng tôi đi hết tuổi thơ.
Hồ Loan