Hương vị quê nhà
Sáng nay, tôi dậy thật sớm đi chợ, chuẩn bị làm cơm và các đồ lễ để thắp hương gia tiên nhân ngày lễ Vu Lan. Cũng vẫn là các món ăn truyền thống gà, giò, tôm mực... các loại trái cây và các loại bánh... đủ cả và tươm tất. Bưng mâm cơm lên cúng mà lòng tôi vẫn thấy nhớ, thấy thiêu thiếu một thứ gì đó. Phải rồi, đó là món cọ om, dưa trám...những món ăn dân dã của người dân vùng trung du Cẩm Khê, Phú Thọ nhưng lại là những món đặc trưng của quê hương, là vị quê không thể thiếu trong mâm cơm ngày lễ của gia đình chồng tôi.
Hồi nhỏ đi học, không hiểu sao tôi rất thích bài thơ "Đã có ai dậy sớm/ Nhìn lên rừng cọ tươi?/ Lá xòe từng tia nắng/ Giống hệt như mặt trời / Rừng cọ ơi rừng cọ!/ Lá đẹp lá ngời ngời, / Tôi yêu thường vẫy gọi/ Mặt trời xanh của tôi" (Nguyễn Viết Bình). Tôi cứ liên tưởng đến một vùng đất trung du cây cối trập trùng, và những ngôi nhà lợp lá cọ lúp xúp hiện ra ở hai bên sườn đồi. Sau này chẳng biết có phải vì có duyên với những câu thơ ấy không mà tôi đã về làm dâu ở vùng đất "Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt" ấy. Khi được tận mắt trông thấy những đồi cọ xanh mướt trải dài tít tắp và những thân cọ rêu mốc, lá tròn xoe xanh ngắt tua tủa vút lên trời cao trong nắng sớm, tôi không khỏi ngỡ ngàng.
Trước đây, tôi chỉ biết lá cọ để lợp nhà, làm chổi chứ chưa từng biết đến quả cọ lại là một thức quà ngon của vùng đất này. Bố chồng tôi bảo vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11, khi những cơn gió đầu mùa bắt đầu se lạnh là lúc cọ bắt đầu chín. Người ta sẽ chọn những quả cọ nếp già, đen bóng rửa sạch để om. Khi om chú ý thời gian và độ sôi của nước. Nếu để quá lửa, cọ sẽ tóp lại, cứng và chát. Quả cọ khi om có màu nâu đậm, dầu cọ nổi váng mỡ bám quanh nồi rồi chuyển sang màu vàng ươm là được. Tôi vẫn nhớ bữa cơm đầu tiên ở nhà chồng, nhìn thấy đĩa cọ om vàng suộm, béo ngậy trên mâm cơm, tôi lạ lắm không biết là món gì nhưng nghĩ chắc là ngon. Anh chồng nhẹ nhàng gắp một quả cọ bỏ vào bát tôi và bảo "Đây là món cọ om, em ăn đi, ngon lắm đấy". Quả thực, khi miếng cọ om đưa vào miệng, ta cảm nhận được vị mềm bùi, dẻo ngọt, béo ngậy của món ăn dân dã.
Không chỉ được thưởng thức món cọ om, tôi còn ấn tượng và thích món trám bùi muối dưa do bố chồng tôi làm.
Đầu hồi nhà chồng tôi có một cây trám đen. Cây cao to, lá xanh thẫm, tươi tốt quanh năm. Bóng cây mát rượi gọi đến bao nhiêu là chim chóc. Cây luôn mang đến không gian mát mẻ và cảm giác bình yên mỗi khi chúng tôi về với bố mẹ. Tôi nhớ khi ấy vào độ thu, những cơn gió heo may vi vút thổi qua, những quả trám thi nhau rụng lộp độp trên nóc nhà, lăn lông lốc đầy sân. Sáng ra, bố tôi đã lúi húi gom nhặt những quả chín rụng đen thẫm cho vào rổ rồi rửa sạch, chia đều vào các túi biếu bà con xóm giềng mỗi người một ít, một phần bố để dành cho tôi mang về biếu bố mẹ và để tủ lạnh ăn dần. Số còn lại bố để muối dưa. Có những năm trám được mùa, cây sai trĩu quả, ăn không hết bố còn mang ra chợ bán. Tiền bán trám bố dành dụm cho các cháu mua quần áo, đóng học mỗi dịp năm học mới đến. Bố bảo nhờ có cây trám này mà bố nuôi được bốn người con ăn học hết Đại học đấy. Tấm lòng thơm thảo, tình yêu thương, đức hi sinh của bố luôn làm cho tôi rưng rưng cảm động.
Năm nay, mùa thu đã về. Trám cũng vào mùa chín nhưng vì dịch bệnh phức tạp nên chúng tôi chẳng thể về với bố trong tết Vu Lan. Nhớ bố, tôi lại nhớ đến món dưa trám bố làm mới tuyệt làm sao! Để có món dưa trám, bố đã cẩn thận chọn những quả già đen nhánh, thịt màu tím sẫm rửa sạch rồi cho vào nồi đun sôi đến lúc chín đều thì vớt ra để nguội. Sau đó pha muối vào nước đun trám cho đủ độ mặn. Đổ trám vào cái vại sành nhỏ rồi đổ nước muối đã pha vào. Khi nước ngập hết quả trám thì đậy kín nắp khoảng nửa tháng sau là có thể ăn được. Cách muối khá đơn giản nhưng không phải ai muối cũng ngon. Dưa trám ngon là khi ăn, cùi trám vừa có vị mặn đậm đà của muối vừa có vị chua ngọt, rất bùi và thơm.
Quả trám không chỉ muối mà còn làm được nhiều món ngon khác như trám kho thịt ba chỉ, trám om, trám cuộn rau, xôi trám... Điều đặc biệt là trong mâm cơm ngày lễ Vu Lan, bao giờ bố cũng làm mấy món đó. Bố bảo đó là món đặc sản của quê hương.
Quả đúng là vậy, cọ om hay các món ăn từ quả trám không phải là các món cao lương mỹ vị. Trước đây, nó vốn là những món ăn thường ngày, chống đói của người dân nghèo nơi đây. Thế nhưng, ngày nay những món ăn đó lại trở thành đặc sản của một vùng quê mà không phải ai cũng được thưởng thức.
Với tôi, cọ om, dưa trám… là những món ăn mang đậm hương vị tình thân. Nó ngon không chỉ vì hương vị ngọt bùi của những trái quả mà còn ngon vì trong món ăn đó có hương vị của tình cảm yêu thương, sự đồng cảm, sẻ chia. Tôi thiết nghĩ nếu chúng ta biết yêu thương, trân trọng nhau, dành cho nhau tình cảm chân thành thì món ăn dù đạm bạc đến mấy ta vẫn thấy ngon, thấy hạnh phúc. Hạnh phúc nào có phải là những gì xa xôi mà con người cứ phải mải mê kiếm tìm? Hạnh phúc thật gần, nó ở ngay quanh ta, trong những trái quả, trong những món ăn mang đậm hương vị quê nhà. Vâng, cái mùi vị đặc biệt ấy sẽ mãi neo đậu trong tâm hồn mỗi con người và luôn khơi gợi, hướng con người tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống!
Đào Ngọc Hà