Top 10 Tản văn viết về món ăn gợi nhớ những kỷ niệm hay nhất
Có đôi lúc ngồi ngẫm nghĩ vu vơ, bạn đã bao giờ có ước muốn được bé lại, được trở về tuổi thơ thân thương? Tuổi thơ ấy không hiện đại, không đầy đủ tiện nghi ... xem thêm...như bây giờ. Nhưng trái lại có những món ăn giản dị mà khắc sâu vào lòng người, như níu giữ tâm trí bạn, khiến bạn chỉ muốn mãi mãi đắm chìm trong thế giới đó. Trong bài viết hôm nay Toplist xin giới thiệu đến bạn một số bài tản văn viết về món ăn gợi nhớ những kỷ niệm hay nhất.
-
Xôi bắp
Xôi, một món ăn chẳng quá xa lạ gì với người Việt chúng ta. Nó đã trở thành món ăn sáng quá thân quen đối với mỗi chúng ta, dù bạn làm ngành nghề gì, chức vụ lớn nhỏ như thế nào, thành danh hay chưa thành danh, giàu hay nghèo chắc cũng đã từng nhiều lần lấy xôi làm thức ăn sáng cho một ngày lao động. Xôi không chỉ làm đồ ăn sáng, nó còn được trọng dụng trong các lễ tiệc như: đám cưới, sinh nhật, thôi lôi, đám giỗ, cúng, dâng hương,.... trong các buổi tiệc ấy ta thường bắt gặp các loại xôi được trang trí đẹp mắt như: xôi gấc, xôi ba màu, đậu xanh,...
Hôm nay, trên con đường quen thuộc đến nơi làm việc, tôi bắt gặp một cô gái trẻ, đẹp trong bộ áo bà ba đang bán xôi bắp, một loại xôi chắc hẳn cũng chẳng gì xa lạ với mọi người chúng ta. Tôi cũng vậy, nhưng, điều làm tôi lắng đọng lại khi cầm trên tay gói xôi bắp ấy không phải xôi ngon, hay vì cô bán hàng xinh đẹp, mà vì xôi được gói rất đẹp nằm gọn bên trong lá chuối xanh xanh ấy. Điều mà ngày nay, rất hiếm ai bán xôi lại dùng lá chuối để gói thay những bọc nilong hay hộp xốp.
Một hoài niệm lại ùa về trong ký ức của tôi, ký ức tuổi thơ với những gói xôi được mẹ để trong cặp làm món ăn sáng khi đến trường. Hay những lần ăn xôi thay bữa trưa mỗi khi mẹ bán xôi ế.
Xôi bắp là một trong những món ăn dân dã, gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người trong đó có tôi. Nhất là thời còn đi học, xôi bắp đã trở thành bữa sáng ngon miệng, chắc no cái bụng, có khi tới trưa.
Ngày ấy, mẹ tôi bán xôi dạo vào buổi sáng trên chiếc xe đạp cũ được một người thân tặng. Để làm xôi ngon bán được khách rất vất vả và công phu lắm. Ngoài dụng cụ nồi chõ để nấu phải có sẵn, mẹ tôi còn phải mất rất nhiều thời gian để làm và sơ chế nguyên liệu từ tối ngày hôm trước, dậy sớm khi gà chưa gáy để nấu.
Xôi bắp nấu khá cầu kỳ bởi nhiều nguyên liệu, tỉ mỉ chế biến riêng từng thứ như: ngâm nếp, hạt bắp khô và đậu xanh sáu tiếng, đãi vỏ đậu. Luộc bắp và đậu xanh riêng, trộn mớ nếp thơm dẻo đầu mùa, thêm chút muối cho đậm đà rồi bắc chõ nấu xôi. Ban đầu chụm củi lửa lớn cho nước sôi đều bốc hơi lên phần gạo, hạt bắp đủ độ nóng nở bung chín. Nhẹ nhàng rưới thêm từng muỗng nước cốt dừa sao cho thấm vào từng hạt nếp, bắp quyện vào nhau đã chín thành xôi. Công đoạn này hương bốc lên ngào ngạt, dám chắc nhà hàng xóm cũng phải nức mũi.
Để xôi thêm phần ngon phải có thêm những món phụ trộn vào chung thêm phần đậm đà.
Đỗ xanh chín nghiền nát, nắm chặt thành nắm tròn. Hành phi thơm, mỡ gà chiên cho ra mỡ vàng thì trộn vào xôi. Ai thích vị bùi thêm chút muối mè với đậu phộng rang giòn, giã bể hạt.
Ngày ấy, mẹ tôi bán hàng rong trường học hay chỗ chợ khéo léo trải lá chuối ra bàn tay, xúc một lượng xôi bắp vừa đủ đặt trên ấy, thêm đậu xanh, muối mè, ít dừa nạo sợi, rồi uốn tấm lá chuối thành gói xôi để mở ra phần trên, thêm khúc sườn lá dứa bằng đốt ngón tay như cái thìa cho người dùng tiện lợi, vệ sinh, và rất thân thiện môi trường.
Mới đó thôi mà thời gian gần 30 năm. Từ chõ xôi bắp ngày ấy thong thả chín nhờ hơi nóng bốc lên, thì nay xôi trong nồi áp suất đa năng hoặc những nồi cơm điện dùng để nấu xôi chỉ trong vòng chưa tới một giờ đồng hồ. Khói cũng bốc lên đó mà chả thấy mùi vị gì đặc biệt của bếp củi năm xưa.
Ngày nay xôi được bày bán rất nhiều, tiện lợi được đựng trong những hộp xốp thời buổi con người bận rộn chạy theo thời gian để kịp giờ làm mỗi buổi sáng. Tôi cũng vậy, đôi lúc vẫn mua xôi bắp để ăn sáng, nhưng chẳng thể tìm lại được hương vị xôi bắp huyền thoại của mẹ cho tôi no cái bụng đến trường. Chẳng tìm đâu được hương vị mặn ngọt ở trong đó. Mặn của mồi hôi mẹ rơi khi khói chõ bốc lên khuôn mặt mẹ. Mặn từng giọt mồ hôi chảy dài trên đôi má mẹ mỗi khi bán “ế” mà mẹ cố rong xe đi một đoạn đường dài, nhiều khi tới gần trưa mới về. Ngọt ngào của tình mẹ đong đầy trong từng gói xôi còn nóng mẹ để trong cặp mỗi sáng con đi học.
Nhớ mãi món xôi bắp ngày ấy nay còn đâu, giờ chỉ còn là những hoài niệm cùng mẹ trôi theo dòng thời gian mà thôi.
Trần Thiện Thanh - Trầm Từ Thương
-
Tình Cốm
Mỗi độ thu về là cốm theo chân các chị dẻo bước trên khắp con phố Hà Nội. Quê hương của cốm gần Hà Nội nên những món ăn ngon được chế biến từ cốm mặc nhiên là đặc sản của đất Hà thành. Nhất là cốm còn được làm thành những chiếc bánh đóng vào hộp đem đi tham gia vào sự kiện quan trọng nhất của đời người, nam thanh nữ tú bưng từng mâm bánh cốm trang trọng của họ nhà trai đi dạm hỏi nhà gái. Đến nhà ai có công việc giỗ chạp thì chục bánh cốm cũng khá tinh tế để gia chủ thắp hương. Bạn gái ngồi với nhau gặp mùa cốm, giở gói cốm tươi ra dúm dúm tay vừa ăn vừa chuyện rất chi là thú vị, có chị mua thêm vài quả chuối chín bẻ ra chấm với cốm, thấy sao hương vị hợp nhau thế chứ.
Xứ lạnh mùa đông Vancouver về sớm hơn quê mình, ngoài sân những cánh lá phong đỏ rơi nghiêng theo từng cơn gió, đem cái rét tái tê bên cửa sổ.
Ngày nghỉ cuối tuần có thời gian để thư giãn và làm vài món ăn ngon quê nhà.
Gói cốm tươi được bọc qua hai lớp lá sen tươi, lá tươi như cốm, hai chiếc lạt rơm quấn ngang qua gói cốm thật duyên dáng, không khác gì so với cách đây ít ngày khi được bạn bè trao tặng làm quà trước khi lên đường. Lá sen vẫn tươi, mở gói cốm mà thấy bóng dáng thu như vẫn đọng lại trên từng hạt cốm.
Tần ngần một chút sẽ đưa cốm về đâu, ở xa quê cốm tươi quí lắm, đem được cốm theo qua Thái Bình Dương gần hai mươi tiếng đồng hồ, còn qua khỏi trạm hải quan kiểm soát quả là may, mới thấm câu nói "của một đồng công một nén" .
Lại nhớ ngày xưa mẹ khéo tay lắm, món mặn cho thức ăn có chả cốm, ăn chơi có chè cốm, cốm xào. Hồi xưa không thấy ai làm xôi cốm như bây giờ, có lẽ xa xỉ quá chăng?
Con gái nhớn ngồi bên bếp chờ mẹ sai vặt, nhón tay bốc dăm hạt cốm ăn vã, chao là dẻo, ấy là thơm. Mẹ không dùng nước dừa tươi, trong cái chảo mẹ cho nước lã và mấy thìa đường cát trắng, thêm một thìa mỡ nước rồi khuấy nhẹ đun nóng lên, tiếp đến đổ bát cốm vào chảo nước đường và hạ nhiệt bếp xuống, tay vẫn đảo đều cho cốm ngấm. Mẹ bảo không cần phải đảo nhiều quá làm nát cốm, cũng không xào quá lâu, chừng mười lăm phút là được rồi, lại cho thêm thìa mỡ nước bảo để cho bóng mặt cốm. Mẹ không cho vani hay tinh dầu nước hoa gì vào cốm, hương cốm mộc có cái duyên riêng. Cốm xào xong cho ra cái đĩa dàn đều, có khi mẹ rắc lên trên đĩa cốm ít sợi dừa nạo trắng muốt, chắc để trang trí cho đẹp mắt là chính, có hôm mẹ rắc những hạt vừng rang vàng điểm cho đĩa cốm thêm phần hấp dẫn. Chờ cho cốm nguội là thời gian sốt ruột nhất, tí lại đáo qua xem đã ăn được chưa. Ăn nóng thì nát, nguội quá có khi dai, ngon nhất là lúc đang nóng chuyển sang âm ấm, cảm nhận được mùi thơm cốm xào vấn vương mà độ dẻo cũng vừa. Trẻ con thích ăn cốm xào thế thôi, người lớn thì thêm ngụm nước trà.
Chả cốm thì khác hẳn với mua ở ngoài hàng, cốm tươi trộn với giò sống thêm ít thịt băm, gia vị ít thôi hành tỏi hạt tiêu nhiều làm nặng mùi mất thanh, chỉ cần nước mắm và mì chính là được rồi. Đảo đều cho các thứ nhuyễn vào nhau rồi cho từng thìa thịt cốm lên cái đĩa đem hấp. Hấp chừng mười phút rồi lấy ra chờ cho thật nguội mới rán. Chảo mỡ nóng vừa thôi đừng nóng quá, cho từng cái chả vào chiên, hạt cốm gặp mỡ nóng vừa tới nở rộp lên như hạt bỏng gạo, chả chiên xong bên ngoài hơi giòn mà bên trong vẫn dẻo mềm. Chả cốm cầm tay ăn mới thích.
Mẹ giờ tóc trắng mắt bạc nhìn xa xăm, không nhớ chuyện hôm nay, nhưng rất nhớ chuyện ngày xưa, chị giúp việc ra cổng rồi vẫn dặn với theo "chị đi chợ mua giúp tôi hai lạng cốm về xào cho con Thuỷ ăn nó thích lắm, ở bên đấy làm gì có cốm mà ăn "!
Con gái giờ không còn bé bỏng để ăn vụng cốm của mẹ nữa, vẳng nghe tiếng mẹ chơi với ngoài cửa chợt thoáng buồn, không nhớ lần cuối cùng được ăn cốm mẹ xào là bao giờ, nhưng chắc sẽ không được mẹ xào cho ăn nữa, ngót chín mươi rồi thỉnh thoảng giữa buổi lại thắc mắc "sáng giờ mẹ ăn gì chưa con nhỉ?"
Mẹ giờ quên nhiều đấy nhưng vẫn nhớ dặn "cho mấy gói cốm vào vali đem về có cái mà ăn con nhé !"
Hôm nay ở một nơi xa rất xa, gói cốm tươi như hôm qua mới bên mẹ, giờ con lại làm Chả cốm, cốm xào cho cháu của mẹ và kể cho nó nghe những câu chuyện về cốm không chỉ là món ăn đơn thuần, cốm còn mang trong mình biết bao cái tình của riêng nó.....
Thuy Nguyen
-
Món ăn gọi tuổi thơ về - bánh đa kê xứ Nghệ quê tôi!
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ năm lên chín, mười tuổi được về quê ngoại chơi cả mùa hè. Rồi cứ sáng nào cũng theo chân bà lẽo đẽo ra chợ quê để được đi qua quầy hàng bán đồ ăn vặt, ngửi mùi hương kê và háo hức của con trẻ là được bà mua cho chiếc bánh đa kê. Vì chợ chỉ họp vào buổi sáng tầm đến hơn mười giờ là người đã vãn. Cái lao xao của chợ quê chỉ vài tiếng đồng hồ rôm rả người bán, kẻ mua khiến tôi nhớ mãi. Nhất là những ngày chợ phiên, hàng hóa phong phú và không khí cũng tấp nập hơn ngày thường. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất với tuổi thơ tôi vẫn là món ăn bánh đa kê.
Thực ra nó là thức quà vặt không phải hiếm. Nghe đâu món ăn quê kiểu này cũng có mặt khắp miền Bắc từ Hà Nội đến Hải Phòng, Bắc Giang nhưng có lẽ mỗi vùng lại có nét đặc trưng riêng trong chế biến. Bánh đa kê là món quà vặt dân dã. Từ người già đến con trẻ đều rất khó từ chối được thức quà đượm mùi vị quê hương này.
"Đồ nghề" để bán món bánh đa kê này thật đơn giản và gọn nhẹ. Chỉ cần một cái thúng nhỏ, một cái mẹt vừa vặn so với miệng thúng, một túi bánh đa vừng đen giòn tan và tất nhiên không thể thiếu nguyên liệu để tạo nên hương vị của chiếc bánh đa kê: một nồi nhỏ kê. Kê được nấu đặc sền sệt, vàng quánh, thơm ngậy và có mùi hơi nồng nồng rất đặc trưng. Bên cạnh đó không thể thiếu được đậu xanh thơm mát, đường kính và hành phi. Cách làm món bánh đa kê này đơn giản nhưng cần sự cẩn thận, tỉ mỉ. Ngoài đậu xanh đồ chín, giã nhuyễn, bánh đa nướng thơm lừng, đường trắng ngọt ngào thì kê là nguyên liệu quan trọng nhất của món ăn này. Người làm hàng phải chọn những hạt kê nếp nhỏ đã xát vỏ, đãi sạch rồi ngâm kê với tỉ lệ một phần nước, hai phần nước vôi loãng trong khoảng 30 phút. Sau đó vớt ra để ráo, cho kê vào nồi đổ một ít nước. Để kê có mùi thơm ngậy và quánh thì người nấu phải quấy thật đều tay sao cho kê không bị nát quá, không bị khô quá. Và kị nhất là không được để kê bén nồi nếu không mùi khê sẽ làm át hết vị ngậy và thơm của kê.Mỗi khi có khách gọi, chị bán hàng lấy bánh đa ra, bẻ thành những miếng hình tam giác. Bánh đa kê muốn ngon thì bánh đa phải đảm bảo được độ giòn và có thật nhiều vừng. Tiếng bánh đa vỡ nghe rôm rốp, giòn tan kích thích cái dạ dày thèm ăn của những vị khách đang sốt ruột chờ đợi. Những người khoái khẩu với món ăn dân dã này chắc không còn lạ gì hình ảnh chị bán hàng tay thoăn thoắt phết đều kê lên một mặt của miếng bánh đa một lớp dày. Sau đó lại với cái muỗng nhỏ trên tay xúc đỗ đã mịn nhuyễn rắc đều phủ hết lớp kê trên bánh. Tuỳ theo khẩu vị và sở thích của từng người mà chị bán hàng cho lượng đường và chút ít hành phi vàng phù hợp. Những hạt đường kính lạo xạo màu trắng phủ kín lớp đỗ vàng ươm. Cuối cùng, chị bán hàng gập đôi miếng bánh đa lại sao cho đường và đậu xanh không bị rơi ra ngoài. Thế là ta đã có một chiếc bánh đa kê thật ngon lành rồi!
Bánh khi làm xong phải ăn ngay thì mới ngon, nếu để lâu khảng 5 phút, bánh đa sẽ bị ỉu đi không còn độ giòn nữa, khi đó hương vị cũng giảm đi mất quá nửa. Đưa chiếc bánh đa kê vào miệng, khi cắn bánh đa kêu "rộp ... rộp ....", tiếng lạo xạo của những hạt đường trắng tan dần rồi ngọt lịm thấm vào đầu lưỡi quện chặt trong mùi thơm dịu nhẹ dễ chịu của hành phi thơm vàng giòn, kích thích khứu giác, vị giác thực khách như làm tan đi những cái oi nóng của mùa hè. Vị giòn thơm của vừng, vị man mát của kê, vị bùi bùi của đậu xanh tất cả như quện vào nhau làm tê mát đầu lưỡi người thưởng thức.Trong cái tiết trời oi bức, ngột ngạt của nắng mới thì vị giòn - mát - ngọt - bùi của bánh đa kê làm chúng ta không thể cưỡng lại. Bánh đa kê là sự lựa chọn hấp dẫn cho chúng ta sau khi đã ngấy những món ăn quá nhiều chất béo. Bốn vị giòn - mát - ngọt - bùi của bánh đa kê cũng giống như sự giao hoà của bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông vậy. Nó khiến ta nhớ mãi không quên...
Có lúc văng vẳng trong tiềm thức ta tiếng rao với quang ghánh, thúng mủng đồ đạc lỉnh kỉnh của chị bán hàng với món ăn bình dị thân thương: " Ai bánh đa kê đây". Những lúc ấy, miền kí ức tuổi thơ lại ùa về, bện chặt và khó quên đến nỗi khi nhắc đến ta lại xuýt xoa lưu luyến và nhung nhớ biết bao thức quà đã chở đầy những kí ức đẹp của thời thơ ấu biết bao người!
Trần Mai Hương
-
Giòn thơm món bánh tráng quê
Một người bạn cũ từ tỉnh khác đến thăm tôi. Bạn bè cách xa nhau cũng đã hơn bốn chục năm kể từ ngày chúng tôi tốt nghiệp trường chuyên nghiệp để nhận công tác. Ngày ấy, lớp sinh viên khắp mọi miền đất nước quy tụ về ngôi trường dạy nghề, chúng tôi chỉ biết học rồi tản ra khắp nơi để làm việc. Giờ về hưu nên có thời gian tìm đến mà thăm nhau, và bạn đã ngạc nhiên về món ăn vừa quen thuộc dân dã vừa lạ lẫm ở quê tôi: Món bánh tráng khiến tôi là dân Bình Định gốc cũng ngạc nhiên không kém khi nghĩ về món ăn này.
Có lẽ, bánh tráng là món ăn gần gũi, thân thuộc đối với người Bình Định nên tôi thấy nó bình thường như những món ăn khác. Nhưng khi nhắc đến thì cả bản thân tôi cũng ngạc nhiên về sự phong phú, đa dạng của bánh tráng Bình Định. Nào là bánh tráng gạo; bánh tráng gạo mè; bánh tráng mỳ; bánh tráng nước dừa; bánh tráng nhúng; bánh tráng khoai lang… Mỗi loại bánh tráng cũng có một cách ăn riêng nhưng nhìn chung là ăn suông. Có nghĩa là ăn bánh tráng không kèm theo thứ gì. Bánh được nướng lên và bẻ từng miếng nhỏ cho vào miệng giòn rụm, vui tai, vui miệng như một món ăn vặt. Nhưng chỉ có vậy thì không thể nói cách ăn bánh tráng của người Bình Định lạ hơn ở nơi khác.
Trên bàn thờ ngày giỗ kỵ không thể thiếu dĩa mắm có miếng đậu hủ hình vuông và cái bánh tráng để lên trên; tượng trưng cho trời tròn đất vuông mà ai ai cũng kính vọng. Khi cỗ bàn dọn ra thì thực khách có lời: Mời mọi người bẻ bánh tráng. Có nghĩa là được mời ăn. Và khi bạn vào quán gọi tô bún, cháo… thì bao giờ cũng được có một cái bánh tráng gạo ăn kèm. Hoặc khi những ngày đông đêm hè, cả nhà xúm xít bên cái bánh tráng nước dừa hoặc bánh tráng khoai lang dày cộm giòn rụm, thơm lừng mùi tiêu hành, mùi nước cốt dừa, mùi khoai lang… kích thích vị giác làm cho mọi người muốn ăn mãi không thôi. Nhưng chỉ có vậy thì ăn bánh tráng ở Bình Định có gì đặc sắc và hấp dẫn lắm đâu! Nó phải đặc biệt khi thưởng thức món bánh dân dã đơn giản này với những nét đặc trưng mà không nơi nào có được, trong khi cũng là chiếc bánh tráng giống như bao nơi khác. Cũng bánh tráng nướng, bánh tráng nhúng nước, bánh tráng để làm nem chả, gỏi cuốn; cũng dùng để cuốn thịt luộc, cá hấp, rau sống chấm với nước mắm tỏi…
Ăn bánh tráng không cầu kỳ mà thật đơn giản và linh động trong mọi hoàn cảnh. Nhà nào có đồ ăn gì thì dùng thứ đó để cuốn chung với bánh tráng mà ăn. Có thịt cá thì cuốn với thịt cá. Có rau thì cuốn với rau. Không có gì thì ăn bánh tráng suông cũng ngon miệng vậy. Có thể nhiều người sẽ nói việc ăn bánh tráng suông như vậy thì có gì hấp dẫn và ngon đâu. Với người Bình Định thì lại khác, nghiện rồi, nên ngon. Nếu bạn không tin thì chỉ một lần ghé Bình Định sẽ biết ở đây có lối ăn bánh tráng cuốn mà không cuốn thứ gì. Có nghĩa là dùng bánh tráng nướng làm nhưn và bánh tráng nhúng cuốn ngoài đơn thuần vậy thôi. Rất nhiều người ăn bánh tráng kiểu ăn bánh cuốn mà không cuốn gì như vậy, thậm chí dùng bánh tráng để thay cơm. Người nông dân mỗi sáng chuẩn bị đi làm đồng, nếu không nấu cơm sáng đem theo thì cứ cuốn mấy chiếc bánh tráng mang đi ăn thay cho bữa nửa buổi. Những đứa trẻ mỗi sáng nhúng nước vài bánh tráng lót dạ rồi cắp sách đến trường. Nhiều người làm việc đêm cũng thường có bữa ăn khuya bằng vài cuốn bánh tráng nhúng nước. Đấy là bánh tráng với cuộc sống hàng ngày của người dân Bình Định quê tôi.
Nhưng phải nói là món được yêu thích nhất là món bánh tráng cuốn với thịt lụi. Đó là món thịt bò lụi trên que tre rồi nướng chín; cuốn với chả ram, rau thơm, chấm với nước tương đã pha chế sẵn, ăn đến no căng bụng mới thôi, mà miệng vẫn còn thòm thèm. Nếu không, thì bánh tráng nhúng nước; cuốn với rau sống, thịt heo ba chỉ luộc, chấm với nước mắm Tam Quan đã thêm gia vị ớt tỏi cũng làm thỏa mãn những người khó tính nhất về ẩm thực. Ăn bánh xèo à? Nếu không có bánh tráng cuốn bánh xèo kèm với rau sống chấm với nước tương chua ngọt thì mất đi khá nhiều sự thích thú. Cũng như ăn bánh hỏi lòng heo mà thiếu bánh tráng nhúng nước thì chén nước mắm tỏi ớt thiệt cay trên mâm cũng khó làm vừa lòng thực khách. Đôi khi hứng lên lấy bánh tráng chiên với dầu cho giòn ăn cũng rất ngon. Lúc nhỏ, tôi thường lấy nước mắm thoa đều trên bánh tráng rồi nướng. Đó là món ăn đơn giản nhưng đến bây giờ nghĩ đến vẫn còn thòm thèm… Biết bao món ăn được chế biến từ bánh tráng đã đi vào cuộc sống người dân Bình Định, kể cả lúc chỉ ăn giòn giòn cho vui miệng.
À, mà đang nói chuyện bè bạn thăm nhau lại sa đà vào chuyện ẩm thực khi chạm đến tầng tầng lớp lớp vỉa quặng văn hóa ẩm thực của quê tôi. Thôi thì dành chuyện tình cảm bè bạn vào dịp khác để khoe rằng bánh tráng Bình Định thường xuyên xuất hiện trong các bữa ăn của gia đình người Việt, đã được xếp vào danh sách đặc sản nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài đấy. Nếu ai một lần đến Bình Định đầy nắng và gió nhất định phải thử qua món bánh tráng, một trong những món ăn đặc trưng nhất của vùng “đất võ, xứ văn chương” này nhé!
Ngô Văn Cư
-
Hương vị đồng quê
Có lẽ nhắc đến những món ăn dân dã ở làng quê, nếu không có món châu chấu rang thì quả thật là thiếu sót. Châu chấu là một thức ăn đơn giản, rẻ tiền nhưng lại phải theo mùa… không phải cứ muốn ăn lúc nào là có lúc ấy... có lẽ vì thế, châu chấu rang luôn là một món ăn đặc biệt, mang tính đặc trưng của những vùng nông thôn Việt Nam xưa.
Mùa châu chấu không có quanh năm, mà chỉ có vào vụ gặt. Cứ đến khi lúa bắt đầu trổ đòng đòng, là khi những đàn châu chấu không biết ở đâu kéo về phủ kín cánh đồng, và ở đấy cho đến tận khi những cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ.
Châu chấu nhiều vô kể, ngày nay người ta dùng thuốc phun diệt côn trùng để diệt trừ châu chấu cứ ít bắt ăn. Nhưng thế hệ chúng tôi thì có lẽ nỗi nhớ về những buổi đi bắt châu chấu luôn để lại những dấu ấn khó mờ phai trong kí ức…
Ngày đó, cứ sau mỗi buổi tan trường, tôi và lũ trẻ trong xóm lại rủ nhau đi bắt châu chấu, đứa nào đứa nấy, quần xắn tận bẹn, tay cầm chiếc chai to hoặc cái bao tay của mẹ, chứ nhất định không mang túi bóng, túi bóng đi bắt chấu, chấu chỉ cần co cẳng là đạp rách toang, cứ thế chúng tôi phăm phăm lội hết ruộng trên, ruộng dưới để đuổi bắt châu châú, có khi bị lá lúa cứa sướt cả chân, tứa máu mà cũng không để ý.
Hồi ấy, không chỉ lũ trẻ con, mà người lớn cũng rất ưa bắt chấu. Buổi chiều, khi bóng hoàng hôn dần phủ kín cánh đồng là khi thích hợp nhất để bắt châu chấu. Dụng cụ bắt châu chấu cũng rất đa dạng, thông thường nhất là dùng vợt, những chiếc vợt được làm từ túi ni lông, nẹp bằng khung dây thép uốn tròn, buộc thêm cái cán dài để dễ cầm, thế là đã có một đồ nghề bắt chấu hữu hiệu, hay người ta có thể đan những vỉ tre để bắt châu chấu. Hoặc có khi tiện đi làm đồng, nhiều người chỉ cần dùng tay không, một lúc đã vồ được cả một xà cạp châu chấu. Sở dĩ người ta thích bắt châu chấu buổi chiều cũng bởi đặc tính của loài côn trùng này. Châu chấu ban ngày oanh tạc khắp đồng trên, ruộng dưới, nhảy tanh tách, vụt qua mặt, sạt qua chân người làm ruộng, nhưng cứ chiều đến, lũ châu chấu thấm mệt, chúng thường đậu trên những cành lá lúa , khi ấy, có khi rón được chứ không cần vợt. Hoặc dùng vợt thì mỗi lần vợt được cả dăm, bảy, thậm chí cả chục con.
Châu chấu thấy động bay xào xạc, nhưng trời nhá nhem tối, châu chấu không bay được xa. Chỉ một đoạn chúng lại dừng lại và nép mình trên lá lúa. Người đi bắt, nếu siêng, chỉ một vài tiếng là được cả cân châu chấu.
Lũ trẻ con chúng tôi mỗi khi đi chăn bò, hay đem theo mấy cái chai nhựa được đục thủng nắp để tiện thả trâu, thả bò rồi đi vồ châu chấu. Có lần, bắt được cả hai chai đầy châu chấu, vẫn chưa đến giờ lùa bò về, tôi và lũ bạn lại ngồi dãi thẻ ra kể chuyện... Hồi ấy thì làm gì có chuyện nhiều như bây giờ... câu chuyện chúng tôi kể cho nhau nghe cũng chỉ quanh quẩn qua bộ phim Tây du kí mới xem nhờ ở ti vi của nhà hàng xóm từ tối hôm trước…. Thế mà bằng trí tưởng tượng phong phú của mình, không hiểu sao tôi còn liên tưởng được trên những đám mây đang bồng bềnh trôi trên bầu trời, được ánh hoàng hôn hắt lên tạo ra cảnh tượng lạ mắt kia là những con yêu tinh với những hình thù kì quái… để cho lũ bạn ù té nhau lồng trâu, bò chạy vội vã… rồi tôi, cũng theo phản xạ dây chuyền mà tự sợ ngay chính cái câu chuyện bịa của mình… Ba chân bốn cẳng chạy… Về gần tới nhà, mới nhớ quên chai châu chấu… Nghĩ bỏ thì tiếc… mà quay lại thì chao ôi là sợ… Ấy thế mà cuối cùng, cái nỗi tiếc của cũng chiến thắng được cơn sợ hãi, một mình tôi lại mò mẫm quay lại mảnh ruộng ban nãy vội vàng vồ lấy chai châu chấu rồi vắt chân lên cổ mà chạy về nhà... Những kỉ niệm ấy luôn sống mãi trong tôi như một phần kí ức của tuổi thơ.
Nhưng có lẽ thích nhất là đi bắt châu chấu vào buổi tối mùa hè, sau khi trời đổ mưa rào, lúc ấy châu chấu ướt cánh không bay được, người đi bắt chỉ như đi rón, đi nhặt… và người nhặt chấu lại còn chọn, lấy đèn pin để soi, và chỉ nhặt những con châu chấu cái, với phần đuôi to, căng mẩy. Còn những con chấu đực bé tí, gày còm, có khi bắt được rồi lại thả đi vì sợ không đủ cái đựng.
Châu chấu có nhiều loại, nhưng ở quê tôi chỉ phổ biến hai loại là chấu chấu lúa và châu chấu tre. Châu chấu lúa tuy nhỏ nhưng đanh, ngon, rắn thịt và rất thơm. Châu chấu tre thì ít khi bắt để ăn, và cũng ít, chỉ đôi con lẫn vào cùng với châu chấu lúa. Châu chấu tre mình to nhưng rỗng, rang lên thì giòn tan.
Châu chấu đem về đưa bà, đưa mẹ, lại một nồi nước sôi đã chuẩn bị sẵn, mẹ khéo léo luồn cả bao, cả túi đổ vào nồi nước để trần qua. Sau đó mang ra nhặt hết cánh, chân, rút ruột, bỏ đầu. Rồi rửa sạch và đem rang. Trước khi rang châu chấu phải chuẩn bị tí lá chanh và nước dưa chua thì mới đúng vị. Người ta cho luôn nước dưa vào từ đầu đun cùng châu chấu cho đến khi nước cạn thì bỏ mỡ phần vào đảo cho săn, rồi cho ít tương, ít nước mắm vào đảo cho ngấm vị, trước khi bắc ra rắc ít mì chính và rải lá chanh vào đảo qua rồi đổ ra đĩa, một mùi thơm như đòng đòng, như lúa nếp quấn quýt..quyến rũ vô cùng… Cả nhà quây quần quanh bữa cơm chiều, một đĩa rau muống hái vội ban trưa từ đám ruộng mới vỡ, vài quả cà nén và một đĩa chấu rang, dù giản dị mà sao ngon đến thế! Châu chấu rang lá chanh mà ăn với cơm nóng thì ngon tuyệt, trẻ con đang tuổi chăn trâu như chúng tôi hồi đó thì cứ ăn hết ba, bốn bát là chuyện bình thường. Nhất là khi vớ được con châu chấu cái, với cái đuôi to đùng, rắn đanh toàn những trứng... Ăn vừa béo lại vừa bùi…trong cái suy nghĩ non nớt của tuổi thơ thì tưởng đến mấy món cao lương mĩ vị của vua chúa được nhìn trên ti vi hay đọc trong truyện cổ, cũng chỉ ngon đến như vậy là cùng!
Bây giờ, khi đã trưởng thành, được đi nhiều nơi và được biết tới nhiều món ăn ngon... nhưng tôi vẫn không thể nào quên được cái vị ngon của món châu chấu... cái vị béo bùi, thơm ngầy ngậy ấy như đặc trưng của mùi vị mưa nắng đồng quê, của hương lúa mới...nên vào mùa châu chấu, mỗi khi ngang qua chợ làng, tôi vẫn thường rẽ vào mua một vài lạng về ăn như muốn tìm lại chút hương vị của tuổi thơ... Nhưng châu chấu bây giờ dường như không được ngon như châu chấu của ngày xưa, dẫu vẫn chế biến theo cách ấy, gia vị đầy đủ… mà không sao tìm lại được đúng hương vị đã từng ăn, hương vị của những con châu chấu mà mình tự tay đi bắt...
Phải chăng, đã lâu rồi không gần gũi với đồng quê nên không thể cảm nhận được đầy đủ cái vị ngon đậm đà hoà quện trong món ăn mộc mạc, dân dã ấy...
Thuý Thanh
-
Thạch găng xanh biếc tuổi thơ
Cô bạn tôi vừa bê ra mời chiếc bánh thạch rau câu vẽ hoa đẹp lộng lẫy. Trời nắng tháng Sáu bỏng rát, ăn miếng thạch này mát biết bao! Nghĩ vậy nhưng tôi không nỡ ăn bông bằng lăng tím đẹp nhường kia. Ngắm màu lá xanh, ký ức về những miếng thạch mát rượi đầu tiên chợt hiện về...
Quê tôi vùng đồi trung du, thời đó cỏ cây xanh mát. Những tán thông điệp trùng chạy tít tắp vắt qua các triền đồi. Dưới tán rừng là một thế giới cỏ hoa, sim, mua, mẫu đơn...bốn mùa khoe sắc. Trên đỉnh núi thưa cây, cỏ tranh có chỗ mọc lút đầu. Chênh vênh bên những tảng đá xám, những bụi cây gai vươn tay xanh mướt mặc nắng mùa hè thiêu đốt. Chúng tôi hay leo đồi cào lá thông, tìm sim chín và hái lá những bụi cây ấy. Mọi người gọi đó là cây lá găng.
Ngày ấy tôi còn bé quá, cũng không nhớ là ai đã chỉ vẽ cho. Chỉ biết là được cùng anh chị em mấy gia đình tung tăng lên núi, leo trèo như dê con, nhảy lên từng mỏm đá để hái lá, hái chứ không được cắt dù cho cây có gai thưa đâm chảy máu. Và chỉ hái những lá bánh tẻ, không già quá không non quá. Bà tôi bảo để làm thạch ngon và để cây sống tiếp cho mọi người cùng hái. Tôi thích mùi thơm mát dịu của lá găng. Đôi khi hái xong, chúng tôi lại chạy chơi tìm hoa quả dại hoặc ngồi trên tảng đá lớn, vừa hong lá cho se vừa phóng tầm mắt nhìn làng quê và con sông bé xíu phía xa xa, đưa đôi tay bé bỏng vương hương lá ôm lên gương mặt ráo dần mồ hôi, đón những ngọn gió thơm từ phía cánh đồng mênh mang thổi tới, mơ màng...
Tôi yêu miền đồi ấy lắm! Yêu những búp thông non xây những ngọn tháp xanh lô xô dăng hàng trên triền dốc, những trái thông thơm nức như ngọn nến trời! Yêu những chú cà cộ, châu chấu voi to đạp phanh phách, nhảy múa tung lá cỏ! Yêu cả tiếng chim tu hú, "bắt tép kho cà" lảnh lót vòm trời cùng tiếng cu gáy gọi xa xôi...
Nhưng yêu nhất miền đồi vào mùa quả chín. Những trái mâm xôi đỏ mọng nơi thung lũng ẩm bên khe đá, chùm quả mẫu đơn tím đỏ ngọt bùi; dây dung dúc treo những mắt quả tím hồng bé xíu, trái phèn đen, canh châu đen ánh lẫn trong gai góc gọi mời... Thú nhất là đôi khi hểnh mũi tìm hương quả chín thoang thoảng rồi rẽ cỏ cây, vớ được những búi dây lạc tiên trái thơm quyến rũ hay chùm hoa dẻ ngọt ngào, hít hà quên bụng đói... Đôi khi, lũ trẻ chúng tôi tìm hái cả lá chua, quả chát để ăn. Trái vú bò xanh bé xiu ứa sữa, trái bưởi bong nho nhỏ, hồng hồng, trong suốt, thơm cay... thậm chí, cả trái mua đầy hạt cũng cắn nếm thử...
Mùa sim chín là thiên đường của lũ trẻ. Mới ngày nào những cánh hoa tím hồng hút mắt đong đưa trên tay, trên tóc mấy đứa nhỏ tết đuôi sam thì nay hóa quả lúc lỉu trên cành, khoe cái bụng tím tròn căng ngọt ngào mời gọi...Mồm miệng đứa nào cũng tím ngơ tím ngắt...Những nụ cười trẻ thơ vương sắc tím núi rừng...
Miền đồi trung du đã cho chúng tôi bao thức ngon, quả ngọt, nuôi lũ trẻ nghèo lớn lên cả thể xác, tâm hồn. Tôi thường nghêu ngao những khúc đồng dao khi len lỏi qua những đám cây bụi lưa thưa hay cúi nhặt những trái thông lăn trên thảm lá còn thơm nhựa. Để sau này, nhớ đến quê hương, tôi hay gọi đây là miền đồi cỏ hát:
Có những ngọn gió màu xanh
Bay qua cánh rừng thơ bé
Còn đâu ngọt ngào hương dẻ
Bâng khuâng sim tím lưng đồi...
Chỉ còn câu hát à ơi
Cứ bay hoài trong nỗi nhớ
Đôi cánh thời gian một thuở
Ướt mềm suối nước trong veo...
Có những dốc núi cheo leo
Ngát hoa dành dành trắng muốt
Có rừng thông reo vi vút
Em nằm thảm lá thơm hương...
Nhớ thung lũng núi mờ sương
Có cánh mây vương đầu gió
Đàn trâu thung thăng gặm cỏ
Hoa mua mở mắt tím hồng...
Từ trên đỉnh núi mênh mông
Phóng tầm mắt nhìn bốn phía
Thấy làng quê xa nhỏ bé
Thương thương những lũy tre già...
Trở về năm tháng đã qua
Thấy cánh diều bay mải miết
Thấy sắn khoai thơm vùi bếp
Cào cào, châu chấu bay về...
Thấy những ngày hè thích mê
Lang thang tìm mùi quả chín
Trái dại ngọt ngào trong miệng
Chua chua lá méo bên rừng...
Ngất ngây hoa trắng hoa hồng
Ríu rít chim ca đầu núi
Đôi cánh bướm vàng bối rối
Vỗ hoài chớp chới tuổi thơ...... Mỗi lần lên đồi hái lá đã thích vậy, đến khoản làm thạch ở nhà cũng thật là vui. Trước đó, các anh chị lớn hoặc bà đã đun sẵn một nồi nước to để nguội, một nồi nước đường phên nhỏ, đôi khi chỉ là xin hoặc giấu trộm ít đường của nhà vì ngày đó đường hiếm lắm, có lần là mấy đẵn mía hoặc nắm rễ cỏ tranh...
Lá găng được chúng tôi rửa sạch nhiều lần, để ráo nước, phơi hơi se rồi cho vào chậu hoặc xoong to ra sức lấy tay vò nát. Tôi nhớ có lần, chúng tôi còn rửa thật sạch đôi dép cao su rồi dùng như bàn nghiền, chà sát lá thật mạnh. Khi lá đã thành đám bột xanh, liền được gói vào miếng vải thô trắng rồi nhúng vào nồi nước sôi để nguội, khỏa kĩ, vắt kiệt. Đôi khi, chúng tôi chắt vào đó một chút xíu nước vôi trong từ bình vôi bà ăn trầu, có lần thì không, nhưng chỉ ít phút để lắng là nồi nước đông đặc lại.
Có khi để mát thêm, các anh chị lấy mảnh vải mưa bọc kín nồi thạch rồi dòng dây thả xuống đáy giếng, mấy tiếng sau hoặc qua đêm mới kéo lên.
Chao ơi là ngon khi những miếng thạch xanh biếc được cắt ra, thả vào cốc hoặc bát nước đường, rảy chút xíu tinh dầu chuối hoặc hoa bưởi! Có khi chẳng được "cao cấp" thế, anh chị em tôi đun chút nước mía, rễ cỏ ngọt, rải chút đường có được lên mặt thạch rồi tranh nhau xắn ăn... Ăn đến đâu, mát ruột mát gan đến đó, dù không có đủ vị ngọt ngào để át đi mùi lá tươi thơm nồng.
Đã bao năm trôi qua rồi, tôi vẫn nhớ những buổi chiều đầy hoa nắng dưới bóng tre xào xạc, lũ chúng tôi xì xụp húp những bát thạch mát xanh như ngọc. Món ngon mang hương vị đồi núi nhưng còn ngon hơn bởi chính tay mình làm ra. Càng thêm ngon khi nhận được nụ cười lấp lánh của bà, của mẹ khi thưởng thức món thạch găng lũ trẻ con nhà mình chế biến...
Cũng đã mấy chục năm, tôi chưa trở về miền đồi xa xưa ấy. Không biết thạch găng, sim mua... có còn sót lại cây nào hay bị xóa sổ dần bao năm qua cùng những rừng thông vi vút một thời. Nhưng trong tôi, miền đồi cỏ hát với những vị quả dại, lá thơm, lát thạch trong suốt, xanh biếc đầu tiên tôi ăn... vẫn đọng lại mãi mãi miền kí ức và theo suốt cuộc đời!
- Bùi Thanh Hà -
-
Canh cua đồng
Canh cua đồng là món ăn của nhiều miền quê nông thôn. Mỗi nơi có một cách chế biến riêng không nơi nào giống với nơi nào. Nơi thì nấu với rau này, rau kia thì hợp khẩu vị. Dù là rau gì đi chăng nữa nhưng khi thưởng thức ngon miệng là tuyệt cú mèo. Bụng đang đói mà thưởng thức bát canh cua thì còn gì bằng. Canh cua nấu với rau đay vừa mang đậm hương vị vùng miền, vừa mang nét dân dã, mộc mạc, giản dị. Ai đã từng sống ở làng quê thì canh cua đồng là món ăn thường gặp trong mỗi bữa cơm đơn giản chứa vị quê hương một cách đặc biệt. Mùi thơm của nồi canh cua bay tỏa hương thơm lẫn trong góc bếp mẹ nấu sao chứa đựng vị ngon làm say lòng chúng tôi.
Còn cách rất xa nơi góc bếp tranh mà chúng tôi cảm thấy như chiều nay, bữa cơm sẽ ngon hơn, đậm đà hơn vì có bát canh của “hương đồng quê” mẹ nấu. Nồi canh bốc nghi ngút mùi thơm thoảng vào lòng những ai xa quê xao xuyến đến khó quên. Hương vị làng quê chứa đựng nỗi vất vả của bà, của mẹ đến nao nao khi ngửi thấy mùi thơm ấy nơi quán ăn đâu đó ở phố thị sầm uất có dịp ngang qua.
Thuở còn ấu thơ, mẹ thường nấu canh cua đồng cho chúng tôi ăn với đủ thứ loại rau mà mẹ trồng ở mảnh vườn con con như: rau đay tím, rau ngót, rau mồng tơi, rau dền…Nay, mẹ đã về với đất. Mỗi khi tận hưởng món “đặc sản” ấy, tôi cảm thấy ảnh hình mẹ ùa về trong miền kí ức.
Chúng tôi đi bắt cua đồng ở những cánh đồng sâu và xa nhất, nơi ấy có những bờ mương, bờ ruộng to. Khoảng tháng sáu ở các cánh đồng, người dân quê tôi dọn sạch rạ dưới ruộng trải lên bờ để chuẩn bị cho vụ cấy lúa mùa. Đồng sâu, nước nóng, cua bò lên trốn nóng trong rạ ở bờ ruộng nhiều vô kể. Chúng tôi tha hồ bắt về để cho mẹ chế biến, nào là cua rang nước mắm, cua làm muối ăn cơm, cua giã nhuyễn lọc lấy nước cốt nấu canh.
Món canh cua nấu với nhiều loại rau vừa ngon vừa bổ dưỡng nhưng làm và chế biến công phu một chút. Cua bắt về, mẹ bỏ ra rổ lấy chiếc đũa cả đảo qua đảo lại trong nước cho sạch bùn đất ruộng. Mẹ bắt những con còn sống đang lao xao, lao xao, tách mu lấy thân cua cỡ một bát ô tô. Những con còn lại khỏe mạnh để dành ngày mai thì thả chúng vào cái xô sắt đậy lại kẻo nó rủ nhau đi hết. Mẹ nhẹ nhàng đổ tô cua đã tách vào cái cối đá, dùng cái chày gỗ đâm đều tay cho nhuyễn. Múc nước đổ vào cối vừa tầm bát tô thường, lấy vải màn lọc nước cốt. Bát nước cốt nước vàng sẫm ngon nhất. Mẹ giã lần sau rồi đổ nước lọc lần hai vừa đủ cả nhà ăn. Cách chế biến nồi canh cua để ý mẹ làm mới ngon và đậm đà. Nếu chểnh mảng không quan sát kĩ thì nồi canh mất đi vị thơm, ngon. Canh cua thoảng mùi thơm từ thịt cua lan tỏa, hoà với vị mặn của muối biển, vị thơm của nước mắm cá cơm. Ngọt cái ngọt tự nhiên từ mình cua giã nhuyễn hoà tan với gạch cua khêu ra vàng ươm như kén tằm. Đậm vị, đậm hương rau đay, rau ngót, rau dền. Nồng nàn bay nghi ngút khắp bếp của hành trắng phi vàng với tóp mỡ.
Trong phút chốc, nồi canh cua thơm xông vào cánh mũi, phảng phất hương thơm, vị ngọt làm chúng tôi phấn chấn hẳn lên. Rau đay tím mà nấu với cua thì ngon hơn những loại rau khác. Thịt cua trong nồi canh nổi lên từng tảng vàng thơm lẫn với gạch cua khêu ra từ vỏ cua sao ngon thế. Ăn vào cảm thấy ngon đến kì lạ, chứa đủ vị bổ dưỡng tinh tuý của hương quê thấm vào da, vào thịt. Thưởng thức bát canh cua cùng với cà pháo muối xổi giòn giòn, cảm thấy như vị ngon của hai món này rất là hợp khẩu vị. Nhai quả cà pháo cùng húp một thìa canh cua mới thấy bữa cơm đầm ấm đến dâng trào làm sao.
Rau mẹ hái phần ngọn, non từ mảnh vườn nhỏ mẹ trồng. Rau được rửa sạch đến ba lần. Mẹ làm rất chi là nhẹ tay để cho rau đừng giập nát, rau đay rất dễ nát khi chúng ta làm không khéo nhưng với mẹ thì rau chuẩn bị cẩn thận lắm. Nhìn rổ rau mẹ làm thì ai cũng tấm tắc khen sự chỉn chu đạt đến mức cao nhất. Đâu vào đấy là sang phần thái rau. Con dao thái phải sắc thì rau mới ngon, rổ rau tươi đến nỗi hương quê thấm đượm tình mẹ trong đó. Nồi canh cua nghi ngút khói bốc lên dậy mùi thơm.
Cứ thế, thời gian trôi mau. Chúng tôi lớn lên với bữa cơm canh đạm bạc mang đậm hương vị của miền quê nghèo mà ấm cúng. Những nồi canh cua mẹ nấu là mẹ đã gửi gắm những gì mà người chắt lọc ngon nhất vào đó, cho chúng tôi mang theo suốt cuộc đời với món rau chẳng mất đồng xu nào cả. Hương quê hương gói vào mảnh vườn nhỏ thoảng mùi thơm của lá mồng tơi, ngọn rau đay nồng nàn tươi xanh. Là ngọn rau ngót, rau dền được nấu với cua đồng thật đậm vị của nhà quê.
Cuộc sống cứ thế mà trôi, thời gian thì không bao giờ quay trở lại. Những món ăn ngon, hương vị ngày xưa không còn nữa với hôm nay mà đã thay vào với những món sơn hào hải vị của thời đại mới nhưng món canh cua khi được thưởng thức, tôi vẫn thấy cả cuộc đời mẹ gửi vào đó nghi ngút mùi thơm của bát canh cua đồng lan tỏa đời tôi.
Mẹ tôi không còn nữa. Nhắc lại món canh cua đồng mẹ nấu cho chúng tôi ăn ngày xưa, mắt tôi cay cay vì thương mẹ. Suốt cuộc đời tần tảo nuôi con, khi về với đất mà miếng ăn ngon không được hưởng. Mỗi khi ăn bát canh cua, tôi lại thấy mẹ tôi đang lúi húi chế biến dưới bếp tranh nghèo món ăn ngày xửa ngày xưa ấy gợi thương, gợi nhớ đến nao lòng.
Bài của Phùng Văn Định
-
Gọi về niềm yêu dấu.
Bao lâu rồi ấy nhỉ, cứ như đã hơn nửa đời người tôi chưa được ăn lại món cháo nghệ mà nội đã từng chăm chút cho chúng tôi từ thuở xa xưa…
Còn nhớ cái lưng còng của nội cúi thật sát để nhặt cho bằng sạch chỗ tấm đầy sạn nằm trên dần. Ken dày những đầu lúa lởm chởm. Nội hết sàng, sảy lại cố nhặt như chú gà chăm chỉ. Nắm tấm sau khi nhặt xong nằm gọn ghẽ trong chiếc bát sành to bè. Lấy một chiếc nồi đã đen nhẻm nhọ, mà quên, chiếc nào cũng đen nhẻm nhọ. Nội hì hà đãi sạn, như kiểu người ta lắng vàng. Chỉ khác, thứ lóng lại dưới đáy chiếc bát sành phải đổ đi. Bọn gà con như chỉ chờ có thế, sán tới mổ lấy mổ để. Chao kĩ càng cho những đầu lúa còn sót lại trôi hết ra ngoài, nội thổi lửa. Từng bẹ tàu cau cháy hỗn lan ra mép bếp. Nội đưa tay dụi ngay vì sợ lửa cháy lan lên mớ củi rác bùi nhùi để dành đun cám lợn. Mấy thanh củi bạc hà cháy điềm đạm hơn được nội tin cậy cho vào bếp. Chỉ với một nhúm tấm mà nội bắt cái nồi to đùng. Nội bảo cho nước cháo khỏi trào. Nấu cháo mà để trào là mất hết dưỡng chất, mất hết vị ngon. Nội dặn tôi canh chừng bếp lửa. Phần nội ra sau hè đào tép nghệ. Nội kì cọ thật sạch rồi cho vào cối giã. Nghệ giã xong được nội lấy miếng vải mùng bọc lại rồi vắt bằng sạch chỗ nước dẻo kềnh vàng sánh. Nồi cháo sau một hồi lửa đã nghe thơm lừng mùi gạo. Những cái bụng réo rắt thòm thèm. Những đôi mắt hau háu đói ăn. Cả những chiếc mũi như càng nở to hít lấy hít để. Tội nghiệp, cái thời ấy khổ quá, đến bữa cơm còn trầy trật. Con nít tụi tôi làm gì có được tấm bánh đồng quà. Cứ lang thang ngoài vườn hái hết dái mít, tới lá mít non cuộn với hạt muối sống nhai rau ráu, vị chát mặn quắn lại nơi đầu lưỡi, rồi chạy vào bếp tu từng gáo nước chè. Chiếc gáo được bện bằng bẹ cau bị ngâm nước lâu ngày xộc xệch, nước chảy lem luốt cả cuống cổ hai ba khấng đất và tế bào chết lâu ngày không được kì cọ.
Nội lấy nước nghệ đã được lọc qua vải sạch cho vào nồi cháo đã nêm nếm vừa ăn. Nén đập dập phi với mỡ lợn vàng thơm rồi cho hẳn vào nồi. Mùi tấm, mùi nghệ, mùi nén xộc lên tạo thành một thứ hỗn hợp đặc quánh khó tả. Nội khệ nệ mang ra chồng đĩa, loại sâu lòng, rồi nhẹ nhàng múc từng vá chia cho mỗi đứa. Riêng tôi con gái, nội múc ra một chiếc bát. Tôi phụng phịu bởi sự khác biệt này, dẫu sao ăn trên đĩa cũng thật thú vị, vừa mau nguội, và chúng tôi tha hồ úp mặt vào đĩa cháo mà ngửi. Nội bảo, con gái không được ăn trên đĩa, hời hợt, sau lớn ra đường người ta dẫn đi lúc nào không hay. Tôi không biết như vậy có đúng không nữa, nhưng chén cháo nghệ của nội đã theo tôi qua suốt thời thơ ấu.
Những ngày cô-vid, cứ sáng sáng tôi lại loay hoay bếp núc với nồi cháo nồng nã mùi nén, mùi hành. Những khuôn mặt đỏ lơ đỏ lửng vừa rời khỏi nồi lá xông, khoan khoái tựa lưng vào thành ghế rồi nhón từng muỗng cháo với đầy đủ dưỡng chất, ai cũng cố gắng ăn lấy sức vượt qua đại dịch. Không còn cảnh khom người thổi lửa đến đỏ bừng hai má, cũng không phải săm se đôi bàn tay vàng chành nhựa nghệ. Mà tôi cũng không hiểu vì sao nội lại cho nghệ vào nồi cháo, chắc là để đánh lừa thị giác bọn trẻ con chúng tôi.
Không thịt, không cá, chỉ một nắm tấm với tép nghệ và vài củ nén thôi mà bát cháo của nội đã nằm sâu trong kí ức tuổi thơ tôi. Để rồi giờ đây, mân mê những hạt nén trên tay, tôi chợt chạnh lòng nhớ.
Qua những năm tháng đổi thay, qua những chênh vênh cuộc đời, hôm nay tôi về lại đây, thắp nén tâm nhang mà bùi ngùi nhớ nội. Thèm đến cháy lòng bát cháo nghệ sánh vàng nuôi chúng tôi đi hết tuổi thơ.
Hồ Loan
-
Hương vị quê nhà
Sáng nay, tôi dậy thật sớm đi chợ, chuẩn bị làm cơm và các đồ lễ để thắp hương gia tiên nhân ngày lễ Vu Lan. Cũng vẫn là các món ăn truyền thống gà, giò, tôm mực... các loại trái cây và các loại bánh... đủ cả và tươm tất. Bưng mâm cơm lên cúng mà lòng tôi vẫn thấy nhớ, thấy thiêu thiếu một thứ gì đó. Phải rồi, đó là món cọ om, dưa trám...những món ăn dân dã của người dân vùng trung du Cẩm Khê, Phú Thọ nhưng lại là những món đặc trưng của quê hương, là vị quê không thể thiếu trong mâm cơm ngày lễ của gia đình chồng tôi.
Hồi nhỏ đi học, không hiểu sao tôi rất thích bài thơ "Đã có ai dậy sớm/ Nhìn lên rừng cọ tươi?/ Lá xòe từng tia nắng/ Giống hệt như mặt trời / Rừng cọ ơi rừng cọ!/ Lá đẹp lá ngời ngời, / Tôi yêu thường vẫy gọi/ Mặt trời xanh của tôi" (Nguyễn Viết Bình). Tôi cứ liên tưởng đến một vùng đất trung du cây cối trập trùng, và những ngôi nhà lợp lá cọ lúp xúp hiện ra ở hai bên sườn đồi. Sau này chẳng biết có phải vì có duyên với những câu thơ ấy không mà tôi đã về làm dâu ở vùng đất "Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt" ấy. Khi được tận mắt trông thấy những đồi cọ xanh mướt trải dài tít tắp và những thân cọ rêu mốc, lá tròn xoe xanh ngắt tua tủa vút lên trời cao trong nắng sớm, tôi không khỏi ngỡ ngàng.
Trước đây, tôi chỉ biết lá cọ để lợp nhà, làm chổi chứ chưa từng biết đến quả cọ lại là một thức quà ngon của vùng đất này. Bố chồng tôi bảo vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11, khi những cơn gió đầu mùa bắt đầu se lạnh là lúc cọ bắt đầu chín. Người ta sẽ chọn những quả cọ nếp già, đen bóng rửa sạch để om. Khi om chú ý thời gian và độ sôi của nước. Nếu để quá lửa, cọ sẽ tóp lại, cứng và chát. Quả cọ khi om có màu nâu đậm, dầu cọ nổi váng mỡ bám quanh nồi rồi chuyển sang màu vàng ươm là được. Tôi vẫn nhớ bữa cơm đầu tiên ở nhà chồng, nhìn thấy đĩa cọ om vàng suộm, béo ngậy trên mâm cơm, tôi lạ lắm không biết là món gì nhưng nghĩ chắc là ngon. Anh chồng nhẹ nhàng gắp một quả cọ bỏ vào bát tôi và bảo "Đây là món cọ om, em ăn đi, ngon lắm đấy". Quả thực, khi miếng cọ om đưa vào miệng, ta cảm nhận được vị mềm bùi, dẻo ngọt, béo ngậy của món ăn dân dã.
Không chỉ được thưởng thức món cọ om, tôi còn ấn tượng và thích món trám bùi muối dưa do bố chồng tôi làm.
Đầu hồi nhà chồng tôi có một cây trám đen. Cây cao to, lá xanh thẫm, tươi tốt quanh năm. Bóng cây mát rượi gọi đến bao nhiêu là chim chóc. Cây luôn mang đến không gian mát mẻ và cảm giác bình yên mỗi khi chúng tôi về với bố mẹ. Tôi nhớ khi ấy vào độ thu, những cơn gió heo may vi vút thổi qua, những quả trám thi nhau rụng lộp độp trên nóc nhà, lăn lông lốc đầy sân. Sáng ra, bố tôi đã lúi húi gom nhặt những quả chín rụng đen thẫm cho vào rổ rồi rửa sạch, chia đều vào các túi biếu bà con xóm giềng mỗi người một ít, một phần bố để dành cho tôi mang về biếu bố mẹ và để tủ lạnh ăn dần. Số còn lại bố để muối dưa. Có những năm trám được mùa, cây sai trĩu quả, ăn không hết bố còn mang ra chợ bán. Tiền bán trám bố dành dụm cho các cháu mua quần áo, đóng học mỗi dịp năm học mới đến. Bố bảo nhờ có cây trám này mà bố nuôi được bốn người con ăn học hết Đại học đấy. Tấm lòng thơm thảo, tình yêu thương, đức hi sinh của bố luôn làm cho tôi rưng rưng cảm động.
Năm nay, mùa thu đã về. Trám cũng vào mùa chín nhưng vì dịch bệnh phức tạp nên chúng tôi chẳng thể về với bố trong tết Vu Lan. Nhớ bố, tôi lại nhớ đến món dưa trám bố làm mới tuyệt làm sao! Để có món dưa trám, bố đã cẩn thận chọn những quả già đen nhánh, thịt màu tím sẫm rửa sạch rồi cho vào nồi đun sôi đến lúc chín đều thì vớt ra để nguội. Sau đó pha muối vào nước đun trám cho đủ độ mặn. Đổ trám vào cái vại sành nhỏ rồi đổ nước muối đã pha vào. Khi nước ngập hết quả trám thì đậy kín nắp khoảng nửa tháng sau là có thể ăn được. Cách muối khá đơn giản nhưng không phải ai muối cũng ngon. Dưa trám ngon là khi ăn, cùi trám vừa có vị mặn đậm đà của muối vừa có vị chua ngọt, rất bùi và thơm.
Quả trám không chỉ muối mà còn làm được nhiều món ngon khác như trám kho thịt ba chỉ, trám om, trám cuộn rau, xôi trám... Điều đặc biệt là trong mâm cơm ngày lễ Vu Lan, bao giờ bố cũng làm mấy món đó. Bố bảo đó là món đặc sản của quê hương.
Quả đúng là vậy, cọ om hay các món ăn từ quả trám không phải là các món cao lương mỹ vị. Trước đây, nó vốn là những món ăn thường ngày, chống đói của người dân nghèo nơi đây. Thế nhưng, ngày nay những món ăn đó lại trở thành đặc sản của một vùng quê mà không phải ai cũng được thưởng thức.
Với tôi, cọ om, dưa trám… là những món ăn mang đậm hương vị tình thân. Nó ngon không chỉ vì hương vị ngọt bùi của những trái quả mà còn ngon vì trong món ăn đó có hương vị của tình cảm yêu thương, sự đồng cảm, sẻ chia. Tôi thiết nghĩ nếu chúng ta biết yêu thương, trân trọng nhau, dành cho nhau tình cảm chân thành thì món ăn dù đạm bạc đến mấy ta vẫn thấy ngon, thấy hạnh phúc. Hạnh phúc nào có phải là những gì xa xôi mà con người cứ phải mải mê kiếm tìm? Hạnh phúc thật gần, nó ở ngay quanh ta, trong những trái quả, trong những món ăn mang đậm hương vị quê nhà. Vâng, cái mùi vị đặc biệt ấy sẽ mãi neo đậu trong tâm hồn mỗi con người và luôn khơi gợi, hướng con người tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống!
Đào Ngọc Hà
-
Món cơm ngô của mẹ
Đêm khuya, một mình bên chiếc laptop quen thuộc cạnh khung cửa sổ, cái lành lạnh của cơn gió cuối thu gai gai nơi hai cánh tay bất giác làm cô thèm một hơi ấm. Khoác thêm cái áo len mỏng, để chế độ ngủ cho máy tính, cô ngồi thu gối hướng ra song cửa, ánh mắt len lỏi qua không gian đen đặc để tìm về ánh đèn dầu leo lét thuở xưa trong căn nhà nhỏ có cánh cửa thủng lỗ chỗ như những cái chụp đèn. Nhà cô đó. Nhớ đến thắt ruột cái dáng mẹ ngồi cặm cụi khâu áo cho con những trưa không ngủ, nhớ lúc mẹ lục đục giữa đêm khuya dậy che cho đàn gà khỏi cái ướt lạnh của đêm mưa phùn gió bấc, nhớ nhất nồi cơm sắn cơm ngô mỗi buổi tối sum vầy…
Ngày ấy… Mỗi bữa mẹ khệ nệ bê nồi cơm đặt ở đầu cái mâm gỗ làm bằng nửa tấm cánh cửa cũ có đóng mấy cái chân, xung quanh là tám cái ghế con bằng gỗ bố đóng từ mấy năm trước, nay mặt ghế đen bóng như quét sơn, cả nhà lại quây quần bên mâm cơm khói nghi ngút từ bát canh rau muống nấu với tương thơm nồng. Mùi bột ngô độn trong nồi cơm trắng vương vất đến tận bây giờ.
Thời bao cấp, cơm ngô óc, ngô bột, cơm sắn nạo, sắn nhát, khoai tây… là món ăn thường ngày triền miên của những gia đình nông thôn Việt Nam. Nhớ đến nôn nao cái vị mặn mòi sắn khoai ngô đậu mẹ nấu! Nhớ đến xót xa hình dáng mẹ gầy guộc đưa đôi tay có những ngón tay thâm xì nhựa khoai xới những bát cơm độn xếp hàng quanh mâm. Ánh mắt cô bỗng nhòa đi bởi cái màu trắng tinh khôi trong bát cơm riêng của chính cô - đứa con gái út ít của mẹ - vẫn day dứt suốt chiều dài kỉ niệm!
Nhớ thuở ấy, cô gái út được cả nhà, thậm chí cả làng gọi là “cái Bé”, mặc dù cô có cái tên khá kêu nhưng hầu như chẳng có ai biết ngoài thầy cô giáo và bạn học. Và dĩ nhiên cái Bé được cả nhà cưng chiều. Nhất là trong bữa cơm, mẹ thường để một góc nguyên gạo, còn cả nồi cơm sắn khoai chiếm già nửa. Các bà các mẹ thường bảo một hạt cơm cõng ba miếng sắn. Cái Bé cứ việc chén ngon lành bát cơm trắng muốt và thơm ngào ngạt mùi gạo mới, chẳng hề để ý cái nhăn mặt của mấy chị gái vì món cơm độn trường kì. Ấy thế nhưng cũng có hôm nó đòi ăn cơm ngô, là bởi vì cái mùi ngô ngai ngái nồng nồng quả thật có sức quyến rũ đến lạ kì. Hay là do nó thường được ưu tiên đặc biệt nên hóa lại thèm cơm độn trong khi cả xóm cả làng ai cũng ngấy đến tận cổ. Những hôm cái Bé đòi ăn cơm độn, mẹ đỡ phải lịch kịch, cẩn thận để lại một góc gạo không gới sắn gới ngô. Thế là cả nồi cơm gạo, ngô hoặc sắn cùng hòa làm một. Mà cái Bé chỉ thích món cơm độn với ngô bột. Bột ngô được gới vào khi nồi cơm đã được “rúc” kiệt nước. Sau khi vầy trong đám tro hồng được vài mươi phút, nồi cơm bắt đầu rỉ hơi và tỏa ra mùi thơm ngây ngất của gạo mới ngô mới. Ngày ấy nhà cái Bé làm gì có lương thực cũ từ vụ trước bao giờ, nên cơm dù độn đơn độn kép nhưng toàn là ngũ cốc mới thu hoạch, hương vị thật đậm đà tươi mới, nó có sức kích thích vị giác đến lạ lùng. Cái vị của cơm bột ngô thì ai chứ cái Bé mãi mãi không bao giờ quên được. Nó bùi bùi, ngậy ngậy, rôm rổm, nhai lâu lại có vị hơi ngòn ngọt của đường bột tự nhiên, sao mà đắm say mê hoặc đến thế! Mà đến bây giờ, ăn bao nhiêu loại, nào bánh ngô, xôi ngô, súp ngô…, nhưng chẳng có hương vị nào đặc biệt quyến rũ vị giác như món cơm bột ngô mộc mạc thanh bần ngày ấy. Quả thực là nó ngon, ngon ngay từ cách đây ba mươi mấy năm về trước, khi mà cơm độn là ác mộng của mọi nhà, thì món cơm ngô bột với cái Bé là “cực phẩm”. Không phải giờ đây khi đã nếm đủ mọi món ngon món lạ của ẩm thực thời no đủ thì mới quay lại nhớ món thanh đạm thuở bần hàn, mà cái hương vị ấy nó mê hoặc người ta tại chỗ. Hạ gục vị giác của một đứa trẻ con nhà nghèo bằng một món ăn của người nghèo thì rõ ràng món ấy phải đặc biệt đứt đi rồi!
Chẳng biết có phải nó ngon đến kì diệu như vậy hay không, hay lúc đó cái Bé nhầm lẫn cảm giác giữa cái ngọt ngào của ngô khoai với cái tình thương mà mẹ dành cho cô con gái út nó chan chứa mênh mang như khói bếp lam chiều? Hóa ra, đến tận bây giờ, sau ba mươi mấy năm “cái Bé” đã có những sợi tóc bạc trên mái đầu mới thấm cái ngon của bát cơm ngô bột có lẽ là do nó thường được ăn riêng bát cơm trắng thường ngày! Tóc “cái Bé” bắt đầu có sợi bạc cũng là lúc tóc mẹ đã trắng phau mái đầu!
Mẹ ơi! Bao giờ cho con trả hết cái tình của mẹ đượm trong bát cơm ngô ngọt bùi và bát cơm trắng tinh khôi mẹ dành dụm cả cuộc đời cho con! Con chỉ còn những ngày chủ nhật về bên mẹ, chải mớ tóc lưa thưa toàn sợi bạc của mẹ, buộc gọn gàng cho mẹ như hồi nhỏ mẹ thường buộc cho cô con gái út trước khi đến trường, và hai mẹ con ta cùng cười. Nụ cười của mẹ ấm cả một đời đứa con gái xa quê!
Tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Tuyền