Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)

Nguyễn Đình Chiểu, người làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc Mường Cầu Kho, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh). Cha ông là Nguyễn Đình Huy, người gốc Huế, là một viên thư lại trong dinh tổng trấn Lê Văn Duyệt. Mẹ là Trương Thị Thiệt, quê Gia Định, ông Huy lấy bà làm vợ lẽ khi ông theo Lê Văn Duyệt vào trấn ở Đồng Nai.

Từ thủa ấu thơ, Nguyễn Đình Chiểu đã chịu ảnh hưởng lớn từ mẹ - người con gái đẹp người, đẹp nết của đất Gia Định. Bà Trương Thị Thiệt thường ru con ngủ bằng những câu hò ngọt ngào thấm đậm tình quê hương, đất nước, những rừng chàm, rừng đước, những con xuồng chở đầy đạo nghĩa có lẽ đã in sâu vào trong tâm trí của cậu bé Chiểu từ những câu hò ấy. Không chỉ thế, bà còn dạy cho các con thế nào là đạo nghĩa ở đời, thế nào là người quân tử, sống thế nào để trở thành người có ích cho quê hương, đất nước.

Khi xảy ra loạn Lê Văn Khôi, con nuôi của Lê Văn Duyệt nổi lên đánh lại triều đình, đánh chiếm Gia Định. Cha ông bị cách chức, thấy tình cảnh Gia Định rối ren, bèn đưa ông về Huế, học nhờ một người bạn cũ. Nguyễn Đình Chiểu học ở Huế 8 năm, năm 1840, thấy tình hình đã ổn định, ông quay trở về Nam, đến năm 1843, ông đi thi, đậu tú tài. Một gia đình họ Võ giàu có hứa gả con gái cho ông.

Năm 1846, Nguyễn Đình Chiểu trở về Huế đợi kỳ thi Hương mở vào năm 1849. Trong chuyến đi này, ông mang theo em trai Nguyễn Đình Tựu, vừa để kèm cặp thêm về việc học cho em, vừa để đỡ đần phần nào gánh nặng cho cha mẹ ở nhà.

Ra đến kinh đô Huế, Nguyễn Đình Chiểu dành mọi thời gian vào việc dùi mài kinh sử, hy vọng sẽ chiếm bảng vàng. Nhưng một năm sau, năm 1847, tiếng súng khiêu khích của thực dân Pháp đã nổ ra ở cửa Hàn, cách kinh thành không quá 100 km và năm sau nữa, ông nghe tin mẹ ông mất ở Gia Định. Ông vật vã khóc thương và quyết định bỏ thi về Nam chịu tang mẹ.

Trên đường về, một phần vì đường xa vất vả, một phần vì khóc thương mẹ nhiều quá, ông bị ốm nặng, mù cả hai mắt, chạy chữa mãi không khỏi, ông phải đi thuyền về quê, mãi đến cuối năm 1849, ông mới về đến Gia Định.
Sau khi bị mù, Nguyễn Đình Chiểu lấy hiệu là Hối Trai, nghĩa là "ngôi nhà tối tăm". Ông ở Gia Định để tang mẹ, mãn tang ông mở trường dạy học, cái tên Đồ Chiểu cũng bắt nguồn từ ấy.

Thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu ở trong một hoàn cảnh vô cùng bi thương: Mẹ mất, mắt mù, gia đình nhà giầu hứa gả con gái cho ông bội ước. Một người học trò vì cảm thương, mến phục ông đã gả em gái mình cho ông. Có lẽ trong thời gian này ông đã viết truyện thơ Lục Vân Tiên, một tác phẩm có yếu tố tự truyện, những chi tiết lớn trong cuộc đời Lục Vân Tiên khi còn hàn vi và hoạn nạn như đi học, đi thi, đến trường thi nghe tin mẹ mất bỏ thi trở về để tang mẹ, giữa đường bị bệnh mù cả hai mắt rồi bị người vợ chưa cưới bội ước... trùng khớp với cuộc đời riêng của Nguyễn Đình Chiểu. Lục Vân Tiên vừa mang hình bóng thực của nhà thơ, đồng thời cũng là con người lý tưởng mà nhà thơ mơ ước.

Nguyễn Đình Chiểu ngoài lòng hiếu thảo và nghị lực phi thường, còn có lòng yêu nước vô hạn, căm thù giặc sâu sắc. Mắt không nhìn thấy, không thể cầm gươm giáo giết giặc, ông tìm đến với văn thơ, cây bút trở thành vũ khí sắc bén của ông. Ông quan niệm, viết văn là để chở đạo, sửa đời, dạy người, để giết giặc:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

Tình hình đất nước trở nên rối ren, giặc Pháp không chỉ khiêu khích nữa, chúng đã đánh vào cửa bể Cần Giờ, sau đó hạ luôn thành Gia Định. Nguyễn Đình Chiểu phải chuyển về quê vợ ở Cần Giuộc, năm 1861, Pháp đánh Cần Giuộc, ông phải lánh sang Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Những năm chạy giặc, Nguyễn Đình Chiểu vẫn mở trường dạy học và theo dõi rất sát phong trào chống Pháp trong vùng. Thơ văn của ông gắn liền với những biến cố lúc bấy giờ. Các bài thơ, văn nổi tiếng đều ra đời trong giai đoạn này như "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc", "Văn tế Trương Định"...

Nguyễn Đình Chiểu vốn thường đau buồn về cảnh nước mất, nhà tan, lại đau yếu luôn nên ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý (1888), ông đã trút hơi thở cuối cùng, kết thúc cuộc đời nhiều đau khổ nhưng rất đẹp.
Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy