Lê Quý Đôn (1729 -1784)

Lê Quý Đôn người làng Diên Hà, huyện Diên Hà, tỉnh Thái Bình. Ông là con của Trung Hiếu công Lê Trọng Thứ. Từ thủa nhỏ, Lê Quý Đôn đã nổi tiếng thần đồng khắp trấn Nam Sơn. Đâu đâu người ta cũng nói về cậu bé thông minh có trí nhớ kỳ lạ. Năm 13 tuổi, ông theo cha lên học ở Kinh đô. 14 tuổi ông đã học hết tứ thư, ngũ kinh, sử, truyện và đọc hết cả Bách gia, Chư tử, một ngày có thể làm 10 bài phú. 17 tuổi thi hương đậu giải nguyên. 27 tuổi thi Hội đậu đầu, vào thi Đình cũng đỗ đầu, trúng Bảng nhãn (khoa ấy không lấy Trạng nguyên).

Lê Quý Đôn là một nhà bác học có kiến thức uyên bác và sự hiểu biết sâu rộng. Có thể nói ông là người thâu tóm mọi mặt tri thức của thời đại lúc bấy giờ. Năm 1759, (triều Lê Hiền Tông), Thái thượng hoàng Lê Ý Tông mất, triều đình cử ông làm phó sứ cùng với Trần Huy Mật cầm đầu một phái đoàn sang báo tang và cống lễ cho nhà Thanh. Trong dịp này, khi sứ đoàn An Nam đi qua các châu phủ Trung Hoa đều bị họ nói là di quan, di mục, nghĩa là quan lại mọi rợ. Khi phái đoàn đến Quế Lâm, Lê Quý Đôn viết thư cho quan tổng trấn Quảng Châu để phản đối cách gọi này. Với uy tín và học vấn của Lê Quý Đôn, triều đình Trung Hoa đành phải chấp nhận bỏ những danh từ miệt thị khinh khi này và gọi sứ đoàn là An Nam Cống sứ.

Một vị quan triều thanh, cũng có tiếng là uyên thâm, nghe tiếng Lê Quý Đôn có trí nhớ kỳ lạ, mới bày cách để thử tài ông. Ông này dẫn Lê Quý Đôn đến chùa xem văn bia, cạnh ngôi chùa có con sông, thủy triều lên rất mạnh. Chờ cho đến khi thủy triều dâng tới chân bia, vị này mới dẫn ông tới xem. Sau đó trên đường về ông ta hỏi:
- Tiên sinh thấy nội dung của văn bia như thế nào?
Lê Quý Đôn đọc lại vanh vách không sai một từ.
Vị quan ngạc nhiên đến sửng sốt, không thốt lên lời. Nguyên do là chữ Hán cổ viết từ trên xuống dưới, từ phải qua trái, nước lại dâng từ dưới lên. Vị quan nọ chắc mẩm Lê Quý Đôn có tài thánh cũng không đọc nổi. Thế mà, ông nhớ không sót một chữ. Thì ra, Lê Quý Đôn đọc từ dưới lên trên theo mực nước dâng. Biết được điều đó, vị học giả người Tàu kinh ngạc thốt lên "Ông là bậc kỳ tài xưa nay hiếm".

Trong thời gian đi sứ, ông mang theo một số tác phẩm của mình. Các vị nho thần người Tàu truyền tay nhau xem và rất thán phục. Đề đốc Quảng Tây Chu Bội Liên, một học giả có tiếng đời Thanh, nhận xét: "Nước tôi có nhiều nhân tài, nhưng những người có tài như sứ quân chỉ được có một vài".

Năm 1764, ông xin về trí sĩ, đóng cửa viết sách. Tương truyền, trong thời gian này có sứ nhà Thanh sang, tới cửa ải thì dừng lại không đi nữa, mà chỉ đưa một tấm vóc, có đề một chữ rất lạ và nhắn chừng nào giải được thì sứ mới vào nước.
Vua, chúa hội cả quần thần lại hỏi, chẳng ai đoán ra chữ gì cả, chúa lo lắm. Các quan tâu rằng phải hỏi Lê Quý Đôn thì may ra mới xong được.
Chúa sai người đến mời Lê Quý Đôn giải. Ông bảo xin vua gửi cho sứ nhà Thanh một tấm áo cầu, họ sẽ tức khắc đến ngay. Vua chúa, quần thần cũng chưa hiểu ý nghĩa ra sao, nhưng cứ theo lời Lê Quý Đôn. Quả nhiên, nhận được áo, sứ Thanh đến ngay.

Lê Quý Đôn để lại cho đời nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như: Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Thư kinh diễn nghĩa, Văn đài loại ngữ. Nói chung trước tác của ông hết sức đồ sộ, ngày nay phần thất lạc cũng nhiều mà phần còn lại cũng tương đối lớn. Bởi không những ông có tài mà làm việc cũng hết sức cần cù, chịu khó, không sách gì ông không đọc, không việc gì ông không suy nghĩ, quan sát, ghi chép. Chỉ riêng trong cuốn Vân đài loại ngữ ông đã trích dẫn cả thảy 557 cuốn sách, trong đó có những cuốn sách của Châu Âu dịch ra tiếng Trung Quốc.

Trong khối lượng kiến thức đồ sộ của Lê Quý Đôn có một đặc điểm rất đáng chú ý là ông kết hợp được cả hai mặt tri thức sách vở và tri thức thực tiễn. Tri thức sách vở của ông có hệ thống, có chiều sâu. Thật đúng như Phan Huy Chú đánh giá: "Ông tư chất khác đời, thông minh hơn người .... Bình sinh làm sách rất nhiều. Bàn về kinh sử thì sâu sắc, rộng rãi, mà nói về điển cố thì đầy đủ, rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng ở trên đời".
Lê Quý Đôn (1729 -1784)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy