Làng gốm Chu Đậu
Gốm Chu Đậu (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) là một dòng gốm đẹp của Việt Nam, phát triển rực rỡ từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17. Sau hơn ba thế kỷ bị thất truyền, gốm Chu Đậu đang hồi sinh mạnh mẽ, trở thành mặt hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị ở thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.
Giới chuyên môn đánh giá cao gốm Chu Đậu, đó là một loại gốm “mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông”... Từ dáng vẻ, chất men, họa tiết, hoa văn trang trí... tất cả đều toát lên bản sắc, tinh hoa văn hóa Việt, rất đỗi gần gũi, nhưng cũng mang đậm giá trị truyền thống, tín ngưỡng, triết lý và tâm hồn người Việt từ nghìn xưa. Những họa tiết, hoa văn trên gốm Chu Đậu mang tính nghệ thuật cao, miêu tả khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng như cảnh mục đồng chăn trâu, chim đậu trên cành hoa, đàn cá bơi dưới nước, mái nhà tranh ven sông… Phương pháp chế tạo đạt trình độ cao, đó là chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều công đoạn rồi lắp ghép lại và gia công. Các sản phẩm được thể hiện trên chất liệu men trắng hoa lam, men ngọc, hay men mầu tam thái. Hiện nay, 46 bảo tàng trên thế giới đang trưng bày các hiện vật gốm Chu Đậu.
Nếu bạn đã đến Hải Dương, hãy đến với gốm Chu Đậu, tự tay vẽ và cảm nhận chúng theo cách của bạn. Đó chắc chắn sẽ là kỷ niệm không thể nào quên.