Top 7 Nguyên nhân gây xơ gan

An Khánh Vũ 17 0 Báo lỗi

Theo thống kê của WHO, tỷ lệ mắc bệnh xơ gan ở Việt Nam đang ở mức khá cao, chiếm 5% dân số, các ca tử vong do xơ gan chiếm đến 3% trong tổng số ca tử vong do ... xem thêm...

  1. Top 1

    Xơ gan là gì?

    Thuật ngữ xơ gan được dịch từ chữ Cirrhosis có nghĩa là gan có màu nâu và được Laennec sử dụng từ năm 1819. Dần dần người ta thấy xơ gan không chỉ có màu nâu mà quan trọng hơn thế là xuất hiện tổ chức xơ xâm nhập làm cho gan chắc lên. Đến năm 1919 Fiesinger và Albot đã phân biệt gan bị xơ hóa với xơ gan.


    Xơ gan là một tình trạng xơ hóa lan tỏa trong nhu mô gan làm đảo lộn cấu trúc của gan.


    Quá trình xơ hóa hình thành nên các dải xơ, chia cắt các tiểu thùy gan thành các tiểu thùy gan giả khiến cho tuần hoàn qua gan bị rối loạn, làm cho các tế bào gan lại tiếp tục bị tổn thương và lại dẫn đến xơ hóa lan tỏa trong nhu mô gan.


    Như vậy, xơ gan không phải là một bệnh riêng biệt mà là một hội chứng bệnh lý, là hậu quả cuối cùng của quá trình tổn thương tế bào gan. Người ta thấy trong xơ gan có sự kết hợp của 3 quá trình tổn thương sau:

    • Tổn thương tế bào gan
    • Tăng sinh tổ chức liên kết
    • Tái tạo tế bào gan

    Cả 3 quá trình trên tác động lẫn nhau khiến cho tình trạng xơ gan ngày càng nặng thêm.

    Xơ gan là tình trạng xơ hóa lan tỏa toàn bộ nhu mô gan
    Xơ gan là tình trạng xơ hóa lan tỏa toàn bộ nhu mô gan
    Thường xuyên uống rượu bia là một trong các yếu tố gây ra xơ gan
    Thường xuyên uống rượu bia là một trong các yếu tố gây ra xơ gan

  2. Top 2

    Phân loại xơ gan

    Từ lâu, người ta đã tìm cách phân loại xơ gan cho thích hợp nhất, nhưng vẫn chưa có cách phân loại nào đáp ứng nhu cầu chẩn đoán, tiên lượng và điều trị một cách thỏa đáng. Có tác giả chủ trương phân loại theo nguyên nhân, nhưng nhiều trường hợp xơ gan rất khó để xác định chính xác nguyên nhân, có tác giả lại dựa vào triệu chứng lâm sàng để phân loại.


    Đa số, trên lâm sàng, xơ gan được chia thành 2 dạng chính là xơ gan còn bù và xơ gan mất bù:

    • Xơ gan còn bù: là giai đoạn đầu của xơ gan, quá trình xơ hóa diễn ra rất chậm, chức năng gan vẫn hoạt động tốt vì tổn thương ít, các tế bào gan khỏe mạnh sẽ tăng cường hoạt động để bù đắp cho phần bị tổn thương. Triệu chứng lâm sàng thường không rõ ràng, thậm chí là không biểu hiện ra bên ngoài. Người bệnh chỉ phát hiện tình cờ khi siêu âm ổ bụng hoặc thăm khám các bệnh khác
    • Xơ gan mất bù: là tình trạng xơ gan còn bù tiến triển nặng hơn. Các tế bào gan bị tổn thương nhiều hơn, các tế bào khỏe mạnh không thể "gánh" được chức năng của gan. Gan bị hư hại nhiều dẫn đến suy chức năng rõ rệt và các triệu chứng bộc lộ ra bên ngoài. Đa số các trường hợp xơ gan mất bù đều biểu hiện đủ 2 hội chứng là suy gan và tăng áp lực tĩnh mạch cửa
    Phân loại xơ gan
    Phân loại xơ gan
    Tăng áp lực tĩnh mạch cửa ở bệnh nhân xơ gan mất bù
    Tăng áp lực tĩnh mạch cửa ở bệnh nhân xơ gan mất bù
  3. Top 3

    Nguyên nhân gây ra xơ gan

    Có rất nhiều nguyên nhân gây ra xơ gan như:

    • Virus: virus hàng đầu gây ra bệnh xơ gan gồm HAV, HBV, HCV, HDV, HEV, HGV
    • Vi khuẩn: hai loại vi khuẩn thường gây viêm gan mạn tính và dẫn đến xơ gan là E.coli và trực khuẩn lao
    • Ký sinh trùng: các loại ký sinh trùng sốt rét, sán lá gan và giun làm tắc tĩnh mạch trên gan gây xơ hóa và tiến triển thành xơ gan
    • Nhiễm độc: nhiễm độc gan cấp (nhiễm độc chì, đồng, chloroform, carbon tetrachlorid) có thể gây hoại tử nhu mô gan không hồi phục. Đặc biệt, nhiễm độc mạn tính như nhiễm độc rượu làm thay đổi các protein của gan, hậu quả là xơ gan
    • Rối loạn tuần hoàn: tình trạng ứ máu kéo dài, bệnh lý gan – tim do suy tim phải nặng kéo dài khiến chèn ép làm cản trở máu từ gan trở về tĩnh mạch trên gan, khiến tế bào gan bị hoại tử do thiếu oxy và lâu ngày phát triển thành xơ gan
    • Nhiễm mỡ gan: do thiếu chất hướng mỡ (methyonin, cholin) gây rối loạn chuyển hóa mỡ dẫn đến xơ gan
    • Nhiễm sắt: là một bệnh di truyền gen lặn, các sản phẩm như hemosiderin và hemofuschin tích lại nhiều trong cơ thể và trong gan, gây ra xơ gan
    • Thuốc: Có một số loại thuốc có tác dụng không mong muốn khi sử dụng lâu dài, thường xuyên sẽ gây xơ gan
    • Béo phì: là một trong những yếu tố nguy cơ cao khiến người bệnh mắc xơ gan
    Virus viêm gan B, C là
    Virus viêm gan B, C là "kẻ thù" hàng đầu gây ra xơ gan
    Sử dụng rượu bia thường xuyên khiến tế bào gan bị tổn thương
    Sử dụng rượu bia thường xuyên khiến tế bào gan bị tổn thương
  4. Top 4

    Triệu chứng của xơ gan

    Các triệu chứng của xơ gan phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và thể trạng của bệnh nhân. Đối với những bệnh nhân trong giai đoạn xơ gan còn bù, các triệu chứng thường rất mờ nhạt, thậm chí không xuất hiện. Điều này khiến người bệnh có thể nhầm lẫn với một số bệnh lý khác. Các dấu hiệu ban đầu của xơ gan gồm:

    • Chán ăn
    • Mệt mỏi
    • Buồn nôn
    • Sốt nhẹ
    • Giảm cân không rõ nguyên nhân

    Khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân chuyển sang giai đoạn xơ gan mất bù, các triệu chứng nghiêm trọng hơn sẽ xuất hiện, bao gồm:

    • Cổ trướng, dân gian gọi là báng bụng (tình trạng tích trữ dịch trong ổ bụng)
    • Tuần hoàn bàng hệ (xuất hiện tĩnh mạch nổi ngoằn ngòe dưới da vùng bụng)
    • Vàng da, củng mạc mắt vàng
    • Ngứa da, sạm da
    • Lòng bàn tay đỏ rực (Lòng bàn tay son)
    • Sưng phù 2 chi dưới
    • Nước tiểu sẫm màu
    • Phân nhạt màu hơn bình thường
    • Đi ngoài ra máu, có thể nôn ra máu
    • Lú lẫn, giảm trí nhớ, dễ cáu gắt
    • Giảm ham muốn tình dục

    Dấu hiệu điển hình để nhận biết người bệnh chuyển từ giai đoạn còn bù sang giai đoạn mất bù là tình trạng xuất hiện cổ trướng.


    Để tránh được tình trạng bệnh diễn biến nặng, bạn nên thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện ra bệnh sớm, điều trị sẽ dễ dàng hơn và tránh để lại biến chứng nguy hiểm.

    Các dấu hiệu của xơ gan
    Các dấu hiệu của xơ gan
    Cổ trướng là triệu chứng đáng báo động về tình trạng xơ gan
    Cổ trướng là triệu chứng đáng báo động về tình trạng xơ gan
  5. Top 5

    Các biến chứng của xơ gan

    Xơ gan gây ra các biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong, bao gồm:

    • Cổ trướng, sưng phù 2 chi dưới: việc tăng áp lực tĩnh mạch cửa kết hợp protein trong máu giảm làm chân phù, bụng phình to ra tích chứa nước, dịch màu vàng chanh và gây nhiễm trùng dịch báng. Bệnh nhân có thể bị đau bụng, tiêu chảy và sốt
    • Hôn mê do suy chức năng gan: gan bị hư tổn làm suy giảm chức năng chuyển hóa, đào thải chất độc ra khỏi cơ thể và đặc biệt là độc tố amoniac. Các độc tố sẽ tích tụ lại trong gan và theo đường máu đi đến hệ thần kinh trung ương làm rối loạn sự hoạt động của não. Nghiêm trọng hơn là sẽ ức chế hệ thần kinh khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê sâu
    • Xuất huyết tiêu hóa: tăng áp lực tĩnh mạch cửa khiến vòng nối tĩnh mạch quanh thực quản, hậu môn bị căng dãn quá mức và có thể gây vỡ. Bệnh nhân có thể nôn ra máu, đại tiện ra máu và bị trĩ. Sự mất máu đột ngột có thể gây ra tình trạng tụt huyết áp nhanh, choáng, ngất. Nếu không được xử lý kịp thời, người bệnh có thể tử vong
    • Ung thư gan: xơ gan là một trong những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến ung thư gan

    Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm của xơ gan. Vì vậy, khi thấy có các dấu hiệu bất thường, bạn không nên chủ quan mà nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán.

    Hôn mê do suy chức năng gan
    Hôn mê do suy chức năng gan
    Nôn ra máu do vòng nối tĩnh mạch thực quản bị vỡ
    Nôn ra máu do vòng nối tĩnh mạch thực quản bị vỡ
  6. Top 6

    Điều trị xơ gan như thế nào?

    Các phương pháp điều trị xơ gan phụ thuộc vào mức độ tổn thương và thể trạng của người bệnh. Bác sĩ sẽ căn cứ vào nguyên nhân, triệu chứng của bệnh để lựa chọn các phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả cao. Bệnh nhân có thể nằm viện dài ngày nếu suy giảm chức năng gan nặng. Điều trị bệnh xơ gan thường theo nguyên nhân gây bệnh và biến chứng xảy ra nếu có.


    Đối với tình trạng xơ gan giai đoạn đầu, người bệnh có thể được điều trị với một số cách sau:

    • Sử dụng thuốc để kiểm soát virus viêm gan B, C: đây là phương pháp được áp dụng nhiều và giúp chúng ta kiểm soát virus viêm gan B, C hiệu quả. Với các loại thuốc như thuốc kháng virus (Lamivudine, Interferon A...), thuốc ức chế và điều tiết miễn dịch
    • Giảm cân: những trường hợp xơ gan do viêm gan nhiễm mỡ không do rượu cần kiểm soát lượng đường huyết và cân nặng của mình
    • Cai rượu: người bị xơ gan tuyệt đối không được sử dụng rượu bia và các đồ uống có cồn nhằm hạn chế tối đa tổn thương các tế bào gan

    Trường hợp xơ gan tiến triển thành các biến chứng, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp với từng loại biến chứng và mức độ nghiêm trọng của chúng:

    • Cổ trướng và phù: sử dụng thuốc lợi tiểu, chế độ ăn kiêng muối và truyền albumin là phương pháp hiệu quả giúp tình trạng ứ dịch giảm đi một cách đáng kể. Bên cạnh đó, người bệnh có thể được thực hiện thủ thuật dẫn lưu dịch ổ bụng
    • Tăng áp lực tĩnh mạch cửa: một số loại thuốc huyết áp có thể kiểm soát tình trạng tăng áp tĩnh mạch cửa và ngăn ngừa xuất huyết tiêu hóa. Nội soi đường tiêu hóa trên và thăm dò trực tràng định kì giúp bác sĩ phát hiện sớm được tình trạng căng dãn tĩnh mạch thực quản, hậu môn nhằm chuẩn bị các phương án can thiệp khi cần thiết
    • Ghép gan: đây là phương pháp ưu việt nhất dành cho những bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan nghiêm trọng
    Thuốc lợi tiểu Furosemide giúp kiểm soát triệu chứng cổ trướng, phù các chi
    Thuốc lợi tiểu Furosemide giúp kiểm soát triệu chứng cổ trướng, phù các chi
    Ghép gan là lựa chọn tối ưu cho bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối
    Ghép gan là lựa chọn tối ưu cho bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối
  7. Top 7

    Các phương pháp phòng ngừa bệnh xơ gan

    Xơ gan tuy khó chữa khỏi hoàn toàn nhưng lại rất dễ phòng tránh bằng các biện pháp đơn giản. Để ngăn ngừa xơ gan, bạn cần thực hiện những phương pháp sau:

    • Hạn chế sử dụng rượu bia: yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra xơ gan là lạm dụng rượu bia quá mức. Vì vậy, mỗi người cần kiểm soát lượng rượu tiêu thụ nhằm hạn chế tối đa nguy cơ mắc xơ gan. Đối với những bệnh nhân đang điều trị xơ gan thì cần kiêng tuyệt đối rượu bia
    • Duy trì cân nặng hợp lý
    • Tập thể dục, thể thao thường xuyên, đều đặn
    • Ngủ đủ giấc, có chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh và hoa quả, thực phẩm giàu protein
    • Hạn chế chất béo và cắt giảm lượng muối tiêu thụ trong khẩu phần ăn hằng ngày
    • Duy trì tâm trạng vui vẻ, lạc quan, tránh căng thẳng, lo âu kéo dài
    • Bỏ hút thuốc lá
    • Tiêm vắc - xin phòng ngừa viêm gan virus A, B, C
    • Khi sử dụng các loại thuốc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý điều chỉnh liều

    Ngoài những biện pháp trên, bạn cũng cần đi khám sức khỏe định kì để kịp thời phát hiện ra bệnh lý. Bên cạnh đó, khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường cần tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

    Tham gia các hoạt động thể dục, thể thao thường xuyên
    Tham gia các hoạt động thể dục, thể thao thường xuyên
    Một chế độ ăn lành mạnh, ít muối sẽ làm giảm nguy cơ mắc xơ gan
    Một chế độ ăn lành mạnh, ít muối sẽ làm giảm nguy cơ mắc xơ gan



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy