Top 11 Lưu ý quan trọng nhất về viêm gan C

Bùi Thị Phương Thảo 12 0 Báo lỗi

Bệnh viêm gan C là bệnh truyền nhiễm siêu vi gây viêm gan, có thể dẫn đến tổn thương gan nghiêm trọng. Điều trị viêm gan C cần dùng thuốc đều đặn, chịu nhiều ... xem thêm...

  1. Top 1

    Bệnh viêm gan C là gì?

    Viêm gan C là một trong những bệnh truyền nhiễm về gan, nguy hiểm do virus Hepatitis C virus (HCV) gây nên. Đây là một trong năm loại viêm gan chính: A, B, D, E. Bệnh khiến các tế bào gan bị viêm, gây rối loạn chức năng gan. Theo thời gian, tình trạng viêm trong mô gan có thể hình thành các tổn thương xơ chai vĩnh viễn, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan.


    Theo thống kê của Bộ y tế, nước ta hiện có khoảng 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Bên cạnh virus viêm gan B và rượu, virus viêm gan C là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm gan mãn tính, xơ gan và ung thư gan. Điều đáng nói là viêm gan C không biểu hiện triệu chứng rõ ràng, có đến 90% người bệnh không biết mình mắc bệnh.

    Bệnh viêm gan C là gì?
    Bệnh viêm gan C là gì?
    Bệnh viêm gan C là gì?

  2. Top 2

    Các giai đoạn viêm gan C

    Viêm gan C chia thành 2 giai đoạn: Viêm gan C cấp tính và viêm gan C mãn tính.


    Viêm gan C cấp tính: Là một bệnh nhiễm virus phát triển trong những tuần đầu tiên hoặc vài tháng sau khi siêu vi viêm gan C xâm nhập vào máu của một người. "Cấp tính" có nghĩa là bệnh đột ngột và ngắn ngủi, xảy ra trong vòng hai tuần đầu tiên đến sáu tháng. Trong 25% trường hợp, virus sẽ tự xóa khỏi cơ thể mà không cần điều trị. Nếu không có dấu hiệu rõ rệt về bệnh tật, hầu hết các ca viêm gan C cấp tính đều dẫn đến nhiễm trùng mãn tính.


    Viêm gan C mãn tính: Ước tính từ 75% đến 85% những người bị viêm gan C cấp tính sẽ bị nhiễm trùng mãn tính, kéo dài ít nhất 6 tháng và thường lâu hơn. Ngay cả ở giai đoạn này, hầu hết mọi người không có triệu chứng, nhưng điều đó không có nghĩa nhiễm trùng là lành tính. Mỗi năm, có khoảng 150 triệu người bị nhiễm virus viêm gan C mạn tính có nguy cơ phát triển thành xơ gan, ung thư gan hoặc suy gan dẫn đến tử vong.

    Các giai đoạn phát triển của viêm gan C
    Các giai đoạn phát triển của viêm gan C
    Viêm gan mãn tính
  3. Top 3

    Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm gan C

    Triệu chứng của bệnh viêm gan C cấp tính

    Theo WHO, khoảng 80% những ca nhiễm mới HCV không có triệu chứng. Tuy nhiên, ở giai đoạn viêm gan cấp tính, một số người bệnh có thể có những biểu hiện sau:

    • Sốt nhẹ
    • Buồn nôn hoặc nôn
    • Mệt mỏi
    • Chán ăn, ăn không ngon
    • Vàng da
    • Nước tiểu đậm
    • Phân nhạt màu
    • Đau bụng trên bên phải
    • Đau khớp

    Các triệu chứng thường xuất hiện sau 2 – 12 tuần nhiễm virus và kéo dài từ 2 tuần – 3 tháng. Nếu virus không được loại bỏ, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính.


    Triệu chứng của bệnh viêm gan C mãn tính

    Đối với viêm gan C mãn tính, virus sẽ tồn tại trong cơ thể người bệnh “âm thầm” trong nhiều năm. Hầu hết những người bị viêm gan C mãn tính không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc chỉ có các triệu chứng chung chung như mệt mỏi mơ hồ kéo dài hoặc các rối loạn chức năng tiêu hóa. Người bệnh thường chỉ biết mình bị viêm gan mãn tính khi được sàng lọc để hiến máu hoặc tiến hành xét nghiệm máu trong các buổi khám sức khỏe định kỳ, hoặc trước các thủ thuật/ phẫu thuật vì bệnh lý khác.


    Vì lý do này, bệnh viêm gan C dễ dẫn bị bỏ sót. Khi tổn thương gan đủ nặng, người bệnh có thể gặp phải tình trạng của suy chức năng tế bào gan như mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, dễ bị chảy máu, bầm tím, ngứa da..; tình trạng của tăng áp lực tĩnh mạch cửa như: sưng phù chân, cổ trướng (báng bụng), chảy máu tiêu hóa (ói ra máu từ vỡ tĩnh mạch thực quản giãn, đi tiêu ra máu do trĩ biến chứng nặng…); lú lẫn, nói lắp, hôn mê do bệnh não gan hoặc phát hiện khối u ác tính ở gan (HCC: ung thư tế ban gan).

    Dấu hiệu nhận biết viêm gan C
    Dấu hiệu nhận biết viêm gan C
    Triệu chứng của bệnh viêm gan C
  4. Top 4

    Nguyên nhân gây bệnh viêm gan C

    Bệnh viêm gan C là do siêu vi viêm gan C (Hepatitis C Virus: HCV) gây ra. Virus viêm gan C có tính đa hình thái kiểu gen rất cao. Hiện giới y học đã xác định được 6 kiểu gen chính đánh số từ 1 đến 6. Kiểu gen HCV chủ yếu ở người bệnh tại Việt Nam là kiểu gen 1, tiếp theo lần lượt là kiểu gen 6, 2 và 3. Tùy thuộc vào kiểu gen virus mà các khuyến cáo điều trị sẽ khác nhau.


    Viêm gan C là một bệnh có khả năng lây truyền cao. Virus viêm gan C chủ yếu lây truyền qua đường máu với các hình thức sau:

    • Dùng chung dụng cụ sử dụng ma tuý: Bất cứ thứ gì liên quan đến việc tiêm chích ma túy, từ ống tiêm, kim tiêm cho đến garô (dây thắt) đều có thể dính máu và làm lây truyền bệnh viêm gan C. Các loại ống dùng để hút hoặc hít ma túy cũng có thể dính máu do nứt môi hoặc chảy máu cam.
    • Dùng chung dụng cụ xăm hoặc xỏ khuyên: Các thiết bị xăm, xỏ khuyên và mực xăm có thể làm lây lan virus.
    • Tái sử dụng hoặc sử dụng các thiết bị, dụng cụ y tế không được khử trùng đúng cách, đặc biệt là các loại bơm kim tiêm
    • Truyền máu không qua sàng lọc virus HCV
    • Dùng chung các đồ dùng có khả năng dính máu của người bệnh như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, đồ cắt móng tay…

    Virus HCV cũng có thể lây truyền qua đường tình dục và có thể truyền từ mẹ sang con. Tuy nhiên, các phương thức lây truyền này ít phổ biến hơn.

    Viêm gan C
    không lây lan qua thức ăn, nước uống, tiếp xúc thông thường như ôm, hôn và dùng chung đồ ăn, thức uống với người bị bệnh.

    Nguyên nhân gây bệnh viêm gan C
    Nguyên nhân gây bệnh viêm gan C
    Viêm gan C có lây không? Lây qua đường nào?
  5. Top 5

    Đối tượng dễ mắc bệnh viêm gan C

    Viêm gan C là một căn bệnh rất dễ lây lan và ai cũng có thể mắc phải bệnh này. Những đối tượng dễ mắc viêm gan C bao gồm:

    • Người tiêm chích ma tuý: Tiêm chích ma tuý là một trong những cách lây nhiễm virus viêm gan C phổ biến nhất.
    • Nhân viên chăm sóc sức khỏe: Bác sĩ, y tá, nhân viên phòng thí nghiệm có nhiều khả năng tiếp xúc với máu hoặc vô tình bị kim đâm.
    • Bệnh nhân chạy thận nhân tạo: Người bệnh có thể bị lây nhiễm do sử dụng các thiết bị lọc máu không được vệ sinh đúng cách.
    • Người có đời sống tình dục không lành mạnh: Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, quan hệ tình dục không bảo vệ làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus.
    • Người có người thân mắc bệnh: Tiếp xúc gần gũi hàng ngày với người bị bệnh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
    • Người có khuyên hoặc hình xăm trên cơ thể: Các thiết bị và vật dụng xăm hình/xỏ khuyên có thể bị nhiễm HCV, làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
    • Trẻ có mẹ mắc bệnh viêm gan C: Nếu người mẹ bị nhiễm HIV và viêm gan C, trẻ sơ sinh sẽ có nhiều khả năng bị nhiễm bệnh hơn.

    Các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm virus viêm gan C nên thực hiện xét nghiệm viêm gan C để xác định tình trạng lây nhiễm hiện tại của bản thân và có kế hoạch điều trị sớm khi mắc bệnh.

    Đối tượng dễ mắc viêm gan C
    Đối tượng dễ mắc viêm gan C
    Đối tượng dễ mắc viêm gan C
  6. Top 6

    Những biến chứng của bệnh viêm gan C

    Viêm gan C có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

      • Tình trạng viêm gan mãn tính: biểu hiện bởi các triệu chứng của suy chức năng gan từ nhẹ đến nặng. Tuy vậy, đa số trường hợp ít có triệu chứng rõ ràng.
      • Xơ gan: Viêm gan kéo dài gây tổn thương gan, các mô tổn thương liên tục được thay thế bằng các mô sẹo, khiến gan dần bị xơ hóa. Theo WHO, có khoảng 15 – 30% người bị viêm gan mãn tính tiến triển thành xơ gan trong vòng 20 năm. Biểu hiện xơ gan là tùy giai đoạn còn bù trừ hay mất bù trừ của chức năng tế bào gan và tăng áp lực tĩnh mạch cửa gan. Một số biểu hiện trầm trọng hay thấy như ói ra máu, chảy máu khó cầm, nhiễm trùng ổ bụng, hôn mê, và cuối cùng là tử vong do các biến chứng này.
      • Ung thư gan: Virus viêm gan C được xác định là một trong những nguyên nhân gây ung thư gan. Những người bị xơ gan liên quan đến HCV có nguy cơ ung thư gan cao hơn những người bị xơ gan liên quan đến uống nhiều rượu. Nguy cơ ung thư sẽ cao hơn nữa nếu người bệnh vừa bị viêm gan C vừa nghiện rượu.
      Biến chứng của viêm gan C
      Biến chứng của viêm gan C
      Biến chứng nguy hiểm của viêm gan C
    • Top 7

      Chẩn đoán bệnh viêm gan C

      Xét nghiệm máu là xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh viêm gan C rất chính xác. Bằng xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ dễ dàng nhận biết được anti-HCV dương tính hay âm tính. Nếu dương tính thì bạn đã mắc viêm gan C và ngược lại. Anti-HCV là kháng thể chống Hepatitis C Virus được cơ thể sinh ra khi bạn mắc bệnh. Tuy nhiên kháng thể này không đủ mạnh để có thể chống lại được virus này. Vậy nên khi có anti-HCV dương tính thì bạn nên tham khảo sớm ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.


      Sau khi được kết luận là dương tính HCV thì bạn cần tiếp tục làm một số xét nghiệm khác. Những xét nghiệm viêm gan C này sẽ giúp bác sĩ nắm rõ bệnh tình của bạn đang ở mức độ nào. Từ đó, họ sẽ đưa ra phương án điều trị kịp thời nhất.


      Những xét nghiệm này bao gồm:

      • Xét nghiệm xác định kiểu gen: Xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ nắm rõ virus gây bệnh trong cơ thể người bệnh thuộc kiểu gen nào. Vì hiện nay, có đến 6 kiểu gen virus có thể gây bệnh.
      • Thăm dò kiểm tra mức độ tổn thương gan: Thăm dò này được thực hiện thông qua nhiều bước kiểm tra. Các bước này bác sĩ chuyên khoa sẽ lựa chọn 1 số dịch vụ, bao gồm:
        • Chụp cắt lớp
        • Sinh thiết gan
        • Chụp CT
        • Chụp cộng hưởng từ
        • Siêu âm
      • Các xét nghiệm huyết học, sinh hóa và chức năng gan, sàng lọc ung thư gan bao gồm: công thức máu/số lượng tiểu cầu, thời gian prothrombin, INR, AST, ALT, albumin, bilirubin, AFP,...
      • Một số xét nghiệm khác, đặc biệt xét nghiệm HCV RNA: đây là phương pháp kiểm tra chuyên sâu đối với những người đã được xác định là dương tính với HCV.
      Chẩn đoán bệnh viêm gan C
      Chẩn đoán bệnh viêm gan C
      Chẩn đoán viêm gan C
    • Top 8

      Điều trị viêm gan C

      Viêm gan C có thể chữa được. Tuy nhiên, việc chữa trị không dễ dàng hay thoải mái. Mặc dù vậy, việc điều trị không phải lúc nào cũng loại bỏ hoàn toàn được virus.


      Kiểm soát triệu chứng khi viêm gan nặng hơn

      • Chướng bụng: Bác sĩ có thể kê toa thuốc lợi tiểu, thuốc giúp loại bỏ chất lỏng khỏi cơ thể hoặc dùng kim để rút chất lỏng ra trong trường hợp cần thiết. Sự tích tụ chất lỏng làm cho người bệnh càng dễ dàng bị nhiễm trùng, do đó bạn cũng có thể cần dùng kháng sinh đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
      • Giảm áp lực tĩnh mạch: Có thể bệnh nhân cần dùng thuốc chẹn beta, giảm huyết áp trong tĩnh mạch.
      • Xuất huyết trong thực quản: Bác sĩ sẽ kiểm tra và làm giảm tình trạng phù mạch máu thực quản, ngăn chặn tình trạng vỡ mạch máu.
      • Thải độc cho gan: Bác sĩ có thể dùng thuốc, người bệnh giảm lượng protein nạp vào cơ thể để giảm tải cho gan.

      Hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật khi biến chứng thành ung thư gan.


      Ghép gan kết hợp với kiểm soát triệu chứng
      khi gan tổn thương không thể phục hồi, suy gan.


      Điều quan trọng cần lưu ý là người bệnh có thể bị viêm gan C nhiều lần. Do đó, sau khi điều trị thành công, người bệnh cần hết sức cảnh giác, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn nhiễm trùng tái phát.

      Điều trị bệnh viêm gan C
      Điều trị bệnh viêm gan C
      Điều trị viêm gan C
    • Top 9

      Bệnh viêm gan C nên ăn gì?

      Thực phẩm chứa vitamin và khoáng chất

      Bệnh nhân viêm gan C có thể dễ dàng bổ sung vitamin và khoáng chất từ các thực phẩm như sau:

      • Các loại rau củ quả: Bệnh nhân viêm gan C nên tích cực bổ sung các loại rau củ quả. Mỗi ngày nên ăn ít nhất một loại rau có màu xanh đậm và một loại rau có màu cam (cà rốt, cà chua, bí đỏ...).
      • Trái cây tươi chứa nhiều vitamin có lợi: Một số loại trái cây mà người bệnh nên ăn như táo, củ cải đen, củ cải đường, cần tây, atisô, quả anh đào, bưởi, củ cải dài màu vàng, rau diếp xoăn, hành, tỏi, rau xà lách xoăn, cải cay, quả quất, chanh, quả mộc qua, nho.
      • Các loại hạt: Hạt điều, hạnh nhân, óc chó,...

      Thực phẩm chứa đạm (protein)
      Chúng ta có thể tìm thấy chất đạm (protein) có nhiều trong các loại thực phẩm như trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa, thịt gà, thịt thăn lợn, thịt bò và các loại đậu... Do đó, người bệnh viêm gan C nên cung cấp đủ lượng đạm cho cơ thể mỗi ngày.

      Tuy nhiên, đối với thực phẩm thuộc nhóm đạm, người bệnh cũng không nên ăn quá nhiều, nhất là lòng đỏ trứng gà. Bên cạnh đó, người bệnh nên tránh ăn các loại thực phẩm đóng hộp, đông lạnh và các loại thức ăn để lâu. Chất đạm đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cơ bắp, giúp hồi sức và phục hồi tế bào gan, duy trì các hoạt động sống hàng ngày.


      Chất xơ
      Chất xơ không chỉ giúp ngăn ngừa ung thư, béo phì, tránh gây mỡ máu và sỏi thận mà còn giúp bệnh nhân viêm gan C dễ tiêu hóa. Do vậy, người bệnh cần đảm bảo bổ sung một lượng chất xơ cần thiết hàng ngày. Một số thực phẩm giàu chất xơ mà người mắc viêm gan C nên ăn là: táo, bơ, rau bina, chuối... Mỗi ngày, người bệnh cũng đừng quên bổ sung đủ nước cho cơ thể.


      Thực phẩm thuộc nhóm chất béo
      Nhiều người khi được chẩn đoán mắc viêm gan C liền ngay lập tức thực hiện một chế độ ăn kiêng nghiêm khắc, loại bỏ hoàn toàn chất béo. Đây là một sai lầm trong điều trị viêm gan C. Các chuyên gia khuyên người bệnh nên cung cấp đủ chất béo cho cơ thể. Chất béo ngoài việc giúp cơ thể hấp thu được các vitamin, khoáng chất còn tham gia tái tạo tế bào, góp phần củng cố hệ thống miễn dịch.

      Một số thực phẩm thuộc nhóm chất béo lành mạnh mà người bệnh viêm gan C nên ăn là: dầu ô liu, dầu dừa, cá, sữa, sữa chua, hạt óc chó, hạnh nhân... Tuy vậy, không phải thực phẩm nào thuộc nhóm chất béo cũng có thể nạp vào cơ thể. Những thực phẩm nhiều chất béo bão hòa thì không nên ăn, bởi chúng sẽ gia tăng áp lực lên gan.


      Nhóm tinh bột
      Cơm, bánh mì, bún... là những thực phẩm thuộc nhóm tinh bột mà người bệnh mắc viêm gan C nên bổ sung một cách cân đối, phụ thuộc vào thể trạng của từng người. Nhóm tinh bột này giúp gan dự trữ được nguồn năng lượng bị hao hụt đi trong hoạt động sống hàng ngày. Việc loại bỏ hoàn toàn tinh bột trong chế độ ăn sẽ khiến gan không có nguồn dự trữ, cơ thể không thể hoạt động được.

      Viêm gan C nên ăn gì?
      Viêm gan C nên ăn gì?
      Viêm gan C nên ăn gì?
    • Top 10

      Bệnh viêm gan C nên kiêng gì?

      Thực phẩm chế biến sẵn và chứa nhiều muối

      Nếu không may mắc bệnh viêm gan C, bạn nên hạn chế tối đa các món ăn được chế biến sẵn hoặc thực phẩm chứa nhiều muối. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng muối Natri là tác nhân khiến tình trạng bệnh viêm gan C trở nên nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân là do Natri sẽ ảnh hưởng tới chức năng của một số cơ quan nội tạng, protein trong máu không được sản sinh đầy đủ.

      Đặc biệt, trong các thực phẩm chế biến sẵn, hàm lượng Natri là tương đối cao, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe bệnh nhân. Bởi vậy, bạn không nên ăn xúc xích, gà rán hoặc thịt muối thường xuyên.


      Thực phẩm chứa nhiều đường
      Khi tìm hiểu bệnh nhân viêm gan C kiêng ăn gì, chắc hẳn mọi người đều biết những thực phẩm chứa nhiều đường có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh. Bởi vì, đường là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ ở bệnh nhân đang điều trị viêm gan C. Tốt nhất, chúng ta nên hạn chế ăn uống kẹo, nước trái cây để đảm bảo sức khỏe tốt nhất nhé!


      Thông thường, chúng ta chỉ nên hấp thu lượng đường dưới 100 kcal/ngày đối với phụ nữ và 150 kcal/ngày đối với đàn ông. Mọi người hãy lưu ý vấn đề này và cố gắng cân đối thực đơn ăn uống hàng ngày nhé!


      Thực phẩm giàu sắt
      Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc bệnh viêm gan C cũng nên hạn chế ăn các thực phẩm giàu sắt, bởi vì dinh dưỡng này sẽ tích tụ ở gan. Đây là điều kiện thuận lợi để vi rút gây bệnh phát triển, khiến tình trạng sức khỏe trở nên tồi tệ hơn. Các bác sĩ cũng chỉ ra rằng việc ăn quá nhiều thực phẩm giàu sắt có thể làm giảm hiệu quả điều trị bệnh viêm gan C. Tốt nhất, bạn nên loại bỏ các thực phẩm giàu sắt như: bí, gan hoặc các loại thịt đỏ ra khỏi bữa ăn hàng ngày.

      Viêm gan C kiêng ăn gì?
      Viêm gan C kiêng ăn gì?
      Những thực phẩm người mắc bệnh gan nên tránh
    • Top 11

      Phòng ngừa bệnh viêm gan C

      Viêm gan siêu vi C hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách tránh tiếp xúc với máu của người bị nhiễm bệnh. Một số phương pháp phòng ngừa lây nhiễm hiệu quả như sau:

        • Tuyệt đối không dùng chung kim tiêm: Những người sử dụng ma túy qua đường tĩnh mạch có khả năng bị lây nhiễm viêm gan C rất cao vì tình trạng dùng chung bơm kim tiêm. Ngoài kim tiêm, HCV cũng có thể tồn tại trong các dụng cụ khác như ống hút, ống hít khi sử dụng ma túy trái phép.
        • Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các chế phẩm từ máu: Những người làm trong ngành y tế, xét nghiệm cần cẩn thận để tránh tiếp xúc trực tiếp với máu của người bệnh. Các thiết bị và dụng cụ y tế sau khi sử dụng đều phải được vứt bỏ một cách an toàn hoặc tiệt trùng đúng cách để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh viêm gan C.
        • Không dùng chung các vật dụng chăm sóc cá nhân: Không dùng chung các vật dụng như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, cắt móng tay và kéo để tránh bị dính máu và làm lây lan virus.
        • Chọn tiệm xăm và xỏ khuyên cẩn thận: Lựa chọn tiệm xăm hình hoặc xỏ khuyên uy tín, có quy trình vệ sinh phù hợp sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm.
        • Quan hệ tình dục an toàn: Không quan hệ tình dục không bảo vệ với nhiều bạn tình hoặc với bất kỳ đối tác nào có tình trạng sức khỏe không đảm bảo.

        Bên cạnh đó, việc duy trì một lối sống lành mạnh, quản lý tốt cân nặng, hạn chế tiếp xúc với các tác nhân độc hại cho gan như thuốc lá, rượu bia, chất kích thích, hóa chất… và khám sức khỏe định kỳ cũng là phương pháp giúp bạn bảo vệ lá gan, phát hiện sớm và điều trị kịp thời viêm gan C cũng như các bệnh về gan khác.

        Phòng ngừa bệnh viêm gan C
        Phòng ngừa bệnh viêm gan C
        Phòng tránh bệnh viêm gan C




      Công Ty cổ Phần Toplist
      Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
      Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
      Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
      Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
      Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy