Tầm soát ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là một trong 5 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Tại Việt Nam hiện nay tỉ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn còn cao, khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kém, kinh phí điều trị lớn. Ung thư dạ dày giai đoạn sớm được định nghĩa là mức độ xâm lấn ung thư dạ dày chưa vượt qua lớp hạ niêm mạc. Ở giai đoạn này có tiên lượng tốt hơn nhiều so với ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển (90% sống sót sau 5 năm).
Các kiểm tra cận lâm sàng để tầm soát ung thư dạ dày bao gồm:
- Nội soi dạ dày: là kỹ thuật tầm soát các bệnh lý dạ dày trong đó có ung thư dạ dày. Bác sĩ đưa một ống nội soi (ống mềm dài có gắn máy ảnh và đèn soi) vào miệng, qua thực quản và xuống dạ dày để quan sát bên trong dạ dày.
- Sinh thiết: được thực hiện trong quá trình nội soi dạ dày. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ từ vùng nghi ngờ bất thường của dạ dày. Mẫu mô này sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để xác định tính chất lành tính hoặc ác tính của tế bào dạ dày.
- Chụp cắt lớp dạ dày: Các kiểm tra hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT) và PET-CT tạo ra hình ảnh bên trong của cơ thể, từ đó xem ung thư đã di căn đến những nơi khác hay chưa.
Các bác sĩ cũng sẽ kiểm tra tình trạng nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori (vi khuẩn Hp) bằng nhiều cách: kiểm tra hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm trên mẫu sinh thiết của dạ dày và các xét nghiệm khác.