Tầm soát ung thư vú
Ung thư vú là bệnh lý u vú ác tính khi các tế bào ác tính hình thành từ trong mô tuyến vú. Các tế bào ung thư sau đó có thể phát triển lan rộng ra toàn bộ vú và di căn sang các bộ phận khác trên cơ thể. Đây là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Theo ghi nhận tỷ lệ mắc mới trên toàn cầu của ung thư vú ở nữ giới là 24.5% cao nhất trong số các loại ung thư ở phụ nữ (theo Trung tâm ghi nhận ung thư toàn cầu Globocan, số liệu năm 2020).
Ngày nay, với sự phát triển của các kỹ thuật hiện đại, biện pháp sàng lọc và phát hiện sớm bệnh ung thư vú giúp cải thiện tỷ lệ chữa khỏi cho bệnh nhân ung thư vú. Bệnh nhân ung thư vú khi phát hiện ở giai đoạn 1 và được điều trị tích cực có 80 - 90% cơ hội sống trên 5 năm. Vì vậy, việc tầm soát, sàng lọc ung thư vú có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát hiện bệnh sớm và nâng cao hiệu quả phòng ngừa, điều trị bệnh.
Các phương tiện tầm soát ung thư vú bao gồm siêu âm tuyến vú, nhũ ảnh (chụp X-quang tuyến vú), chụp cộng hưởng từ tuyến vú (MRI) hoặc làm xét nghiệm sinh thiết – giải phẫu bệnh (để xác định tính chất lành tính hay ác tính của các tế bào trong khối u vú).