Tầm soát ung thư phổi
Ung thư phổi là bệnh lý ác tính bắt nguồn từ các mô phổi trong đó các mô phổi tăng sinh không thể kiểm soát tạo thành một khối u ác tính. Sự tăng trưởng tế bào này có thể lan ra ngoài phổi đến các mô hoặc bộ phận khác của cơ thể, quá trình này gọi là di căn.
Ung thư phổi là bệnh lý ác tính hàng đầu, bệnh có tỷ lệ tử vong cao nếu phát hiện muộn. Có tới 70% bệnh nhân ung thư phổi ở Việt Nam phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn và thời gian sống thêm không nhiều. Do đó tầm soát ung thư phổi đóng vai trò rất quan trọng giúp giảm chi phí điều trị, kéo dài thời gian sống và giảm thiểu tỷ lệ tử vong của bệnh.
Các phương tiện cận lâm sàng sau đây có thể giúp tầm soát ung thư phổi:
- CT ngực liều thấp (không có thuốc cản quang): có liều tia hấp thụ thấp hơn nhiều so với liều chuẩn của CT Scan thông thường. Vì là phương tiện hình ảnh 3D, nên giúp khắc phục nhược điểm của X-quang ngực thẳng. Nếu phát hiện ra các tổn thương nghi ngờ, có thể kết hợp tiêm thuốc cản quang để khảo sát.
- CT scan có thuốc cản quang và/hoặc PET/CT: chỉ sử dụng tầm soát khi phát hiện nốt bất thường 7-10mm ở phổi.
- Sinh thiết nốt bất thường ở phổi: chỉ thực hiện khi có hình ảnh nghi ngờ cao trên phim CT scan có thuốc cản quang và/hoặc PET/CT.