Thuyết minh về Tết nguyên đán bài 6

Việt Nam với bề dày lịch sử hơn 4000 năm văn hiến với nền văn hóa, phong tục tập quán vô cùng đa dạng và phong phú không chỉ về lịch sử các triều đại mà các hoạt động lễ hội, tết nhất cũng vô cùng đặc sắc, đáng chú ý. Với hàng chục những dịp tết lớn, tết bé như Rằm tháng Giêng, tết Đoan Ngọ, Tết Thanh Minh, Rằm tháng bảy, tết Trung Thu, Tết ông Công, ông Táo,... và đặc biệt đáng chú ý nhất ấy là dịp Tết Nguyên Đán, dịp tết của mọi nhà, mọi người dân trên đất Việt, với những ý nghĩa quan trọng không chỉ là thời khắc đánh dấu sự chuyển giao thời gian mà còn là một nét văn hóa đã ăn sâu vào nếp sống dân tộc ta.


Tết Nguyên Đán còn gọi là Tết Cả, Tết âm lịch, Tết Ta hay Tết Cổ Truyền là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt, được tính theo lịch âm, với ba ngày tết chính (3 ngày Tân Niên) là mùng Một, mùng hai và mùng ba tháng Giêng âm lịch. Nhân dịp này các gia đình sẽ tạm ngưng hết tất cả mọi công việc dù bận rộn đến đâu, để cùng nhau sum họp, quây quần chuẩn bị cho Tết, với những công việc chính như trang hoàng nhà cửa, mua sắm, gói bánh, chuẩn bị cúng bái gia tiên, thần thánh, đi thăm chúc sức khỏe người thân, bạn bè, và cuối cùng là tận hưởng những ngày nghỉ đầu năm mới. Việc ăn Tết âm lịch của người Việt ta có thể kéo dài hàng tuần, bắt đầu từ những hôm 27, 28 tháng Chạp, đến tận mùng 10 tháng Giêng năm sau, tùy vào điều kiện của mỗi gia đình. Về nguồn gốc, Tết Nguyên Đán bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước Đông Á, do tập quán canh tác bắt đầu vào mùa vào những ngày đầu năm, tức là tiết đầu tiên trong 24 tiết khí trong năm thường gọi là tiết Nguyên Đán, sau này gọi là Tết Nguyên Đán. Chính vì để cầu chúc cho mùa màng gieo cấy được thuận lợi, người dân thường chọn tiết khởi đầu trong năm này để cúng lễ, ăn mừng, vui chơi nhằm gây dựng không khí vui tươi, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được bội thu. Sau lâu dần, Tết Nguyên Đán đã trở thành một dịp lễ tết đặc biệt không thể thiếu của người dân Việt, nó không chỉ đơn thuần là việc cầu chúc cho mùa màng nữa, mà đã trở thành một dịp nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm lao động vất vả, là dịp để sum họp gia đình sau một năm dài phân cách, đồng thời cũng là một hoạt động quan trọng để gìn giữ bản sắc dân tộc Việt.


Bao hàm trong dịp Tết Nguyên Đán thường có một số hoạt động quan trọng không thể thiếu. Trước hết ấy là việc mua cá chép đem thả, làm cỗ cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp, để tiễn các ngài về chầu trời, báo cáo công việc, tình hình của gia chủ trong vòng một năm qua. Sau khi tiễn các ông táo đi được một tuần thì vào ngày 30 tháng Chạp, tức ngày cuối năm gia chủ lại tiếp tục làm lễ rước các ngài về ăn Tết . Thông thường nghi lễ này được tiến hành ở bàn thờ đặt trong bếp, nơi các ông Táo, bà Táo cư ngụ. Bên cạnh đó, lễ cúng Tất Niên cũng là một lễ cúng quan trọng và cần chuẩn bị tươm tất đủ đầy với các món ăn truyền thống thi bánh chưng, giò chả, mọc, miến, xôi, gà luộc nguyên con, mâm ngũ quả, hoa, nhang đèn, rượu ngon,... Gia chủ tắm rửa sạch sẽ, ăn vận gọn gàng, lịch sự, tiến hành cúng lễ, khấn vái ông bà tổ tiên, thần thánh muôn nơi về ăn Tết, cầu cho những vận xui rủi năm cũ tan biến để chuẩn bị chào đón một năm mới tươi đẹp nhiều khởi sắc. Ngoài ra còn có lễ cúng Giao Thừa, lễ cúng trong 3 ngày Tân Niên cũng được thực hiện tương tự. Có thể nói rằng, dịp Tết mang đến cho con người cảm giác ấm áp, thiêng liêng, không chỉ vì không khí đoàn tụ, sum họp trong gia đình, mà còn nằm ở mùi nhang khói phảng phất quanh quẩn kéo dài suốt mấy ngày lễ, vốn đã trở thành đặc trưng của dân tộc.


Bên ngoài các lễ cúng thì có một số phong tục không thể thiếu trong dịp Tết Cổ Truyền của dân tộc bao gồm việc gói bánh chưng chuẩn bị ăn Tết những ngày cuối năm. Có thể nói rằng bánh chưng xanh, câu đối đỏ là một dấu ấn, một đặc trưng không thể thiếu trong ngày tết Nguyên Đán và cho đến ngày hôm nay nó vẫn được duy trì như một phong tục đẹp đẽ. Tết mà thiếu đi bánh chưng xanh thì tết đâu còn là tết nữa. Một phong tục khác, ngày càng phổ biến trong nhân dân ấy là tục chơi hoa, nếu như trước đây người ta quen với hình ảnh quất vàng trĩu quả, mai vàng khoe sắc hay đào hồng đằm thắm, thì đến ngày hôm nay khi mức sống ngày càng cao, trong mỗi căn nhà không chỉ có mỗi mai, mỗi đào, mà còn có muôn thứ hoa rực rỡ khác ví như cúc vạn thọ, hoa hồng, hoa mào gà, bách hợp, hoa ly thơm ngào ngạt, ... mỗi loài đều có một vẻ đẹp riêng. Gia chủ càng trưng nhiều hoa chứng tỏ năm vừa qua rất mãn ý, cũng đồng nghĩa với việc mong ước một năm mới rộn ràng, vui tươi như muôn hoa đua nở. Rồi sau bữa cơm Tất Niên gia đình sum họp, mọi người trong gia đình lại quây quần bên nhau cùng trò chuyện, xem chung một chương trình mừng xuân trên truyền hình, đợi đến khoảnh khắc Giao thừa lắng nghe tiếng pháo mừng năm mới, đón mừng thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Quả thực đó là một cảm giác rất thiêng liêng và khó tả, là lúc trời đất âm dương giao hòa, trong tâm khảm mỗi con người cũng có nhiều biến đổi, mọi người trong gia đình lại càng vì khoảnh khắc chung đụng này mà trở nên gắn bó hơn. Những ngày đầu năm mới, đáng chú ý nhất là tục xông đất, hái lộc, gia chủ thường tự xông đất cho nhà mình, hoặc có thể nhờ một người thân thiết, hợp tuổi xông đất, cầu mong cho năm mới khởi đầu thuận lợi, nhiều may mắn. Sau đó nữa là việc hái lộc, mỗi một người xuất hành ra khỏi nhà, sau đó chọn hái cho mình một nhành cây, nhành hoa mang về nhà, với mục đích rước lộc vào nhà, cầu may mắn. Trong những ngày tết mọi người thường có tục đến thăm và chúc tết những người thân thiết, mừng tuổi cho người già và trẻ nhỏ, như một cách thể hiện tình cảm, mang may mắn đến cho bản thân và mọi người. Ngoài ra đầu xuân nhân dân ta còn có tục đi chùa cầu may, lễ Phật, thể hiện một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt.


Tết Nguyên Đán là một dịp tết vô cùng quan trọng trong nếp sống của nhân dân ta, không chỉ thể hiện sự gìn giữ và duy trì những phong tục tập quán tốt đẹp đã có từ hàng ngàn năm nay của dân tộc, mà đây còn là một dịp tốt để mọi người sum họp bên nhau, gắn kết làm bền chặt thêm tình cảm gia đình, cũng là lúc con người được nghỉ ngơi thư giãn sau một năm bôn ba nhiều vất vả. Đối với mỗi người con đất Việt, đặc biệt là những người con xa xứ, có lẽ chẳng ước mong nào bằng ước mong về những ngày tết cổ truyền được sum vầy bên cha mẹ, người thân.

Thuyết minh về Tết nguyên đán bài 6
Thuyết minh về Tết nguyên đán bài 6
Thuyết minh về Tết nguyên đán bài 6
Thuyết minh về Tết nguyên đán bài 6

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy