Top 15 Bài thơ trong sách giáo khoa hay nhất

Huyền YS 11227 0 Báo lỗi

Có những bài thơ, câu thơ trong SGK Ngữ văn mà một khi nhắc tới, hầu như ai cũng biết và cảm thấy hoài niệm về thời còn cắp sách tới trường! Hãy cùng ngược ... xem thêm...

  1. Bỗng nhận ra hương ổi

    Phả vào trong gió se

    Gió chùng chình qua ngõ

    Hình như thu đã về


    Sông được lúc dềnh dàng

    Chim bắt đầu vội vã

    Có đám mây mùa hạ

    Vắt nửa mình sang thu


    Vẫn còn bao nhiêu nắng

    Đã vơi dần cơn mưa

    Sấm cũng bớt bất ngờ

    Trên hàng cây đứng tuổi.


    (Hữu Thỉnh - SGK Ngữ văn 9 - tập 2)

    Sang Thu
    Sang Thu
    Sang Thu
    Sang Thu

  2. Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

    Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

    Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!


    Lên bốn tuổi chấu đã quen mùi khói

    Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,

    Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy,

    Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

    Nghĩ lại đến giờ sóng mũi còn cay!


    Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa

    Tu hú kêu trên những cánh đồng xa

    Tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?

    Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế

    Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế?

    Mẹ cùng cha công tác bận không về,

    Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,

    Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,

    Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,

    Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,

    Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?


    Năm giặc đối làng cháy tàn cháy rụi

    Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi,

    Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh

    Vững lòng bà dặn cháu đinh ninh:

    "Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,

    Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,

    Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!"


    Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen

    Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn

    Một ngọn lửa, chứa niềm tin dai dẳng...


    Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

    Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

    Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

    Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,

    Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,

    Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui,

    Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ!

    Ôi kỳ lạ và thiêng liêng - bếp lửa!


    Giờ cháu đã đi xa.

    Có khói trăm tàu,

    Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,

    Nhưng chẳng bao giờ quên nhắc nhở;

    Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?...


    (Bằng Việt - SGK Ngữ văn 9 - tập 1)

    Bếp lửa
    Bếp lửa
    Bếp lửa
    Bếp lửa
  3. Top 3

    Sóng

    Dữ dội và dịu êm

    Ồn ào và lặng lẽ

    Sông không hiểu nổi mình

    Sóng tìm ra tận bể


    Ôi con sóng ngày xưa

    Và ngày sau vẫn thế

    Nỗi khát vọng tình yêu

    Bồi hồi trong ngực trẻ


    Trước muôn trùng sóng bể

    Em nghĩ về anh, em

    Em nghĩ về biển lớn

    Từ nơi nào sóng lên?


    Sóng bắt đầu từ gió

    Gió bắt đầu từ đâu?

    Em cũng không biết nữa

    Khi nào ta yêu nhau


    Con sóng dưới lòng sâu

    Con sóng trên mặt nước

    Ôi con sóng nhớ bờ

    Ngày đêm không ngủ được
    Lòng em nhớ đến anh

    Cả trong mơ còn thức


    Dẫu xuôi về phương bắc

    Dẫu ngược về phương nam
    Nơi nào em cũng nghĩ

    Hướng về anh – một phương


    Ở ngoài kia đại dương

    Trăm nghìn con sóng đó

    Con nào chẳng tới bờ

    Dù muôn vời cách trở


    Cuộc đời tuy dài thế

    Năm tháng vẫn đi qua

    Như biển kia dẫu rộng

    Mây vẫn bay về xa


    Làm sao được tan ra

    Thành trăm con sóng nhỏ

    Giữa biển lớn tình yêu

    Để ngàn năm còn vỗ.


    (Xuân Quỳnh - SGK Ngữ văn 12 - tập 2)

    Sóng
    Sóng
    Sóng
    Sóng
  4. Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.

    Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

    Lá trúc che ngang mặt chữ điền.


    Gió theo lối gió, mây đường mây,

    Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...

    Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó,

    Có chở trăng về kịp tối nay?


    Mơ khách đường xa, khách đường xa

    Áo em trắng quá nhìn không ra...

    Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

    Ai biết tình ai có đậm đà?


    (Hàn Mặc Tử - SGK Ngữ văn 11 - tập 2)

    Đây thôn Vĩ Dạ
    Đây thôn Vĩ Dạ
    Đây thôn Vĩ Dạ
    Đây thôn Vĩ Dạ
  5. Tre xanh,

    Xanh tự bao giờ?

    Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh.


    Thân gầy guộc, lá mong manh,

    Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?
    Ở đâu tre cũng xanh tươi,

    Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu.


    Có gì đâu, có gì đâu,

    Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều.

    Rễ siêng không ngại đất nghèo,

    Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù.

    Vươn mình trong gió tre đu,

    Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành.

    Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh,

    Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm.


    Bão bùng thân bọc lấy thân,

    Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm.

    Thương nhau tre không ở riêng,

    Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người.

    Chẳng may thân gãy cành rơi,

    Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng.

    Nòi tre đâu chịu mọc cong,

    Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.

    Lưng trần phơi nắng phơi sương,

    Có manh áo cộc tre nhường cho con.


    Măng non là búp măng non,

    Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre.

    Năm qua đi, tháng qua đi,

    Tre già măng mọc có gì lạ đâu.


    Mai sau,

    Mai sau,

    Mai sau...

    Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.


    (Nguyễn Duy - SGK Ngữ văn 6 - tập 1)

    Tre Việt Nam
    Tre Việt Nam
    Tre Việt Nam
    Tre Việt Nam
  6. Tôi muốn tắt nắng đi

    Cho màu đừng nhạt mất;

    Tôi muốn buộc gió lại

    Cho hương đừng bay đi.


    Của ong bướm này đây tuần trăng mật;

    Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

    Này đây lá của cành tơ phơ phất;

    Của yến anh này đây khúc tình si.

    Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;

    Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;

    Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;

    Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:

    Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

    Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,

    Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,

    Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.

    Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,

    Không cho dài thời trẻ của nhân gian,

    Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,

    Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại.

    Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,

    Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;

    Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,

    Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt...

    Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc,

    Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?

    Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,

    Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?

    Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa...


    Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,

    Ta muốn ôm

    Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

    Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

    Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

    Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

    Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

    Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

    Cho no nê thanh sắc của thời tươi;

    Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!


    (Xuân Diệu - SGK Ngữ văn 11 - tập 2)

    Vội vàng
    Vội vàng
    Vội vàng
    Vội vàng
  7. Quê hương anh nước mặn, đồng chua

    Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

    Anh với tôi đôi người xa lạ

    Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
    Súng bên súng, đầu sát bên đầu

    Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

    Đồng chí!


    Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

    Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

    Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
    Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,

    Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.


    Áo anh rách vai

    Quần tôi có vài mảnh vá

    Miệng cười buốt giá

    Chân không giày

    Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!


    Đêm nay rừng hoang sương muối

    Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

    Đầu súng trăng treo.


    (Chính Hữu - SGK Ngữ văn 9 - tập 1)

    Đồng chí
    Đồng chí
    Đồng chí
    Đồng chí
  8. Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

    Mặt trời chân lý chói qua tim

    Hồn tôi là một vườn hoa lá

    Rất đậm hương và rộn tiếng chim...


    Tôi buộc lòng tôi với mọi người

    Để tình trang trải với trăm nơi

    Để hồn tôi với bao hồn khổ

    Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời


    Tôi đã là con của vạn nhà

    Là em của vạn kiếp phôi pha

    Là anh của vạn đầu em nhỏ

    Không áo cơm, cù bất cù bơ...


    (Tố Hữu - SGK Ngữ văn 11 - tập 2)

    Từ ấy
    Từ ấy
    Từ ấy
    Từ ấy
  9. Hồi nhỏ sống với đồng

    với sông rồi với bể

    hồi chiến tranh ở rừng

    vầng trăng thành tri kỷ


    Trần trụi với thiên nhiên

    hồn nhiên như cây cỏ

    ngỡ không bao giờ quênc

    ái vầng trăng tình nghĩa


    Từ hồi về thành phố

    quen ánh điện cửa gương

    vầng trăng đi qua ngõn

    hư người dưng qua đường


    Thình lình đèn điện tắt

    phòng buyn-đinh tối om

    vội bật tung cửa sổ

    đột ngột vầng trăng tròn


    Ngửa mặt lên nhìn mặt

    có cái gì rưng rưng

    như là đồng là bể

    như là sông là rừng


    Trăng cứ tròn vành vạnh

    kể chi người vô tình

    ánh trăng im phăng phắc

    đủ cho ta giật mình.


    (Nguyễn Duy - SGK Ngữ văn 9 - tập 1)

    Ánh trăng
    Ánh trăng
    Ánh trăng
    Ánh trăng
  10. Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

    Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.

    Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,

    Mường Lát hoa về trong đêm hơi.


    Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,

    Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.

    Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,

    Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.


    Anh bạn dãi dầu không bước nữa,

    Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

    Chiều chiều oai linh thác gầm thét,

    Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.


    Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,

    Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.


    Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,

    Kìa em xiêm áo tự bao giờ.

    Khèn lên man điệu nàng e ấp,

    Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.


    Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,

    Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?

    Có nhớ dáng người trên độc mộc,

    Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?


    Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

    Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.


    Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.

    Áo bào thay chiếu, anh về đất,

    Sông Mã gầm lên khúc độc hành.


    Tây Tiến người đi không hẹn ước,

    Đường lên thăm thẳm một chia phôi.

    Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy,

    Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.


    (Quang Dũng - SGK Ngữ văn 12 - tập 1)

    Tây Tiến
    Tây Tiến
    Tây Tiến
    Tây Tiến
  11. Mọc giữa dòng sông xanh

    Một bông hoa tím biếc

    Ơi con chim chiền chiện

    Hót chi mà vang trời
    Từng giọt long lanh rơi

    Tôi đưa tay tôi hứng.


    Mùa xuân người cầm súng

    Lộc giắt đầy quanh lưng

    Mùa xuân người ra đồng

    Lộc trải dài nương mạ

    Tất cả như hối hả

    Tất cả như xôn xao


    Ðất nước bốn nghìn năm

    Vất vả và gian lao

    Ðất nước như vì sao

    Cứ đi lên phía trước.


    Ta làm con chim hót
    Ta làm một cành hoa
    Ta nhập vào hoà ca
    Một nốt trầm xao xuyến.

    Một mùa xuân nho nhỏ
    Lặng lẽ dâng cho đời
    Dù là tuổi hai mươi
    Dù là khi tóc bạc.

    Mùa xuân ta xin hát
    Câu Nam ai, Nam bình
    Nước non ngàn dặm mình
    Nước non ngàn dặm tình
    Nhịp phách tiền đất Huế...


    (Thanh Hải - SGK Ngữ văn 9 - tập 2)

    Mùa xuân nho nhỏ
    Mùa xuân nho nhỏ
    Mùa xuân nho nhỏ
    Mùa xuân nho nhỏ
  12. Trên đường hành quân xa

    Dừng chân bên xóm nhỏ

    Tiếng gà ai nhảy ổ:

    “Cục... cục tác cục ta”

    Nghe xao động nắng trưa

    Nghe bàn chân đỡ mỏi

    Nghe gọi về tuổi thơ


    Tiếng gà trưa

    Ổ rơm hồng những trứng

    Này con gà mái mơ

    Khắp mình hoa đốm trắng

    Này con gà mái vàng

    Lông óng như màu nắng


    Tiếng gà trưa
    Có tiếng bà vẫn mắng:
    - Gà đẻ mà mày nhìn
    Rồi sau này lang mặt!
    Cháu về lấy gương soi
    Lòng dại thơ lo lắng

    Tiếng gà trưa
    Tay bà khum soi trứng
    Dành từng quả chắt chiu
    Cho con gà mái ấp


    Cứ hàng năm hàng năm

    Khi gió mùa đông tới

    Bà lo đàn gà toi

    Mong trời đừng sương muối

    Để cuối năm bán gà

    Cháu được quần áo mới

    Ôi cái quần chéo go

    Ống rộng dài quét đất

    Cái áo cánh chúc bâu

    Đi qua nghe sột soạt


    Tiếng gà trưa

    Mang bao nhiêu hạnh phúc

    Đêm cháu về nằm mơ

    Giấc ngủ hồng sắc trứng


    Cháu chiến đấu hôm nay

    Vì lòng yêu Tổ quốc

    Vì xóm làng thân thuộc

    Bà ơi, cũng vì bà

    Vì tiếng gà cục tác
    Ổ trứng hồng tuổi thơ


    (Xuân Quỳnh - Ngữ văn 7 - Tập 1)

    Tiếng gà trưa
    Tiếng gà trưa
    Tiếng gà trưa
    Tiếng gà trưa
  13. Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,

    Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua,

    Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,

    Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,

    Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,

    Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.

    Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,

    Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.


    Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,

    Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa.

    Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,

    Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,

    Với khi thét khúc trường ca dữ dội,

    Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,

    Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,

    Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.

    Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,

    Là khiến cho mọi vật đều im hơi.

    Ta biết ta chúa tể cả muôn loài,

    Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.


    Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,

    Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

    Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,

    Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?

    Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,

    Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

    Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.

    Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,

    Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

    - Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?


    Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,

    Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,

    Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:

    Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;

    Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng

    Len dưới nách những mô gò thấp kém;

    Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,

    Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu

    Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.


    Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!

    Là nơi giống hầm thiêng ta ngự trị.

    Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,

    Nơi ta không còn được thấy bao giờ!

    Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,

    Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn

    Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,

    - Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!


    (Thế Lữ - Ngữ Văn 8 - Tập 2)

    Nhớ rừng
    Nhớ rừng
    Nhớ rừng
    Nhớ rừng
  14. -Mình về mình có nhớ ta?

    Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

    Mình về mình có nhớ không

    Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?


    Tiếng ai tha thiết bên cồn

    Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

    Áo chàm đưa buổi phân ly

    Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...


    - Mình đi, có nhớ những ngày

    Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?

    Mình về, có nhớ chiến khu

    Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?

    Mình về, rừng núi nhớ ai

    Trám bùi để rụng, măng mai để già.

    Mình đi, có nhớ những nhà

    Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son

    Mình về, còn nhớ núi non

    Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh

    Mình đi, mình có nhớ mình

    Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?


    - Ta với mình, mình với ta

    Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

    Mình đi, mình lại nhớ mình

    Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu...


    Nhớ gì như nhớ người yêu

    Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

    Nhớ từng bản khói cùng sương

    Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

    Nhớ từng rừng nứa bờ tre

    Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.

    Ta đi, ta nhớ những ngày

    Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi...


    Thương nhau, chia củ sắn lùi

    Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

    Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

    Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.

    Nhớ sao lớp học i tờ

    Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

    Nhớ sao ngày tháng cơ quan

    Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.

    Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

    Chày đêm nện cối đều đều suối xa...


    Ta về, mình có nhớ ta

    Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

    Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

    Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

    Ngày xuân mơ nở trắng rừng

    Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

    Ve kêu rừng phách đổ vàng

    Nhớ cô em gái hái măng một mình

    Rừng thu trăng rọi hoà bình

    Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.
    Nhớ khi giặc đến giặc lùng


    Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây.

    Núi giăng thành luỹ sắt dày

    Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù

    Mênh mông bốn mặt sương mù

    Đất trời ta cả chiến khu một lòng.


    Ai về ai có nhớ không?

    Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng.

    Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng

    Nhớ từ Cao - Lạng, nhớ sang Nhị Hà...

    Những đường Việt Bắc của ta

    Đêm đêm rầm rập như là đất rung

    Quân đi điệp điệp trùng trùng

    Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.

    Dân công đỏ đuốc từng đoàn

    Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

    Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

    Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

    Tin vui chiến thắng trăm miền

    Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

    Vui từ Đồng Tháp, An Khê

    Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.


    Ai về ai có nhớ không?

    Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang.

    Nắng trưa rực rỡ sao vàng

    Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công

    Điều quân chiến dịch thu đông

    Nông thôn phát động, giao thông mở đường

    Giữ đê, phòng hạn, thu lương

    Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu...


    Ở đâu u ám quân thù

    Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi

    Ở đâu đau đớn giống nòi

    Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.

    Mười lăm năm ấy, ai quên

    Quê hương Cách mạng dựng nên Cộng hoà

    Mình về mình lại nhớ ta

    Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào.


    - Nước trôi nước có về nguồn

    Mây đi mây có cùng non trở về?

    Mình về, ta gửi về quê

    Thuyền nâu trâu mộng với bè nứa mai

    Nâu này nhuộm áo không phai

    Cho lòng thêm đậm, cho ai nhớ mình.

    Trâu về, xanh lại Thái Bình

    Nứa mai gài chặt mối tình ngược xuôi.


    - Nước trôi, lòng suối chẳng trôi
    Mây đi mây vẫn nhớ hồi về non

    Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn

    Chàm nâu thêm đậm, phấn son chẳng nhoà.

    Nứa mai mình gửi quê nhà

    Nước non đâu cũng là ta với mình.

    Thái Bình đồng lại tươi xanh

    Phên nhà lại ấm, mái đình lại vui...


    Mình về thành thị xa xôi

    Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng?

    Phố đông, còn nhớ bản làng

    Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?

    Mình đi, ta hỏi thăm chừng

    Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui?


    - Đường về, đây đó gần thôi!

    Hôm nay rời bản về nơi thị thành

    Nhà cao, chẳng khuất non xanh

    Phố đông, càng giục chân nhanh bước đường.

    Ngày mai về lại thôn hương

    Rừng xưa núi cũ yêu thương lại về.

    Ngày mai rộn rã sơn khê

    Ngược xuôi tàu chạy, bốn bề lưới giăng.

    Than Phấn Mễ, thiếc Cao Bằng

    Phố phường như nấm như măng giữa trời.

    Mái trường ngói mới đỏ tươi

    Chợ vui trăm nẻo về khơi luồng hàng

    Muối Thái Bình ngược Hà Giang

    Cày bừa Đông Xuất, mía đường tỉnh Thanh.

    Ai về mua vại Hương Canh

    Ai lên mình gửi cho anh với nàng

    Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng

    Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông

    Áo em thêu chỉ biếc hồng

    Mùa xuân ngày hội lùng tùng thêm tươi

    Còn non, còn nước, còn trời

    Bác Hồ thêm khoẻ, cuộc đời càng vui!


    - Mình về với Bác đường xuôi

    Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người

    Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời

    Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường!

    Nhớ Người những sáng tinh sương

    Ung dung yên ngựa trên đường suối reo

    Nhớ chân Người bước lên đèo

    Người đi, rừng núi trông theo bóng Người...


    - Lòng ta ơn Đảng đời đời

    Ngược xuôi, đôi mặt một lời song song.

    Ngàn năm xưa, nước non Hồng

    Còn đây, ơn Đảng nối dòng dài lâu

    Ngàn năm non nước mai sau

    Đời đời ơn Đảng càng sâu càng nồng.


    Cầm tay nhau hát vui chung

    Hôm sau mình nhé, hát cùng Thủ đô.


    (Tố Hữu - SGK Ngữ văn 12 - Tập 1)

    Việt Bắc
    Việt Bắc
    Việt Bắc
    Việt Bắc
  15. Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,

    Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.

    Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội,

    Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng.

    Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi,

    Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối,

    Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:


    - Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi,

    Mẹ thương a kay, mẹ thương bộ đội

    Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần,

    Mai sau con lớn vung chày lún sân...


    Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,

    Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.

    Mẹ đang trỉa bắp trên núi Ka–lưi

    Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ,

    Em ngủ ngoan em, đừng làm mẹ mỏi.

    Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi,

    Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.


    - Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi,

    Mẹ thương a kay, mẹ thương làng đói.

    Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều

    Mai sau con lớn phát mười Ka–lưi...


    Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,

    Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.

    Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng.

    Thằng Mỹ đuổi ta phải rời con suối

    Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông,

    Mẹ địu em đi để dành trận cuối.

    Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường,

    Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn.


    - Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi,

    Mẹ thương a kay, mẹ thương đất nước.

    Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ,

    Mai sau con lớn làm người Tự Do...


    (Nguyễn Khoa Điềm - Ngữ văn 9 - Tập 1)

    Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ
    Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ
    Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ
    Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy