Top 10 Bài văn kể về một trải nghiệm giúp tâm hồn em phong phú hơn

Ai cũng có những trải nghiệm quý giá trong cuộc đời. Những trải nghiệm đó sẽ giúp tâm hồn con người trở nên đẹp đẽ và phong phú hơn. Dưới đây Toplist mời các ... xem thêm...

  1. Cuối tuần trước, nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương, cả gia đình em được nghỉ lễ 3 ngày nên đã cùng nhau về nhà bà ngoại chơi. Đây thực thự là một trải nghiệm tuyệt vời vô cùng đối với em.


    Trên đường về nhà bà, em được đi qua một con đường dài rợp bóng mát của cây cối. Đi qua một con ngõ nhỏ, phía cuối cùng có một ngôi nhà nhỏ nằm nép mình trong dàn hoa ti-gôn xinh xắn, đó chính là nhà của bà ngoại em.

    Nhà của bà tuy nhỏ nhưng rất sạch sẽ. Thấy cả nhà em về, bà vui lắm, tiến tới xoa đầu và hỏi thăm từng người một. Sau đó, bà mới dịu dàng dẫn mọi người vào nhà. Ở nhà bà, em được làm những điều mà ở trên phố thật xa xỉ.

    Em được cùng bà đi lên chợ huyện, ăn đủ các món bánh kẹo làm thủ công ngon ngọt. Em được ra vườn, tự mình hái những trái na, trái khế, trái xoài chín thơm. Em được theo anh họ đi câu cá ở bờ ao, đi tắm sông ở đầu làng, đi thả diều ở bên đê.

    Em còn được bà yêu chiều nấu cho biết bao là món ngon, rồi được bà cho nằm trên đùi rồi nghe bà kể chuyện nữa. Cứ như thế, ba ngày nghỉ lễ trôi qua nhanh như một cái chớp mắt, em lại phải cùng bố mẹ trở về thành phố.

    Khi đi, bà gói ghém cho cả nhà rất nhiều bánh trái, gà vịt… Nhưng thứ tuyệt vời nhất mà em nhận được từ bà trong những ngày qua, chính alf sự thư giãn, thoải mái về tâm hồn. Và một nguồn năng lượng dồi dào cho những ngày học tập tiếp theo.
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ

  2. Tết đến, xuân về - đây là thời điểm mà mọi người háo hức bắt đầu chuẩn bị đi mua sắm Tết. Những khu chợ trở nên đông vui nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Đặc biệt nhất là khu chợ hoa Tết thu hút nhiều người đến mua. Năm nay, em đã có một trải nghiệm thú vị, đó là đi chợ hoa Tết cùng bố.


    Từ hai lăm đến ba mươi Tết, khi ra đường là đã thấy các cửa hàng bán hoa. Những người người đến xem đông như trẩy hội. Nào là hoa cúc, hoa mai, đào, cẩm chướng, lay ơn, thược dược… Muôn loài hoa đang khoe sắc để chào đón một năm mới sang. Khoảng chín giờ sáng hai mươi sáu Tết, bố nói với mẹ sẽ ra chợ để sắm hoa Tết. Em thuyết phục bố cho đi cùng. Sau mười lăm phút đưa ra đủ lý do, bố cũng đồng ý. Hai bố con đi khoảng mười lăm phút là tới nơi. Chợ hoa ngày cuối năm nhộn nhịp và náo nhiệt không kém chợ tết là mấy. Chợ hoa Tết cũng đông vui không kém những khu chợ khác. Người mua, kẻ bán cười nói rôm rả, xôn xao khắp cả chợ.


    Những chiếc xe chở phía sau những chậu quất, cành đào ra vào tấp nập. Gương mặt của mọi người đều tươi rói, hớn hở vì một mùa xuân mới lại sắp về. Bên cạnh những gian hàng bán đào và quất là các gian bán hoa tươi. Các loại hoa được bày bán rất đa dạng. Hoa hồng, hoa cúc, hoa vi-ô-let, hoa lan, hoa dơn, hoa thược dược… Tất cả tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc cho chợ hoa. Đắt Những quầy bán hoa thu hút rất đông người mua. Bởi có lẽ mọi người đều muốn chọn cho mình những bông hoa tươi nhất, đẹp nhất để về đặt lên bàn thờ tổ tiên trong ngày tết.


    Người bán hồ hởi mời chào khách mua hoa, người mua vừa chiêm ngưỡng những đóa hoa đẹp nhất vừa đắn đo lựa chọn những bó hoa đủ mọi sắc màu. Người ta đi chợ hoa như đi trẩy hội để dành cho mình những sắc hương đẹp nhất mang về trang hoàng và mang không khí tết về với gia đình. Đông đúc nhất phải là những khu bán đào, mai và quất. Bởi đây là những loại cây đặc trưng của ngày tết, nên mọi người đều muốn mua một chậu đào, mai hoặc quất về chơi Tết. Những chậu cây được tạo với nhiều hình dáng độc đáo. Những nụ hoa đào, hoa mai đã bắt đầu bung nở trong những cơn mưa xuân.

    Hai bố con đi dạo một vòng quanh khu chợ. Thỉnh thoảng, bố dừng lại trước một khu bán đào hay bán quất để ngắm. Cuối cùng, bố em cũng chọn được một chậu đào rất đẹp. Khi bố mang chậu hoa về, em cảm thấy rất thích nó. Chợ hoa Tết chính là một nét đẹp của dịp Tết cổ truyền dân tộc. Trải nghiệm được đi chợ hoa vào những ngày giáp Tết khiến em không chỉ cảm nhận được không khí Tết đang về. Mà còn cảm thấy tự hào hơn về một nét đẹp cần giữ gìn của dân tộc.


    Đã bao đời nay, Tết trở thành một lễ hội nằm trong niềm mong đợi và không thể thiếu của con người Việt Nam. Và những khu chợ hoa cũng đã trở thành một nét đặc trưng không thể thiếu của những ngày tết.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  3. Em thường nghe các bạn của mình kể về những trải nghiệm rất đặc biệt như đi leo núi, đi thám hiểm đại dương,... Còn em, những trải nghiệm của em tuy rất bình dị nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc, khiến tâm hồn em trở nên phong phú hơn. Một trong số đó là trải nghiệm đi chợ Tết cùng với mẹ của em.


    Những ngày cuối năm gần đến Tết, nhà nhà đều nô nức sắm sửa. Hôm đó là lần đầu tiên em đi chợ Tết cùng với mẹ. Năm nay, gia đình em về quê để đón Tết cùng ông bà ngoại nên em mới có dịp được đi những phiên chợ truyền thống ở quê hương. Từ tối hôm trước, em đã rất háo hức vì không biết chợ quê trông như thế nào. Đi đến nơi, mẹ em gửi xe và dắt tay em vào chợ. Chợ quê tuy không to lớn, rộng rãi và khang trang nhưng lại vô cùng đông đúc, nhộn nhịp, kẻ bán, người mua, ai nấy đều vui vẻ. Có nhiều bạn cùng trang lứa với em đi chợ cùng bố, mẹ nhưng các bạn dường như rất quen với việc đó còn em lại bẽn lẽn đi theo chân mẹ.


    Lần đầu đi chợ em mới biết đi chợ không hề đơn giản như em vẫn thường nghĩ. Có rất nhiều vấn đề cần cân nhắc trong quá trình đi chợ như: tìm được nơi bán hàng mình cần mua, mua được đúng giá và lựa chọn được loại thức ăn ngon nhất,... Em đã học được những điều đó qua việc quan sát mẹ lựa chọn rau củ, thịt cá và cách mẹ thương lượng trả giá với người bán. Em cực kì ấn tượng với khả năng tính toán siêu nhanh và chính xác mà chẳng cần đến máy tính của những người bán hàng. Với một học sinh như em dù có lấy máy tính ra bấm đi nữa có khi chẳng thể nhanh bằng các cô. Em đã hiểu vì sao có câu nói "trăm hay không bằng tay quen". Người nào việc đó, việc buôn bán đã rèn luyện cho họ cách tính toán nhanh lại chính xác. Chà, đúng là đi chợ dịp Tết! Kết thúc chuyến đi chợ cũng là lúc tay mẹ em đã lỉnh kỉnh bao nhiêu là đồ. Em đỡ lấy và giúp mẹ xách đồ ra xe. Trên đường đi về, hai mẹ con trò chuyện vui vẻ.


    Em rất vui vì được đi chợ Tết cùng mẹ. Em được ngắm quang cảnh của phiên chợ Tết đông vui, lại được tự mình chọn những bộ quần áo Tết. Em cảm ơn mẹ vì đã cho em cơ hội được tự trải nghiệm cuộc sống.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  4. “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi”. Đúng như vậy, cha mẹ thường nói với em dù ở đâu, đi đâu cũng phải luôn hướng về quê hương, nguồn cội. Cuối tuần vừa rồi, cả gia đình em đã cùng nhau về quê thăm ông bà ngoại. Đây là chuyến đi vô cùng vui vẻ và ý nghĩa đối với em.


    Quê ngoại em là một ngôi làng nhỏ ở miền núi thuộc tỉnh Lạng Sơn. Sau gần bốn tiếng ngồi xe xóc nảy, cả gia đình em cũng về đến cổng làng. Từ xa, em đã nhìn thấy bác cả đứng chờ ở đầu làng. Thấy bố mẹ và em xuống xe, bác vui mừng bắt tay từng người một. Trên đường về nhà bà, ai đi qua cũng dừng lại hỏi thăm và gửi đến gia đình em những nụ cười thật hiền lành. Điều đó giúp em cảm nhận được sự ấm áp của tình làng nghĩa xóm chốn thôn quê. Về đến nhà bà, em nhận ra ngay hình dáng quen thuộc đang đứng chờ ở trước sân. Thế là, em liền chạy lại, ôm chầm lấy bà ngoại. Khi mọi người đều đã tề tựu đông đủ thì kéo nhau vào nhà để tiện hàn huyên tâm sự. Ông bà hỏi thăm về đủ thứ chuyện, nào là mọi người có khỏe không, chuyện học tập như thế nào, công việc ra sao… Tất cả thể hiện sự quan tâm, lo lắng của ông bà dành cho con cháu. Tình cảm ấy thật đáng quý biết bao.


    Chiều hôm ấy, trong khi bà và mẹ đang chuẩn bị bữa tối, thì ông dẫn em đi dạo vòng quanh xóm. Ông dẫn em ra hồ sen ở sau làng, có gió mát lồng lộng và những bông sen nở rộ. Ông dẫn em đến ngắm ruộng lúa xanh tốt, cạnh đó còn có cả bãi mía nữa. Ông thoăn thoắt chặt vài cây mía rồi cùng em kéo về để tráng miệng sau bữa tối. Trên đường về, trời đã dần tối. Nhìn ngắm những dãy núi xa xa lẫn sau màn mây khói tía; nhìn từng đàn chim đang vội bay về tổ, em thấy lòng mình bình yên lạ kì. Lúc ấy, em mới thấu hiểu thật sự ý nghĩa của quê hương. Đó là nơi để con người ta được trở về, được nghỉ ngơi, được là chính mình.


    Tối hôm đó, em được ngủ cùng với bà ngoại. Bà kể cho em nghe những câu chuyện cổ tích từ ngày xửa ngày xưa. Những câu chuyện đó em đều đã nghe hết rồi. Thế nhưng có lẽ chính ánh trăng thanh, làn gió mát rượi, tiếng ve kêu, tiếng lá xào xạc, cùng giọng kể hiền từ của bà đã khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn, và làm em dễ chìm vào giấc ngủ hơn.


    Ngày hôm sau, sau khi ăn cơm trưa thì cả nhà em vội lên xe để trở về Hà Nội. Trên xe mang theo những món quà như trứng gà, rau xanh, ổi, mít… Tất cả là do ông bà ngoại, cùng bà con láng giềng đem sang cho. Tuy không quá đắt đỏ hay quý hiếm, nhưng chúng vẫn có giá trị vô cùng to lớn, bởi được mạ lên lớp vàng của tình người.


    Trên đường rời xa quê ngoại, lòng em cảm thấy tiếc nuối vô cùng. Em mong sao thời gian trôi nhanh, để lại lần nữa được về quê thăm ông bà. Và những chuyến về quê ấy đã nuôi dưỡng, vun đắp cho tâm hồn em phong phú hơn.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  5. Thời gian vừa qua tuy dịch bệnh Covid 19 ảnh hưởng nguy hiểm đến toàn thế giới nhưng cũng nhờ dịch covid này mà gia đình em có có hội ở bên nhau nhiêu hơn. Đặc biệt là khi chuẩn bị cho tết Nguyên Đán 2021 bố mẹ em được nghỉ lễ từ sớm và năm đó bố mẹ đã quyết định tự gói bánh chưng và dạy em gói bánh chưng.


    Mặc dù đã biết bánh chưng là thức ăn đặc trưng phải có trong ngày lễ Tết nhưng từ bé đến giờ đó là lần đầu tiên em được tận mắt chứng kiến cả một quá trình làm bánh chưng từ khi còn là gạo cho đến khi thành chiếc bánh vuống vắn xinh xắn. Hôm đó là phiên chợ tết, sáng em được đi chợ cùng mẹ để mua nguyên liệu nào là thịt lợn, lá dong, đỗ,…suốt quãng đường em nhận nhiệm vụ ôm lá dong cho mẹ à đến giờ em vẫn không quên được cảm giác sung sướng khi ôm bó lá. Về đến nhà mẹ là người phân chia công việc cho mọi người. Mẹ em sẽ làm công đoạn thái thịt, ướp gia vị, ngâm gạo và đỗ, bố em có nhiệm vụ rửa sạch lá rồi cắt chúng thành các đoạn vừa đủ để sử dụng còn em được mẹ phân cho nhiệm vụ ngồi tước và cắt dây thành từng đoạn theo độ dài bố bảo.


    Sau khi mọi người chuẩn bị xong tất cả thì chiều hôm đó cả nhà em đã ngồi quay quần bên nhau để gói bánh. Nhìn bố và mẹ gói bánh em thấy thật là tuyệt vời. Không cần một khuôn thuốc nào bố và mẹ tay cứ thoắn thoắt như người nghệ nhân từng chiếc, từng chiếc bánh được họ gói vuống vắn, to và chắc chắn. Nhờ sự hướng dẫn của bố mẹ em cũng gói được một chiếc bánh.


    Bánh khi đã gói xong được bố mẹ em mang ra bếp củi sau vườn và nấu trong một cái nồi rất to. Bố nói đêm nay sẽ phải thức để canh bếp bánh em cũng xung phong được canh cùng bố. Khi ngồi trông bếp em nghe bố kể rất nhiều chuyện thú vị toàn những kỉ niệm của bố khi còn nhỏ ngồi trông bếp. Đến khuya, em vẫn ngồi nghe bố kể chuyện không biết ngủ đi lúc nào nhưng sáng hôm sau khi thức dậy em thấy bánh đã được mẹ xếp ra hết trên bàn. Chiếc bánh của em gói tuy không được đẹp lắm nhưng bố mẹ em lại khen đó là chiếc bánh ngon nhất trong nồi bánh làm em ngượng đỏ cả mặt.


    Nhờ có trải nghiệm gói bánh này em mới một lần cảm nhận được trọn vẹn không khí ngày Tết như bố mẹ em khi còn nhỏ. Bầu không khí bên bếp lửa ấy là bầu không khí ấm áp mà rộn rang nhất em từng được trải nghiệm.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  6. Chuyến đi về thăm quê tuần trước đã đem đến cho em thật nhiều kỉ niệm đẹp. Điều đó giúp em thêm yêu mến và tự hào về quê hương của mình.


    Quê em là một thành phố ven biển. Gia đình em chuyển ra Hà Nội sống từ khi em còn chưa ra đời. Đây là lần thứ hai em được về thăm quê. Đúng năm giờ sáng, xe xuất phát từ Hà Nội. Ngồi trên xe, em háo hức ngắm nhìn khung cảnh xung quanh. Những con đường cao tốc mới được xây dựng rất đẹp đẽ. Khoảng đến gần trưa thì xe đã đến nơi. Em cảm thấy vô cùng thích thú vì sau một hành trình dài cuối cùng cũng đến Sầm Sơn. Gia đình em ở lại nhà ông bà nội, cất dọn đồ đạc rồi nghỉ ngơi. Em còn được thưởng thức những món ăn đặc sản của quê do chính tay bà nội nấu.


    Buổi chiều, mọi người trong gia đình hẹn nhau ra biển tắm. Thật kì diệu! Em đang đứng trước một bài biển rộng mênh mông. Bầu trời cao, trong xanh không một gợn mây. Ông mặt trời tỏa ánh nắng chói chang xuống khắp nơi. Bãi cát vàng trong nắng càng trở nên lấp lánh, trông tuyệt đẹp. Nước biển xanh và trong. Đứng gần biển em có thể nhìn thấy từng đợt sóng đánh vào bờ. Nhìn ra xa phía chân trời, bầu trời và biển như hòa vào làm một. Gió biển lồng lộng, cùng với tiếng sóng vỗ nghe thật vui tai.


    Biển lúc này thật đông người. Tiếng nói cười rộn vang khắp cả không gian. Người lớn thích thú bơi lội dưới nước. Trẻ em thì nghịch cát, xây thành những tòa lâu đài tuyệt đẹp. Em cùng các bạn nhỏ mỗi người một chiếc phao. Sau khi trang bị đâu vào đây, cả nhóm quyết định xuống tắm biển. Nước biển mát lạnh khiến em cảm thấy vô cùng dễ chịu. Sau khi tắm biển, mọi người cùng nhau đi ăn đồ hải sản nướng. Các món ăn đều rất ngon và mang đậm hương vị của biển.


    Sau chuyến đi này, em mới thấy quê hương của mình thật đẹp biết bao. Tuy hơi ngắn nhưng em lại cảm thấy rất vui vì đây là lần đầu tiên được đến biển. Em tự nhủ bản thân sẽ cố gắng học tập thật tốt, để may này trở về xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  7. Trong cuộc đời mỗi người đều có một trải nghiệm giúp tâm hồn của chúng ta trở nên phong phú hơn. Em cũng vậy, hôm ấy chỉ là một ngày đi chơi thôi nhưng em đã cảm thấy rất vui và làm cho tâm hồn của em trở nên phong phú hơn hẳn bao ngày khác.


    Hôm ấy là ngày 9 tháng 6 năm 2021. Lúc ấy là 1 buổi sáng em đang ở trong nhà bà ngoại em để chuẩn bị 1 chuyến đi chơi ở Công Viên trong Thái Nguyên. Hôm ấy em và các anh chị và em họ của em rất háo hức vào ngày hôm ấy. Vì ngày hôm đó là ngày rất đặc biệt khi chúng em vừa mới khỉ học xong, Sau bao ngày mệt mỏi với đống bài tập và học thì cuối cùng chúng em đã được đi chơi 1 buổi. Em và các anh chị (các em) đã chuẩn bị đồ đạc rất kĩ càng để chuẩn bị cho việc đi chơi. Khi đến nơi, các bạn của em cũng ở đấy vì nghe nói ở đó có rất nhiều trò chơi rất thú vị


    Đầu tiên là khi mới đến nơi mẹ em và các bác cùng với gì của em, đã sẵn sàng chụp vài tấm ảnh xinh xinh để làm kỉ niệm trong ngày hôm ấy, em cũng chụp ảnh cùng. Sau đó, khi mọi người đang say sưa chụp ảnh thì trẻ con chúng em lại đi chơi và tham quan một vòng ở đó. Ở đấy có những căn nhà rất rùng rợn và đáng sợ, khi em đang đi thì tự nhiên có 1 con ma tượng nó nhảy ra làm em hết hồn rồi đi qua nó, tiếp theo là trò chơi cầu trượt cỏ siêu tốc độ, em và người chị họ đáng yêu của em 1 đội còn 2 đứa em họ của em 1 đội, em và chị của em trượt rất vui nhưng cũng có phần đáng sợ vì cầu trượt ấy là cầu trượt siêu tốc độ nó trượt rất nhanh mà là cầu trượt cỏ nữa, nhưng người mà trượt giỏi nhất là anh trai họ của em. Chơi xong trò chơi trượt cỏ thì chúng em được vào 1 cái cầu trượt rất cao khoảng 7m rất vui vẻ. Rồi thì chúng em đi chơi cảm giác mạnh với trò tầu lượn quay vòng vòng vòng vèo rất nhanh.


    Tuy hơi mệt nhưng em cảm thấy nó giúp tâm hồn của em được sảng khoái và trở nên phong phú hơn như bao ngày khác. bây giờ là giờ đi cắm trại, mọi người háo hức dựng trại lên và đốt lửa chơi cùng nhau rất vui. Cuối cùng là đi nghỉ giải lao sau 1 ngày vui chơi thỏa thích, mọi người gọi lên những món ăn ngon như kem, hoa quả, bánh kẹo và nước ngọt.


    Đó là 1 trong những ngày trải nghiệm giúp tâm hồn của em trở nên phong phú hơn. Em rất thích những ngày ấy và em hứa sẽ đạt học sinh xuất sắc vào những năm học sau để được đi chơi tiếp.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  8. Những trải nghiệm trong cuộc sống không chỉ khiến con người trưởng thành hơn, mà còn giúp tâm hồn chúng ta trở nên phong phú.


    Tết đến là dịp để mỗi người có thời gian sum vầy bên gia đình. Năm nay, em sẽ được ăn Tết ở quê ngoại. Đây là lần đầu tiên em được trải nghiệm không khí Tết ở vùng nông thôn. Điều đó khiến em cảm thấy vô cùng háo hức.


    Những ngày giáp Tết, quê hương của em như được khoác lên mình một chiếc áo mới. Các con đường trong thôn được trang trí cờ hoa rực rỡ. Xe cộ đi lại đông đúc, tấp nập hơn những ngày bình thường. Lần đầu tiên, em được theo mẹ đi chợ Tết. Rất nhiều mặt hàng được bày bán như thịt cá, rau củ, bánh kẹo… Người mua, người bán nhộn nhịp và đông vui làm sao. Mẹ của em cũng mua rất nhiều đồ như lá dong, gạo nếp, bánh kẹo…

    Chiều hai mươi tám Tết, mọi người cùng nhau gói bánh chưng. Em rất háo hức vì đây là lần đầu tiên được xem gói bánh chưng. Các nguyên liệu gói bánh gồm lá dong, lạt mềm, gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ. Tất cả đã được rửa sạch, để vào rổ hoặc bát. Công đoạn gói quả thật khó khăn. Ông ngoại vừa gói bánh, vừa hướng dẫn em từng bước một. Sau khoảng ba mươi phút, em đã hoàn thành. Chiếc bánh chưng dù còn chưa được đẹp đẽ, nhưng em cảm thấy rất vui.


    Sau đó, bố chuẩn bị một chiếc nồi thật to. Từng chiếc bánh được xếp vào cẩn thận. Công đoạn luộc bánh cũng rất quan trọng. Bố nói rằng phải mất hơn một ngày bánh mới chín. Em cùng bé Hòa háo hức ngồi canh nồi bánh chưng. Giữa tiết trời se lạnh, ngồi bên bếp lửa hồng, em cảm thấy vô cùng ấm cúng và hạnh phúc.


    Đêm giao thừa, cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm Tất niên. Những món ăn truyền thống của dân tộc được bà và mẹ chuẩn bị vô cùng công phu. Em đã được mẹ giải thích ý nghĩa của các món ăn trong mâm cỗ. Đến giờ, cả nhà đứng trước bàn thờ để cúng tổ tiên. Sau đó, mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện vui vẻ. Không khí thật ấm cúng, thiêng liêng. Ông ngoại còn thay mặt cả gia đình phát biểu.


    Một trải nghiệm đáng nhớ, giúp em thêm hiểu biết về truyền thống của dân tộc. Từ đó, em càng thêm yêu thêm quê hương, đất nước của mình.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  9. Là một người con quê hương Thái Bình nhưng đến tận lúc 10 tuổi em mới có dịp được trải nghiệm cùng các bác nông dân đi gặt lúa. Nhờ có trải nghiệm đó mà tâm hồn em đã được mở rộng như chính những cánh đồng mênh mông.


    Kì nghỉ hè năm lớp 5 của em chính là những ngày về quê với ông bà nội. Ông bà của em là những người nông dân thật thà, chất phác. Cuộc sống và công việc hàng ngày đều gắn liền với đồng ruộng. Khi em về đây, ông bà đã cho em trải nghiệm rất nhiều điều lí thú. Những ngày hè chính là mùa gặt ở quê. Mặc dù được nhắc nhở về những khó khăn nếu đi theo như nắng, mệt và lúa dặm nhưng em vẫn muốn cùng ông bà đi gặt. Em mặc quần áo của ông bà như một cậu bé nông dân thực thụ. Đội chiếc mũ tai bèo trên đầu, em đi ra đồng.


    Cánh đồng lúa mênh mông, óng vàng dưới ánh mặt trời. Những bông lúa đã nặng trĩu, hạt thóc căng mọng, lá và thân cây lúa đều đã ngả sang màu vàng. Em nâng niu từng bông lúa, trân quý từng hạt vì đó chính là hạt ngọc trời, tinh hoa của trời đất và công sức lao động của ông bà. Bà và thím của em phụ trách cầm liềm gặt lúa, ông và chú phụ trách cầm đòn gánh, gánh những bó lúa đã được gặt lên bờ. Công việc của em đó là trông coi lúa thóc trên bờ và mang nước uống cho mọi người. Em đã hiểu vì sao nghề nông lại gọi là nghề "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Giữa cánh đồng mênh mông không một bóng cây, các bác nông dân ai cũng phơi mình dưới cái nắng rát. Mồ hôi chảy như mưa, quần áo đã ướt đẫm từ trong ra ngoài, khuôn mặt đỏ ửng lên phừng phừng như người say rượu. Sau khi gặt xong, mọi người còn tiếp tục đẩy lúa về nhà, tuốt lúa rồi phơi thóc. Em cảm nhận được sự vất vả mưu sinh của ông bà và chú thím trên từng bó lúa. Bao nhiêu công lao chăm sóc, cày cấy làm cỏ bón phân rồi ngày nắng cũng như ngày mưa phải lao động không nghỉ.


    Trải nghiệm đi gặt cùng ông bà đã giúp em hiểu hơn về nỗi vất vả của những người nông dân. Nghề nào cũng đáng được trân trọng và tôn vinh, có người nông dân mới có thóc gạo cho chúng ta ăn hàng ngày.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  10. Cuối tuần vừa rồi, tôi đã được thưởng thức một buổi biểu diễn chèo truyền thống rất thú vị. Buổi biểu diễn này mang đến cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời và mở rộng tầm hiểu biết của tôi về các loại hình nghệ thuật truyền thống.


    Chiều hôm đó, tôi cùng hai người bạn thân đã đến nhà hát chèo để xem tiết mục chèo Quan Âm Thị Kính. Khi đến nơi, ấn tượng đầu tiên của tôi về sân khấu là nó được trang trí khá mộc mạc và giản dị. Trên sân khấu rộng lớn ấy, chỉ có một tấm màn nhung lớn với vài đạo cụ nhỏ. Tuy nhiên, khi vở kịch chính thức bắt đầu đã hoàn toàn thay đổi cảm nhận của tôi.


    Tùy theo từng phân cảnh diễn ra, các đạo cụ được lựa chọn kĩ để mang ra sân khấu. Lúc thì là chiếc chõng tre, một gốc cây giả, đoạn lại là một phiên chợ với vài gánh hàng rong xuất hiện... Điều đặc biệt là dù các đạo cụ ít ỏi và lời thoại không nhiều như những bộ phim, tôi vẫn xem rất nhập tâm, đồng thời cảm nhận được bối cảnh câu chuyện, những điểm đặc trưng rất riêng của quan niệm, thời đại được tái hiện trong một vở chèo chuyền thống.


    Khi các diễn viên bước ra sân khấu, những bộ trang phục truyền thống mà các cô chú diễn viên mặc đã làm tôi xao xuyến và phải thốt lên rằng chúng thật độc đáo. Kiểu tóc cũng đơn giản nhưng lại tôn thêm vẻ đẹp của họ. Màn trình diễn bắt đầu, các nghệ sĩ diễn rất tròn vai, nhận vật nào cũng có những nét tính cách riêng khiến người xem có muôn vàn cảm xúc: xót xa cho Thị Kính hiền lành nhưng số phận gập ghềnh, lại vừa giận Thị Mầu lẳng lơ... Các sự kiện được diễn ra một cách tuần tự và nhanh chóng, khiến tôi không muốn rời mắt.


    Tôi đã từng nghĩ rằng vở chèo sẽ diễn ra chậm rãi và tẻ nhạt lắm bởi đây là loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời, cũ kĩ. Nhưng hôm nay, vở chèo Quan Âm Thị Kính thay đổi hoàn toàn suy nghĩ tiêu cực của tôi trước đó. Nó giúp tôi thấy được sự hấp dẫn của nghệ thuật chèo truyền thống và lý do tại sao đến tận bây giờ, chèo vẫn được nhiều người Việt Nam yêu thích đến vậy. Tôi cũng nhận được bài học đạo đức ý nghĩa được gói ghém trong tác phẩm.


    Vở chèo kết thúc mà tâm trí tôi vẫn chưa rời khỏi câu chuyện. Đây là một buổi biểu diễn tuyệt vời và ý nghĩa nhất mà tôi từng thấy trong đời. Vở diễn này đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của tôi và gieo vào lòng tôi niềm yêu thích các loại hình nghệ thuật truyền thống của đất nước. Chắc chắn, tôi sẽ tìm hiểu và đi xem nhiều vở chèo hay nữa.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy