Top 7 Bài văn nghị luận bàn về câu nói "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới" hay nhất

  1. Top 1 Bài tham khảo số 1
  2. Top 2 Bài tham khảo số 2
  3. Top 3 Bài tham khảo số 3
  4. Top 4 Bài tham khảo số 4
  5. Top 5 Bài tham khảo số 5
  6. Top 6 Bài tham khảo số 6
  7. Top 7 Bài tham khảo số 7

Top 7 Bài văn nghị luận bàn về câu nói "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới" hay nhất

Thai Ha 51 0 Báo lỗi

Có thể nói rằng giáo dục được sinh ra là để thay đổi vận mệnh con người, thay đổi vận mệnh dân tộc và thậm chí là vận mệnh của cả nhân loại, điều ấy cũng có ... xem thêm...

  1. Top 1

    Bài tham khảo số 1

    Hiến pháp năm 1992 của nước ta đã chỉ ra: "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu", điều đó đã khẳng định tầm quan trọng của giáo dục đối với sự phát triển của đất nước, đồng thời chính là chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước ta trong việc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Hồ Chủ tịch cũng đã từng nhấn mạnh vai trò của giáo dục và đào tạo trong Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa rằng: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Như vậy có thể nói rằng giáo dục được sinh ra là để thay đổi vận mệnh con người, thay đổi vận mệnh dân tộc và thậm chí là vận mệnh của cả nhân loại, điều ấy cũng có những điểm khá tương đồng với quan điểm của N. Mandela - vị anh hùng giải phóng dân tộc Nam Phi rằng: "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới".


    Vậy giáo dục là gì và tại sao nó được xem là vũ khí mạnh nhất để thay đổi cả thế giới?. Giáo dục là hình thức học tập phổ biến nhất của con người mà thông qua đó chúng ta được tiếp thu những nguồn tri thức mới từ nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm cả kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành, những kinh nghiệm của người đi trước, những thói quen được hình thành,... dưới sự giảng dạy, hướng dẫn, đào tạo hoặc nghiên cứu. Sự học tập một cách không chủ đích dưới hình thức trải nghiệm cũng được xem là một loại giáo dục, bởi thông qua đó con người đã tích lũy được một lượng lớn những tri thức mới thông qua việc quan sát, cảm nhận, hưởng thụ. Sự giáo dục bao gồm nhiều giai đoạn, ở nhà trẻ em chịu sự giáo dục của cha mẹ, đến trường chịu sự giáo dục của thầy cô, khi trưởng thành họ chịu sự giáo dục của xã hội. Chúng ta cũng không nên hiểu sự giáo dục là một hành động cưỡng ép, bởi trên thực tế xã hội, giáo dục đã diễn ra như một chân lý tự nhiên, từ thuở khai thiên lập địa con người đã được thừa hưởng sự giáo dục của các thế hệ đi trước để có thể phát triển và tồn tại. Có thể nói rằng giáo dục hiện diện ở mọi quốc gia dân tộc, thậm chí thế giới động vật cũng có quy luật giáo dục riêng, ví dụ như chim mẹ dạy con tập bay, hổ mẹ dạy con tập săn mồi,... Và có một sự thật không thể chối cãi rằng bản thân giáo dục đã tạo ra đạo đức và trí tuệ của con người, hai điều kiện tối cần để cấu thành một thực thể con người hoàn chỉnh.


    Lúc này này đây tôi đặt một câu hỏi ai đã và đang tác động để thay đổi thế giới? Tôi tin chắc đáp án không gì khác ngoài hai tiếng con người, vậy nên ta có thể dễ dàng suy ra giáo dục chính là thứ vũ khí mà con người sử dụng để thay đổi thế giới. Bởi con người ta không thể thay đổi thế giới bằng sự ngu dốt và ấu trĩ, họ cần có kiến thức, dùng chính kiến thức ấy làm công cụ để phát triển thế giới ngày một tốt đẹp hơn. Hồ Chủ tịch đã từng dạy rằng: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", chúng ta không thể chiến thắng kẻ thù và thay đổi vận mệnh dân tộc nếu chúng ta "yếu" hơn họ về tri thức, điều ấy buộc chúng ta phải tìm kiếm sự giáo dục. Và bản thân Bác chính là người đi tìm kiếm sự giáo dục cách mạng để trở về giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thống trị của thực dân, đế quốc. Đây có thể xem là một ví dụ kinh điển cho câu nói "Giáo dục chính là thứ vũ khí mạnh nhất để thay đổi thế giới", bởi chính Bác đã thay đổi cả số mệnh của một dân tộc, để có một Việt Nam như ngày hôm nay.


    Bàn rộng hơn trên phạm vi thế giới có thể nói rằng giáo dục là một thứ công cụ hữu dụng trong việc thay đổi bộ mặt của xã hội, thay đổi nền văn minh của cả nhân loại. Nếu không có giáo dục có lẽ con người sẽ chỉ dừng lại ở thời kỳ ăn lông ở lỗ, chứ không phải trong thời kỳ công nghệ 4.0, nếu không có giáo dục có lẽ khoa học và công nghệ sẽ mãi dừng ở vạch xuất phát, sẽ không có một Thomas Edison chế tạo ra bóng đèn, để ngày nay nơi nào cũng tràn ngập ánh đèn điện; sẽ không có một James Watt phát minh ra động cơ hơi nước tiền thân của các loại động cơ ngày nay; cũng sẽ không có một A.Fleming chế tạo ra Penicillin, tiền đề cho việc nghiên cứu hàng trăm loại kháng sinh quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe con người; và cuối cùng sẽ không có một tổ chức nào với bộ óc thiên tài tạo ra internet, máy tính, điện thoại và TV, những thứ làm thay đổi cả nhận thức của nhân loại. Như vậy có thể thấy rằng giáo dục đã gián tiếp làm thay đổi thế giới thông qua việc đào tạo ra những con người có bộ óc siêu phàm cùng những kỹ năng tuyệt đỉnh. Chính con người đã sử dụng giáo dục như một thứ công cụ thần kỳ để tạo ra những bước tiến vĩ đại trong lịch sử loài người, kéo chúng ta ra khỏi sự tối tăm, buồn tẻ, sự đau đớn bệnh tật, sự mệt mỏi về thể xác trong lao động tay chân và nhiều những vấn đề khác nữa.


    Không chỉ dừng lại ở đó giáo dục thay đổi thế giới còn thông qua việc thay đổi nhận thức của con người, một hệ thống giáo dục tốt sẽ tạo ra những con người có nhân cách tốt đẹp, phẩm chất đạo đức đáng quý, luôn hướng về cộng đồng, về thế giới, có cái nhìn khách quan. Họ sẽ tự ý thức được việc tự hoàn thiện bản thân bằng các tự giáo dục, đồng thời trở thành người truyền cảm hứng, tri thức cho các thế hệ tiếp nối, họ sẽ có một tâm hồn tươi đẹp hướng thiện, sẽ bỏ qua những thói ích kỷ, nhỏ nhen, bỏ qua những thù hằn không đáng có để tiến bước về phía trước.


    Ngược lại người không nhận được sự giáo dưỡng từ gia đình và xã hội và cũng không tự nỗ lực học tập thì dễ trở thành người có nhân phẩm tồi tệ, gây hại cho cộng đồng, trở thành gánh nặng của cả xã hội. Tôi nghĩ rằng bất cứ ai từ chối sự tốt đẹp của giáo dục đều là những con người thiển cận và thất bại, họ đã thua ngay khi bước vào vạch xuất phát. Họ đã từ chối thứ vũ khí tiềm năng mà cả nhân loại đang hướng đến, họ đang tự tách mình ra khỏi nền văn minh nhân loại, có lẽ họ đang có ý định qua về thời tiền sử chăng? Thêm nữa, có một kiểu người nhận sự giáo dục một cách khiên cưỡng nửa vời, với tâm thế đối phó và hời hợt, tôi cho đó là sự lãng phí và vô trách nhiệm với chính bản thân và cả xã hội. Mỗi chúng ta sinh ra đều có bổn phận tự phát triển và hoàn thiện bản thân, để trở thành điểm tựa vững chắc cho gia đình, góp phần xây dựng một xã hội văn minh. Các bạn nên biết rằng, khi chúng ta cầm vũ khí trong tay nhưng lại không biết sử dụng thì điều ấy còn tệ hại hơn cả việc bạn không có gì, thế nên mỗi chúng ta cần cố gắng nỗ lực trong việc tiếp thu kiến thức, tiếp nhận sự giáo dục một cách chủ động, đồng thời năng động hơn trong việc tìm kiếm những nguồn tri thức hữu ích để có thể theo kịp bước chân của nền văn minh nhân loại, bởi William Author Ward đã nói: "Tất cả những người đáng giá đều có phần tự lập trong học vấn của mình"


    Câu nói của N. Mandela: "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới", điều ấy đã được chứng minh rất rõ ràng qua những trang sử của dân tộc và của cả nhân loại. Chúng ta có được cuộc sống đầy đủ và tiện nghi như ngày hôm nay chính là nhờ sự phát triển của giáo dục, chính vì vậy mỗi chúng ta phải biết quý trọng sự giáo dục mình đang được nhận đồng thời tìm kiếm thêm những sự giáo dục về các lĩnh vực khác nhau để nâng cao kiến thức nội hàm của bản thân. Tôi không cần bạn xây dựng thế giới ngày, thế nhưng ít nhất bạn cũng nên là một mảnh ghép ưu tú trong sô 8 tỷ con người chứ.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ

  2. Top 2

    Bài tham khảo số 2

    Xã hội ngày nay không ngừng phát triển và ngày càng hiện đại về cuộc sống vật chất và tinh thần. Các quốc gia trên thế giới đã gặt hái được rất nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, đối ngoại… Nhưng ngoài những khía cạnh đó điều quan trọng nhất và ưu tiên hàng đầu chính là phát triển nền giáo dục quốc gia, bởi đây chính là nhân tố quyết định đến sự hưng thịnh, bền vững của một đất nước, thúc đẩy xã hội không ngừng tiến lên. Chính vì thế mà N.Mandela- vị anh hùng giải phóng dân tộc của Nam Phi đã có một câu nói khá nổi tiếng mà theo tôi đó chính là chân lý: "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà con người có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới"


    Nhìn vào câu danh ngôn này ta có thể nhận ra ý nghĩa giáo dục là vô cùng quan trọng bởi không có nó thì có lẽ xã hội loài người không thể nào có được sự phát triển vượt bậc như bây giờ. N.Mandela là một nhà cách mạng, nhưng ông đã sớm nhận ra rằng ở một đất nước như Nam Phi nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung khi mà nền giáo dục chưa tốt, ý thức dân tộc còn kém thì mọi cuộc cách mạng đều khó có thể thành công hoặc nếu như có thì cũng chỉ là thành công tạm bợ, nhất thời và không bền vững. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định rằng “một dân tộc dốt chính là một dân tộc yếu” mà nếu “ Dốt thì dại, dại thì hèn” khó có thể mà chống chọi lại một lực lượng đông đảo giặc ngoại xâm hung tàn, thủ đoạn. Cho nên chỉ có giáo dục mới làm thay đổi nhận thức của nhân dân, mới mang đến cho họ một cuộc sống mới và một thế giới mới.


    Giáo dục có thể hiểu như là một công cụ mà các lớp người đi trước dùng để truyền đạt và gửi gắm những mong muốn và kỳ vọng vào những tầng lớp trẻ sau này là tương lai là sức mạnh của một quốc gia. Giáo dục trước hết góp phần hình thành nhân cách của con người làm cho chúng ta có thể nhận thức được thiện, ác, đúng, sai, biết sống có đạo đức và hành xử đúng đắn theo những chuẩn mực đạo lý của xã hội.Cho dù là ở đất nước nào đi nữa nền giáo dục luôn hướng con người sống đẹp và nhận thức được những gì bản thân cần phải làm và nghĩa vụ của mỗi người đối với đất nước mình sinh ra. Giáo dục không chỉ gói gọn trong khuôn khổ nhà trường mà còn có xã hội chính là "trường đời" sẽ mang đến cho mỗi con người những bài học cuộc sống vô cùng quý giá. Như vậy mục đích quan trọng của nền giáo dục chính là hướng chúng ta học làm người, sống có ích, biết cống hiến cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.


    Giáo dục bên cạnh tác động thay đổi được nhận thức, thì việc mang đến tri thức và sự hiểu biết cho con người chính là một vai trò to lớn có thể thay đổi được bộ mặt của xã hội. Thử hỏi nếu như không có giáo dục thì làm sao có những ngành khoa học và nghệ thuật phát triển như ngày nay, làm sao chúng ta được thừa hưởng những thành tựu phát minh vĩ đại làm thay đổi cả thế giới. Con người có nhận thức thì xã hội mới văn minh, con người có học vấn thì xã hội này mới phát triển và đổi mới. Nếu không có giáo dục thì làm sao chúng ta có được những giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, những nhà khoa học ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi để phát minh ra những cái mới để phục vụ con người. Chúng ta thử tưởng tượng một xã hội không có giáo dục thì xã hội ấy sẽ đi về đâu? Chắc có lẽ xã hội ấy sẽ đắm chìm trong bóng đêm u tối, con người trong xã hội sẽ sống mãi trong lầm than cơ cực, đói nghèo, lạc hậu.


    Ta hãy nhìn vào Nhật Bản một đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự tàn phá của chiến tranh thế giới, luôn hứng chịu những hậu quả tồi tệ bởi thảm họa động đất, sóng thần.. thế nhưng họ đã vươn lên phát triển mạnh mẽ nhờ những cải cách lớn về chính sách quản lý, coi con người chính là vốn quý nhất trong công cuộc phát triển đổi mới quốc gia. Chính phủ Nhật Bản rất coi trọng, quan tâm và đầu tư cho ngành giáo dục nước nhà, là một trong những nước có nền giáo dục phát triển nhất trên thế giới. Chính nền giáo dục hiệu quả đã giúp nước Nhật từ một nước chịu nhiều thiệt hại chiến tranh, thiên tai đã vươn lên trở thành cường quốc công nghiệp thứ hai trên thế giới khiến tất cả các quốc gia khác phải thán phục. Như vậy nếu giáo dục là một vũ khí lợi hại đã thay đổi được cả Nhật Bản, như vậy chẳng phải nếu được mọi quốc gia chú trọng phát triển chẳng phải nó sẽ thay đổi được cả thế giới hay sao?


    Như vậy dù bất kỳ thời đại nào chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò to lớn của giáo dục, nó thật sự là là "vũ khí mạnh nhất mà con người có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới". Câu nói của N. Mandela chính là chân lý là kim chỉ nam cho mọi quốc gia đang trên đà xây dựng và phát triển kinh tế, chính trị… phải biết lấy giáo dục làm nòng cốt để đào tạo nên những con người ưu tú biết cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Đối với mỗi sinh viên nhận thức được ý nghĩa câu danh ngôn này phải càng ra sức phấn đấu không ngừng học tập nghiên cứu trở thành những con người đủ đức đủ tài góp phần đưa đất nước phát triển vươn xa ra tầm thế giới.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  3. Top 3

    Bài tham khảo số 3

    Từ xưa đến nay, sự phát triển của xã hội, của con người về mọi mặt từ vật chất đến tinh thần, đều không thể thiếu vai trò của giáo dục. Giáo dục đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy xã hội tiến lên. Chính vì vậy mà N.Mandel có một câu nói khá nổi tiếng: "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới". N.Mandela


    Câu nói trên của N.Mandela là một chân lý. Để thấy rõ chân lý này, trước tiên ta phải hiểu giáo dục bao gồm những phạm trù nào? Vì sao giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới?


    Giáo dục là một lĩnh vực vô cùng rộng lớn bao gồm giáo dục nhân cách làm người, làm cho con người chúng ta nhận thức được cái đúng, cái sai, cái thiện cái ác, cái chính, cải tà để từ đó chúng ta sống một cuộc sống thật sự có nghĩa, hợp với đạo lý làm người, góp phần làm cho cuộc sống xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Ví dụ như tổ tiên ta ngày trước đã giáo dục con cháu truyền thống yêu nước qua truyện Thánh Gióng, qua những áng thơ văn bất hủ như Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi…, giáo dục niềm tự hào về nguồn gốc cao quý của dân tộc bằng truyện Con rồng cháu tiên, giáo dục tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau giữa những người dân trong một nước trong những câu ca dao, tục ngữ như:


    Nhiễu điều phủ lấy giá gương

    Người trong một nước phải thương nhau cùng


    Bầu ơi thương lấy bí cùng

    Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.


    Chính nhờ sự giáo dục này mà dân tộc ta đã giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước, đánh thắng những kẻ thù xâm lược, giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử từ xưa đến nay và cả đến mai sau. Bên cạnh giáo dục truyền thống yêu nước, ông cha ta còn dạy cho ta đạo lí làm người, dạy ta phải biết hiếu thảo với cha mẹ để giữ trọn đạo làm người:


    Công cha như núi Thái Sơn

    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

    Một lòng thờ mẹ kính cha

    Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

    (Ca dao)


    Bên cạnh đó, ông cha ta còn dạy bảo chúng ta phải biết "tôn sư trọng đạo" phải ghi nhớ công ơn thầy cô, "một chữ cũng thầy, hai chữ cũng thầy", cha mẹ muốn con mình hay chữ thì phải biết kính yêu thầy cô:


    "Muốn sang thì bắc cầu kiều

    Muốn con yêu chữ phải yêu mến thầy"


    Chính nhờ sự giáo dục đó mà xã hội Việt Nam có một nền tảng đạo lí khá chắc chắn, sâu đậm.

    Giáo dục còn mang lại cho con người biết bao tri thức về các ngành nghệ thuật và khoa học. Không có giáo dục thì làm sao con người chúng ta có được những ngành nghệ thuật (văn chương, âm nhạc, hội họa, điêu khắc…) và những ngành khoa học (toán học, hóa học, vật lí học, y học, sinh học, thiên văn học, địa chất học…) phát triển như ngày hôm nay được. Giáo dục là cái máy cái đẻ ra những cái máy con. Sự phát minh ra dòng điện, bóng đèn điện, vô tuyến truyền thanh, vô tuyến truyền hình, máy vi tính… không phải đã làm thay đổi thế giới đấy ư? Nó đã làm cho cuộc sống của chúng ta văn minh hơn, chúng ta lao động được nhẹ nhàng hơn, những con người trên trái đất gần nhau hơn. Sự phát triển của y học đã làm cho những bệnh nan y ngày trước như bệnh lao phổi, bệnh đậu mùa… ngày nay không còn đáng lo nữa. Sự phát triển của ngành sinh học như công nghệ cấy ghép, lai tạo giống, biến đổi gen đã tạo ra biết bao nhiêu loại cây trồng có năng suất cao gấp bao nhiêu lần ngày trước, đem lại nhiều lương thực, thực phẩm cho xã hội, làm cho cuộc sống của con người nông dân ngày càng no ấm hơn. Tất cả những sự biến đổi của thế giới ấy đều từ giáo dục mà ra.


    Hơn nữa, cũng nhờ có giáo dục mà chúng ta ngày hôm nay mới hiểu được văn chương, nghệ thuật, lịch sử, địa lý, văn học, kinh tế, chính trị… của các nước trên thế giới để chúng ta học tập được cái hay, cái đẹp của họ nhằm được phục vụ cho đất nước, làm cho đất nước ngày càng thêm giàu, thêm đẹp hơn.


    Tóm lại, câu nói của N.Mandela là một chân lý đúng là: "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng làm thay đổi cả thế giới". Nếu không có giáo dục thì làm sao chúng ta có được một nền văn minh, làm sao chúng ta được những giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, những nhà khoa học ngày đêm nghiên cứu tìm tòi để phát minh ra những cái mới để phục vụ con người. Chúng ta thử tưởng tượng một xã hội không có giáo dục thì xã hội ấy sẽ đi về đâu? Chắc có lẽ xã hội ấy sẽ đắm chìm trong bóng đêm u tối, con người trong xã hội sẽ sống mãi trong lầm than cơ cực, đói nghèo, lạc hậu.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  4. Top 4

    Bài tham khảo số 4

    Mỗi bình minh, khi đi ngang các công viên chúng ta thường thấy những người đi tập thể dục đa phần là các cụ hưu trí , những quý bà cần lấy lại vóc dáng hoặc các quý ông bị bác sĩ khuyến cáo phải tập thể dục để giảm thể tích bụng bia. Những thanh niên, thiếu niên và thiếu nhi nếu xuất hiện trong bối cảnh đó đều trở thành của hiếm!


    Chúng ta đang góp phần biến trẻ em trở thành những chú gà công nghiệp. Vì sao lại thế nhỉ? Thành phần được xem như là tương lai của đất nước, nắm giữ vận mệnh dân tộc đang ở đâu trong lúc ông bà cha mẹ họ đang rèn luyện thể lực? Xin thưa chúng đang ngủ! Vâng, chúng phải ngủ vì đêm qua chúng đã thức rất khuya để làm hết bài tập của thầy cô giáo cho mà thường thì chả bao giờ là hết cả vì chúng có những 12 đến 14 môn học trong 1 tuần lễ!


    Chúng phải ngủ vì chúng đã vất vả cực nhọc còn hơn cả cha mẹ chúng. Bởi chúng sau khi học ở trường 9 tiết xong lại lao đầu đến trung tâm để học thêm 4 tiết nữa! Về Nhà, ăn vội tắm vội, chúng lại bò ra bàn học để tiếp tục hoàn thành bài vở của 9 tiết học ngày mai!


    Điều đó tất cả chúng ta đều biết! Tất cả chúng ta đều cảm thấy rất xót xa nhưng chúng ta chỉ biết chấp nhận và bù đắp cho bọn trẻ bằng ăn uống và yêu chiều chúng, không để chúng đụng tay vào việc nhà, chỉ tập trung cho việc học.


    Một thế hệ gà công nghiệp không có đủ kỹ năng sống đã và đang hình thành. Chúng là hệ quả tất yếu của một hệ thống khép kín của giáo dục ở nhà trường và gia đình mà chúng ta, những người làm cha làm mẹ cũng đang tiếp tay làm què quặt những kỹ năng mà một đứa trẻ cần có để hội nhập cuộc sống. Điều đó thật tệ hại! và càng tệ hơn nữa khi bọn trẻ lại còn đang mất thời gian cho những môn học mà hiệu quả và tính ứng dụng của nó rất mơ hồ.


    Một trong những môn học đó chính là học nghề ở phổ thông.………

    Các quốc gia mạnh về Giáo dục đã dạy nghề thế nào?………


    Chúng ta khoan bàn về cách chúng ta dạy nghề và cách các em học nghề thế nào. Chúng ta hãy nhìn sơ qua về cách người Úc dạy nghề.


    Hầu hết học sinh của Úc được học nghề. Việc học này xét trên tiêu chí đúng sở trường, nguyện vọng và hoàn cảnh của trẻ. Học nghề chỉ diễn ra sau khi trẻ học lớp 10. Đến thời điểm này các em sẽ có những hướng lựa chọn sau:


    Xong lớp 10, các em có thể học nghề để đi làm luôn. Chương trình này gọi là vocational hoặc work training programs, chia làm các trình độ từ Certificate I, II và III. Nếu chưa có nhu cầu đi làm thì học sinh sẽ tiếp tục học tiếp lên lớp 11 và khi hết Lớp 11, học sinh có thể chọn: hoặc học khóa Foundation course 1 năm để học dự bị đại học; hoặc vào khóa học nghề ở bậc Certificate IV. Nếu vẫn chưa muốn đi làm vào sau năm học 11 thì các em học tiếp hết lớp 12, các em sẽ có nhiều lựa chọn hơn: hoặc chương trình Foundation dự bị đại học 1 năm; hoặc khóa học nghề Certificate IV như trên.


    Ngoài ra, các học sinh khá giỏi còn có thể vào thẳng năm nhất bậc đại học hoặc theo khóa học nghề trình độ Diploma. Hệ học nghề được giảng dạy tại các trường cao đẳng công lập và trường cao đẳng tư thục. Các khóa học tại trường cao đẳng rất đa dạng: từ các khóa tiếng Anh, các khóa học nghề đến dự bị đại học hay đại học trình độ cử nhân. Nếu hoàn tất khóa Diploma, sinh viên có thể chuyển tiếp lên năm thứ hai của một trường đại học có công nhận khóa học Diploma đó. Hoàn tất khóa học này các em sẽ chuyển tiếp lên năm 3 đại học. Sau đại học vẫn có những khóa học nghề với các chứng chỉ nghề như Vocational Graduate Certificate và bằng Diploma nghề sau đại học Vocational Graduate Diploma.


    Như vậy, việc liên thông lên đại học trở nên dễ dàng từ các khóa học nghề trình độ Diploma và Advanced Diploma, song song với các khóa nghề này có các khóa học tiếng Anh và các khóa học dự bị đại học nên các trường cao đẳng cũng là một con đường dẫn vào đại học. Cũng dễ thấy Giáo dục ở Úc chú trọng đến việc học nghề như thế nào. Bất kể là học sinh đang học lớp 10, 11 ,12 , cao đẳng hay đại học năm 1,2 3 đều có ngã rẽ để các em đi làm sau khi học nghề. Học nghề được đào tạo bài bản và chuyên sâu , có nhiều cấp độ cho các ngành nghề khác nhau. Vì thế với cách dạy nghề như thế sẽ có “sản phẩm” là những người thợ, người kỹ sư vô cùng lành nghề. Bằng nghề ở đây dùng để đánh giá năng lực lao động của sinh viên và cũng là điều kiện để tiếp tục học lên cao. Có thể kết luận học nghề ở đây là để làm nghề.


    Còn ở ta thì sao?


    Sự thật về dạy nghề ở bậc phổ thông tại Việt Nam. Một học sinh khi lên tới lớp 7 hoặc 8 được yêu cầu học nghề chỉ để được cộng thêm điểm vào kỳ thi vào lớp 10. (Ngày xưa là cộng vào điểm thi tốt nghiệp lớp 9). Cấp 3 thì học sinh lớp 11 để cộng điểm thi tốt nghiệp lớp 12. Không cần biết nghề các em học có giúp cho các em kiếm sống được hay không, bởi vì người ta thường tư vấn cho các em học những nghề mà các em dễ đạt loại giỏi để kiếm điểm. Khi đạt loại giỏi, các em sẽ được cộng thêm 1,5 điểm. Loại khá cộng 1 điểm và trung bình là nửa điểm. Bằng nghề ở đây dùng để xét cộng điểm vào một kỳ thi .Hoàn toàn không đánh giá được năng lực của học sinh sinh viên cũng như không phải là điều kiện để học lên cao. Vì thế bằng nghề phổ thông chỉ có giá trị trong một thời điểm rất ngắn và không có tính liên thông. Như vậy, học nghề ở ta không để làm nghề mà để kiếm điểm!


    Điều này hoàn toàn trái với quy luật khi mà học thứ này để lấy điểm cho thứ khác. Mục tiêu của việc Học nghề đã lệch lạc ngay từ ban đầu vì điểm số và thi cử vẫn còn là nỗi ám ảnh quá lớn với Giáo dục. Vì lệch lạc mục tiêu nên dẫn đến thực hiện cũng trở nên dị dạng.


    Để có được những điểm cộng đó các em phải trả giá bằng 1 năm ròng rã , mỗi tuần một buổi đến các Trung tâm Kỹ thuật Hướng nghiệp để học. Bi hài kịch cho các em nam khi phải học nấu ăn cắm hoa thêu thùa hoặc các em nữ học điện, học nhiếp ảnh…


    Để dễ theo dõi, giáo viên chủ nhiệm thường cho cả lớp của mình học chung 1 môn học và ai cũng tranh nhau chọn môn mà dễ kiếm điểm nhất cho học sinh của mình đó là nghề nấu ăn. Nếu không xin vào được lớp đó thì các lớp tin học, điện hay nhiếp ảnh mới được ngó tới bởi rất khó đạt loại giỏi.


    Tâm lý các em nghĩ học nghề là môn bên ngoài trường học nên các em đi học như đi chơi , giáo viên dạy nghề vô cùng vất vả để quản lý và dạy dỗ. Các em học thứ mà người khác chọn cho mình, không phải là môn các em yêu thích nên việc học hết sức qua loa và hình thức. Mặc cho giáo viên nghề rất tận tâm và vất vả, các em đi học trong tâm thế bị động nên chất lượng học tập rất kém vì thế sau khi thi nghề xong thì các em chẳng còn lưu lại chút kỹ năng nào. Như vậy học nghề nhưng không thể làm nghề!


    Quan điểm của các bậc cha mẹ ở Việt Nam là luôn muốn con mình làm Thầy chứ chẳng hề muốn con làm thợ. Do đó chẳng mấy ai trông mong con học nghề ở tuổi đó xong là sẽ dùng chính nghề đó để kiếm sống. Vì thế, học nghề nhưng không được làm nghề! Chưa hết! Một buổi học là 2 tiếng. Có lớp từ 7h30 đến 9h30, có lớp từ 9h30 tới 11h30 nên phụ huynh lại nháo nhào phân công nhau đưa đón con vào cái giờ trái khoáy bất thường đó. Tôi từng chứng kiến có những em vì cha mẹ đùn đẩy đón hoặc quên đón khiến em bị trễ học buổi chiều. Nhìn cô bé mặc đồng phục đứng nắng mếu máo vì trễ học ở trường do cha mẹ quên đón mà xót ruột làm sao!


    Tôi cũng là người trong cuộc khi có con trai đến tuổi học nghề và vì mục tiêu chỉ là kiếm điểm cộng nên tôi đã chấp nhận cho cháu học nấu ăn. Kết quả cháu đạt loại giỏi nhưng về nhà cháu không thể làm bất kỳ món ăn nào cho dù là đơn giản.


    Nhiều năm qua, tôi chưa thấy bất kỳ một học sinh nào kiếm sống được bằng cái nghề mà các em đã đổ mồ hôi sôi nước mắt để học suốt một năm trời đó. Tất cả chỉ vì cái vòng luẩn quẩn: học để kiếm điểm chứ không phải để ra làm nghề. Và học môn dễ học dễ thi chứ không phải học môn các em có sở trường hay năng khiếu. Chưa nói tới các khóa dạy nghề ở cấp II không hề liên thông hay tiếp nối các khóa nghề ở cấp III khiến lãng phí sức lực của xã hội rất lớn. Vì thế học xong các em chẳng mấy ai mặn mòi đi làm bằng cái nghề mà các em đã học ở phổ thông vì không đủ trình độ tay nghề và chứng chỉ ấy chỉ có giá trị để cộng điểm tốt nghiệp hoặc chuyển cấp.


    Vậy, học nghề nhưng không muốn làm nghề!


    Chúng ta đang làm gì suốt những năm qua? Tất cả giáo viên đều biết, tất cả phụ huynh đều biết. Vậy tất cả chúng ta đang đồng lõa với việc hình thức hóa học nghề, với việc đánh cắp thời gian của các em và với việc biến các em trở thành một con rối làm những việc hết sức vô nghĩa!


    Một năm học nghề, 9 tháng học nghề, 36 tuần học nghề, 72 giờ học nghề cho các em được điều gì? nửa điểm, một điểm, một điểm rưỡi đó có đắt quá không so với thời gian đã mất đi? Nếu dùng thời gian đó cho việc các em học bơi lội sẽ có rất nhiều trẻ không phải chết đuối. Nếu dùng thời gian đó cho các em chạy nhảy phơi nắng thì sẽ có thêm nhiều học sinh cao lớn hơn, ít cận thị hơn. Nếu dùng thời gian đó cho các em tham gia hoạt động xã hội thì sẽ có thêm nhiều trái tim nhân ái. Nếu dùng thời gian đó cho các em đi biển, đi rừng thì sẽ có thêm nhiều người yêu thiên nhiên, yêu môi trường …


    Có cả hàng nghìn thứ mà một đứa trẻ cần được nhận, cần được trau dồi. Thế nhưng người lớn chúng ta lại chỉ loanh quanh với bệnh thành tích, bệnh hình thức. Chính chúng ta đã góp phần tạo nên một thế hệ trẻ kém năng động, lười sáng tạo và không đủ kỹ năng của một công dân của thế kỷ 21. Ai là người dám bước ra khỏi cái guồng ấy để cho con mình có một nền giáo dục toàn diện cả về trí lực lẫn thể lực? Chẳng lẽ chỉ có những học sinh có cha mẹ khá giả mới được hấp thụ một nền giáo dục có thể phát huy sức mạnh của cá nhân trẻ?


    Có một câu ngạn ngữ: ”Con cái chính là cánh tay nối dài ước mơ của cha mẹ “ Và thế là ba mẹ không làm được bác sĩ thì ép con phải học giỏi để thi y. Ông bố không trở thành chủ doanh nghiệp được thì bắt con phải thi vào kinh tế. Trong khi đứa bé thì sức học chỉ trung bình nhưng lại có thiên hướng về nghệ thuật. Bi kịch suốt cuộc đời nếu một người đi lạc sang nghề mà họ không phù hợp và họ sẽ vĩnh viễn không bao giờ tìm thấy hạnh phúc khi lao động.


    Khi còn trẻ ắt hẳn nhiều bạn đã từng rất khổ sở mỗi khi nghe cha mẹ mắng: “Thằng A sao toàn 9,10 điểm mà mày chỉ thế này thôi vậy? Tao có để mày thiếu cái gì đâu?” Bạn cũng muốn con mình khổ sở như bạn khi bị ép phải giỏi tất cả mọi thứ giống như ngày xưa cha mẹ bạn mong muốn không?


    Xin đừng bắt trẻ sống như chúng ta muốn! Xin đừng đòi hỏi trẻ có những thứ chúng không thể có. Xin đừng nghĩ rằng chỉ có trở thành kỹ sư, bác sĩ thì cuộc đời của chúng mới tốt nhất. Hãy để trẻ làm những điều mà chúng cảm thấy hạnh phúc. Hãy giúp trẻ phát hiện đam mê và năng khiếu, giúp trẻ tự định hướng nghề nghiệp chứ đừng bắt chúng thực hiện ước mơ của chúng ta nữa.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  5. Top 5

    Bài tham khảo số 5

    Tương đồng với các cường quốc như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Việt Nam cũng xem giáo dục là quốc sách hàng đầu. Thực tế cuộc sống đã chứng minh không có ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên cho giáo dục, mỗi sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ, thậm chí hủy diệt cả nhân loại. Chính Nel-son Mandela – vị tổng thống da màu đầu tiên của đất nước Nam Phi cũng đã khẳng định rằng: Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới. Câu nói này khiến ta phải suy nghĩ nhiều hơn về giáo dục – thứ vũ khí vô giá mà mỗi cá nhân vẫn đang sở hữu.


    Nói giáo dục là “vũ khí” chính là khẳng định việc dạy và học là công cụ, là nền tảng cho việc xây dựng, phát triển và thay đổi thế giới.Quan niệm về giáo dục cũng không chỉ bó hẹp trong quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường, hay chỉ là những quá trình đào tạo chính quy, bài bản mà mở rộng đến tất cả những hoạt động mang tính chất tiếp thu tri thức, kĩ năng, hoàn thiện nhân cách vô cùng phong phú trong cuộc sống. Đó là quá trình rèn luyện vất vả mà ta phải vượt qua để đạt được những “hoa quả ngọt ngào”.


    Như đã nói, giáo dục là quá trình truyền đạt và tiếp thu kiến thức. Nhờ có điều này, con người mới hiểu thêm về thế giới xung quanh. Giáo dục không chỉ cung cấp cho ta nền tảng kiến thức cơ bản nhất mà còn hiểu rõ, hiểu sâu hơn về một lĩnh vực chuyên môn. Nếu không tìm hiểu, tiếp thu về những kiến thức về toán học, thiên văn học và quang học từ những nhà khoa học đi trước, chắc có lẽ nhà bác học vĩ đại Newton sẽ không thể nào đưa ra những khái niệm mới, những phương pháp tính toán mới và giải thích được biết bao hiện tượng khoa học tự nhiên. Giáo dục giúp ta hiểu và tự ý thức về bản thân, hiểu về con người để có thể tự bảo vệ mình khỏi những nguy hiểm, những bất công. Từ đó có thể kết luận chính giáo dục đã giúp ta hiểu về thế giới rồi từ đó ta thay đổi cả thế giới. Một minh chứng cho điều này chính là cuộc đời của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, người đã từng đoạt giải Nobel Hòa bình vào năm 1993. Sinh ra trong một gia đình đông con, ông là người đầu tiên được đi học. Điều này đã góp phần giúp ông hiểu rõ về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid, hiểu được những bất công mà người da đen ở Nam Phi phải chịu đựng, từ đó ông đã đứng lên đấu tranh để bảo vệ và mang lại công bằng cho họ, làm nên những thay đổi vĩ đại không chỉ ở châu Phi mà còn trên toàn thế giới. Với vai trò như một chiếc cầu nối truyền tải tri thức, giáo dục giúp con người gìn giữ những thành quả của người đi trước và tiếp tục phát huy ở những thế hệ sau, để thay đổi cuộc sống từng ngày từng giờ, làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

    Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft, hay Steve Jobs, cựu giám đốc điều hành của Apple, họ là những người đã làm thay đổi đời sống của chúng ta với những phần mềm, những thiết bị điện tử tuyệt vời, mở đầu cho thời đại công nghệ thông tin phát triển rực rỡ. Thế nhưng, họ đều chưa hoàn thành chương trình đại học. Vì vậy mà nhiều người cho rằng giáo dục chưa phải là yếu tố quan trọng, quyết định trong việc thay đổi cả thế giới, ngoài ra còn đòi hỏi những sự kiên nhẫn, quyết tâm và dĩ nhiên là tài năng của mỗi chúng ta. Thế nhưng trên thế giới này chỉ có một Bill Gates và một Steve Jobs, chúng ta cần nhận thức nền tảng giáo dục sẽ là công cụ vô cùng quan trọng để hoàn thiện nhân cách và phát triển đất nước.


    Không chỉ dừng lại ở đó, nhiệm vụ của mỗi chúng ta còn là tuyên truyền, giáo dục phổ cập kiến thức cho mọi người xung quanh về mọi mặt, nhất là luật pháp, ‎ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Spencer có nói: Mục đích lớn nhất của giáo dục không phải ở kiến thức mà ở hành động. Vì thế, ngày hôm nay, vị trí của ta không chỉ đơn giản là người học, người thụ hưởng tri thức mà còn là người dạy, truyền đạt tri thức. Một khi tất cả mọi người trong xã hội đã được trang bị đầy đủ những biết cơ bản đó, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn, tệ nạn xã hội giảm, người dân sống văn minh, đất nước sẽ ngày càng phát triển. Nếu mọi người trên thế giới này cũng đều hiểu rõ tầm quan trọng của giáo dục và đầu tư hợp l‎í một cách hợp lí thì thế giới này sẽ thay đổi, trở nên tươi đẹp hơn. Không phải vô tình mà Seneque đã khẳng định: Hãy ẩn náu trong học tập, bạn sẽ thoát khỏi mọi nhàm chán trong cuộc sống. Việc học ở thời đại văn minh ngày nay có ‎nghĩa rộng lớn và được Tổ chức giáo dục Khoa học Văn hóa (UNESCO) của Liên hiệp quốc xác định rõ bốn mục tiêu cơ bản: Học để biết; Học để làm; Học để chung sống; Học để tồn tại với tư cách là con người của thời đại ngày nay. Đây vừa là mục tiêu vừa là nhu cầu thiết yếu của mỗi con người cũng như của cộng đồng xã hội. Những người có ‎thức hoàn thiện mình thông qua hoạt động học tập, rèn luyện, học sẽ luôn tìm thấy ý nghĩa, niềm vui trong cuộc sống.


    Socrates từng nêu ‎ý kiến: Giáo dục là làm cho con người tìm thấy chính mình; vì thế bằng việc phấn đấu, rèn luyện, thế hệ trẻ Việt Nam nên xem câu nói này như một phương châm sống để cùng mọi người chung tay xây dựng một xã hội phát triển hơn. Chúng ta cần phải học hỏi nhiều hơn nữa để giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội; luôn ‎ý thức về sự hoàn thiện và phát huy kiến thức có được để sáng tạo cái mới, trong công việc và trong nghề nghiệp. Bên cạnh đó, mỗi người phải biết ‎ước mơ để tạo động lực cho tương lai và hãy luôn nhớ rằng: Nếu bạn có thể tưởng tượng, bạn có thể đạt được nó. Nếu bạn có thể ước mơ, bạn có thể trở thành nó (William Arthur Ward)

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  6. Top 6

    Bài tham khảo số 6

    Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Lời răn dạy của Người đã trở thành khẩu hiệu được treo ở nhiều trường học. Và đúng như câu nói của Bác Hồ, giáo dục luôn đóng vai trò then chốt trong công cuộc xây dựng và phát triển xã hội ở bất cứ đâu trên thế giới này. Chính Nel-son Mandela – vị tổng thống da màu đầu tiên của đất nước Nam Phi cũng đã khẳng định rằng: Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới. Câu nói này khiến ta phải suy nghĩ nhiều hơn về giáo dục – thứ vũ khí vô giá mà mỗi cá nhân vẫn đang sở hữu.


    “Giáo dục” nói chung chính là hình thức học tập phổ biến nhất của con người mà thông qua đó chúng ta được tiếp thu những nguồn tri thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Học tập là một quá trình liên tục và kéo dài suốt cuộc đời của con người, không lúc nào ngơi nghỉ. Nhờ có giáo dục mà con người được mở mang kiến thức, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại một cách bài bản, có hệ thống. Không chỉ vậy, giáo dục còn góp phần bồi đắp tính cách, tâm hồn con người. Bên cạnh đó, giáo dục còn có khả năng giúp chúng ta phát huy tối đa tài năng cùng tinh thần sáng tạo. Ngoài ra, kỷ cương và trật tự xã hội cũng được thiết lập nhờ giáo dục. Một môi trường giáo dục tốt sẽ có thể cải thiện và nâng cao trình độ con người.


    Ta có thể kể đến câu chuyện của nhà hoạt động xã hội Helen Keller. Khi bà còn nhỏ, một trận sốt cao đã khiến bà bị mù và điếc. Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười với Helen khi gặp được cô giáo Anne Sullivan. Nhờ phương pháp giáo dục đúng đắn, tình yêu thương trẻ, cô giáo Anne đã từng bước giúp Helen học tập, viết lách thông thạo. Chính những tháng ngày ấy là khởi nguồn cho cuộc đời phi thường của Helen về sau. Hay câu chuyện dạy con của Mạnh Mẫu cũng là một ví dụ cho thấy tầm quan trọng của giáo dục. Mạnh Mẫu là mẹ của Mạnh Tử - một bậc hiền triết Trung Hoa. Bà từng ba lần chuyển nhà vì mong con được sống trong môi trường giáo dục tốt. Ban đầu. sống gần bãi tha ma, bà thấy con trai thường diễn lại những cảnh nhìn thấy ở đây. Nhận thấy đây không phải là chỗ ở tốt, bà liền chuyển nhà đến khu phố mua bán tấp nập. Mạnh Tử lại học thói khoe khoang, cân đo đong đếm của những nhà buôn. Đến khi chuyển nhà tới gần trường học, thấy con tuân theo lễ giáo mà học hành chăm chỉ thì người mẹ mới an lòng. Một ngày, bà đang dệt vải thì thấy con trốn học đi về. Bà liền cầm dao chặt đứt tấm vải và mắng: “Con đi học mà bỏ học chẳng khác nào mẹ dệt vải mà chặt đứt nó vậy”. Dưới sự giáo dục nghiêm khắc của mẹ, Mạnh Tử đã trở thành bậc vĩ nhân.


    Hiện nay, xã hội vẫn còn tồn tại nhiều người lười nhác, biếng học và thường ỷ lại, sống dựa dẫm vào người khác. Đây là những hiện tượng đáng buồn. "Nhân chi sơ, tính bản thiện". Chúng ta đều khởi đầu giống nhau nhưng cách lớn lên lại khác nhau. Nếu không được giáo dục đàng hoàng, con người sẽ đánh mất sự lương thiện mà sa đà vào tệ nạn.


    Mỗi người chúng ta cần nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục để có được hướng đi đúng đắn cho bản thân và góp phần phát triển đất nước ta ngày càng văn minh, giàu mạnh.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  7. Top 7

    Bài tham khảo số 7

    Học hành có tầm quan trọng rất lớn đối với cuộc đời của mỗi con người. Người xưa đã nhắc nhở con cháu rằng: "Nếu còn trẻ mà không chịu học hành đến khi lớn lên sẽ chẳng thể làm được việc gì có ích". Bên cạnh đó còn có những câu: “Có học thì như lúa như nếp, không học thì như rơm như cỏ". Hoặc: "Bất học bất tri lí" (Không học thì không biết lí lẽ, lẽ phải). Chính Nel-son Mandela – vị tổng thống da màu đầu tiên của đất nước Nam Phi cũng đã khẳng định rằng: Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới. Câu nói này khiến ta phải suy nghĩ nhiều hơn về giáo dục – thứ vũ khí vô giá mà mỗi cá nhân vẫn đang sở hữu.


    Suốt lịch sử phát triển mấy ngàn năm, nhân loại đã tích lũy được một kho tri thức khổng lồ về tự nhiên và xã hội. Những tri thức ấy được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua hình thức truyền miệng và chữ viết (sách). Muốn tiếp thu tinh hoa trí tuệ, con người chỉ có một con đường duy nhất là học suốt đời. Nói đến học là nói đến trí lực, một năng lực suy nghĩ, một trực quan nhạy bén, một tư duy hợp lí. Điều ấy hết sức cần thiết cho tất cả mọi người. Chính vì ngay từ lúc nhỏ, bất kì ai cũng phải được học hành. Trong mười hai năm ở trường phổ thông, học sinh được cung cấp những kiến thức sơ đẳng của một số bộ môn cơ bản như: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Ngoại ngữ.… Tuy thế, học sinh phải chăm chỉ học hành thì mới hiểu và vững kiến thức một cách có hệ thống. Nếu lơ là, chểnh mảng, thiếu nghiêm túc trong việc học hành thì rốt cuộc là tốn thời gian, tiền bạc mà kết thu được chẳng đáng là bao. Thực tế cho thấy là có học có hơn. Mục đích của việc học là nhằm phục vụ mọi công việc đạt hiệu quả cao. Nếu ta đơn thuần làm việc theo thói quen kinh nghiệm có sẵn thì công việc sẽ tiến triển chậm và chất lượng không tốt. Cách làm như trên chỉ thích hợp với các công việc giản đơn, không cẩn nhiều đến trí tuệ. Còn đối với những công việc phức tạp liên quan đến khoa học kĩ thuật thì cùng cách làm việc ấy là lạc hậu, lỗi thời. Muốn đạt hiệu quả trong mọi lĩnh vực, chúng ta bắt buộc phải học, phải được đào tạo chính theo từng chuyên ngành và trong suốt quá trình làm việc vẫn phải học tập không ngừng, bằng mọi hình thức khác nhau. Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay, tri thức (chất xám) của con người là tiền đề vô cùng quan trọng. Có nắm vững lí thuyết, chúng ta mới làm được những công việc phức tạp. Lí thuyết khoa học có tác dụng soi sáng, dẫn đường cho kĩ năng thực hành, nên người sẽ rút ngắn được thời gian mò mẫm, tìm hiểu thực tiễn, do đó sẽ tránh được những sai lầm đáng tiếc. Học không chỉ là quá trình rèn luyện tri thức mà còn là quá trình rèn luyện tình cảm và đạo đức.


    Con người ngoài cái trí còn cần có cái tâm. Học là để thấu hiểu những lẽ huyền bí của cuộc đời, của vũ trụ chứa đựng trong những kiến thức toán đơn giản hoặc trong những quy luật thịnh suy của một xã hội. Không hòa cái tâm của mình vào trong cuộc đời, vào vũ trụ để lắng tìm và cảm nhận thì làm sao có được những tín hiệu mách bảo cho trí tuệ con đường đến những lẽ huyền diệu và bí ẩn kia? Như vậy là có biết bao kiến thức mới, kiến thức mới về cuộc đời, vẽ thế giới mà chúng ta tìm kiếm được không chỉ bằng trí mà còn bằng cả tâm hồn. Học cần có cái trí và cũng có cần có cái tâm là vì thế. Học cũng là để thêm cái trí, lành thêm cái tâm và để đóng góp tài đức của mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước mạnh giàu. Điều quan trọng là đã học thì phải học đều các môn khoa học tự nhiên khoa học xã hội. Văn, Sử là những môn học cần thiết, nêu không nói là đặc biệt quan trọng để tạo nên nhân cách. Nếu chúng ta không coi trọng các môn này thì tâm hồn sẽ khô cứng, vô cảm trước con người và cuộc đời mà dẫn đến thái độ dửng dưng trước vẻ đẹp phong phú và sự giàu có của lịch sử văn hóa dân tộc. Sẽ không ai trách chúng ta khi chỉ thích học Tin học, Kinh tế Ngoại ngữ. Nhưng nếu chỉ giỏi chữ số mà quên chữ viết, giỏi kĩ thuật mà kém văn hóa thì là thiệt thòi lớn cho mỗi con người. Việc học hành quan trọng như vậy, do đó chúng ta không thể coi nhẹ vai trò của việc học hành. Đúng là: "Nếu không có học hành đến nơi đến chốn thi lớn lên, chúng ta sẽ chẳng làm được việc gì có ích". Hiện nay, một số bạn trẻ không nhận thức được tầm quan trọng của việc học đối với sự thành công hay thất bại của đời người. Nhận thức lệch lạc thường dẫn đến hành động sai lầm. Bỏ học đi chơi, giao du với những thành phần bất hảo để rồi bị rủ rê, sa ngã vào con đường cờ bạc, chơi bời, hút chích dần dần những người đó sẽ đánh mất nhân cách, mất khả năng làm việc và thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Một cuộc sống như thế không đáng gọi là cuộc sống của một con người chân chính. Đến lúc nào đó tỉnh ngộ, dẫu có ăn năn, hối hận thì cũng đã muộn màng. Những kiến thức mà chúng ta tiếp thu được từ nhà trường, sách vở và cuộc đời nếu đem áp dụng vào thực tiễn sẽ mang lại nhiều thành quả tinh thần vật chất cho cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội.


    Tri thức loài người mênh mông như biển cả ("Bể học vô bờ"). Dầu chúng ta có miệt mãi học suốt cuộc đời thì cũng chỉ là tiếp thu được một phần rất nhỏ Bác Hồ dạy: "Học ở trường, học trong sách vở; học lẫn nhau và học ở dân”. Lênin cũng từng khuyên thanh niên: "Học! Học nữa! Học mãi!". Đó là những lời khuyên chí lí, có giá trị đối với mọi thời đại. Một tương lai không xa. Nếu ta không coi trọng việc học chúng ta sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của đất nước, giai đoạn mới.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy