Top 10 Bài văn tả bác nông dân hay nhất

Hà Ngô 3346 0 Báo lỗi

Bác nông dân là những hình ảnh vô cùng thân thuộc với chúng ta, khi tả các em cần miêu tả ngoại hình, vóc dáng, hoạt động để làm nổi bật lên sự cần cù, chăm ... xem thêm...

  1. Top 1

    Bài văn tả bác nông dân số 1

    Bác Tài là một nông dân cần cù, chất phác. Em được biết đến bác là nhờ một lần về thăm quê ngoại.


    Hôm ấy, trên đường về quê em phải qua một cánh đồng rộng mênh mông. Ngồi trên xe mà lòng em cứ nao nao mong chóng về gặp ngoại. Nhưng oái oăm thay, giữa đường xe bị hỏng nên em phải đi bộ qua con đường khá dài.Người cũng mệt, hai mẹ con nghỉ lại quán nước bên đường. Cũng chính trên con đường này em được làm quen với bác Tài khi bác đang cày ruộng.


    Bác Tài chừng ngoài bốn mươi tuổi. Dáng người bác cao lớn, vạm vỡ. Trên khuôn mặt chữ điền là đôi mắt to và sáng. Da bác sám nắng, tay chân chắc nịch. Bác say sưa cày ruộng trong chiếc áo đen đã bạc màu, ướt đẫm mồ hôi. Chiếc quần vải màu xanh dày dặn được xắn cao để lộ màu da chân đỏ au, vồng lên những bắp thịt cuồn cuộn, rắn chắc. Đôi tay cứng cáp điều khiển cái cày khéo léo. Một tay bác cầm chuôi cày, còn tay kia thì cầm cái roi dài để phết vào mông trâu khi nào trâu lười biếng. Theo lưỡi cày, đất được lật lên ngọt xớt, phơi mình trên thửa ruộng chạy dài, thẳng tắp. Thỉnh thoảng bác lại quất nhẹ vào lưng trâu, miệng quát to: "Ngọ! Ngọ!". Hai con trâu đi chậm rãi dần vì phải kéo cả lưỡi cày, lật bao nhiêu lớp bùn đất. Trong ruộng có nước, khi lưỡi cày đi qua, nó để lại trong nước những hình xoắn tròn to, rồi nhỏ dần nhỏ dần. Khi cày đã thấm mệt, bác dừng lại nghỉ ngơi. Bác ngồi dưới một gốc cây to rồi lấy trong túi ra một gói thuốc rê đã được vê thành từng điếu rồi châm lửa hút. Lúc này, các động tác của bác chậm rãi. Hai con trâu khoan thai, vẫy đuôi gặm cỏ. Mặt trời giờ đã lên cao, ánh nắng rải chan hoà khắp thửa ruộng. Mặt bác nhễ nhại mồ hôi, nhưng bác vẫn cùng con trâu tiếp tục cày xong thửa ruộng. Trâu sau một lát nghỉ ngơi, lại ngoan ngoãn bì bõm kéo cày theo sự điều khiển của bác. Em thấy thương và cảm phục bác làm sao. Nhìn những hàng đất cày thành luống trông rất đẹp dưới nắng trưa, em lại nhớ đến câu tục ngữ: "Ăn một bát cơm, nhớ người cày ruộng".


    Em và mẹ lên đường về quê, mỗi lúc một xa, bóng bác nông dân khuất dần. Để làm ra hạt gạo, người nông dân phải đổ biết bao mồ hôi, công sức. Em thầm cảm ơn các bác nông dân , những người đã cho ta bát cơm trắng, dẻo thơm trong sự nhọc nhằn vất vả của mình.

    Bài văn tả bác nông dân số 1
    Bài văn tả bác nông dân số 1
    Bài văn tả bác nông dân số 1
    Bài văn tả bác nông dân số 1

  2. Top 2

    Bài văn tả bác nông dân số 2

    Một buổi trưa tháng 6 trời nóng oi bức và ngột ngạt, trên đường đi học về em đã nhìn thấy một cảnh tượng rất đỗi cảm thương và xúc động, đó là hình ảnh bác nông dân đang cày ruộng.


    Dù trời đã điểm đã quá trưa, mặt trời đã đứng bóng, dưới cái nắng gay gắt cháy da cháy thịt như thế mà bác vẫn cố cày những đường ruộng cuối cùng. Bác nông dân chỉ mặc bộ quần áo mỏng màu nâu loang lổ những chỗ mồ hôi, chiếc nón lá đội trên đầu cũng đã mục cũ rách tướp mà người ta gọi là "nón mê", xắn quần lên cao bác nông dân chân trần lội trên bùn đất ngập sâu đến gần đầu gối, có lẽ thêm ủng chỉ thêm phần nặng nề cho đôi chân bác. Cùng bác cày ruộng là một con trâu to khỏe, nhưng sau một buổi làm việc trông nó có vẻ đã đói và uể oải, không còn được sung sức nữa, bác nông dân phải cầm chiếc que nhỏ thi thoảng đánh vào lưng trâu, thúc nó đi nếu không nó cứ đứng trơ trơ giữa đồng. Vừa đánh trâu bác nông dân vừa điều chỉnh lưỡi cày sao cho vừa sâu, vừa thẳng, sát với đường cày cũ. Mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt bác như mưa ướt, quần áo cũng chẳng còn chỗ nào khô, nhìn là biết bác đã vất vả và cực nhọc biết nhường nào, cứ cày xong một đường là bác lại phải cho trâu nghỉ và bác cũng nghỉ.


    Thế mới biết để tạo ra được hạt thóc, hạt gạo làm miếng cơm cho chúng ta ăn người nông dân phải vất vả ra sao, chúng ta phải biết quý trọng thành quả lao động của họ, không được hoang phí cơm gạo và coi thường những người nông dân chân lấm tay bùn.

    Bài văn tả bác nông dân số 2
    Bài văn tả bác nông dân số 2
    Bài văn tả bác nông dân số 2
    Bài văn tả bác nông dân số 2
  3. Top 3

    Bài văn tả bác nông dân số 3

    Ngành nghề nào trong xã hội cũng có sự vất vả nhất định, nhưng chắc chắn lao động chân tay sẽ vất vả và cực nhọc hơn lao động trí óc. Chẳng cần ví von ở đâu xa, chúng ta cứ nhìn vào những người nông dân ngoài đồng ruộng kia sẽ thấy rõ điều đó. Em đã có lần chứng kiến cảnh một bác nông dân cày ruộng, khi đó em đã hiểu và cảm thông cho nỗi vất vả "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" của người nông dân.


    Bác nông dân mà em nhìn thấy vẫn còn cày bằng trâu, bởi có lẽ bác không có điều kiện thuê máy cày để dùng, con trâu của bác to béo, khỏe mạnh đúng kiểu người ta hay gọi là "trâu mộng". Thế nhưng bác nông dân trông lại mảnh khảnh, gầy ốm, nước da ngăm đen đậm màu sương gió. Thời điểm này là cuối tháng 6, cái nắng chang chang của mùa hè làm khổ hơn nỗi khổ của bác nông dân, phải cày ruộng dưới trời nắng mà trên đầu chỉ đội chiếc mũ cối, mặc chiếc áo mỏng đã rách cả vai, mồ hôi đầm đìa như người vừa mới tắm. Bước chân của bác dưới bùn lầy nặng nhọc biết bao, từng bước từng bước đi theo con trâu và đi theo lưỡi cày, nhìn đường cày thẳng tắp, sâu hoắm là biết bác nông dân đã tốn biết bao công sức. Thỉnh thoảng bác dừng lại giữa đường, cầm nón quạt phe phẩy vài cái rồi tiếp tục, ra đến đầu bờ lại ngồi nghỉ lúc lâu mới cày tiếp được.


    Hi vọng với bao công sức đã bỏ ra bác nông dân sẽ có được một vụ mùa bội thu, gặt hái được nhiều thóc lúa.

    Bài văn tả bác nông dân số 3
    Bài văn tả bác nông dân số 3
    Bài văn tả bác nông dân số 3
    Bài văn tả bác nông dân số 3
  4. Top 4

    Bài văn tả bác nông dân số 4

    Được sinh ra và lớn lên ở nơi thành phố nên em chưa từng được biết về công việc đồng áng là như thế nào, rất may trong dịp nghỉ hè năm lớp bốn em đã có cơ hội được về làng quê chơi, tại đây em đã được chứng kiến một hoạt động rất đặc trưng của việc đồng áng, đó là hình ảnh một bác nông dân đang cày ruộng.


    Hình ảnh bác nông dân đi cày không gắn với con trâu, con bò như ngày xưa mà thay vào đó là chiếc máy cày, tuy nhiên dù là con vật hay là máy móc thì vẫn phụ thuộc phần lớn vào lao động của con người. Bác nông dân đội chiếc nón lá, bộ quần áo lao động lấm đầy bùn đất và ướt đẫm mồ hôi, chiếc quần xắn cao và đôi chân đất lội dưới bùn đất. Bác có chiếc khăn vắt trên cổ để lau mồ hôi và một chai nước đeo bên hông để uống mỗi khi khát. Chiếc máy cày chỉ thay cho sức trâu bò, cày được nhiều hơn và khỏe hơn còn vai trò của bác quan trọng nhất là cày sao cho đường cày vừa sâu, vừa thẳng, không bỏ qua chỗ đất nào, sau mỗi đường cày các gốc dạ được lật hết lên, đường nào đường ấy thẳng tắp. Đôi khi chiếc máy cũng bị khó đi, bác nông dân lại phải dùng sức đẩy và điều chỉnh tốc độ cũng như cầm lái thật chắc chắn, đôi tay bác mỏi nhừ và rã rời, đôi chân chùng xuống như không thể bước tiếp nữa. Thế nhưng bác nông dân dưới cái nắng gay gắt vẫn miệt mài với đường cày, máy đã khởi động bác phải làm liên tục không ngơi tay.


    Em mong sao rồi mai đây trên mảnh ruộng này sẽ là cánh đồng lúa chín vàng nặng trĩu bông mang lại niềm vui được mùa cho bác nông dân.

    Bài văn tả bác nông dân số 4
    Bài văn tả bác nông dân số 4
    Bài văn tả bác nông dân số 4
    Bài văn tả bác nông dân số 4
  5. Top 5

    Bài văn tả bác nông dân số 5

    Trên cánh đồng, bác Hùng đang gặt nốt thửa ruộng cuối cùng của mùa này. Ánh nắng gay gắt của mùa hè cũng chẳng thể cản trở được công việc của bác.


    Bác Hùng mình cởi trần, mặc chiếc quần bò đã bạc màu, chân đi chiếc ủng ngắn. Trên cổ vắt chiếc khăn nhỏ màu nâu để lau mồ hôi trên trán. Trên đầu bác đội chiếc mũ cói vành rộng, giúp che nắng. Dây mũ bác không thắt vào mà để rộng ra, để thỉnh thoảng dừng lại lấy mũ xuống làm quạt.


    Tay phải bác Hùng cầm lưỡi liềm sắc bén, tay trái thì giữ thân lúa. Hai tay bác phối hợp nhịp nhàng, tay này cắt thì tay kia đỡ và gom lại thành bó nhỏ. Khi bó lúa trên tay trái đã đầy, bác sẽ dừng lại, xóc xóc cho nó thật gọn rồi chất qua một bên. Cả quá trình, bác cứ phải cúi mãi, tấm lưng đẫm mồ hôi bóng lên dưới ánh nắng, cứ nhấp nha nhấp nhổm mãi. Thỉnh thoảng, bác dừng lại lau mồ hôi, uống cốc nước mát, đấm đấm vào lưng và vai cho đỡ mỏi, rồi lại tiếp tục công việc của mình.


    Bác Hùng như một cỗ máy, làm việc chăm chỉ và bền bỉ. Bác làm từ lúc nắng chói chang đến khi mặt trời đã khuất sau lưng núi. Lúc này, thửa ruộng đã được gặt xong, các bó lúa cũng đã được gom lại chất lên xe bò. Cứ thế, bác nằm tựa lên mớ lúa, đủng đỉnh đánh xe trở về nhà.

    Bài văn tả bác nông dân số 5
    Bài văn tả bác nông dân số 5
    Bài văn tả bác nông dân số 5
    Bài văn tả bác nông dân số 5
  6. Top 6

    Bài văn tả bác nông dân số 6

    Quê hương em là một vùng nông thôn thanh bình, với những cánh đồng rộng bao la nhân dân sống chủ yếu làm nghề nông. Hình ảnh làng quê đẹp nhất trong em chính là hình ảnh bác nông dân đang cày ruộng.


    Đó là một buổi trưa hè, cái nắng gay gắt vẫn đang chiếu trên đồng ruộng và các bác nông dân vẫn đang cặm cụi làm. Xa xa, những tà áo nâu cùng những chiếc nón trắng nhấp nhô trên đồng. Em tò mò, muốn ngắm nhìn các bác khi đang làm việc nên đi tới gần cánh đồng hơn. Đứng cách em khoảng năm mét, những cô những bác nông dân đang chăm chỉ làm đồng. Người bón phân, người cuốc đất, người bắt ốc..., tiếng cười nói râm ran xua đi cái nóng của buổi ban trưa. Em chú ý nhất là một bác nông dân đang cày ruộng. Thân hình bác tầm thước, bộ đồ màu nâu đã dính đầy bùn. Chiếc quần xắn lên tới đầu gối làm lộ ra đôi chân chắc khỏe, các cơ nổi lên rõ rệt. Từng bước đi của bác đều vững chãi, nhanh nhẹn. Bác tầm khoảng năm mươi tuổi, có lẽ do việc nhà nông vất vả nên trông bác già hơn tuổi, nét lam lũ hằn lên những vết chai sạn trên bàn tay. Khuôn mặt bác hiền hậu, vầng trán lấm tấm mồ hôi. Có những giọt lăn dài trên má rồi rơi ngay xuống thớ đất bác vừa cày.


    Bác điều khiển một chú trâu to, da đen bóng thật khỏe mạnh. Đôi tay rám nắng với những vết chai rắn rỏi cầm chắc vào tay cày. Trời nắng như đổ lửa khiến mồ hôi chảy trên cả cánh tay, khiến màu da của bác trông càng khỏe mạnh. Bác không bận tâm tới lưng áo ướt đẫm, tới cái oi ả của trưa hè. Những bước đi cứ đều đều, những tiếng hô "đi" cùng những tiếng "vút" phát ra từ cây roi của bác cứ vang lên đều đặn. Mỗi bước đi, bác lại vung roi lên và ra lệnh cho chú trâu của mình. Chú trâu như hiểu được mệnh lệnh của chủ, bước những bước dài trên đồng. Khi thì quẹo trái, khi thì sang phải. Chiếc lưỡi cày sắc lẹm đi sâu vào lòng đất, là lên những khối đất có kích thước đều nhau. Đất tròn đồng cứ lần lượt được xới lên thành hàng thành luống, trông thâu thích mắt. Thỉnh thoảng bác lại ca lên vài câu hòa cùng những người xung quanh hay kể vài câu chuyện vui cho mọi người, tiếng cười giòn càng rộn vang lên. Mọi người như quên đi cái nóng của ngày hè, quên đi cái vất vả của công việc. Người và trâu cứ thế chầm chậm, cần mẫn đi hết cánh đồng, quên đi thời gian, quên đi mệt nhọc. Nhìn khung cảnh ấy em lại nhớ đến bài ca dao:

    Cày đồng đang buổi ban trưa

    Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

    Ai ơi bưng bát cơm đầy

    Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.


    Em rất thích ngắm bác nông dân đang cày ruộng, vì khi ấy em thấy thấm thía hơn nỗi vất vả khó nhọc của người nông dân khi làm ra hạt gạo. Em sẽ trân trọng, biết ơn các bác nông dân hơn nữa- người biến những giọt mồ hôi thành hạt ngọc quý.

    Bài văn tả bác nông dân số 6
    Bài văn tả bác nông dân số 6
    Bài văn tả bác nông dân số 6
    Bài văn tả bác nông dân số 6
  7. Top 7

    Bài văn tả bác nông dân số 7

    Nhắc đến bác nông dân, em nhớ đến bác Sáu ở gần nhà Ngoại. Bác là một nông dân cần cù, chất phác. Chuyên đi cày thuê kiếm cơm, nên bác là người sử dụng cày rất thành thạo. Em biết được bác là nhờ hôm Trung thu về thăm Ngoại.


    Hôm ấy, trên đường về, em đi qua một cánh đồng rộng mênh mông. Em đang ngồi trên xe mà lòng nôn nao mong chóng về gặp Ngoại. Nhưng oái oăm thay, giữa đường xe bị hỏng nên em phải đi bộ qua con đường khá dài. Chính trên đoạn đường này, em được làm quen với bác Sáu. Bác trạc năm mươi tuổi, thân hình cường tráng, vạm vỡ, rắn chắc. Gương mặt bác nông dân hơi khắc khổ, nước da sạm nắng, tay chân chắc nịch, quần xắn tận đầu gối, đôi tay đang nhanh nhẹn điều khiển cặp trâu. Một tay bác nắm sợi dây thừng và chuôi cày, còn tay kia nắm cái roi mây dài đánh vào mông trâu. Trời nắng to, mồ hôi ra đầm đìa. Miệng bác kêu “Ví thá, ví thá…” làm em thấy lạ tai quá. Hai con trâu đi chầm chậm vì phải kéo cả lưỡi cày lật bao nhiêu lớp bùn đất. Những đường cày thẳng tắp như kẻ sẵn, chạy dài từ bờ này sang bờ kia trông thật đẹp mắt.


    Khi cày được gần một nửa đám ruộng, bác nghỉ giải lao bước đến dưới cây phi lao nằm gác chân lên tảng đá nhỏ, lim dim đôi mắt nhìn trời. Hai con trâu được bác cởi ách ra đang tự do gặm cỏ ở góc ruộng. Nhìn bác nằm nghỉ thoải mái dưới bóng râm, lòng em dấy lên một niềm cảm phục. Một nắng hai sương bác và bao nhiêu những người nông dân như bác quanh năm phơi mình trên đồng ruộng để làm ra hạt gạo nuôi sống con người.


    Hình ảnh người nông dân vất vả trên luống cày, thửa ruộng của mình thật là đẹp.

    Bài văn tả bác nông dân số 7
    Bài văn tả bác nông dân số 7
    Bài văn tả bác nông dân số 7
    Bài văn tả bác nông dân số 7
  8. Top 8

    Bài văn tả bác nông dân số 8

    Bác Tùng là một nông dân cần cù, chất phác. Bác là người họ hàng của gia đình em. Em được biết đến bác là nhờ một lần về thăm quê ngoại. Gặp bác khi bác đang cày ruộng.


    Hôm ấy, trên đường về quê em phải qua một cánh đồng rộng. Xa xa là dãy núi tím ngắt. Con mương nhỏ dẫn nước chạy men theo con đường trải đá răm. Đang vui vẻ nói chuyện cùng bố. Bố em dừng lại chào to: “Chào bác Hải, trưa rồi mà vẫn không nghỉ tay à?”


    Bác Tài đang cày ruộng. Bác ngừng trâu. Dừng lại, nở nụ cười thật tươi chào lại bố con em. Năm nay bác chừng ngoài bốn mươi tuổi rồi. Dáng người bác cao lớn, vạm vỡ. Trên khuôn mặt chữ điền là đôi mắt to và sáng. Da bác sám nắng, tay chân chắc nịch. Bác say sưa cày ruộng trong chiếc áo đen đã bạc màu, ướt đẫm mồ hôi. Chiếc quần vải màu xanh dày dặn được xắn cao để lộ màu da chân đỏ au, vồng lên những bắp thịt cuồn cuộn, rắn chắc. Đôi tay cứng cáp điều khiển cái cày khéo léo. Một tay bác cầm chuôi cày, còn tay kia thì cầm cái roi dài để phết vào mông trâu khi nào trâu lười biếng. Theo lưỡi cày, đất được lật lên ngọt xớt, phơi mình trên thửa ruộng chạy dài, thẳng tắp. Thỉnh thoảng bác lại quất nhẹ vào lưng trâu, miệng quát to: "Ngọ! Ngọ!". Hai con trâu đi chậm rãi dần vì phải kéo cả lưỡi cày, lật bao nhiêu lớp bùn đất. Trong ruộng có nước, khi lưỡi cày đi qua, nó để lại trong nước những hình xoắn tròn to, rồi nhỏ dần nhỏ dần. Khi cày đã thấm mệt, bác dừng lại nghỉ ngơi. Bác ngồi dưới một gốc cây to rồi lấy trong túi ra một gói thuốc rê đã được vê thành từng điếu rồi châm lửa hút. Lúc này, các động tác của bác chậm rãi. Hai con trâu khoan thai, vẫy đuôi gặm cỏ. Mặt trời giờ đã lên cao, ánh nắng rải chan hòa khắp thửa ruộng. Mặt bác nhễ nhại mồ hôi, nhưng bác vẫn cùng con trâu tiếp tục cày xong thửa ruộng. Trâu sau một lát nghỉ ngơi, lại ngoan ngoãn bì bõm kéo cày theo sự điều khiển của bác. Em thấy quý và cảm phục bác làm sao. Nhìn những hàng đất cày thành luống trông rất đẹp dưới nắng trưa, em lại nhớ đến câu tục ngữ: "Ăn một bát cơm, nhớ người cày ruộng".


    Em và bố tiếp tục lên xe vào nhà nội, mỗi lúc một xa, bóng bác Hải khuất dần. Để làm ra hạt gạo, người nông dân phải đổ biết bao mồ hôi, công sức. Em thầm cảm ơn các bác nông dân, những người đã cho ta bát cơm trắng, dẻo thơm trong sự nhọc nhằn vất vả của mình.

    Bài văn tả bác nông dân số 8
    Bài văn tả bác nông dân số 8
    Bài văn tả bác nông dân số 8
    Bài văn tả bác nông dân số 8
  9. Top 9

    Bài văn tả bác nông dân số 9

    Cánh đồng lúa quê em đã vào mùa thu hoạch các bác nông dân ngày ngày ra đồng gặt lúa, mang về những hạt thóc vàng ươm sau những ngày tháng vất vả.


    Từ sáng tinh mơ, các bác nông dân đã ra đồng. Mỗi người đi theo hướng khác nhau, ai về thửa ruộng nhà nấy. Nhìn xa xa, ai cũng giống nhau. Vì mùa này trời rất nắng nên các bác mặc áo dày, đội nón trắng, khuôn mặt trùm kín bằng một chiếc khăn chỉ để lộ đôi mắt. Sau khi chuẩn bị dụng cụ xong, các bác bắt đầu công việc gặt lúa. Đàn bà lom khom cắt lúa còn đàn ông thì tuốt lúa. Tay trái các bác nâng từng bông lúa, tay phải cầm liềm cắt lúa xoèn xoẹt, đôi bàn tay mềm mại, thoăn thoắt tưởng như các bác đang múa. Từng bước chân nhịp nhàng di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.

    Lúa cắt xong được các bác xếp ngay ngắn thành từng đống rất gọn gàng. Lúa được cắt mỗi lúc một nhiều. Tiếng tuốt lúa vang lên rộn ràng cùng nhịp thở của các bác. Các bác đứng dậy vươn vai, quay lại nhìn thành quả lao động của mình. Nét mặt ai cũng vui. Mặt trời lên cao dần, Khi đã thấm mệt, các bác đứng lên nghỉ giải lao, ngồi uống nước đá, ăn vội cái bánh mì mà người nhà mới mang đến. Đâu đó vang lên những lời hát ngọt ngào của các cô gái làm xua đi những mệt nhọc. Sau ít phút giải lao, mọi người lại bắt tay vào việc. Càng về trưa nắng càng gay gắt mọi người ai cũng thấm mệt nhưng tranh thủ làm cho xong công việc. Mồ hôi rơi xuống nghe thánh thót, lưng áo ướt đẫm. Thỉnh thoảng, các bác lấy nón quạt phành phạch xua tan đi cái nắng nóng cứ vô tình chiếu xuống cánh đồng trống trải. Lúa trên ruộng cũng được gặt xong.


    Vào mùa gặt, ai cũng bận rộn. Những hạt lúa chắc nịch, vàng ươm đã được đưa về nhà. Các bác nông dân phấn khởi vì vụ mùa bội thu.

    Bài văn tả bác nông dân số 9
    Bài văn tả bác nông dân số 9
    Bài văn tả bác nông dân số 9
    Bài văn tả bác nông dân số 9
  10. Top 10

    Bài văn tả bác nông dân số 10

    Nắng hè oi ả đã gọi một mùa hè tràn về trên khắp làng quê. Nắng như rót mật trên từng cành cây kẽ lá, nắng len lỏi qua từng con ngõ nhỏ và dát vàng lên từng con đường quê. Lúc này là lúc vào mùa, các bác nông dân đã hoàn thành công việc thu hoạch lúa gạo. Bác Dũng người hàng xóm của em lại bắt tay vào một mùa mới.


    Sáng sớm bác đã chuẩn bị máy cày và những công cụ khác để sẵn sàng cày thửa ruộng vừa mới gặt. Tay bác thoăn thoắt tra dầu vào máy, bác kiểm tra máy móc thật kĩ càng rồi mới đánh lái đưa máy cày ra đến cổng. Bác đeo găng tay, đội mũ để cho khỏi nắng, nom bác đã sẵn sàng để bắt đầu một ngày làm việc vất vả.


    Ra đến đồng, bác cẩn thận đưa máy xuống đồng rồi mới bắt đầu cày ruộng. Những thửa ruộng vừa gặt còn vương đầy gốc rạ và những vụn rơm mới. Bác Dũng làm việc rất khoa học, không phải cứ đưa máy tới đâu là gặt tới đó, bác lần lượt cày từ mép thửa ruộng này rồi cứ cày từng hàng thẳng tắp. Nắng đã lên. Ánh nắng chói chang của ngày hè chiếu xuống khiến thửa ruộng bừng sáng, lấp lánh nom đẹp như một bức tranh mà người nghệ sĩ tài hoa nào đã chấm phá vài nét. Nước ở ruộng óng ánh những sắc vàng chói lóa. Nắng đã khiến cảnh vật trở nên rực rỡ hơn nhưng bác Dũng vẫn tập trung vào công việc mình làm. Tay bác nhanh nhẹn lái máy cày xới trên mảnh ruộng vừa thu hoạch lúa. Máy cày đi tới đâu, từng hàng đất bị xới lên theo đến đó. Bác nói rằng sau khi thu hoạch, phải xới đất như này để đất nghỉ ngơi, nó hấp thụ được nhiều khoáng chất hơn để trở nên tơi xốp hơn, màu mỡ hơn để lại bắt đầu một vụ mùa mới. Thế nên bác cày từng hàng rất kĩ, đất như vỡ vụn ra dưới chân bác.


    Cày được một thửa, bác ngừng tay để lau những giọt mồ hôi đã bắt đầu thánh thót rơi trên gương mặt rám nắng của bác. Lưng bác ướt đầm mồ hôi vì nóng, bác đưa tay quệt những vệt mồ hôi chảy dài trên trán, tay với nhanh lấy chai nước bác đã chuẩn bị rồi uống. Bác dừng lại một chút ngắm lại mảnh ruộng bác vừa cày : thật kì diệu biết bao, lúc nãy đâu nó vẫn chỉ là mảnh ruộng còn vương đầy gốc rạ, thế mà giờ đã được cày xới, tơi xốp lạ kì. Bác mỉm cười rồi lại nhanh chóng bắt tay vào công việc. Tiếng mãy cày nổ vang khắp cả một vùng trời, hòa vào tiếng chim hót trên cành cây tạo thành thứ âm thanh xao động cả một vùng. Bác vẫn lái máy cày trên thửa ruộng, bác đi tới đâu là mảnh ruộng như nở hoa đến đó. Rồi nay mai thôi, trên mảnh đất tơi xốp này sẽ lại trải dài màu vàng của cây lúa làm cho quê hương giàu đẹp hơn. Nghĩ tới thành quả tương lai mà lòng bác vui sướng lạ kì.


    Mặt trời đã đứng bóng. Trời càng chuyển về trưa lại càng nắng gắt hơn. Bác nghỉ tay một lát rồi lái máy cày về nhà, không quên ngoái lại nhìn thửa ruộng mình vừa cày xong. Nhìn thấy bác làm việc, em càng thêm yêu mến công việc của những người nông dân, càng thêm trân trọng hạt gạo, hạt ngọc trời đã ghi dấu biết bao nhiêu công sức của người nông dân.

    Bài văn tả bác nông dân số 10
    Bài văn tả bác nông dân số 10
    Bài văn tả bác nông dân số 10
    Bài văn tả bác nông dân số 10



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy