Bài văn tả bác nông dân số 2
Một buổi trưa tháng 6 trời nóng oi bức và ngột ngạt, trên đường đi học về em đã nhìn thấy một cảnh tượng rất đỗi cảm thương và xúc động, đó là hình ảnh bác nông dân đang cày ruộng.
Dù trời đã điểm đã quá trưa, mặt trời đã đứng bóng, dưới cái nắng gay gắt cháy da cháy thịt như thế mà bác vẫn cố cày những đường ruộng cuối cùng. Bác nông dân chỉ mặc bộ quần áo mỏng màu nâu loang lổ những chỗ mồ hôi, chiếc nón lá đội trên đầu cũng đã mục cũ rách tướp mà người ta gọi là "nón mê", xắn quần lên cao bác nông dân chân trần lội trên bùn đất ngập sâu đến gần đầu gối, có lẽ thêm ủng chỉ thêm phần nặng nề cho đôi chân bác. Cùng bác cày ruộng là một con trâu to khỏe, nhưng sau một buổi làm việc trông nó có vẻ đã đói và uể oải, không còn được sung sức nữa, bác nông dân phải cầm chiếc que nhỏ thi thoảng đánh vào lưng trâu, thúc nó đi nếu không nó cứ đứng trơ trơ giữa đồng. Vừa đánh trâu bác nông dân vừa điều chỉnh lưỡi cày sao cho vừa sâu, vừa thẳng, sát với đường cày cũ. Mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt bác như mưa ướt, quần áo cũng chẳng còn chỗ nào khô, nhìn là biết bác đã vất vả và cực nhọc biết nhường nào, cứ cày xong một đường là bác lại phải cho trâu nghỉ và bác cũng nghỉ.
Thế mới biết để tạo ra được hạt thóc, hạt gạo làm miếng cơm cho chúng ta ăn người nông dân phải vất vả ra sao, chúng ta phải biết quý trọng thành quả lao động của họ, không được hoang phí cơm gạo và coi thường những người nông dân chân lấm tay bùn.