Top 5 Chiến thuật phân bố thời gian làm bài thi đại học các môn hiệu quả nhất
Nhắc đến cụm từ "Thi đại học", có rất nhiều học sinh, sinh viên đã thi hoặc chưa thi thở dài ngao ngán. Áp lực thi cử đè nặng lên họ, và mặc dù các bạn đã cố ... xem thêm...gắng học ngày cày đêm vất vả, ôn luyện đủ các lò luyện thi uy tín, song kết quả vẫn không được như ý muốn. Nhiều học sinh sau khi thi xong không còn động lực để tiếp tục học tập vì những lời ra tiếng vào của người thân, gia đình, bạn bè. Hoặc cũng có những người chưa đi thi đã mất tinh thần, nộp bài với tờ giấy trắng. Vậy làm sao để có thể đạt điểm cao trong kì thi Đại học? Ngoài việc chăm chỉ ôn luyện trong quá trình học tập thì việc phân bố thời gian trong khi làm bài thi cũng hết sức quan trọng, có tính chất quyết định đối với bài thi. Hãy cùng Toplist liệt kê những chiến thuật phân bố thời gian làm bài thi hiệu quả ngay dưới đây nhé.
-
Làm các câu dễ trước(Đối với tất cả các môn học)
Có nhiều bạn học sinh cho rằng khi đi thi chỉ sợ mỗi không biết làm, chứ biết làm rồi thì coi như làm được. Nhưng thực chất, khoảng cách giữa việc biết cách làm và làm ra kết quả khá xa đấy bạn. Chúng ta không lạ gì khi có những điểm thi Đại học được công bố lên là 2, 3 hoặc 4 điểm. Có thể những bạn được điểm kém là do không nhớ chút gì kiến thức, nhưng cũng có nhiều trường hợp do phân bố thời gian chưa hợp lí. Một nguyên tắc tối quan trọng khi đi thi là: Dễ làm trước, khó bỏ sau. Thông thường, đề thi Đại học sẽ có các câu hỏi mức độ từ dễ đến khó để phân loại học sinh. Chính vì vậy, bạn nên tập trung nhiều thời gian vào những câu dễ trước.
Có những câu chỉ vài bước làm là ra ngay mà lại được từ 1-1,5 điểm. Vậy thì tại sao chúng ta không làm những câu đó cho tốt nhỉ?Sau khi làm xong những câu cơ bản, thí sinh nên quay lại kiểm tra đáp số và các bước làm các câu trung bình và khá trước, để chắc chắn rằng phần bài làm câu đó không bị mất điểm. Khi đã chắc chắn được 6, 7 điểm trong tầm tay, lúc này bạn mới nên nghĩ đến những câu khó hơn nhằm phân loại học sinh. Qua các kì thi cử nói chung, có nhiều bạn thí sinh ra về mà tiếc ngẩn ngơ vì mải chinh phục câu khó mà bỏ qua những câu dễ, chủ quan dẫn đến sai kết quả, trong khi câu khó làm cả trang giấy mới được 0,5 - 1 điểm, còn câu kia chỉ cần cẩn thận một chút có thể ăn trọn vẹn điểm. Với cách làm bài này, cộng thêm việc bạn có kiến thức cơ bản, 6 - 7 điểm đi thi Đại học sẽ không hề khó khăn.
-
Chiến lược thời gian 30/50/100 cho môn Ngữ văn
Bạn bị điểm kém trong các kì thi văn ở trường cấp 3, và bạn đang đánh vật với nó để có thể làm bài thi Đại học tốt? Đừng lo, cách làm bài thi dưới đây có thể cải thiện kha khá điểm cho bạn, nếu bạn áp dụng nó ngay vào việc thi văn của mình. Một đề thi đại học môn Văn thông thường có 3 phần. Phần đọc hiểu, phần nghị luận xã hội và phần cảm thụ văn học. Đề chỉ tầm vài dòng, thời gian tận 180 phút, nhưng có những bạn thí sinh có thể làm xong và có thời gian soát lại bài, còn có nhiều bạn viết với tốc độ "thần tốc" nhưng vẫn không xong. Vấn đề ở đây chưa chắc về kiến thức, mà là về thời gian làm bài của họ hợp lí và khoa học hơn bạn.
Chiến lược 30/50/100: 30/50/100 là những con số để chỉ thời gian tối đa bạn làm mỗi phần. Trong đó 30 phút để làm đọc hiểu, 50 phút để làm nghị luận xã hội, còn thời gian nhiều nhất để dành cho nghị luận văn học.
30 phút là vừa đủ để có thể làm phần đọc hiểu, nếu như bạn có kiến thức về văn học và đã chuẩn bị tâm thế tốt khi giám thị phát đề. Phần đọc hiểu này khó hơn thi cấp 3, không dừng lại ở việc nêu tác giả, tác phẩm hay chép thơ mà đòi hỏi trả lời văn vẻ và đủ ý. Bạn hãy dùng tầm 10 phút cho các câu hỏi nhỏ và 15 - 20 phút để viết đoạn cảm nghĩ ở phần này. Đừng nên quá sa đà vào các câu hỏi nhỏ, vì dù bạn có trả lời hay đến mấy cũng chỉ được điểm tối đa mà thôi. Còn đoạn cảm thụ có thể chiếm tới 1 điểm. Mà 1 điểm đi thi Đại học quý giá rất nhiều.
50 phút cho phần nghị luận xã hội. Phần nghị luận xã hội là một phần tương đối dễ vì nó đề cập đến những vấn đề, những hiện tượng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nên dễ viết và dễ ăn điểm. Chính vì vậy mà nhiều bạn khi đi thi Đại học dành đến hơn 1 tiếng để viết 1 bài nghị luận hay, mùi mẫn và có nhiều liên hệ thực tế. Đừng làm như vậy, bạn đang mất thời gian một cách vô ích đấy. Bài nghị luận xã hội không phải chỉ mỗi hay, mà quan trọng hơn là đủ ý và giải quyết được vấn đề, có luận điểm rõ ràng. Dành ra 5-7 phút để lập dàn ý sơ bộ cho bài viết là một thao tác quan trọng trong làm bài môn văn, vừa dễ ăn điểm vừa không bị lạc đề, lại có thể tiết kiệm thời gian.
Phần nghị luận văn học nhiều điểm nhất và là phần thể hiện rõ nét nhất kiến thức văn học của bạn. Nên việc dùng 100 phút để làm phần này là một chiến thuật hợp lí và vô cùng đúng đắn. Cũng như làm nghị luận văn học, bạn cần dành ra 5-7 phút để đọc lại đề, xác định yêu cầu và dàn ý, các luận điểm chính của bài viết. Sau khi có khung, bạn chỉ cần viết thêm những câu văn làm rõ luận điểm. Một lưu ý nhỏ là đừng bao giờ làm bài cho đến lúc giám thị gọi lên nộp bài. Bạn cần thời gian để rà soát lại những phần đã làm trước và những thông tin trên tờ giấy thi. Nên dành ra 5 phút để làm việc này nhé. -
Làm lần lượt lí thuyết - bài tập dễ - câu khó - kiểm tra và khoanh lại (Đối với các môn trắc nghiệm Lý, Hoá, Sinh)
Thi trắc nghiệm là hình thức thi "thả lỏng" cho thí sinh, vì có những câu mà làm trắc nghiệm chỉ vài giây là ra kết quả, còn nếu trình bày tự luận có khi hàng mấy chục phút. Tuy nhiên, cũng không nên chủ quan mà nên cân nhắc thời gian sao cho số câu trắc nghiệm làm đúng nhiều nhất.
Đề thi trắc nghiệm gồm 40 câu, thời gian 60 phút. Bằng một phép toán vô cùng đơn giản, chúng ta đã tự nhẩm ra thời gian để làm 1 câu trắc nghiệm: Chỉ 1,5 phút/câu. Thời gian nhanh lắm bạn ơi, chỉ cần ngồi cắn bút suy nghĩ cũng mất luôn vài phút rồi. Vậy nên chỉ khi bạn tuân thủ nguyên tắc thời gian cho đúng thì hiệu quả bài thi mới cao.
Việc đầu tiên cần làm ngay khi nhận được đề là kiểm tra đề và các câu hỏi xem có sai sót hoặc mờ nhoè chỗ nào không. Thí sinh bắt buộc phải làm việc này để đảm bảo tính nguyên vẹn cho bài thi. Không lâu đâu, chỉ tầm 2-3 phút thôi nên cố gắng thực hiện đúng nhé.
Phần thời gian còn lại được phân chia như sau: 20 phút đầu làm các câu lí thuyết trước. Có những câu lí thuyết nhìn phát là ra đáp án ngay, nên có thể tiết kiệm thời gian để làm các câu sau. Nếu bạn làm được hết các câu lí thuyết trước 20 phút thì vô cùng tốt, nhưng đã làm thì đúng chứ đừng vội vã mà khoanh sai nhé bạn. 20 phút tiếp theo làm các câu bài tập cơ bản. Phần bài tập cơ bản cũng chỉ dùng vài công thức và tầm vài bước là ra ngay nên đừng chần chừ và phân vân. Xử lí xong phần bài tập cơ bản, việc tiếp theo của bạn làm chiến đấu với "sĩ tử khoai lang" (là các câu khó nhằn, cần vận dụng nhiều). Nên sử dụng 15 phút cho phần này thôi. Một ưu thế để bạn làm phần này chính là việc 40 phút trước bạn đã làm hết lí thuyết và bài tập dễ, nó có tác dụng gợi mở và liên hệ kiến thức với nhau giúp bạn làm được các câu khó. Để làm được các câu khó bạn cần tư duy nhiều hơn, nên phần này không dễ nhằn đâu. Nếu như không thể làm được 1 câu nào đó, hãy đọc những câu khác, biết đâu lại có chút ý tưởng nào thì sao. Giải quyết cơ bản 80% bài thi, bạn nên có bước " recheck" để xem xét lại xem mình có khoanh nhầm hoặc chưa làm được câu nào phía trên không và cố gắng xử lí nốt. Tuyệt chiêu của các thí sinh la dành ra 10 phút cuối để hỏi và so lại kết quả nếu giám thị thả lỏng việc trông thi. Dĩ nhiên, đây chỉ là phương pháp cấp bách nhất, quan trọng nhất là bạn phải tự làm và thời gian sử dụng để làm bài hợp lí.
-
Sử dụng kĩ năng đọc lướt để tiết kiệm thời gian trong môn Tiếng Anh
Môn Tiếng Anh là một trong những môn khó nhằn nhất nhưng lại có tính chất quyết định trong việc xét tốt nghiệp và đại học. Nhiều bạn học sinh cho rằng để hiểu được một đoạn văn trong tiếng Anh cần phải có vốn từ rộng và phải đặt vào văn cảnh mới hiểu được nên rất mất thời gian. Tuy nhiên, thời gian hoàn toàn có thể được tiết kiệm nếu bạn sử dụng phương pháp đọc lướt tìm ý.
Khi giám thị phát đề, bao giờ cũng cần kiểm tra đề thi và đọc qua một lượt bài thi xem có những phần gì đáng lưu ý không. Và dĩ nhiên rồi, hãy áp dụng chiến thuật chiến thuật phòng thi truyền thống: Dễ làm trước, khó làm sau. Đề thi tiếng Anh có 64 câu trắc nghiệm, 5 câu viết lại câu và 1 bài viết. So sánh về số lượng câu hỏi, có thể nhận thấy đề thi Tiếng Anh dài hơn rất nhiều so với đề thi các môn trắc nghiệm khác. Vậy nên làm sao để có thể làm hết bài tập trong thời gian cho phép là cả một kĩ năng và một chiến thuật.
Dạng bài khoanh(64 câu): Các câu trắc nghiệm bình thường 20 - 30s một câu, đừng vượt quá giới hạn này, nếu không nguy cơ bạn không thể làm hết bài thi rất cao. Bài đọc và bài điền từ khó hơn nên sử dụng từ 1 - 1,5 phút/câu. Phần viết lại câu có thể sử dụng 15 phút để viết (3 phút/câu) và còn 20 phút để viết bài luận. Khi làm bài còn 3 phút cuối, các bạn nên chú ý kiểm tra xem câu nào còn chưa khoanh thì khoanh nốt.
Kĩ năng scanning rất quan trọng khi làm Tiếng Anh vì nó sẽ rút ngắn thời gian làm bài cho bạn lại có tỉ lệ % câu đúng cao hơn. Rất nhiều bạn chưa có kĩ năng làm bài đọc hiểu, ngồi dò tìm và hiểu nghĩa từng từ, vì vậy mất gần 15 - 20 phút để làm phần này. Thay vì thế, bạn hãy gạch chân những key word trong câu hỏi và tìm kiếm nó trong phần bài đọc để chọn đáp án trả lời. Cách này cũng có thể sử dụng với bài nghe. Thay vì ngồi căng tai nghe cả đoạn hội thoại dài, hãy gạch chân những cụm từ chính, sau đó nghe tập trung phần đó. Bạn có thể tiết kiệm đến 10 phút cho quá trình làm bài. Tại sao không áp dụng ngay trong các bài thi Tiếng Anh của mình để đo độ hiệu quả?.
-
Chiến thuật phân chia thời gian với môn Toán
Cũng giống như tất cả các môn học, Toán cũng có hệ thống các câu hỏi để phân loại học sinh. Để có thể đạt điểm cao nhất có thể phù hợp với khả năng và mức học của mình, bạn nên phân chia 180 phút thành các gói phút nhỏ cho từng câu hỏi.
Đề Toán thi đại học các năm không cố định dạng chặt chẽ, nhưng hầu hết trong tất cả đề toán khác nhau sẽ xuất hiện những phần sau: Số phức, Logarit, Khảo sát sự biến thiên và vẽ đồ thị, tích phân, hình giải tích Oxyz, lượng giác, xác suất, hình học không gian, hai câu khó
Các câu số phức, Logarit, lượng giác và tích phân nên làm 10 phút/câu.
Khảo sát sự biến thiên: 20 phút vì phần này cần sự tỉ mỉ và chính xác. Bạn hãy cẩn trọng vì phần này nếu như làm sai một bước có thể mất vài chục phút để vẽ và làm lại.
Xác suất: 15 phút.
Giải tích hình học: 15 - 20 phút
Hình học không gian: 30 - 40 phút
Hai câu khó: 20 phút
Thời gian còn lại: Quay lại xử lí nốt những câu chưa ra đáp án, kiểm tra kết quả và cách trình bày
Tất nhiên việc phân bố thời gian như trên không thể áp dụng hết cho tất cả các bạn học sinh vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tâm lí phòng thi, kiến thức. Nhưng nhìn chung, cách phân chia như vậy khá hiệu quả và đã được nhiều học sinh áp dụng thành công, đem lại kết quả như ý trong kì thi Đại học.