Top 7 Đỉnh núi cao nhất của bảy châu lục trên thế giới
Bảy ngọn núi cao nhất của bảy châu lục (tính riêng Bắc Mỹ và Nam Mỹ) được những người theo đuổi môn thể thao leo núi mạo hiểm xưng tụng là "Bảy Thượng Đỉnh Của ... xem thêm...Thế Giới". Nó là ước mơ, là thách thức và mục đích phấn đấu trong cả sự nghiệp leo núi của họ. Hãy cùng Toplist điểm qua bảy ngọn núi tuyệt vời này ngay nhé.
-
Everest là ngọn núi cao nhất châu Á và cũng là ngọn núi cao nhất thế giới với độ cao 8.848m. Ngọn núi này thuộc dãy Himalaya nằm giữa biên giới hai nước Tây Tạng và Nepal. Theo tiếng Nepal, Everest được gọi với cái tên Sagarmatha nghĩa là "Nơi đầu đụng Trời". Còn người dân Tây Tạng gọi Everest là Chomolungma, nghĩa là "Nữ thần mẹ của Thế giới". Với người dân hai quốc gia này, Everest không chỉ là biểu tượng của sự hùng vĩ mà còn là biểu tượng của sự linh thiêng. Nhiều trung tâm tôn giáo lớn của cả Nepal và Tây Tạng đều nằm trên ngọn núi này.
Không chỉ là ngọn núi cao nhất thế giới, Everest còn là ngọn núi trẻ nhất thế giới vì nó chỉ mới xuất hiện từ cách đây khoảng bốn triệu năm và hiện vẫn tiếp tục cao lên dù tốc độ cực kì chậm. Đỉnh Everest có khí hậu rất khắc nghiệt với nhiệt độ trung bình trong năm là âm 40 độ C, thường xảy ra các cơn bão tuyết hay lở tuyết bất ngờ. Con đường leo lên đỉnh núi cũng cực kì nguy hiểm vì có nhiều vực sâu, các dòng sông băng có thể nứt vỡ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, có lẽ chính vì sự khó chinh phục đó mà Everest đã trở thành đỉnh núi tối cao, khát khao lớn nhất với tất cả những người leo núi. Tính đến năm 2012, đã có tất cả 5.656 người chinh phục được Everest và ngọn núi này cũng đã cướp đi sinh mạng của 223 người.
Một số cột mốc lớn trong lịch sử chinh phục Everest:
- 19/5/1953: Tenzing Norgay và Edmund Hillary trở thành những người đầu tiên trên thế giới leo lên được đến đỉnh của Everest.
- 1975: Junko Tabei, một người nhật 35 tuổi trở thành người phụ nữ đầu tiên chinh phục được Everest
- 1978: Reinhold Messner và Peter Habeler, chinh phục Everest mà không cần bình dưỡng khí.
- 2001: Erik Weihenmayer, người mù đầu tiên chinh phục Everest.
- 2010: Jordan Romero, 13 tuổi, người chinh phục được Everest trẻ tuổi nhất.
Vào ngày 22/5/2008, một đoàn gồm 3 người Việt Nam cũng đã chinh phục được nóc nhà thế giới này. Chi phí cho một chuyến chinh phục Everest có thể lên đến hơn 100.000 đô la/người, bao gồm: tiền thuê hướng dẫn viên, chi phí đi lại, ăn uống, các vật dụng leo núi...
-
Aconcagua là ngọn núi cao nhất của lục địa Nam Mỹ với độ cao 6.962m, thuộc lãnh thổ Argentina. Đỉnh Aconcagua nằm trong dãy Andes, dãy núi dài nhất thế giới với tổng chiều dài lên đến 7.000km. Chính vì chiều cao hùng vĩ và đỉnh núi tuyết phủ quanh năm nên ngọn núi này thường được người dân địa phương gọi với cái tên "Người bảo hộ trắng" hoặc "Ngọn núi bảo hộ".
Địa hình Aconcagua có sự khác biệt rõ rệt giữa hai sườn núi. Sườn phía Nam dốc, nhiều sông băng, địa hình hiểm trở. Sườn phía Bắc thoải hơn, địa thế khá bằng phẳng nên đã trở thành con đường được nhiều người dùng để chinh phục Aconcagua nhất. Tuy được đánh giá là một ngọn núi dễ chinh phục với địa thế ít hiểm trở và thời tiết không quá khắc nghiệt nhưng chỉ riêng độ cao lên đến hơn 6.000m cùng nhiệt độ thấp trên đỉnh núi cũng đã là một mối hiểm họa khôn lường. Tính đến năm 2015, Aconcagua đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 người. Phần lớn những người này chết do đánh giá thấp sự nguy hiểm của ngọn núi.
Một số kỷ lục đã được ghi nhận tại Aconcagua:
- 1897: người đầu tiên chinh phục đỉnh núi là một thành viên trong đoàn thám hiểm người Anh tên Edward Fitz Geral.
- 2007: ông Scott Lewis, 87 tuổi trở thành người già nhất chinh phục được đỉnh Aconcagua.
- 2013: cậu bé Tyler Armstrong, 9 tuổi trở thành người trẻ tuổi nhất chinh phục Aconcagua.
- 2014: Kilian Jornet lập kỷ lục chinh phục đỉnh Aconcagua với thời gian nhanh nhất, 12 giờ 49 phút.
Chi phí để chinh phục Aconcagua dao động từ 500 đến 3.000 đô la/người tùy thuộc vào gói dịch vụ do các công ty du lịch cung cấp hoặc leo tự túc.
-
Denali sở hữu độ cao 6.194m, thuộc dãy núi Rocky, bang Alaska. Danali là ngọn núi cao nhất khu vực Bắc Mỹ và cũng là ngọn núi cao nhất nước Mỹ. Denali là tên gọi bản địa của ngọn núi này, có nghĩa là "Người cao lớn". Trước kia, ngọn núi này vẫn được gọi với cái tên Mac Kinley, theo tên của Tổng thống thứ 25 của nước Mỹ: William Mac Kinley. Đến năm 2015, chính quyền Mỹ đã tuyên bố lấy tên gọi bản địa Denali là tên chính thức cho ngọn núi này.
Địa thế Denali rất hiểm trở, nhiều vách núi và sông băng, thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ thấp,... Tất cả những yếu tố này khiến nó trở thành một mục tiêu khó chinh phục và chỉ thích hợp với những nhà leo núi giàu kinh nghiệm. Có rất nhiều con đường để leo lên đỉnh Denali nhưng sườn phía Tây là con đường thông dụng nhất vì địa thế tương đối dễ leo. Mùa leo núi thuận lợi nhất tại Denali thường là vào tầm cuối tháng tư và đầu tháng năm.
Một số kỷ lục đã được lập nên tại Denali:
- 7/6/1913: những người đầu tiên chinh phục được Denali gồm: Hudson Stuck, Harry Karstens, Walter Harper, Robert Tatum.
- 1947: Barbara Washburn là người phụ nữ đầu tiên chinh phục được Denali.
- 1970: Naomi Uemura là người đầu tiên chinh phục được Denali mà không có hướng dẫn viên.
Chi phí cho một chuyến chinh phục Denali có hướng dẫn viên nằm trong khoảng 7.000 đô la/người. Do Denali là một ngọn núi được xếp vào hàng khó chinh phục nên việc leo núi tự túc không được khuyến khích.
-
Kilimanjaro cao 5.895m, nằm trong lãnh thổ Tanziania và là đỉnh núi cao nhất Châu Phi. Kilimanjaro là một ngọn núi lửa tầng, nó có tất cả ba đỉnh đều là các miệng núi lửa: Mawenzi (5.148m), Kibo (5.895m) và Shira (4.005m). Cả ba đỉnh này đều đã ngưng hoạt động.
Tuy chỉ cách xích đạo chưa đến 300km nhưng các đỉnh núi của Kilimanjaro có tuyết phủ quanh năm, tạo nên một khung cảnh trái ngược với mảng thực vật xanh tươi dưới chân núi. Cũng vì thế mà Kilimanjaro còn được mệnh danh là " Ngọn núi tuyết của xích đạo". Những người muốn leo Kilimanjaro thường phải chuẩn bị cho sự cách biệt nhiệt độ giữa chân núi và đỉnh núi.
Do là núi lửa nên địa hình của Kilimanjaro tương đối bằng phẳng, ít các khe, vực và được đánh giá là một ngọn núi dễ chinh phục. Có bảy tuyến đường chinh phục Kilimanjaro hiện đang được Công viên Quốc gia Kilimanjaro khai thác là: Lemosho, Machame, Marangu, Mweka, Rongai, Shira và Umbwe. Trên tất cả các tuyến đường đều được bố trí sẵn các trạm nghỉ để phục vụ du khách. Tuy độ nguy hiểm của việc chinh phục Kilimanjaro không cao nhưng các du khách vẫn cần có đủ thể lực và kinh nghiệm leo núi ở mức độ nhất định để tránh những tổn thương có thể gặp do sự chênh lệch nhiệt độ và độ cao trên đỉnh núi.
Một số cột mốc đáng chú ý tại Kilimanjaro:
- 6/10/1889: Hans Meyer và Ludwig Purtscheller là hai người đầu tiên chinh phục được Kilimanjaro.
- 2008: Keats Boyd, 7 tuổi, là người nhỏ tuổi nhất chinh phục Kilimanjaro.
- 2014: Cụ Angela Vorobeva, 86 tuổi là người cao tuổi nhất chinh phục được Kilimanjaro.
- 2014: Karl Egloff trở thành người đàn ông chinh phục Kilimajaro trong thời gian ngắn nhất - 6 tiếng 42 phút.
- 2015: Anne Marie Flammersfeld là người phụ nữ chinh phục Kilimanjaro trong thời gian ngắn nhất - 8 tiếng 32 phút.
Do các tuyến đường chinh phục Kilimanjaro đã được khai thác theo hình thức du lịch cộng với địa hình không mấy hiểm trở nên chi phí cho việc leo Kilimanjaro khá thấp, khoảng từ 1.000 - 3.000 đô la/người. Đây là giá vé trọn gói đã bao gồm các dịch vụ nghỉ ngơi và ăn uống kèm theo.
-
Elbrus là một ngọn núi thuộc dãy núi Kavkaz, nằm trên lãnh thổ nước Nga, có độ cao 5.642m và là ngọn núi cao nhất Châu Âu. Giống như Kilimanjaro, Elbrus cũng là một ngọn núi lửa. Nó có hai đỉnh, đỉnh phía Tây cao 5.642m và đỉnh phía Đông cao 5.621m, cả hai đỉnh này đều đã ngừng hoạt động.
Địa hình của Elbrus khá bằng phẳng, ít khe vực, thời tiết không quá khắc nghiệt nên được đánh giá là dễ chinh phục. Tuy nhiên, trên đỉnh núi thường có gió lớn, sự chênh lệch nhiệt độ, độ cao và thiếu oxi cũng là những nguy cơ tiềm ẩn với các nhà leo núi. Do coi thường mức độ nguy hiểm của đỉnh núi dẫn đến sự thiếu trang bị và thiếu tổ chức nên hàng năm vẫn có nhiều trường hợp thiệt mạng trong quá trình leo núi.
Hiện nay tại Elbrus đã có hệ thống cáp treo đưa du khách lên đến độ cao 3.800m. Du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi tại đây hoặc tiếp tục chinh phục đỉnh núi theo nhiều tuyến đường đang được khai thác. Đỉnh Elbrus được chinh phục lần đầu vào năm 1874 bởi một nhóm 5 nhà leo núi: Florence Crauford Grove, Frederick Gardner, Horace Walker và Peter Knubel. Năm 1997, nhà leo núi người Nga Alexander Abramov đã chinh phục đỉnh phía Đông của Elbrus bằng một chiếc Land Rover Defense. Sự kiện này đã được ghi nhận vào kỷ lục Guiness thế giới. Chi phí cho một chuyến leo Elbrus nằm trong khoảng từ 900 - 1.000 đô la/người.
-
Vinson Massif có độ cao 4.897m, thuộc dãy núi Ellsworth và là ngọn núi cao nhất Châu Nam Cực. Ngọn núi này được phát hiện vào năm 1958 và được đặt tên theo tên của Carl G.Vinson, một nghị sĩ quốc hội người Mỹ, người tích cực ủng hộ phát triển các nghiên cứu tại châu lục này.
Do nằm tại vùng địa cực nên thời tiết trên núi Vinson Massif rất lạnh giá và khắc nghiệt. Nhiệt độ trung bình trên đỉnh núi vào các tháng hè, những tháng được mặt trời chiếu sáng trong suốt 24 giờ, là âm 30 độ C. Khu vực đỉnh núi thường có gió mạnh, các hiện tượng lở tuyết, bão tuyết thường xuyên xảy ra.
Năm 1966, Nicholas Clinch là người đầu tiên chinh phục được đỉnh núi này. Do điều kiện địa lý và thời tiết quá khó khăn nên những người đến chinh phục Vinson Massif chủ yếu là các nhà khoa học, nhà thám hiểm và quân nhân. Hiện nay, chưa có một tổ chức chuyên nghiệp nào cung cấp dịch vụ chinh phục đỉnh núi này. Nhưng từ sau khi được liệt vào danh sách "Bảy thượng đỉnh của thế giới", ngày càng có nhiều nhà leo núi mạo hiểm chú ý đến Vinson Massif và có thể các dịch vụ hướng dẫn chinh phục sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Tính đến năm 2010, đã có 1.400 người chinh phục được đỉnh núi này.
-
Châu Đại Dương bao gồm Úc, Papua New Guinea, Đông Timor và một số đảo rải rác quanh hải phận Úc. Puncak Jaya cao 4.884m là ngọn núi cao nhất thuộc dãy Carstensz, nằm ở phía Tây tỉnh Papua, Indonesia. Khu vực này của Indonesia được tính vào phạm vi của Châu Đại Dương nên đỉnh Puncak Jaya đã được chọn để thay thế cho đỉnh Kosciuszko (2.228m) của nước Úc làm đại diện cho Châu Đại Dương trong danh sách "Bảy thượng đỉnh của thế giới".
Tên của ngọn núi này trong tiếng Indonesia có nghĩa là "Đỉnh cao chiến thắng". Trong cộng đồng những người leo núi mạo hiểm, đỉnh núi này thường được gọi là Carstensz. Nó được một nhà thám hiểm người Hà Lan tên Jan Carstenszoon phát hiện vào năm 1623. Mãi đến năm1962, Puncak Jaya mới được chinh phục lần đầu bởi một nhóm bốn người: Harrer, Temple, Kippax và Huizenga.
Tuy không cao như những ngọn núi khác trong danh sách này nhưng địa hình của đỉnh Puncak Jaya rất khó leo bởi các vách núi dựng đứng và ít khu vực có địa hình bằng phẳng để dựng trại. Việc chinh phục ngọn núi này đòi hỏi những nhà leo núi có kinh nghiệm phong phú và thể lực cực kì tốt. Hiện không có cơ quan nào thống kê số người đã chinh phục thành công hoặc thiệt mạng trên ngọn núi này nhưng theo những người leo núi chuyên nghiệp, hàng năm vẫn có người tử nạn, chủ yếu do thiếu sự hỗ trợ về y tế hay cứu nạn khi xảy ra chấn thương. Chi phí cần bỏ ra để chinh phục đỉnh núi này là tầm 12.000 - 18.000 đô la/người. Chi phí cao chủ yếu do giá thuê người mang vác vật dụng và hướng dẫn viên cao.
Vi Võ 2017-01-05 11:16:37
Bài viết thú vị đã được chọn làm video youtube Toplist.vn. Cám ơn tác giả !