Top 11 Họa sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam

Linh Linh 23218 0 Báo lỗi

Khi tìm hiểu về hội họa Việt Nam, đặc biệt là về nền mỹ thuật hiện đại, chúng ta thường nghe đến nhóm tứ kiệt "Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn" hay nhóm tứ ... xem thêm...

  1. Danh họa Nguyễn Gia Trí quê ở xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm 1936, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Danh họa Nguyễn Gia Trí là người dẫn đầu thời kì cực thịnh của sơn mài những năm 1938 - 1944. Tác phẩm của ông vừa thực, vừa lung linh huyền ảo, ẩn hiện giữa các lớp sơn. Ông thường vẽ phụ nữ và phong cảnh, đồng thời có phong cách xây dựng bố cục tranh theo hình thức bình phong, bố trí các hình tượng trên nhiều tấm rời nhau rồi ghép lại. Các tác phẩm của họa sĩ được đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật tranh sơn mài, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cũng vào thời kì này, tác phẩm "Lưu Nguyễn nhập thiên thai" khổ lớn của ông được người Pháp mua, bày tại dinh Toàn quyền của người Pháp ở Hà Nội - nay là Phủ Chủ tịch - hiện vẫn được treo ở đó.

    Ông là người đi đầu trong việc chuyển những bức tranh sơn mài từ trang trí thành những tuyệt phẩm nghệ thuật và từ đó ông đã được mệnh danh là "người cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam". Nguyễn Gia Trí là một trong những họa sĩ nổi tiếng đi đầu trong việc tạo ra một khuynh hướng nghệ thuật mới cho Việt Nam, với những đường nét vẽ thanh lịch và những tư tưởng mới về nghệ thuật sơn mài. Ông phối hợp lối in khắc với những phương thức sơn mài mới, đồng thời áp dụng các nguyên tắc cấu trúc tranh vẽ phương Tây, để tạo những bức họa hiện đại mang đầy tính chất dân tộc. Các tác phẩm nổi tiếng như Vườn xuân Trung Nam Bắc, Dọc mùng, Đình làng vào đám, Thiếu nữ bên cây phù dung, Hoàng hôn trên sông, Phong cảnh Móng Cái… Kiệt tác “Lễ hội đầu năm” được đưa ra trong buổi đấu giá nghệ thuật lần này cũng là một bức sơn mài hiếm của danh họa Nguyễn Gia Trí.

    Tác phẩm sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí.
    Tác phẩm sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí.
    Tác phẩm
    Tác phẩm "Thiếu nữ bên hoa phù dung" của họa sĩ Nguyễn Gia Trí.

  2. Tô Ngọc Vân là một họa sĩ Việt Nam nổi tiếng, tác giả của một số bức tranh tiêu biểu cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông còn có một số bút danh như Tô Tử, Ái Mỹ, TNV. Tô Ngọc Vân sinh ngày 15 tháng 12, 1906 tại làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, Hưng Yên, nhưng lớn lên tại Hà Nội. Tô Ngọc Vân là một cậu bé con nhà nghèo, quá tuổi mới được đến trường học chữ. Đang học trung học năm thứ 3, Tô Ngọc Vân bỏ học để đi theo con đường nghệ thuật. Năm 1926, ông thi đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thuộc thế hệ đầu tiên của trường, tốt nghiệp khóa 2 năm 1931. Sau khi ra trường, Tô Ngọc Vân đã có tác phẩm xuất sắc, được giải thưởng cao ở Pháp. Ông đi vẽ nhiều nơi ở Phnôm Pênh, Băng Cốc, Huế… Ông cũng là một người viết về mỹ thuật, phê bình nghệ thuật trên báo chí. Ông hợp tác với các báo Phong Hóa và Ngày Nay của Nhất Linh, báo Thanh Nghị.


    Tô Ngọc Vân được đánh giá là người có công đầu tiên trong việc sử dụng chất liệu sơn dầu ở Việt Nam.
    Thông qua kỹ thuật, ông đã cố gắng diễn tả được vẻ đẹp của duyên dáng người Việt Nam đương thời mà tiêu biểu là chân dung thiếu nữ. Trong danh sách tứ kiệt, "Nhì Vân" chính là để nói Tô Ngọc Vân. Họa sĩ Tô Ngọc Vân là một danh họa là niềm tự hào trong làng nghệ thuật của Việt Nam, tên ông còn được đặt cho một đường phố ở thủ đô Hà Nội và ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã để lại cho hội họa nước nhà những tác phẩm đặc sắc mang tầm quốc tế. Kiệt tác "Thiếu nữ bên hoa huệ" được Tô Ngọc Vân sáng tác vào năm 1943, khi ông đang giảng dạy tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. "Thiếu nữ bên hoa huệ" mô tả cảnh một thiếu nữ mặc áo dài trắng đang nghiêng đầu một cách đầy duyên dáng, khơi gợi về phía lọ hoa huệ trắng. Hình dáng cô gái kết hợp với những chi tiết và màu sắc xung quanh tạo thành một hình khối giản dị, toát lên một nét buồn dịu nhẹ.

    Tranh sơn dầu
    Tranh sơn dầu "Thiêu nữ bên hoa huệ" của Tô Ngọc Vân.
    Tranh
    Tranh "Hai thiếu nữ và em bé" của Tô Ngọc Vân.
  3. Trần Văn Cẩn là một họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam, được mệnh danh là một trong bộ tứ danh họa hàng đầu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam: Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn. Ông cũng là người chỉnh sửa mẫu phác thảo Quốc huy Việt Nam thành dạng hoàn chỉnh như ngày nay. Ông sinh tại thị xã Kiến An, tỉnh Kiến An (nay là quận Kiến An, thành phố Hải Phòng). Sinh ra trong một gia đình trí thức nghèo, cha là một công chức bưu điện, ông được gia đình cho ăn học tử tế. Năm 1924, sau khi học hết hết bậc Tiểu học ở Kiến An, ông được gia đình đưa lên Hà Nội sống với bà nội.


    Năm 1931, sau 3 tháng học dự bị do họa sĩ Nam Sơn hướng dẫn, ông thi đậu vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, theo học khóa VI (1931-1936) cùng với Nguyễn Gia Trí, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Văn Tại, Nguyễn Thụy Nhân, Vũ Đức Nhuận... Thời gian ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông cùng các bạn học vừa học tập vừa sáng tác. Năm 1933, ông cùng với Lê Phổ, Phạm Hậu, Nguyễn Khang, Trần Quang Trân, nghiên cứu về kỹ thuật sơn ta, để tìm cách pha chế để có thể vẽ được nhiều lớp sơn chồng lên nhau và mài, thể nghiệm thành công tranh sơn mài với sơn son, vỏ trứng...

    Tranh
    Tranh "Em Thúy" của họa sĩ Trần Văn Cẩn.
    Tranh sơn dầu
    Tranh sơn dầu "Nữ dân quân miền biển" của Trần Văn Cẩn.
  4. Nguyễn Sáng là một họa sĩ của Việt Nam có nhiều đóng góp tiêu biểu cho hội họa hiện đại Việt Nam. Ông là họa sĩ có tư tưởng, giải quyết vấn đề xã hội lớn lao, gay cấn rất nhuần nhị, lay động với hình họa và màu sắc hiện đại, giản dị mà không khô khan, không sáo rỗng bởi con tim thành thực yêu thương cùng với tài năng biến ảo, đa dạng. Cùng với Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, ông là cây đại thụ của sơn mài Việt Nam. Những tác phẩm thành công nhất của Nguyễn Sáng nằm ở sơn mài và đấy là đóng góp lớn nhất của Nguyễn Sáng cho hội họa cả về chất liệu và danh tiếng. Nguyễn Sáng là một trong nhóm tứ kiệt của làng hội họa Việt Nam: Nghiêm, Liên, Sáng, Phái.


    Nguyễn Sáng dùng nét vẽ của mình, phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc. Ngoài ra, ông còn vẽ theo nhiều đề tài khác nhau, như phụ nữ và hoa, cảnh đẹp vừa cổ kính vừa lộng lẫy của chùa chiền, cảnh núi rừng thâm u mà hùng vĩ, cảnh nông thôn bình dị, hiền hòa, cảnh ghi lại những trò chơi dân gian. Nguyễn Sáng là cây đại thụ của sơn mài Việt Nam, có nhiều đóng góp tiêu biểu cho hội họa Việt Nam hiện đại. Ông khai thác thành công phong cách nghệ thuật hội họa hiện đại châu Âu, nhưng vẫn không xa rời nghệ thuật dân gian và cổ truyền Việt Nam. Nghệ thuật của ông là sự kết hợp hài hòa giữa tính hiện đại và tinh hoa của dân tộc. Ông cũng chính là người có vinh dự thiết kế bộ tem bưu chính đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, phát hành năm 1946, thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên con tem thuần chất của nước ta mang trên mình hai chữ "Việt Nam" cùng với hình ảnh vị lãnh tụ đã sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

    Bộ tem kỷ niệm 59 năm ngày sinh Bác Hồ do Nguyễn Sáng thiết kế.
    Bộ tem kỷ niệm 59 năm ngày sinh Bác Hồ do Nguyễn Sáng thiết kế.
    Tranh sơn mài
    Tranh sơn mài "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" của Nguyễn Sáng.
  5. Nguyễn Tư Nghiêm là họa sĩ vẽ tranh sơn mài, sơn dầu và bột màu Việt Nam. Ông là một trong bộ tứ Sáng - Liên - Nghiêm - Phái của mỹ thuật Việt Nam, cũng là người mất sau cùng trong bộ tứ này. Nguyễn Tư Nghiêm cũng là hoạ sĩ hiếm hoi của nền mỹ thuật Việt Nam có bảo tàng riêng, tọa lạc tại 90 B2 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Giới phê bình nghệ thuật thời bấy giờ từng nhìn nhận, tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm phối hợp bút pháp hiện đại với tư duy cổ truyền, địa phương, tạo nên bản sắc riêng. Đường nét, màu sắc, nhịp điệu, không khí luôn luôn được phong cách hóa, dựa theo họa tiết trống đồng Đông Sơn, hoa văn đồ gốm Lý Trần, tranh tượng dân gian, kiến trúc đình chùa, nhịp điệu chèo tuồng, múa hát truyền thống. Kỹ thuật tạo hình, cho dù hiện đại và cách điệu, vẫn gợi lên được khí hậu tín ngưỡng dân tộc - và các nền văn hóa lân cận Đông Nam Á.


    Chất liệu mạnh nhất của Nguyễn Tư Nghiêm là sơn mài truyền thống nhưng không mài, và về sau là bột màu, giấy dó. Chủ đề hay gặp trong tranh ông là những điệu múa cổ, Thánh Gióng, Kiều, và những con giáp. Màu ông yêu thích là màu của dân gian Việt Nam. Ông vẽ rất nhiều tranh về Thánh Gióng với tạo hình mạnh mẽ, cùng một ông Gióng, một con ngựa, mà chất liệu khác nhau, tư thế khác nhau. Nguyễn Tư Nghiêm là một tấm gương lao động nghệ thuật, ông vẫn vẽ hàng ngày và nghiêm túc tìm tòi sáng tạo, ngay cả khi đã ngoài 90 tuổi. Họa sĩ được giới chuyên môn trang trọng xếp vào nhóm “tứ trụ” thế hệ thứ hai của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, họ là những gương mặt tiêu biểu cho thành tựu, cũng như các phong cách đặc trưng của hội họa Việt Nam trong giai đoạn từ đầu thế kỷ 20 tới nay.

    Tranh sơn màu
    Tranh sơn màu "Xuân hồ Gươm" của Nguyễn Tư Nghiêm.
    Tranh bột màu
    Tranh bột màu "12 con giáp" của Nguyễn Tư Nghiêm.
  6. Hoạ sĩ Dương Bích Liên dày công nghiên cứu các phong cách, trào lưu nghệ thuật thế giới. Mọi chất liệu đều được ông thể hiện nhuần nhuyễn, độc đáo, siêu thoát đặc biệt là các thể loại sơn mài, sơn dầu, phấn đấu và chì than. Ông thiên về vẽ chân dung, rất nổi tiếng với đề tài thiếu nữ. Ông đặc biệt thành công với những tác phẩm về chân dung thiếu nữ. Người ta thường nói "Phố Phái, gái Liên" để nói đến việc khi xem tranh phố thì nên xem tranh của Bùi Xuân Phái, còn xem tranh về thiếu nữ thì Dương Bích Liên là người vẽ đẹp nhất. Tác phẩm chính: Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, Chiều vàng.

    Dương Bích Liên
    không có ý dày công cất giữ những sáng tạo của mình. Khi chết, ông muốn được đốt hết những bức tranh đã vẽ. Tác phẩm của ông còn lại ngày hôm nay là hàng trăm bức tranh, chủ yếu là do bạn bè quý mến ông và nâng niu cất giữ. "Hào" là tác phẩm của Dương Bích Liên hiện nằm trong bộ sưu tập của ông Ngô Tấn Trọng Nghĩa, chủ của Gallery Apricot nổi tiếng phố Hàng Gai. Bức tranh lấy bối cảnh năm 1972, thời kỳ Mỹ ném bom ác liệt nhất xuống. Khi nhìn vào tác phẩm hội họa về đề tài chiến tranh cách mạng này, người ta thấy được miêu tả với trạng thái nội tâm của người nghệ sĩ, nó ảm đạm và lạnh lẽo đến rùng mình, những chiến sĩ như đang lầm lũi tiến vào đường hào hun hút dường như chấp nhận số phận. Bức tranh đã phiêu lưu qua tay rất nhiều người (trong đó có cả nhà văn Nguyên Hồng, nhà văn Tô Hoài), cho đến khi được bán lại cho nhà buôn tranh Việt kiều ở Singapore là ông Hà Thúc Cần, với giá 15.000 USD. Cuối cùng, nó đã thuộc về ông chủ Gallery Apricot, nhưng ông cũng không tiết lộ giá mua bao nhiêu.

    Tranh phấn màu
    Tranh phấn màu "Hào" của Dương Bích Liên.
    Tranh sơn dầu
    Tranh sơn dầu "Cô Mai" của Dương Bích Liên.
  7. Bùi Xuân Phái là một danh họa của Việt Nam ngang tầm thế giới, đặc biệt nổi tiếng với các tác phẩm vẽ về Phố cổ Hà Nội (Phố Phái). Bùi Xuân Phái tham gia kháng chiến, tham dự triển lãm nhiều nơi. Năm 1952 ông về Hà Nội, sống tại nhà số 87 Phố Thuốc Bắc cho đến khi mất. Năm 1956 - 1957 ông giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Hà Nội. Năm đó Bùi Xuân Phái tham gia phong trào Nhân văn Giai phẩm, phải đi học tập lao động trong một xưởng mộc tại Nam Định và ban giám hiệu nhà trường đã đề nghị ông phải viết đơn xin thôi không giảng dạy tại trường Mỹ thuật. Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời với các danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên - những tên tuổi ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.


    Ông chuyên về chất liệu sơn dầu, đam mê mảng đề tài phố cổ Hà Nội. Ngay từ lúc sinh thời, sáng tạo của ông đã được quần chúng mến mộ gọi dòng tranh này là Phố Phái. Tranh phố của Bùi Xuân Phái vừa cổ kính lại rất hiện thực, thể hiện rõ hồn cốt của phố cổ Hà Nội những thập niên 50, 60, 70. Các mảng màu trong tranh Phái thường có đường viền đậm nét, phố không những trở thành chính nó mà còn gần hơn với con người, từ bề mặt đến cảnh quan đều có chiều sâu bên trong. Ngắm tranh phố cổ của ông, người xem nhận thấy họa sĩ đã gửi gắm những kỉ niệm, những hoài cảm cùng nỗi buồn man mác, tiếc nuối bâng khuâng trên từng nét vẽ, như điềm báo về sự đổi thay và biến mất của từng mái nhà, từng con người mang hồn phách xưa cũ.

    Tranh
    Tranh "Phố Tạ Hiền" cúa Bùi Xuân Phái.
    Tranh
    Tranh "Phân xưởng nhuộm" của Bùi Xuân Phái,
  8. Nguyễn Phan Chánh là một danh họa trong nghệ thuật tranh lụa. Đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1964-1970) khóa III. Ông là người đầu tiên mang vinh quang về cho tranh lụa Việt Nam. Ông là một người đã tạo ra một diện mạo tranh lụa Việt Nam không lẫn vào bất kỳ một phong cách nào đối với các nước có nền tranh lụa lớn nhất thế giới như Trung Quốc và Nhật Bản.Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh thắm đượm tình yêu thương con người lao động, đặc biệt là hình tượng người phụ nữ và tình mẹ con được thể hiện nhiều trong tác phẩm của ông. Thành công của Nguyễn Phan Chánh là do ông biết kết hợp lối vẽ truyền thống dân tộc với kiến thức khoa học cơ bản của hội hoạ Châu Âu.


    Suốt cuộc đời làm nghệ thuật, Nguyễn Phan Chánh đã để lại một sự nghiệp đồ sộ với số lượng ước khoảng trên 170 tác phẩm. Ông là người đang giữ kỷ lục về số tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bức tranh Người bán gạo trong cuộc bán đấu giá của Christie's International tại Hồng Kông ngày 27 tháng 5 năm 2013 được bán với giá kỷ lục là 390.000 Mỹ kim. Vào thời điểm đó, đây là giá cao nhất trên thị trường mỹ thuật trả cho một bức tranh của họa sĩ người Việt. Bức tranh Em bé bên chú chim trong cuộc bán đấu giá của Christie's International tại Hồng Kông ngày 27 tháng 5 năm 2018 được bán với giá kỷ lục là 853.921 Mỹ kim. Đây là giá cao nhất trả cho một bức tranh của họa sĩ Việt Nam tại thời điểm năm 2018.

    Tranh
    Tranh "Chơi ô ăn quan" của Nguyễn Phan Chánh.
    Tranh
    Tranh "Người bán gạo" của Nguyễn Phan Chánh được bán với giá 390.000USD.
  9. Vũ Cao Đàm là họa sĩ, nhà điêu khắc với nhiều tác phẩm tranh, tượng nổi tiếng được triển lãm ở nơi trên thế giới. Vũ Cao Đàm là một trong nhóm tứ kiệt trời Âu của nền hội họa Việt Nam (Phổ - Thứ - Lựu - Đàm). Vũ Cao Đàm là sinh viên khóa II của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng là khóa đầu tiên của Khoa Điêu khắc (1926 - 1931). Thoạt đầu, Vũ Cao Đàm tham gia cả hội họa và điêu khắc, nhưng tới năm thứ nhì thì ông chuyển hẳn sang điêu khắc. Năm 1931, Vũ Cao Đàm tốt nghiệp khóa học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với kết quả xuất sắc. Ông được nhận học bổng sang Pháp nghiên cứu và nâng cao kiến thức về tạo hình tại Bảo tàng Louvre. Năm 1946, khi Hồ Chủ tịch sang thăm Pháp, Vũ Cao Đàm đã tới chào và xin được nặn tượng ông. Ông là nghệ sĩ Việt kiều đầu tiên và duy nhất được nặn tượng Hồ Chí Minh.


    Nhiều tác phẩm điêu khắc của ông được coi là mẫu mực của điêu khắc Việt Nam hiện đại trong đó có hai bức tượng hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là "Chân dung" và "Thiếu nữ cài lược". Sống ở Pháp, sáng tác kết hợp tư tưởng Đông - Tây với chủ đề Việt Nam, tác phẩm của Vũ Cao Đàm từ sớm đã tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Tranh của Vũ Cao Đàm thể hiện ảnh hưởng của mỹ thuật miền Nam nước Pháp - Thời cực thịnh của trường phái Ấn tượng. Bằng những sáng tác giàu tìm tòi, kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật truyền thống phương Đông và hội họa phương Tây, Vũ Cao Đàm đã góp phần nâng cao vị thế của người họa sĩ Việt Nam với bạn bè quốc tế.

    Tượng Bác Hồ của Vũ Cao Đàm.
    Tượng Bác Hồ của Vũ Cao Đàm.
    Tượng
    Tượng "Thiếu nữ cài lược" của Vũ Cao Đàm.
  10. Lê Phổ là họa sĩ bậc thầy Việt Nam và trên thế giới theo trường phái hậu ấn tượng với nhiều tác phẩm đắt giá. Ông còn được nhiều người gọi là "Danh họa Việt Nam trên đất Pháp". Nhiều người khác còn coi ông là "cây đại thụ" trong làng nghệ thuật vẽ tranh Việt Nam. Lê Phổ là một trong nhóm tứ kiệt trời Âu của nền hội họa Việt Nam (Phổ - Thứ - Lựu - Đàm). Từ năm 1937, ông sang Pháp và định cư tại đó, và chưa một lần quay trở về quê hương, cho đến khi qua đời năm 2001 tại Paris. Năm 1925, họa sĩ Lê Phổ trúng tuyển khoá 1 Trường Đại học Mỹ thuật Đông Dương. Ông là một trong 10 sinh viên Việt Nam được giáo sư Victor Tardieu (một họa sĩ am hiểu sâu sắc các trường phái nghệ thuật châu Âu) xếp vào nhóm sinh viên "tinh hoa" của khóa học và đồng thời hướng đi theo trường phái nghệ thuật Á Đông trong suốt 5 năm học.


    Họa sĩ Lê Phổ cho rằng các chất liệu tranh lụa có một số nhược điểm không chỉ về khuôn khổ mà về chất liệu màu sắc chưa bộc lộ những lời tác giả muốn thể hiện. Đó là lý do ông đã chuyển sang vẽ tranh sơn dầu. Ngoài việc thay đổi chất liệu vẽ, nội dung được ông nhắc tới cũng mở rộng, phóng khoáng và thoải mái hơn. Ví dụ rõ nét đó là người phụ nữ trong tranh của họa sĩ dần vượt ra ngoài lễ giáo ngàn năm để mang một sắc màu "thế tục". Trong số các họa sĩ Việt Nam, hiếm có họa sĩ nào như Lê Phổ để lại một gia tài nhiều tác phẩm có giá trị về mặt nghệ thuật cũng như giá trị kinh tế. Một số tác phẩm tiêu biểu được định giá cao như: Bức "Thiếu phụ trong vườn, tác phẩm "Cho chim ăn (tranh)" đã được rao bán giá kỷ lục là gần 100.000 USD vào năm 1997. Tác phẩm "Thiếu phụ (tranh)", tranh sơn mài do KTS Nguyễn Quốc Cường sở hữu, được đánh giá là đắt nhất ở Nhà triển lãm Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội)...

    Tranh
    Tranh "Hoài Cố Hương" của Lê Phổ có giá bán khoảng 222.325 USD.
    Tranh sơn dầu “Nhìn Từ Đỉnh Đồi” của họa sĩ Lê Phổ được bán với giá 840.000USD.
    Tranh sơn dầu “Nhìn Từ Đỉnh Đồi” của họa sĩ Lê Phổ được bán với giá 840.000USD.
  11. Họa sĩ Nguyễn Tường Lân là một trong bộ tứ họa sĩ nổi tiếng thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam: "Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn". Vì chiến tranh, không còn nhiều thông tin và tư liệu về Nguyễn Tường Lân, tranh của ông còn sót lại cũng còn rất ít. Ông được xem là một trong số ít các họa sĩ đương thời có khả năng đưa các màu nguyên chất vào một sự hài hòa mang tính hư cấu, tượng trưng, giản dị và nhã nhặn, kể cả đối với tranh lụa. Ngay từ thập niên 1940, bằng nhịp điệu phóng khoáng của những vệt bút lớn chạy trên sơ đồ trang trí, Nguyễn Tường Lân đã sớm phá cách để đi đến phong cách nghệ thuật trừu tượng hóa.


    Họa sĩ Nguyễn Tường Lân học khóa 4 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1928 - 1933). Sau khi tốt nghiệp, ông mở xưởng vẽ tại Hà Nội, nổi tiếng với đầy đủ tiện nghi và những người mẫu đẹp. Thuần thục hầu hết các chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, bột màu, chì than, Nguyễn Tường Lân đã sáng tác nhiều tác phẩm, tuy nhiên cho đến nay, rất ít ỏi các tác phẩm của ông còn sót lại. Ông được xem là một trong số ít các họa sĩ đương thời có khả năng đưa các màu nguyên chất vào một sự hài hòa mang tính hư cấu, tượng trưng, giản dị và nhã nhặn, kể cả đối với tranh lụa. Ngay từ thập niên 1940, bằng nhịp điệu phóng khoáng của những vệt bút lớn chạy trên sơ đồ trang trí, Nguyễn Tường Lân đã sớm phá cách để đi đến phong cách nghệ thuật trừu tượng hóa (Hai thiếu nữ bên cửa sổ, Salon Unique, 1943).

    Tranh của Nguyễn Tường Lân minh họa cho câu thơ
    Tranh của Nguyễn Tường Lân minh họa cho câu thơ "Vầng trăng ai xẻ làm đôi".
    Tranh “Đôi bạn” của họa sĩ Nguyễn Tường Lân.
    Tranh “Đôi bạn” của họa sĩ Nguyễn Tường Lân.



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy