Top 12 Lễ hội đặc sắc nhất ở Sóc Trăng
Sóc Trăng là vùng đất hội tụ và đan xen của nhiều nền văn hóa khác nhau, trong đó nổi bật nhất là văn hóa của ba dân tộc: Kinh, Hoa và Khmer. Chính do đó, văn ... xem thêm...hóa lễ hội xuất phát từ tâm linh tín ngưỡng dân tộc của người dân nơi đây rất phong phú về số lượng và cũng như vô cùng đặc sắc về hình thức và nội dung.
-
Lễ Đấu đèn
Vào dịp tết Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng) sẽ diễn ra lễ Đấu đèn (đấu giá đèn lồng của người Hoa) tại Chùa ông Bổn ở Sóc Trăng. Chiếc đèn lồng ở đây cũng chỉ bình thường như những đèn lồng nơi khác. Tuy nhiên, về mặt tinh thần, chúng mang ý nghĩa tốt đẹp cho người làm ăn kinh doanh, công việc được “thuận buồm xuôi gió”, ngày càng phát đạt, gia đình mạnh khỏe. Chính vì vậy, giá trị của mỗi chiếc đèn lồng có thể lên đến vài chục, vài trăm triệu đồng. Mỗi cây đèn đều mang một câu chúc như: “Hợp gia bình an”, “Sanh ý hưng long”, “Tài nguyên quản tấn”, “Kim ngọc mãn đường”. Đối với giới kinh doanh người Hoa, họ rất thích, những câu chúc như thế rất có giá trị cho họ trong một năm làm ăn sắp tới.
Thực chất, Ban quản trị ở chùa tổ chức lễ Đấu đèn để nhằm tạo bầu không khí sinh động đón mừng năm mới, tạo tình cảm vui tươi cho mọi người. Còn với người tham gia, họ muốn đóng góp tiền bạc cho chùa để làm những việc công ích xã hội.
Đến với Lễ hội, đừng quên chiêm ngưỡng kiến trúc của Chùa ông Bổn. Là một di tích kiến trúc nghệ thuật mang đậm nét đặc trưng của người Hoa, Chùa xây dựng hoàn toàn bằng đá và gỗ quý và được điêu khắc hết sức tinh xảo. Các công trình chạm trổ, khắc họa trên mái, trên cột, trên cửa, trên các bức hoành phi vẫn còn giữ nguyên nét công phu của các nghệ nhân xưa, rất đáng để chiêm ngưỡng. Chùa tọa lạc tại số 09, đường Nguyễn Văn Trỗi, khóm 1, phường 1, thành phố Sóc Trăng.
-
Lễ hội cúng Phước Biển
Lễ hội cúng Phước Biển còn có tên gọi khác là Chrôium check. Là lễ hội dân gian của đồng bào Khmer, chủ yếu là của đồng bào Khmer ở vùng biển thị xã Vĩnh Châu. Lễ mang ý nghĩa trước là tạ ơn biển cả đã ban cho con người nguồn hải sản dồi dào, sau là cầu nguyện cho người đi biển được bình an, đánh bắt được nhiều cá tôm.
Được tổ chức vào ngày 14, 15 tháng 2 âm lịch hàng năm, lễ hội diễn ra xuyên suốt trong hai ngày hai đêm. Đầu tiên, sẽ tổ chức rước tượng Phật từ chùa Cà Săng đến điểm làm lễ. Sau đó là lễ cầu siêu theo nghi thức Phật giáo. Tiếp đến, các sư sãi sẽ tụng kinh cầu quốc thái dân an và thỉnh pháp sư thuyết pháp cho bà con. Ở đêm thứ hai cũng tương tự nhưng sẽ có thêm lễ an vị Phật.
Bên cạnh các nghi lễ truyền thống còn có nhiều hoạt động giải trí đặc sắc tại lễ hội như: các trò chơi dân gian đua ghe Ngo trên cạn, đẩy xiệp, thi lượm củ hành...; liên hoan hòa tấu nhạc ngũ âm (phleang pinh peath); múa gà, múa khỉ cổ truyền; hội thi giọng hát hay, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, bi sắt, kéo co, thả diều, nhảy bao...
-
Tết Chôl-Chnăm-Thmây
Là một trong ba lễ hội lớn và quan trọng nhất của người Khmer Nam Bộ. Tết Chôl-Chnăm-Thmây là lễ hội mừng năm mới và cũng là dịp tưởng nhớ ông bà tổ tiên và đức Phật đã che chở trong suốt một năm qua. Tết Chôl-Chnăm-Thmây thường diễn ra vào khoảng giữa tháng 4 Dương lịch, tức đầu tháng Chét của người Khmer. Tết Chol Chnam Thmay không cố định một ngày cụ thể cho các năm mà thay đổi hàng năm do các nhà thiên văn bói toán ấn định.
Ngày thứ nhất là Chôl Sangkran Thmây - ngày đón năm mới, mọi người tắm gội, mặc quần áo đẹp, mang theo lễ vật nhang đèn, hoa quả đến chùa làm lễ rước lịch và đảnh lễ Phật. Lễ mang ý nghĩa chào mừng năm mới và xem điềm báo năm mới tốt hay xấu. Ngày thứ hai là Wonboat, làm lễ dâng cơm và đắp núi. Mỗi gia đình sẽ làm cơm dâng cho các vị sư sãi ở chùa vào buổi sớm và trưa. Buổi chiều, họ tổ chức lễ đắp núi để tìm phúc duyên, tùy vào hoàn cảnh kinh tế của từng địa phương mà sẽ chọn đắp cát, lúa hoặc đất . Tục này nhằm biểu lộ ước vọng cầu mưa, cầu phúc của con người. Ngày thứ ba là Lơng Săk, làm lễ tắm tượng Phật và tắm sư. Lễ mang ý nghĩa biết ơn đức Phật, đồng thời, gột rửa mọi điều không may của năm cũ để bước sang năm mới.
Sau khi thực hiện các nghi lễ, thời gian còn lại trong các ngày này mọi người đi thăm hỏi lẫn nhau, chúc nhau những điều tốt đẹp và cùng nhau vui chơi. Mặc dù theo lịch, Lễ sẽ diễn ra trong ba ngày, tuy nhiên, thời gian vui chơi Lễ của người dân có khi kéo dài cả tuần hoặc hơn sau đó họ mới trở lại cuộc sống như ngày thường.
-
Lễ hội Thác Côn
Còn có tên gọi khác là lễ hội Cúng Dừa vì lễ vật dâng cúng trong lễ là bình bông làm bằng trái dừa tươi. Lễ hội được tổ chức tại ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Lễ mang tính nhân văn sâu sắc và thể hiện nét độc đáo trong văn hóa Khmer của Sóc Trăng. Lễ vật dâng cúng là những thứ hoa trái giàu sắc thái bản địa, tượng trưng cho sự thanh khiết như trầu cau, hoa sen và trái dừa. Hoa trái được bày trí trên một trái dừa, đồng bào Khmer gọi là Slathođôn (bình bông làm bằng trái dừa). Phần cây bông được tạo thành bởi lá trầu xanh và hoa.
Lễ hội Thác Côn đã tồn tại gần trăm năm, gắn với truyền thuyết về chiếc Cồng Vàng của vùng An Trạch. Lễ mang ý nghĩa giúp người ta tưởng nhớ về cội nguồn, tổ tiên, ông bà để sống chan hòa yêu nhau hơn, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no hạnh phúc.
-
Lễ hội Nghinh Ông
Diễn ra vào ngày 21 tháng 3 âm lịch hàng năm ở vùng biển Kinh Ba thuộc huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Tương truyền, cá Ông là một vị thần luôn giúp ngư dân vượt qua những tai nạn trên biển khơi, khi con người đang bị nạn ngoài biển có lời khẩn cầu thì cá Ông sẽ đến cứu nạn và đưa vào bờ an toàn. Vì vậy, khi cá Ông “lụy” (chết) xác trôi dạt vào bờ thì được ngư dân vớt lên chôn cất cẩn thận và tổ chức lễ cúng. Sau ba năm cải táng, đem xương (Ngọc cốt) vào đền thờ phụng. Hiện nay Lăng Ông Kinh Ba đang lưu giữ hai bộ cốt của hai Cá Ông lớn, nhỏ. Lễ hội thể hiện ý nguyện và lòng thành kính của người đi biển đối với cá Ông, cầu mong cho người đi biển được bình an, mang lại hải sản bội thu.
Sau khi tiến hành những nghi lễ truyền thống, người ta sẽ diễu hành, múa lân rồi lên tàu ra biển cúng Ông. Trên tàu, người ta sẽ tiến hành các nghi thức cúng vái và xin keo. Khi xin keo thành công nghĩa là cá Ông đã chứng cho lòng thành của ngư dân, lúc đó, các tàu sẽ quay vào bờ để làm lễ hầu Ông về Lăng.
Đến với Lễ hội Nghinh Ông, du khách được hòa mình vào trong không gian văn hóa đặc sắc nhưng hết sức bình dị, mộc mạc của cư dân địa phương. Đồng thời, du khách cũng có thể tham quan một số địa điểm gần đó như Cảng cá Trần Đề, bãi biển Mỏ Ó, Rừng ngập mặn, Cầu Mỹ Thanh 2, Hồ Bể...
-
Ngày hội Sông nước Miệt vườn
Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 4, 5 tháng 5 âm lịch hàng năm tại cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách. Lễ hội nhằm tôn vinh những loại trái cây đặc sản của vùng Kế Sách, là vùng chuyên canh cây ăn trái lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng, và tôn vinh người nông dân đã lao động để làm ra các loại trái cây đó.
Tại Lễ hội, người dân sẽ trưng bày các trái cây đặc sản ngon nổi tiếng gắn liền với các địa danh nơi đây như: Cam sành Ba Trinh, mít nghệ An Mỹ, bưởi da xanh Kế An, bưởi năm roi Kế Thành, chôm chôm Phong Nẫm, măng cụt An Lạc Tây... Bên cạnh đó, Lễ hội còn có nhiều hoạt động để chào đón các nhà khoa học, thương nhân và du khách tham quan đến để giao lưu, học hỏi, tìm cơ hội hợp tác, kinh doanh hoặc chỉ đơn thuần là có những phút giây vui chơi, giải trí như: Hội thi ẩm thực sông nước miệt vườn, đua thuyền rồng, liên hoan đờn ca tài tử, triển lãm thành tựu kinh tế - văn hoá - xã hội và các trò chơi dân gian: Bịt mắt đập nồi, đi cầu vọt...
Đến với Lễ hội, du khách có dịp thưởng thức nhiều đặc sản, chiêm ngưỡng vườn cây trái sum xuê, tận hưởng không khí trong lành của địa điểm du lịch sinh thái này và gặp gỡ những người cố cựu nơi đây, chân chất, thiệt tình kể về những ngày đầu đến khai phá đất cồn.
-
Lễ Dâng Bông
Hay còn gọi là Lễ Kathina, Lễ Dâng y cà sa, được tổ chức trong thời gian từ ngày 15 tháng 9 đến ngày 15 tháng 10 âm lịch. Là nghi lễ mang đậm nét văn hóa truyền thống của người dân Khmer Nam Bộ nhằm cầu cho phum sóc yên ấm, gia đình bình an, mưa thuận gió hòa và thành kính dâng y cà sa cho chư tăng, thể hiện tín ngưỡng với Đức Phật và làm theo lời Phật dạy.
Thông thường, vào ngày thứ nhất, người dân đem nhang đèn, tiền bạc, trái cây, bông hoa, áo cà sa đến chùa cầu nguyện dâng lên cúng phật. Sau đó, họ dâng áo cà sa cùng đồ lễ này cho các vị sư sãi ở chùa và nghe các sư thuyết pháp, hồi hướng công đức cho mình cùng gia đình. Vào tối hôm đó, họ sẽ tổ chức vui chơi, văn nghệ, múa lâm thol, ròm vong… Ngày thứ hai, người dân tập trung lại để tiến hành lễ dâng bông, dâng y cà sa trên đường hoặc xung quanh chùa, sau đó, họ quay lại chùa để nghe các sư trì tụng kinh và chứng minh công đức tấm lòng của họ.
-
Lễ Ooc-om-boc
Lễ Ooc-om-boc còn được gọi là lễ cúng Trăng hay lễ "Đút cốm dẹp" (Bon sâm peah preah khe) được đồng bào Khmer tổ chức vào đêm Rằm Khe Ka-đâk (15 tháng 10 âm lịch) nhằm tạ ơn Thần Mặt Trăng đã quản lý mùa màng trong năm và tiễn đưa Thần Nước trở về với biển cả. Theo tương truyền, Lễ Ooc-om-boc đã có từ rất lâu rồi, bắt đầu từ khi con người bắt đầu biết trồng lúa nước.
Lễ vật dâng cúng là những nông sản thu hoạch được trong mùa vụ và không thể thiếu cốm dẹp (được làm từ nếp non giã dẹp, mỏng, khi ăn thì trộn thêm đường và dừa, nghe đơn giản nhưng để thành phẩm phải qua nhiều giai đoạn công phu). Mâm cúng được bày biện vào chiều tối. Khi trăng lên, một vị Achar (người tu học nhiều năm trong chùa, am hiểu Phật học) được các gia đình mời đến hoặc một trưởng lão trong gia đình sẽ tiến hành nghi lễ cúng trăng. Sau lời khấn cầu, những đứa trẻ trong gia đình sẽ được gọi lên để đút cốm dẹp và hỏi chúng ước muốn gì. Câu trả lời của đứa trẻ là ước muốn của mọi người gửi tới mặt trăng, là niềm tin của người lớn vào năm tới. Sau nghi lễ, mọi người cùng quây quần ăn bánh, ăn cốm dẹp và trò chuyện vui vẻ, đợi đến sớm mai đi xem đua ghe Ngo trên sông Maspero.
Bên cạnh đó, trong dịp Lễ hội, người ta sẽ tiến hành các hoạt động văn hóa như: thả đèn gió, đèn nước, đặc biệt, Lễ này luôn gắn liền với Hội Đua ghe Ngo.
-
Hội Đua ghe Ngo
Được tổ chức vào ngày 14 - 15 tháng 10 âm lịch hàng năm. Đua ghe Ngo (Prònăng tuuk ngôo) là một trong những hoạt động truyền thống quan trọng nhất của đồng bào Khmer. Gắn liền với Lễ Ooc-om-boc, Hội Đua ghe Ngo cũng mang ý nghĩa tương tự. Bên cạnh đó, đây còn là dịp bà con Khmer vui chơi sau những ngày lao động vất vả.
Ghe Ngo là hình tượng của rắn thần Nagar mà theo truyền thuyết đã từng đưa Đức Phật Thích Ca qua sông. Ghe ngo thường dài từ 20- 30m, đầu ghe có hình đầu rắn, hai bên lườn ghe được vẽ những hoa văn rực rỡ.
Trước ngày hội, các chùa phải chuẩn bị cách đó rất lâu để tuyển chọn các tay bơi là những chàng trai khỏe mạnh trong các phum sóc. Một đội ghe từ khoảng vài chục đến hơn trăm người nên phải quy tụ người khắp phum sóc mới thành đội. Và muốn bơi ghe nhanh để chiến thắng đòi hỏi cả đội phải phối hợp hết sức nhịp nhàng, ăn ý. Do đó, đua ghe Ngo đòi hỏi phải có tính đoàn kết rất cao. Đây được xem là một nét đáng kính trọng của môn thể thao này.
Đua ghe Ngo không chỉ là một phong tục mà còn thể hiện ý chí đua tranh và khát vọng chiến thắng. Vì vậy, không khí tại lễ hội hết sức tưng bừng, náo nhiệt. Hội Đua ghe Ngo được diễn ra trên sông Maspero của Sóc Trăng với sự tham gia của nhiều đội thuyền trong và ngoài tỉnh. Ước tính Lễ hội thu hút lượng người xem lên đến 30 ngàn người.
-
Lễ hội thả Đèn Nước
Hay còn gọi là Lôi-Protip được tổ chức vào dịp Lễ Ooc-om-boc (ngày 15 tháng 10 âm lịch hàng năm). Lôi Protip nhằm cúng chiếc răng nanh Phật Thích Ca được rắn thần Naga cất giữ nơi long cung. Protip cũng tượng trưng cho hàm răng dưới của Đức Phật ở lại hạ giới độ trì chúng sinh. Lễ còn mang ý nghĩa là để tạ ơn Thần Mặt đất (Prés thôrni) và Thần Nước (Prés kôong kea) vì qua một năm lao động và sinh hoạt, con người đã làm ô uế đến thiên nhiên nên làm lễ cúng để tạ lỗi. Mặc khác, Lễ cũng nhằm tưởng nhớ công ơn của đấng thiên nhiên đã phù hộ con người làm ăn sinh sống bình yên và mong muốn điều tốt lành hơn cho năm sau.
Trong đêm diễn ra Lễ hội, hàng ngàn bà con và du khách sẽ đổ xô về sông Maspero ở thành phố Sóc Trăng để cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những chiếc đèn nước. Đèn nước làm bằng thân và bẹ chuối được ráp thành hình một ngôi đền, trang trí cờ phướn, hoa lá, cắm đèn và nhang, bên trong bày vật cúng. Trước khi thả đèn, sư sãi và bà con trong phum sóc thắp nhang xung quanh đèn rồi nghe sư tụng kinh cầu tam bảo, cúng trăng để cầu nguyện cho sự an vui, thịnh vượng và ước mong của mọi nhà. Sau đó người ta rước đèn ra sông để thả đèn.
Trong ngày diễn ra Lễ hội, cùng với Lễ thả Đèn nước còn có nhiều hoạt động văn hoá truyền thống đặc sắc của bà con dân tộc Khmer như: múa trống sadăm, hát dù kê, múa lâm thol, biểu diễn dàn nhạc ngũ âm, hội thi trang phục dân tộc...
-
Lễ Lôi Protip
Hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng 9 theo lịch Khmer, đúng vào ngày các vị sư làm Lễ ra hạ (chinh Presvôsa), bà con Khmer ở các phum sóc trên địa bàn huyện Long Phú nô nức tổ chức Lễ Lôi Protip (Lễ thả đèn nước hay thả hoa đăng) truyền thống. Lễ mang ý nghĩa tạ ơn Thần Đất, Thần Nước đã mang đến cuộc sống bình yên và hạnh phúc suốt một năm qua và cầu mong trong tương lai những điều tốt lành
Mọi người sẽ ghép chuối lại thành bè để thả trôi sông - được gọi là đèn Protip. Vào đêm rước hoa đăng, bà con rước chiếc Protip của mình đi vòng quanh phum, sóc để người dân cùng chiêm ngưỡng và cầu phúc báu, an lành. Để tăng thêm sự vui nhộn trong ngày rước Lôi Protip, các đội trống Sa Yăm, nhạc ngũ âm cũng được xướng theo.
Sau các phần diễu quanh phum, sóc, những chiếc Protip được thả trên những nhánh sông lung linh hòa cùng ánh trăng đêm rằm sóng sánh, huyền ảo như đang nhảy múa. Ánh sáng của Lôi Protip chính là cầu nối giữa hạnh phúc và niềm tin, là cội nguồn của sự sống, của hạnh phúc trong cõi nhân gian
-
Lễ Sene Đônta
Cuối cùng khi nhắc đến Sóc Trăng không thể không nói đến lễ Đônta của đồng bào người Khmer, từ ngày 29 - 8 đến ngày mùng 01 - 9 âm lịch Khmer hàng năm đồng bào Khmer Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng nô nức, long trọng tổ chức lễ Đônta hay là Lễ cúng ông bà, nhằm tưởng nhớ đến công ơn sinh thành của thân nhân quá cố. Ngoài đem cơm nước đến chùa mời sư sãi tụng kinh, thuyết pháp, bà con còn chuẩn bị mâm cơm thịnh soạn để dâng cúng gia tiên theo phong tục truyền thống của dân tộc.
Ngày thứ nhất (ngày cúng đón tiếp) mọi người dọn dẹp bàn thờ Phật, tổ tiên và trang trí bó hoa thơm rồi bày bánh trái, nhang đèn... Có gia đình còn mời các vị sư đến làm lễ tại nhà, trước là đọc kinh, dâng cơm, sau là làm lễ cầu siêu cho linh hồn các bậc tiền bối
Ngày thứ hai, bà con chuẩn bị cơm nước chung đậu lại đem vào chùa dâng các vị sư, họ đốt nhang bàn thờ mời ông bà cùng đi vào chùa rồi dùng cơm ở đó, bởi họ cho rằng được dâng cơm sư sãi là góp phần kính Phật trọng tăng, sẽ giúp rửa tội cho ông bà mau siêu thoát
Ngày thứ ba là ngày cuối, họ vừa đem cơm đi chùa lại vừa tổ chức cúng tại nhà, sau khi đi lễ chùa xong, họ mời bà con chòm xóm cùng đến cúng. Buổi cúng này thường xôm tụ đông đủ gọi là “Sene Chun Đôlta” (cúng đưa ông bà); khấn đủ ba lần xong, họ bới cơm, gắp đồ ăn đổ vào chén, nhưng lần này họ đổ vào thuyền được làm bằng bẹ chuối, mo cau để ông bà đem theo ăn dọc đường cho đến khi về đến nơi cũ. Trên thuyền, họ có treo cờ phướn, hình nộm người ngồi trên đó, có thêm gạo, muối, tiền bạc và khắc hình cá sấu, tắc kè ở đầu và đuôi thuyền đều làm bằng bẹ chuối để tránh tai nạn dọc đường. Xong, họ đem thuyền này thả trên sông hoặc mương, rạch ở gần nhà rồi mời anh em, họ hàng, chòm xóm dùng bữa cơm thân mật.
Lễ này không chỉ thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với người đã khuất mà còn thể hiện sự chăm lo đến việc tu học của các vị sư trong những ngày kiết hạ.