Top 10 Lễ hội đặc sắc nhất Thái Bình
Ở Việt Nam bất kỳ làng quê nào cũng đều có những lễ hội riêng cho địa phương mình. Thái Bình cũng vậy! Thái Bình có những lễ hội đặc trưng của một tỉnh ven ... xem thêm...biển thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, phản ánh tính văn hóa, lịch sử lâu đời với số lượng tới gần 100 lễ hội trong năm. Ở Thái Bình cũng có rất nhiều những lễ hội lớn. Bài viết sau sẽ giúp các bạn hiểu thêm được một số lễ hội truyền thống lớn ở Thái Bình.
-
Chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Một năm chùa mở hội 2 lần, đó là Hội Xuân vào ngày mồng 4 tết Nguyên Đán và Hội chính mùa thu, từ ngày 13 đến ngày 15/9 âm lịch. Hội tháng 9 gắn liền với sự tích của Không Lộ Thiền Sư (13-9 là 100 ngày mất của ngài, còn 14 tháng 9 là ngày sinh).
Ngày 13, mở đầu là cuộc rước kiệu kỷ niệm 100 ngày tịch của thiền sư Không Lộ. Chiều có các cuộc đua trải. Tối có cuộc thi kèn và trống. Sáng 14, kỷ niệm ngày sinh của sư Không Lộ. Sau lễ dâng hương đến đám rước gồm có đôi ngựa hồng, ngựa bạch có đủ yên cương và 4 bánh do người kéo. Tiếp đến là 8 lá cờ thần, 42 người vác bát bửu lỗ bộ... Chiều 14, tại toà Giá Roi diễn ra nghi lễ chầu thánh mang tính nghệ thuật , đó là điệu múa cổ còn gọi là "múa ếch vồ". Ngày 15, mọi nghi lễ diễn ra như ngày 14 nhưng có thêm một số trò diễn sau khi rước kiệu hoàn cung.
Hội chùa Keo diễn ra đông vui tấp nập suốt 3 ngày, 3 đêm bằng nghi lễ tôn giáo và một số tập tục cổ truyền để tưởng nhớ vị thiền sư đã có công với nước và qua hình thức biểu diễn nghệ thuật dân gian đã phản ánh được lối sống của vùng dân cư ven sông mang màu sắc văn hoá nông nghiệp của đồng bằng Bắc Bộ.
-
Theo thông lệ hàng năm cứ vào mùng 8 âm lịch, nhân dân xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy lại long trọng tổ chức lễ hội Đền Hét để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn với đức thượng đẳng thần tướng quân Phạm Ngũ Lão - người có công rất lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, bảo vệ từng tấc đất nơi cửa biển.
Đền Hét thuộc làng Bích Du xã Bích Sơn xưa, nay là xã Thái Thượng huyện Thái Thụy. Mảnh đất nơi đây khi xưa được tướng quân Phạm Ngũ Lão (1255-1320), một danh tướng thời Trần chọn làm nơi dựng trại huấn luyện binh sỹ, đóng quân trấn giữ bảo vệ vùng biên giới Đông Bắc trước cuộc xâm lược của quân phương Bắc. Đây cũng là nơi diễn ra các cuộc họp bàn, tập kết quân dân, cất giữ vũ khí trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trải qua mấy trăm năm với nhiều biến động của lịch sử cũng như sự khắc nghiệt của khí hậu. Hiện nay ngôi đền vẫn được bảo tồn được nét kiến trúc khá nguy nga bề thế, lưu giữ nhiều đồ tế khí, sắc phong, thần tích rất quý qua các triều đại từ Lê đến Nguyễn. Năm 1993, Bộ Văn hóa và Thông tin đã cấp bằng công nhận đền Hét là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Lễ hội đền Hét được tổ chức từ ngày 7 đến 9 tháng Giêng, chính hội vào ngày mùng 8 với nhiều nghi thức rước, tế lễ, dâng hương được tổ chức song song với các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, đua tài mang sắc thái riêng của cư dân biển như đi cà kheo, đua thuyền, kéo co...đặc biệt là đô vật, vật lão và vật cầu là do tướng quân Phạm Ngũ Lão sáng lập ra để rèn luyện sức khỏe cho binh sỹ. Lễ hội đền Hét là một trong những lễ hội lớn đầu xuân mang nét văn hóa truyền thống địa phương ven biển, thu hút rất đông du khách thập phương về dâng hương và tham dự các trò chơi dân gian. Thông qua lễ hội nhằm lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, đồng thời giáo dục tinh thần đoàn kết, yêu quê hương đất nước trong mọi tầng lớp nhân dân.
Hội đền Hét tổ chức tại làng Bích Du xã Thái Thượng huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình nhằm suy tôn Tướng Phạm Ngũ Lão. Lễ hội được tổ chức 2 lần trong năm, thường được tổ chức vào ngày 8/1 âm lịch và 6-9/3 âm lịch hàng năm. Mỗi lần lễ hội tổ chức, người dân và du khách sẽ được chơi nhiều trò chơi dân gian như kéo co, cướp cầu ném giỏ,…
-
Vương triều nhà Trần là một vương triều có rất nhiều vị vua, vị tướng lĩnh tài giỏi như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Thủ Độ,...Vùng đất Tam Đường, xã Tiến Đức huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình là nơi phát tích của vương triều Trần. Đền Trần Thái Bình là một quần thể di tích gồm các đền thờ, lăng mộ thờ các vị vua quan nhà Trần. Đền thờ các vua Trần trên đất phát tích Thái Bình (còn gọi là Thái Đường Lăng) thuộc làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Hệ thống các di tích lịch sử ở đây gồm Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần đều đã được chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.
Trên diện tích 5175m2, đền thờ các vua Trần và Đức thánh Trần Hưng Đạo đã được xây dựng công phu, uy nghi bề thế toạ lạc trên nền phế tích nằm giữa trung tâm xã Tiến Đức với các hạng mục đã hoàn thành là toà hậu cung, toà bái đường, tả vu, hữu vu, nghi môn, đài hoá vàng, ba ngôi mộ các vua Trần và một số công trình kiến trúc liên quan.
Đây là một tổng thể kiến trúc rộng lớn, là nơi thờ tự các vua Trần. Các công trình kiến trúc được bố trí theo trục chính, chia thành các không gian như: không gian hành lễ, không gian nội tự đền, không gian vườn cây xanh, là một công trình kiến trúc kế thừa và phát huy truyền thống kiến trúc dân tộc - kiến trúc đình làng. Riêng Toà hậu cung đền Trần là một phần trong tổng thể kiến trúc có kết cấu chữ đinh, gồm hai toà tám gian, trên diện tích 359m2, được khởi dựng bởi sự tài hoa của những người thợ; sự góp mặt của đá trong hợp thể kiến trúc tôn vinh vẻ uy linh của hậu cung với hệ thống rồng đá được chạm trổ tinh vi, sống động.Lễ hội đền Trần Thái Bình đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 231/QĐ-BVHTTDL ngày 27/01/2014 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Lễ hội đền Trần diễn ra vào ngày 13 đến 18 tháng Giêng âm lịch hàng năm, qua đó khẳng định và tôn vinh công lao dựng nước của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam.
Các nội dung diễn ra suốt lễ hội từ sáng 13 tháng giêng âm lịch đến hết ngày 18 tháng giêng âm lịch như: Thi cỗ cá, Thi gói bánh chưng, Thi thả diều, Thi pháo đất, Thi vật cầu, Thi kéo co. -
Lễ hội đền La Vân diễn ra tại làng La Vân. La Vân xưa là La Miên thuộc tổng Quỳnh Ngọc, gồm hai Thôn: Thôn Đồn Xá và thôn Thượng. Năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) vì kiêng tên huý của vua nhà Nguyễn, làng đổi tên thành La Vân ngày nay. Ngày nay làng La Vân thuộc xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Thời gian tổ chức: Diễn ra từ ngày 20 tháng ba âm lịch đến ngày 26 tháng 3 âm lịch hàng năm.
La Vân một làng nổi tiếng với nghề ương bèo hoa dâu từ những trước những năm 1970 ở vùng quê lúa Thái Bình. Lễ hội đền La Vân tổ chức để tưởng nhớ công lao của vị Quốc sư triều Lý - Nguyễn Minh Không. Tuy nhiên thời gian lễ hội lại không liên quan đến thân thế Đức Thánh tổ của làng. Lễ hội diễn ra tại đền La Vân là nơi tế lễ thành hoàng và thờ cả hậu thần. Thần được tôn thờ là bà Vũ Thị Ngọc Tấn (con gái của làng) - một Vương Phi trong cung Tây đô vương Trịnh Tạc. Bà đã ban cho dân La Miên ruộng đất để dựng lại đền phía trước chùa tạo thành quần thể kiến trúc “tiền thần, hậu Phật, cung thánh đồng quy”. Lễ hội đền La Vân diễn ra trong sáu ngày, mỗi ngày diễn ra tuần tự các bước: buổi sáng diễn ra các nghi thức tế lễ, buổi chiều diễn tích trò hội.
Lễ hội đền La Vân đặc sắc bởi có phần diễn xướng dân gian độc đáo như múa kéo chữ (xếp chữ) và diễn ca thánh tích. Thêm vào đó là các trò chơi dân gian như đấu vật, cờ tướng, đánh pháo đất. Các trò diễn ca thánh tích là để nhắc nhở con cháu làng La Vân và giới thiệu với khách thập phương về Đức Thánh của làng. Trò múa kéo chữ được duy trì ở làng La Vân và tại nhiều làng khác thuộc huyện Quỳnh Phụ theo chủ đề khác nhau tạo nên nét đặc sắc của lễ hội trên cả vùng. Múa kéo chữ vừa mang tính chất là một trò chơi, một môn thể thao đồng thời lại mang tư tưởng giáo dục, nghệ thuật cao. Múa kéo chữ mô phỏng đánh trận và chiến thắng trở về. Ngoài ra, trò chơi này còn thể hiện tính giáo dục tinh thần tự giác, tính tổ chức, kỹ năng khéo léo, nhanh nhẹn của con người. Đây là lễ hội nông nghiệp chở đầy ước vọng của người dân về một năm mưa thuận gió hoà, người khang, vật thịnh. Các trò diễn, trò chơi được tổ chức phục vụ nhu cầu giải trí cho người dân lúc nông nhàn. Lễ hội đền La Vân như một “chất keo” gắn kết cộng đồng, ở nơi đó, con người được thể hiện mình về cả thể chất lẫn tinh thần. Điều đó được ví như là sức đàn hồi để con người có thể quay trở lại chuẩn bị cho một năm mới đầy bận rộn công việc phía trước. -
Đã thành thông lệ, hàng năm đền Đồng Bằng khai hội vào ngày 20/8 (âm lịch), tại Đền Đồng Bằng xã An Lễ, Quỳnh Phụ, là nơi thờ Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, người có công lớn trong việc bình thục giữ nước và chiêu dân lập ấp xây dựng giang sơn xã tắc từ buổi sơ khai.
Đền có sắc phong: Tam Kỳ Linh Ứng Vĩnh Công Đại Vương Thượng Đẳng Thần (vào đời Vua Hùng thứ 18). Tới thời Tiền Lê, đền được xây dựng mở rộng thành năm cung và bốn ban thờ Công Đồng khang trang và được liệt vào “Tứ cố cảnh”. Từ cuối thế kỷ 13, đền Đồng Bằng còn là nơi tưởng niệm Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng các danh tướng Hoàng thân Quốc thích nhà Trần trong 3 lần đại phá quân Nguyên Mông và lập nên 8 trang Đào Động xưa.
Hội kéo dài từ ngày 20 đến 26 tháng 8 âm lịch. Hội đền Đồng Bằng là một hội tứ phủ lớn trong vùng. Đây là dịp tập hợp lớn nhất của các ông đồng, bà cốt từ khắp mọi miền. Vào ngày 20 tháng 8, diễn ra các nghi lễ trong đền Đồng Bằng của hội tứ phủ. Tất nhiên, trong các ngày sau đó tại đây vẫn tiếp tục những nghi thức này, song vào ngày 20 tháng 8 sinh hoạt hội tứ phủ vương mẫu là nhộn nhịp nhất. Sáng ngày 21 tháng 8 dân làng tiến hành rước bài vị các thần ra đình bơi. Đám rước vô cùng long trọng và uy nghi, tôn kính. Khi bài vị các thần đã dâng bày lên hương án, khói ngang nghi ngút, việc cúng lễ bắt đầu. Người ta tin rằng như vậy đức vua cha cùng các vị thần khác sẽ về ngự để xem làng đua thuyền. Qua ngày 22 tháng 8 người ta tổ chức bơi thăm thẻ. Hội bơi kéo dài suốt mấy ngày cho đến chiều ngày 25 tháng 8 làng tổ chức lễ cất trải và trao phần thưởng cho tích nào thắng cuộc.
Ngoài tục bơi trải nổi tiếng lễ hội còn tổ chức các trò vui khác trước và sau cuộc bơi như múa lân, hát chèo, đấu vật, đánh cờ tướng. Ngày 26 tháng 8 giã hội sau 6 ngày vui náo nức. Hội chấm dứt bằng một cuộc rước long trọng và thành kính. Đó là cuộc rước bài vị của vua và các thần hoàn cung về đền Đồng Bằng. Ngày hội kết thúc trong niềm phấn khởi và hy vọng một năm làm ăn thịnh vượng của dân làng.Trong lễ hội ngoài phần “lễ” là các nghi lễ tế thần, dâng hương, diễn lại tích xưa vua cha đi đánh giặc, còn phần “hội” cũng diễn ra khá sôi động với những trò chơi mang đậm tính dân gian như: hát văn, kéo co, bơi trải, chọi gà, cờ tướng... thu hút rất đông người dân tham gia. Đến với lễ hội, du khách không chỉ bái vọng mà còn được tham quan, chiêm ngưỡng nhiều đồ tế khí có giá trị, cùng các bài vị từ thời Nguyễn, những công trình kiến trúc đồ gỗ độc đáo như: cuốn thư, hoành phi, câu đối, đại tự... từ thời Khải Định, Bảo Đại vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn.
-
Làng Đồng Xâm xưa còn gọi là Đường Thâm thuộc huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, nay là xã Hồng Thái, Kiến Xương, Thái Bình. Theo một số nhà nghiên cứu thì đất làng Đồng Xâm đã có hơn 2000 năm lịch sử, xa xưa là một hòn đảo nhỏ có tên Đảo Vông, nay vẫn còn dấu tích tên chợ Vông, sông Vông.
Đồng Xâm mang nét đẹp từ tên gọi nhuốm màu sắc dã sử với những huyền thoại xung quanh ngôi đền Đồng Xâm. Ngoài nghề chính là nghề nông làng còn có nghề chạm bạc nổi tiếng từ lâu đời. Vào đời vua Thuận Thiên năm thứ 2 (1429) nghệ nhân nghề chạm bạc tên là Nguyễn Kim Lâu theo thuyền dọc sông Trà Lý về lập nghiệp ở đây. Ông đã truyền nghề chạm bạc cho dân làng, trải qua nhiều thời kỳ đến nay nghề vẫn được duy trì và ngày càng phát triển. Để tỏ lòng biết ơn người đã có công khai sáng làng nghề, những người thợ chạm bạc ở Đồng Xâm đã tôn cụ là sư tổ nghề; lập đền thời và ngôi đền nằm ở làng Thượng Gia (Đồng Xâm) xã Hồng Thái. Và trong am thờ có tượng Nguyễn Kim Lâu bằng đồng.
Người làng Đồng Xâm còn lưu giữ được những sản phẩm thể hiện được tài năng, trí tuệ và sự khéo léo của những người thợ lớp trước như bộ lưu đỉnh bằng bạc, tranh xuân, hạ, thu, đông, tranh tứ bình…xưa nay khách sành chơi hàng vàng bạc đều đánh giá thợ Đồng Xâm khéo tay. Hàng bạc Đồng Xâm dáng thanh thoát, chạm truốt tinh xảo, đường ve, nước vuốt chuẩn mực đến từng chi tiết nhỏ như hạt kê, có độ chênh bong cao, đáp ứng mọi nhu cầu của mọi khách hàng khó tính nhất. Nghề chạm bạc Đồng Xâm phát triển mạnh nhất là vào nửa cuối thế ký XIX và những năm đầu thế kỷ XX, lần đầu tiên hàng chạm bạc Đồng Xâm được xuất ra nước ngoài: Anh, Pháp, Bỉ, Trung Quốc, Triều Tiên, Thái Lan, Lào…
Đền thờ tổ nghề được xây dựng rất sớm, năm 1938 tiến hành đại tu. Đền Đồng Xâm là cả một quần thể di tích có quy mô hoành tráng, rộng lớn trong đó thờ Triệu Vũ Đế, đền thờ Trình thị Hoàng hậu (vợ vua Triệu Vũ Đế) và đền thờ Nguyễn Kim Lâu (vị tổ nghề chạm bạc cổ truyền) cùng hệ thống đền chùa nằm kề sông Vông. Trung tâm của đền Đồng Xâm là một tổng thể kiến trúc đồ sộ với gần 10000m2 xây dựng với nhiều công trình kiến trúc hùng vĩ và tuyệt đẹp như Vọng Lâu, Thuỷ toạ, Hoành mã, Sân tế, toà tiền tế, phương đình, toà điện thờ, hậu cung, nhà thờ tổ sư nghề chạm bạc.
Từ xa xưa Đồng Xâm đã có lệ mở hội vào dịp cuối tháng ba, đầu tháng tư âm lịch (ngày nay chỉ tập trung vào các ngày một, hai, ba tháng tư). Lễ hội Đồng Xâm cuốn hút rất đông khách thập phương về dự bởi có nhiều trò chơi, trò diễn dan gian. Đặc biệt lễ hội là dịp các phường bạc ở khắp nơi về tế tổ Nguyễn Kim Lâu và đem sản phẩm bày cáo yết tổ nghề. -
Đền Tiên La là ngôi đền thờ Bát Nàn tướng quân (tướng quân phá nạn cho dân, có nơi gọi là "bát nạn" hay "bát não") Vũ Thị Thục (sinh năm 17, mất năm 43), một nữ tướng của Hai Bà Trưng có công đánh Tô Định. Đền Tiên La tọa lạc tại thôn Tiên La, xã Đoan Hùng (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) trên một diện tích khoảng 4000 m². Mặt trước đền hướng ra phía con sông Tiên Hưng.
Trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay đền có quy mô lớn và đẹp, bao gồm nhiều công trình như hệ thống cổng đền, tòa tiền tế, tòa trung tế, thượng điện và hệ thống sân đền... Tòa điện bái đường và thượng điện của đền được kiến trúc bằng vật liệu gỗ tứ thiết, nội thất được chạm trổ long - lân - quy - phượng, đan xen với thông - trúc - cúc - mai.
Tòa điện trung tế là công trình kiến trúc đặc sắc được xây dựng theo kiểu phương đình, kiến trúc theo lối "chồng diêm cổ các". Điều đặc biệt là toàn bộ vật liệu xây dựng ở tòa bái đường đều làm bằng đá như hệ thống cột, xà, kèo... Tất cả đều được chạm trổ công phu. Ngoài ra, đền Tiên La còn lưu giữ được nhiều đồ tế khí có giá trị thẩm mỹ niên đại từ thời Lê, các tài liệu như thần tích và sắc phong thần thời Lê đến thời Nguyễn, bia đá, minh chuông.Lễ hội đền Tiên La để tưởng nhớ công ơn Bát Nạn Tướng Quân, được tổ chức vào các ngày 15 đến 17 tháng 3 âm lịch. Ngày nay để phục vụ đông đảo du khách về dự hội ban tổ chức lễ hội đã mở hội từ ngày 10 đến 20 tháng 3 âm lịch. Chính hội là ngày 17, trùng ngày hy sinh của bà tướng là ngày 17 tháng 3 năm Quý Mão (năm 43). Phần hội có trò chọi gà, đấu vật, múa rồng, múa sư tử, đặc biệt là phần rước kiệu và một số trò chơi dân gian khác như đánh đáo, trọi gà, thổi sáo trúc. Ngoài ra, vào dịp lễ hội còn có nhiều đoàn văn hoá nghệ thuật của tỉnh Thái Bình và các tỉnh lân cận cũng đến biểu diễn các tiết mục văn hoá đặc sắc như các vở chèo: Quan âm Thị Kính; Lưu Bình - Dương Lễ, Phạm Tải - Ngọc Hoa...
-
Tọa lạc trên một gò đất cao nơi của biển Đại Bàng (nay gọi là cửa biển Thái Bình), đền Chòi hay còn gọi là đền Dinh, đền Tam Toà (xã Thụy Trường) được biết đến là chốn linh thiêng lâu nay được rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh ghé thăm. Đây cũng là một trong những công trình nằm trong cụm di tích lịch sử cấp Quốc gia: đền Chòi-chùa Bến-chùa Chỉ Bồ được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận vào năm 1989, nhờ lưu giữ nhiều giá trị lịch sử văn hoá và có quy mô kiến trúc rất độc đáo.
Từ ngoài vào trong, đền Chòi là một quần thể di tích được tạo bởi các công trình: cổng đền, hai dãy nhà chè, toà điện tiền tế, toàn điện đệ nhị, toà điện hậu cung ....được làm và trùng tu vào các năm 1907 và 1941. Nội thất được trang trí, điêu khắc công phu, nhiều mảng chạm rất tinh xảo mang phong cách thời Lê có giá trị nghệ thuật cao. Đặc biệt, trong đền hiện còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự, tế khí, bát biểu, nhang án, 17 sắc phong của các đời vua rất quý giá. Những năm qua, nhờ tấm lòng công đức của người dân địa phương, con em xa quê, khách thập phương, xã Thụy Trường đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng tu bổ, nâng cấp nhiều hạng mục công trình của khu di tích đền Chòi.
Lễ hội chính của đền Chòi được mở vào ngày mùng 2 tháng 7 âm lịch hàng năm. Chính yếu tố: là ngôi đền thờ thần linh gắn với những câu chuyện kỳ bí, thực hư về các vị thần đã khiến đền Chòi trở thành một điểm du lịch văn hoá tâm linh hấp dẫn. Theo lời các bậc cao niên, ngôi đền này rất linh thiêng, trước ngày mở và sau ngày đóng hội đền đều có những trận mưa rào rất lớn. Vào dịp lễ hội, hàng ngàn du khách ở khắp các tỉnh thành trong cả nước tìm về dâng hương tế lễ, tìm hiểu những giá trị văn hoá, giá trị lịch sử của ngôi đền. Trong lễ hội, chính quyền địa phương còn tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian tạo không khí vui tươi, phấn khởi để nhân dân cùng tham gia, tăng thêm tình đoàn kết xóm làng. -
Làng Quang Lang thuộc xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy. Theo các cụ già kể lại thì làng Quang Lang có cách đây hơn 2000 năm. Từ cổ xưa đến nay Quang Lang là một làng nằm kề biển, không có ruộng cấy, thành phần dân cư chủ yếu là ngư dân và diêm dân. Thưở xưa hàng năm làng có bốn kì hội lớn. Cuối tháng giêng có hội rước nước cầu vọng, trung tuần tháng hai có hội vật trâu, trung tuần tháng bảy có hội rước nước gắn với tục tế lễ, thờ cúng ngày sinh, ngày hóa của thành hoàng làng. Đặc biệt ở chùa Hưng Quốc diễn ra lễ hội thờ bà Chúa Muối, gắn với tục múa Ông Đùng Bà Đà theo sự lệ cổ xưa đã được ghi trong thần tích.
Hàng năm trước ngày khai hội dân làng Quang Lang đã phải chuẩn bị nhiều việc trong đó có tục múa ông Đùng bà Đà được chuẩn bị khá công phu. Người ta lấy nia (có đường kính 1m) vẽ mặt ông Đùng, bà Đà, mặt ông Đùng vẽ đỏ, mặt bà Đà vẽ tráng. Thân ông Đùng bà Đà, là những rọ tre đan sơ sài. Ngoài ông, bà là một số hình nộm trẻ con, có trai có gái tượng trưng cho con cái của ông Đùng, bà Đà có mặt bằng mẹt (đường kính 0,5 – 0,6m), thân bằng rọ tre. Trên tai của bà Đùng và tai con gái được đeo hoa mò màu đỏ, dân Quang Lang gọi là hoa ông Đùng. Theo thuyết của các nhà phù thủy hoa này dùng để trừ ma quỷ. Tục múa ông Đùng, bà Đà thường diễn ra vào xẩm tối ngày 14 tháng 4. Sau lễ thánh mẫu ở đền bà chúa Muối, người lớn đóng ông Đùng, bà Đà, trẻ con đóng Đùng con cùng nhảy múa. Ông Đùng vác gốc dứa, bà Đà cầm mo nang, có lúc giáp mặt, có lúc ghé tai, có lúc hô: “tinh, tinh, tinh, phập!” thì lấy gốc dứa dâm vào mo cau...Từ sân đền ông Đùng bà Đà chyaj ra đường làng, dân làng bày ngô, khoai, chuối, bánh ra mẹt để trước cửa, để đầu ngõ khi đoàn múa điq ua thì tung quà cho Đùng con...Trong lúc các Đùng con tranh nhau quà thì Đùng bố Đùng mẹ lại làm trò dúi gốc dứa vào mo cau...Đoàn múa ông Đùng bà Đà chạy một vòng quanh làng thì trở lại đền, tại đây dân làng tranh nhau giật lấy những thứ trên người ông Đùng bà Đà về làm khước.
Hội làng Quang Lang là lễ hội có quy mô, diện tích rộng, được tổ chức tại làng Quang Lang xã Thụy Hải huyện Thái Thủy tỉnh Thái Bình. Lễ hội diễn ra vào ngày 14/4 và 14/6 âm lịch, hội chính ngày 14/4 âm lịch hàng năm. Đền thờ ông Đùng – bà Đà, Bà Chúa Muối đệ tam cung phi vua Trần Anh Tông. Lễ hội bao gồm các trò chơi dân gian như trọi gà, đi cầu kiều, bắt lươn, bắt vịt,....
-
Là một trong những lễ hội lớn vào mùa thu của tỉnh Thái Bình, hằng năm cứ vào ngày mùng 7 đến mùng 9 tháng 9 âm lịch dân làng Thuyền Quang và gần 10 làng lân cận cùng vào hội đền Cun (Côn Giang) mở hội để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc Quách Hữu Nghiêm. Đền Côn Giang nằm cạnh ngã ba sông Côn (tên tục gọi là ngã ba Cun) trên địa phận làng Thuyền Quang, nay là xã Thái Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Đền thờ vị anh hùng dân tộc Quách Hữu Nghiêm (cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI) quê ở Thuyền Quang, là người có công đầu trong việc ngoại giao đi xứ Trung Quốc thời hậu Lê.
Quách Hữu Nghiêm sinh ngày 3 tháng 10 năm Nhâm Tuất (1442). Tất cả anh em nhà ông (mà người anh cả là Quách Đình Bảo) đều theo học quan Tế tử Quốc tử giám Nguyễn Thành. Năm 1466, niên hiệu Quang Thuận thứ 7, đời vua Lê Thánh Tông, ông thi đình đỗ Hoàng giáp, là một trong ba người đỗ đầu khoa thi đó. Sau một thời gian làm quan ở Hàn lâm viện, ông được cử giữ chức Tả thị lang bộ Lễ. Năm 1484, ông được phong phó Đô ngự sử Ngự sử đài. Năm Canh Thân (1500), ông được thăng Thái thường tự khanh. Năm 1502, ông được cử làm Chánh sứ đi sứ nhà Minh.
Lúc còn trẻ tài cao, hai anh em ông làm quan đồng triều, trải nhiều chức vụ cao. Năm Canh Tuất 1490, ông làm Phó đô ngự sử, rồi thăng Đô ngự sử và từng được giao nhiệm vụ coi việc thi Đình, làm Đề điệu trông coi hai khoa thi Đình năm Quý Sửu 1493, Bính Thìn 1496 (wikipedia). Ông mất vào ngày 9/9 năm 1504 sau khi hoàn thành việc đi sứ Trung Quốc, trên đường thủy về nước khi thuyền vào sông Trà Lý rồi đến ngã ba sông Cun, ông lâm bệnh qua đời. Dân làng mai táng, lập đền thờ ông.
Đền Côn Giang là một ngôi đền cổ kính hàng trăm năm tuổi, được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc Gia năm 1989. Đặc biệt khi đến với đền, hình ảnh hai cây bàng cổ thụ ở trước sân đền chính với vẻ đẹp vừa uy nghi, vừa cổ kính. Hai cây bàng như hai vị thần Hộ Pháp đứng uy nghi quy tụ linh khí của trời đất bảo vệ đền thiêng và tỏa bóng mát chở che cho con người. Theo khảo sát của Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam hai cây bàng này có độ tuổi là 375 năm và gốc cây có đường kính 85cm và 97cm. Trên thân có rất nhiều u, bướu chính là những vết sẹo lồi lõm đã được thời gian, mưa nắng bồi đắp mà thành. Năm 2013, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam trao bằng công nhận hai cây bàng ở đền là Cây Di sản Việt Nam.
Hàng năm vào ngày mùng 7 – 9/9 âm lịch dân làng Thiên Quang và gần 10 làng lân cận cùng vào hội đền Cun (Côn Giang) mở hội để tưởng nhớ ông. Từ sáng mùng 7, có cuộc rước Thánh về 12 đình, chùa, lăng miếu trong làng rồi rước về đền. Trước đây hoạt hội rất phong phú với nhiều trò chơi dân gian truyền thống: cờ tướng, chọi gà, tổ tôm điếm, vật keo, võ gậy…nhưng hiện nay trò võ gậy, vật keo không còn được tổ chức.