Top 9 Lưu ý quan trọng nhất đối với người bị huyết áp thấp

Bùi Thị Phương Thảo 46 0 Báo lỗi

Huyết áp thấp là một căn bệnh khá phổ biến, xuất hiện ở nhiều người. Vậy huyết áp thấp là bao nhiêu, những người bị huyết áp thấp cần lưu ý điều gì? Sau đây ... xem thêm...

  1. Trị số huyết áp thường bao gồm 2 thông số là huyết áp tâm thu huyết áp tâm trương (thể hiện trên máy đo huyết áp điện tử là số trên - huyết áp tâm thu và số dưới - huyết áp tâm trương). Với người bình thường huyết áp dao động quanh khoảng 120/80 mmHg (120 mmHg là huyết áp tâm thu; 80mmHg là huyết áp tâm trương).


    Khi đo huyết áp, nếu chỉ số huyết áp tâm thu nhỏ hơn 90 mmHg và (hoặc) huyết áp tâm trương nhỏ hơn 60 mmHg đo được khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi thì được coi là huyết áp thấp. Huyết áp thấp là tình trạng vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy lên não bị hạn chế, dẫn đến mức huyết áp giảm đột ngột.


    Một người khỏe mạnh bình thường đo huyết áp thấp thường không có triệu chứng gì và không cần điều trị bởi vì nó không phải là bệnh. Tuy nhiên, nếu đã được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán mắc bệnh huyết áp thấp, hoặc khi huyết áp đột ngột giảm xuống dưới 90/60 mmHg thì người bệnh cần được theo dõi và điều trị. Đối với những người già, người có bệnh mạn tính nếu đo huyết áp ở mức thấp nên được quan tâm và điều trị, bởi điều này có thể gây nguy hiểm do không đủ tưới máu cho não và các cơ quan khác trong cơ thể.

    Bệnh huyết áp thấp
    Bệnh huyết áp thấp
    Tìm hiểu về bệnh huyết áp thấp

  2. Khi các chỉ số huyết áp giảm đột ngột, người bệnh sẽ có các triệu chứng sau:

    • Cảm giác hoa mắt hoặc chóng mặt. Triệu chứng này thường xuất hiện vào những lúc bạn thay đổi tư thế đột ngột như đứng dậy sau khi ngồi quá lâu, ngồi bật dậy khi đang nằm, hoặc khi đứng trong nhiều giờ liền. Khi đó bạn sẽ cảm thấy mọi vật thể như đang xoay tròn xung quanh và không thể kiểm soát được.
    • Đau đầu dữ dội hoặc mê sảng. Cơn đau đầu sẽ nặng hơn sau mỗi lần não căng thẳng hoặc hoạt động thể lực nặng. Mỗi người có mức độ và tính chất đau đầu khác nhau, thường đau nặng hơn ở vùng đỉnh đầu. Có lúc đau ở mức độ nặng hơn, vừa đau vừa bị tê nhức.
    • Ngất. Khi bị hạ huyết áp ở mức độ nghiêm trọng bệnh nhân có thể sẽ có triệu chứng của ngất. Nếu không kịp phòng tránh việc rơi vào cơn ngất đột ngột sẽ dẫn đến gãy xương và chấn thương cơ thể khác.
    • Giảm tập trung. Khi cơ thể hạ huyết áp thì máu sẽ không đủ cung cấp đến não với như bình thường, từ đó khiến các tế bào não không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng để hoạt động bình thường. Chính điều này là nguyên nhân gây cản trở khả năng tập trung ở người huyết áp thấp.
    • Mờ mắt. Những người bị huyết áp thấp nghiêm trọng, sẽ xuất hiện dấu hiệu mất thính giác, thị lực bị giảm làm mờ mắt. Tình trạng mờ mắt đột ngột có thể gây nguy hiểm nếu như bạn đang di chuyển trên đường. Trong trường hợp này, cách tốt nhất là bạn nên tìm một chỗ ngồi xuống và nghỉ ngơi, cho đến khi huyết áp và thị lực trở lại bình thường.
    • Buồn nôn. Cảm giác lợm giọng và buồn nôn là dấu hiệu khi huyết áp bị thấp. Biện pháp khắc phục hiệu quả là bạn nên nhấm nháp một ít nước chanh như vậy sẽ giảm cảm giác buồn nôn.
    • Da lạnh, ẩm hoặc nhợt nhạt. Khi huyết áp thấp, chân tay của bạn thường có cảm giác bị tê cóng và lạnh ở bên trong cơ thể do cơ thể bạn không thể duy trì việc tưới máu và cung cấp oxy đến da, gây giảm thân nhiệt.
    • Nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh, nông. Khi huyết áp xuống quá thấp, cơ thể bạn bị thiếu oxy nghiêm trọng, điều này khiến trái tim và phổi phải tăng cường hoạt động để bù đắp phần thiếu hụt gây nên tình trạng nhịp tim nhanh và nhịp thở nhanh, khó thở. Thở dốc, nói như hụt hơi dễ xuất hiện sau khi leo lên cầu thang hay làm việc nặng, khi thay đổi tư thế có thể choáng váng, xây xẩm mặt mày...
    • Mệt mỏi. Dấu hiệu này thường xuất hiện vào buổi sáng, người bệnh thường cảm thấy tinh thần mệt mỏi, chân tay tê buồn rã rời không có sức sống. Nếu được nghỉ ngơi hoặc ngủ một giấc ngắn thì tình hình sẽ tốt hơn.
    • Trầm cảm. Bệnh nhân huyết áp thấp thường có tâm trạng uể oải, buồn bã và rất dễ bị trầm cảm.
    • Cảm giác khát. Khi huyết áp giảm, cơ thể sẽ nhận được một tín hiệu từ não để uống nhiều nước hơn, việc bổ sung thêm nước sẽ giúp tăng huyết áp.
    Biểu hiện khi tụt huyết áp
    Biểu hiện khi tụt huyết áp
    Dấu hiệu tụt huyết áp
  3. Huyết áp luôn chuyển động chứ không giữ nguyên ở một con số nhất định. Tuy nhiên, một số tình trạng y tế nhất định sẽ gây ra hạ huyết áp kéo dài và khiến nó trở nên nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời.


    Các nguyên nhân gây huyết áp thấp có thể bao gồm:

    • Huyết áp thấp sinh lý do di truyền hoặc do sống ở vùng núi cao.
    • Suy giảm chức năng của tim dẫn đến tim co bóp yếu, lưu thông máu kém.
    • Hệ thống thần kinh thực vật không tự điều chỉnh được dẫn đến tụt huyết áp tư thế và một số hormone trong cơ thể có nhiệm vụ kiểm soát mạch máu hoạt động không bình thường.
    • Khi không đủ thể tích máu trong lòng mạch cũng gây huyết áp thấp. Điều này xảy ra khi cơ thể bị mất máu hoặc mất nước kéo dài, nghĩa là cơ thể không có đủ lượng dịch cần thiết để lưu thông.
    • Huyết áp thấp ở phụ nữ mang thai khá phổ biến do nhu cầu máu từ cả mẹ và thai nhi gia tăng.
    • Giãn tĩnh mạch: đó là nguyên nhân khá thường gặp. Ở người bị giãn tĩnh mạch, thể tích máu giảm vì thành mạch máu bị giãn nở và chất lượng kém. Người bị giãn tĩnh mạch đứng 30 phút có thể mất một lượng máu khoảng 1 lít do máu tụ lại ở phần dưới của cơ thể.
    • Rối loạn nội tiết như tiểu đường, suy thượng thận và bệnh tuyến giáp.
    • Hạ huyết áp do kiệt sức, do nhiệt hoặc cảm nhiệt.
    • Bệnh tiểu đường hoặc lượng đường trong máu hạ thấp (hạ đường huyết).
    • Tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là các loại thuốc điều trị bệnh tim, thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm, thuốc giãn mạch,...
    • Cuộc sống căng thẳng kéo dài, môi trường ô nhiễm, khuynh hướng lạm dụng độc chất, tình trạng béo phì, tình trạng suy dinh dưỡng... đều có thể gây ra bệnh huyết áp thấp.
    • Ngoài ra người cao tuổi cũng thường có nguy cơ cao mắc bệnh huyết áp thấp cao hơn so với những người trẻ. Do ở người già, mạch máu trở nên cứng đi, kém đàn hồi nên thể tích máu sẽ giảm đi sau khi ăn, vì một lượng lớn máu tập trung về dạ dày giúp cho quá trình tiêu hóa.

    Huyết áp có thể giảm đột ngột trong các trường hợp sau:

    • Mất máu cấp do xuất huyết
    • Mất nước: do ói mửa, do nóng hoặc do tập thể dục nặng mà không bù đủ nước (chạy marathon)
    • Nhiệt độ cơ thể quá cao có thể sốc nhiệt
    • Nhiệt độ cơ thể hạ thấp - hạ thân nhiệt
    • Sốc phản vệ
    • Nhiễm trùng máu
    • Phản ứng dị ứng trầm trọng
    Nguyên nhân gây huyết áp thấp
    Nguyên nhân gây huyết áp thấp
    Nguyên nhân gây tụt huyết áp
  4. Huyết áp thấp là căn bệnh phổ biến ở nhiều người. Tuy nhiên, dưới đây là các đối tượng dễ bị huyết áp thấp, cần lưu ý và có biện pháp phòng tránh thích hợp:

    • Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai không chỉ đối diện với nguy cơ huyết áp cao (người ta gọi là tăng huyết áp thai kỳ) mà còn phải đối diện với nguy cơ huyết áp thấp. Điều này là hết sức bình thường, các trị số huyết áp có thể trở lại bình thường như trước thời kỳ mang thai sau khi người phụ nữ sinh con.
    • Người bị các vấn đề về tim: Một số bệnh nhân bị tim mạch có thể dẫn đến huyết áp thấp bao gồm nhịp tim rất thấp (nhịp tim chậm), các vấn đề van tim, đau tim và suy tim. Các điều kiện này có thể gây hạ huyết áp, vì ngăn chặn cơ thể có thể lưu thông máu đủ.
    • Người mắc các bệnh về nội tiết: Đó là những người có tuyến giáp kém, hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức. Ngoài ra, một số người bị suy thượng thận (bệnh Addison), đường huyết thấp (hạ đường huyết) và trong một số trường hợp, bệnh tiểu đường có thể gây ra huyết áp thấp.
    • Người bị mất nước: Khi cơ thể bị mất nước, có thể dẫn đến tình trạng cơ thể yếu, chóng mặt và mệt mỏi. Sốt, nôn mửa, tiêu chảy nặng, lạm dụng thuốc lợi tiểu và tập luyện vất vả tất cả có thể dẫn đến mất nước.
    • Người bị mất máu: Mất máu do ảnh hưởng của vết thương lớn hoặc chảy máu nội bộ sẽ làm giảm lượng máu trong cơ thể, dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng về huyết áp.
    • Người bị nhiễm trùng nặng: Nhiễm trùng trong cơ thể đi vào máu có thể dẫn đến hiện tượng nhiễm khuẩn huyết, từ đó có thể dẫn đến đe dọa mạng sống, huyết áp giảm được gọi là sốc nhiễm khuẩn.
    • Người bị dị ứng trầm trọng (hay còn gọi là sốc phản vệ). Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, và có thể gây khó thở, nổi mề đay, ngứa, sưng cổ họng và hạ huyết áp.
    • Người bị thiếu chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống: Tình trạng thiếu các vitamin B12 và folate có thể gây ra thiếu máu, do cơ thể không sản xuất đủ các tế bào máu đỏ, là nguyên nhân huyết áp thấp.
    • Người phải sử dụng thuốc điều trị: Một số loại thuốc có thể gây tác dụng phụ là giảm huyết áp như thuốc lợi tiểu (thuốc nước), alpha blockers, Beta blockers, thuốc cho bệnh Parkinson, một số loại thuốc chống trầm cảm (thuốc chống trầm cảm ba vòng), Sildenafil (Viagra), đặc biệt kết hợp với một thuốc tim, nitroglycerine.
    Tình trạng huyết áp thấp ở mẹ bầu
    Tình trạng huyết áp thấp ở mẹ bầu
    Huyết áp thấp do thiếu máu
    Huyết áp thấp do thiếu máu
  5. Nhiều người lo sợ về tình trạng huyết áp cao, nhưng ít ai biết rằng huyết áp thấp cũng rất nguy hiểm. Các bác sĩ tim mạch khuyến cáo, bất kỳ sự tăng - giảm huyết áp nào so với mức bình thường cũng đều mang đến những nguy cơ xấu đối với sức khỏe của con người. Tình trạng huyết áp thấp lâu ngày, có thể khiến bạn đứng trước những biến chứng vô cùng nguy hiểm khó ngờ tới như:

    • Suy giảm trí nhớ, đột quỵ não, teo não, nhũn não. Não bộ kém được nuôi dưỡng khiến các tế bào noron thần kinh nhanh bị thoái hóa và chết đi không hồi phục, điều này có thể gây teo não, nhũn não, suy giảm trí nhớ và làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu não khi về già. Nhiều trường hợp huyết áp thấp có thể dẫn tới tai biến mạch máu não - trong đó phần lớn là nhồi máu não, tỷ lệ này chiếm khoảng 30%.
    • Tim đập nhanh, hồi hộp bất thường.
    • Lơ mơ, lú lẫn, mất ý thức hoặc thậm chí là ngất xỉu.
    • Mắc các bệnh mãn tính như suy tim, suy thận. Huyết áp thấp làm giảm lưu lượng máu đến mọi cơ quan, làm ảnh hưởng chung đến toàn bộ các chức năng của cơ thể, tim phải làm việc nhiều hơn, thận không thể thanh lọc và đào thải cặn bã ra khỏi cơ thể, lâu dần suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim là điều khó tránh khỏi.
    • Tử vong do sốc khi tụt huyết áp đột ngột. Khi chỉ số huyết áp tụt giảm xuống mức quá thấp, hầu như các cơ quan trong cơ thể bị thiếu hụt một lượng máu nghiêm trọng, điều này sẽ gây ra một tình trạng gọi là sốc với các biểu hiện: da xanh, tím tái, vã mồ hôi lạnh, choáng váng, thở nông, nhịp tim nhanh, trống ngực, ngất… Người bệnh có thể tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời.
    • Huyết áp thấp ở người già còn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như xơ cứng động mạch, đau tim, tắc mạch máu não, thiếu máu não. Đối với một số người bị yếu tim, tim đập nhanh, khó thở, chỉ cần hoạt động nhẹ thì tim đã đập loạn xạ. Ngoài ra, huyết áp thấp còn gây rở ngại đối với việc cung cấp máu cho não, hoặc trở ngại đối với việc cung cấp máu cho tim thì vấn đề đã vô cùng nghiêm trọng.
    Biến chứng của bệnh huyết áp thấp
    Biến chứng của bệnh huyết áp thấp
    Huyết áp thấp nguy hiểm như thế nào ?
  6. Để sơ cứu nhanh, hiệu quả cho người bị tụt huyết áp hay gặp bất cứ biến chứng sức khỏe đột ngột nào, tâm lý bình tĩnh, xử lý tình huống dứt khoát là rất quan trọng. Nếu không nắm rõ các biện pháp sơ cứu, cần nhờ người có khả năng sơ cứu, nếu thực hiện sai có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như: nhồi máu cơ tim, suy thận, đau thắt ngực, tai biến mạch máu não,…


    Đầu tiên, cần kiểm tra người bệnh có tiền sử bệnh tiểu đường hay không, nếu không thì loại bỏ khả năng do hạ đường huyết. Xử trí khi bị tụt huyết áp thực hiện như sau:

    • Từ từ đặt bệnh nhân nằm xuống bề mặt phẳng, nếu không thì ngồi dựa vào ghế, dùng gối kê đầu và chân sao cho chân cao hơn đầu.
    • Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, cho bệnh nhân ăn socola, kẹo ngọt hoặc trà gừng, nước sâm, chè đặc,… để bảo vệ thành mạch máu, giúp huyết áp trở lại bình thường. Sau đó bệnh nhân cần được uống nhiều nước lọc để kích thích tim đập, nâng chỉ số huyết áp trở về mức bình thường.
    • Kiểm tra nếu bệnh nhân mang theo thuốc điều trị huyết áp thấp do bệnh lý tim mạch, huyết áp thì cho bệnh nhân uống.
    • Nên day huyệt thái dương khoảng 10 phút với mức độ mạnh dần. Dùng hai ngón tay vuốt từ giữa trán sang hai bên phối hợp cùng day huyệt thái dương như trên.
    • Khi bệnh nhân đã tỉnh táo hơn, đỡ bệnh nhân ngồi dậy từ từ, tập cử động chân tay để tránh choáng váng cơ thể.
    • Nếu người bệnh vẫn gặp triệu chứng khó chịu, thậm chí xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm như hôn mê, lú lẫn, mất thăng bằng, mất tri giác,… thì cần đưa người bệnh tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

    Với những người huyết áp không ổn định, thường xuyên tụt huyết áp hoặc huyết áp cao bất thường thì cần thường xuyên theo dõi tại nhà. Bác sĩ có thể kê thuốc để bệnh nhân sử dụng khi huyết áp bất thường, người nhà người bệnh nên nắm rõ các triệu chứng và cách xử trí khi bị tụt huyết áp để áp dụng bất cứ khi nào.

    Cách xử trí khi bị tụt huyết áp
    Cách xử trí khi bị tụt huyết áp
    Cách xử trí khi bị tụt huyết áp
  7. Hạ huyết áp là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của bạn đang bất thường, cần tìm ra nguyên nhân gây tụt huyết áp như: hạ đường huyết, thiếu dinh dưỡng, dùng thuốc điều trị gây tác dụng phụ, bệnh tim mạch,… để điều trị nghiêm túc để kiểm soát bệnh cũng như ngăn ngừa tụt huyết áp tái phát. Người bệnh cần:

    • Sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc (7-8h/ngày), giữ ấm cơ thể khi ngủ. Nằm ngủ nên gối đầu thấp, chân cao.
    • Người bị huyết áp thấp rất hay bị hoa mắt, chóng mặt mỗi, vì vậy khi muốn thay đổi tư thế cần vận động từng bước một, không trèo cao, duy trì vận động nhẹ nhàng vừa phải như đi bộ, cầu lông, bóng bàn.... Không nên hoạt động ngoài trời khi nhiệt độ đang lên cao.
    • Trước khi đứng dậy, bạn nên vươn vai vài cái và ngồi cạnh mép giường trong thời gian vài chục giây, sau đó hãy đứng dậy từ từ. Việc vươn vai và co cơ, giúp cho huyết áp bạn được tốt hơn. Để cho cơ thể của bạn có thời gian thích nghi với tư thế đứng sẽ giúp bạn tránh được cảm giác choáng váng.
    • Hạn chế các công việc nguy hiểm, làm việc trên cao, làm việc với máy móc hoặc lái xe,... Không làm việc quá sức hay dưới thời tiết nắng nóng.
    • Nên mang vớ (tất) ôm sát chân nếu bạn bị giãn tĩnh mạch.
    • Nên tắm nước nóng để tăng cường lưu thông máu nhưng không được tắm quá lâu.
    • Cố gắng giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, hạn chế căng thẳng và các cảm xúc tiêu cực khác như sợ hãi, buồn rầu, lo lắng, tuyệt vọng,… là cách để giữ trái tim khỏe mạnh, ngăn ngừa tụt huyết áp và biến chứng.
    • Nếu bạn bắt đầu dùng một loại thuốc mới như thuốc trợ tim, thuốc chống suy nhược... bạn cần đọc kỹ nhãn mác và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc, bởi lẽ một số loại thuốc chính là "thủ phạm" gây nên chứng huyết áp thấp.
    • Chú ý đến các biểu hiện bất thường của cơ thể, thường xuyên theo dõi huyết áp. Đặc biệt người già từ 50 tuổi trở lên cần phải theo dõi huyết áp thường xuyên vì họ rất dễ có nguy cơ chuyển từ huyết áp thấp thành tăng huyết áp (và ngược lại).
    • Thiết lập một chế độ ăn uống và tập luyện lành mạnh: nạp tất cả các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe; tránh những thói quen ăn uống không tốt như: bỏ bữa, ăn uống không đúng giờ giấc, thiếu hụt dinh dưỡng,…
    Người bị huyết áp thấp cần vận động nhẹ nhàng
    Người bị huyết áp thấp cần vận động nhẹ nhàng
    Điều trị và phòng ngừa huyết áp thấp đúng cách
  8. Người bị huyết áp thấp cần lưu ý một số chế độ dinh dưỡng như sau:

    • Ăn nhiều chất dinh dưỡng, đủ bữa, đặc biệt bữa sáng rất quan trọng. Các chuyên gia khuyên bạn nên ăn sáng với những thực phẩm tốt cho tim mạch và các loại nước hoa quả ép (nên thêm một chút muối) sẽ giúp máu lưu thông dễ dàng hơn. Để ngăn ngừa huyết áp giảm đột ngột sau bữa ăn, bạn nên chia nhỏ những bữa ăn thành nhiều lần trong ngày và cần cố gắng hạn chế những thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây, gạo, cháo, nui và bánh mỳ...
    • Nên ăn mặn hơn người bình thường. Người bị huyết áp thấp nên ăn 10-15g muối mỗi ngày.
    • Uống đủ lượng nước. Cần uống nước thước xuyên đủ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày kể cả khi không có cảm giác khát, để tăng thể tích máu, đảm bảo các hoạt động sống và trao đổi chất không bị gián đoạn. Nếu làm việc hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời gây mất nhiều mồ hôi, cần bổ sung nước nhiều hơn kết hợp với muối khoáng để tránh hiện tượng mất nước và hạ huyết áp.
    • Tránh sử dụng đồ uống có cồn.
    • Trong chế độ ăn uống hàng ngày cần bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa các thành phần như protein, vitamin C và tất cả các loại vitamin thuộc nhóm B rất có lợi. Nên hỏi ý kiến bác của sĩ trước khi bổ sung thêm một số loại vitamin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
    • Một số thức ăn đồ uống có tác dụng tăng huyết áp như: cà phê, nước chè đặc, nước sâm, nước ép củ cải đường tươi, bột tam thất, rau cần tây, hạt sen, long nhãn, táo tàu, quả dâu, nho khô, hạnh nhân, trà cam thảo, gừng, mật ong,... rất tốt cho việc kiểm soát huyết áp thấp. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng, sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu.
    • Không nên dùng những thức ăn có tính lợi tiểu như: rau cải, râu ngô, dưa hấu, bí ngô...; cà rốt, cà chua; các thực phẩm có tính hàn như: mướp đắng, dưa hấu, rau bina, dưa hấu, đậu đỏ, đậu xanh…

    Theo The Health Site, dưới đây là một số loại thực phẩm người bị huyết áp thấp nên đưa vào thực đơn hằng ngày:

    • Thực phẩm giàu vitamin B-12. Không đủ vitamin B-12 có thể dẫn đến thiếu máu, do đó có thể làm giảm mức huyết áp và gây ra mệt mỏi. Tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu B12 như trứng, thịt và men dinh dưỡng.
    • Thực phẩm giàu folate. Sự thiếu hụt folate cũng có thể góp phần gây ra bệnh thiếu máu. Vì vậy, hãy ăn nhiều thực phẩm giàu folate như măng tây, đậu, trái cây họ cam quýt, rau xanh, trứng và gan.
    • Trà cam thảo. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Anh đã tiết lộ rằng uống trà cam thảo có thể giúp tăng huyết áp.
    • Cà phê và trà chứa caffein. Caffeine có thể tạm thời làm tăng huyết áp bằng cách kích thích hệ thống tim mạch và tăng nhịp tim.
    • Sữa hạnh nhân. Ngâm 5 đến 6 quả hạnh nhân qua đêm, sáng hôm sau bóc vỏ, tán thành bột và đun sôi thành thức uống. Uống nước này hằng ngày để ngăn ngừa huyết áp thấp.
    • Nhai lá húng quế. Nhai khoảng 4 - 5 lá húng quế vào buổi sáng có thể giúp kiểm soát huyết áp vì rất giàu kali và magiê, giúp lưu thông máu, theo NDTV.
    • Dầu ô liu. Dầu ô liu rất giàu vitamin E, sắt và đồng, và đặc biệt là có vị hơi mặn, có thể làm tăng huyết áp.
    Thực phẩm giúp làm tăng huyết áp
    Thực phẩm giúp làm tăng huyết áp
    Chế độ ăn uống cho người bị huyết áp thấp
  9. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thuốc Đông Y, Tây Y được dùng để làm giảm tình trạng hạ huyết áp. Tuy vậy, người bệnh cần lưu ý rằng, chưa có một loại thuốc nào có hiệu quả lâu dài đối với tình trạng hạ huyết áp. Các biện pháp sử dụng thuốc chỉ mang tính chất điều trị triệu chứng. Dưới đây là một số thuốc chữa huyết áp thấp được dùng hiện nay, cần tìm hiểu kĩ càng và theo sự chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh các tác hại không mong muốn:


    Ephedrin: Ephedrin là thuốc thần kinh giao cảm, có tác dụng trực tiếp và gián tiếp lên các thụ thể Adrenergic.

    • Thuốc có tác dụng làm co mạch, tăng huyết áp nhờ tăng lưu lượng tim và co mạch ngoại vi.
    • Tuy nhiên, bệnh nhân khi dùng thuốc cần thận trọng vì thuốc có thể kích thích hệ thần kinh trung ương, gây khó ngủ hoặc mất ngủ, không dùng thuốc quá 7 ngày liên tục và không nên dùng cho trẻ dưới 3 tuổi.
    • Những người mắc bệnh suy tim và người bệnh đang sử dụng digitalis, người cao tuổi… lại càng phải thận trọng hơn khi cần sử dụng ephedrin để điều trị huyết áp thấp. Triệu chứng đánh trống ngực là tác dụng phụ thường gặp khi dùng ephedrin, còn ở người bệnh có cơ địa nhạy cảm, ngay cả khi sử dụng liều thấp, ephedrin cũng có thể gây mất ngủ, lo lắng và lú lẫn.

    Heptamyl: Heptamyl là loại thuốc trợ tim mạch, giúp tăng sức co bóp của tim, được sử dụng trong điều trị triệu chứng hạ huyết áp tư thế, đặc biệt trong trường hợp do dùng thuốc hướng tâm thần.

    • Lưu ý, thuốc không được sử dụng cho các trường hợp cường giáp, tăng huyết áp mãn tính. Với các vận động viên thi đấu, cần hạn chế dùng heptamyl do thuốc có chứa các hoạt chất gây kết quả dương tính trong các xét nghiệm kiểm tra sử dụng chất kích thích.

    Pantocrin: Pantocrin có dạng cồn nước, được bào chế từ nhung hươu có nguồn gốc từ Nga. Thuốc có tác dụng bồi bổ cơ thể, kích thích hoạt động co bóp của tim mạch.


    Fludrocortison: Thuốc Fludrocortison giúp làm tăng lưu lượng máu của cơ thể, nhờ đó làm giảm các triệu chứng của bệnh huyết áp thấp, ngăn ngừa tình trạng tổn thương các cơ quan, choáng, ngất… do thiếu máu.

    • Fludrocortisone là một loại glucocorticoid tổng hợp được dùng để điều trị hầu hết các loại huyết áp thấp. Thuốc huyết áp thấp này có thể hoạt động bằng cách cân bằng lượng muối và nước trong cơ thể bạn, do đó giúp giữ huyết áp ở mức ổn định.
    • Thuốc cũng thường được sử dụng để điều trị các bệnh tuyến thượng thận như bệnh Addison, suy tuyến thượng thận, hội chứng thượng thận sinh dục mất muối.
    • Tác dụng phụ: Fludrocortisone không gây buồn ngủ, nhưng nó có thể gây ra tác dụng phụ khác như huyết áp cao, sưng phù, suy tim do thuốc làm giữ muối và nước trong cơ thể bạn.
      Ngoài ra, fludrocortisone cũng làm giảm lượng kali trong cơ thể nên bạn có thể bị yếu cơ, viêm loét dạ dày, đau đầu, khó ngủ, tăng nhãn áp, tăng lượng đường trong máu và tăng cân.

    Midodrine: Midodrine có tác dụng co mạch máu ngoại vi nên thường được kê đơn trong trường hợp hạ huyết áp do giãn mạch.

    • Thuốc trị tụt huyết áp Midodrine kích hoạt các thụ thể trên các động mạch và tĩnh mạch nhỏ nhất để làm gia tăng huyết áp. Thuốc được sử dụng để giúp tăng huyết áp ở những người bị hạ huyết áp tư thế đứng liên quan đến rối loạn chức năng hệ thần kinh.
    • Midodrine thường là phương pháp điều trị cuối cùng sau khi bệnh nhân đã thực hiện nhiều phương pháp điều trị tự nhiên tại nhà, thậm chí mang vớ ép y khoa mà vẫn không thuyên giảm.
    • Tác dụng phụ của thuốc: (thường hiếm thấy song không phải là không có) Thuốc có thể khiến bạn gặp một số phản ứng nhẹ như ớn lạnh người, đau dạ dày, thường xuyên đi tiểu hoặc tiểu buốt. Các tác dụng phụ ít gặp hơn là khô miệng, chóng mặt, buồn ngủ hoặc chuột rút ở chân. Nếu bạn thấy các triệu chứng này có xu hướng xấu hoặc tệ đi, bạn hãy báo cho bác sĩ để được kịp thời điều trị.
      Ngoài ra, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ trầm trọng hơn như nhịp tim chậm, khó thở, lo lắng, mờ mắt, nhầm lẫn… Lúc này, bạn nên nhanh chóng báo cho bác sĩ biết nếu gặp bất cứ các triệu chứng nguy hiểm nào của thuốc.

    Thuốc tiêm chữa huyết áp thấp norepinephrine:

    • Thuốc dành cho người huyết áp thấp norepinephrine hoạt động bằng cách co hẹp các mạch máu để làm tăng huyết áp và mức đường huyết. Thuốc thường được sử dụng trong những trường hợp huyết áp của người bệnh hạ xuống mức có thể đe dọa đến tính mạng.
    • Thuốc norepinephrine được tiêm vào tĩnh mạch của bệnh nhân để chữa huyết áp thấp trong các trường hợp khẩn cấp do một số bệnh lý nhất định hoặc do phẫu thuật. Thuốc cũng thường được sử dụng trong CPR (hồi sức tim phổi).
    • Tác dụng phụ: Mặc dù là hiếm gặp, nhưng bạn có thể thấy một số tác dụng phụ và thậm chí là tử vong khi dùng thuốc norepinephrine. Bạn hãy nói bác sĩ ngay lập tức nếu có bất kỳ dấu hiệu như: phát ban, ngứa hoặc bong tróc da, đau thắt ngực hoặc cổ họng, khó thở, khàn giọng bất thường, sưng miệng, mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.
      Một số các dấu hiệu khác bạn có thể gặp phải là tim đập chậm, lo lắng, đau đầu, khó thở, tăng cân đột ngột…
    Thuốc điều trị huyết áp thấp
    Thuốc điều trị huyết áp thấp
    Thuốc điều trị huyết áp thấp
    Thuốc điều trị huyết áp thấp



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy