Top 10 Lưu ý quan trọng nhất về bệnh suy tim

Bùi Thị Phương Thảo 27 0 Báo lỗi

Suy tim là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp, có tỉ lệ mắc bệnh cao cùng với các biến chứng cấp tính nguy hiểm. Tuy nhiên, vẫn có thể phòng tránh rủi ... xem thêm...

  1. Có thể nói, tim là một trong những cơ quan quan trọng bậc nhất trong cơ thể con người. Nó được tạo thành từ một loại cơ đặc biệt, được gọi là cơ tim. Thông thường, tim người được chia thành 4 phần, bao gồm:

    • Ở nửa trên: tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải. Đặc điểm chung của hai tâm nhĩ này là có thành mỏng, được ngăn cách bởi vách liên nhĩ, nhĩ phải nhận nhiệm vụ đưa máu đổ về từ tĩnh mạch chủ trên và dưới xuống tâm thất phải, nhĩ trái nhận máu trở về từ phổi đưa xuống thất trái.
    • Ở nửa dưới: tâm thất trái và tâm thất phải. Các tâm thất thường có thành dày, được ngăn cách bởi vách liên thất, đảm nhiệm vai trò bơm máu vào động mạch. Tâm thất phải bơm máu vào động mạch phổi để máu nhận Oxy và thải khí CO2, tâm thất trái bơm máu lên cung động mạch chủ để máu đi nuôi khắp cơ thể.

    Tim là một phần vô cùng thiết yếu trong hệ thống tim mạch. Nó bơm oxy và máu giàu chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể để duy trì sự sống. Khi tim không thể cung cấp đủ máu cho các tế bào để đáp ứng các nhu cầu hoạt động của cơ thể tức là bạn đang đối mặt với căn bệnh suy tim.


    Suy tim được biết đến là một hội chứng lâm sàng phức tạp. Đây là tình trạng tim bị suy yếu do các tổn thương thực thể hay các rối loạn chức năng tim khiến cho tâm thất không có đủ khả năng tiếp nhận máu (suy tim tâm trương) hoặc tống máu (suy tim tâm thu).


    Người bị bệnh suy tim sẽ suy giảm khả năng hoạt động, suy giảm chất lượng sống, tùy từng mức độ sẽ cần sự hỗ trợ khác nhau. Các hoạt động hàng ngày như đi bộ, leo cầu thang hoặc mang vác đồ có thể trở nên khó khăn hơn khi người bệnh dễ bị mệt mỏi và khó thở. Khi bệnh nhân gắng sức, có thể xuất hiện tình trạng ứ dịch dẫn đến sung huyết phổi và phù ngoại vi. Ngoài ra, người bệnh bị suy tim nặng rất dễ tử vong do các rối loạn nhịp và các đợt suy tim mất bù.


    Suy tim có thể được phân loại theo các cách sau:

    • Theo vị trí của buồng tim: suy tim trái, suy tim phải và suy tim toàn bộ.
    • Theo chức năng sinh lý: suy tim tâm thu và suy tim tâm trương.
    • Theo cung lượng tim: cung lượng thấp (còn gọi là suy tim ứ huyết) và cung lượng cao.
    • Theo mức độ tiến triển: suy tim cấp tính và suy tim mạn tính.
    Suy tim
    Suy tim
    Bệnh suy tim

  2. Nguyên nhân gây suy tim rất đa dạng nhưng chủ yếu vẫn là do mắc các bệnh về tim. Một số nguyên nhân nền dẫn đến tình trạng suy tim:

    • Do mắc bệnh tim bẩm sinh có luồng thông trong tim: thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch, cửa sổ phế chủ,..
    • Có tiền sử nhồi máu cơ tim khiến tim có sẹo và làm giảm khả năng co bóp khiến chu trình bơm máu của tim bị ảnh hưởng.
    • Mắc các bệnh lý về van tim như: hẹp van tim gây tắc nghẽn như hẹp van động mạch chủ, hở van tim (hở van hai lá nặng, hở van động mạch chủ),…
    • Mắc bệnh động mạch vành: hội chứng vành cấp, thiếu máu cục bộ cơ tim; bệnh viêm cơ tim..
    • Bị rối loạn nhịp tim trong thời gian dài
    • Do mắc các bệnh mãn tính: Tăng huyết áp làm tăng áp lực lên tim và quả tim phải làm việc quá sức kéo dài, bệnh đái tháo đường, tuyến giáp, suy thận…
    • Tiền sử có cái rối loạn về di truyền hoặc trong gia đình có người có tiền sử mắc bệnh
    • Hoặc do bệnh nhân sử dụng thuốc để điều trị ung thư và các bệnh mạn tính khác…

    Bên cạnh đó, một số yếu tố thúc đẩy khiến tình trạng suy tim trở nặng bao gồm:

    • Chế độ ăn nhiều muối
    • Người bệnh không tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tự ý bỏ thuốc hoặc uống không đều, không đúng liều.
    • Bị nhiễm khuẩn
    • Thiếu máu
    • Người bệnh có thai
    • Dùng thêm các thuốc có thể làm nặng suy tim: chẹn canxi (verapamil, diltiazem), chẹn bêta, kháng viêm không steroid, thuốc chống loạn nhịp (nhóm I, sotalol).
    • Lạm dụng rượu.
    Nguyên nhân gây suy tim
    Nguyên nhân gây suy tim
    Nguyên nhân gây suy tim
  3. Các triệu chứng của suy tim có thể khác nhau ở mỗi người. Chúng có thể bắt đầu đột ngột hoặc phát triển dần dần trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

    Các triệu chứng phổ biến nhất của suy tim là:

    • Khó thở: khi vận động, gắng sức như đi bộ, leo cầu thang, bê vật nặng hoặc cả khi nghỉ ngơi, khi bị stress thể chất hoặc tinh thần; nặng hơn là khó thở khi nằm đầu thấp, khó thở kịch phát về đêm kèm theo ho khan khiến người bệnh tỉnh giấc.
    • Mệt mỏi: người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, yếu sức hầu trong hầu hết thời gian;
    • Sưng chân và mắt cá chân: do tình trạng tích nước, có thể nhẹ vào buổi sáng và nặng hơn vào cuối ngày.

    Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác như:

    • Ho dai dẳng có thể nặng hơn vào ban đêm, có khi ho ra máu hay bọt hồng
    • Thở khò khè
    • Đầy hơi, ăn mất ngon
    • Tăng cân hoặc sụt cân
    • Chóng mặt và ngất xỉu
    • Nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim hoặc đánh trống ngực
    • Một số người bị suy tim cũng có thể cảm thấy trầm cảm và lo lắng, mất ngủ.
    Người bệnh thường cảm thấy khó thở
    Người bệnh thường cảm thấy khó thở
    Các triệu chứng của bệnh suy tim
  4. Hiện nay, có nhiều tiêu chí để phân độ suy tim từ nặng đến nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, trên thế giới cũng như tại Việt Nam thì suy tim thường được phân độ theo Hiệp hội Tim mạch New York (NYHA).

    Theo NYHA, việc phân độ suy tim sẽ dựa vào mức độ hoạt động thể lực cũng như triệu chứng khó thở của bệnh nhân.

    • Dựa vào mức độ khó thở phân độ theo NYHA.
    • Dự vào diễn biến, tiến triển nguy cơ, biểu hiện lâm sàng phân theo giai đoạn: A - B - C - D

    Suy tim độ 1:

    Đây là giai đoạn suy tim nhẹ nhất, người bệnh hầu hết vẫn hoạt động thể lực và sinh hoạt một cách bình thường, không có các triệu chứng của suy tim như khó thở, mệt mỏi, hồi hộp kể cả khi hoạt động gắng sức. Đây là giai đoạn khó phát hiện nhất.


    Suy tim độ 2:

    Đây là giai đoạn suy tim nhẹ, các hoạt động thể lực và sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân sẽ có những hạn chế, giới hạn nhất định. Người bệnh cảm thấy khỏe mạnh hoàn toàn, không xuất hiện các triệu chứng khó chịu khi nghỉ ngơi, khi không làm việc nặng. Tuy nhiên, khi bệnh nhân có các hoạt động gắng sức, cần vận động nhiều thì thấy khó thở, mệt mỏi, hồi hộp đánh trống ngực.


    Suy tim độ 3:

    Đây là giai đoạn suy tim ở mức trung bình. Ở mức độ này, người bệnh đã bị hạn chế khá nhiều trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Khi bệnh nhân vận động gắng sức nhẹ thì các triệu chứng của suy tim sẽ xuất hiện như khó thở, mệt mỏi, hồi hộp và nếu bệnh nhân nghỉ ngơi thì các triệu chứng được thuyên giảm. Nếu suy tim độ 3 thì bệnh nhân đa số phải nhập viện điều trị thường xuyên.


    Suy tim độ 4:

    Đây là giai đoạn suy tim nặng nhất. Bất kỳ vận động hay sinh hoạt hằng ngày nào, dù là rất nhẹ hay kể cả khi nghỉ ngơi thì người bệnh vẫn thấy mệt mỏi, khó thở. Do đó, hoạt động thể lực bị hạn chế toàn bộ, sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng rất nhiều.


    Ngoài ra, suy tim cũng được phân độ theo mức độ khó thở và cũng tương ứng với phân độ của NYHA (giai đoan đổi thành độ):

    • Giai đoạn 0: không khó thở khi gắng sức. (Suy tim độ 0)
    • Giai đoạn 1: khó thở khi gắng sức. (Suy tim độ I)
    • Giai đoạn 2: không cần gắng sức cũng cảm thấy khó thở.
    • Giai đoạn 3: khó thở trong các hoạt động nhẹ nhàng thường ngày như đánh răng, rửa mặt.
    • Giai đoạn 4: khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi.

    Suy tim phân theo giai đoan:

    • Giai đoạn A: Nguy cơ suy tim, không có bệnh tim thực tổn hoặc triệu chứng suy tim như có bệnh tăng HA, đái tháo đường, bệnh xơ vữa động mạch vành...
    • Giai đoạn B: Có bệnh tim thực tổn nhưng không có triệu chứng suy tim ví dụ như có bệnh van tim, bệnh tim cấu trúc như thông liên nhĩ...
    • Giai đoạn C: Có bệnh tim thực tổn hiện tại hoặc trước kia nhưng có triệu chứng suy tim, điều trị nội khoa có đáp ứng.
      Giai đoạn D: Suy tim kháng trị liệu, điều trị nội khoa không đáp ứng, cần can thiệp đặc biệt như ghép tim

    Suy tim khi nào là nặng ?

    Trong các mức độ của suy tim, khi bước sang giai đoạn 2 tương ứng với NYHA độ 3, các biểu hiện như khó thở, mệt mỏi xảy ra trong các hoạt động bình thường không cần gắng sức nhiều và sức khỏe của người bệnh bắt đầu suy giảm rõ rệt thì đó là dấu hiệu của bệnh đang nặng dần. Thường nặng nhất là suy tim độ IV giai đoạn D.

    Khi đó, bệnh nhân cần tới ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị tích cực, kiểm soát các triệu chứng, dự phòng và làm chậm tiến triển của bệnh đến giai đoạn cuối.

    Các cấp độ suy tim
    Các cấp độ suy tim
    Phân độ suy tim NYHA
  5. Dù là suy tim cấp 1, 2, 3 hay bệnh suy tim ở giai đoạn cuối thì bệnh nhân đều phải đối mặt với việc gặp phải các biến chứng không mong muốn. Mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào nguyên nhân gây suy tim, các bệnh lý kèm theo trong quá trình điều trị. Cấp độ suy tim càng cao, rủi ro càng nhiều.


    Suy tim không chỉ khiến người bệnh phải nhập viện vì những triệu chứng như khó thở, phù, mệt mỏi mà còn đe dọa tính mạng bởi các biến chứng suy tim:

    • Phù phổi cấp, tràn dịch màng phổi: Suy tim gây ứ một lượng dịch lớn ở phổi gây ho khan, khó thở, phù phổi cấp.
    • Đột quỵ và nhồi máu cơ tim: Các cục máu đông gây tắc động mạch vành, động mạch não.
    • Nguy cơ hỏng van tim: Tim làm việc gắng sức trong thời gian dài có thể khiến các dây chằng xung quanh tim bị giãn, đứt, hỏng van tim.
    • Cơ thể bị thiếu máu: Chức năng thận bị suy giảm, cơ thể không sản xuất đủ hormone tạo hồng cầu gây thiếu máu.
    • Tổn thương gan, thận: Suy tim khiến thận không được cung cấp đủ máu nên các chức năng lọc, đào thải độc tố, muối, nước ra khỏi cơ thể bị suy giảm. Ngoài ra, tim giảm khả năng vận chuyển máu khiến gan phải tăng kích thước để chứa máu, lâu ngày dễ dẫn đến xơ gan, suy gan.
    • Rối loạn nhịp tim gây đột tử: Tim đập nhanh chậm bất thường gây rung nhĩ, rung thất, nhịp tim nhanh thất…
    Suy tim gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ
    Suy tim gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ
    Biến chứng của suy tim
  6. Để chẩn đoán suy tim, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử cẩn thận, hỏi về tiền sử gia đình, khám lâm sàng, kết hợp các phương pháp cận lâm sàng như:

    • Siêu âm tim: Đánh giá chức năng toàn bộ cơ tim ( thất trái, van tim, kích thước buồng tim, áp lực động mạch phổi, dịch màng tim…)
    • Điện tâm đồ ECG: có thể phát hiện dày giãn buồng tim, rối loạn nhịp tim, lock nhánh trái, sóng Q nhồi máu, thay đổi ST-T trong thiếu máu cục bộ cơ tim.
    • X-quang tim phổi: hình ảnh bóng tim to, sung huyết phổi, tràn dịch màng phổi trong suy tim.
      Siêu âm tim qua thành ngực:
      đánh giá chức năng thất trái bình thường hay giảm, vận động vùng của tâm thất trái có tốt, hở van tim, kích thước buồng tim, áp lực động mạch phổi, dịch màng tim, huyết khối buồng tim.
    • Chụp động mạch vành: thường để tìm nguyên nhân suy tim nghi do bệnh động mạch vành, phân xuất tống máu thất trái giảm.
    • MSCT động mạch vành: để tìm nguyên nhân suy tim nghi do bệnh động mạch vành, bất thường cấu trúc tim, bệnh màng ngoài tim.
    • MRI tim: khi nghĩ đến nguyên nhân suy tim là do viêm cơ tim hay bệnh cơ tim.
    • Xét nghiệm máu tổng quát (đường máu, mỡ máu, men gan, chức năng thận, điện giải đồ, TSH) và NT- Pro BNP, giúp chẩn đoán nguyên nhân, tiên lượng và theo dõi điều trị suy tim. NT-proBNP tăng là một chỉ điểm của suy tim
    • Holter điện tâm đồ 24 giờ: Khi nghi ngờ loạn nhịp tim.
    • Các xét nghiệm khác: HbA1C, Cholesterol, LDL-C, HDL-C, chức năng gan, thận..
    Siêu âm tim
    Siêu âm tim
    Chẩn đoán và điều trị suy tim
  7. Suy tim là một bệnh mãn tính người bệnh cần được quản lý suốt đời. Tuy nhiên, với việc điều trị, các dấu hiệu và triệu chứng của suy tim có thể được cải thiện, và đôi khi tim trở nên khỏe hơn, chức năng tim hồi phục. Điều trị đúng cách có thể giúp người bệnh có cuộc sống chất lượng hơn, sống thọ hơn và giảm nguy cơ đột tử.


    Điều trị suy tim bằng thuốc kết hợp giải quyết các vấn đề, nguyên nhân gây suy tim theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa: thông mạch vành, sửa van, thay van, chữa các bệnh lý bẩm sinh…

    Điều trị nội khoa

    Để điều trị suy tim, bác sĩ sẽ kết hợp các loại thuốc tùy vào từng triệu chứng, giai đoạn và nguyên nhân suy tim sẽ có những phác đồ thuốc khác nhau. Một số loại thuốc được dùng trong điều trị như:

    • Ức chế men chuyển (ACE)/ức chế thụ thể AT1: những thuốc này có hiệu quả tốt đối với người bị suy tim, cơ chế thuốc giúp giãn mạch máu để hạ huyết áp, cải thiện lưu lượng máu và giảm tải hoạt động cho tim, dùng được trong tất cả các giai đoạn của suy tim.
    • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II: nhóm thuốc này có thể được sử dụng để thay thế cho trường hợp bệnh nhân không dung nạp với thuốc ức chế men chuyển (ACE).
    • Thuốc chẹn beta: đây là nhóm thuốc giúp làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp, phòng ngừa và điều trị rối loạn nhịp nhanh, cải thiện chức năng tim và phòng ngừa đột tử.
    • Thuốc lợi tiểu: thuốc này giúp bệnh nhân đi tiểu thường xuyên hơn, hạn chế việc tích nước trong cơ thể, đặc biệt là ở phổi giúp bệnh nhân dễ thở. Trong đó, thuốc đối kháng Aldosterone là những thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali, có tác dụng giảm sợi hóa cơ tim, kéo dài đời sống người bệnh.
    • Thuốc tăng co bóp cơ tim: là loại thuốc tiêm tĩnh mạch được sử dụng cho những người bị suy tim nặng trong bệnh viện để cải thiện chức năng bơm máu của tim và duy trì huyết áp. Tuy nhiên, thuốc này không giúp kéo dài đời sống của bệnh nhân suy tim.
    • Digoxin (Lanoxin): thuốc này giúp tăng sức mạnh co bóp cơ tim, đặc biệt chỉ định ở bệnh nhân suy tim có kèm rung nhĩ. Tuy nhiên cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ khi dùng kéo dài.
    • Kết hợp nhóm thuốc Valsartan/Sacubitril: Có thể giúp vượt qua ức chế men chuyển/ức chế thụ thể đơn thuần trong điều trị bệnh suy tim.

    Phẫu thuật

    Trong một số trường hợp, bác sĩ khuyên bạn nên phẫu thuật để điều trị nguyên nhân suy tim như mổ van tim nếu suy tim do bệnh van tim, mổ bắc cầu mạch vành nếu suy tim do hẹp động mạch vành, mổ sửa chữa bệnh tim bẩm sinh hoặc điều trị cắt đốt rối loạn nhịp.


    Một số phương pháp điều trị đang được nghiên cứu và sử dụng ở một số người bao gồm: cấy máy tái đồng bộ thất trái (CRT), cấy máy khử rung tự động (ICD), thiết bị hỗ trợ thất trái (LVAD), ghép tim, và gần đây nhất là thay tim nhân tạo toàn bộ. Các kỹ thuật này chỉ áp dụng ở viện lớn bởi các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

    • Máy khử rung tim tự động (ICD): sử dụng cho người suy tim phân xuất tống máu giảm < 35%, giúp phòng ngừa đột tử do rối loạn nhịp thất. Khi tim bị rung thất hay nhanh thất, máy sẽ phát ra dòng điện như sốc điện để cắt cơn loạn nhịp, đưa nhịp tim về bình thường.
    • Liệu pháp tái đồng bộ tim (CRT): sử dụng ở bệnh nhân suy tim phân xuất tống máu giảm, có phức bộ QRS trên điện tâm đồ rộng. Máy này sẽ giúp 2 tâm thất co bóp đồng bộ hơn, cải thiện chức năng tim và triệu chứng suy tim của người bệnh.
    • Thiết bị hỗ trợ tâm thất (VADs): đây là thiết bị hỗ trợ tuần hoàn cơ học hoạt động như một máy bơm cơ học có thể cấy ghép giúp bơm máu từ các buồng dưới của tim (tâm thất) đến phần còn lại của cơ thể. VAD được cấy vào bụng hoặc ngực và gắn vào tim để giúp nó bơm máu đến phần còn lại của cơ thể.
    • Ghép tim: Trong trường hợp suy tim giai đoạn cuối không đáp ứng với các biện pháp điều trị ở trên cần được đưa vào danh sách đăng ký ghép tim. Cấy ghép tim có thể cải thiện sự sống còn và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
    Phẫu thuật điều trị suy tim
    Phẫu thuật điều trị suy tim
    Suy tim có chữa khỏi không ?
  8. Bệnh suy tim không thể tiên lượng được, nặng dần hoặc được cải thiện hơn theo thời gian tùy thuộc vào nguyên nhân suy tim, phương pháp điều trị, và phát hiện bệnh sớm hay muộn. Vì vậy người bệnh cần trang bị cho mình kiến thức về tim mạch để làm chậm tiến triển của bệnh cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.


    Một số lời khuyên về lối sống cũng như chế độ sinh hoạt được các bác sĩ khuyến cáo như:

    Hiểu rõ triệu chứng của bệnh

    Nhận biết các dấu hiệu của bệnh và thăm khám sớm rất quan trọng trong việc chữa trị suy tim. Bởi phát hiện càng sớm, khả năng chữa khỏi bệnh và ít để lại biến chứng càng cao.


    Tái khám với bác sĩ ngay khi tình trạng bệnh không giảm sau khi dùng thuốc, nghỉ ngơi
    Một số dấu hiệu bệnh suy tim trở nặng cần thăm khám ngay lập tức:

    • Cảm giác khó thở tăng lên vào ban đêm.
    • Nhịp tim giảm nhanh chóng.
    • Suy giảm chức năng thận.
    • Cơ thể bị sưng phù nhiều hơn.

    Ăn uống đủ dinh dưỡng, lành mạnh

    Chế độ ăn giảm muối, hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ. Nên bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày nhiều rau xanh và trái cây,...


    Bỏ thuốc lá và các thực phẩm chứa cồn như rượu, bia
    Sử dụng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích có thể khiến bệnh thêm trầm trọng. Vì vậy, bỏ thuốc lá và rượu bia là điều cần thiết cho bệnh nhân suy tim trong điều trị cũng như dự phòng bệnh tái phát.

    Thường xuyên tập luyện thể dục

    Luyện tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp người bệnh kiểm soát cân nặng, ổn định huyết áp, nhịp tim cũng như đường huyết. Tuy nhiên, cần lưu ý lựa chọn các động tác vừa phải, nhẹ nhàng và tăng dần cường độ như đi bộ, đạp xe... Tuyệt đối tránh những hoạt động thể lực nặng như nâng tạ, chạy bộ hay những bài tập đòi hỏi phải căng, duỗi cơ liên tục.

    Tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ

    Muốn điều trị được tối ưu suy tim cần điều trị loại bỏ được nguyên nhân gây suy tim. Bệnh nhân suy tim thường phải sử dụng nhiều thuốc với cơ chế tác dụng khác nhau, nhằm cải thiện triệu chứng suy tim, các bệnh lý đi kèm và phòng ngừa biến chứng. Bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ chỉ định điều trị, uống thuốc đủ liều, đúng thời gian, không được tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ.

    Tập thể dục nhẹ nhàng
    Tập thể dục nhẹ nhàng
    Gặp bác sĩ khi có triệu chứng trở nặng
    Gặp bác sĩ khi có triệu chứng trở nặng
  9. Ngoài việc tuân thủ điều trị của bác sĩ thì chế độ ăn uống cũng góp phần quan trọng trong điều trị bệnh suy tim. Trong nguyên tắc dinh dưỡng đối với người bệnh suy tim có những thực phẩm nên ăn và cũng có những thực phẩm cần hạn chế. Dưới đây là những thực phẩm người mắc bệnh suy tim nên lựa chọn để cải thiện sức khỏe:


    Ngũ cốc

    Chế độ dinh dưỡng của người bệnh suy tim nên ưu tiên các thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc, đặc biệt là ngũ cốc nguyên hạt. Loại thực phẩm này có giá trị dinh dưỡng và hàm lượng chất xơ cao giúp tiêu hóa tốt, kiểm soát lượng đường trong máu, điều hòa huyết áp, tốt cho sức khỏe tim mạch.


    Đạm ít béo

    Người bệnh nên ăn cá, thịt gia cầm, thịt nạc hoặc các thực phẩm được chế biến từ những nguồn đạm ít béo như trứng, sữa ít béo, dầu hạt cải, đậu nành…


    Ăn nhiều rau xanh, củ, quả

    • Người bệnh suy tim nên ăn nhiều các loại rau quả, trái cây chứa nhiều chất xơ, vitamin và các khoáng chất như rau chân vịt, rau đay, mồng tơi; khoai củ; cam, dưa hấu, dâu tây…
    • Rau xanh, củ, quả cũng là thực phẩm chứa chất chống oxy hóa tự nhiên tốt cho sức khỏe tim mạch. Một số trái cây tốt đối với bệnh tim mạch như bưởi có thể làm giảm mỡ trong máu, cà chua có thể giảm nguy cơ bị tai biến mạch máu não...

    Bổ sung thực phẩm giàu kali

    • Trong cơ thể, kali giúp điều hòa cân bằng nước và điện giải, giúp duy trì hoạt động của cơ bắp, tiêu hóa, tiết niệu, đặc biệt là hoạt động của hệ tim mạch. Chế độ ăn giàu kali có tác dụng hạ huyết áp, làm giảm nguy cơ đau tim.
    • Người bệnh suy tim thường sử dụng thuốc lợi tiểu nên làm giảm lượng kali trong cơ thể. Vì vậy cần bổ sung kali bằng cách ăn các thực phẩm giàu kali như: thịt lợn nạc, đỗ các loại, khoai tây, khoai lang, cà chua, bắp cải, bông cải xanh, bơ, nho, chuối...

    Dùng sữa dành cho người suy tim

    • Sữa cũng là thực phẩm mà người suy tim cần dùng, đặc biệt là vào ngày ốm mệt hoặc suy tim giai đoạn cuối, khi người bệnh bị suy kiệt, ăn uống không ngon miệng.
    • Sữa không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn chứa nhiều khoáng chất như vitamin D, canxi, magie, phospho. Tuy nhiên, nhiều loại chất béo trong sữa là những chất béo bão hòa không tốt cho người bệnh tim mạch nếu uống quá nhiều.
    • Vì thế, người bệnh suy tim nên chọn những loại sữa ít béo, sữa hạt như sữa đậu nành, sữa gạo hoặc sữa chua ít béo, sữa chua hoa quả… hoặc chọn sữa dành cho người tiểu đường. Bạn có thể uống sữa vào bữa ăn sáng hoặc các bữa phụ trong ngày.


    Những lưu ý về chế độ ăn cho người suy tim:

    Giảm muối trong khẩu phần ăn

    Ăn quá nhiều muối có thể gây tích nước, làm tăng nặng tình trạng phù nề, tăng gánh nặng cho tim hoạt động và gây tăng huyết áp. Một chế độ ăn ít muối sẽ giúp bạn tránh phù nề, cải thiện tình trạng khó thở và kiểm soát được huyết áp.

    • Không sử dụng thêm nước chấm mặn trong các bữa ăn.
    • Hạn chế tối đa việc cho thêm muối vào đồ ăn, thay vào đó có thể sử dụng các loại gia vị tươi hoặc khô hay các loại thảo mộc như quế, gừng, vỏ chanh… để làm tăng hương vị cho món ăn.
    • Nên chế biến món ăn dạng hấp, luộc, thay vì các món kho, xào, tẩm ướp có chứa nhiều muối.
    • Không nên ăn thực phẩm chế biến sẵn gồm các loại: Thịt hộp, cá hộp, rau củ muối chua, xúc xích, thịt hun khói, bim bim…

    Giảm thiểu chất béo

    • Chất béo là thủ phạm chính gây xơ vữa động mạch và gia tăng các biến cố về tim. Vì vậy bạn cần giảm thiểu lượng chất béo trong chế độ ăn hàng ngày, cụ thể hạn chế các loại thịt mỡ, thịt đỏ, nên ăn thịt nạc, cá; ưu tiên các món ăn chế biến bằng cách hấp, luộc, thay vì chiên, xào, rán…
    • Ngoài ra, người bệnh suy tim cũng nên tránh sử dụng các loại thực phẩm có thể sinh hơi như đậu, thức ăn lên men, trứng,...

    Chia nhỏ lượng protein trong mỗi bữa ăn

    • Việc cung cấp chất đạm cho cơ thể thông qua chế độ ăn rất quan trọng để nuôi dưỡng cơ thể và giúp cơ thể tự chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên với người bị suy tim, ăn quá nhiều chất đạm trong mỗi bữa ăn hoặc lựa chọn chất đạm không phù hợp sẽ làm tăng gánh nặng cho tim và hệ tiêu hóa, khiến người bệnh bị mệt hơn.
    • Người bệnh cần lựa chọn các loại chất đạm dễ hấp thu như cá, thịt trắng như thịt gà, thịt vịt (cần bỏ da). Không nên ăn quá nhiều chất đạm có nguồn gốc từ thịt đỏ, nội tạng động vật, thịt muối… Các cách để bổ sung chất đạm phù hợp cho người suy tim là:

    Chia nhỏ các bữa ăn.

    • Có thể là 5 - 6 bữa nhỏ/ngày, thay vì ba bữa ăn lớn mỗi ngày.
    • Nên ăn chế độ ăn mềm, lỏng như cháo, súp để giảm thiểu mất năng lượng khi nhai.
    • Người bệnh suy tim nên hạn chế các thực phẩm dễ gây trướng bụng như rau cải, đậu đỗ, đồ ăn lên men, thịt để lâu ngày, bánh ngọt có trứng, thịt muối… nên sử dụng nguồn chất đạm dễ tiêu như các loại cá thay cho thịt để tránh tình trạng khó tiêu, trướng bụng.
    • Sau khi ăn cần nghỉ ngơi để việc hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn

    Hạn chế lượng nước đưa vào cơ thể

    Người bệnh suy tim cần hạn chế lượng nước đưa vào cơ thể để tránh tăng gánh nặng cho tim, giảm tình trạng phù và khó thở do ứ dịch. Lượng nước được khuyến cáo từ 1,5 lít mỗi ngày, bao gồm cả nước canh và các thức uống khác.


    Hạn chế vitamin K khi dùng thuốc chống đông

    • Nếu người bệnh suy tim đang sử dụng thuốc chống đông máu kháng vitamin K thì lại cần thận trọng khi sử dụng thực phẩm giàu vitamin K, bởi có thể làm giảm tác dụng của thuốc, làm tăng nguy cơ đông máu.
    • Các thực phẩm cần lưu ý bao gồm: đồ uống như trà xanh, trà việt quất, rượu, bia; các loại quả hạch hoặc hạt bí ngô, đậu nành, quả óc chó; các loại rau có lá màu xanh thẫm (rau cải bó xôi, súp lơ xanh)...
    Thực phẩm tốt cho tim mạch
    Thực phẩm tốt cho tim mạch
    Chế độ ăn cho người bị tim mạch
  10. Suy tim có thể được ngăn ngừa khi bạn thay đổi thói quen sống của mình:

    • Khám sức khỏe định kỳ. Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần giúp phát hiện sớm nhất các dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh cũng như các bệnh lý có thể dẫn đến suy tim.
    • Kiểm soát những vấn đề mãn tính: Nếu bạn có bệnh tăng huyết áp hoặc bệnh động mạch vành - nguyên nhân phổ biến nhất của suy tim - hãy kiểm soát chúng, cùng với tiểu đường, tăng mỡ máu và rối loạn tuyến giáp.
    • Chế độ ăn lành mạnh: giảm muối cũng như những sản phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối, ví dụ như thịt xông khói, dăm bông, khoai tây chiên, súp và hoa quả đóng hộp. Ăn nhiều hoa quả rau xanh, hạn chế mỡ động vật thay bằng dầu thực vật, hạn chế ăn phủ tạng động vật.
    • Cai hút thuốc: Hút thuốc là thói quen nên được loại bỏ để phòng tránh bệnh tim ở những người ốm yếu.
    • Cai hoặc hạn chế rượu: Nếu bạn phải uống rượu, thì không nên uống quá 2 ly/ngày đối với nam và không quá 1 ly/ngày đối với nữ.
    • Tập thể dục: Bạn nên duy trì chế độ tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ, nên tập ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.
    • Ngủ đủ giấc, thức dậy sớm: Ngủ là thời gian để tim được nghỉ ngơi, một giấc ngủ sâu kéo dài 6-7 tiếng vào ban đêm và 15-30 phút vào buổi trưa sẽ giúp tim bạn thực sự khỏe mạnh và làm việc hiệu quả.
    • Duy trì cân nặng ở mức vừa phải, cần có phương pháp giảm cân nếu nếu thừa cân
    • Tránh căng thẳng, mệt mỏi: Bởi một tâm lý thoải mái, vui cười mỗi ngày vừa hạn chế tăng nhịp tim, vừa giúp bạn dễ từ bỏ thói quen xấu, duy trì thói quen tốt cho tim hơn.
    Ngủ đủ giấc để có một trái tim khỏe mạnh
    Ngủ đủ giấc để có một trái tim khỏe mạnh
    Phòng ngừa suy tim



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy