Top 8 Lưu ý quan trọng nhất về bệnh Zona thần kinh

Bùi Thị Phương Thảo 62 0 Báo lỗi

Zona thần kinh là bệnh lý không còn xa lạ với người Việt Nam. Tuy không gây nguy hiểm nhưng nếu chữa trị không đúng cách, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng. ... xem thêm...

  1. Top 1

    Bệnh Zona thần kinh là gì ?

    Bệnh Zona thần kinh còn gọi là bệnh zona, tên tiếng Anh là shingles, trong dân gian còn được gọi với tên gọi là “giời leo”. Bệnh zona là bệnh nhiễm trùng da do virus thần kinh Varicella zoster (VZV) - virus gây bệnh thủy đậu, thuộc họ virus herpes gây nên.


    Sau khi người bệnh bị bệnh thuỷ đậu đã khỏi thì vẫn còn một số virus Varicella tồn tại ở trạng thái tiềm tàng nhưng không gây bệnh. Các virus này trú ngụ trong cơ thể ở trạng thái ngủ bên trong các dây thần kinh cảm giác. Khi gặp các điều kiện thuận lợi như: suy giảm miễn dịch, các sang chấn tinh thần hoặc suy nhược cơ thể... loại virus này sẽ tái hoạt. Chúng nhân lên và phát triển lan truyền ra các đầu dây thần kinh cảm giác làm tổn thương niêm mạc da và tạo ra những mảng phát ban gây đau mà người ta thường gọi là bệnh Zona (giời leo). Đó chính là lý do mà zona là một bệnh ngoài da nhưng lại có tổn thương gốc ở dây thần kinh.

    Virus nhân lên và lan truyền theo dây thần kinh, rồi bộc phát ở vùng da tương ứng với khu vực của dây thần kinh đó, gây ra các phát ban đỏ rộp và đau đớn. Thời gian bị bệnh kéo dài từ khoảng 2 - 3 tuần. Bệnh có thể tái phát lại vào các thời điểm sau này, đối với người từng bị nhiễm VZV.


    Tuy nhiên, không phải ai mang virus này cũng đều phát triển zona (zona thần kinh), đối tượng thường dễ mắc zona là người lớn tuổi và những người bị suy giảm miễn dịch.

    Tiêm vắc-xin thủy đậu có thể giúp giảm nguy cơ mắc thủy đậu và zona về sau. Nếu mắc bệnh, điều trị đúng cách sẽ giúp rút ngắn thời gian nhiễm bệnh và giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng.

    Bệnh Zona thần kinh
    Bệnh Zona thần kinh
    Bệnh Zona thần kinh

  2. Top 2

    Các triệu chứng của bệnh

    Tùy thuộc vào dây thần kinh nào bị ảnh hưởng, bệnh Zona có thể xuất hiện ở nhiều khu vực khác nhau trong cơ thể.

    Biểu hiện của bệnh bao gồm:

    • Triệu chứng đầu tiên của Zona thường là cảm giác đau ở 1 phía của cơ thể. Những cảm giác da có thể gặp là ngứa, căng, bỏng, nhức dai dẳng hoặc đau sâu, đau nhói. Tăng cảm giác da: đau khi chạm nhẹ vào hay chỉ cần làn gió thổi qua cũng gây đau.
    • Thông thường thì sau khi cơn đau xuất hiện được 1-3 ngày các dải ban sẽ nổi lên, tấy đỏ, phồng lên ở ngay vị trí đau. Sau một vài ngày, nốt ban biến thành các mụn nước chứa đầy dịch, tập trung thành từng chùm, dọc theo đường phân bố của dây thần kinh ngoại biên.
    • Lúc đầu mụn nước căng, dịch trong, sau màu chuyển đục, hóa mủ, sau vài ngày các mụn nước này vỡ đi, hình thành các vảy rồi bong dần để lại nhiều vết sẹo lấm tấm trắng trên da giống như bị hắc lào.
    • Sau 7 - 10 ngày, mụn nước khô lại và đóng vảy. Người bệnh xuất hiện cảm giác ngứa, đau rát bỏng, âm ỉ, đau như kim châm, giật giật từng cơn ở vùng da nhiễm bệnh.
    • Mất một vài tuần tiếp theo để sạch vảy và để lại sẹo.
    • Trong quá trình nhiễm bệnh, người bệnh có thể sốt từ 38-39 độ C, đau mình mẩy, đau nhức đầu, người mệt mỏi, nước tiểu vàng,...
    • Người bệnh phàn nàn bị nghe kém bên tai cùng với tai bị bệnh. Trong tai xuất hiện tiếng ù như tiếng ve kêu, dế kêu.
    • Ngoài những triệu chứng trên người bệnh còn cảm thấy nhức đầu, chóng mặt, khó chịu, đi loạng choạng, sợ ánh sáng, rối loạn bài tiết mồ hôi.

    Khi nào cần đến gặp bác sĩ ?

    • Đi khám khi bạn bị đau hoặc nổi ban thành 1 dải ở một phía của cơ thể, kèm với sốt cao hoặc mệt mỏi. Nếu bạn nghĩ bạn bị Zona, đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt vì những thuốc kháng virus chỉ hiệu quả khi được sử dụng sớm.
    • Nếu vết ban và vết phồng nổi lên ở mũi hoặc gần mắt, bạn cần phải đi khám ngay lập tức vì virus có thể lan đến mắt làm tổn thương mắt và mù.
    • Bạn cũng cần phải đến khám càng sớm càng tốt nếu bạn đang có những bệnh làm suy giảm sức miễn dịch của cơ thể. Nhờ đó bạn có thể tránh được những biến chứng.
    Hiện tượng nổi các mụn nước thành từng chùm
    Hiện tượng nổi các mụn nước thành từng chùm
    Triệu chứng của bệnh zona
  3. Top 3

    Nguyên nhân gây bệnh Zona thần kinh

    Nguyên nhân chính gây nên bệnh là virus VZV. Khi gặp điều kiện thuận lợi, virus này được kích hoạt và hoạt động trở lại, gây tổn thương dọc dây thần kinh. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết được nguyên nhân khiến virus tái hoạt trở lại.


    Tuy nhiên, tình trạng này có thể do các yếu tố sau:

    • Cơ thể mệt mỏi do sức đề kháng bị suy yếu (có thể là do tuổi tác, bệnh tật, thuốc men làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể để có thể giữ được virus thủy đậu trong trạng thái bất hoạt).
    • Căng thẳng, lo lắng và chịu áp lực quá mức, ít được nghỉ ngơi.
    • Vùng da nổi ban có dấu hiệu tổn thương.
    • Các biện pháp điều trị bằng tia xạ.
    • Ung thư.

    Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona:

    Hầu hết các trường hợp chỉ bị bệnh zona một lần trong đời, nhưng đôi khi cũng có người gặp phải nhiều lần. Các yếu tố nguy cơ, bao gồm:

    • Độ tuổi. Bệnh zona thường gặp nhất ở những người lớn hơn 50 tuổi. Nguy cơ này tăng theo tuổi tác. Một số chuyên gia ước tính rằng khoảng 50% người từ 60 tuổi trở lên sẽ mắc phải zona thần kinh.
    • Hệ miễn dịch suy yếu: chẳng hạn như bị HIV/AIDS, ung thư, đang hóa, xạ trị ung thư; cấy ghép nội tạng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona do cơ thể giảm sức đề kháng đối với virus.
    • Lây từ người khác: Khi bạn tiếp xúc với người bị zona hoặc thủy đậu, bạn có nguy cơ nhiễm virus. Virus sẽ khiến bạn mắc bệnh thủy đậu trước, sau này mới bị zona thần kinh.
    Nguyên nhân bệnh zona
    Nguyên nhân bệnh zona
    Bệnh Zona thần kinh
  4. Top 4

    Bệnh Zona thần kinh có lây không ?

    Bệnh zona là bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền từ người này sang người khác. Khi tiếp xúc trực tiếp với mụn nước trên cơ thể người bệnh zona, người tiếp xúc có khả năng bị nhiễm virus varicella-zoster (nguyên nhân gây bệnh). Khi bị nhiễm virus mà trước đây chưa bị thủy đậu hoặc chưa chích vắc-xin thủy đậu thì người nhiễm có nguy cơ phát bệnh thủy đậu, sau khi lành bệnh thủy đậu thì có thể bị zona.

    Ở trường hợp người đã bị mắc bệnh thủy đậu thì sẽ không bị nhiễm bệnh zona thần kinh từ người khác.


    Bệnh zona thần kinh có thể dễ lây lan trong gia đình và khu vực vào mùa hè, mùa mưa, khi thời tiết giao mùa do tiếp xúc hoặc sinh hoạt chung với những người mắc bệnh. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2 - 3 tuần và có thể dễ dàng lây truyền từ người này sang người khác.


    Những người mặc dù đã tiêm phòng ngừa zona hay thủy đậu vẫn có thể mắc bệnh khi hệ miễn dịch không bền vững khi ở chung với người bệnh zona, có những tiếp xúc thông thường như dùng chung khăn mặt, khăn tắm với người bệnh. Khi những mụn nước do bệnh zona đã khô, tróc vảy, bệnh không còn khả năng lây nhiễm.


    Ngoài ra, bệnh zona còn có thể lây truyền từ người bị nhiễm sang trẻ em hay người lớn mà những người này trước đây không mắc bệnh thuỷ đậu, những người đã mắc bệnh thuỷ đậu sẽ không bị nhiễm zona từ người khác.

    Zona thần kinh dễ lây cho trẻ em
    Zona thần kinh dễ lây cho trẻ em
    Zona thần kinh có lây không ?
  5. Top 5

    Zona thần kinh có nguy hiểm không ?

    Bạn đừng chủ quan vì Bệnh zona thần kinh không gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nếu không điều trị, bệnh không chỉ gây đau đớn mà còn gây ra nhiều biến chứng rắc rối cho bạn.

    • Có thể vì lý do nào đó, mụn nước có thể bị nhiễm thêm một loại vi trùng sẽ gây ra viêm mô tế bào, đây là bệnh nhiễm trùng da. Nếu nhiễm trùng da xảy ra, vùng da trở nên đỏ hơn, nóng, sưng bóng lên và rất đau.
      Bạn cũng có thể thấy vệt màu đỏ xung quanh vết thương. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số đó, bạn hãy liên hệ đến bác sĩ của bạn để được chăm sóc. Kháng sinh có thể được sử dụng để điều trị trong những trường hợp này.
    • Một biến chứng nữa cũng làm cho người bệnh lo lắng là khi bị zona ở mặt, đặc biệt ở mắt, trán và mũi. Khi bị phát ban ở vùng mắt, nếu không được điều trị sẽ gây tổn thương đến mắt, có thể làm giảm thị lực, viêm màng bồ đào, viêm giác mạc, gây liệt dây thần kinh thị giác. Điều này có khả năng gây mất thị lực. Nếu bạn bị zona ở trán hay ở mũi thì bạn cũng cần được chăm sóc y tế.
    • Bạn có thể bị đau một bên tai dữ dội hoặc mất thính giác, chóng mặt, mất vị giác.
    • Đặc biệt, đau thần kinh sau zona là biến chứng hay gặp nhất. Nhiều người vẫn tiếp tục cảm thấy đau một thời gian dài sau khi các mụn nước đã biến mất. Tình trạng này xảy ra khi các dây thần kinh cảm giác bị tổn thương và gửi tín hiệu đau quá mức đến não bộ.
    • Các vấn đề thần kinh. Tùy thuộc vào vị trí bị ảnh hưởng, bệnh zona có thể gây ra liệt mặt, giảm thính giác, rối loạn thăng bằng, yếu cơ, liệt cơ hoành, bàng quang thần kinh, viêm tủy, hội chứng Guillain Barre. Trường hợp nặng có thể gây viêm não.
    • Hoại tử do thiếu máu cục bộ: Virus có thể gây tổn thương các mạch máu, cản trở việc cung cấp máu và oxy. Khi zona phát triển trong miệng, nó có thể gây hoại tử xương hàm, mất răng, viêm nha chu, vôi hóa tủy, hoại tử tủy, tổn thương quanh răng và phát triển dị tật răng về sau.
    Zona đặc biệt nguy hiểm khi xuất hiện ở mắt
    Zona đặc biệt nguy hiểm khi xuất hiện ở mắt
    Những biến chứng của bệnh Zona thần kinh
  6. Top 6

    Cách chữa trị bệnh Zona thần kinh

    Khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh, bạn nên đến bác sĩ để được thăm khám và có biện pháp điều trị càng sớm càng tốt, vì thuốc kháng virus chỉ có hiệu quả khi được sử dụng sớm.

    • Không được gãi vì có thể làm gia tăng nguy cơ bị nhiễm trùng thứ phát và có thể để lại sẹo. Thuốc kháng histamin có thể giúp giảm ngứa.
    • Thuốc giảm đau đôi khi cũng cần thiết
    • Để giảm tình trạng ngứa và đau do zona, bạn có thể tắm nước mát hoặc sử dụng gạc mát đắp lên các bóng nước, thư giãn, tránh căng thẳng, lo lắng. Ngưng sử dụng băng ép khi sang thương đã khô giúp cho những vùng da xung quanh không trở nên khô và ngứa.
    • Giữ cho khu vực sang thương được sạch sẽ bằng xà bông nhẹ và nước. Mặc quần áo rộng để tránh bị thương thêm khi quần áo tiếp xúc với sang thương. Tránh những tiếp xúc da-chạm-da với những người chưa từng bị thủy đậu, đang bệnh, hoặc những người bị suy giảm hệ miễn dịch.

    Dùng thuốc:

    Bác sĩ sẽ dùng các thuốc chống virus để ngăn chặn sự phát triển của virus. Nếu có tình trạng bội nhiễm thì dùng kháng sinh phòng nhiễm khuẩn, kháng viêm, chống phù nề. Liều lượng của thuốc được quyết định tùy vào tình trạng bệnh. Trong trường hợp cơn đau kéo dài khiến người bệnh mất ngủ thì có thể sử dụng thuốc giảm đau thần kinh, thuốc kháng histamin giảm ngứa. Đồng thời, thuốc tăng cường miễn dịch cũng được bác sĩ phối hợp dùng để nâng cao sức đề kháng.

    • Đáng chú ý là cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho zona thần kinh. Tuy nhiên, việc điều trị kịp thời bằng các thuốc kháng virus theo toa có thể tăng tốc độ lành bệnh và giảm nguy cơ biến chứng. Những thuốc uống bao gồm: Acyclovir, Valacyclovir, Famciclovir.
    • Một vài bác sĩ chỉ điều trị triệu chứng của Zona như đau. Có thể sử dụng acetaminophen (VD Tylenol), và ibuprofen (VD Advil) hoặc thuốc giảm đau tricyclic, đặc biệt là trong trường hợp đau dây thần kinh sau tổn thương (PHN - Postherpetic neuralgia). PHN là những cơn đau kéo dài ở một số người ngay cả sau khi sang thương đã biến mất.
      Thuốc kháng virus, như acyclovir (Zovirax), valacyclovir (Valtrex) và famciclovir (Famvir), có thể là giảm thời gian phát ban và đau, bao gồm cả PHN. Cần phải bắt đầu sử dụng những loại thuốc này trong giai đoạn sớm của bệnh mới có hiệu quả.
    • Bệnh có thể gây đau dữ dội hay châm chích khó chịu, ngoài thuốc giảm đau, bác sĩ có thể kê đơn: Kem capsaicin dán tại chỗ, thuốc chống co giật như gabapentin, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc xịt hay miếng dán, các chế phẩm có chứa thuốc giảm đau gây nghiện như codeine.
    • Đôi khi, thuốc tiêm có thể được sử dụng bao gồm corticosteroid và thuốc tê tại chỗ dùng để giảm viêm, đau và ngừa nhiễm trùng.
    • Thuốc bôi ngoài da: bệnh nhân có thể sử dụng thuốc mỡ kháng viêm, chống virus như mỡ zovirax, dung dịch dimethyl sulfoxide (DMSO) và idoxuridine bôi vào vùng da có mụn nước nhất là ở vùng mặt, để tránh để lại sẹo, đẩy lùi tình trạng viêm nhiễm.

    Theo dõi

    Sau khi rời khỏi phòng mạch bác sĩ, cần phải uống tất cả những loại thuốc được kê đơn và làm theo đúng hướng dẫn. Nếu bạn ghi nhận được những triệu chứng mới hoặc nếu bạn không thể kiểm soát được cơn đau hoặc cơn ngứa, hãy thông báo với bác sĩ.


    Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số bài thuốc dân gian để điều trị bệnh zona như sử dụng rau sam, lá sung, lá mơ, cây cỏ mực, cây trinh nữ hay dùng hồ nước cũng rất hiệu quả.

    Điều trị Zona thần kinh
    Điều trị Zona thần kinh
    Bài thuốc dân gian điều trị zona thần kinh
  7. Top 7

    Cách phòng ngừa và tránh lây nhiễm

    Có hai loại thuốc chủng ngừa bệnh Zona. Shingrix (RZV) được khuyên dùng thay cho vaccine cũ, Zostavax, vì nó có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa bùng phát Zona.

    Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến nghị bạn nên tiêm vaccine này nếu bạn là người lớn khỏe mạnh từ 50 tuổi trở lên, dù có hay chưa bị thủy đậu trước đó, hay đã chủng ngừa Zostavax.


    Để tránh lây lan bệnh cho người khác cũng như giảm thiểu các biến chứng xảy ra, người bệnh cần lưu ý những điều sau:

    • Không chà xát hoặc để nước bẩn tiếp xúc với vùng da nổi mụn nước, tránh làm cho các mụn nước vỡ ra vì điều này dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng.
    • Rửa vùng da bị zona bằng nước muối loãng hoặc thuốc rửa chuyên biệt do bác sĩ chỉ định.
    • Rửa tay thường xuyên và đúng cách, nhất là khi vừa chăm sóc vùng da bị tổn thương. Ngoài ra, cũng cần mặc đồ rộng rãi, thoải mái.
    • Hạn chế hoặc không tiếp xúc với người chưa tiêm phòng thủy đậu, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai.
    • Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng vacxin thủy đậu, có nghĩa là đưa virus vào trong cơ thể ở trạng thái bất hoạt. Vacxin này có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh zona, làm tăng sức đề kháng chống lại virus.
    Tiêm vacxin thủy đậu
    Tiêm vacxin thủy đậu
    Rửa vết thương bằng nước muối loãng
    Rửa vết thương bằng nước muối loãng
  8. Top 8

    Chế độ ăn uống cho người bị Zona thần kinh

    Những loại thực phẩm tốt mà người bệnh zona nên bổ sung mỗi ngày gồm:

    • Thực phẩm giàu lysine: Lysine có nhiều trong sữa, các sản phẩm từ sữa, cá, các loại đậu, pho mát, thịt gà,…
    • Thực phẩm giàu kẽm và vitamin C như: cam, gan động vật, bơ,… giúp tăng cường sức đề kháng.
    • Cam thảo
    • Vitamin B6, B12
    • Bên cạnh đó, hãy duy trì thói quen tập thể dục để nâng cao thể lực. Rửa tay thường xuyên giúp hạn chế lây lan virus.

    Bên cạnh đó, để tránh gây ra các biến chứng rắc rối, người bệnh nên hạn chế ăn những thực phẩm sau:

    • Thực phẩm giàu chất béo: vì chúng sẽ làm cho tình trạng viêm nhiễm trở nên trầm trọng hơn và bệnh lâu lành hơn.
    • Rượu bia: đồ uống có cồn sẽ làm giảm hệ thống miễn dịch, khiến virus lây lan mạnh hơn.
    • Các sản phẩm được chế biến từ socola, yến mạch, mầm lúa mì, dừa,…
    • Ngũ cốc tinh chế (gạo trắng, bánh mì trắng, bún, phở,…): chúng sẽ làm tăng lượng đường trong máu, tăng nguy cơ nhiễm trùng và khiến cho vết phỏng lâu lành.
    Người bệnh nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B6 để các vết phỏng nhanh chóng hồi phục
    Người bệnh nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B6 để các vết phỏng nhanh chóng hồi phục
    Thực phẩm người bị zona nên và không nên ăn



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy