Top 12 Lưu ý quan trọng nhất về rối loạn thần kinh thực vật

Bùi Thị Phương Thảo 39 0 Báo lỗi

Rối loạn thần kinh thực vật xuất hiện khá phổ biến ở cả trẻ em và người lớn. Tuy không quá nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của ... xem thêm...

  1. Hệ thống thần kinh thực vật (autonomic nervous system – ANS), hay còn gọi là hệ thống thần kinh tự chủ, có nhiệm vụ kiểm soát một số chức năng cơ bản bao gồm:

    • Tiêu hóa
    • Cảm giác
    • Nhịp tim
    • Nhịp thở
    • Thân nhiệt

    Lý do hệ thống này được gọi là hệ thống thần kinh tự chủ vì bạn không cần phải suy nghĩ và điều khiển các hoạt động của hệ hống này. Ví dụ như tạo nhịp tim, tiết nước bọt, tiêu hoá thức ăn… ANS cung cấp sự kết nối giữa não và các bộ phận cơ thể nhất định, bao gồm cả các cơ quan nội tạng, ví dụ những kết nối với tim, gan, tuyến mồ hôi, da và thậm chí các cơ bên trong mắt.


    Hệ thống thần kinh thực vật bao gồm:

    • Hệ thống thần kinh giao cảm (sympathetic autonomic nervous system – SANS): có nhiệm vụ kích hoạt các phản ứng khẩn cấp khi cần thiết, phản ứng chiến đấu-hay-bỏ chạy (fight-or-flight reaction) giúp bạn sẵn sàng ứng phó với các tình huống căng thẳng.
    • Hệ thống thần kinh phó giao cảm (parasympathetic autonomic nervous system – PANS): có nhiệm vụ giúp bảo tồn năng lượng và phục hồi các mô để duy trì các chức năng thông thường.

      Hệ thống thần kinh giao cảm đóng vai trò kích thích các cơ quan, ví dụ như làm tăng nhịp tim và huyết áp khi cần thiết. Trong khi đó, hệ thần kinh phó giao cảm thường điều hòa và làm chậm các quá trình trong cơ thể, làm giảm nhịp tim và huyết áp. Tuy nhiên, đối với hệ tiêu hóa và hệ tiết niệu, hệ phó giao cảm lại có nhiệm vụ kích thích và hệ giao cảm làm chậm những yếu tố này lại. Hầu hết các cơ quan đều có dây thần kinh đến từ cả hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm.

        Hệ thần kinh thực vật là gì?
        Hệ thần kinh thực vật là gì?
        Hệ thần kinh thực vật là gì?

      • Rối loạn thần kinh thực vật (autonomic nervous system disorders) là một rối loạn có ảnh hưởng đến chức năng tự động cơ thể bao gồm nhịp tim, huyết áp, mồ hôi và tiêu hóa... Đây là bệnh ngày càng phổ biến, tuy bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng tác động rất lớn tới sinh hoạt của người bệnh.


        Rối loạn thần kinh thực vật là sự mất cân bằng giữa 2 hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm, xảy ra khi các dây thần kinh bị tổn thương. Tình trạng này được gọi là bệnh lý thần kinh tự trị, còn gọi là dysautonomia. Tình trạng rối loạn thần kinh thực vật có thể dao động từ nhẹ đến đe dọa tính mạng tuỳ theo mức độ ảnh hưởng đến một phần của ANS hoặc toàn bộ ANS.

        Rối loạn thần kinh thực vật
        làm rối loạn hoạt động của các cơ quan và gây ra các triệu chứng đa dạng trên toàn hệ thống.

        Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật có thể ảnh hưởng tạm thời, nhưng một số khác lại mạn tính hoặc kéo dài và có thể tiếp tục trở nặng theo thời gian. Ví dụ bệnh tiểu đường và bệnh Parkinson là hai tình trạng mạn tính có thể dẫn đến rối loạn thần kinh thực vật.

        Rối loạn thần kinh thực vật là gì?
        Rối loạn thần kinh thực vật là gì?
        Rối loạn thần kinh thực vật là gì?
      • Các loại rối loạn thần kinh thực vật có thể khác nhau về nguyên nhân hình thành, triệu chứng và mức độ nghiêm trọng. Các loại rối loạn chức năng tự chủ thường gặp, bao gồm:


        Hội chứng nhịp đập nhanh tư thế

        Hội chứng nhịp đập nhanh tư thế hay còn gọi là postural orthostatic tachycardia syndrome (POTS) có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai ở bất kỳ độ tuổi hoặc giới tính nào. Đây là hội chứng xuất hiện do sự tổn thương hệ thống thần kinh tự chủ. Các triệu chứng của tình trạng này thường tăng lên khi ở tư thế đứng và giảm khi nằm xuống. Ví dụ, tư thế đứng thẳng có thể gây ra các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, đổ mồ hôi và ngất xỉu, nhưng khi nằm xuống sẽ giúp cải thiện các triệu chứng này.


        Ngất do cường phế vị

        Ngất vô cường phế vị hay còn gọi là vasovagal syncope, là trạng thái mất ý thức tạm thời do nhịp tim và huyết áp giảm đột ngột, từ đó làm giảm tuần hoàn máu não. Đây là dạng ngất hay xảy ra nhất và thường không gây nhiều nguy hiểm. Ngất xỉu có thể xảy ra do mất nước, ngồi hoặc đứng trong một thời gian dài, tác động bởi môi trường xung quanh và cảm xúc căng thẳng. Người bệnh thường bị buồn nôn, đổ mồ hôi, mệt mỏi quá mức và cảm giác đuối sức trước hoặc sau khi ngất.


        Bệnh teo đa hệ thống

        Bệnh teo đa hệ thống (multiple system atrophy – MSA) là một dạng rối loạn thần kinh thực vật. Ban đầu, bệnh có các triệu chứng tương tự như bệnh Parkinson. Tuy nhiên, những người mắc bệnh này thường có tuổi thọ chỉ dài khoảng 5 – 10 năm kể từ khi chẩn đoán. Đây là một rối loạn hiếm gặp thường xảy ra ở người lớn trên 40 tuổi. Nguyên nhân của MSA hiện vẫn chưa rõ ràng và không có cách nào làm chậm tiến triển bệnh.


        Bệnh rối loạn thần kinh tự quản cảm giác di truyền

        Đây là một nhóm các rối loạn di truyền gây ra rối loạn chức năng thần kinh lan rộng ở trẻ em và người lớn. Tình trạng này có thể khiến bạn mất khả năng cảm giác đau, cảm nhận nhiệt độ và đồng thời ảnh hưởng đến một loạt các chức năng cơ thể. Bệnh rối loạn được phân thành bốn nhóm khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, kiểu di truyền và triệu chứng.


        Hội chứng Holmes-Adie

        Hội chứng Holmes-Adie chủ yếu ảnh hưởng đến các dây thần kinh kiểm soát cơ mắt, gây ra các vấn đề về thị lực. Một bên đồng tử có thể sẽ lớn hơn bên còn lại, và co lại từ từ dưới ánh sáng mạnh. Trong một số trường hợp khác, hội chứng này có thể gây thiếu các gân cơ phản xạ như gân gót Achilles. Hội chứng Holmes-Adie xảy ra do nhiễm virus cũng có thể gây viêm và tổn thương tế bào thần kinh, đồng thời gây mất phản xạ gân cơ sâu – tình trạng kéo dài vĩnh viễn nhưng không gây nguy hiểm đến tính mạng.


        Một số dạng khác

        Các loại rối loạn thần kinh thực vật khác liên quan đến những tổn thương dây thần kinh do một số loại thuốc, chấn thương hoặc bệnh tật. Một số tình trạng gây ra chứng rối loạn thần kinh này bao gồm:

        • Bệnh Parkinson
        • Bệnh tiểu đường
        • Rối loạn tự miễn dịch
        • Uống nhiều rượu kéo dài
        • Huyết áp cao không kiểm soát
        Các loại rối loạn thần kinh thực vật thường gặp
        Các loại rối loạn thần kinh thực vật thường gặp
        Rối loạn thần kinh tim là một dạng đặc biệt của rối loạn thần kinh thực vật
      • Tuy rối loạn thần kinh thực vật không gây ra những biến chứng xấu tới sức khỏe, nhưng nếu không kịp thời phát hiện, điều trị sẽ làm suy giảm chất lượng cuộc sống, đời sống tinh thần hoặc có thể kèm theo nhiều hệ lụy khác.


        Rối loạn thần kinh thực vật thực sự trở thành căn bệnh đáng sợ đối với nhiều người. Bởi nó gây ra nhiều tổn hại ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh thông qua các biểu hiện như: cơ thể mệt mỏi, suy nhược, luôn luôn trong trạng thái lo âu, căng thẳng,...

        Rối loạn giấc ngủ khiến bạn luôn rơi vào tình trạng mất ngủ thực sự trở thành nỗi "ác mộng" của nhiều người. Bởi giấc ngủ đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể phục hồi và tăng sức đề kháng. Chất lượng giấc ngủ suy giảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh.

        Ngoài ra, hệ thần kinh bị rối loạn còn khiến bạn bị mất tập trung, trí nhớ suy giảm. Đồng thời còn ảnh hưởng đến các cơ quan khác của cơ thể như: hệ tiêu hóa, hệ bài tiết, xương khớp trở nên đau nhức,...

        Rối loạn thần kinh thực vật có nguy hiểm không?
        Rối loạn thần kinh thực vật có nguy hiểm không?
        Rối loạn thần kinh thực vật có nguy hiểm không?
      • Thông thường ở giai đoạn đầu của bệnh, người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu. Nhưng nếu không được chữa trị đúng cách khiến bệnh trở nặng, bạn sẽ dễ bị hoang mang, sợ hãi.


        Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp của bệnh như:

        • Nhịp tim nhanh bất thường như muốn nhảy khỏi lồng ngực khiến bạn cảm thấy hồi hộp. Cảm giác này thường xuyên xảy ra khiến người bệnh cảm thấy hốt hoảng và sợ hãi. Đây được coi là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết và thường gặp nhất.
        • Chóng mặt, dễ ngất xỉu hoặc cảm thấy choáng váng, không đứng vững. Nguyên nhân là do tình trạng nhịp tim quá nhanh dẫn đến thiếu máu lên não hoặc hạ huyết áp tư thế đột ngột.
        • Đau thắt ngực hoặc đau nhói vùng ngực khiến bạn khó chịu. Những cơn đau này xuất hiện bất ngờ khiến bạn cảm thấy nghẹt thở, căng tức vùng ngực.
        • Khó thở là một trong những trường hợp bạn dễ nhận ra đặc biệt trong các trường hợp ra ngoài nơi đông đúc, tập trung nhiều người. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy khó thở và phải rướn người ra để thở hoặc hít thở sâu mới cảm thấy dễ chịu.
        • Tay chân run và đổ mồ hôi nhiều do hệ thần kinh thực vật bị kích thích quá mức. Triệu chứng này cũng xuất hiện khi người bệnh căng thẳng, hốt hoảng nhiều.
        • Mất ngủ thường xuyên là một trong những dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bởi tình trạng lo lắng, bồn chồn khiến bạn ngủ không được ngon và sâu giấc.
        • Cơ thể mệt mỏi, uể oải và thiếu sức sống là triệu chứng thường gặp. Điều này sẽ khiến người bệnh khó chịu và khó hồi phục lại cơ thể, dù được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng.
        Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật
        Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật
        Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật
      • Dưới đây là một vài nguyên nhân thường gặp gây ra bệnh rối loạn thần kinh thực vật:


        Tích lũy protein bất thường trong các cơ quan do bệnh amyloisis:

        • Đây là bệnh hiếm gặp, xảy ra do tích tụ một chất có tên amyloid trong các cơ quan. Chất amyloid này là một protein bất thường, được tổng hợp trong tủy xương và có thể lắng đọng trong bất kì mô hoặc cơ quan nào.
        • Bệnh có thể ảnhh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có hệ thần kinh thực vât.

        Các bệnh tự miễn:

        • Bệnh tự miễn là bệnh xảy ra do hệ miễn dịch tấn công và phá hủy các thành phần của chính cơ thể, trong đó có cả hệ thần kinh thực vật. Ví dụ về các bệnh tự miễn như hội chứng Sjorgen, bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp (thấp khớp) và bệnh Celiac.
        • Hội chứng Gullian – Barre là một bệnh tự miễn xảy ra khi các tự kháng thể được sinh ra bởi phản ứng miễn dịch. Các kháng thể này có khả năng tấn công vào bao myelin của dây thần kinh (bao myelin giúp truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh nhanh hơn) và có thể ảnh hưởng nặng nề tới hệ thần kinh thực vật.
        • Ngoài ra, khi hệ miễn dịch tấn công các tế bào tân sinh bất thường (tế bào ung thư) cũng có thể gây ra rối loạn thần kinh thực vật.

        Nhiễm trùng:

        • Một vài loại virus và vi khuẩn như vi khuẩn sinh hơi, vi khuẩn gây bệnh Lyme, virus HIV, vi khuẩn gây bệnh phong có thể gây rối loạn thần kinh thực vật.
        • Tình trạng nhiễm trùng của cơ thể có thể kích thích các phản ứng phản vệ, tạo ra các chất có khả năng phá hủy các dây thần kinh của hệ thần kinh thực vật, gây ra bệnh rối loạn thần kinh thực vật.

        Đái tháo đường:

        • Quá trình bệnh sinh của đái tháo đường ảnh hưởng tới các dây thần kinh trong cơ thể, trong đó có hệ thần kinh thực vật.
        • Đặc biệt ở những bệnh nhân kiểm soát lượng đường máu kém thì bệnh rối loạn thần kinh thực vật lại càng hay gặp.

        Dùng thuốc: một vài loại thuốc có khả năng gây ra các triệu chứng của bệnh rối loạn thần kinh thực vật, trong đó có nhiều thuốc được sử dụng trong liệu pháp hóa trị ung thư.


        Thiếu vitamin, nhiễm độc chất: thiếu vitamin B12, độc chất ảnh hưởng thần kinh, các hóa chất dùng trong hóa trị liệu.


        Các rối loạn di truyền


        Bệnh Parkinson


        Các nguyên nhân khác ít gặp hơn: như phẫu thuật hoặc chấn thương tủy, hóa chất, lạm dụng rượu bia, các bệnh lí liên quan tới việc tạo mô sẹo xung quanh các dây thần kinh.


        Ngoài các nguyên nhân thường gặp ở trên, những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ dưới đây thì khả năng mắc bệnh rối loạn thần kinh thực vật sẽ cao hơn những người khác:

        • Tiền sử bệnh đái tháo đường kiểm soát chưa tốt
        • Tiền sử bệnh nội khoa khác như porphyria, suy giáp, ung thư
        • Uống rượu, hút thuốc lá nhiều
        Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật
        Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật
        Nguyên nhân bị rối loạn thần kinh thực vật
      • Bệnh rối loạn thần kinh thực vật là biến chứng có thể xảy ra của nhiều bệnh lý. Vì vậy, xét nghiệm chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật sẽ tùy thuộc vào triệu chứng và các yếu tố nguy cơ của từng bệnh nhân.


        Khi bạn có các yếu tố nguy cơ

        • Nếu bạn mắc các bệnh lý có khả năng làm tăng nguy cơ mắc rối loạn thần kinh thực vật, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và hỏi về triệu chứng của bạn.
        • Nếu bạn đang điều trị ung thư bằng một loại thuốc có khả năng gây tổn thương tế bào thần kinh, bác sĩ sẽ kiểm tra và theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn thường xuyên.

        Khi bạn không có các yếu tố nguy cơ

        Nếu bạn gặp phải các triệu chứng của bệnh rối loạn thần kinh tự trị nhưng không có yếu tố nguy cơ, bác sĩ có thể xem xét bệnh sử của bạn, thảo luận về các triệu chứng mà bạn gặp phải và thăm khám lâm sàng.


        Bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện thêm các xét nghiệm đánh giá chức năng, bao gồm:

        • Kiểm tra chức năng hệ thần kinh thực vật
        • Nghiệm pháp bàn nghiêng
        • Xét nghiệm kiểm tra bất thường hệ tiêu hóa
        • Test phản xạ sợi trục tiết mồ hôi định tính
        • Test mồ hôi điều nhiệt
        • Xét nghiệm phân tích nước tiểu và chức năng bàng quang
        • Siêu âm
        Xét nghiệm phân tích nước tiểu và chức năng bàng quang
        Xét nghiệm phân tích nước tiểu và chức năng bàng quang
        Nghiệm pháp bàn nghiêm chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật
      • Bác sĩ sẽ điều trị rối loạn thần kinh thực vật bằng cách kiểm soát các triệu chứng. Nếu nguyên nhân gây ra tình trạng này là do một căn bệnh tiềm ẩn nào đó, thì điều quan trọng là phải kiểm soát căn bệnh đó càng sớm càng tốt.


        Ví dụ, nếu bị đái tháo đường, bạn sẽ cần kiểm soát lượng đường trong máu bằng chế độ ăn uống, tập thể dục và sử dụng thuốc. Đối với các bệnh tự miễn, như hội chứng Sjogren, bạn sẽ dùng thuốc để kiểm soát hệ thống miễn dịch và giảm viêm trong cơ thể.


        Bác sĩ có thể tư vấn một số cách để kiểm soát triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật, bao gồm:

        Vấn đề về tiêu hóa

        • Nâng đầu giường: Bạn hãy nâng đầu giường lên một chút khi ngủ để ngăn ngừa chứng ợ nóng.
        • Dùng thuốc: Thuốc nhuận tràng có thể giúp trị táo bón và các loại thuốc khác có thể điều trị tiêu chảy và đau bụng.
        • Thay đổi chế độ ăn uống: Bạn nên chia thành những bữa nhỏ hơn để không bị căng bụng, đồng thời thêm chất lỏng và chất xơ vào chế độ ăn uống để ngăn ngừa đầy hơi và táo bón.

        Vấn đề về tiết mồ hôi

        • Một vài loại thuốc có thể giúp bạn tiết ra ít mồ hôi hơn, bao gồm glycopyrrolate và botulinum toxin.

        Vấn đề về tim và huyết áp

        • Đứng lên từ từ để không bị chóng mặt
        • Sử dụng thuốc để kiểm soát nhịp tim như thuốc chẹn beta
        • Sử dụng thuốc làm tăng huyết áp như fludrocortison hoặc midodrine và pyridostigmine.
        • Thêm muối và chất lỏng trong chế độ ăn uống để giúp tăng huyết áp, tuy nhiên bạn chỉ làm điều này nếu bác sĩ đề nghị thực hiện do có thể làm tăng huyết áp quá cao hoặc gây sưng.

        Vấn đề về tình dục

        • Đối với nam giới, các loại thuốc như sildenafil, tadalafil và vardenafil có thể giúp duy trì cương dương.
        • Phụ nữ có thể thử sử dụng chất bôi trơn gốc nước để làm cho quá trình quan hệ thoải mái hơn.
        Điều trị rối loạn thần kinh thực vật
        Điều trị rối loạn thần kinh thực vật
        Điều trị rối loạn thần kinh thực vật
      • Việc phòng ngừa các yếu tố có thể gây ra chứng rối loạn thần kinh thực vật chính là loại bỏ các yếu tố nguy cơ cũng như nguyên nhân gây ra bệnh. Vì vậy, việc duy trì một sức khỏe tốt cũng như một lối sống lành mạnh chính là điều kiện tiên quyết nhất.

          • Giữ cho lượng đường trong máu ổn định, cả trong trường hợp bị tiểu đường lẫn chưa bị tiểu đường, có thể bằng cách ăn nhiều chất xơ, hạn chế tinh bột và chất béo.
          • Giữ cho huyết áp ổn định.
          • Cố gắng bỏ hút thuốc lá.
          • Cố gắng bỏ uống rượu.
          • Tập thể dục hàng ngày, và duy trì cân nặng phù hợp. Nhiều nghiên cứu đã khuyến cáo nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần, sẽ giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, hạn chế mắc các bệnh mạn tính như cao huyết áp và đái tháo đường.
          • Loại bỏ các yếu tố gây stress.
          • Bổ sung các vitamin và khoáng chất thiết yếu.
          • Duy trì thói quen ngủ đúng giờ, nên ngủ từ 7-8 tiếng mỗi ngày.
          • Giữ một thái độ sống tích cực.
          • Xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng.
          Bỏ uống rượu bia giúp phòng tránh rối loạn thần kinh thực vật
          Bỏ uống rượu bia giúp phòng tránh rối loạn thần kinh thực vật
          Phòng tránh rối loạn thần kinh thực vật
        • 1. Bạn nên tăng lượng chất xơ và chất lỏng trong khẩu phần ăn, đồng thời giảm lượng chất béo. Điều này giúp bạn giảm đầy bụng hoặc khó tiêu, nhưng chú ý phải từ từ tăng chất xơ để tránh chướng bụng và đầy hơi.


          Một số loại rau xanh nên dùng như bông cải xanh, rau ngót, cải thìa,… Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị dùng chất xơ bổ sung như Metamucil hoặc Citrucel để tăng lượng chất xơ trong cơ thể.

          Bạn cũng nên chia thành các bữa ăn nhỏ trong ngày để tránh quá tải hệ tiêu hóa.


          2. Bạn cần bổ sung thêm các thực phẩm giàu canxi, kẽm, magie, vitamin nhóm B để giữ cho hoạt động của hệ thần kinh thực vật luôn được ổn định.


          3. Tăng lượng natri trong khẩu phần ăn của bạn lên 3-5 gam / ngày. Nếu không cảm thấy cải thiện và huyết áp vẫn ổn định, bạn có thể tăng lượng natri đến 5-7 gram / ngày. Điều này sẽ giúp cơ thể giữ lại chất lỏng trong các mạch máu để huyết áp được tăng lên.


          4. Bạn cũng cần bổ sung các loại thực phẩm giàu protein có nguồn gốc từ động vật như thịt, cá, trứng, sữa. Bởi vì protein có vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển của não bộ và dây thần kinh.


          5. Chất béo lành mạnh là một phần rất quan trọng trong chế độ ăn uống của người bệnh. Chất béo lành mạnh như Omega-3 và Omega-6 được tìm thấy trong cá, quả hạch, bơ và dầu thực vật như dừa, ôliu. Đây là những chất béo có nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp cơ thể chống lại tình trạng viêm và hỗ trợ chức năng của não.


          6. Uống nhiều nước hơn trong ngày cũng giúp hệ tiêu hóa của bạn hoạt động tốt.

          Việc đầu tiên thức dậy vào buổi sáng bạn nên làm là uống 1 ly nước 500ml, điều này sẽ làm tăng huyết áp trong vòng 5 phút.

          Bạn nên uống 2-2,5 lít nước (khoảng 8,5 đến 11 ly) trong 1 ngày.


          7. Điều quan trọng là phải giữ lượng đường trong máu ổn định để cải thiện tình trạng bệnh. Đường huyết không ổn định làm tăng viêm nhiễm, gây mất cân bằng nội tiết tố và tác động tiêu cực đến sức khỏe của bạn.


          Để cân bằng và ổn định lượng đường trong máu, bạn nên chia nhỏ các bữa ăn và ăn sau mỗi 3-4 giờ. Các loại thực phẩm hàng đầu giúp ổn định đường huyết bao gồm chất béo không bão hòa, các loại thảo mộc và gia vị như nghệ và quế, cùng với giấm táo và chanh để cân bằng lượng đường trong máu.

          Tăng lượng chất xơ trong khẩu phần ăn
          Tăng lượng chất xơ trong khẩu phần ăn
          Rối loạn thần kinh thực vật nên ăn gì?
        • Rối loạn thần kinh thực vật nên tránh:

          • Tránh ăn các bữa ăn quá thịnh soạn vì có thể gây các vấn đề tiêu hóa và đường huyết. Bạn nên chia thành những bữa ăn nhỏ hơn, thường xuyên hơn trong ngày thay vì ăn ba bữa chính.
          • Tránh các loại thực phẩm có chứa lactose và gluten, thường thấy ở bột mì, bánh hoặc bột nở. Nếu bạn kém hấp thu các loại đường này, bạn có thể bị chướng bụng, đầy hơi và tiêu chảy.
          • Tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ và cholesterol.
          • Chất béo bão hòa, phổ biến trong các loại thịt béo và các sản phẩm từ sữa, có thể gây viêm và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Để tăng cường sức khỏe, bạn nên thay thế bằng thịt nạc và ăn một lượng vừa phải các nguồn chất béo lành mạnh.
          • Loại bỏ những thực phẩm chứa các loại đường tinh luyện và các loại ngũ cốc tinh chế có hàm lượng glycemic cao, vì chúng gây mất ổn định lượng đường trong máu. Đường bổ sung thêm hương vị nhưng ít chất dinh dưỡng. Thiếu hụt dinh dưỡng có thể dẫn đến các triệu chứng thần kinh. Chọn các loại thực phẩm dinh dưỡng như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
          • Tránh uống quá nhiều caffein, vì nó có thể làm tăng sản xuất nước tiểu và giảm lượng máu.
          • Tránh uống rượu. Rượu làm cho máu chảy dồn xuống chân có thể làm hạ huyết áp khi đứng.

          Dinh dưỡng tốt luôn là biện pháp tiên quyết giúp cải thiện tình trạng bệnh. Cách tốt nhất để ngăn ngừa rối loạn thần kinh thực vật là kiểm soát cẩn thận bất kỳ tình trạng sức khỏe mà bạn đang mắc phải. Điều đó có nghĩa là kiểm soát lượng đường trong máu nếu bạn bị bệnh tiểu đường hoặc trao đổi với bác sĩ về phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả nếu bạn nghiện rượu.


          Cho dù có bị bệnh hay không, bạn hãy ăn một chế độ ăn uống lành mạnh giàu trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein từ thịt nạc. Ghi chép nhật ký thực phẩm để nhận thức được những gì bạn đang ăn và để đảm bảo bạn có được tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết cho mỗi ngày. Bên cạnh đó, bạn cũng nên duy trì cân nặng khỏe mạnh và tập thể dục thường xuyên để giữ gìn sức khỏe tốt.

          Tránh các thực phẩm có chứa lactose và gluten
          Tránh các thực phẩm có chứa lactose và gluten
          Rối loạn thần kinh thực vật nên kiêng gì?
        • Rối loạn thần kinh thực vật có tính chất không quá nghiêm trọng nên bạn không quá lo lắng và chỉ cần tuân thủ đúng theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để có được kết quả điều trị tốt nhất. Đặc biệt, trong quá trình trị liệu thì tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực là vô cùng quan trọng khiến cho tình trạng bệnh sớm thuyên giảm.

          Bên cạnh đó, người bệnh có thể kết hợp tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày, duy trì lối sống lành mạnh khoa học, không sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác.

          Việc kiểm soát căng thẳng, cân bằng cuộc sống, giảm stress cũng rất quan trọng. Do đó, bạn nên sắp xếp hợp lý giữa nghỉ ngơi và làm việc. Không nên làm việc quá nhiều, hoặc thức khuya thường xuyên sẽ khiến cho tình trạng bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng.

          Bên cạnh đó, các bài tập hít thở sâu hoặc xoa vùng trên rốn hàng ngày sẽ rất có tác dụng trong việc phòng và điều trị bệnh. Bạn có thể lựa chọn tập yoga tại nhà hoặc thiền định giúp tĩnh tâm, thư giãn và thả lỏng cơ thể hiệu quả.


          Rối loạn thần kinh thực vật thường tự khỏi trong vòng khoảng 2 - 3 năm và rối loạn này không có gì nghiêm trọng đe dọa cuộc sống. Tuy nhiên nó có thể làm hạn chế những hoạt động trong cuộc sống hằng ngày của người bệnh từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng. Vì thế, khi thấy có thể có những biểu hiện bất thường cần lập tức đi khám ngay nhằm phòng tránh, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

          Tập các bài tập giúp thư giãn và thả lỏng cơ thể
          Tập các bài tập giúp thư giãn và thả lỏng cơ thể
          Những lưu ý khi điều trị rối loạn thần kinh thực vật



        Công Ty cổ Phần Toplist
        Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
        Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
        Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
        Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
        Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy