Top 12 môn thể thao kỳ lạ nhất trên thế giới

Vũ Minh Hoàng 4255 0 Báo lỗi

Chắc hẳn chúng ta đã cực kỳ quen thuộc với những môn thể thao như bóng đá, cầu lông, tennis, bóng rổ… Thế nhưng trên thế giới rộng lớn này, vẫn còn rất nhiều ... xem thêm...

  1. Top 1

    Khúc côn cầu dưới nước

    Thể thao thế giới tồn tại không ít môn thi đấu dưới nước nhưng nói về độ “quái” thì Underwater hockey (khúc côn cầu dưới nước) giữ vị trí số 1. Nó cũng giữ vị trí số 1 về độ khó bởi diễn ra dưới đáy hồ, người thi đấu không những phải bơi tốt, lặn giỏi mà còn cần khả năng nín thở. Khúc côn cầu dưới nước ra đời rất tình cờ trong hoàn cảnh chẳng liên quan gì đến thể thao. Vào năm 1950, Hải quân Anh thường bày ra cách vừa tập luyện vừa chơi kiểu gần giống khúc côn cầu trên băng ở dưới nước để giúp lính lặn cải thiện khả năng di chuyển và làm nhiệm vụ hiệu quả dưới mặt nước. Đến năm 1954, Underwater hockey (còn được gọi với cái tên Octopush) mới chính thức được xem như môn thể thao sau khi ông Alan Blake thành lập CLB đầu tiên là Southsea Sub-Aqua ở Anh. Khúc côn cầu dưới nước sau đó được hưởng ứng nhiệt tình bởi sự kết hợp hài hòa giữa những kỹ năng của môn bơi lội và lặn, trong khi hình thức thi đấu lai tạp giữa khúc côn cầu trên băng và bóng rổ. Cả nam và nữ đều có thể tham gia môn này, chỉ cần có sức chịu đựng tốt trước thách thức nín thở một thời gian nhất định dưới nước. Họ được trang bị vây, mặt nạ, ống thở, một chiếc găng tay bảo vệ làm bằng cao su, khăn trùm đầu và một gậy nhỏ dài khoảng 30 cm để điều khiển puck (tương tự bóng khúc côn cầu trên băng) nặng từ 1,3 - 1,5 kg được bọc nhựa nhằm tạo ma sát dưới đáy hồ thi đấu.


    Các trận đấu khúc côn cầu dưới nước thông thường diễn ra tại hồ bơi với kích thước dài 25 m, rộng 12 m, đạt độ sâu từ 2 - 4 m và 2 đầu được gắn 2 khay kim loại có chiều dài 3 m. Khán giả của môn thể thao lạ lùng này sẽ xem từ trên mặt hồ hoặc thưởng thức trực tiếp trên màn hình được ghi bởi máy quay hay chứng kiến cận cảnh tại những bể bơi thiết kế mặt gương.


    Sự kỳ quái và kỹ năng phức tạp giúp khúc côn cầu dưới nước lan tỏa khắp các châu lục đến mức các tổ chức đứng đầu phải giành giật nhau thành viên và tổ chức các giải vô địch thế giới. Hiện nay, môn thể thao này có 2 tổ chức đại diện quốc tế là Underwater Hockey Commission (CMAS) và World Aquachallenge Association (WAA) nhưng không tổ chức nào chịu nhường nhau nên có đến 2 giải vô địch thế giới tồn tại riêng biệt kể từ năm 2006 được tổ chức xen kẽ.

    Khúc côn cầu dưới nước
    Khúc côn cầu dưới nước
    Trận đấu Khúc côn cầu dưới nước

  2. Top 2

    Vật ngón chân cái

    Hàng năm, du khách và các đấu sĩ từ nhiều nơi trên thế giới lại đổ về Fenny làng Bentley, hạt Derbyshire, Anh để chứng kiến và tham gia cuộc thi vật ngón chân. Các thí sinh muốn thi đấu phải trên 18 tuổi và vượt qua kỳ kiểm tra vệ sinh bàn chân để đảm bảo không bị mùi hay nấm. Sau đó, họ được chia thành các cặp nam hoặc nữ, thi đấu tối đa 3 vòng để chọn ra người chiến thắng. Vòng đầu tiên bắt đầu với ngón chân phải. Hai đô vật ngồi đối diện, đặt chân vào một khung gỗ hình vuông nhỏ trên sàn, quặp ngón chân cái vào nhau và dùng sức mạnh của ngón chân cái đè đối phương xuống sàn. Vòng hai đến lượt ngón chân trái. Nếu hòa nhau, vòng cuối sẽ tiếp tục thi đấu bằng ngón chân phải.


    Theo IBT, cuộc thi này bắt đầu từ năm 1976 tại một quán rượu ở thị trấn Wetton phía bắc nước Anh. Khi đó, một nhóm những người đi bộ muốn tạo ra một trò chơi mà chỉ có người Anh mới có thể giành chiến thắng. Tuy nhiên đến giữa những năm 1990, môn thể thao độc đáo này mới bắt đầu được thi đấu hàng năm và từng có người Canada giành chức vô địch.

    Vật ngón chân cái
    Vật ngón chân cái
    Trận đấu Vật ngón chân cái
  3. Top 3

    Đánh gối

    Trong lễ hội nước ở Sri Lanka có rất nhiều môn thể thao lạ lùng. Trong đó, môn thể thao được ưa chuộng nhất là môn đánh gối. Hai người chơi ngồi trên cột chênh vênh, mỗi người giữ thăng bằng bằng cách đặt 1 tay ra sau lưng và mục tiêu là phải đánh cho người kia ngã xuống nước.


    Theo AFP, giải đấu luôn đem lại sự vui vẻ, phấn khích khi lông gối bay mù mịt khi bị rách. Những thí sinh nam hoặc nữ tay cầm gối, ngồi trên một cột thép tròn không gỉ dài hơn 8,5 m bắc qua một ao bùn có độ sâu gần 1 m. Sau tiếng còi của trọng tài, người nào dùng gối đập đối thủ rớt khỏi cột thép xuống bùn sẽ giành chiến thắng. Vì vậy, người tham gia ngoài sức mạnh còn phải có khả năng giữ thăng bằng tốt.


    Cuộc đấu có 2 hiệp, mỗi hiệp kéo dài 2 phút. Giám khảo sẽ tính điểm cho những cú đập gối chính xác vào đầu và cơ thể đối phương và tuyệt đối cấm các hành vi cắn, gây trầy xước, kéo tóc, quay lưng với đối thủ hoặc thả gối... để tung đấm. Với thang điểm 10, nếu 2 “gối thủ” hòa nhau thì giám khảo sẽ đánh giá thắng - thua thông qua phong cách, sức chịu đựng và “con mắt của hổ” (hiểu nôm na là khả năng tránh đòn hoặc vẫn tinh mắt khi đối mặt với cảnh sợi vải hoặc lông ruột gối bay mù).

    Môn đánh gối của người Sri Lanka
    Môn đánh gối của người Sri Lanka
    Trận đấu đánh gối
  4. Top 4

    Đá ống chân

    Môn thể thao này hình thành từ năm 1636 và là một phần trong khuôn khổ đại hội thể thao Robert Dover Olimpick Games, khi đó môn thi đấu này thậm chí còn bạo lực hơn. Đầu thế kỷ 19, các ngôi làng tại đây thường thách thức nhau qua các trận đấu bạo lực bằng cách đập vào ống chân các đấu thủ bằng búa đập than.


    Các đấu thủ mặc chiếc áo màu trắng truyền thống và tất nhồi rơm bảo vệ , bằng mọi cách đá vào ống chân sao cho đối phương không thể đứng dậy sẽ là người chiến thắng. Thông thường, các đấu thủ rời sân với các vết thương bầm tím ở ống chân hãy tự xem mình là người may mắn. Vào thập niên 1950, chấn thương gãy ống chân khá phổ biến, do đó luật thi đấu nghiêm cấm các đấu thủ dùng thép bọc các đầu ngón chân trong những năm về sau.


    Đây là môn thể thao được phát minh bởi người Anh và được ra đời từ những năm đầu của thế kỷ 17. Hiện tại có hẳn một giải vô địch thế giới dành cho người chơi môn này với tên gọi Olimpicks Cotswold. Ngoài hai người chơi còn có 1 trọng tài để phân định thắng thua.

    Luật chơi ngày nay quy định đối thủ nào đá vào ống chân đối thủ 2 lần trước sẽ là người chiến thắng. Để đề phòng chấn thương có thể xảy ra khi đối thủ đá quá mạnh gây chấn thương, luôn có ít nhất 1 xe cứu thương túc trực sẵn bên ngoài sân để tiến hành cấp cứu kịp thời.

    Môn đá ống chân
    Môn đá ống chân
    Môn đá ống chân là một phần trong khuôn khổ đại hội thể thao Robert Dover Olimpick Games
  5. Top 5

    Bóng chuyền trên đệm hơi

    Bóng chuyền trên đệm hơi (hay còn gọi là Bossaball) có xuất xứ từ Tây Ban Nha và hiện đang phát triển khá mạnh ở châu Âu cũng như các quốc gia Nam Mỹ. Dù ở Việt Nam, bộ môn Bossaball vẫn còn xa lạ với nhiều người, nhưng nó đã bắt đầu xuất hiện tại Đồng Tháp và nhận được sự quan tâm của nhiều người. Được biết, môn Bossaball được phát minh bởi Filip Eyckmans, một người Bỉ sống ở Tây Ban Nha. Đến năm 2004, Bossaball đón nhận sự hưởng ứng rất lớn ở Bỉ và Hà Lan trước khi trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trên các bãi biển ở Tây Ban Nha. Hiện tại, môn Bossaball đã xuất hiện ở rất nhiều nước châu Âu và các quốc gia Nam Mỹ. Ngoài ra, trên thế giới, những nhà chuyên môn bóng chuyền cũng đã hình thành giải World Cup Bossaball thu hút rất nhiều quốc gia tham dự.


    Sân thi đấu của môn Bossaball được thiết kế hoàn toàn bằng những tấm đệm hơi để các VĐV có thể bật nhảy dễ dàng. Ở mỗi phần sân còn được đặt thêm một tấm bạt có lò xo nằm sát lưới giúp người tấn công nhún người lên cao dứt điểm. Trong môn bóng chuyền hơi bossaball, mỗi đội có từ 4 - 5 người, trong đó chủ công luôn túc trực trên tấm bạt lò xo để thực hiện các pha dứt điểm. Khi chơi môn bóng chuyền này sẽ sử dụng chân, tay và sàn đấu là thảm hơi nên việc di chuyển khá khó khăn. Để có thể chơi tốt, mỗi người phải hội tụ nhiều kỹ năng, từ bóng chuyền, bóng đá cho đến thể dục dụng cụ hay cả võ thuật. Luật chơi cơ bản dựa trên luật thi đấu bóng chuyền nhưng mỗi đội Bossaball có 5 lần chạm để giữ bóng. Độc đáo hơn, mỗi người chơi có thể được 2 lần chạm bóng liên tiếp nếu tiếp xúc bóng bằng các bộ phận cơ thể khác nhau. Người tấn công được ví như một nghệ sĩ thể thao bởi phải sở hữu nhiều kỹ năng và sự nhạy cảm độ cao để nhún bạt lò xo bật lên lưới đón đường chuyền bóng của đồng đội.


    Điểm nổi bật của môn Bossaball là người chơi phải nhún nhảy liên tục trong thời gian thi đấu, thế nên việc tiêu hao năng lượng rất lớn. Bên cạnh đó, việc cho phép được kết thúc bóng bằng nhiều bộ phận trên cơ thể đã giúp người chơi cảm thấy hứng thú với loại hình vui chơi này. Ngoài ra, với sân đấu là các tấm thảm hơi nên các VĐV sẽ cảm thấy an toàn hơn khi thực hiện các động tác mà không phải sợ những chấn thương.

    Bóng chuyền trên đệm hơi
    Bóng chuyền trên đệm hơi
    Trận đấu Bóng chuyền trên đệm hơi
  6. Top 6

    Đua Đà Điểu

    Trong thế giới thể thao liên quan đến cưỡi động vật, đua ngựa được xem là số 1 về hấp lực lẫn tốc độ. Tuy nhiên, theo Daily Mail, nếu nói nét độc đáo và kỹ năng của nài, đua ngựa có lẽ chưa thể vượt mặt cuộc đua chim đà điểu (ostrich racing).


    Trường đua đà điểu tương tự như đua ngựa và nài phải trải qua quá trình tập luyện ngồi trên lưng chim để... “phi”. Mỗi vòng đua thường có đến 5 - 7 chú chim xuất phát mỗi lượt và độ dài đường đua giống như ở đua ngựa, con nào về đích đầu tiên sẽ giành chiến thắng. Các con đà điểu đều được gắn một chiếc yên đặc biệt cùng dây cương, còn nài cầm roi, đội mũ bảo hiểm cũng như đều được kiểm tra trước khi tranh tài. Dù “phụ kiện” đều tương tự như đua ngựa nhưng đua đà điểu luôn thu hút và tạo hào hứng, vui nhộn cho khán giả nhờ sự kỳ lạ và độ khó của nó. Ngoài ra, một số giải đấu còn có nội dung đua đà điểu kéo xe.


    Theo đánh giá của truyền thông Mỹ, đua đà điểu có độ khó hơn đua ngựa và các loại hình đua cưỡi các loài động vật khác. Bởi tốc độ của một con đà điểu có thể lên đến 70 km/giờ. Vì vậy, mỗi nài đà điểu phải trải qua quá trình khổ luyện để giữ thăng bằng trên lưng những chú chim khá bướng bỉnh. Theo tờ The Sun, nài phải tập luyện những kỹ năng đặc biệt để vô hiệu hóa đôi cánh đà điểu nhằm giữ vững chiếc yên. Điều quan trọng hơn là các nài phải huấn luyện miệt mài để đà điểu phục tùng mình trên đường đua. Đây được xem là yếu tố hàng đầu quyết định thắng - thua ở mỗi cuộc đua.


    Các chú đà điểu tranh tài ở các cuộc thi hầu hết có nguồn gốc từ châu Phi. Đây là loài chim không biết bay, sở hữu thân hình lớn nhất trong các loài chim. Cổ và chân đà điểu đặc biệt rất dài và được xem là “ông vua tốc độ” trên mặt đất trong thế giới chim. Từ cuối thế kỷ 19, với khả năng có thể “địu” một khối lượng lớn trên lưng, các cuộc đua đà điểu được hình thành với mục đích giải trí trong một số lễ hội ở Nam Phi và các bang Arizona hoặc Florida (Mỹ). Đến nay, đua đà điểu không những trở nên rất phổ biến tại các địa phương trên mà còn mở rộng đến nhiều nơi trên đất Mỹ, được tổ chức xen kẽ với các cuộc đua lạc đà và ngựa vằn. Theo một thống kê gần đây, những cuộc đua đà điểu ở thành phố Chandler trong lễ hội đà điểu Arizona hồi tháng 3 năm ngoái thu hút đến hơn 100.000 khán giả và du khách từ khắp nơi trên thế giới.

    Môn Đua Đà Điểu
    Môn Đua Đà Điểu
    Trận đấu Đua Đà Điểu
  7. Top 7

    Quyền Anh cờ vua – Chess boxing

    Mới lạ, độc đáo đôi khi được nhận xét là kỳ cục, chỉ mất 15 năm, cờ vua quyền anh tạo ra sức hút mạnh mẽ và lan tỏa rộng rãi đến toàn thế giới. Sự mạnh mẽ trên võ đài kết hợp với trí tư duy trên bàn cờ vua tạo nên môn thể thao thú vị với tên gọi chessboxing (cờ vua quyền anh). Một trận cờ vua quyền anh chuyên nghiệp sẽ diễn ra tối đa 11 hiệp trong đó có 6 hiệp là đánh cờ và 5 hiệp trên võ đài. Cũng như quyền anh thông thường, mỗi hiệp đấu của chessboxing sẽ kéo dài trong vòng 3 phút. Thời gian nghỉ cho mỗi hiệp thường là 60 giây.


    Một võ sĩ cờ vua quyền anh sẽ chiến thắng khi:


    • Đối thủ của anh ta bị chiếu hết trên bàn cờ vua hoặc hết thời gian trước. Theo quy định của Tổ chức cờ vua quyền anh thế giới, mỗi võ sĩ có tổng cộng thời gian 9 phút để chơi cờ và sẽ đeo tai nghe để tránh bị ảnh hưởng bởi những lời bình luận xung quanh.
    • Hoặc anh ta chiến thắng trên võ đài bằng knock-out hay do đối thủ phạm quy trong trường hợp tung ra đòn đánh bị cấm như: đánh dưới thắt lưng, sử dụng những đòn đá hay chỏ, tấn công vào vùng gáy…
    • Nếu sau 11 hiệp vẫn bất phân thắng bại, kết quả trận đấu sẽ được quyết định bởi điểm số của trọng tài dựa trên màn trình diễn tại những hiệp boxing.

    Theo Rubingh, đến nay, có hơn 500 triệu người trên thế giới biết và hiểu luật thi đấu môn chessboxing. Đó là bước khởi đầu mang lại niềm tin về tương lai tươi sáng của môn thể thao này. Để được thừa nhận và có mặt tại những giải đấu cấp khu vực hay thậm chí là thế giới như Olympic, chắc chắn cờ vua quyền anh cần thêm nhiều thời gian nữa. Nếu thuận lợi, biết đâu những cuộc đối đầu kinh điển sẽ diễn ra mà nhiều khi tất cả chẳng dám tưởng tượng đến.

    Quyền Anh cờ vua – Chess boxing
    Quyền Anh cờ vua – Chess boxing
    Trận đấu Quyền Anh cờ vua – Chess boxing
  8. Top 8

    Đua giường ngủ

    Cuộc đua giường được “sản xuất” tại thị trấn Knaresborough thuộc vùng Yorkshire, miền Bắc nước Anh vào năm 1966. Ban đầu, với địa hình sông núi hữu tình của địa phương, những nhà tổ chức nghĩ đến hàng trăm ý tưởng khác nhau hình thành sự kiện như đua xe ngựa, đua bè, leo núi... Nhưng sau đó, chẳng hiểu bàn bạc thế nào họ lại quyết định đem những chiếc giường ra đường để đua biến thành một sự kiện thể thao cộng đồng nổi tiếng thế giới.


    Giải đua đầu tiên vốn chỉ dành cho lực lượng quân đội, hải quân Anh và thủy quân lục chiến Mỹ nhưng sau đó mở rộng cho tất cả đối tượng. Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng không đồng nghĩa đua giường trở thành một cuộc thi giải trí bởi các đội tham gia phải trải qua nhiều thách thức và hiểm nguy. Theo quy định, mỗi đội đua gồm 7 người, trong đó 6 người (đội nam, đội nữ hoặc đội nam lẫn nữ từ 8 tuổi trở lên) đẩy, kéo giường lăn bánh, người còn lại là “hành khách” nằm trên chiếc giường. Các tay đua của mỗi đội nếu muốn trở thành “siêu sao giường ngủ” phải hội tụ kỹ năng toàn diện: sức mạnh, sức bền, chạy marathon, bơi lội và biết làm việc theo nhóm. Họ sẽ đẩy chiếc giường đúng chuẩn theo luật của cuộc thi (kích thước tối thiểu 1,75 x 0,75 m, tối đa 3 x 1,35 m và chiều cao tối đa 3 m; 4 bánh có đường kính không vượt quá 250 mm; phao...) vượt qua quãng đường dài gần 4 km, xuất phát từ trung tâm thị trấn. Sự căng thẳng và kịch tính luôn hiện hữu suốt quãng đường đua khi những chiếc giường lạ mắt băng qua công viên, danh lam thắng cảnh với những khúc cua vuông góc, leo lên những con dốc thẳng đứng gồ ghề đá sỏi rồi lội qua con sông Nidd lạnh giá rộng hơn 18 m luôn có nước chảy xiết trước khi về đích.


    Sau hiệu lệnh xuất phát, 6 tay đua chính hì hục, mồ hôi nhễ nhại đẩy hoặc dùng dây thừng kéo chiếc giường đạt được tốc độ nhanh nhất hướng về đích. Trên giường, “hành khách” dù được trang bị mũ bảo hiểm và áo phao nhưng luôn trong trạng thái thấp thỏm chuẩn bị tâm thế cho tình huống xấu nhất như: lật giường, đâm lề đường chổng vó lên trời, va chạm với giường đối thủ, chìm xuống sông, tụt dốc... Vì thế, không chỉ có nhiệm vụ la hét cổ vũ cho đồng đội, “hành khách” nằm trên giường còn phải sở hữu một “tinh thần thép” và sự dũng cảm nhất định. Đội hoàn thành cuộc đua với thời gian nhanh nhất sẽ là đội đoạt chức vô địch, trong đó các đội chiến thắng thông thường cán đích trong khoảng từ 12 - 14 phút.

    Môn đua giường ngủ
    Môn đua giường ngủ
    Trận đấu đua giường ngủ
  9. Top 9

    Quidditch

    Những ai đọc bộ truyện Harry Potter của nhà văn J.K. Rowling chắc chắn chẳng lạ gì môn Quidditch của các học sinh trường Hogwarts. Giờ nó đã xuất hiện ở ngoài đời. Đương nhiên, những người chơi không thể cưỡi chổi bay trên không như các nhân vật trong truyện. Người chơi cũng có chổi, cũng phải ngồi lên nó, không được bỏ ra trong suốt trận đấu, nhưng mà phải chạy chứ không bay. Phiên bản các trận đấu dưới mặt đất tuân thủ theo mọi quy tắc đã được đề cập tới tại Hogwarts, nhưng với một ngoại lệ, đó là Golden snitch - quả bóng vàng có đôi cánh sẽ do một người mặc áo vàng nắm giữ. Người hâm mộ cho biết Quidditch phiên bản mặt đất là kết quả của sự pha trộn giữa môn bóng đá và bóng bầu dục khi 7 cầu thủ của mỗi đội cố gắng để ném trái bóng qua một chiếc vòng nhỏ ở cuối phần sân của đối phương.


    Môn Quidditch này được Xander Manshel, một sinh viên người Anh tại trường cao đẳng Middlebury tại bang Vermont, Mỹ, đề xuất và đã được đưa vào thi đấu từ năm 2005. Hiện nay tại Mỹ có khoảng 400 trường Đại học và hơn 300 trường phổ thông đã thành lập đội Quidditch và Hiệp hội Quidditch liên trường - được hình thành vào năm 2007 - sẽ đứng ra tổ chức giải đấu. Giải Quidditch World Cup hàng năm là một sự kiện thể thao khá lớn tại Mỹ, với các vận động viên đến từ 16 tiểu bang và 46 trường cao đẳng tập trung tại New York để cùng nhau tranh tài.

    Môn Quidditch
    Môn Quidditch
    Trận đấu Quidditch
  10. Top 10

    Cõng vợ

    Môn cõng vợ (Wife Carrying hay Eukonkanto) ra đời ở Phần Lan và là một cuộc thi truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác. Cuộc thi cõng vợ vốn có một truyền thuyết và giai thoại từ cổ xưa ở đất nước Bắc Âu về một nhân vật có tên Herkko Rosvo-Ronkainen. Tương truyền Rosvo-Ronkainen được xem là một tên cướp khét tiếng vào cuối những năm 1800. Gã này sống trong một khu rừng, đứng đầu một băng đảng chuyên trộm cướp gây nỗi khiếp sợ ở các làng mạc. Câu chuyện trộm cướp của băng đảng Rosvo-Ronkainen có rất nhiều giai thoại truyền miệng từ dân gian cho đến nay mà trong đó đều được cho là nguồn cơn để hình thành môn thể thao cõng vợ sau này. Một số người thời xa xưa ở Phần Lan cho rằng băng đảng Rosvo-Ronkainen chuyên trộm thực phẩm, phụ nữ ở các làng mạc và cõng những phụ nữ trên lưng khi tẩu thoát vào rừng. Một giai thoại khác kể lại những tên trộm khét tiếng trên đến một ngôi làng gần nơi ở để ăn cắp vợ của người đàn ông khác cõng đi, sau đó biến người phụ nữ kia thành vợ mình.


    Quy định của cuộc thi cõng vợ ở Phần Lan không có nhiều ràng buộc về cách thức. Người đàn ông miễn sao nhấc người được cõng khỏi mặt đất. Tuy nhiên, có một điều lạ lùng là các cặp đôi tham gia đều chọn cách cõng không chính thống và trở nên phổ biến ở các cuộc thi sau này: đó là cách cõng theo kiểu Estonia. Theo kiểu cõng này, người phụ nữ bị treo lộn ngược đầu phía sau lưng người đàn ông, 2 chân vắt chéo quanh cổ, mông chổng lên trời còn 2 tay giữ eo đối tác. Người đàn ông sau đó sử dụng sức mạnh để mở hết tốc lực chạy vượt qua nhiều chướng ngại vật để đến đích một cách nhanh nhất.

    Cuộc thi cõng vợ
    Cuộc thi cõng vợ
    Cuộc thi cõng vợ
  11. Top 11

    Người chạy thi với ngựa

    Theo trang Oddity Central, cuộc thi kỳ quặc này bất ngờ ra đời vào một buổi tối tháng 11-1979. Khi ấy, ông Gordon Green, một chủ quán rượu ở thị trấn Llanwrtyd Wells (Xứ Wales) tranh cãi với một cư dân địa phương là ông Glyn Jones về sức dẻo dai giữa ngựa và con người.


    Ông Green tin rằng một người đàn ông có thể đánh bại con ngựa trong cuộc chạy đua đường trường, trong khi ông Jones đưa ra ý kiến trái ngược. Cuối cùng, cả hai đồng ý tổ chức một cuộc thi để kiểm chứng đúng sai. Sau đó, 50 người và 15 con ngựa đã tham gia cuộc đua dài 35 km xuyên qua những ngọn đồi và đầm lầy. Ông Glyn Jones đã chiến thắng chung cuộc nhờ cưỡi con chiến mã nhanh nhất vùng Llanwrtyd Wells.


    Từ năm 1985 đến 1992, những tay đua xe đạp được phép tham gia cuộc thi nói trên. Vào năm 1989, một người chạy xe đạp đã cán đích đầu tiên. Tuy nhiên, nhà chức trách sau đó đã cấm sử dụng xe đạp do họ cho rằng bánh xe làm hỏng đường mòn trong khu rừng. Vì thế, từ năm 1992 trở đi, người tham gia cuộc thi bằng đôi chân như trước kia. Đến nay, chỉ có 2 lần con người giành chiến thắng trước các chú ngựa, đó là các năm 2004 và 2007.


    Trong cuộc đua, người tham dự sẽ xuất phát vào khoảng 11 giờ (giờ địa phương) và 15 phút sau, các chú ngựa bắt đầu chạy. Năm 2011, một lần nữa chiếc cúp thắng cuộc thuộc về một con ngựa tên Shah do cô sinh viên 21 tuổi cưỡi. Cô giành được 1.700 USD tiền thưởng.

    Cuộc thi thể hiện sức dẻo dai giữa người và ngựa
    Cuộc thi thể hiện sức dẻo dai giữa người và ngựa
    Người chạy đua với ngựa
    Người chạy đua với ngựa
  12. Top 12

    Thi ném cá ngừ

    Năm 1979, một số thành viên của cộng đồng đánh cá ở Port Lincoln, Nam Australia đã nghĩ đến việc làm thế nào để lễ hội hàng năm trong vùng thu hút nhiều đám đông hơn. Họ quyết định ném cá ngừ khi nhận thấy các ngư dân thường gặp khó khăn trong việc đưa cá từ thuyền lên xe tải.

    Sau khi thử nghiệm khá nhiều kích thước cá khác nhau, BTC quyết định dùng loại nặng 10 kg, buộc dây thừng gắn liền với phần đầu để quăng cho dễ. Từ 24-27/1 vừa qua là lần thứ 35 giải đấu này diễn ra.


    Cuộc thi ném cá ngừ vô địch thế giới được tổ chức tại Port Lincoln, Australia. Cuộc thi này đã có lịch sử tới 55 năm và thu hút những người dân địa phương cùng khách du lịch. Luật chơi rất đơn giản, bằng mọi cách có thể, hãy ném sao cho chú cá hồi bay xa nhất có thể. Phần thưởng cho người thắng cuộc ở mỗi nội dung nam và nữ là 1000$ australia. Thành tích sẽ được tính với pha chạm đất đầu tiên của chú cá hồi. Mỗi chú cá để ném có trọng lượng 9kg và được tài trợ bởi các nhà hàng xung quanh bãi biển Lincoln, nơi rất giàu tài nguyên về sinh vật biển. Người chiến thắng ở nội dung nữ là chị Shanell Staunton còn ở nội dung nam, Michael Proude lên ngôi với chỉ 3 cm ném xa hơn con trai mình.

    Thi ném cá ngừ
    Thi ném cá ngừ
    Thi ném cá ngừ



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy