Top 10 Truyện cổ tích dân gian Nhật Bản hay nhất

Phương Kem 50 0 Báo lỗi

Tại mỗi một quốc gia đều có những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, chuyện dân gian riêng biệt với những phong cách theo một bản sắc văn hóa của quốc gia đó. Những ... xem thêm...

  1. Ngày xửa ngày xưa, tại một ngôi làng, có một chàng trai rất tốt bụng tên là UrashimaTaro, sống cùng mẹ.


    Một ngày nọ, khi Urashima Taro đang đi dạo dọc bãi biển thì thấy lũ trẻ đang bắt nạt một chú rùa lớn. Urashima Taro liền nói với lũ trẻ:


    “Rùa đáng thương quá, hãy để nó đi đi”.


    Và thế là chú rùa được thả đi. Vài ngày sau vào một ngày nọ, khi Urashima Taro đi ra biển đánh cá như thường lệ, một con rùa từ biển xuất hiện và và nói.


    “Urashima Taro, tôi là con rùa đã được cậu giúp đỡ. Công chúa Otohime-sama muốn cảm ơn sự giúp đỡ của cậu, vì vậy tôi đến đón cậu tới lâu đài Ryugu.”


    Urashima Taro nói “Chú sẽ đưa tôi đến lâu đài Ryugu à? Vậy thì đi thôi!”.


    Nói rồi, Urashima Taro leo lên mai rùa và xuống biển.


    Lâu đài Ryugu là một lâu đài rất đẹp, với nhiều cá bơi lội, được bao quanh bởi san hô màu đỏ và hồng tuyệt đẹp. Công chúa Otohime-sama là một người xinh đẹp đã ra đón rùa và Urashima Taro cũng những con cá đầy màu sắc.


    “Cảm ơn cậu Urashima Taro đã giúp đỡ rùa. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi ở đây nhé.”


    Taro được dẫn đến một căn phòng lớn bên trong lâu đài và thưởng thức rất nhiều món sơn hào hải vị. Các loại sinh vật biển như cá bơn, bạch tuộc… cùng nhau biểu diễn trước Taro.


    Urashima Taro dường như quên cả việc thời gian đang trôi qua và tận hưởng nơi giống như thiên đường ở đây. Sau bao nhiêu lần nghe lời công chúa Otohime ở lại thêm một ngày nữa, rồi một ngày nữa… thấm thoát 3 năm trôi qua.


    Urashima Taro chợt nhớ đến mẹ và ngôi làng của mình nên đã nói lời cảm ơn công chúa và xin phép ra về.


    Công chúa nói: Cậu về ư? Nếu được xin hãy ở lại đây?”


    Urashima Taro từ chối “Không, có người đang đợi tôi trở về”.


    Công chúa trả lời với giọng buồn rầu:

    “Vậy à. Tôi rất muốn cậu ở đây mãi nhưng không thể nào làm khác được nhỉ. Vậy thì hãy mang chiếc hộp thần kì Tamatebako này đi”.


    “Tamatebako?”


    “Hộp này chứa” thời gian “mà cậu Urashima đã ở lại lâu đài Ryugu. Chỉ cần cậu giữ không mở nó ra, cậu Urashima sẽ trẻ mãi như vậy. Nhưng một khi cậu mở nó ra, “thời gian” sẽ bị quay trở lại, vì vậy xin đừng mở nó.”


    “Vâng, tôi hiểu rồi. Xin cảm ơn công chúa.”


    Urashima Taro chia tay với công chúa Otohime và được rùa đưa lên mặt đất. Quay trở lại mặt đất, Urashima Taro nhìn xung quanh và ngạc nhiên. Cậu không thấy mẹ và nhà của cậu ở đâu cả. Dường như là cả hàng trăm năm đã trôi qua khi Taro ở lại lâu đài.


    Taro thất vọng và nhìn vào chiếc hộp đang cầm. Rồi cậu nhớ lại lời công chúa nói rằng nếu mở chiếc hộp ra thì thời gian sẽ quay trở lại. “Như vậy thì nếu mở ra thì tôi sẽ được quay lại?”.


    Nói rồi cậu mở chiếc hộp ra. Và từ trong hộp một làn khói trắng bay ra.


    “Ồ, đây là…”


    Trong làn khói ấy, Taro nhìn thấy lâu đài Ryugu và công chúa xinh đẹp cùng khoảng thời gian 3 năm mà Taro đã ở dưới biển. Làn khói trắng bắt đầu nhạt dần và còn lại lúc này là Taro ở bộ dạng của một ông cụ với râu tóc trắng tinh.


    Urashima Taro không biết hiện tại anh đang ở đâu và đây là mơ hay thực.

    Bài học: Nếu bạn làm những điều tốt, điều tốt đẹp sẽ đến với bạn và đừng bao giờ thất hứa.

    Truyền cổ “Urashima Taro”
    Truyền cổ “Urashima Taro”
    Truyền cổ “Urashima Taro”

  2. Ngày xửa ngày xưa, ở Nhật Bản có hai hai ông bà lão sống chung với nhau. Một ngày nọ, ông lão lên núi đốn củi, còn bà lão ra sông để giặt đồ.


    Khi bà lão đang giặt đồ thì từ thượng nguồn có một quả đào lớn trôi đến và bà đã mang nó về nhà. Bà lão định sẽ ăn nó cùng với ông lão và đã cắt nó bằng một con dao làm bếp. Đột nhiên, họ phát hiện một em bé ở bên trong. Ông và bà đặt tên cho em bé là “Momotaro (Đào Thái Lang) sinh ra từ quả đào".


    Momotaro lớn nhanh như thổi và trở thành một chàng trai mạnh khỏe. Một ngày nọ, cậu nói rằng “Con sẽ đến Onigashima (đảo quỷ) để xua đuổi con quỷ!". Thế là ông bà lão đã chuẩn bị hành trang và bánh dẻo Kibidango cho cậu.

    Trên đường đến Onigashima, có một con chó bị đói bụng. Momotaro đã cho chú chó một cái bánh Kibidango và thu nạp nó làm bạn đồng hành. Tương tự như vậy, khỉ và chim trĩ cũng được cậu thu nạp.


    Momotaro đã đến Onigashima cùng với những người bạn của mình và đánh bại con quỷ. Cậu mang về những kho báu mà quỷ đã cướp được và sống sung túc với ông bà lão. Họ sống hạnh phúc đến suốt đời.

    Momotaro
    Momotaro
    Momotaro
  3. Tóm tắt:


    Ngày xửa ngày xưa tại một nơi nọ có một anh chàng nghèo sinh sống. Anh là người lương thiện nhưng không có chút may mắn nào, làm việc gì cũng hỏng. Vậy nên anh đến cầu khẩn tượng Quan âm trong chùa.


    Anh được Phật truyền: “Ra khỏi chùa, mang theo thứ đầu tiên chạm vào đi về hướng Tây.".

    Anh vừa bước ra ngoài chùa thì ngã sấp mặt, lúc ngã vô ý túm lấy một cọng rơm dưới đất. Anh bèn làm theo lời chỉ dẫn mang cọng rơm nhắm hướng Tây mà đi.


    Bỗng một con ruồi trâu từ đâu bay đến bám lên mặt anh. Đuổi cách nào cũng không chịu đi, anh bèn tóm lấy nó cột vào đầu cọng rơm.

    Anh cầm cọng rơm có con ruồi bay vo vo đi tiếp về hướng Tây, thấy có hai mẹ con nọ mà người mẹ thì đang lúng túng vì đứa bé quấy khóc. Đứa bé nhìn thấy anh cầm cọng rơm có con ruồi thì nín khóc, mẹ nó bèn hỏi xin cho nó cọng rơm.


    Nhớ lời chỉ dẫn, lúc đầu anh còn chần chừ, nhưng rồi thấy người mẹ năn nỉ và nói sẽ biếu anh dăm quả quýt, anh đã đổi cọng rơm lấy quýt.

    Anh tiếp tục đi về hướng Tây, đang chực ăn quýt thì thấy một người lái buôn đi đường khổ sở vì khát nước. Người lái buôn thương lượng với anh: “Cho ta chỗ quýt, ta sẽ cho cậu cuộn vải.", và anh đồng ý.


    Cuộn vải đem bán cũng được kha khá tiền nhưng anh không bán mà đi tiếp về hướng Tây. Lần này anh gặp một võ sỹ samurai đang bối rối vì con ngựa ngã bệnh. Người võ sỹ không thể đi tiếp với con ngựa bệnh được nên đang định hoá kiếp cho nó. Anh chàng của chúng ta thấy tội nghiệp nên đã đổi vải lấy ngựa.


    Sau đó anh ra sức chăm nom con ngựa đến khi nó hồi phục, đi lại được. Anh lên ngựa tiếp tục đi về hướng Tây. Anh đến trước một dinh thự đồ sộ.


    Đúng lúc chủ nhân của toà dinh thự đang tính lên đường chu du thiên hạ nhưng chưa chuẩn bị ngựa kịp. Thấy anh chàng cưỡi con ngựa tốt, người chủ đề nghị: “Hãy cho ta mượn con ngựa và trông coi dinh thự giúp ta. Nếu sau ba năm ta vẫn chưa trở về thì xem như là của cậu luôn.".

    Anh bèn nhận lời. Người chủ dinh thự ba năm trôi qua, năm năm trôi qua cũng không thấy về, do đó dinh thự thuộc về anh. Như vậy là anh chàng nghèo đã có cả một cơ ngơi khang trang từ một cọng rơm.

    Triệu phú rơm
    Triệu phú rơm
    Triệu phú rơm
  4. Ngày xưa, có một chú khỉ đang đói bụng, Khỉ thấy Cua có cơm nắm thì bèn gạ gẫm Cua đổi cơm lấy hạt giống cây hồng. Cua ngẫm nghĩ thấy ko công bằng nên từ chối. Nhưng Khỉ láu cá nói:” Khi cậu ăn một hạt cơm thì hạt cơm ấy sẽ ko còn nhưng khi cậu trồng cây thì cây sẽ ko ngừng cho trái” Cua cho là chí lí và đồng í đổi cơm nắm lấy hạt giống.


    Cua trồng hạt hồng ở 1 góc vườn của mình. Hằng ngày đều chăm chỉ tưới nước và nói chuyện với hạt giống:” Nếu ngươi ko mau đâm chồi nảy lộc thì ta sẽ đào ngươi lên đấy” Hạt giống nghe thấy thế thì sợ lắm bèn nẩy mầm thật nhanh. Cua lại nói:” Nếu ngươi ko mau lớn thành cây to thì ta sẽ dùng kéo cắt ngươi làm nhìu khúc” Chồi cũng sợ hãi nên nhanh chóng mọc thành cây cao. Cuối cùng Cua nói :” Cho trái đi hoặc là ta sẽ đốn ngã ngươi” Vậy là cây liền ra quả sai nặng trĩu cành.


    Những quả hồng lần lượt chín mộng. Khỉ thấy vậy liền trèo lên cây và tìm ăn những quả chín nhất. Vì Cua bò ngang nên ko thể trèo lên cây, Cua bèn nhờ Khỉ hái hồng. “Được thôi” – Khỉ nói, nhưng thay vì hái những trái chín đỏ thì Khỉ lại ném trái xanh, cứng vào đầu Cua làm cô nàng bất tỉnh. Cua phải nằm liệt giường mấy ngày liền.


    Đám con của Cua lo lắng cho mẹ nên chạy nháo nhào, khóc lóc tìm Ong, Hạt Dẻ, Kim Khâu và Cối Đá. Cả bọn cùng vạch ra kế hoạch trả thù Khỉ.


    Khi Khỉ vừa ra khỏi nhà, đám người của Cua liền lẻn vào thực hiện kế hoạch trả thù: Hạt Dẻ trốn trong bếp lò, Cua Con thì nấp trong chậu nước, Ong thì ở trong nồi súp miso, Kim Khâu chui trong chăn và Cối Đá ngồi trên nóc nhà. Tất cả cùng đợi Khỉ trở về.


    Đến chiều tối thì Khỉ về. “Ôi, lạnh wá” – Khỉ khẽ rên rỉ và tiến đến bếp lò nhưng ở đấy, Hạt Dẻ đã chờ sẳn để thổi bùng ngọn lửa làm Khỉ bị bỏng. Khỉ ta nóng wá liền chạy tìm chậu nước. Nào ngờ vừa cúi xuống thì đã vị bầy Cua Con kẹp tứ tung. Lúc này, Khỉ bèn chạy tìm nồi miso để chữa bỏng, nhưng Ong đã kịp thời bay ra chích Khỉ từ trái sang phải. Khỉ hoảng wá liền chui vào chăn trốn nhưng lại nhảy dựng lên la oai oái thì vì Kim Khâu đã nằm sẳn ở đó rồi. Cuối cùng thì Khỉ phải tháo chạy khỏi nhà nhưng chưa kịp chạy xa thì Cối Đá từ trên lao xuống phang một cú thật đau vào đầu Khỉ.


    Khỉ đau đớn vừa rên rỉ vừa khóc ròng: "Tôi xin hứa từ nay sẽ không tái phạm nữa!”

    Saru Kani Gassen – Khỉ và Cua đánh nhau
    Saru Kani Gassen – Khỉ và Cua đánh nhau
    Saru Kani Gassen – Khỉ và Cua đánh nhau
    Saru Kani Gassen – Khỉ và Cua đánh nhau
  5. Tóm tắt:


    Ngày xửa ngày xưa, có cặp vợ chồng già sống trong 1 ngôi làng với mùa tuyết rơi dày. Gia cảnh nhà họ rất nghèo, khi Tết đến thì tới cả bánh mochi cũng chẳng có mà ăn. Vì vậy mà 2 vợ chồng đã cùng nhau làm nón lá Kasa để cụ ông mang ra phố bán kiếm tiền mua bánh mochi về ăn trong mùa Tết.


    Nhưng buồn thay, ông lại không bán được cái nón lá nào. Ngoài trời thì tuyết lại bắt đầu rơi, nên ông cụ đành dọn hết nón và trở về nhà.


    Trên đường về, ông bắt gặp rất nhiều bức tượng Địa tạng Bồ tát đứng dọc bên đường. “Tuyết rơi phủ đầy trên đầu tượng thế này hẳn phải lạnh lắm… “, cụ ông nghĩ vậy rồi lấy nón lá Kasa ra đội lên đầu tượng. Nhưng khi đến bức tượng cuối thì ông lại không đủ nón, nên ông bèn lấy chiếc khăn tay của mình để choàng cho bức tượng cuối cùng.


    Sau đó, cụ ông tay không trở về nhà, còn cụ bà thì vẫn chào đón ông về rất nồng ấm. Bà không trách móc gì về chuyện ông chẳng bán được cái nón nào để có tiền mua bánh mochi, mà còn khen ông đã làm được việc tốt sau khi nghe ông kể việc mình đã lấy số nón không bán được ấy tặng hết cho Địa tạng Bồ Tát ven đường.

    Tối hôm đó, khi ông bà đang ngủ thì bỗng giật mình vì có tiếng “Bịch!" lớn ngoài hiên nhà, nghe giống như là có thứ gì đó rất nặng vừa rơi xuống vậy. Khi mở cửa ra, cả 2 rất đỗi ngạc nhiên khi thấy trước mắt mình có biết bao của ngon vật lạ từ trên rừng dưới biển, cùng biết bao nhiêu là vàng bạc châu báu, và thấp thoáng đằng xa là bóng của những bức tượng Địa tạng Bồ tát đang đội nón lá Kasa và chiếc khăn tay ông cụ đã tặng.

    Địa tạng Bồ tát Kasa Jizou
    Địa tạng Bồ tát Kasa Jizou
    Địa tạng Bồ tát Kasa Jizou
  6. Thuở xa xưa ở Nhật Bản, có một lão tiều phu chuyên nghề đốn củi. Một ngày nọ, khi đang ở trong rừng, ông phát hiện một đốt tre phát ra những tia sáng vàng rực rỡ. Hiếu kì, ông đến gần nhìn cho rõ.


    Trong đốt tre phát sáng ấy là một bé gái nhỏ rất đáng yêu. Vợ chồng ông vốn không con cái nên ông bèn bế đứa trẻ về nhà và nuôi nấng yêu thương. Họ đặt tên cho bé là Kaguya Hime. Vào thời gian đó, cứ mỗi lần ông lên rừng thì đốn củi đến đâu, vàng ào ào tuôn ra đến đấy. Chẳng mấy chốc mà vợ chồng ông trở nên giàu có.


    Thật kì diệu là chỉ trong vòng 3 tháng, Kaguya Hime lớn rất nhanh và trở thành một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp. Sắc đẹp của nàng vang khắp đất nước. Rất nhiều những chàng trai trẻ lặn lội đường xa đến ngỏ lời cầu hôn nhưng nàng đều từ chối. Chỉ còn lại 5 người quyết không nản lòng. Kaguya Hime bèn đưa ra những điều kiện và nàng chỉ bằng lòng kết hôn với người nào có thể thực hiện được điều nàng muốn. Nàng yêu cầu họ tìm cho nàng những thứ chẳng tồn tại trên đời này, và vì vậy mà 5 kẻ cầu hôn nọ đều thất bại quay về.


    Cùng lúc ấy, nhà vua cũng nghe về sắc đẹp của Kaguya Hime nên quyết định phải cưới cho được nàng về làm hoàng hậu. Nhưng cả ngài cũng bị nàng từ chối. Nhà vua bèn sai quân lính bắt nàng về cung thì bất thình lình, nàng biến mất. Nhà vua chợt nhận ra ở Kaguya Hime có một điều gì đó đặc biệt khác thường và ngài hiểu đó là lí do mà ngài thất bại.


    Ba năm trôi qua, Kaguya Hime ngày càng xinh đẹp hơn. Mùa xuân năm ấy, nàng bắt đầu u sầu vào mỗi đêm trăng tròn. Nàng cứ thẩn thờ nhìn trăng mà nước mắt lăn dài. Lão tiều phu lo lắng hỏi thì nàng trả lời rằng :”Thật ra, con đến từ cung trăng, do mắc lỗi mà bị đày xuống trần. Nhưng bây giờ là lúc con phải trở về. Con sẽ rất nhớ mọi người ở đây, đó là lí do vì sao con buồn”.


    Ông lão vô cùng buồn phiền, ông không muốn xa cô con gái yêu nên bèn tìm đến nhà vua hỏi ý kiến. Vào một đêm trăng tròn, nhà vua sai lính đến bắt Kaguya Hime. Bất thình lình, bầu trời bỗng nhiên rực sáng.


    Sứ giả đến từ cung trăng cỡi mây đáp xuống, trên người khoác những bộ xiêm y rực rỡ đủ màu. Lúc đó, binh lính nhà vua sững sờ, đánh mất cả nhuệ khí. Sứ giả dìu Kaguya Hime lên kiệu lớn và khoác cho nàng chiếc áo lông. Và cứ thế nàng bay về cung trăng để lại nỗi nhớ thương cho bao người.

    Kaguya Hime – Nàng công chúa trong ống tre
    Kaguya Hime – Nàng công chúa trong ống tre
    Kaguya Hime – Nàng công chúa trong ống tre
  7. Ngày xưa, có một cậu bé hiền lành và khoẻ mạnh có tên là Kintaro sống trên núi Ashigara. Kintaro đã luôn rắn rỏi từ khi còn bé và thường chơi đùa với các loài động vật trên núi.


    Một ngày nọ, Kintaro quyết định đấu vật sumo với con gấu – loài động vật mạnh nhất trong số các loài động vật.

    Hakkoyoi! Nokotta! (Thuật ngữ trong bộ môn sumo nhằm nâng cao tinh thần thi đấu của người tham gia)

    – Un – sore! (Ừ, đúng rồi!)

    – Rầm!

    Và thế là Kintaro ném bay con gấu xuống đất. Dù những động vật khác có giằng co thế nào không có ai có thể sánh được với Kintaro.

    Một ngày nọ, Kintaro nhận được một chiếc rìu lớn từ mẹ. Với chiếc rìu này, Kintaro đã giúp mẹ bổ củi. Khi Kintaro đang bổ củi, các động vật đã tới và rủ Kintaro đi hái quả.

    Kintaro trả lời:

    – Đi thôi nào!

    Kintaro và bầy thú ra đi một cách hùng hổ. Đi được một đoạn:

    – Ế, cây cầu bị sập rồi!

    Đi tới vách đá, Kintaro và bầy thú đã gặp khó khăn.

    – Được rồi, nhìn nhé!

    Nói rồi Kintaro đã đốn một cái cây và làm thành cây cầu.

    Các samurai trên kinh thành lúc bấy giờ là Kyoto – đã nghe một tin đồn về Kintaro cường tráng. Họ đã đến núi Ashigara để gặp Kintaro.

    – Tôi rất ngạc nhiên về sức mạnh của cậu. Tôi chắc rằng cậu có thể là một samurai giỏi. Cùng đến kinh thành với tôi đi?

    Kintaro quyết định đến kinh thành để trở thành một samurai.

    – Con sẽ trở thành một samurai giỏi trong kinh thành.

    Kintaro thưa với mẹ mình và tạm biệt các loài động vật ở núi Ashigara rồi đi tới kinh thành.

    Và thế là Kintaro đã trở thành một samurai tốt bụng và đáng kính.

    Câu chuyện đến đây là hết! – Oshimai!
    Truyện cổ Nhật Bản – Kintaro
    Truyện cổ Nhật Bản – Kintaro
    Truyện cổ Nhật Bản – Kintaro
  8. Lễ hội Tanabata là sự giao thoa giữa tín ngưỡng Nhật Bản và truyền thuyết của Trung Quốc về hai ngôi sao ở hai hướng ngược nhau của dãy Ngân Hà là Altair – Ngưu Lang và Vega – Chức Nữ chỉ gặp nhau một lần trong năm vào ngày 7 tháng 7. Người ta thường viết những điều ước lên các mảnh giấy 5 màu và treo lên nhánh cây tre. Nhánh tre này được đặt vào những chổ dễ thấy để những điều ước trở thành sự thật.


    Truyền thuyết về Tanabata có nhìu dị bản khác nhau tùy vào từng vùng của Nhật Bản và sau đây là một trong những dị bản của câu chuyện này.


    Ngày xửa ngày xưa, có anh nông dân sống một mình ở 1 làng wê nhỏ. Một ngày, trên đường từ đồng về, anh tình cờ thấy một chiếc áo rất đẹp nằm vắt vẻo trên cành cây. Nhìn lại bộ quần áo tồi tàn trên người mình, thế là chàng trai bèn mang chiếc áo kia về nhà.


    Nhưng vừa lúc đó thì có tiếng nói vang lên, “Xin lỗi…” Chàng trai quay lại và hỏi:” Ai vừa gọi tôi đấy?” Một cô gái xinh đẹp trả lời :” Vâng, là tôi, xin hãy trả lại tôi chiếc áo lông kia. Tôi vốn là tiên nữ trên trời xuống đây để tắm. Nếu không có áo lông tôi sẽ chẳng thể trở về”.


    Cô gái bắt đầu khóc nhưng chàng trai lại giả vờ: ”Áo lông ư? Tôi không biết cô đang nói về cái gì” Không thể trở về trời, cô tiên đành miễn cưỡng ở lại trần gian và bắt đầu cuộc sống mới với chàng trai trẻ kia. Nàng tiên tên là Tanabata. Tanabata kết hôn với chàng trai ở hạ giới và hai người đã có một cuốc sống rất hạnh phúc. Một năm sau, trong khi chàng trai đi làm, Tanabata tình cờ phát hiện áo lông của mình trên xà nhà. “Ta biết là chàng đã giấu áo của ta đi” – nàng thì thầm nói rồi khoát áo lông trở lại làm nàng tiên kiều diễm của trước kia.


    Buổi chiều, khi chàng trai từ đồng trở về, anh rất ngạc nhiên khi thấy vợ mặc áo lông đứng đợi mình trước cửa. Tanabata bất ngờ bay lên trời và nói vọng lại :” Nếu chàng còn iu em thì hãy kết 1000 đôi giày rơm chôn xung quanh gốc tre. Nếu chàng làm được em sẽ có thể nhìn thấy chàng. Em sẽ đợi ” Nói rồi, Tanabata cứ thế mà bay cao dần xa dần.


    Chàng trai rất buồn nhưng anh vẫn biết chuyện anh phải làm. Ngày nào anh cũng ngồi bện những đôi giày rơm, anh làm từ sáng đến tối ko nghỉ ngơi. Cuối cùng thì cũng xong 1000 đôi, nhớ lời vợ dặn, chàng trai đem chôn chúng quanh gốc cây tre.


    Vừa chôn đủ 1000 đôi giày xuồng thì cây tre bỗng lớn dần lên, cao hơn thêm, cao tít lên trời xanh. Chàng trai thấy thế lập tức trèo lên cao, anh quyết trèo cho đến khi đến được trời. Nhưng vì do quá nóng lòng muốn gặp vợ, mà khi bện giày rơm chỉ được 999 đôi thế nên cây tre không thể mọc cao đến tận trời. “Tanabata !! Tanabata !!!” chàng trai gào to hết sức có thể. “Là chàng đấy sao” – tiếng Tanabata vọng trả lời. Rồi nàng cưỡi mây đến và giang rộng đôi tay kéo chồng về phía mình. “Ôi, Tanabata iu dấu, ta nhớ nàng nhìu lắm !” chàng trai nghẹn ngào nói. Hai vợ chồng mừng mừng tủi tủi vì được gặp lại nhau sau 1 thời gian dài xa cách. Cả hai chẳng còn chú í gì đến xung quanh, trong mắt họ chỉ có người yêu quý nhất. Cha của Tanabata vô cùng tức giận, con gái ông chẳng những đã lấy người trần còn dám bày cho hắn cách lên trời. Thế là ông đày chàng trai tội nghịp í với hy vọng cho chàng phải chịu nhìu khổ sở. “Ngươi phải canh ruộng dưa trong 3 ngày 3 đêm” – ông nói. Canh ruộng dưa vốn cũng chẳng phải việc gì cực nhọc nhưng rất khát nước, và nếu chàng trai ăn mất trái dưa nào thì những chuyện khủng khiếp ko thể lường trước sẽ đón chờ chàng. Tanabata nói với chồng: ”Chàng nhất định không được ăn bất cứ trái dưa nào đấy”


    Ba ngày trôi wa, chàng trai đã không thể cầm cự nổi cơn khát thêm được nữa. Chàng với tay lấy một quả dưa. Nhưng vừa chạm tay vào thì quả dưa nổ tung, nước phun ra tứ phía tạo thành một dòng sông. “Chàng ơi !!!!!” ”Tanabata ơi !!!!!” Dòng sông chảy dài ngăn cách đôi vợ chồng thành hai phía.


    Cặp tình nhân cứ vậy mà nhìn nhau cho đến khi cả hai hóa thành hai ngôi sao Altair và Vega (Ngưu Lang – Chức Nữ) Cha của Tanabata chỉ cho phép họ gặp nhau mỗi năm 1 lần vào ngày 7 tháng 7. Vào ngày này, hai ngôi sao sẽ cùng chiếu sáng rực rỡ ở hai phía của dãy Ngân Hà.

    Tanabata sama – Truyền thuyết Thất Tịch
    Tanabata sama – Truyền thuyết Thất Tịch
    Tanabata sama – Truyền thuyết Thất Tịch
    Tanabata sama – Truyền thuyết Thất Tịch
  9. Jinbei là một người chuyên thu mua đồ cũ. Một ngày, trên đường trở về từ thị trấn khi đã thu mua được khá nhiều đồ, Jinbei thấy đám nhóc nọ đang bắt nạt một cô gái nhỏ.


    “Này, mấy đứa, đừng chọc phá cô bé nữa” – Jinbei lên tiếng.


    Mấy anh nhóc bỏ chạy tán loạn. Jinbei quay sang định hỏi chuyện cô bé thì em đã biến mất từ bao giờ. Jinbei tiếp tục về nhà. Khi đi ngang qua một ngôi chùa trên ngọn đồi gần đó, Jinbei gặp một nhà sư, ông cất tiếng gọi to:


    “Này Jinbei, ta cần một ấm trà. Cậu có cái nào tốt tốt thì mang đến cho ta nhé! Lão nạp sẽ trả giá tốt cho cậu.”


    Nói rồi nhà sư trở lại vào trong.


    Về đến nhà, Jinbei bắt đầu phân loại những thứ anh thu mua được. Thường thì anh không bao giờ bán chúng ngay. Vì vậy mà nhà Jinbei mỗi lúc một đầy những thứ lỉnh kỉnh và anh cũng mỗi lúc một nghèo hơn.

    Bỗng anh phát hiện có cái ấm trà rất đẹp nằm ở góc nhà. Nhớ lại lời vị sư già ban nãy, Jinbei định bụng sẽ quay lại chùa và mang theo cái ấm cũ.

    “Chà, trông vậy mà nặng gớm…” – Jinbei lầm rầm nói một mình khi cố khiêng cái ấm lên.

    “Gần được rồi, cố lên, cố lên” – một giọng nói lạ vang lên từ trong chiếc ấm.

    Ngạc nhiên, Jinbei nhìn kỹ lại thì hóa ra là một con… nửa mang hình dạng tanuki, nửa mang hình dạng ấm trà.

    “Em là bé gái hôm nay được anh cứu.” – tanuki nói – “Hãy để em được trả ơn anh.”

    Vậy là Jinbei mang cái ấm trà – tanuki đến chùa. Vừa nhìn thấy, nhà sư đã thốt lên:

    “Quả là ấm trà tuyệt đẹp! Lão nạp sẽ mua nó!”

    Vậy là nhà sư mua lại chiếc ấm từ Jinbei mà chẳng hay biết nội tình bên trong.


    Về đến nhà, Jinbei bắt đầu suy nghĩ, rằng liệu anh có đúng khi bán ấm trà cho nhà sư và liệu tanuki có ổn hay không…

    Lúc này, có cái ấm mới, nhà sư hồ hởi pha liền một bình trà. Ông đặt ấm lên bếp lò hừng hực lửa. Con tanuki nhỏ dẫu có cố gắng chịu đựng đến đâu cũng chẳng cầm cự được lâu, cuối cùng đành hiện nguyên hình. Vị sư già bị một phen hú vía, vừa hoảng sợ vừa tức giận.


    Khi Jinbei vẫn loay hoay với những suy nghĩ lo lắng cho tanuki thì “rầm” một cái, nó chạy ào vào nhà, la khóc ầm ỉ:

    ”Đau, đau, đau, đau, đau. Đúng là kinh hoàng, khủng khiếp, ghê rợn!!!!!”

    Tanuki nước mắt ràn rụa ôm chầm lấy Jinbei với vết bỏng lớn trên lưng.

    “Tội nghiệp em quá, tất cả là lỗi của ta.” – Jinbei ngậm ngùi nói.

    Khi anh đang lấy thuốc trị thương cho con vật tội nghiệp thì nhà sư cũng vừa vào tới. Gương mặt ông lộ rõ vẻ giận dữ, ông nói:

    “Tại sao cậu lại lừa ta?! Trả tiền lại cho ta! Cả việc con tanuki kia làm ta sợ hãi như vậy, cậu phải bồi thường mọi tổn thất.”

    Vậy là số tiền Jinbei trả cho nhà sư còn nhiều hơn số anh bán cái ấm. Tanuki nằm trên giường không ngớt lời xin lỗi:

    “Xin lỗi Jinbei, em thật sự xin lỗi. Em cứ tưởng làm vậy thì có thể đền ơn cho anh. Không ngờ còn khiến anh thêm rắc rối…”

    “Đừng lo, em cứ nghỉ ngơi cho khỏe hẳn, đừng suy nghĩ về chuyện tiền bạc nữa vì… ta đã có một ý rất hay.” – Jinbei nói, mắt ánh lên sự tự tin với kế hoạch của mình.


    Nhờ sự chăm sóc tận tình của Jinbei, chẳng mấy chốc mà vết bỏng của tanuki nay đã lành hẳn. Mong muốn nhanh chóng báo ơn, tanuki vồn vả hỏi:

    “Hôm nọ, anh bảo có ý hay, là gì vậy?”

    “À, về chuyện đó đó hả?” – Jinbei tiếp – “Em thấy sao nếu chúng ta cùng biểu diễn trên phố. Ta sẽ đánh trống thổi kèn, em thì nhảy múa trên dây, thỉnh thoảng lại biến thành thứ nọ thứ kia, chắc chắn sẽ thu hút rất nhiều người.”

    Chẳng cần suy nghĩ, tanuki đương nhiên tán đồng, rồi nó nói:

    “Chúng ta sẽ cùng biểu diễn! Nhưng để thành thạo biến hình, em cần phải luyện tập trước.”

    Và những ngày sau đó, cả hai đều luyện tập rất chăm chỉ.

    Một thời gian ngắn sau, Jinbei cùng tanuki nổi tiếng khắp nơi. Họ thu hút đám đông bất cứ đâu họ đến. Tanuki không những đền ơn được cho ân nhân, nó còn có được cuộc sống hạnh phúc mãi mãi về sau cùng chàng trai tốt bụng.

    Bunbuku Chagama – Chiếc ấm thần kỳ
    Bunbuku Chagama – Chiếc ấm thần kỳ
    Bunbuku Chagama – Chiếc ấm thần kỳ
  10. Ngày xửa ngày xưa, có đôi vợ chồng nọ, sống bên nhau vô cùng hạnh phúc nhưng không may chẳng có lấy một mụn con nào. Ngày ngày họ đến những ngồi đền và cầu nguyện: “Xin hãy ban cho vợ chồng con một đứa con, dù chỉ là một đứa trẻ bé nhỏ cũng không sao.” Và rồi sau bao cố gắng, bà vợ cũng hạ sinh được một cậu con trai. Nhưng hỡi ôi, đứa trẻ chỉ lớn hơn ngón tay của người trưởng thành một tí mà thôi.


    Hai vợ chồng nuôi dưỡng đứa trẻ với tất cả sự yêu thương trìu mến và mong sao con trai họ sẽ trưởng thành như bao đứa trẻ khác. Nhưng… cậu bé vẫn chẳng lớn lên chút nào. Vì vậy dần dà mọi người gọi cậu là Issun boshi (issun là đơn vị đo lường thời xưa, bằng khoảng 3cm)


    Một ngày, Issun boshi nói với cha mẹ rằng, cậu muốn lên kinh thành. Mặc dù vô cùng lo lắng, nhưng tin tưởng con trai nên họ đã đồng ý. Cha mẹ Issun boshi đưa cho cậu một thanh kiếm làm bằng kim khâu, một chiếc mũ bện bằng rơm, một chiếc thuyền là cái bát cơm và một chiếc đũa làm mái chèo.


    Issun boshi cứ đi, đi mãi cho đến khi gặp một dòng sông chảy đến kinh thành. Cậu thả bát cơm xuống nước rồi ra sức dùng mái chèo – chiếc đũa chèo mãi chèo mãi, cuối cùng cũng đã đến nơi.


    Vào đến kinh thành, Isshun boshi tìm đến trước cửa nhà một lãnh chúa, cậu dõng dạc nói:

    – Tôi đến đây để học việc. Xin hãy cho tôi làm gia nhân trong phủ của Ngài Lãnh chúa.


    Nhưng cậu quá nhỏ bé nên lính canh không để ý thấy.

    – Tôi ở đây, ở đây! – Isshun boshi gọi to. co tich nhat ban


    Cuối cùng thì các anh lính cũng nhìn thấy cậu qua cái bóng in trên chiếc geta (guốc Nhật). Khi gặp được lãnh chúa, cậu lọt thỏm trong bàn tay của ngài rồi cung kính cúi chào và nói vài lời cam kết về sự trung thành.


    Lãnh chúa tỏ vẻ hài lòng và đồng ý lưu giữ Issun boshi. Gia nhân cùng những người sống trong phủ ai nấy đều rất yêu mến sự thông minh lanh lẹ của Issun boshi. Nhất là cô công chúa nhỏ – con gái của lãnh chúa. Dần dà, cậu trở thành người hầu thân cận bên cạnh công chúa.


    Một ngày, khi Issun boshi tháp tùng công chúa đi viếng chùa Kiyomizu, giữa đường gặp hai con quỉ ko biết từ đâu bất ngờ nhảy ra. Issun boshi liền rút thanh kiếm – làm bằng kim khâu – đâm cho tên quỉ nhỏ một nhát. Nhưng liền sau đó, cậu bị con quỉ to nuốt chửng vào bụng. Không đầu hàng, Issun boshi ở trong bụng con quỉ, liên tục dùng kiếm đâm nhiều nhát thật mạnh vào dạ dày nó. Con quỉ đau đớn đến ko chịu nổi bèn phun Issun boshi ra. Thật nhanh để con quỉ không kịp trở tay, Issun boshi nhảy lên chân mày nó, dùng kiếm đâm vào mắt nó. Hai con quỉ bại trận vừa khóc vừa bỏ trốn. Trong lúc tháo chạy, một trong hai con đánh rơi cây búa thần kì của chúng.


    Công chúa nhặt cây búa lên, tỏ vẻ am hiểu, nàng nói:

    – Nếu như vừa vẫy cây búa và vừa ước thì điều ước sẽ thành hiện thực. Ước vàng có vàng, ước gạo có gạo.


    Nghe thế, Issun boshi đáp:

    – Tôi không cần tiền cũng không cần gạo. Tôi chỉ muốn được cao lớn hơn thôi.


    Công chúa mĩm cười gật đầu rồi vẫy vẫy cây búa mấy cái, đồng thời hô lớn:

    – Lớn lên nào! Lớn lên nào!!


    Trong nháy mắt, Issun boshi từ bé tẹo như ngón tay bỗng cao lớn lực lưỡng, trở thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú.


    Chàng kết hôn với công chúa rồi đón cha mẹ lên kinh thành. Và họ cùng chung sống hạnh phúc mãi mãi về sau.

    Issun boshi – Chàng võ sĩ tí hon
    Issun boshi – Chàng võ sĩ tí hon
    Issun boshi – Chàng võ sĩ tí hon
    Issun boshi – Chàng võ sĩ tí hon



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy