Top 5 Truyện cổ tích về lòng dũng cảm hay nhất

Phương Kem 741 0 Báo lỗi

Lòng dũng cảm là một phẩm chất quan trọng không thể thiếu trên hành trình chinh phục thành công. Những truyện cổ tích nói về lòng dũng cảm luôn có sức hấp ... xem thêm...

  1. Bác nông dân và con quỷ là câu chuyện ca ngợi người nông dân lao động cần cù, đã dùng trí thông minh để đối phó lại với loài quỷ tham làm và ngu xuẩn.


    1. Ngày xưa đất đai đều bị loài quỷ chiếm mất cả. Một hôm, có người nông dân vào rừng trồng củ cải. Anh đang cuốc đất thì có một con quỷ chạy lại và quát lên:

    – Anh kia, ai cho vào rừng của ta?… Anh muốn chết à?

    Người nông dân bình tĩnh nói:

    – Quỷ ơi, đừng ăn thịt tôi. Quỷ để tôi gieo cải. Khi cây lớn lên, tôi chỉ lấy gốc thôi, còn ngọn xin nhường quỷ.

    Thấy không phải làm gì mà lại được ăn, quỷ bằng lòng, bèn nói:

    – Thế cũng được, nhưng anh phải giữ đúng lời hứa đấy. Nếu không đúng, đừng có hòng vào rừng này nữa.

    Củ cải lớn, người nông dân dỡ lấy củ, để lại ngọn cho quỷ. Quỷ ăn thấy đắng, tức lắm không làm gì người được.


    2. Sang mùa sau, người nông dân lại vào rừng tiếp tục trồng. Thấy vậy, quỷ lại đòi chia. Người nông dân hỏi:

    – Thế quỷ định lấy gốc hay lấy ngọn?

    Bực tức vì lần trước đã không được ăn, nên lần này quỷ đòi lấy gốc. Thấy vậy, người trồng lúa. Lúa chín vàng, người nông dân gặt lấy ngọn gánh về, còn để gốc lại cho quỷ.

    3. Gốc rạ không ăn được, quỷ tức giận, sùi bọt mép, đòi mùa sau ăn cả ngọn lẫn gốc. Quỷ nghĩ: “Cho người trồng gì đi nữa, kết quả thu hoạch lần này cũng về ta cả”. Nhưng không chịu thua quỷ, người nông dân đem ngô ra gieo. Vì ra sức chăm bón nên bắp ngô rất to. Mỗi cây có đến hai, ba bắp. Đến mùa người mang quang gánh, hối hả bẻ ngô, gánh về nhà, để lại cả ngọn lẫn gốc ngô cho quỷ.

    Nhìn những thân cây ngô khô đét, không ăn được, quỷ đành hậm hực chạy về rừng mà không làm gì người được.

    Thế là cả ba lần, nhờ trí thông minh, người nông dân đã thắng quỷ tham lam và ngu xuẩn.

    Bác nông dân và con quỷ
    Bác nông dân và con quỷ
    Bác nông dân và con quỷ
    Bác nông dân và con quỷ

  2. Ngày xưa có một bác tiều phu nghèo khổ. Bác luôn luôn phải làm việc từ sáng sớm đến tối mịt. Mãi rồi bác cũng dành dụm được ít tiền. Bác bảo con trai: “Con ơi, con là con một, bố muốn dành tiền này để con học hành, bố đã kiếm số tiền này bằng mồ hôi nước mắt. Con hãy học lấy một nghề lương thiện để sau này nuôi dưỡng bố khi bố già yếu, chân tay cứng đờ, không làm ăn gì được nữa, phải ngồi ở xó nhà”.

    Chàng thanh niên bèn xin vào một trường cấp cao và học hành rất siêng năng. Các thầy dạy khen ngợi hết lời, và anh ta học ở đó một thời gian dài. Sau đó, anh ta đã học qua nhiều trường khác. Nhưng chưa học được hết thì số tiền ít ỏi mà bố dành dụm được đã tiêu tán hết. Anh ta phải trở về nhà.

    “Chà! – Ông bố nói – Bố không còn gì để cho con nữa. Ngày nay, đời sống đắt đỏ, bố không thể kiếm thêm được đồng nào ngoài tiền mua bánh mì hàng ngày.”

    “Thưa bố,” người con trả lời, “bố đừng bận tâm đến điều đó làm gì. Con sẽ tự lo lấy.”

    Khi người bố vào rừng để chặt gỗ kiếm ít tiền, thì con bảo:

    – Bố cho con đi cùng, con sẽ giúp bố.

    – Đối với con, công việc này quá vất vả quá – bố trả lời – con chưa quen loại công việc nặng nhọc này. Con không đảm đương nổi đâu. Vả lại, bố chỉ có một cái rìu, không có tiền mua cái thứ hai

    – Thì bố hãy sang nhà bác hàng xóm, – người con ngắt lời cha – bác sẽ cho bố mượn một cái rìu, cho đến khi nào con kiếm được đủ tiền mua cái mới.

    Người bố sang hàng xóm mượn một cái rìu. Sớm tờ mờ hôm sau, hai bố con cùng vào rừng. Anh thanh niên làm việc giúp bố. Anh ta cảm thấy tỉnh táo và sảng khoái. Khi mặt trời mọc tới đỉnh đầu, người bố bảo:

    – Chúng ta hãy nghỉ trưa và ăn một chút. Sau làm sẽ khỏe hơn.

    Người con cầm lấy phần bánh và trả lời:

    – Bố hãy nghỉ ngơi đi. Còn con, con chưa mệt. Con đi dạo trong rừng một chốc để tìm tổ chim.

    – Thằng bé huênh hoang, – người bố càu nhàu – sao mày lại đi dạo, mày sẽ mệt và không giơ nổi cánh tay lên đâu. Hãy nghỉ ngơi ở đây, ngồi đây với tao.

    Mặc dầu người bố nói thế, người con vẫn đi vào rừng sâu. Anh ta ăn bánh, tâm hồn vui vẻ, anh nhìn lên các cánh cây để tìm kiếm một cây sồi to lớn, chắc sống đã mấy trăm năm, năm người nắm tay nhau vây vòng quanh thân cây vẫn chưa kín. Anh ta dừng chân, nhìn cây sồi khổng lồ và nghĩ: chắc chắn là có nhiều chim làm tổ ở đây. Bất thình lình, anh nghe phảng phất có tiếng nói khẽ. Anh lắng tai nghe thấy “Cho tôi ra khỏi đây! Cho tôi ra khỏi đây!” Anh nhìn quanh, nhưng không thấy ai cả. Hình như tiếng nói ở dưới đất đưa lên. Anh kêu lên:

    – Anh ở đâu?

    Tiếng nói trả lời:

    – Tôi ở đây, ở dưới này, gần rễ cây sồi. Cho tôi ra với! Cho tôi ra với!

    Anh học trò sục sạo mặt đất, quanh gốc cây sồi, tìm kiếm ở các rễ cây. Bất chợt anh nhìn thấy một cái lọ thủy tinh nằm sâu trong một cái hốc nhỏ. Anh cầm lọ soi lên ánh sáng mặt trời. Anh nhìn thấy một vật giống như con nhái, nhảy nhót trong lọ. “Cho tôi ra với! Cho tôi ra với!” con vật không ngừng kêu. Không nghĩ gì đến nguy hiểm, anh học trò mở nút lọ. Lập tức con quỉ chui ra khỏi cái lọ và lớn dần, lớn dần, nhanh đến nỗi một thoáng đã trở thành một người khổng lồ kinh khủng to, bằng nửa cái cây, đứng trước mặt anh.

    – Mày có biết mày sẽ được trả công cứu tao thế nào không? -Con quỉ hỏi anh với một giọng dễ sợ.

    – Không – anh học trò trả lời và không cảm thấy sợ tý nào.

    Con quỉ gầm lên:

    – Tao sẽ đập bể đầu mày ra!

    – Sao mày không bảo tao lúc nãy, – anh thanh niên nói – mày ở đâu tao sẽ để mày ở đó. Nhưng mày cũng không đập bể được đầu tao đâu. Không phải mày quyết định được một mình!

    – Không quyết định được một mình! Không quyết định được một mình! – Con quỉ kêu lên – Mày tưởng thế thôi. Thế mày tưởng là vì tao tốt mà người ta nhốt tao lâu thế à, đồ ngu! Không đâu! Đấy là để trừng phạt tao! Tao là thần Macguya có uy lực. Tao phải bẻ gãy cổ kẻ nào thả tao ra.

    – Này! – Anh học trò trả lời – đừng quá vội! Trước hết tao phải biết có phải đúng là mày đã ở trong cái lọ nhỏ kia không và có phải mày là con quỉ thật không. Mày lại chui được vào lọ thì tao mới tin. Sau đó thì mày tha hồ muốn làm gì tao thì làm.

    Giọng đầy kiêu ngạo, con quỉ nói:

    – Cái đó dễ thôi! – Nó thu nhỏ mình lại, nhỏ bé như lúc trước, nhỏ đến mức có thể lọt qua cái loa nhỏ của miệng lọ, nó lại chui vào lọ. Nó vừa chui vào thì anh học trò vội đậy nút lọ lại và vứt cái lọ xuống dưới rễ cây sồi, đúng chỗ đã tìm thấy nó. Thế là quỉ ta đã bị vào tròng. Anh con trai chuẩn bị đi về chỗ bố ngồi. Nhưng con quỉ kêu la, van nài anh: “Hãy cho tôi ra! Hãy cho tôi ra!”

    – Không! – Anh học trò trả lời. – Không có một lần thứ hai đâu!

    Khi cuộc sống của ta bị đe dọa, không khi nào ta lại thả kẻ thù ta ra một khi ta đã thoát nạn.

    – Nếu anh cho tôi được tự do – con quỉ lại nói – tôi sẽ cho anh của cải để sống suốt đời.

    – Không! – anh con trai lại nói – Mày lại đánh lừa tao như lần đầu thôi.

    – Xin đừng bỏ lỡ dịp may, – con quỉ nói – tôi sẽ không hại anh đâu, tôi sẽ thưởng cho anh tiền của mà!

    Anh học trò nghĩ: “Ta cứ thử xem sao. Có thể nó sẽ giữ lời hứa”. Anh mở nút lọ, và cũng như lần trước, con quỉ ra khỏi cái lọ, lớn dần và trở thành khổng lồ.

    – Tôi sẽ trả công anh – quỉ nói, nó đưa cho anh một cái khăn nhỏ giống như cuộn băng và nói – Nếu anh sát đầu này vào một vết thương thì vết thương sẽ lành. Nếu anh sát đầu kia vào thép hoặc sắt thì sắt thép sẽ biến thành bạc.

    – Để ta thử đã, – anh học trò nói. Anh đến gần một cái cây, dùng rìu chém đứt vỏ cây ra rồi lấy một đầu khăn chà xát vào đó. Chỗ đứt liền ngay. “Đúng là thế!” anh bảo con quỉ “Giờ thì chúng ta có thể chia tay nhau”. Con quỉ cảm ơn anh đã cứu thoát nó, anh học trò thì cảm ơn con quỉ về món quà và anh đi gặp bố.

    – Mày đi đâu về thế? Người bố hỏi. – Tại sao mày quên cả công việc? Tao đã bảo mày không làm nên trò trống gì đâu

    – Xin bố hãy bình tĩnh, con sẽ làm bù.

    – Ôi, làm bù ư! – Người bố nổi giận – nói thế mà cũng nghe được!

    – Bố hãy nhìn này, con sẽ chặt cây này thật mạnh cho nó đổ.

    Anh lấy khăn lau lưỡi rìu và chém thật lực một nhát. Nhưng sắt đã biến thành bạc, lưỡi rìu bị mẻ. Bố nhìn này! Cái rìu bố đưa cho tồi quá, nó đã bị quằn rồi!

    Người bố sợ hãi nói:

    – Mày làm thế nào vậy! Sẽ phải đền cái rìu thôi. Lấy gì mà đền bây giờ? Đấy là kết quả công việc mày làm đấy!

    – Xin bố đừng cáu giận, người con nói, con sẽ chi tiền cái rìu.

    – Thằng này láo thật, – người bố kêu lên, – mày lấy gì mà chi nào? Ngoài số tiền tao cho ra, mày chẳng có gì cả. Mày chỉ có cái đầu ngu xuẩn của thằng học trò chẳng biết gì về công việc thợ rừng cả.

    Một lúc sau, anh học trò nói:

    – Bố ơi, con không làm được nữa. Bố con ta hãy nghỉ thôi!

    – Sao lại thế, – người bố đáp. – Thế mày cho là tao mà lại chịu khoanh tay như mày à? Tao phải làm chứ. Còn mày thì có thể về được đấy.

    – Thưa bố, con mới đến đây lần đầu tiên, con không tìm được đường về một mình. Bố hãy về với con.

    Người bố lúc đó đã nguôi giận, cùng con ra về. Ông bảo con:

    – Hãy bán cái rìu hỏng đi. Để xem mày bán được bao nhiêu. Còn thiếu bao nhiêu thì tao phải bù vào trả bác hàng xóm.

    Người con mang lưỡi rìu đến cửa hàng vàng bạc ở đô thị. Ông chủ cân lưỡi rìu rồi nói:

    – Lưỡi rìu này giá bốn trăm đồng. Nhưng tôi không có đủ tiền mặt.

    – Có bao nhiêu thì ông đưa tôi, chỗ còn lại ông trả tôi sau. – Anh thanh niên trả lời. Ông chủ hiệu vàng bạc đưa trả anh ba trăm đồng và hẹn sẽ trả một trăm đồng nợ sau.

    Anh học trò về nhà nói:

    – Bố ơi, tiền đây. Bố hãy chạy sang bác hàng xóm hỏi xem bác bắt đền cái rìu bao nhiêu tiền.

    – Tao biết rồi, – người bố nói: một đồng và sáu xu!

    – Vậy thì bố hãy trả bác ấy hai đồng một hào hai. Trả gấp đôi thế là được quá rồi. Bố nhìn này, con có tiền thừa thãi. – Anh đưa cho bố một trăm đồng và nói: – Bố sẽ không bao giờ thiếu tiền nữa! Bố cứ sống thoải mái đi!

    – Trời ơi! Người bố kêu lên: làm thế nào mà mày có nhiều tiền thế?

    Anh học trò đã kể cho bố nghe sự việc đã xảy ra làm sao, nhờ gặp may mà anh được giàu có. Với số tiền còn lại, anh trở lại trường và tiếp tục học. Anh dùng cái khăn chữa được mọi vết thương, và trở thành thầy thuốc lừng danh thiên hạ.

    Con quỷ nhốt trong lọ
    Con quỷ nhốt trong lọ
    Con quỷ nhốt trong lọ
    Con quỷ nhốt trong lọ
  3. Một buổi sáng mùa hè, một chú thợ may ngồi trên phản bên cửa sổ chăm chú khâu, có vẻ khoan khoái lắm. Chợt có bà nông dân đi qua phố rao hàng:

    – Có ai mua mứt ngon không đây! Có ai mua mứt ngon không đây!

    Chú thợ may nghe bùi tai, thò đầu ra cửa sổ gọi:

    – Lại đây, bà ơi, lại đây tôi mua nào.

    Bà hàng khệ nệ mang thúng trèo ba bậc thanh lên tới chỗ chú thợ may ngồi. Bà giở cho chú xem tất cả các bình mứt. Chú xem hết bình nọ đến bình kia, giơ lên ngắm nghía, dí mũi vào ngửi, rồi mãi sau mới nói:

    – Mứt ngon đấy, bà cân cho tôi vài hào nào, hay nửa lạng cũng được.

    Bà hàng cân rồi đi. Bà tức lắm vừa đi vừa làu nhàu vì cứ tưởng là vớ được món khách bở.

    Chú thợ may reo lên:

    – Lạy Chúa, ăn mứt này Chúa ban cho mình có sức có lực.

    Rồi chú mở tủ lấy bánh mì, cắt một miếng dài phết mứt lên. Chú nói:

    – Ăn được đấy! Nhưng mình phải khâu xong cái áo này đã rồi hãy chén.

    Chú để bánh bên mình, khâu nốt, hứng lên, mũi khâu mỗi lúc một dài. Trong khi đó, mùi mứt thơm xông đến tận một bức tường gần có đầy ruồi đậu. Ruồi kéo đến đông đặc xà xuống bánh. Chú thợ may nói:

    – Ơ kìa, ai mời chúng mày đấy?

    Rồi chú đuổi các vị khách không mời mà đến ấy đi. Ruồi không hiểu tiếng người nên không chịu bay đi, chúng lại kéo đến đông hơn. Chú thợ may cáu tiết lên, vớ lấy một mảnh dạ, quật túi bụi, vừa quật vừa mắng:

    – Đợi đấy, tao cho chúng mày biết tay.

    Chú đập ruồi rồi đếm, được đúng bảy con nằm lăn kềnh chết thẳng cẳng. Chú tự phụ về sự anh dũng của mình và nói:

    – Mình thật là cừ, phải làm cho cả tỉnh biết việc này mới được.

    Chú vội may ngay một cái thắt lưng, thêu mấy chữ to: “Một đòn chết bảy”. Rồi chú lại nói thêm:

    – Sao lại chỉ một tỉnh thôi nhỉ! Phải làm cho cả thiên hạ biết việc này mới được!

    Lòng chú rộn ràng vui như mở cờ. Chú đeo thắt lưng định đi chu du thiên hạ, vì chú cho anh dũng như chú mà chẳng lẽ cứ ở cái hiệu may quèn này mãi thì phí đi mất. Trước khi chú ra đi, chú lục lọi khắp nhà để xem còn có gì mang đi được. Nhưng chú chỉ thấy có miếng pho mát cũ liền nhét vào túi. Trước cửa, chú thấy một con chim bị mắc vào bụi cây, chú đút chim vào túi nốt. Rồi chú anh dũng lên đường.

    Chú nhẹ mà nhanh nên đi không biết mỏi. Đường đi đến một quả núi. Lên đến đỉnh, chú thấy một anh khổng lồ thảnh thơi ngồi nhìn quanh. Chú thợ may hiên ngang tiến lại nói:

    – Chào anh bạn. Anh bạn ngồi nhìn thế giới bao là đấy ư? Ấy mình cũng vừa lên đường đi chu du thiên hạ đây. Cậu có muốn đi cùng với mình không?

    Anh khổng lồ nhìn chú thợ may một cách khinh bỉ và nói:

    – Đồ tiểu yêu, đồ khốn kiếp!

    Chú thợ may đáp lại:

    – Sao lại nói năng thế!

    Rồi chú cởi khuy áo, chỉ thắt lưng cho anh khổng lồ xem:

    – Mình là người thế nào, cậu cứ đọc đây thì biết.

    Anh khổng lồ đọc thấy “Một đòn chết bảy“, nghĩ là chú đánh một cái chết bảy người, nên cũng nê nể. Khổng lồ muốn thử sức chú, cầm một hòn đá bóp nát và nói:

    – Cậu khỏe thì thử bóp như tớ xem.

    Chú thợ may nói:

    – Có vậy thôi à! Thật là trò trẻ con.

    Chú móc túi lấy miếng pho mát bóp chảy ra nước rồi nói:

    – Thấy chưa, có hơn không nào?

    Anh khổng lồ lặng người đi, không ngờ một người nhỏ bé mà khỏe đến như vậy. Anh ta liền nhặt một hòn đá, ném lên mất hút trên không và bảo:

    – Này, cậu thử làm như tớ xem sao.

    Chú thợ may nói:

    – Ném khá đấy. Nhưng đá cậu ném đi lại rơi xuống đất thôi. Mình ném một hòn không rơi xuống cơ.

    Chú thò tay vào túi lấy chim, tung lên không. Chim được thả thích quá, bay miết đi không về nữa. Chú thợ may hỏi:

    – Thế nào anh bạn, anh thấy cái trò ấy thế nào?

    Anh khổng lồ đáp:

    – Cậu ném được đấy, nhưng để xem cậu mang nặng có ra trò không?

    Anh dẫn chú thợ may đến một cây sồi to đổ nằm trên mặt đất và nói:

    – Cậu có khỏe thì giúp tớ mang cây này ra khỏi rừng.

    Chú thợ may bé nhỏ đáp:

    – Được thôi. Cậu hãy vác thân cây, mình sẽ khiêng cành, lá, nặng hơn nhiều.

    Anh khổng lồ khiêng thân cây trên vai; chú thợ may leo ngay lên một cành ngồi. Anh khổng lồ không quay đầu nhìn lại được, phải vác cả cây kèm thêm chú thợ may nữa. Chú thợ may ngồi sau thích chí, huýt sáo điệu: Có ba bác phó may cưỡi ngựa ra đi, có vẻ coi việc vác cây như trò trẻ con. Anh khổng lồ vác nặng, lê đi một lúc mệt quá kêu:

    – Này cẩn thận nhé, tớ ném cây xuống đấy.

    Chú thợ may nhảy phắt xuống, vòng tay ôm cây như đương vác, bảo anh khổng lồ:

    – Cậu chỉ được cái to xác, vác có cái cây mà cũng không xong.

    Hai người lại tiếp tục đi. Đi qua một cây anh đào, anh khổng lồ vin ngọn cây có nhiều quả chín xuống cho chú thợ may ăn. Chú thợ may yếu quá không giữ nổi, anh khổng lồ vừa buông tay ra thì cây bật tung cả chú thợ may lên. Chú ngã nhưng không đau. Anh khổng lồ hỏi:

    – Sao vậy, cậu không đủ sức giữ một cái sào à?

    Chú thợ may đáp:

    – Sức khỏe thì tớ có thừa. Thế cậu cho một tay đánh một đòn chết bảy lại thèm làm cái trò ấy à? Mình nhảy vọt qua cây vì mình thấy có bọn đi săn đứng dưới bắn vào bụi. Cậu có giỏi thì nhảy thử như tớ xem nào.

    Anh khổng lồ cố nhảy nhưng không vượt qua được cây, bị mắc vướng vào cành lá, thành ra chú thợ may vẫn được cuộc. Anh khổng lồ nói:

    – Này cậu gan dạ như vậy thì đi với tớ về hang ngủ đi. Chú thợ may nhận lời theo liền. Đến hang thì thấy có mấy người khổng lồ khác ngồi bên lửa, mỗi người cầm một con cừu thui ăn. Chú thợ may nghĩ bụng: nơi này rộng rãi hơn cửa hiệu của mình.

    Anh khổng lồ chỉ một cái giường bảo chú đi nằm mà ngủ. Chú thấy giường to quá, không nằm vào giữa mà co ro ở một góc. Đến nửa đêm, anh khổng lồ tưởng là chú đã ngủ say, liền lấy một thanh sắt to phang mạnh xuống giường cho là xong đời thằng tiểu yêu. Sáng dậy, bọn khổng lồ kéo vào rừng và quên bẵng chú thợ may đi. Bỗng họ thấy chú hớn hở và hiên ngang đi tới. Họ sợ quá, tưởng chú đánh chết cả lũ, vội chạy ba chân bốn cẳng.

    Chú thợ may lại tiếp tục đi, mũi nghếch lên trời. Chú đi mãi tới khu vườn thuộc cung điện nhà vua. Chú thấy người mền mệt, nằm lăn ra bãi cỏ đánh một giấc. Trong khi chú ngủ, người đi qua lại đều ngắm nghía chú và đọc thấy trên thắt lưng chú mấy chữ: “Một đòn chết bảy”. Họ bảo nhau:

    – Chà! Giữa lúc thiên hạ thái bình thế này, vị hổ tướng này đến đây làm gì? Chắc là một dũng sĩ vô địch đây.

    Họ liền tâu lên vua, họ nghĩ là nếu có đánh nhau thì sẽ cần đến dũng sĩ này, nhất định phải giữ lại, chớ để đi nơi khác mất. Vua nghe lời, cử người đến đợi chú thợ may dậy thì vời. Sứ giả đến đợi mãi cho đến lúc chú dậy, vươn vai mở mắt, mới trình bày ý định nhà vua. Chú thợ may đáp:

    – Thì ta đến đây cũng vì việc ấy. Ta sẵn sàng phục vụ nhà vua.

    Triều đình đón tiếp chú linh đình và xếp cho chú ở một nơi lịch sự. Nhưng các dũng sĩ khác chỉ lăm le nuốt sống chú và muốn tống khứ chú đi khỏi. Bọn họ bàn nhau:

    – Lôi thôi với nó thì nguy, vì nó đập một cái chết bảy. Bọn mình chẳng đứa nào sống sót được.

    Bọn họ quyết định cùng kéo vào yết kiến vua xin về. Họ tâu vua:

    – Tâu bệ hạ, bọn hạ thần không thể ở cùng một người đánh một đòn chết bảy.

    Nhà vua buồn, thấy vì một người mà bọn bầy tôi trung thành phải bỏ đi. Vua chỉ ước chưa gặp chú thợ may thì hay và muốn tống khứ chú đi. Nhưng vua không dám bảo chú sợ chú giết mình, giết cả dân mình rồi lên ngôi. Vua nghĩ mãi mới tìm ra được một kế. Vua sai sứ đến bảo chú nếu quả chú là một tráng sĩ, thì vua truyền cho làm một việc. Ở một khu rừng trong nước có hai tên khổng lồ sống bằng nghề trộm cướp, giết người, đốt nhà; không ai dám bén mảng lại gần chúng vì sợ nguy hiểm đến tính mạng. Nếu chú giết được hai tên khổng lồ ấy thì vua sẽ gả con gái độc nhất cho và cho một nửa nước làm của hồi môn. Vua sẽ cắt thêm một trăm kỵ sĩ đi theo giúp.

    Chú thợ may nghĩ bụng: “Thật là xứng với người như mình”. Được một nàng công chúa đẹp và một nửa nước có phải là chuyện thường đâu! Chú liền đáp:

    – Được được, ta sẽ trị hai thằng khổng lồ, ta không cần một trăm kỵ sĩ. Một người đánh một đòn chết bảy thì sợ quái gì hai tên.

    Chú thợ may ra đi, một trăm kỵ sĩ kéo theo sau. Đến bên rừng, chú bảo các kỵ sĩ:

    – Các chú đợi đây, để một mình ta sửa hai thằng khổng lồ.

    Chú nhảy vào rừng tìm ngược tìm xuôi. Một lúc sau, chú thấy hai tên khổng lồ ngủ ở gốc cây, tiếng ngáy rung chuyển cả cành lá. Chú thợ may không để phí thì giờ, nhặt đầy hai túi đá rồi trèo lên cây. Chú bò ra một cành đúng ngay trên đầu hai tên đang ngủ, rồi ném đá hết hòn nọ đến hòn kia vào ngực một tên. Tên này mãi chẳng cảm thấy gì, nhưng sau tỉnh dậy, hích bạn hỏi:

    – Sao cậu lại đánh tớ?

    Tên kia đáp:

    – Cậu mơ ngủ à? Mình có đụng đến cậu đâu!

    Hai tên lại nằm ngủ. Chú thợ may liền ném một hòn đá vào tên thứ hai. Tên này nói:

    – Thế là cái gì? Sao cậu lại ném mình.

    Tên kia càu nhàu nói:

    – Mình có ném cậu đâu.

    Chúng cãi nhau một lúc. Nhưng vì chúng quá mệt nên chẳng bao lâu mắt lại nhắm nghiền lại. Chú thợ may lại tiếp tục trò ấy, chọn hòn đá to nhất, lấy hết sức bình sinh ném vào ngực tên khổng lồ thứ nhất. Tên này kêu lên:

    – Thế này thì quá lắm!

    Rồi hắn điên tiết, nhảy xổ vào bạn, đẩy bạn vào một cáí cây làm cây rung chuyển. Tên kia trả miếng cũng không kém; hai tên nổi nóng, nhổ cây phang nhau mãi đến lúc cả hai cùng lăn ra chết. Chú thợ may nhỏ bé lúc đó mới nhảy xuống. Chú nói:

    – Cũng may mà chúng không nhổ cái cây mình ngồi, nếu không thì mình phải nhảy sang cây khác như con sóc. Nhưng được cái là mình nhanh nhẹn.

    Chú rút gươm, chém vài nhát thật mạnh vào ngực hai tên khổng lồ, rồi đến nói với các kỵ sĩ:

    – Công việc đã xong xuôi rồi. Ta đã kết liễu đời chúng. Nhưng quả là có gay go. Chúng bí quá đã nhổ cây chống đỡ, nhưng ăn thua gì với một người đánh một đòn chết bảy như ta.

    Các kỵ sĩ hỏi:

    – Anh không bị thương à?

    Chú đáp:

    – Việc quái gì. Chúng không đụng được tới lỗ chân lông ta.

    Bọn kỵ sĩ không tin phi ngựa vào rừng thấy hai tên khổng lồ nằm trong vũng máu, chung quanh cây cối bị nhổ ngổn ngang. Chú thợ may bắt vua phải thưởng cho các thứ vua đã hứa. Vua tiếc lời hứa, lại nghĩ đến kế giết chú thợ may. Vua bảo chú:

    – Nhà ngươi muốn lấy con gái ta và nửa nước của ta thì phải làm một việc anh dũng nữa. Ngươi phải bắt cho được con kỳ lân phá hoại rừng của ta.

    – Hai thằng khổng lồ thần còn chẳng sợ, thần sợ gì một con kỳ lân. Việc của thần là: Đánh một đòn chết bảy.

    Chú liền đem một cái dây thừng, một cái rìu, dặn những người đi theo đứng ở ngoài, rồi đi thẳng vào rừng. Chú cũng không mất lâu công tìm kiếm, kỳ lân chẳng mấy chốc nhảy xổ đến định húc chú. Chú nói:

    – Khoan, khoan đã nào, cậu làm gì mà vội vã thế?

    Chú đợi cho con vật lại gần sát liền nhảy ra sau một gốc cây. Kỳ lân đâm đầu húc vào cây, sừng cắm sâu vào thân cây, không rút ra được nữa bị mắc ở đấy. Chú thợ may nói:

    – Thế là mình tóm được cu cậu rồi nhé.

    Chú ở sau thân cây đi ra, lấy thừng buộc cổ kỳ lân, lấy rìu đẽo cây gỡ sừng ra. Mọi việc xong xuôi chú dẫn con vật đến nhà vua. Nhưng vua vẫn không giữ lời hứa, bắt chú làm một việc thứ ba nữa. Trước khi cưới, chú thợ may phải bắt được cho vua một con lợn rừng phá hoại trong rừng, vua sẽ cho thợ săn giúp đỡ chú. Chú thợ may nói:

    – Được, được, trò trẻ con thôi.

    Chú không đem thợ săn vào rừng. Bọn họ mừng lắm vì lợn rừng đã nhiều lần đón tiếp họ không được thú vị lắm. Con vật vừa nhìn thấy chú thợ may liền sùi bọt mép, nghiến răng, đâm xổ vào định quật chú xuống đất. Chàng hảo hán chạy tót vào một cái nhà thờ gần đấy, rồi nhảy qua cửa sổ mà ra. Lợn chạy theo vào, chú chạy vòng ra đóng cửa lại. Con vật tức điên lên, nhưng nặng nề quá không tài nào nhảy qua cửa sổ được. Chú thợ may liền gọi các người đi săn đến, để họ trông thấy tận mắt con thú bị nhốt. Vị hảo hán ra mắt nhà vua; vua đành phải làm theo lời hứa gả con gái cho anh ta và chia cho một nửa nước. Nếu vua mà biết chú chẳng phải là một dũng sĩ mà chỉ là một anh chàng thợ may thì hẳn là vua chẳng bao giờ giữ lời hứa.

    Lễ cưới được tổ chức linh đình, nhưng kém vui. Chú thợ may lên làm vua. Được ít lâu, hoàng hậu trẻ tuổi đang đêm nghe thấy chồng nói mê: “Này này cậu ơi, khâu ngay cho tớ cái áo này, vá ngay cho tớ cái quần này, nếu không tớ sẽ lấy thước quật vào vai cho bây giờ”. Nàng biết ngay đức ông chồng mình gia thế ra sao. Sáng hôm sau, nàng đến tìm cha than thân trách phận, xin vua cha đánh tháo cho khỏi tay một anh chồng chỉ là bác phó may. Vua an ủi con nói: “Đêm nay, con ngủ cứ để ngỏ cửa. Quân hầu của ta sẽ đứng rình ở ngoài, đợi nó ngủ là vào trói gô nó lại, khiêng xuống tàu chở đi thẳng”.

    Công chúa nghe kế ấy bùi tai. Nhưng tên hầu cận nhà vua nghe được hết. Vốn rất mến chủ mới, hắn kể lại tất cả. Chú thợ may nói:

    – Ta sẽ phải chặn trước.

    Tối hôm ấy, chú đi nằm với vợ như thường lệ. Khi nàng đã tưởng chú đã ngủ rồi, nàng dậy mở cửa rồi đi nằm lại. Chú giả tảng ngủ rồi hét to lên:

    – Này này cậu ơi, khâu ngay cho tớ cái áo này, vá ngay cho tớ cái quần kia, nếu không tớ sẽ cho cậu mấy cái tát tai bây giờ! Ta từng đánh một đòn chết bảy, giết hai thằng khổng lồ, săn một con kỳ lân, bắt một con lợn rừng, thì ta còn sợ gì bọn núp ở ngoài phòng kia!

    Bọn kia nghe chú thợ may nói vậy, sợ xanh mắt, bỏ chạy ba chân bốn cẳng như bị ma đuổi. Không tên nào dám nho nhoe cả. Thế là chú thợ may giữ ngôi vua cho đến hết đời.

    Một đòn chết bảy
    Một đòn chết bảy
    Một đòn chết bảy
    Một đòn chết bảy
  4. Tóm tắt:


    Truyện cổ tích Chú lính chì dũng cảm, kể về hành trình khó khăn vượt lên mọi thử thách để hướng đến tình yêu hạnh phúc của chú lính chì cụt chân với nàng vũ nữ. Cả hai có hoàn cảnh khác nhau, chú lính chì thì sống ở trong một cái hộp cũ chen chúc với hai mươi tư người anh em khác, còn cô nàng thì lại ở một tòa lâu đài to lớn, nguy nga và tráng lệ, nhưng chú vẫn rất thích, lúc nào cũng chỉ hướng ánh mắt tới chỗ cô với ao ước được lấy cô làm vợ. Một buổi tối nọ, cậu chủ của chú lính đã quên cất chú vào trong hộp, đến mười hai giờ đêm chú gặp con quỷ lùn, nó nói rằng chú chẳng thể có được nàng vũ nữ, và buông lời đe dọa. Hôm sau có cơn gió lớn, thổi mạnh chú lính chì từ trên gác ba lao đầu xuống, đâm thẳng vào cái kẽ giữa hai viên gạch lát đường phố, cô giúp việc và cậu chủ xuống tìm nhưng không thấy chú, cho đến khi gặp được hai đứa trẻ, chúng đem chú lính chì lên một chiếc thuyền làm bằng tờ báo cũ, và thả thuyền xuống rãnh nước.


    Chiếc thuyền đưa chú lính chì đến một đoạn cống ngầm tối đen như mực, gặp được con chuột cống to tướng, nó bắt chú nộp giấy thông hành. Nhưng dòng nước vẫn cuốn chiếc thuyền đi, đến một thác nước, tàu rơi xuống rồi chìm, chú lính chì nghĩ rằng mình sẽ chết và không còn được gặp lại nàng vũ nữ xinh đẹp, thì lại bị một con cá nuốt vào bụng, thời gian sau người dân bắt được con cá và đem bán. May thay chị đầu bếp mua đúng con cá đó, khi mổ ra liền thấy chú lính chì và đem cho cậu chủ, cậu chủ thấy chú lính chì cụt chân dũng cảm như vậy đã vượt qua được thử thách gian lao, liền ném nhanh chú vào ngọn lửa để thử xem chú lính chì có chịu được lửa như chú đã chịu được nước hay không. Chì bắt đầu chảy, chú đang bị ngọn lửa nuốt trọn nhưng ánh mắt hướng về người mình thích, bỗng một ngọn gió thổi đến, thổi nàng vũ nữ vào đám lửa, nằm ngay cạnh chú lính, cả hai cháy thành tro. Đến khi lửa đã tắt, chị giúp việc trong nhà tìm thấy di hài chú trong đám tro tàn, kết lại thành một hình trái tim thể hiện mối tình ngào ngào đã cập bến của chú cùng cô nàng vũ nữ xinh xắn.

    Chú lính chì dũng cảm
    Chú lính chì dũng cảm
    Chú lính chì dũng cảm
    Chú lính chì dũng cảm
  5. Ngày xưa có hai vợ chồng một bác tiều phu nghèo khó, sống ở ven một khu rừng lớn. Gia đình có hai con. Con trai tên là Hênxen, con gái tên là Grêten. Nhà không đủ ăn. Một năm, trời làm đói kém, miếng bánh hàng ngày cũng chẳng có. Tối hôm ấy, chồng nằm trằn trọc mãi, thở dài bảo vợ:

    – Chả biết rồi sao đây? Lương thực cạn rồi, lấy gì nuôi con?

    Đói khổ khiến người mẹ đâm ra nhẫn tâm. Hết đường xoay xở, vợ bảo chồng:

    – Thầy nó ạ, biết sao đây! Ngày mai, sớm tinh mơ, tôi với nhà đưa chúng vào rừng rậm, đốt lửa lên, cho mỗi đứa một mẩu bánh rồi bỏ chúng đấy mà đi làm. Chúng không biết đường mà về, thế là rảnh.

    Chồng đáp:

    – Nhà nó ạ, tôi chịu không làm thế được đâu. Nỡ nào đem bỏ con vào rừng cho thú đói ăn thịt!

    – Thầy nó thật là điên. Không làm thế thì chết đói cả bốn mạng, chỉ còn việc bào gỗ đóng săng mà thôi.

    Người vợ lèo nhèo mãi, kỳ đến lúc chồng phải làm theo ý mình.

    Chồng nói:

    – Nhưng tôi vẫn thương xót chúng nó lắm!

    Hai đứa trẻ đói quá không ngủ được, nghe được hết. Grêten khóc sướt mướt, bảo Hênxen:

    – Anh em mình chết đến nơi rồi.

    Hênxen đáp:

    – Em đừng lo buồn, anh sẽ có cách thoát chết.

    Chờ lúc bố mẹ ngủ rồi, nó dậy mặc áo, mở cửa, lén ra ngoài. Trăng sáng. Sỏi trắng ở trước nhà lóng lánh như bạc. Hênxen nhặt sỏi bỏ đầy túi áo, rồi về nhà bảo Grêten:

    – Em ơi, cứ yên trí mà ngủ đi.

    Rồi nó lại đi ngủ.

    Tang tảng sáng, mặt trời chưa mọc thì mẹ đã đến đánh thức hai con:

    – Đồ lười! Dậy đi, còn phải vào rừng lấy củi chứ!

    Rồi mẹ đưa cho mỗi con một mẩu bánh dặn:

    – Chúng mày cầm lấy mà ăn trưa. Chớ có ăn nghiến ngấu
    trước, không còn nữa mà cho đâu.

    Grêten bỏ bánh vào túi áo và Hênxen đã bỏ đá đầy túi rồi. Cả nhà cùng nhau đi vào rừng.

    Đi được một lát, Hênxen chốc chốc lại dừng lại ngoảnh về mé nhà. Bố thấy vậy bảo:

    – Hênxen, sao mày cứ lùi lại nhìn gì mãi thế? Liệu đấy, đừng có dềnh dàng.

    Hênxen đáp:

    – Con nhìn con mèo trắng của nhà ngồi trên mái từ biệt con đấy.

    Mẹ nói:

    – Đồ ngốc! Không phải con mèo đâu, đấy là ống khói phản chiếu ánh mặt trời đấy.

    Hênxen lùi lại không phải để nhìn mèo, mà cốt để rắc sỏi trắng ra đường.

    Khi đến giữa rừng, bố nói:

    – Chúng mày hãy đi nhặt củi, còn bố đốt lửa để chúng mày khỏi rét.

    Hênxen và Grêten đi nhặt củi khô xếp thành đống. Khi ngọn lửa đã cao, củi cháy nỏ, mẹ nói:

    – Thôi bây giờ chúng mày nằm gần lửa mà nghỉ. Tao và bố đi đẵn củi, xong sẽ quay về đón.

    Hai đứa trẻ ngồi bên lửa. Đến trưa, chúng lấy bánh ra ăn. Nghe thấy tiếng bổ vào cây, chúng tưởng bố chúng ở gần đấy. Nhưng không phải tiếng rìu của bố, mà đó chỉ là tiếng cành cây bị gió đập vào cây khô. Chúng ăn xong, mắt díp lại vì mệt, liền ngủ một giấc say. Khi chúng thức dậy thì trời đã tối như mực. Grêten khóc nói:

    – Bây giờ làm thế nào mà ra khỏi rừng được?

    Hênxen dỗ em:

    – Em cứ đợi một lát, chờ trăng lên, chúng mình sẽ tìm được lối về nhà.

    Khi trăng mọc, Hênxen cầm tay em theo vết sỏi lóng lánh như tiền mới mà lần về nhà. Chúng gõ cửa. Mẹ mở, thấy Hênxen và Grêten liền nói:

    – Đồ khốn kiếp, sao chúng mày ngủ kỹ ở trong rừng thế? Tao cứ tưởng chúng mày không muốn về nữa.

    Bố thấy con về thì mừng lắm vì trong thâm tâm bố không muốn bỏ con. Sau đó ít lâu, trời lại làm đói kém khắp nơi. Một đêm hai anh em nghe thấy mẹ nằm trên giường nói với bố:

    – Mọi thứ lại hết sạch rồi. Chỉ còn có nửa cái bánh ăn nốt là hết nhẵn. Phải tống chúng nó đi. Lần này ta đem bỏ chúng vào rừng sâu hơn trước để chúng không tìm được lối về. Bằng không thì không còn cách nào thoát.

    Người chồng không đành lòng nghĩ bụng:

    – Thà chia nhau với con ăn miếng bánh cuối cùng còn hơn.

    Vợ không nghe, chửi chồng thậm tệ, cho là đã chót thì phải trét, lần trước đã theo ý mụ thì lần này cũng phải theo. Hai đứa trẻ chưa ngủ, nghe hết những chuyện bố mẹ bàn nhau. Khi thấy bố mẹ đã ngủ rồi, Hênxen dậy định ra ngoài nhặt sỏi như lần trước. Nhưng mẹ nó đã khóa cửa mất rồi, nó không ra được. Nó dỗ em gái:

    – Em ạ, đừng khóc nữa, em cứ ngủ yên đi, anh sẽ có cách.

    Sáng sớm tinh mơ, mẹ kéo cổ chúng dậy, cho mỗi đứa một mẩu bánh bé hơn lần trước. Dọc đường đi đến rừng, Hênxen cho tay vào túi bẻ vụn bánh mì ra và chốc chốc lại dừng lại rắc bánh xuống đất.

    Bố hỏi Hênxen:

    – Sao mày cứ hay dừng chân ngoảnh lại thế? Đi đi.

    Hênxen đáp:

    – Con nhìn con chim bồ câu của con nó đậu trên mái nhà để chào con kia kìa.

    Mụ đàn bà nói:

    – Đồ ngốc, không phải là chim bồ câu đâu mà là cái ống khói có mặt trời chiếu vào đấy.

    Dù sao, dọc đường, Hênxen cũng rắc được hết bánh. Mụ đàn bà dẫn hai con vào tít chỗ rừng sâu mà từ thủa cha sinh mẹ đẻ mụ chưa tới bao giờ. Sau khi đốt lửa cháy to lên, mụ nói:

    – Chúng mày ngồi đó. Lúc nào mệt thì ngủ đi một tí. Tao với bố mày đi đẵn gỗ, chiều tối xong sẽ quay lại đón chúng mày.

    Đến trưa Grêten chia bánh cho anh vì bánh của anh đã rắc ở dọc đường rồi. Ăn xong, chúng ngủ. Tối đến, chẳng ai đến đón hai đứa bé đáng thương cả. Đêm tối như mực, hai đứa thức giấc, Hênxen dỗ em gái:

    – Em ạ, chờ cho trăng lên, trông rõ bánh anh đã rắc, thì ta lại tìm thấy đường về.

    Trăng vừa mọc lên thì hai đứa đứng dậy đi, nhưng chẳng thấy tí bánh nào vì hàng ngàn con chim trong rừng đã ăn mất cả rồi.

    Hênxen bảo em:

    – Thế nào rồi chúng ta cũng sẽ tìm được đường. Nhưng chúng không tìm ra đường. Chúng đi suốt cả đêm, suốt cả ngày hôm sau, mà không ra được khỏi rừng. Hai anh em bụng đói như cào mà chỉ nhặt được ít quả dại ở dưới đất. Chúng mệt quá, bước không nổi, nằm lăn ra ngủ dưới gốc cây. Chúng xa nhà đã ba ngày rồi.

    Chúng lại đi, đâm sâu mãi vào rừng, và nếu không gặp ai cứu giúp thì đến chết đói, chết mệt thôi. Giữa trưa, chúng thấy một con chim đẹp, trắng như tuyết đậu trên cành hót hay lắm. Chúng liền dừng lại để nghe. Chim hót xong xòe cánh bay trước mặt chúng. Chúng theo chim đến tận một túp nhà con; chim đến đậu trên mái nhà ấy. Chúng lại gần thấy nhà xây bằng bánh mì, lợp bằng bánh ngọt, cửa sổ bằng đường trắng tinh. Hênxen nói:

    – Thôi ổn rồi. Chúng ta được bữa ăn ngon đấy. Anh ăn một góc mái nhà, còn em ăn một mảnh cửa sổ, ngọt đấy.

    Hênxen giơ tay bẻ một mảnh mái nhà để nếm thử và Grêten đứng bên cửa kính nhấm nháp một mảnh. Bỗng trong nhà có tiếng người nhẹ nhàng vọng ra:

    – Ai gặm nhà ta đấy?

    Hai đứa trẻ đáp:

    – Gió đấy! Gió đấy! Con trời đấy!

    Rồi hai đứa cứ việc ăn, không e ngại gì cả. Hênxen thích ăn mái nhà, bẻ một miếng tướng, và Grêten cũng gỡ lấy cả một khung kính tròn xuống. Bỗng cửa mở, một bà lão bé nhỏ chống nạng rón rén bước ra. Hai anh em sợ rụng rời, đánh rời hết cả các thứ cầm trong tay. Bà lão lắc lư đầu, nói:

    – Các cháu yêu dấu, ai đưa các cháu đến đây? Các cháu đừng sợ, cứ vào. Ở đây với bà, bà không làm gì đâu.

    Bà lão dắt hai đứa vào, cho ăn ngon: sữa, bánh tráng đường, táo và hạnh đào. Rồi bà sửa soạn hai cái giường nhỏ xinh đẹp trắng tinh cho hai đứa trẻ ngủ. Hai đứa bé ngỡ là ở trên thiên đàng. Nhưng mụ già chỉ giả bộ tử tế ngoài mặt đó thôi. Đó là một mụ phù thủy gian ác rình bắt trẻ con nên làm nhà bằng bánh kẹo để nhử chúng. Khi thấy hai đứa bé vừa tới, mụ đã cười nham hiểm mà nói đùa:

    – Chúng mày vào tay bà rồi, có bay lên trời cũng chẳng thoát được tay bà.

    Sáng sớm, mụ dậy trước hai đứa, thấy chúng ngủ thật đáng yêu, má hồng phinh phính, mụ lẩm bẩm:

    – Thật là món ngon.

    Mụ đưa đôi tay khô héo ra nắm lấy Hênxen đem nhốt vào một cái cũi nhỏ, đóng cửa chấn song lại. Thằng bé kêu gào mãi mụ cũng mặc kệ. Rồi mụ đánh thức Grêten dậy bảo:

    – Đồ con gái lười chảy thây, đi dậy lấy nước làm một bữa ngon cho anh mày. Nó ở trong cũi kia, tao muốn nó chóng béo. Khi nào nó thực béo, tao sẽ ăn thịt.

    Grêten khóc thảm thiết, nhưng nào có ích gì, vì mụ phù thủy sai gì phải làm nấy. Hênxen được ăn thức ăn nấu nướng ngon lành còn Grêten phải ăn thừa. Sáng nào mụ già cũng lê đến bên cũi bảo Hênxen:

    – Giơ ngón tay tao xem đã béo chưa.

    Hênxen chỉ đưa cho mụ xem một cái xương nhỏ. Mắt kém, mụ tưởng đó là ngón tay thật, lấy làm lạ sao không thấy béo. Được một tháng vẫn không thấy Hênxen béo lên chút nào mụ đâm ra sốt ruột, không muốn chờ nữa. Mụ gọi Grêten:

    – Con Grêtên đâu? Nhanh lên, đem nước lại đây, thằng Hênxen dù béo hay gầy, ngày mai tao cũng cứ làm thịt đem nấu.

    Khốn nạn con bé vừa xách nước vừa khóc, nước mắt dòng dòng hai má. Nó kêu la:

    – Lạy trời phù hộ cho chúng con. Thà để thú dữ ăn thịt trong rừng thì hai anh em cũng được cùng nhau chết.

    Mụ già bảo:

    – Thôi đừng kêu khóc nữa mà vô ích.

    Mới bảnh mắt, Grêten đã phải đặt nồi, lấy nước và dóm bếp. Mụ già bảo:

    – Hãy nướng bánh trước đã. Tao đã dóm lò và nhào bột rồi.

    Mụ đẩy Grêten đáng thương tới bên lò. Ngọn lửa trong lò đã bắt đầu bốc lên. Mụ già bảo:

    – Mày bò vào lò xem đủ nóng chưa, để cho bánh vào nướng.

    Mụ định khi Grêten vào lò rồi thì đóng nắp lại, quay ăn một thể. Nhưng Grêten biết ý nói:

    – Cháu không biết làm thế nào mà vào được.

    Mụ già nói:

    – Đồ ngu như bò, lò có cửa khá rộng cơ mà. Trông đây này, tao vào cũng còn lọt nữa là mày.

    Mụ lại gần lò và thò đầu vào. Grêten liền đẩy mạnh mụ vào, đóng cửa sắt lại, rồi cài then ở ngoài. Mụ già rú lên khủng khiếp nhưng Grêten đã bỏ chạy để mặc mụ chết thiêu. Em chạy thẳng đến cũi vừa mở cửa cho anh vừa reo:

    – Anh ơi, anh em ta thoát rồi, con mụ phù thủy đã chết rồi.

    Cửa vừa mở thì Hênxen nhảy ra như con chim trong lồng được thả. Hai anh em vui mừng, ôm nhau hôn. Bây giờ chúng không còn sợ gì nữa, chúng đi xem nhà mụ già thì thấy ở xó nào cũng có những hòm đầy ngọc. Hênxen vừa ních đầy túi vừa nói:

    – Của này quí hơn sỏi.

    Còn Grêten nói:

    – Em cũng phải lấy về nhà mới được.

    Lấy đầy túi rồi, em nói:

    – Bây giờ hai anh em ta đi ra khỏi khu rừng của mụ phù thủy đi.

    Đi được vài giờ, chúng đến bên một cái đầm lớn. Hênxen nói:

    – Anh không thấy có cầu, qua sao được?

    Grêten bảo:

    – Một chiếc thuyền nhỏ cũng chẳng có. Nhưng kia có vịt trắng đang bơi, để em nhờ nó giúp.

    Rồi em bảo vịt rằng:

    – Vịt ơi vịt, Grêten và Hênxen đây. Kè chẳng có, cầu cũng không. Hãy cõng anh em tôi qua với.

    Vịt đến. Hênxen cưỡi lên lưng vịt và bảo em lên ngồi cạnh
    mình. Em đáp:

    – Thôi anh ạ, ngồi thế nặng quá. Để vịt cõng từng người một.

    Vịt tốt bụng cõng làm hai chuyến. Đến bờ bên kia, hai anh em nhận dần ra đường lối trong rừng quen thuộc, và nhìn thấy nhà ở đằng xa. Chúng liền chạy ba chân bốn cẳng, nhảy bổ vào nhà, ôm ghì lấy cổ bố mẹ. Từ ngày bỏ con trong rừng, bố mẹ không lúc nào vui. Grêten dốc túi ngọc xuống đất và Hênxen thò tay vào túi lấy ra từng nắm ngọc. Từ đó, cả nhà hết lo và cùng nhau sống một cuộc đời hạnh phúc.

    Hênxen và Grêten
    Hênxen và Grêten
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy