Top 10 Truyện cổ tích về mẹ hay nhất

Phương Kem 9301 0 Báo lỗi

Mẹ là từ ngữ thiêng liêng nhất, là người vĩ đại nhất trên cuộc đời này. Hiểu được điều đó, những câu chuyện cổ tích ra đời nhằm ca ngợi công lao to lớn của ... xem thêm...

  1. Top 1

    Sự tích cây vú sữa

    Ngày xưa, có một cậu bé được mẹ cưng chiều nên rất nghịch và ham chơi. Một lần, bị mẹ mắng, cậu vùng vằng bỏ đi. Cậu la cà khắp nơi, mẹ cậu ở nhà không biết cậu ở đâu nên buồn lắm. Ngày ngày, mẹ ngồi trên bậc cửa ngóng cậu về. Một thời gian trôi qua mà cậu vẫn không về. Vì quá đau buồn và kiệt sức, mẹ cậu gục xuống... Không biết cậu đã đi bao lâu. Một hôm, vừa đói vừa rét, lại bị trẻ lớn hơn đánh, cậu mới nhớ đến mẹ:


    “Phải rồi, khi mình đói, mẹ vẫn cho mình ăn, khi mình bị đứa khác bắt nạt, mẹ vẫn bênh mình, về với mẹ thôi”.


    Cậu liền tìm đường về nhà... Ở nhà, cảnh vật vẫn như xưa, nhưng không thấy mẹ đâu. Cậu khản tiếng gọi mẹ:


    “Mẹ ơi, mẹ đi - đâu rồi, con đói quá !”


    Cậu bé gục xuống, rồi ôm một cây xanh trong vườn mà khóc. Kỳ lạ thay, cây xanh bỗng run rẩy. Từ các cành lá, những đài hoa bé tí trổ ra, nở trắng như mây. Hoa tàn, quả xuất hiện, lớn nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh. Cây nghiêng cành, một quả to rơi vào tay cậu bé. Cậu bé cắn một miếng thật to. Chát quá Quả thứ hai rơi xuống. Cậu lột vỏ, cắn vào hạt quả. Cứng quá. Quả thứ ba rơi xuống. Cậu khẽ bóp quanh quanh quả, lớp vỏ mềm dần rồi khẽ nứt ra một kẽ nhỏ. Một dòng sữa trắng sóng sánh trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ... Cậu bé ghé môi hứng lấy dòng sữa ngọt ngào, thơm ngon như sữa mẹ. Cây rung rinh cành lá, thì thào:


    “Ăn trái ba lần mới biết trái ngon

    Con có lớn khôn mới hay lòng mẹ”


    Cậu oà lên khóc. Nhận ra mẹ đã không còn nữa. Cậu nhìn lên tán lá, lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu ôm lấy thân cây mà khóc, thân cây xù xì, thô ráp như đôi bàn tay làm lụng của mẹ. Nước mắt cậu rơi xuống gốc cây. Cây xòa cành ôm cậu, rung rinh cành lá như tay mẹ âu yếm vỗ về. Cậu kể cho mọi người nghe chuyện về người mẹ và nỗi ân hận của mình… Trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu, ai cũng thích. Họ đem về gieo trồng khắp nơi và đặt tên là Cây Vú Sữa.


    Ý nghĩa nhân văn: Con cái phải hiếu thảo với cha mẹ. Tình mẹ là bao la, vĩnh cửu nhất.

    Sự tích cây vú sữa
    Sự tích cây vú sữa
    Sự tích cây vú sữa
    Sự tích cây vú sữa

  2. Top 2

    Sự tích người mẹ

    Ngày xưa, khi tạo ra người Mẹ đầu tiên trên thế gian, ông Trời đã làm việc miệt mài suốt sáu ngày liền, quên ăn quên ngủ mà vẫn chưa xong việc. Thấy vậy một vị thần bèn hỏi: “Tại sao ngài lại mất quá nhiều thời giờ cho tạo vật này?”


    Ông Trời đáp: “Ngươi thấy đấy. Đây là một tạo vật cực kì phức tạp gồm hơn hai trăm bộ phận có thể thay thế nhau và cực kì bền bỉ, nhưng lại không phải là gỗ đá vô tri vô giác. Tạo vật này có thể sống bằng nước lã và thức ăn thừa của con, nhưng lại đủ sức ôm ấp trong vòng tay nhiều đứa con cùng một lúc. Nụ hôn của nó có thể chữa lành mọi vết thương, từ vết trầy trên đầu gối cho tới một trái tim tan nát. Ngoài ra ta định ban cho vật này có sáu đôi tay”


    Vị thần nọ ngạc nhiên: “Sáu đôi tay? Không thể tin được!”. Ông Trời đáp lại: “Thế còn ít đấy. Nếu nó có ba đôi mắt cũng chưa chắc đã đủ”. “Vậy thì ngài sẽ vi phạm các tiêu chuẩn về con người do chính ngài đặt ra trước đây”, vị thần nói.

    Ông Trời gật đầu thở dài: “Đành vậy. Sinh vật này là vật ta tâm đắc nhất trong những gì ta đã tạo ra, nên ta dành mọi sự ưu ái cho nó. Nó có một đôi mắt nhìn xuyên qua cánh cửa đóng kín và biết được lũ trẻ đang làm gì. Đôi mắt thứ hai ở sau gáy để nhìn thấy mọi điều mà ai cũng nghĩ là không thể biết được. Đôi mắt thứ ba nằm trên trán để nhìn thấu ruột gan của những đứa con lầm lạc. Và đôi mắt này sẽ nói cho những đứa con đó biết rằng Mẹ chúng luôn hiểu, thương yêu và sẵn sàng tha thứ cho mọi lỗi lầm của chúng, dù bà không hề nói ra”.

    Vị thần nọ chạm vào tạo vật mà ông Trời đang bỏ công cho ra đời và kêu lên: “Tại sao nó lại mềm mại đến thế?”. Ông trời đáp: “Vậy là ngươi chưa biết. Tạo vật này rất cứng cỏi. Ngươi không thể tưởng tượng nổi những khổ đau mà tạo vật này sẽ chịu đựng và những công việc mà nó phải hoàn tất trong cuộc đời.”


    Vị thần dường như phát hiện ra điều gì, bèn đưa tay sờ lên má người Mẹ đang được ông Trời tạo ra “Ồ, thưa ngài. Hình như ngài để rơi cái gì ở đây”. “Không phải. Đó là những giọt nước mắt đấy”, ông Trời thở dài.

    “Nước mắt để làm gì, thưa ngài?”, vị thần hỏi.

    “Để bộc lộ niềm vui, nỗi buồn, sự thất vọng, đau đớn, đơn độc và cả lòng tự hào – những thứ mà người Mẹ nào cũng sẽ trải qua”.

    Câu chuyện kể về sự ra đời của một người mẹ, có thể thấy họ là những người phải làm việc nhiều nhất, phải sống khổ sở nhất nhưng lại có tình yêu lớn lao nhất. Những người mẹ sẵn sàng hi sinh tất cả vì con của mình. Họ mang trong mình sức mạnh to lớn, song cũng có trái tim biết rung cảm trước nỗi đau và niềm vui của con. Mẹ chính là viên ngọc đẹp nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho con người.

    Sự tích người mẹ
    Sự tích người mẹ
    Sự tích người mẹ
    Sự tích người mẹ
  3. Top 3

    Chuyện kể về người mẹ

    Một bà mẹ đang ngồi bên đứa con thơ. Bà rất buồn vì đang lo đứa con bà chết mất. Đứa bé xanh rớt đã nhắm nghiền đôi mắt và đang thoi thóp. Đôi lúc đứa bé rền rĩ rất thiễu não, thế là người mẹ lại cúi sát xuống gần con, lòng se lại.

    Có tiếng gõ cửa, một ông già nghèo khổ trùm kím trong tấm chăn thường khoác cho ngựa bước vào. Trời rét như cắt, kể ra không có áo nào ấm bằng thứ chăn ấy. Bên ngoài toàn là một màu băng tuyết. Gió vun vút như quất vào mặt.

    Ông già rét run lập cập. Nhân lúc đứa bé ngủ thiếp đi, bà mẹ nhóm lò hâm một cốc bia. Ông già ngồi xuống ru đứa bé. Bà mẹ ngồi vào chiếc ghế gần ông già, nhìn đứa bé ôm yếu vẫn đang thoi thóp thở, và giơ một bàn tay lên. Bà hỏi:

    – Liệu có việc gì không? Thượng đế hẳn không bắt nó đi chứ?

    Ông già, chẳng phải ai, chính là Thần Chết, lắc đầu một cách khó hiểu. Bà mẹ gục đầu xuống ngực, nước mắt ròng ròng trên gò má. Đã ba ngày ba đêm nay, không hề được chợp mắt, bà thấy đầu nặng trĩu.

    Bà ngủ thiếp đi, chỉ loáng một lát thôi, rồi chợt rùng mình vì rét, bà lại choàng dậy.

    – Gì thế này ? – Bà kêu lên, mắt nhìn tứ phía. Ông già và cả con bà nữa đã biến mất. Lão đã đem con bà đi rồi. Chiếc đồng hồ quả lắc vẫn cót két trong xó nhà.

    Cộc ! Một quả lắc bằng chì rơi xuống đất. Thế là chiếc đồng hồ ngưng bặt.

    Bà mẹ tội nghiệp vùng chạy ra ngoài, miệng gọi con.

    Bên ngoài, có một bà cụ mặc áo dài đen, đang ngồi giữa đám tuyết, bảo bà mẹ:

    – Tôi thấy Thần Chết đã vào nhà chị. Lão ta mang con chị chạy đi rồi. Lão ta chạy nhanh hơn gió và chẳng bao giờ mang trả lại những con người lão đã cướp đi.

    Bà mẹ khẩn cầu:

    – Xin cụ chỉ bảo cho tôi con đường lão đi. Cứ chỉ đường cho tôi, tôi sẽ đuổi kịp.

    Bà cụ đáp:

    – Biết rồi! Nhưng trước khi ta chỉ đường, chị phải hát cho ta nghe tất cả các bài mà chị đã hát ru con chị. Từ trước đến nay, ta đã được nghe nhiều và ta rất thích nghe chị hát. Ta là thần Đêm Tối; ta đã từng trông thấy nước mắt chị tràn ra khi chị hát.

    Bà mẹ van vỉ:

    – Tôi xin hát hết, hát tất cả, sau đó xin cho tôi đuổi kịp thần Chết, đòi lại đứa con tôi.

    Nhưng thần Đêm Tối cứ nín bặt. Thế là bà mẹ đành phải vặn vẹo đôi tay, nước mắt đầm đìa, cất tiếng hát. Tiếng nức nở át cả lời trong các bài hát.

    Nghe hát xong thần Đêm Tối bảo:

    – Rẽ sang phải rồi đi vào rừng tùng tối om kia. Ta đã thấy thần Chết mang con chị biến vào đấy.

    Tới giữa rừng, gặp chỗ ngã ba đường, bà mẹ phân vân không biết rẽ đường nào. Nơi đó có một bụi gai không hoa không lá; đang giữa mùa đông nên băng bám và rủ xuống khắp các cành.

    – Có thấy thần Chết mang con tôi qua đây không?

    Bụi gai trả lời:

    – Có. Nhưng nếu muốn tôi chỉ đường thì bà phải ủ tôi vào lòng để sưởi ấm cho tôi. Tôi buốt cóng và sắp biến thành băng rồi đây.

    Bà mẹ ôm ghì bụi gai vào ngực để sưởi ấm cho nó. Gai đâm vào da thịt bà, máu nhỏ từng giọt đậm, nhưng bụi gai thì đâm chồi nẩy lộc, xanh tươi và trổ hoa ngay giữa đêm đông giá rét vì được bà mẹ truyền cho sức nóng của bà. Sau đó, bụi gai chỉ đường cho bà mẹ.

    Bà đến một cái hồ lớn, không có lấy một bóng thuyền bè. Mặt băng trên hồ quá mỏng, không thể giẫm lên được, mà nước hồ lại quá sâu không thể lội qua. Nhưng thế nào thì thế, bà cũng phải vượt qua hồ tìm con. Bà bèn sụp xuống để uống cạn nước hồ. Tuy biết rằng đó là một việc mà con người ta không thể làm được, nhưng bà mẹ đau khổ mong mỏi Thượng đế sẽ ban phép lạ.

    Hồ bảo bà:

    – Không, không làm thế được đâu ! Ta thương lượng với nhau thì hơn. Tôi rất thích ngọc trai, mà đôi mắt bà là những hạt ngọc trai trong suốt, tôi chưa từng thấy bao giờ. Hãy khóc cho đến khi đôi mắt của bà rơi xuống; lúc ấy tôi sẽ đưa bà tới tận cái nhà kính ươm cây, nơi thần Chết ở và vun trồng các cây hoa. Mỗi cây là một kiếp người.

    Bà mẹ nức nở:

    – Trời ! Tôi còn tiếc gì để tìm thấy con tôi !

    Bà khóc, nước mắt tuôn tầm tã đến nỗi đôi mắt bà theo dòng lệ rơi xuống đáy hồ và hóa thành hai hòn ngọc. Thế là bà được hồ nâng bổng lên như ngồi trên đu, và thoắt một cái, bà đã sang đến một ngôi nhà kỳ diệu dài chừng một dặm.

    Không hiểu đấy là một quả núi có rừng thẳm và hang sâu hay là một công trình thiết kế nào của con người. Mắt bà mẹ đã rơi theo dòng lệ nên bà chẳng nom thấy gì. Bà hỏi:

    – Tìm đâu cho thấy thần Chết đã cướp con tôi đi?

    Một bà già canh giữ vườn kính ươm cây của thần Chết bảo bà:

    – Thần Chết chưa về. Bà làm thế nào mà đến được tận chốn này? Ai đã giúp bà?

    – Thượng đế chứ ai! – Bà mẹ đáp – Người đã thương xót tôi, vậy bà cũng rủ lòng thương bảo cho tôi biết con tôi đi đâu.

    Bà già nói:

    – Tôi không biết mặt nó, còn bà thì không trông thấy gì. Biết bao nhiêu cây, bao nhiêu hoa đã héo tàn trong đêm qua. Thần Chết lát nữa sẽ đến trồng lại. Chắc bà biết rằng mỗi người có một gốc cây hay một bông hoa tượng trưng cho sinh mệnh của mình. Ở đây, những cây hoa ấy chẳng có gì khác thường nhưng chúng có một trái tim và trái tim ấy đập hẳn hoi. Tim trẻ con cũng đập. Đấy, bà cứ tìm đi ! Có lẽ bà sẽ nhận ra nhịp tim của con bà đấy. Nhưng nếu bà muốn tôi hướng dẫn thêm cho bà thì bà tạ ơn tôi bằng cái gì nào?

    Bà mẹ tội nghiệp than thở:

    – Tôi chẳng còn cái gì để cho nữa, nhưng nếu cần, tôi có thể theo người đến tận cùng thế giới.

    – Tôi đến đấy làm gì kia chứ? Bà còn có thể cho tôi mớ tóc dài đen nháy của bà. Bà thừa biết bộ tóc ấy đẹp lắm. Tôi rất thích bộ tóc ấy và sẽ cho bà bộ tóc bạc của tôi. Thế là đổi hòa đấy.

    Bà mẹ nói:

    – Nếu bà chỉ đòi hỏi có thế thôi thì tôi rất vui lòng.

    Rồi bà trao mớ tóc đen cho bà cụ và nhận lấy mớ tóc bạc.

    Hai người bước vào vườn kính rộng lớn của Thần Chết. Nơi đó có rất nhiều cây cỏ mọc lung tung. Có những cây dạ lan hương mảnh dẻ mọc trong lồng hình chuông bằng thủy tinh. Có những bông thược dược to và mập mạp. Có những cây mọc dưới nước, cây thì xanh tươi, cây thì khô cằn, hàng bầy rắn nước quấn mình quanh gốc. Đây là những cây cọ, cây tiêu huyền mộc; kia là đám mùi và xạ hương. Mỗi cây, mỗi hoa đều mang một tên người, mỗi cây, mỗi hoa tượng trưng cho một kiếp người hiện đang sống bên Việt Nam, ở Gơrôenlăng hoặc khắp nơi trên Trái Đất.

    Lại có những cây lớn trồng trong chậu nhỏ đang đe dọa phá vỡ chậu. Ngược lại, có những cây con cằn cỗi lại được trồng trong khoảng đấy xới xắn mịn màng, phủ rêu xanh mượt. Người mẹ đau khổ cúi rạp xuống từng gốc cây, tìm đến tận từng gốc nhỏ nhất, lắng nghe nhịp đập từng trái tim của chúng. Và giữa muôn ngàn trái tim ấy bà đã nhận ra tiếng đập của trái tim đứa con mình.

    – Con tôi đây rồi ! Bà reo lên, tay chìa trên một gốc kỵ phù nhỏ bé màu lam, dáng ốm yếu, thân nghẹo sang một bên.

    Bà già ngăn lại:

    – Chớ đụng vào hoa. Cứ đứng ở đây. Chắc chắn lát nữa Thần Chết sẽ về. Đừng cho Thần nhổ cây hoa này. Cứ dọa là bà sẽ nhổ hết cây cỏ ở quanh đây, Thần Chết sẽ sợ, vì Thần chịu trách nhiệm trước Thượng Đế về các cây cỏ ở đây; không có lệnh của Người thì không ai được nhổ một cây nào cả.

    Ngay lúc đó, nổi lên một cơn gió lạnh buốt. Bà mẹ cảm thấy rằng thần Chết đã đến.

    Thần hỏi:

    – Sao ngươi lại có thể tìm được đuờng đến tận đây, mà lại đến trước cả ta ?

    – Ta là mẹ!

    Thần Chết vươn bàn tay dài ngoằng về phía cây hoa mảnh dẻ, nhưng bà mẹ vòng đôi bàn tay giữ lấy cây, hết sức che chở cho cây không bị nhàu nát một lá nào. Thần Chết hà hơi vào tay bà mẹ; bà cảm thấy lạnh buốt hơn gió bấc làm rụng rời cả đôi tay.

    – Ngươi không chống lại được ta đâu – Thần Chết dọa.

    Bà mẹ trả lời:

    – Nhưng còn có Thượng Đế.

    Thần Chết nói:

    – Ta cũng chỉ tuân theo lệnh của Thượng Đế mà thôi. Ta trông nom khu vườn của Người. Ta mang cây cỏ hoa lá ở đây đi cũng chỉ để đem trồng lại vào khu vườn trên Thiên Đàng, còn mọi việc xảy ra trên ấy, hoa cỏ mọc thế nào, ta không được nói với ngươi.

    Bà mẹ nức nở van xin:

    – Giả con cho tôi.

    Đồng thời mỗi tay bà túm lấy một bông hoa gần đấy rồi thét lên:

    – Nếu tuyệt vọng tôi sẽ nhổ hết hoa ở đây.

    Thần Chết bảo:

    – Chớ có đụng vào. Ngươi nói rằng ngươi đau khổ mà ngươi lại muốn làm cho một người mẹ khác đau khổ hay sao?

    Người mẹ khác? Bà mẹ đau thương buông hai bông hoa ra.

    Thần Chết nói thêm:

    – Đây là đôi mắt của ngươi. Thấy chúng lóng lánh sáng ngời dưới đáy hồ ta đã vớt lên. Ta biết đó là đôi mắt của ngươi. Hãy lấy lại đi. Đôi mắt ấy trong sáng hơn trước rất nhiều. Hãy nhìn vào lòng giếng gần đây, ta sẽ cho ngươi biết tên hai bông hoa ngươi vừa định ngắt. Ngươi sẽ thấy rõ cả cuộc đời quá khứ và tương lai của chúng, thấy rất rõ tất cả những gì mà ngươi sắp hủy hoại.

    Bà mẹ nhìn xuống lòng giếng. Bà thấy từ một trong hai bông hoa ánh lên một niềm vui đầy hạnh phúc, còn cuộc đời của bông hoa kia chỉ toàn những cảnh trầm luân, khổ ải, nghèo khó, khốn cùng.

    Thần Chết nói:

    – Kiếp hoa này cũng như kiếp hoa kia, đều do ý của Thượng Đế cả.

    Người mẹ nói:

    – Thế hoa nào là hoa bất hạnh, hoa nào là hoa diễm phúc?

    Thần Chết đáp:

    – Ta không thể tiết lộ được thiên cơ. Nhưng ngươi cần biết rằng một trong hai bông hoa đó chính là bông hoa của con ngươi, là hình ảnh tương lai của nó.

    Bà mẹ thét lên:

    – Hoa nào trong hai bông là hoa của con tôi? Hãy bảo cho tôi biết. Nếu đời nó sau này sẽ đau khổ thì xin hãy mang nó đi, mang ngay nó về chốn Thiên Đàng! Xin hãy quên những dòng nước mắt của tôi, quên những lời tôi đã cầu nguyện, quên cả những lời tôi đã nói và những việc tôi đã làm!

    Rồi bà vặn vẹo đôi bàn tay, quỳ xuống và cầu khẩn:

    – Cúi xin Thượng Đế đừng nghe lời tôi nếu tôi có cầu khẩn những lời trái với ý Người. Xin người đừng nghe tôi.

    Rồi bà gục đầu xuống ngực.

    Thế là Thần Chết mang đứa bé tới cái xứ sở xa lạ mà bà mẹ đã nói đến ban nãy.


    Câu chuyện muốn ca ngợi sự hi sinh cao cả của người mẹ dành cho những đứa con của mình, tất cả những gì mẹ có đều là dành cho những đứa con. Kể cả khi đó là thanh xuân, ánh sáng hay tính mạng. Một người mẹ sẽ sẵn sàng tuyên chiến với cả thần chết để bảo về bằng được con của mình. Họ có một sức mạnh mà ngay cả những vị thần cũng không thể nào tưởng tượng nổi.

    Chuyện kể về người mẹ
    Chuyện kể về người mẹ
    Chuyện kể về người mẹ
    Chuyện kể về người mẹ
  4. Top 4

    Sự tích bông hoa cúc trắng

    Ngày xưa có một cô bé sống cùng mẹ trong một túp lều tranh dột nát nhưng đó là một bé gái vô cùng hiếu thảo. Thật không may mẹ của cô bé lại bị bệnh rất nặng nhưng vì nhà nghèo nên ko có tiền mua thuốc chữa, và cô bé vô cùng buồn bã.


    Một lần đang ngồi khóc bên đường bỗng có một ông lão đi qua thấy lạ bèn đừng lại hỏi khi biết sự tình ông già nói với cô bé:

    – Cháu hãy vào rừng và đến bên gốc cây cổ thụ to nhất trong rừng hái lây một bông hoa duy nhất trên đó. Bông hoa ấy có bao nhiêu cánh thì tức là mẹ cháu sống được bằng đấy ngày.


    Cô bé liền vào rừng và rất lâu sau mới tìm thấy bông hoa trắng đó. Phải khó khăn lắm cô mới trèo lên được để lấy bông hoa, nhưng khi đếm chỉ có một cánh hai cánh ba cánh bốn cánh. Chỉ có bốn cánh hoa là sao chứ? Chẳng nhẽ mẹ cô chỉ sống được bàng đấy ngày thôi sao? Không đành lòng cô liền dùng tay xé nhẹ dần từng cánh hoa lớn thành những cánh hoa nhỏ và bông hoa cũng theo đó mà nhiều cánh dần lên nhiều đến mức không còn đếm được nữa. Từ đó người đời gọi bông hoa ấy là bông hoa cúc trắng để nói về lòng hiếu thảo của cô bé đó dành cho mẹ mình.

    Sự tích bông hoa cúc trắng
    Sự tích bông hoa cúc trắng
    Sự tích bông hoa cúc trắng
    Sự tích bông hoa cúc trắng
  5. Top 5

    Núi vứt bỏ mẹ già

    Ngày xửa ngày xưa, một lãnh chúa ở một xứ nọ ban hành một đạo luật có nội dung “Hãy đưa những người già cả vô dụng lên núi vì họ chẳng có ích gì nữa". Có một thanh niên trong làng nọ có mẹ già đã lớn tuổi và không thể đi lại được nữa. Chàng thanh niên đã cố gắng chống lại đạo luật đó, nhưng mẹ của chàng đã khuyên chàng hãy chấp nhận để khỏi bị trừng phạt.


    Chàng thanh niên vừa cõng mẹ lên núi vừa khóc lóc đau đớn, trong khi bà mẹ bẻ các cành cây dọc đường. Chàng trai hỏi vì sao mẹ làm vậy, thì bà trả lời là “Mẹ đánh dấu đường đi để con về nhà mà không bị lạc".


    Trước tình yêu thương mà bà dành cho người con đang định vứt bỏ bà như vậy đã khiến cho chàng trai quyết định không bỏ rơi bà nữa, anh đem bà về nhà và giấu dưới sàn nhà.


    Ngày nọ, lãnh chúa ở xứ bên cạnh thách đố lãnh chúa xứ mà chàng thanh niên sống, và đe dọa sẽ tấn công nếu như không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Vì tình trạng nghèo đói của nước này vẫn đang tiếp diễn, nên sẽ không có cách nào chống trả được nếu cuộc tấn công xảy ra. Vì vậy, lãnh chúa đã ban tìm kiếm người trong xứ có thể giải được câu đố. Chàng thanh niên kể về lời thách đố đó với bà mẹ đang sống dưới sàn nhà mình, và bà có ngay câu trả lời đơn giản. Chàng trai ngay lập tức đi báo với lãnh chúa, và đã ngăn được cuộc tấn công từ nước láng giềng.


    Lãnh chúa vui mừng và ban thưởng bất kỳ điều gì anh chàng muốn. Chàng trai nói ngay là “Xin ngài hãy bãi bỏ luật vứt bỏ người già đi, vì sự khôn ngoan mà tôi có được này là nhờ vào người mẹ già mà bấy lâu nay tôi vẫn giấu dưới sàn nhà mình đấy!". Lãnh chúa nghe vậy, liền thay đổi ý định và rút lại luật định đó.


    Đây là truyện cổ của Nhật Bản, nói về một tục lệ đã có từ thời xa xưa. Qua đó phê phán đả kích mạnh mẽ tư tưởng bỏ rơi người già vì cho rằng họ đã không còn giá trị. Đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta, mọi thứ chúng ta có được ngày hôm nay đều là do mẹ hi sinh mà tặng cho chúng ta, cần phải biết ơn và đền đáp.

    Núi vứt bỏ mẹ già
    Núi vứt bỏ mẹ già
    Núi vứt bỏ mẹ già
    Núi vứt bỏ mẹ già
  6. Top 6

    Sự tích mặt trăng và bánh trung thu

    Ngày xửa ngày xưa, suốt hàng thế kỷ mọi vật bị bao trùm bởi ánh sáng rực rỡ ban ngày. Con người không biết bóng đêm là gì. Thần Mặt Trời ngạo nghễ cho rằng không có mình soi sáng thì mọi vật không thể sống. Nhưng ở trên cao ông có biết đâu, mọi sinh linh cũng đang kiệt quệ vì mất nước và thiếu sức sống khi không có giấc ngủ ngon.


    Vào những ngày hè oi bức, cái nắng nóng lừng lững phủ trùm trong không khí. Nước bốc hơi, lá xanh khắp nơi đổi màu vàng úa, con người đói khát vì hạn hán kéo dài.Trong ngôi nhà nọ, có một bà mẹ cùng ba đứa con nhỏ của mình cũng đang héo hon, gầy mòn. Bà mẹ nhìn các con mà xót xa trong lòng. Một ngày kia, bà quyết định đi tìm thần Mặt Trời. Trước khi đi, bà dặn dò con trai cả rằng:

    – Mẹ phải đi tìm thần mặt trời để xin ông ấy tắt bớt nắng và xin thần ban ít bóng đêm. Vì thế, mọi việc trong nhà mẹ trông chờ vào con. Con hãy chăm sóc các em thật chu đáo nhé!


    Anh cả cúi đầu vâng dạ. Bà thu xếp một khạp gạo và một lu nước đầy cho các con có thể dùng đến ngày 15 trong tháng. Xong mọi việc bà hôn lên má từng đứa con và vác túi lên đường. Các con đứng tại ngưỡng cửa vẫy tay chào tạm biệt mẹ mà nước mắt lưng tròng. Bà mẹ cũng ngậm ngùi chia tay các con và hứa sẽ trở về nhanh chóng.


    Bà đi mãi, đi mãi mà vẫn chưa đến được trời. Đến một ngọn núi, bà kiệt sức ngã quỵ bên đường. Tình cờ có một chú thỏ trắng chạy ngang qua, thấy bà gặp nạn, chú thỏ trắng tìm nước đưa cho bà uống. Bà tỉnh lại tâm sự cho thỏ trắng biết mọi việc. Thỏ trắng nghe bà kể cũng mủi lòng, thỏ liền dẫn lối cho bà. Bà đi theo thỏ khoảng hai dặm đường là tới trời. Vừa gặp bà, Thần đã quắc mắt lên và quát rằng:

    – Ai đây? Ngươi không biết nơi đây là cấm địa của nhà trời à?

    – Dạ, xin Thần, vì tôi không thể nhìn các con tôi chết mòn trong đói khát nên tôi mạo muội lên đây xin Thần ban mưa xuống, tắt bớt cái nắng mỗi ngày vài giờ để cho mọi người có giấc ngủ ngon.

    – Cả gan thay người trần mắt thịt. Chẳng phải suốt hàng ngàn năm nay các người dùng nắng, dùng ánh sáng để mưu sinh hay sao? Giờ lại nói thế?

    – Dạ, bẩm Thần. Đúng là chúng tôi rất cần ánh sáng cho công việc nhưng có những giờ phút nghỉ ngơi, ánh sáng làm chúng tôi không tài nào ngủ được. Dần dà chúng tôi bị mất sức, chẳng con người, con vật nào còn khả năng làm lụng nữa ạ! Mong thần suy xét lại!


    Thần vén mây nhìn xuống trần gian, kinh ngạc khi nhìn thấy toàn một màu úa tàn. Cây cối chết khô, gia súc nằm lóp ngóp, con người vật vã, trẻ con than khóc,… cảnh vật tiêu điều, không còn sức sống. Ông buồn rầu bảo với bà rằng:

    – Ta không thể tắt nắng để bóng đêm tràn ngập trên thế gian, vì cái nắng của ta góp phần xua đuổi tà ma dưới trần. Bóng đêm ngự trị thì bọn yêu ma sẽ lộng hành, con người lại gánh thêm bể khổ. Còn một cách là trong bóng đêm phải có ánh sáng để dẫn lối soi đường cho con người tránh được quỷ dữ. Nhưng ai sẽ hy sinh thân mình cho người khác để hóa thân thành thứ ánh sáng nhỏ nhoi đó?


    Không ngần ngại, bà nhận lời hy sinh ngay nhưng bà xin Thần cho bà thời hạn một ngày để về gặp các con lần cuối. Chia tay Thần, bà về nhà, trong lòng nặng trĩu vì sắp xa các con mãi mãi. Bà cố nhoẻn miệng cười khi các con chạy lại ôm chầm lấy bà mừng rỡ.


    Cuộc hội ngộ đoàn viên bên bữa cơm đầm ấm, đầy ấp tiếng cười. Bà dẫn người con cả ra đồng, chỉ dẫn con cách gieo mạ, bón phân và cấy lúa,… Rồi bà chỉ dẫn người con gái thứ cách may vá, thêu thùa từng đường kim mũi chỉ. Còn người con út bé nhỏ thơ ngây, bà ôm con vào lòng khuyên con phải biết vâng lời anh chị và học hành thật chăm ngoan. Trong một ngày bà đã hoàn thành xong mọi việc chu toàn cho các con cách tự tìm cái ăn, cái mặc,… Bà dặn dò các con:

    – Dù mẹ có đi đến phương trời nào, mẹ vẫn dõi theo từng bước trưởng thành của các con. Hãy ghi nhớ lời mẹ con nhé!


    Hôm ấy là rằm tháng tám, theo lời chỉ dẫn của Thần bà đứng trước nhà, hướng mặt nhìn trời và thả lỏng tinh thần. Bỗng chốc bà thấy cơ thể mình nhẹ tênh và bay bổng lên không trung,… đến nơi bà nhìn xuống, thấy màn đêm phủ trùm và một ánh sáng dịu nhạt soi bóng xuống trần gian. Bà nhìn về phía ngôi nhà cũ và thấy các con đang hô hoán, khóc than,… bà cũng không cầm được nước mắt.


    Cho đến ngày nay, thứ ánh sáng lung linh đó người ta gọi là ánh trăng và vầng sáng tròn vằng vặc trên cao ấy người ta gọi là Mặt Trăng. Mặt Trăng được kết tinh từ tấm lòng của một người mẹ, luôn sáng soi dẫn lối cho các con thân yêu của mình.


    Ánh trăng sáng tỏ nhất vào những đêm 15, 16 âm lịch vì đó là ngày hẹn hội ngộ của bốn mẹ con họ. Tương truyền rằng sau đêm hôm ấy, cứ đến ngày ấy trong năm, ba người con đều làm một mẻ bánh nướng, bánh dẻo để dâng hương cúng mẹ, đến nay người ta gọi là bánh Trung Thu

    Sự tích mặt trăng và bánh trung thu
    Sự tích mặt trăng và bánh trung thu
    Sự tích mặt trăng và bánh trung thu
    Sự tích mặt trăng và bánh trung thu
  7. Top 7

    Sự tích quả Phật Thủ

    Ngày xưa, dưới chân núi có 1 gia đình ở đó có hai mẹ con, người mẹ đã già yếu, do lao lực quá nên mắc bệnh đau chướng bụng đau ngực, hàng ngày hai tay ôm trước ngực, mặt mày nhăn nhó, thở vắn than dài. Cậu con trai là người con có hiếu, để chữa khỏi bệnh cho mẹ đã đi cầu cứu khắp nơi nhưng vẫn không có hiệu quả.


    Ngày nghĩ đêm mơ, vào một buổi tối nọ, cậu con trai hiếu thuận vừa mới chợp mắt được một lúc thì nhìn thấy một vị tiên nữ rất xinh đẹp nhẹ nhàng bay tới nhà, đưa cho mẹ anh một quả giống như bàn tay ngọc của tiên nữ, mẹ anh chỉ ngửi một cái thì bệnh chướng bụng đau ngực đã khỏi, cậu con trai vui mừng tới mức cười lớn ha ha, anh mở mắt ra nhìn thì ra chỉ là một giấc mơ.


    Từ đó về sau bệnh của người mẹ đã đỡ hơn một chút, nhưng qua 20 ngày thì bệnh lại tái phát. Cậu con trai hạ quyết tâm lên núi tìm loại quả vàng có hình bàn tay tiên nữ giống như anh nhìn thấy trong mơ. Anh thu xếp hành lý, mang theo lương khô, tạm biệt mẹ để lên núi. Chớp mắt anh đã tìm liên tục được 99 ngày, dường như đã nhổ tất cả các lùm cỏ trên núi, lật từng viên đá, nhưng đến cả hình bóng của tiên quả cũng không thấy.


    Một hôm, vào lúc trời trạng vạng tối, sức cùng lực kiệt, cậu con trai đang ngồi nghỉ trên một tảng đá bên đường, đột nhiên có một trận gió to đi qua. Có một ông lão râu tóc bạc trắng hiện ra và nói với cậu con trai rằng: “Con ơi!, trên đỉnh núi có một rừng cây ăn quả, cho ra một loại quả rất đặc biệt, nói không chừng đó chính là loại quả con muốn tìm”. Nói xong, ông lão liền biến mất.


    Cậu con trai hiếu thuận cảm thấy như mình đã gặp được thần tiên, trong lòng rất vui mừng, không quản mệt nhọc liền vội vàng rẻo chân leo về phía đỉnh núi.


    Vào đêm thứ hai, cuối cùng cậu con trai cũng leo lên tới đỉnh núi, cậu chỉ nhìn thấy khắp nơi trên đỉnh núi đầy những quả vàng, đung đưa đón gió, muôn hình vạn trạng, cậu nhìn sang bên trái rồi lại quay sang bên phải, nhìn đằng trước rồi lại quay ra đằng sau, vui mừng rạng rỡ.


    Lúc này, đột nhiên thấy một người con gái thần thái như tiên nữ, tuyệt sắc giai nhân, cô nhìn cậu con trai với ánh mắt dịu dàng, chính là vị tiên nữ mà anh đã gặp trong giấc mơ, anh vội dập đầu lạy... Vị tiên nữ nói: “Cậu đã vượt qua trăm sông nghìn núi để chữa bệnh cho mẹ, lòng hiếu thuận rất đáng khen! Cậu đi theo tôi”.


    Họ đến “Vườn cổ tích”, chàng trai nhìn thấy rất nhiều cây, trái, hoa đẹp tuyệt trần, trong đó có loại quả như trong giấc mơ của cậu với muôn vàn hình dạng khác nhau, có quả giống như bàn tay khéo léo của thiếu nữ, có quả lại như nắm tay của em bé; có quả giống như “Lan hoa chỉ” đệ tử của Lý Viên, quả thì giống như cây phất trần nhỏ mà đạo sĩ dùng, vỏ có màu vàng bóng như vàng, bên trong trắng như ngọc, hương thơm dịu nhẹ, cậu con trai đi một vòng quanh khu vườn, cả người đã thấm nồng mùi hương.


    Lúc này vị tiên nữ nói với cậu rằng: “Đây là loại quả quý, ngày xưa tổ sư Thần nông theo chỉ thị của Ngọc Hoàng đã mô phỏng hình dạng của bàn tay tiên nữ trên thiên đình, tạo ra giống cây này và trồng, nó không những có thể chữa được bách bệnh mà còn dùng để trang trí nơi tiên cảnh! Chỉ cần một quả là có thể chữa được bệnh của mẹ cậu!”


    Nhưng cậu con trai hiếu thuận nói: “Con muốn mẹ con ngày nào cũng được ngửi mùi hương để chữa khỏi bệnh vĩnh viễn, xin người tặng cho con một cây về trồng được không ạ!”


    Vị tiên nữ nghe thấy vậy vô cùng vui mừng: “Vậy thì ta sẽ tặng cho cậu 1 cây về trồng!” Cậu con trai rất kính cẩn nhận và liên tục nói cảm ơn vị tiên nữ.


    Sau khi về nhà, cậu con trai đã tìm một chỗ đất trống ở trước cửa nhà, đào một cái kênh rất dài để dẫn nước suối về trước cửa nhà, hàng ngày dùng nước suối tưới cho cây. Năm đó, cây cho ra rất nhiều trái. Từ đó, mẹ của cậu ngày ngày đều được ngửi mùi hương của cây tiên, bệnh của bà dần dần chuyển biến tốt hơn.


    Vì quả của cây tiên có màu vàng bóng, hương thơm ngát, hình dạng giống như một bàn tay Phật, dùng để trị bệnh vô cùng hữu hiệu, vì thế người dân hay gọi là “Cây phật thủ”.

    Sự tích quả Phật Thủ
    Sự tích quả Phật Thủ
    Sự tích quả Phật Thủ
    Sự tích quả Phật Thủ
  8. Top 8

    Chim non không ngoan

    Có một chú chim non sống cùng với mẹ trong một cái tổ nho nhỏ nằm ven rừng. Thật ra thì chú cũng đã lớn rồi. Hai bên cánh đã có những chiếc lông to, dài xen lẫn với đám lông tơ mọc lún phún. Các bạn của chú đã bắt đầu ra tập bay, tập theo mẹ kiếm mồi. Chỉ có mỗi mình chú nhất định cho mình còn rất bé bỏng và đòi mẹ mớm cho ăn.


    Năm ấy trời hạn, cây cối khô héo nên lũ sâu cũng trốn mất biệt. Chim mẹ vất vả cả ngày, bay mỏi cánh cũng chỉ mang về được vài con sâu nho nhỏ với dăm hạt lúa cuối vụ. Thương con, Chim mẹ nhịn đói, nhường hết cho con. Vậy mà chú Chim Non chẳng biết, chú la toáng lên rằng chú bị bỏ đói cả ngày và mẹ đã ăn hết phần của chú. Chú còn bảo mẹ ra ngoài ngủ vì chú không muốn ngủ chung với một người mẹ không thương con. Chim mẹ buồn lắm, nhưng vẫn cố đi tìm thêm vài miếng ăn cho đứa con háu đói. Trời tối, Chim mẹ lả đi vì mệt và đói bên ngoài tổ, còn chú Chim Non nằm ngủ ngon lành, chẳng lo cho mẹ tí nào.


    Nửa đêm, một đám cháy bỗng bùng lên, lan ra cả khu rừng. Chim mẹ hoảng hốt lao vào tổ cứu con. Chú Chim Non đúng ra đã có thể tự bay được nhưng vì không tập luyện nên phải để mẹ cõng. Chim mẹ gắng hết mình, nhưng đến bìa rừng thì kiệt sức, đôi cánh chao đảo rồi bị đám cháy bén vào.


    Khi thoát ra được, hơn nửa bộ lông Chim mẹ đã cháy trụi. Chim mẹ chỉ còn thoi thóp, chú Chim Non cuống quýt gọi mẹ, gọi mọi người đến cứu nhưng chẳng có ai…


    Một lát sau thì Chim mẹ không còn nữa…


    Chú Chim Non khóc thương thảm thiết bên xác mẹ. Nỗi hối hận vì những lỗi lầm của mình đối với mẹ làm cho chú càng đau khổ thêm. Từng giọt nước mắt muộn màng nóng hổi chạm vào cơ thể gầy guộc của mẹ chú. Và phép lạ đã xuất hiện, Chim mẹ dần dần hồi tỉnh, mở đôi mắt mệt nhọc nhìn đứa con bé bỏng của mình đầy trìu mến. Chú Chim Non ôm chặt lấy mẹ, thổn thức:


    – Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ! Từ hôm nay, con hứa sẽ ngoan hơn và không buồn lòng nữa đâu. Con thương mẹ nhất trên đời.


    Từ đó, mọi người trong khu rừng mỗi khi nhìn thấy chú Chim Non lại tấm tắc khen sự chăm chỉ và hiếu thảo của chú ta đối với mẹ.

    Chim non không ngoan
    Chim non không ngoan
    Chim non không ngoan
    Chim non không ngoan
  9. Top 9

    Truyện cổ tích là gì?

    Truyện cổ tích là một thể loại văn học truyền miệng, thường được kể lại qua nhiều thế hệ, nhằm giải trí, giáo dục và truyền đạt các giá trị văn hóa. Đây là những câu chuyện hư cấu, thường kết hợp yếu tố kỳ ảo và thực tế, và thường mang những đặc điểm sau:

    • Nhân vật và bối cảnh kỳ ảo: Các nhân vật trong truyện cổ tích thường là các nhân vật kỳ ảo như tiên, yêu quái, phù thủy, và các sinh vật thần thoại. Bối cảnh của câu chuyện thường là các thế giới kỳ diệu hoặc các vương quốc xa lạ.
    • Cốt truyện đơn giản: Cốt truyện trong truyện cổ tích thường đơn giản và dễ hiểu, thường xoay quanh các xung đột rõ ràng như đấu tranh giữa thiện và ác.
    • Bài học đạo đức: Truyện cổ tích thường chứa đựng các bài học đạo đức hoặc giáo dục, như sự công bằng, lòng dũng cảm, tình yêu, và sự trung thực.
    • Tính phổ quát và truyền thống: Truyện cổ tích có thể được kể lại theo nhiều phiên bản khác nhau trong các nền văn hóa khác nhau, nhưng các yếu tố cơ bản như nhân vật và cốt truyện thường vẫn giữ được sự tương đồng.
    • Kết thúc có hậu: Nhiều truyện cổ tích kết thúc với một giải pháp hạnh phúc, trong đó các nhân vật chính vượt qua khó khăn và nhận được phần thưởng xứng đáng.


    Truyện cổ tích không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn phản ánh các giá trị và niềm tin của xã hội nơi chúng được sáng tác, đồng thời giúp gìn giữ và truyền bá các truyền thống văn hóa.

  10. Top 10

    Truyện cổ tích về mẹ có ý nghĩa gì?

    Truyện cổ tích về mẹ thường mang nhiều ý nghĩa sâu sắc và đa dạng, phản ánh vai trò quan trọng của mẹ trong cuộc sống và xã hội. Dưới đây là một số ý nghĩa chính của các câu chuyện cổ tích về mẹ:

    • Tình yêu và sự hy sinh: Nhiều câu chuyện cổ tích nhấn mạnh tình yêu vô điều kiện và sự hy sinh của người mẹ đối với con cái. Mẹ thường là hình mẫu của tình yêu thương, sự chăm sóc và sự bảo vệ, sẵn sàng làm mọi thứ vì hạnh phúc và sự an toàn của con.
    • Giá trị của gia đình: Các câu chuyện về mẹ thường nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình và mối quan hệ mẹ-con. Điều này giúp củng cố và truyền đạt các giá trị gia đình, như lòng trung thành, sự kính trọng và sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình.
    • Sự đấu tranh và vượt qua khó khăn: Truyện cổ tích về mẹ cũng thường kể về những cuộc đấu tranh và thử thách mà mẹ phải đối mặt để bảo vệ hoặc chăm sóc cho con cái. Điều này có thể truyền cảm hứng cho người đọc về sức mạnh, lòng kiên cường và khả năng vượt qua khó khăn.
    • Bài học đạo đức: Những câu chuyện này thường chứa đựng các bài học đạo đức quan trọng, chẳng hạn như sự trung thực, lòng dũng cảm và sự chăm sóc. Thông qua các tình huống trong câu chuyện, người đọc học được các giá trị và nguyên tắc đạo đức từ hành động của nhân vật mẹ.
    • Biểu tượng của sự che chở: Mẹ trong nhiều câu chuyện cổ tích thường được coi là biểu tượng của sự che chở và bảo vệ. Hình ảnh này giúp tạo ra một cảm giác an toàn và ổn định, đồng thời nhấn mạnh sự quan trọng của vai trò mẹ trong việc tạo ra môi trường an toàn cho sự phát triển của trẻ.
    • Kết nối văn hóa: Truyện cổ tích về mẹ không chỉ phản ánh các giá trị cá nhân mà còn là một phần của di sản văn hóa và truyền thống của nhiều nền văn hóa. Chúng giúp gìn giữ và truyền bá các truyền thống và tín ngưỡng liên quan đến vai trò của mẹ trong xã hội.


    Tóm lại, các câu chuyện cổ tích về mẹ thường không chỉ là những câu chuyện giải trí mà còn chứa đựng những thông điệp sâu sắc về tình yêu, gia đình, và các giá trị đạo đức. Chúng giúp truyền tải và gìn giữ các giá trị văn hóa quan trọng liên quan đến vai trò của mẹ trong cuộc sống.




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy