Top 10 Truyện cổ tích hay về tấm lòng nhân hậu
Lòng nhân hậu là thứ tình cảm thiêng liêng, là sự tôn trọng, yêu thương, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, tấm lòng nhân hậu cũng được xuất hiện rất nhiều trong các ... xem thêm...truyện cổ tích. Trong bài viết hôm nay Toplist sẽ giới thiệu đến bạn những truyện cổ tích về tấm lòng nhân hậu hay nhất.
-
Chiếc áo tàng hình câu chuyện kể về anh chài tên Triều vì lòng tốt nên anh đã được ông Tiên ban cho chiếc áo tàng hình, anh mang áo đi giúp đỡ mọi người nghèo khổ khắp nơi và cuối cùng nhờ giúp nhà vua nên anh đã được làm quan.
"Ngày xửa ngày xưa, ở vùng Cao Bằng có một chàng trai trẻ tuổi tên là Triều làm nghề chài lưới. Gia sản của Triều không có gì ngoài bộ đồ nghề làm ăn. Nhưng tính anh vốn hay thương người. Mỗi lần đánh được nhiều cá, anh thường đổi lấy gạo đem chu cấp cho những người túng thiếu mà anh gặp. Vì vậy người nghèo khổ trong vùng, ai ai cũng đều yêu mến.
Ở Cao Bằng một thời gian, Triều lại dời sang đánh cá ở vùng Thái Nguyên. Ở đây, anh lại cứu giúp mọi người không tiếc sức. Một hôm, không đánh được mẻ cá nào, lúc về dọc đường, anh bỗng thấy một ông lão ăn mày đang nằm run rẩy dưới gốc cây. Động lòng thương, anh cởi ngay chiếc áo đang mặc đắp vào người ông cụ.
Bẵng đi một dạo, một hôm anh đang buông chài giữa sông, bỗng nghe trên núi cao có tiếng đàn văng vẳng. Anh dừng lại nghe một cách say sưa. Qua ngày hôm sau, anh lại được nghe tiếng đàn trên núi như hôm qua.
Hôm sau nữa, cũng từ trên ngọn núi cũ, tiếng đàn quen thuộc lại bay đến tai anh. Lấy làm lạ, anh vội thu xếp đồ nghề của mình, rồi tìm đường trèo lên núi, quyết tìm cho ra người gảy đàn.
Lần theo tiếng đàn, anh vạch cỏ rẽ lau tiến bước. Cuối cùng, đến một bãi rộng, anh thấy một cụ già đang ngồi trên phiến đá. Ông cụ mải mê gảy đàn không biết có người tới gần. Triều nhận ra khuôn mặt cụ già này rất giống với ông cụ nằm ở gốc cây hôm nọ. Chờ cho bản đàn dứt hẳn, anh đến trước mặt hỏi:
– Thưa cụ, cụ là ai mà ngồi đánh đàn ở đây?
Ông cụ ngước mắt nhìn anh một cách âu yếm, rồi chỉ vào một phiến đá trước mặt, bảo:
– Ta ngồi đợi con đây! Con trèo núi có mệt lắm không? Con hãy ngồi xuống đây nghỉ một tí.
Triều vừa đỡ chén nước ở tay ông cụ, đã nghe ông cụ hỏi:
– Con có nhớ ta không?
– Có ạ. Cụ có phải là người nằm ở gốc cây đa đầu làng hôm nọ không?
– Đúng vậy. Hôm nọ, con đành chịu mình trần để nhường áo cho ta. Tấm lòng này thật là ít có. Nay ta muốn đền cho con một chiếc áo khác.Nói xong, ông cụ cởi chiếc áo đang mặc, quàng vào mình Triều rồi biến mất. Triều đứng thẫn người, ngỡ ngàng một lúc, mới biết thì ra ông cụ chính là một ông tiên hóa thành.
Từ ngày được áo của tiên cho, Triều mới biết đấy không phải là chiếc áo thường mà là một bảo vật, có phép làm cho người ta tàng hình. Mỗi lần mặc áo, không một ai nhận ra có anh ở trước mặt. Triều mừng quá, từ đấy anh đi chu du khắp nơi.
Anh thường mặc áo rồi tìm đến nhà bọn giàu có, đường hoàng đi vào khắp các phòng của chúng, lấy gạo tiền cho những người nghèo. Anh kín đáo trị tội những kẻ bất lương, bạc ác. Có những người vì quá cơ cực đang nằm lả bên vệ đường mà thở than thì bỗng thấy có những quan tiền trước mặt. Có những tên quan đang nọc người ra đánh giữa công đường thì chính hắn bỗng bị quất vào lưng đau quằn lên, nhưng ngoảnh lại thì vẫn không hề tìm thấy ai.
Nhiều sự việc giống nhau xảy ra, làm cho lời đồn đại lan khắp cả một vùng. Người lo, kẻ mừng, nhưng ai cũng tin rằng Trời Phật đã có con mắt.
Cứ như thế Triều đi khắp nơi và giúp đỡ người cùng khổ. Một hôm, anh tìm đến đất kinh kì. Mặc áo vào, anh tha hồ đi đó đây cho thoả mắt. Hết vào nhà bọn quyền quý, anh lại vào cung cấm là nơi từ xưa không một người nào như anh dám bước chân đến. Thấy người nghèo khó nhan nhản khắp phố phường, anh lẻn vào kho tàng nhà vua lấy của ra phân phát cho họ. Vì thế kho công luôn luôn bị hao hụt, nhưng không một ai tìm ra thủ phạm cả.
Trong khi đó thì khắp kinh đô đồn ầm lên rằng có một vị tiên thường cứu giúp những người đói khổ và trừng trị những tên gian tà. Ở đâu tiên cũng có mặt, nhưng lại không xuất đầu lộ diện bao giờ.
Về phía Triều, anh vẫn ngày ngày làm công việc cứu giúp dân nghèo, coi đây là phận sự của mình, mà không hề băn khoăn đến chuyện báo đáp. Anh đã làm cho bọn giàu sang xiết bao sợ hãi, lo lắng khi thấy tiền của chúng tự nhiên không cánh mà bay, mặc dầu trong nhà ngoài ngõ đều có người canh gác cẩn mật.
Nhưng một hôm, sau khi trừng trị một tên quyền quý ỷ thế đánh người, anh vội lẻn ra khỏi nhà hắn ngay vì thấy kẻ hầu người hạ của hắn nghe tiếng động đổ xô tới rất đông. Giữa lúc vội vàng, anh vướng vào một chiếc gai tre ở bờ giậu làm cho chiếc áo toạc mất một miếng. Sợ rằng để vậy có thể bị lộ nên anh đã dùng một mụn giẻ vá lại. Sau đó, hàng ngày anh lại vào kho nhà vua tiếp tục phận sự của mình.
Từ ngày thấy ngân khố trong kho luôn bị hao hụt, nhà vua hết sức lo lắng. Vua hạ lệnh cho bọn quan coi kho phải tìm bắt cho kỳ được tên trộm bí mật, nếu không sẽ trị tội không tha. Bọn này nhiều phen cố sức rình mò nhưng chỉ hoài công vô ích. Tiền bạc trong kho cứ vơi dần mà chúng vẫn không tìm ra dấu vết gì đáng kể. Sau cùng, chúng sai thửa một kiểu bẫy lưới rất nhạy để chụp vào những nơi mà chúng nghi ngờ.Hôm ấy, bọn quan coi quốc khố bỗng thấy có một con bươm bướm trắng ngoài cổng bay vào kho. Bướm bay đi dạo lại những đĩnh bạc trắng xoá, rồi bướm lại thủng thỉnh bay ra. Lập tức chúng chụp ngay lưới xuống chỗ có bướm. Và thế là Triều bị bắt. Chỉ vì miếng vải vá vào chiếc áo tàng hình khiến anh bị lộ. Bắt được Triều, bọn quan trông coi quốc khố mừng lắm, liền giải anh lên vua. Vua sai bỏ ngục để chờ xét xử.
Hồi ấy, có ông vua bên nước láng giềng từ lâu vẫn nuôi ngầm mưu mô đánh chiếm nước ta. Giữa lúc Triều bị hạ ngục, thì hàng vạn binh mã của nước láng giềng cũng đang ùn ùn kéo sang. Nhà vua đã cho quân đội ra chống giữ, nhưng đánh trận nào thua trận ấy, không sao ngăn cản được kẻ địch tiến như vũ bão.
Tình hình bỗng trở nên nguy ngập. Tin cấp báo từ biên giới một ngày đưa về không biết bao nhiêu chuyến ngựa trạm, làm cho kinh đô nháo nhác. Nghe được tin này, Triều liền bảo quan coi ngục tâu vua cho mình được đi dẹp giặc cứu nước. Nhà vua mừng quá, vội sai tháo xiềng cho anh, và gọi anh đến hỏi:
– Nhà ngươi cần bao nhiêu binh mã?
– Tâu bệ hạ, chỉ cần một mình thảo dân cũng có thể đuổi được giặc dữ. Chỉ xin bệ hạ ban cho thảo dân một thanh gươm.
Vua liền cởi gươm của mình trao cho Triều và phong anh là Hộ quốc tướng quân. Lệnh cho quân đội phải tuân theo lệnh anh.
Trước ngày lên đường, những người nghèo khổ nghe tin Triều được tha và phong tướng đi đánh giặc, đều tìm đến cảm ơn và tình nguyện đi theo. Triều cho sắp xếp thành đội ngũ và cùng kéo nhau lên đường.
Lúc đến vùng quân giặc đang chiếm đóng. Triều mặc ngay chiếc áo tàng hình vào người đi thẳng vào trại giặc. Chỉ một lát sau, anh chém chết tên chỉ huy toán quân tiên phong. Bọn giặc mất tướng như rắn không đầu, bỏ chạy tán loạn. Những người đi theo Triều chỉ việc chia nhau đón khắp các nẻo tóm cổ đưa về.
Đến những trại khác của giặc, Triều cũng làm như vậy. Không bao lâu cả đội tiên phong tinh nhuệ của giặc bị tiêu diệt và bị bắt sống, không sót một tên. Các đội quân khác còn lại kinh hoàng, cho là bên phía Đại Việt có vị thần thiêng trợ chiến nên bao nhiêu tướng tài của mình đều bị chém đầu.
Thấy quân sĩ ngã lòng, vua nước láng giềng đành hạ lệnh lui binh. Từ đấy biên giới lại vô sự. Khắp nơi ai nấy ca đều ngợi ca công lao của Triều.
Lúc Triều kéo quân khải hoàn, nhà vua vui mừng ra đón, hết lời khen ngợi anh. Vua phong cho Triều làm quan đại thần, chia đất đai và bổng lộc rất hậu, lại gả con gái cho anh làm vợ.
Từ đấy về sau, người ta quen gọi anh là Quan Triều. Ngày nay ở Cao Bằng và Thái Nguyên còn có đền thờ Quan Triều."
-
Đường lên trời là truyện cổ tích dân tộc Dao, phản ánh mong ước của người xưa, đó là ở hiền gặp lành, những người tốt bụng sẽ luôn được đền đáp xứng đáng.
"Ngày xưa, có một chàng trai tốt bụng, khỏe mạnh, làm nương giỏi, đi rừng kiếm củi nhanh gấp đôi kẻ khác mà vẫn đói rách.
Anh quyết định đi tìm đường lên trời hỏi xem cớ sao mình phải khổ sở như vậy. Đi một mạch từ sáng sớm đến lúc mặt trời lặn, anh dừng chân nghỉ nhờ một nhà bên chân núi. Bà chủ nhà hỏi chuyện đầu đuôi, anh nói thực:
– Tôi lên trời hỏi xem tại sao những người khỏe mạnh, chăm làm như tôi mà vẫn khổ.
Bà chủ nhà liền nói:
– Nhân thể cháu làm ơn hỏi giúp hộ xem tại sao đứa con gái của bác đã năm tuổi rồi mà chưa biết nói. Hay là nó bị câm?
Chàng trai nhận lời. Sáng hôm sau, anh ra đi từ tinh mơ. Gặp một con sông lớn, chưa tìm được cách sang thì bỗng thấy một con thuồng luồng đen to nổi lên nhận đưa anh qua sông. Biết anh lên trời, thuồng luồng nhờ anh hỏi xem tại sao mười tám năm liền, nó chuyên cõng giúp người qua sông mà chưa hóa thành rồng được. Chàng trai lại vui vẻ nhận lời.
Anh băng rừng, vượt sối đi ngày đêm không biết mỏi. Một hôm, mệt quá, anh ngả lưng vào một gốc cây to, ngủ thiếp đi.
Bỗng xuất hiện một cụ già vẻ mặt hiền lành, tóc trắng như mây, da hồng như mặt trời buổi sáng. Cụ lay anh dậy, rồi ân cần hỏi chuyện. Anh lễ phép thưa:
– Thưa người già, con muốn tìm đường lên trời…
Anh chưa nói hết, ông cụ đã ngắt lời:
– Có việc gì hỏi trời, con cứ nói với ta. Nếu giúp được con, ta không ngại. Nhưng ta đang bận. Con chỉ được hỏi hai điều thôi.
Chàng trai nói:
– Thưa người già, một người đàn bà ở chân núi nọ có đứa con gái đã lên năm tuổi mà vẫn chưa biết nói, không hiểu vì sao?
Cụ già mỉm cười:
– Muốn cháu bé nói được, thì người mẹ phải đào lấy hũ vàng bên phải và hũ bạc bên trái quả núi cạnh nhà bà đi.
Chàng trai hỏi tiếp:
– Con qua sông lớn, có con thuồng luồng nhà hỏi tại sao mười tám năm liền nó chở giúp người qua sông mà chưa được hóa thành rồng.
– Con bảo nó nhả viên ngọc trong mồm ra thì mới bay lên được.
Chàng trai vui mừng quá, cúi sát đất cảm ơn ông cụ. Khi ngẩng lên định hỏi tiếp về số phận của mình thì cụ già đã biến mất. Anh rất lấy làm tiếc nhưng vẫn vui vẻ vì đã giúp được việc cho người khác.
Anh quay về.
Tới sông, thuồng luồng nổi lên đón anh. Anh truyền lại lời của cụ già. Thuồng luồng cảm ơn, cõng anh qua sông rồi nhả viên ngọc ra biếu anh. Đó là một viên ngọc quý, dùng làm thuốc chữa được mọi bệnh tật, mang trong người thì hết ốm đau.
Thuồng luồng hóa rồng, rồi bay về trời.
Đến nhà người mẹ có cô con gái câm hôm trước, anh thấy bà đang đợi anh ở cửa. Theo lời anh truyền lại, bà đào vàng bạc lên. Lạ thay, đứa bé gái bỗng cất tiếng gọi “Mẹ ơi!”.
Cảm ơn chàng trai tốt bụng, bà đưa biếu anh một nửa số vàng bạc đào được.
Từ đó, chàng trai trở nên giàu có. Anh đem vàng bạc chia bớt cho những người nghèo khổ trong thôn xóm và dùng viên ngọc quý chữa bệnh cho mọi người.
Ai nấy đều yêu mến, kính trọng anh."
-
Sự tích cây xoài là câu chuyện cổ tích Malaysia, kể về một cậu bé có trái tim nhân hậu, khi chết đi đã hóa thành cây xoài, sống mãi trong lòng mọi người.
"Ngày xửa ngày xưa, không rõ từ thủa nào, chỉ biết rằng đã từ rất lâu rồi, từ thời cụ kị của ông cha kể lại, có gia đình bác nông dân nghèo nọ sinh được một cậu con trai. Cậu bé ngoan ngoãn, thật thà và tốt bụng. Nhà tuy nghèo, nhưng bố mẹ và cậu bé luôn giúp đỡ mọi người từ miếng cơm manh áo. Còn cậu bé ngày càng hiếu thảo, hay giúp cha mẹ công việc trong nhà, ngoài đồng.
Tên cậu bé là Đô-xi-gô-la, nhưng cha mẹ yêu quý gọi cậu bằng cái tên thân mật là: Đô-xi bé bỏng.
Đô-xi hay giúp đỡ mọi người và chăm sóc một bà già tàn tật sống ở cuối làng như chính cha mẹ mình. Bà cụ lấy làm vui lắm mỗi khi cậu bé đến.
– Bà ơi, cháu hái rau cho bà nhé! – Đô xi nói – Cháu mang theo cho bà mớ tép mà cháu vừa mới tắt được ở đầm đây.
– Cảm ơn cháu! – bà già nói – Cháu có biết cháu đem đến cho bà bao nhiêu là niềm vui không? Cháu ngoan lắm!
Không những giúp bà cụ mà cậu còn giúp đỡ bao nhiêu người neo đơn khác ở trong làng, vì thế cho nên ai cũng yêu mến cậu.
– Thằng bé thật là ngoan. – Các cụ già khen.
– Thằng bé thật hiếu thảo! Các con phải sống như anh Đô-xi ấy! – Các bà mẹ thường lấy Đô-xi ra làm gương cho con cái.
Thế rồi một hôm, mưa to gió lớn, sấm chớp ầm ầm. Có một bà cụ ăn mày, quần áo ướt sũng, chân tay run lẩy bẩy bước tới làng xin ăn. Đô-xi lấy cho bà một bộ quần áo của mẹ cậu để thay cho bộ đồ đã ướt sũng nước mưa kia. Sau đó, cậu vội vàng đốt lửa cho bà cụ sưới, rồi và mang cơm ra mời bà cụ ăn.
– Cháu quả là có tấm lòng nhân hậu. Mọi người sẽ không bao giờ quên tấm lòng tốt của cháu đâu. – Bà cụ già nói.
Một thời gian sau, Đô-xi bị ốm. Cha mẹ cậu rất buồn. Bà con láng giềng thay nhau đến để chăm sóc cho cậu. Nhưng vì bệnh hiểm nghèo nên Đô xi đã qua đời. Cha mẹ cậu đau lòng, khóc thương con thảm thiết. Dân làng cũng không ai kìm được nước mắt.
– Đô-xi tốt bụng đã không còn nữa, chú bé chịu thương chịu khó đã mất rồi! – Mọi người thương tiếc nói với nhau.
Bỗng nhiên bà lão ăn mày được Đô-xi giúp đỡ xuất hiện. Lúc này bà cụ đến với bộ quần áo trắng sạch sẽ, khuôn mặt bà rạng rỡ sáng ngời. Bà đến bên cạnh cậu bé và nói với mọi người đang khóc thương Đô-xi:
– Xin mọi người đừng quá đau buồn. Đô-xi mất đi, nhưng trái tim yêu thương của cậu bé sẽ sống mãi.
Mọi người đều nhìn bà kinh ngạc: Làm sao có thể làm sống lại trái tim của người đã chết.
Như đoán được ý của mọi người, bà cụ nói tiếp:
– Tôi sẽ mang trái tim của Đô-xi về trời, rồi mọi người sẽ thấy trái tim đó luôn sống mãi bên cạnh chúng ta.
Nói xong, bà cụ liền mang trái tim của Đô-xi đặt vào chiếc hòm gỗ. Bà đem chôn quả tim của cậu bé ở góc vườn đẹp nhất.
Mấy ngày sau, mọi người thấy ở chỗ chôn quả tim của Đô-xi mọc lên một mầm cây. Và chỉ qua vài ngày, cây lớn nhanh như thổi, cành lá xum xuê. Thấy thế, mọi người cùng nhau chăm bón cây lạ. Cây bắt đầu ra hoa, rồi tạo thành những quả có hình dạng giống như trái tim. Một thời gian sau, quả bắt đầu chín vàng. Mọi người cẩn thận hái xuống nếm thử.
– Chà, ngọt quá! Mùi thơm mới dễ chịu làm sao? Đúng là trái tim của Đô-xi.
Rồi mọi người bàn bạc cách đặt tên cho thứ quả thơm đó.
– Chúng ta hãy gọi tên nó là “Đô-xi”!
Thế là quả mới được mọi người lấy tên Đô-xi đặt cho. Theo thời gian, tên được gọi chệch đi thành “Mango”. Theo tiếng Pekan – một vùng thuộc Malaysia, Mango có nghĩa là “quả xoài”. Và câu chuyện Sự tích cây xoài được bắt nguồn từ đó."
-
Chàng Ngốc và con ngỗng vàng là câu chuyện cổ Grimm, kể về một chàng Ngốc hiền lành tốt bụng, biết giúp đỡ người khác đã được sống hạnh phúc bên công chúa.
Ngày xửa ngày xưa, hai vợ chồng nhà kia có ba người con trai, bao nhiêu khôn ngon dồn cả vào hai người anh, còn chàng út thì dại khờ ngốc nghếch nhưng lại rất tốt bụng, người ta gọi chàng là chàng Ngốc. Ngốc thường bị khinh rẻ, chế giễu và không được tham gia vào việc gì trong gia đình.
Một hôm, người anh cả muốn vào rừng đốn củi. Trước khi đi, người mẹ làm cho anh một chiếc bánh trừng ngon lành và một chai rượu vang mang theo để ăn. Vào tới rừng thì anh gặp một ông lão nhỏ bé, tóc hoa râm, chào anh và nói:
– Cho lão xin miếng bánh và một ngụm rượu vàng. Lão đang cảm thấy rất đói khát và mệt mỏi.
Anh chàng khôn ngoan đáp:
– Nếu tôi cho lão bánh và rượu thì tôi ăn bằng gì! Thôi, lão xéo đi!
Rồi anh để mặc ông lão ở đấy mà đi.
Anh đẵn cây được một nhát thì trượt tay, rìu chém vào cánh tay, phải về nhà băng bó. Tai nạn ấy chính do ông lão bé nhỏ gây ra.Người con thứ hai phải thay anh cả vào rừng. Người mẹ cũng làm cho một chiếc bánh trứng và một chai rượu vang y như với anh cả. Tới rừng, anh cũng gặp ông lão bé nhỏ đến xin miếng bánh và ngụm rượu. Người anh thứ hai cũng từ chối:
– Không được! Tôi cho lão cái gì thì là tôi thiệt cái ấy. Thôi, lão xéo đi cho khuất mắt!
Rồi anh để mặc ông lão ở đấy mà đi.
Anh cũng bị trừng phạt ngay, chỉ mới chặt được vài nhát thì rìu đã văng vào chân, phải lê về nhà băng bó.
Thấy cả hai đều bị thương, chàng Ngốc liền nói:
– Thưa bố, để con đi đốn củi thay hai anh.
Người bố đáp:
– Thôi! Hai anh mày còn bị thương. Mày đốn củi thế nào được!
Chàng Ngốc xin mãi, cuối cùng ông bố đành bảo:
– Thế thì mày cứ đi đi. Có vấp thì mới sáng mắt ra.Mẹ cho Ngốc một chiếc bánh luộc ủ tro và một chai bia chua.
Anh vào rừng cũng gặp ông lão bé nhỏ tóc hoa râm. Ông lão chào anh rồi bảo:– Cho lão xin miếng bánh và một ngụm rượu vàng. Lão đang cảm thấy rất đói khát và mệt mỏi.
Chàng Ngốc đáp:– Cháu chỉ có bánh ủ tro và bia chua thôi. Nếu ông thấy dùng được, thì ông cháu ta ngồi xuống cùng ăn.
Họ ngồi xuống. Chàng Ngốc rút bánh ủ tro ra thì thấy một chiếc bánh trứng ngon lành; bia chua đã biến thành rượu vang. Ăn uống xong, ông lão bảo:
– Cháu tốt bụng, sẵn sàng chia phần của mình cho người khác. Thật đáng khen! Để lão ban phúc cho. Chỗ kia có một cây cổ thụ, cháu đẵn xuống sẽ thấy trong đám rễ cây có của quý.
Nói xong, ông lão từ biệt lên đường.Chàng Ngốc đi đẵn cây theo chỉ dẫn của ông lão. Trời xế chiều thì cây được hạ xuống, chàng bới trong đám rễ thấy có một con ngỗng lông bằng vàng thật. Chàng nhấc ngỗng lên, ẵm vào một quán trọ để ngủ đêm.
Chủ quán có ba cô con gái. Ba cô thấy con ngỗng vàng, tò mò không biết con chim gì mà lạ thế, chỉ muốn lấy một chiếc lông của nó.Cô cả nghĩ cách nhổ trộm một chiếc. Khi chàng Ngốc vừa ra ngoài, cô nắm ngay lấy cánh ngỗng. Nhưng tay bị dính chặt vào đó, không rút ra được.
Một lát sau, cô thứ hai cũng đến và chăm chăm muốn lấy một chiếc lông vàng. Cô vừa đụng đến thì bị dính ngay vào chị.
Cô thứ ba tới cũng định tâm lấy một cái lông vàng, hai cô chị thấy em liền kêu lên:
– Ối, ối, tránh ra, tránh ra! Đừng lại gần đây!
Cô út chẳng hiểu tại sao lại phải tránh ra, nghĩ bụng các chị lấy thì mình cũng phải lấy được, liền nhảy lại. Cô vừa đụng vào thì bị dính ngay. Thế là cả ba cô suốt đêm phải ở liền với con ngỗng vàng.Sáng hôm sau, chàng Ngốc mang ngỗng ra đi, cũng chẳng để ý đến ba cô gái bị dính vào ngỗng. Các cô lẽo đẽo theo sau, rẽ sang phải sang trái theo bước chân của anh. Giữa đồng, cha xứ gặp cả đoàn người bèn nói:
– Đồ gái quạ mổ, không biết xấu hổ à? Cứ bám lấy giai ra đồng như vậy coi có được không?
Cha liền nắm tay cô út kéo lại. Cha vừa đụng đến thì chính cha cũng bị dính vào và phải lẽo đẽo đi theo.
Một lúc sau, người giữ đồ thánh thấy cha xứ lẽo đẽo theo ba cô gái, ngạc nhiên quá, hỏi:
– Thưa cha, cha đi đâu mà vội vàng thế? Cha nhớ là hôm nay còn phải làm lễ rửa tội cho một đứa trẻ đấy!
Ông ta chạy theo nắm tay áo cha thì cũng bị dính vào.
Năm người bước thấp bước cao như vậy thì gặp hai bác nông dân vác cuốc ở đồng về. Cha xứ gọi họ, nhờ gỡ hộ mình và người giữa đồ thánh ra. Hai bác nông dân vừa sờ đến thì bị dính vào nốt. Như vậy, cả thảy bảy người đi theo chàng Ngốc ôm ngỗng.Anh đi tới kinh thành. Nhà vua có một cô công chúa bao nhiêu năm nay không ai làm cho cô cười được. Vua phán: Ai làm cho cô cười thì được lấy cô. Chàng Ngốc nghe thấy nói vậy, liền vác con ngỗng vàng và cả bảy người theo đuôi đến trước công chúa. Công chúa thấy bảy người lếch nhếch theo nhau, bật cười thành tiếng, rồi không kìm lại được nữa, nàng cứ khanh khách cười mãi.
Chàng Ngốc đòi vua thực hiện lời hứa. Vua không thích chàng rể này, viện cớ từ chối, lệnh cho chàng phải tìm ra người uống hết một hàm rượu vang thì mới cho lấy công chúa.
Chàng Ngốc nghĩ đến ông lão nhỏ bé đã giúp mình hôm trước, liền vào rừng tìm. Tới chô cây đẵn, anh thấy cố một người ngooif, mặt buồn rười rượi. Anh hỏi sao lại buồn bã thế. Người đó đáp:
– Tôi khát quá, uống bao nhiêu cũng không đỡ khát. Quả là tôi đã uống cạn một thùng rượu, nhưng chẳng qua mới như muỗi đổ bể.
Chàng Ngốc nói:
– Thế để tôi giúp anh. Anh chỉ việc đi với tôi là tha hồ uống.
Anh dẫn người ấy đến hầm rượu của nhà vua. Người đó nhảy xổ vào những thùng rượu to, uống mãi, uống mãi đến căng bụng. Chưa hết một ngày, anh ta đã uống sạch cả hầm rượu.Chàng Ngốc lại đòi nhà vua thực hiện lời hứa. Vua bực lắm, không muốn để một tên dơ bẩn mà mọi người vẫn gọi là Ngốc lấy con gái mình. Nên vua lại ra những điều kiện mới: phải tìm được một người ăn hết một núi bánh. Chàng Ngốc chẳng suy nghĩ lâu la, liền đi ngay vào rừng, vẫn ở chỗ đó có một người mặt mũi thiểu não, thắt chặt bụng bằng dây da và nói:
– Tôi đã ăn cả lò bánh mà chẳng ăn thua gì. Tôi đói quá. Bụng vẫn lép kẹp, phải thắt chặt lại kẻo đói lắm.
Chàng Ngốc thấy vậy mừng rỡ lắm, bảo:
– Thế thì đi đi, đi với tôi tha hồ no nê.
Anh dẫn người đó vào triều. Vua cho tập trung bột mì trong cả nước lại, rồi sai nướng một núi bánh khổng lồ. Người đó chỉ ăn một ngày hết sạch.Lần thứ ba, chàng Ngốc lại đòi lấy công chúa. Vua tìm cách thoái, đòi có một chiếc tàu đi được cả trên cạn lẫn dưới nước.
Vua nói:
– Nếu tàu ấy cập bến thì lấp tức người được lấy con gái ta.
Chàng Ngốc lại đi thẳng vào rừng. Ông lão được anh cho bánh vẫn ngồi đó, ông bảo:
– Chính lão đã uống rượu và ăn bánh cho anh. Để lão cho anh chiếc tàu. Lão sẽ giúp anh vì anh đã cư xử tử tế với lão.
Lão bèn lấy rìu đẽo cái cây mà Ngốc đã hạ mấy hôm trước, biến thành một chiếc tàu. Chiếc tàu này không những đi được cả trên cạn lẫn dưới nước mà còn có thể bay được cả trên trời. Vua thấy không có cách gì từ chối nữa, đành phải tổ chức đám cưới.
Chàng Ngốc hiền lành tốt bụng, biết giúp đỡ người khác đã sống hạnh phúc bên công chúa. Sau khi vua mất, chàng được lên nối ngôi. -
Câu chuyện Nàng Tiên Ốc kể về một bà lão nghèo khổ nhưng sống hiền lành và tốt bụng nên đã được Nàng tiên Ốc đến giúp đỡ bà. Qua câu chuyện răn dạy chúng ta sống ở đời phải biết thương yêu nhau, quý trọng nhau con người sẽ có hạnh phúc.
"Ngày xửa ngày xưa, ở một ngôi làng nhỏ nọ, có một bà lão tuổi cũng đã cao và vô cùng nghèo khó. Trông bà rất gầy gò, ốm yếu, nét mặt bà nhăn nhúm và đượm một vẻ buồn phiền. Bà sống một mình trong một chiếc lều nhỏ rách nát chỉ đủ che mưa che nắng chứ không che được những cơn gió rét của mùa đông. Bà không có con, không có cháu bên cạnh mình để đỡ đần và chăm sóc những lúc ốm đau.
Ngày qua ngày, bà phải ra ngoài đồng mò từng con cua, bắt từng con ốc nhỏ để đổi lấy tiền mua gạo sinh sống qua ngày.
Rồi một hôm, trong lúc đang bắt ốc, bà bắt được một con ốc rất đẹp. Con ốc có chiếc vỏ màu xanh ngọc bích, nó to hơn ngón cái bà một chút và tỏa ra những ánh sáng lấp lánh rất đẹp dưới ánh mặt trời. Bà vui mừng, nâng niu con ốc trên đôi bàn tay gầy guộc nhăn nheo và đầy vết chai sạm của mình. Bà thấy rất thương ốc nên bà không bán mà đem nó về nuôi trong một chiếc chum nước dựng ở sân nhà.
Ngày qua ngày, bà vẫn cặm cụi với công việc của mình. Bà vẫn ra đồng mò cua bắt ốc. Nhưng bà rất đỗi ngạc nhiên khi trở về nhà, tất cả sân nhà đã sạch sẽ tươm tất, vườn rau phía sau nhà thì đã sạch cỏ, cơm nước trên bàn đã nấu tinh tươm. Bà nghĩ mãi nhưng không thể nghĩ được ai đã giúp mình.
Hôm sau, bà vẫn ra đồng như thường lệ nhưng lần này giữa buổi bà quay trở về nhà. Về tới cổng, bà rón rén bước tới nép sau cánh cửa để xem ai giúp bà hôm qua. Bà thấy từ trong chiếc chum nước bước ra là một cô gái xinh đẹp, làn da cô trắng hồng, đôi mắt to đen như mắt bồ câu ẩn dưới hai hàng mi cong vút. Mái tóc cô đen một màu đen ánh và dài óng ả. Cô khoác trên mình một chiếc áo màu ngọc bích, dáng đi nhẹ nhàng uyển chuyển nhưng cô vẫn làm việc nhà một cách nhanh thoăn thoắt. Cô dọn dẹp nhà cửa, quét sân, nhổ cỏ sau vườn. Khi công việc vườn tược xong xuôi, cô lại đong gạo nấu cơm cho bà lão.
Đến lúc này thì bà lão đã nhận ra tất cả, thì ra đó là một nàng tiên ốc, bà nhẹ nhàng bước tới chiếc chum, lấy chiếc vỏ ốc rồi đập vỡ. Nghe thấy tiếng động, cô gái vội vàng quay lại chiếc chum để chui vào chiếc vỏ ốc nhưng đã quá muộn. Bà lão chạy tới ôm lấy cô và nói:
– Con gái! Hãy ở lại đây với mẹ!
Từ đó trở đi, bà lão và cô gái sống với nhau rất vui vẻ và hạnh phúc.
Từ đó cô trở thành đứa con yêu của bà. Hai mẹ con họ sông thật đầm ấm hạnh phúc."
-
Sự tích con cua muốn đề cao tính tốt bụng nhân hậu của cô gái mồ côi sống cùng người mẹ kế, dù cho cuộc sống có bất hạnh, chịu nhiều tổn thương, đòn roi từ người mẹ kế nhưng cô vẫn giữ trong mình một sự hồn nhiên tốt bụng, biết giúp đỡ người khác, và đã được đền đáp cho lòng tốt của mình, bên cạnh đó yếu tố đặc biệt của câu chuyện là việc người con gái ruột đỏng đảnh của mẹ kế bị biến thành con cua cả đời phải chui lủi xống bùn đất vì khinh thưởng người khác. Tính nhân văn trong tác phẩm được nêu cao về lòng nhân hậu của con người đối mặt với các ác và cái ác nhất định sẽ có ngày bị trừng trị.
Sự tích con cua là truyện cổ tích về loài vật, răn dạy các bé phải biết giúp đỡ người khác trong cuộc sống, cũng như lễ phép với những người lớn tuổi. Câu chuyện kể về một cô gái xinh đẹp, nết na nhưng kém may mắn hơn những người khác. Cô mồ côi mẹ lúc chưa đầy tháng tuổi. Cha lấy vợ kế được một thời gian thì chẳng sao ông sinh bệnh rồi qua đời, để lại cô con gái bé bỏng một mình. Cô gái sống với mẹ kế cùng đứa con riêng của mẹ.
Cô con gái riêng của bà mẹ kế suốt ngày chỉ ra ngắm vào vuốt, chẳng phải làm việc gì cả, mà có làm gì thì cũng chẳng thành. Nhưng mọi lời khen ngời bà mẹ đều dành cho cô ta và cô ta lấy thế làm hãnh diện lắm. Lúc nào công ta cũng vênh vênh, váo váo, kiêu kỳ, tự cao tự đại cứ như mình là lá ngọc cành vàng vậy. Còn cô gái mồ côi thì phải làm hết mọi việc. Biết thân phận mình, vốn tính hiền lành, ngoan ngoãn, cô chịu đựng hết thảy, nín lặng làm hết mọi việc bà mẹ ghẻ đổ lên đầu. Cô dằn lòng gánh chịu mọi lời mắng chửi trút xuống đầu mình. Bao nhiêu người thương mến cô, thông cảm cho hoàn cảnh của cô, nhưng họ chẳng biết làm gì để giúp cô bớt khổ.
Một hôm khi ra bờ suối giặt đồ cho mẹ kế và con gái riêng của bà, cô gặp một bà cụ rách rưới, bẩn thỉu đứng bên cạnh con phều phào xin nước uống. Nước sông đục ngầu nên cô lấy ống nước đem theo đưa cho bà cụ. Bà cụ uống nước xong liền cho cô cái bọc nhỏ, bảo là thưởng cho lòng tốt của cô. Mở ra thấy chiếc váy đẹp này, cô định trả lại cho bà cụ, nhưng không thấy bà đâu nữa. Về nhà cô bị mẹ kế phát hiện và đánh đập bắt khai ra cái váy ấy ở đâu. Biết được cô gái tội nghiệp không nói dối mụ mẹ kế liện tính các cho con gái của mình ra sống giặt đồ để gặp được bà lão tiên xin cho được đẹp hơn. Kể từ hôm đó cô gái tội nghiệp không phải ra sống giăt đồ nữa , cô con gái riêng của mụ mẹ kế đã thay thế công việc cho cô. Việc giặt đồ ở sông không dễ thực hiện nhưng mong muốn được gặp bà tiên để xin cho mình đỡ xấu đã thôi thúc cô ta. Một hôm khi đang giặt đồ ở sông thì người con gái của người mẹ kế đã thấy một bà lão xuất hiện.
Nhìn thấy bà cụ, cô gái kiêu kỳ định lấy bầu nước của mình ra đưa cho bà. Nhưng bà cụ lại bảo nhờ cô giặt giúp cái váy lấm lem bùn của bà ấy. Cô gái đỏng đảnh đáp “Cái mụ già bẩn thỉu này. Bà nghĩ tôi là gì mà bảo tôi làm cái việc ghê tởm ấy. Dạng bà xách dép cho tôi còn chưa xứng.” Lập tức bà lão liện hiện hình là một bà tiên , cô gái đỏng đảnh hốt hoảng kêu lên. Cô ta hiểu là mình đã phạm sai lầm không thể cứu vãn được. Thế là công toi mấy ngày mình phải chịu khổ sở. Cô gái mở miệng định xin bà cụ tha lỗi và cầu xin cụ cho mình được xinh đẹp thì bà cụ đã nghiêm sắc mặt. Bà cụ đáp “Một con người có tâm hồn xấu xí thì không thể trở thành người con gái xinh đẹp được. Lũ các ngươi phải bị trừng phạt”. Bà cụ nói xong thoắt biến mất như chưa từng xuất hiện ở đấy. Liền sau đó, cô gái đỏng đảnh cũng biến mất. Ở chỗ cô ta vừa đứng, xuất hiện một con vật nho nhỏ, xám xịt, chân cẳng tua tủa. Đến nay cứ thấy người lại gần con vật đó lại vội lủi xuống sông. Đó chính là con cua.
-
Chàng Quân Tử là một câu chuyện cổ tích rất hay trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam. Câu chuyện là bài học cho chúng ta về cách sống lòng nhân hậu tình yêu thương và không làm tổn hại đến các loài vật, nhất định sẽ nhận được những phần thưởng xứng đáng.
Ngày xưa, có một anh chàng nghèo sống một thân một mình. Anh thường ăn ở nhân đức với mọi người, lòng nhân đức của anh còn ban phát đến cả giống vật. Bởi thế người ta quen gọi anh là Quân Tử.
Trong nhà có bao nhiêu của nả, anh lần lượt đem ra giúp đỡ cho người nguy kẻ khó, còn mình thì sống rất đạm bạc. Một hôm, gần ngày kỵ cha, Quân Tử có để dành được mấy bát gạo nếp và một con gà để làm giỗ. Có một con chuột hôm ấy chui vào hũ gạo, và một con cáo ban đêm định lẻn vào nhà Quân Tử bắt gà . Quân Tử đều phát hiện được tuy nhiên đều không giết hay bắt giữ chúng mà chỉ thả chúng đi. Đến ngày giỗ cha, Quân Tử đồ xôi luộc gà, thắp hương đèn sửa soạn vào làm lễ, thì một chú ruồi đánh hơi bay đến đậu vào cỗ xôi đánh chén thỏa thích. Nhưng Quân Tử đã nhanh tay quơ được. Bị kẹt chặt, ruồi ta hết đường giãy giụa, chắc là khó thoát cái chết. Nhưng rồi ruồi cũng may mắn được thả ra. Tiếng đồn về lòng nhân đức của Quân Tử vang khắp nơi. Buổi ấy nhà vua đang muốn kén chọn người tài đức để gả công chúa. Nghe tin đồn về Quân Tử, vua bèn sai quan quân đi triệu về kinh. Nhưng khi gặp mặt Quân Tử, thấy anh ăn nói không được lễ phép thì vua không được hài lòng. Để tiện từ chối, vua bèn đưa ra ba thử thách lớn cho Quân Tử, Quân Tử tin rằng mình đã hết cơ hội làm phò mã. Thì những động vât ngày trước Quân Tử đã tha chết, lần lượt quay về giúp chàng. Nhờ có giúp đỡ của các loài vật mà mình đã từng cứu Quân Tử đã vượt qua ba thử thách của nhà vua một cách dễ dàng. Thấy cả ba lần anh đều thắng cuộc, vua đành vui lòng nhận anh là phò mã. Khi vua chết, vì không có con trai nối dõi nên Quân Tử được các quan đưa lên ngôi.
Câu chuyện ngợi ca lòng nhân hậu của Quân Tử biết yêu thương con người và cả động vật. Tiếng Lành đồn xa chàng không những được vua biết đến mà còn được triệu làm phò mã, sau này nhờ đức tính mà khi vua cha mất chàng còn được các quan đưa lên ngôi làm vua. Sống ở trên đời có lòng nhân hậu biết yêu thương mọi người xung quanh, biết yêu thương động vật dù chỉ là một con ruồi thì nhất định sẽ có một ngày chúng ta nhận được những hạnh phúc xứng đáng. -
Quả bầu tiên là truyện cổ tích kể về chú bé con nhà nghèo, nhưng vô cùng ngoan ngoãn và tốt bụng. Chú luôn sẵn lòng giúp đỡ, quan tâm tới mọi người.
Ngày xửa, ngày xưa có một chú bé con nhà nghèo, nhưng vô cùng ngoan ngoãn và tốt bụng. Chú luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ, quan tâm tới mọi người, và chăm sóc mọi vật xung quanh mình. Chú bé được các loài chim yêu quý lắm. Vì thế cứ mỗi độ xuân về, chim chóc lại ríu rít kéo nhau tới làm tổ, hót vang quanh nhà chú bé.
Một hôm có một con Cáo ở đâu mà tới bắt chim Én ở đầu nhà chú bé. Con Én non nớt bị rơi xuống đất gãy cánh. Chú bé vội lao ra cứu con chim. Chú bé ôm ấp, vỗ về con Én nhỏ. Chú quyết định mang chú chim Én tội nghiệp về nhà chăm sóc, và làm cho Én một cái tổ khác, hàng ngày chăm cho Én ăn, hết mực thương yêu và quan tâm đến Én nhỏ. Nhờ sự chăm sóc tận tình của chú bé, Én đã dần dần lành vết thương.
Cuối thu, trời lạnh dần. Hằng ngày khi nhìn lên trời thấy từng đàn Én hối hả bay đi tránh rét ở phương Nam, Én phân vân nửa muốn bay theo đàn, nửa lại lưu luyến không nỡ rời chú bé. Hiểu được lòng Én, chú bé âu yếm bảo: "Én cứ bay theo đàn đi đến phương Nam ấm áp đi. Đến mùa xuân Én lại trở về với anh". Nói xong chú bé tung Én lên trời. Én nhỏ chấp chới bay lên nền trời xanh. Nó nhập vào một đàn Én lớn bay về những xứ sở ấp áp ở phương Nam, lòng lưu luyến chú bé.
Mùa xuân tươi đẹp đã tới. Én tìm về ngôi nhà đơn sơ nhưng đầm ấm tình thương của chú bé. Nó kêu lên thành tiếng mừng vui khi thấy chú bé đang ngồi đan sọt giữa sân. Đôi cánh Én chao liệng sà xuống và Én thả trước mặt chú bé một hạt bầu rất to. Chú bé chọn một đám đất tốt trước nhà, vùi hạt bầu xuống đất.
Hằng ngày chú bé ra tưới nước, chăm sóc và thăm đám đất. Chẳng bao lâu hạt đã nảy mầm thành cây bầu. Cây bầu lớn nhanh như thổi, ra hoa, kết quả. Nhưng lạ thay, cây bầu rất tươi tốt nhưng chỉ ra có mỗi một quả. Hàng ngày chú bé vẫn yêu quý chăm sóc cây bầu. Cứ thế, nhờ sự chăm sóc tận tình của chú bé, quả bầu ngày càng lớn lên. Quả bầu cứ to mãi to mãi, to hơn nhiều các quả bầu bình thường cao to hơn cả chú bé. Chú bé vui lắm!
Đến mùa thu hoạch, chú bé muốn đem quả bầu tiên về nhà. Nhưng quả bầu to quá, cả nhà chú bé phải cùng nhau khiêng mới đưa được về nhà. Ai lấy cũng đều vui. Khi bổ quả bầu ra, mọi người rất ngạc nhiên... Ôi! Thật kỳ diệu! Trong quả bầu đầy vàng bạc, châu báu nhiều không kể xiết. Gia đình chú bé vui mừng gọi bà con hàng xóm láng giềng sang, và chia sẻ cùng họ số vàng bạc, châu báu có trong ruột quả bầu tiên.
Trong làng có một tên địa chủ tham lam, độc ác. Hắn nghe được chuyện ấy. Hắn cũng muốn được chim Én cho nhiều hạt bầu tiên. Hắn bèn tìm cách bắt một con chim Én con rồi bẻ gãy cánh. Sau đó hắn giả vờ thương xót con Én rồi đem về nuôi. Đến mùa thu, khi nhìn lên trời thấy đàn Én đầu tiên xuất hiện, hắn vội vàng ném con Én lên trời và bảo: "Bay đi Én con! Mau đi kiếm hạt bầu tiên về đây cho ta!" Con Én khốn khổ chập chững bay đi. Kỳ diệu thay mùa Xuân năm sau nó cũng trở về và đem theo một hạt bầu. Lão địa chủ tham lam hí hửng lắm. Lão nghĩ bụng "Phen này giàu to rồi !!"
Tên địa chủ hí hửng sai người đem gieo và ngày đêm canh giữ. Hắn bắt người hầu tong nhà ngày đêm chăm sóc quả bầu, không được lơi lỏng. Quả bầu cũng lớn nhanh như thổi, to dần, to dần... Khi quả bầu đã già, hắn bảo mọi người khiêng về. Quả bầu thật khổng lồ, phải mấy người thay phiên nhau mới khiêng nổi về nhà hắn. Khi đã khiêng quả bầu về nhà, tên địa chủ tham lam đuổi tất cả mọi người ra ngoài. Hắn đóng cửa lại rồi một mình hắn bổ quả bầu tiên, hí hửng với số vàng bạc châu báu sắp có.
Quả bầu vừa được bổ ra, vàng bạc châu báu chẳng thấy đâu, chỉ có rắn rết. Rắn rết từ trong quả bầu thi nhau xông ra bò lổm ngổm khiến lão địa chủ hoảng sợ, ngã ngửa người ra và bị rắn rết cắn chết. Thật đáng đời kẻ tham lam độc ác.
-
Viên ngọc thần là câu chuyện cổ tích Việt Nam, kể về một người thợ săn tốt bụng, được con rắn tặng cho viên ngọc thần, nhờ đó thoát khỏi trận lũ lụt ập đến.
Ngày xưa, có một người tính tình thật thà ngay thẳng. Thấy ai bị hà hiếp, dù thiệt cho mình, anh vẫn cố sức bênh vực. Ai thế yếu cô đơn, anh đều sẵn lòng giúp đỡ. Vì vậy, bọn nhà giàu trong vùng rất ghét anh. Chúng tìm cách lấn át, chèn ép, anh phải bỏ nhà vào núi ở, lấy nghề săn bắn làm vui. Tuy tình cảnh khốn đốn, lòng anh vẫn tốt như thường. Dù trong nhà đang thiếu ăn, anh không bao giờ giết những con thú chửa hay đang nuôi con. Thà vác ná về không, chứ anh không bắn bất cứ con gì lúc con cái, con đực đi sống đôi.
Đi săn nhiều năm, anh thuộc núi rừng như thuộc các ngõ ngách trong làng, nhận ra những con hươu con nai thường gặp. Trong những con vật anh thường trông thấy, có đôi vợ chồng rắn nọ. Hai con rắn to như cây chuối, da đen như than, dài đến mấy sải, cùng ở chung trong một hang đá rất sâu. Sáng nào vợ chồng nó cũng đưa nhau đi kiếm ăn. Mỗi khi con rắn cái thay da, con đực tha mồi về tận hang. Mùa đông năm đó, con rắn đực thay da, nằm yên một chỗ. Bỗng con rắn cái thay lòng đổi dạ. Nhân con rắn chồng ốm yếu, con rắn cái theo con rắn đực khác, rồi định đưa con rắn ấy về hang cắn chồng.
Thấy hai con rắn kia xấu xa, anh thợ săn căm ghét, đến ngồi rình trước cửa hang, định giết cả hai. Nhưng khi chúng đến, anh chỉ bắn trúng con cái. Con rắn đực kịp chạy vào rừng. Chờ đến bữa ăn, không thấy vợ tha mồi về, con rắn chồng bò ra cửa hang đón. Trông thấy vợ chết, mắt bị một mũi tên xuyên qua, con rắn đực biết người thợ săn vẫn gặp hàng ngày bắn vợ mình, nên chờ dịp báo thù. Khi đã thay da xong, nó bò đến cửa nhà anh thợ săn nằm chờ. Cũng tối hôm đó, anh thợ săn ngủ không ngon giấc. Mới nửa đêm đã tỉnh, nằm mãi không ngủ được, anh đánh thức vợ dậy, kể chuyện con rắn cái “ăn ở hai lòng” và đã bắn nó, để cứu con rắn đực đang thay da.
Con rắn đực nằm ngoài cửa nghe rõ mọi điều. Bấy giờ nó mới biết nó được anh thợ săn cứu. Nếu anh không bắn chết vợ nó, thì nó đã bị vợ cùng với con rắn đực kia cắn chết rồi! Từ mắc oán sang mang ân, con rắn cúi đầu, lách mình chui qua khe cửa nhà anh thợ săn. Nghe động, anh thợ săn choàng dậy với lấy cái ná. Trông thấy con rắn, anh giương ná lên toan bắn. Nhưng con rắn đã thu mình, nằm co đầu cúi xuống, không thè lưỡi. Nó gật đầu liền mấy cái, nhả ra một viên ngọc thần, rồi lặng lẽ chui ra. Anh thợ săn nhận ra con rắn chồng liền đến nhặt viên ngọc lên xem. Người thợ săn rất đỗi ngạc nhiên. Cầm viên ngọc, anh nghe tiếng của lũ muỗi nói trong đêm tối, tiếng lũ chim đêm kêu gọi nhau, sợ lạc đàn. Rồi anh nghe rõ cả tiếng con rắn chồng nói: “Đền ơn cứu sống, trả nghĩa công bằng”.
Một hôm, anh thợ săn bắn được một con bò rừng rất to. Vợ chồng đang ra tay xẻ thịt phơi khô, thì một đàn quạ bay đến sà xuống cướp. Anh gào rát cổ mà lũ quạ cứ sấn vào. Phát cáu, anh lấy ná lắp tên, bắn một phát. Chẳng may mũi tên trúng con quạ chúa đàn. Đàn quạ cắp cả xác và mũi tên bay đi. Chúng bay về đồng bằng, bay qua khắp các làng mạc thôn xóm, vẫn chưa tìm được cớ gì để báo thù người thợ săn. Khi bay qua sông, thấy một xác người chết đuối trôi tấp vào bờ, lũ quạ đem mũi tên cắm vào xác người chết ấy. Họ hàng người này tìm được, đem cả người chết và mũi tên vào cung vua kiện. Vua truyền khắp nước, ai có ná, có tên phải mang vào hầu. Những người có ná, có tên từ vùng núi cao, đến các làng hẻo lánh đều y lệnh vua. Anh thợ săn cũng vào chầu, mang theo cả viên ngọc thần. Vua truyền mọi người đem tên của mình ra so với tên ghim trên xác chết. Mỗi người đều so mấy lượt. Chỉ có mũi tên của anh thợ săn có viên ngọc là giống. Vua bắt anh cùm lại, chờ ngày xử tội.
Vạ giữa đàng mang và cổ, anh thợ săn nói thế nào, vua cũng không nghe. Bọn nhà giàu làng anh lại được dịp nói thêm nói bớt. Anh thợ săn đành phải chờ đền mạng người chết đuối.
Ở trong lao tù, nhớ vợ, nhớ nhà, nhớ rừng núi, anh thể nào ngủ được. Tới nửa đêm, nhờ có viên ngọc thần mang theo, anh nghe tiếng đàn kiến bò trên tường giục nhau:
– Trời sắp lụt to rồi! Phải vào kho vua tha thóc để dành ăn. Nếu chậm chân thì đói to!
Sáng hôm sau, anh lại nghe chim sẻ, chim cu mách nhau:
– Chỉ có vào kho vua mới được nhiều. Trong kho vua nhiều thóc lắm.
Đàn chuột quá mải chơi, sợ hết phần, nên gắt gỏng om sòm:
– Thóc trong kho nhà vua, chim sẻ, chim cu và kiến tha gần hết rồi! Không vào tranh nhau với chúng nó thì chết đói đấy! Lụt rất lớn và rất lâu ngày!
Chim cu, kiến, chuột nói, anh thợ săn nghe rõ cả. Đến buổi, người lính canh đem cơm vào, anh thợ săn nhắn:
– Nói cho vua hay… trời sắp lụt bão to. Thóc gạo trong kho, chim chuột… đã tha để ăn chạy lụt cả rồi. Bảo vua chạy đi kẻo chết.
Người lính vào tâu vua. Vua cười mỉa:
– Chó mà dạy hổ nhảy cao. Nếu nó có giỏi, nó đã chẳng xin ta cho làm quan thiên văn, địa lý, chứ dại gì đi cướp của giết người. Nó muốn tìm mưu chạy trốn đấy. Hãy đóng chặt thêm chiếc gông lại.
Người thợ săn bị quân lính cùm chặt hơn. Hôm vợ anh vào thăm, anh cho vợ biết trời sắp lụt và bảo vợ về làng cũ nói với hàng xóm, láng giềng. Tin lời vợ chồng anh thợ săn, mọi người lo gặt sớm, để lúa lên chòi cao, làm bè, làm thuyền, nắm cơm, rang gạo để sẵn.
Chỉ có bọn nhà giàu nói gièm việc làm của vợ anh thợ săn, rồi lại vào mách vua. Vua kết tội vợ anh thông đồng với chồng làm loạn, sai quân lính đến bắt trói chân, trói tay giải về, chờ ngày cùng đem chém.
Ngày xử án đã đến. Vợ chồng anh thợ săn bị đưa ra pháp trường. Hai người vừa bị trói đứng vào hai cây cột, thì có gió thổi mạnh, mây lởn vởn trên đầu. Trời sập tối, rồi đổ mưa. Vợ chồng anh thợ săn bị trói đứng cách xa nhau có mấy bước chân mà không trông thấy nhau. Nước đã ngập đến đùi, rồi đến ngực. Lũ quan và quân lính rủ nhau chạy mất cả. Hai cây cột trói vợ chồng anh cũng bị trốc gốc. Anh tự cởi trói cho mình rồi đến cỏi trói cho vợ. Nước đã ngập đến cổ, hai người bì bõm lội giữa vùng nước ngập mênh mông thì có một chiếc bè chối ghé đến. Người trên bè nắm tay hai vợ chồng anh thợ săn kéo lên. Khi tỉnh dậy, vợ anh thợ săn nhận ra người đưa bè chuối đến cứu vợ chồng mình chính là người được chị báo tin trời lụt trước nhất.
Mưa vẫn kéo dài, gió thổi rất mạnh, cả triều đình vua chúa đều chìm nghỉm dưới đáy nước. Chiếc bè chuối của người hàng xóm tốt bụng chở vợ chồng anh thợ săn về làng cũ. Bọn nhà giàu và bọn điêu ngoa thóc mách đều bị chết trôi. Chỉ có những người nghèo, nghe lời vợ anh thợ săn là còn sống trên những chiếc bè, trên các ngọn cây cao.
-
Cá bống thần là truyện cổ tích của dân tộc Vân Kiều, nhắc nhở sống phải có tấm lòng nhân hậu, anh em trong gia đình phải biết yêu thương nhau và là bài học cho những kẻ bụng dạ tham lam.
Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em mồ côi, tính tình trái ngược nhau hoàn toàn. Người em thì chăm chỉ, hiền lành, thật thà, còn người anh thì lại tham lam độc ác. Anh ta vơ vét hết tất cả những gì bố mẹ để lại, chẳng cho người em bất cứ thứ gì. Hàng ngày, người em cứ phải vào rừng dùng que để đào củ mài, củ nâu, xuống khe bắt tôm, bắt tép để ăn. Đêm, anh lại trở về nhà người anh ngủ cùng với trâu với lợn.
Một hôm, người anh rủ người em ra sông tát cá. Người anh bắt người em be bờ, đắp đập, tát nước, còn mình thì bắt hết cá, chẳng để sót lại một con nào. Người em vừa mệt, vừa buồn. Bỗng có một con cá bống nhỏ, bơi dưới chân người em và cất tiếng nói:
– Anh hãy mang tôi về nhà nuôi đi.Người em mừng rỡ vớt con cá bống lên, đem về nhà bỏ vào bát nuôi, nâng niu như trẻ nhỏ. Cá bống lớn rất nhanh. Qua ngày đầu tiên nó đã to chật cả cái bát, người em phải thả nó và chậu. Ngày hôm sau nó đã lớn chật chậu. Người em phải đắp cái vũng to bằng nửa cái sân nhà cho cá vùng vẫy. Hai ngày sau cá lớn chật vũng. Người em đắp luôn một đoạn khe ở chỗ khuất và thả cá xuống. Chỉ vài ngày sau, cá lớn chật khe, to như một con trâu đực. Lúc này nó nói:
- Tôi vốn là cá bồng thần. Nhờ công anh chăm sóc, nay tôi đã lớn rồi, tôi với anh hãy kết nghĩa bạn bè đi. Chúng ta đi xuôi dòng kênh này một chuyến cho vui.
Người em bằng lòng, thịt gà, thổi cơm trắng mang đi. Cứ đến bữa ăn, người em xé thịt và cơm trắng cho cá ăn, còn mình thì chỉ ăn xương gà với cơm cháy. Trời nổi mây to gió lớn, người em vô cùng lo sợ. Cá nói:
– Không sao đâu, trời sẽ không mưa. Anh hãy leo lên cây cao. Nếu thấy mây kéo ùn phía dưới, anh quay mặt về phía đó giả buồn rầu. Nếu mây ùn về phía trên nước, anh cười thật to là được.Người em nghe theo, trèo mãi lên ngọn cây cao. Khi mây ùn ùn phía dưới ngọn nước người em mặt ủ rũ buồn rầu. Lúc sau, thấy mây ùn ùn phía trên, anh cười vang. Tiếng cười dội vào vách núi vang như sấm. Bỗng anh nghe thấy tiếng gầm rú dưới khe. Quay lại anh nhìn thấy cá bống thần đã giết chết con thuồng luồng khổng lồ. Cá gọi:
– Người anh em ơi, hãy xuống mổ bụng con thuồng luồng mà lấy của cải đem về.
Người em làm theo và lấy được rất nhiều vàng bạc của cải. Cá bống và người em trở về. Về đến nhà người em kể lại câu chuyện cho anh nghe và chia đôi số của cải lấy được cho anh. Lòng tham nổi lên, người anh không chịu nhận số của cải mà người em cho hắn đòi đi một chuyến cùng với cá. Người em miễn cưỡng cho anh mượn cá và dặn không được để cho cá chết.
Thế là người anh tham lam ra đi. Anh ta cũng được cá bống cho đi dọc khe chơi. Nhưng anh ta tham lam quá, anh ta ăn hết thịt gà và cho cá ăn xương, ăn lòng. Đến một khúc khe, trời cũng nổi cơn giông. Anh tham lam mừng quá, hỏi cá nên làm gì. Cá dặn anh ta như dặn người em. Nhưng vì mừng quá, nghe vội vàng nên anh ta không nhớ rõ lời cá dặn. Đáng lẽ hắn phải buồn ủ rũ thì hắn lại cười to, khi cần cười to thì hắn lại buồn ủ rũ. Con thuồng luồng vùng lên mà cá chưa kịp chuẩn bị. Thế là nó cắn chết cá bống. Người anh vô cùng tức giận đập vào đầu cá, trở về nhà.
Về đến nhà, người em mừng rỡ chạy ra hỏi anh có lấy được nhiều của cải không, người anh cau mặt quát:
- Chú nói láo. Cá của chú chết ngoài khe kia kìa.Người em nghe tin cá chết vội chạy một mạch ra ngoài khe. Đến nơi thấy xác cá cứng đờ, người em than khóc mãi. Hồn cá bống thần hiện về nói thoảng qua tai anh:
– Người anh em đừng khóc nữa. Hãy chặt đầu tôi mang về chôn giữa sân, tôi sẽ có cách giúp được anh.Người em liền chặt đầu cá đem về chôn ở sân như lời cá dặn. Mấy ngày sau ở chỗ đó mọc lên cây tre rất cao. Người em ra gốc tre nói:
– Tre định giúp ta cái gì thì nói đi.Cây tre nói:
– Khi nào nghe gió trên về, hãy nói: “Áo sống ta đâu?”, sẽ có áo đẹp. Khi nào thấy gió dưới thì kêu: “Bạc nén, nồi đồng của ta đâu?”. Lúc đó sẽ có nhiều bạc nén, nồi đồng.Người em làm theo lời cá dặn nên được rất nhiều vàng bạc, áo quần. Người anh nổi máu tham chạy ra gốc tre. Thấy gió trên thổi hắn nói:
– Áo sống của ta đâu?Tức thì bao nhiêu rẻ rách trên trời rơi xuống. Thấy gió dưới nổi lên hắn thét:
– Bạc nén, nồi đồng của ta đâu?Trên ngọn tre bao nhiêu sọ người, xương bò rơi xuống đầu người anh tham lam, làm anh ta đau điếng. Tức giận, anh ta chặt luôn cây tre và về nhà mắng người em:
– Chú nói láo. Cây tre của chú là ma quỷ, anh chặt rồi.Người em chạy ra chỗ cây tre than khóc. Gốc tre nói với anh:
– Anh hãy đốt tôi đi lấy tro vào rừng. Thấy vết chân con thú nào anh hãy rải tro lên và đi theo, con thú sẽ chết, anh tha hồ có thịt ăn.Người em làm theo và mang về rất nhiều thịt thú rừng. Người anh tham lam nghe tin, giật số tro còn lại của người em đem ra rẫy. Hắn rải tro khắp nơi, thấy dấu chân chuột hắn cũng rải. Thấy dấu chân người hắn cũng rải vì nghi có kẻ trộm vào rẫy. Rải xong hắn hý hửng về nhà toan quét dọn nhà cửa để đi nhặt cọp, heo về.
Về đến nhà, hắn thấy vợ và đàn con lăn ra chết giữa nhà. Hoảng hốt, hắn chạy ra rẫy. Té ra, những dấu chân hắn nghi là trộm lại chính là dấu chân của vợ con hắn. Hắn như điên như dại lấy nốt số tro còn lại rải lung tung, rải lên cả dấu chân của mình. Thế là chưa kịp về đến nhà hắn đã lăn ra chết.
Người em nghe tin anh chết, vẫn lo lắng ma chay cho anh cho trọn tình nghĩa. Từ đó, người em sống yên ổn làm ăn cùng bà con hàng xóm láng giềng.