Top 10 Truyện cổ tích về Hoàng tử hay nhất
Truyện cổ tích là một loại văn học theo hình thức tự sự dân gian được sáng tác mang theo nhiều yếu tố có tính hư cấu. Một số thể loại quen thuộc gồm cổ tích ... xem thêm...thế sự, cổ tích thần kỳ, cổ tích loài vật và cổ tích phiêu lưu. Các chủ đề của truyện cổ tích thường xoay quanh các nhân vật như thần tiên, yêu tinh, người cá, người khổng lồ, ông bụt,… và đặc biệt là hình ảnh của những chàng hoàng tử đã làm say lòng bao thế hệ. Hoàng tử được xây dựng là người đẹp trai tốt bụng, hoàng tử cứu công chúa… đây là truyện cổ tích phù hợp cho bé gái trai, bố mẹ hãy cũng Toplist nuôi nưỡng tâm hồn cho bé yêu của mình bằng những câu chuyện cổ tích về hoàng tử hay dưới đây nhé.
-
Ngày xưa, có một đất nước ngự trên một hòn đảo xinh đẹp, trên đảo có một vị quốc vương yêu dân như con và một bà hoàng hậu từ bi lương thiện.
Một hôm, hoàng hậu bỗng nhiên cảm thấy khó chịu trong người. Sau khi bắt mạch cho hoàng hậu xong, ngự y mừng rỡ nói với quốc vương: “Hoàng hậu đã có tin mừng rồi thưa quốc vương!”.
Quốc vương vô cùng sung sướng. Nhưng có một vị đại thần cũng là một pháp sư lại nói với quốc vương rằng, đứa bé đó là một điềm báo không may mắn. Nghe xong, quốc vương vô cùng tức giận, ngài lập tức đưa vị đại thần kia ra khỏi hòn đảo.
Vài tháng sau, hoàng tử nhỏ ra đời. Còn hoàng hậu đã qua đời vì khó sinh. Quốc vương vô cùng đau khổ. Vì hoàng tử từ nhỏ đã mất mẹ nên được quốc vương hết sức yêu thương và che chở.
Hoàng tử rất thông minh nhưng cũng rất buông thả. Càng lớn lên, tính buông thả lại càng bộc lộ rõ. Khi không vừa lòng chàng ta liền tỏ ra tức giận cực độ, trút giận lên người khác và cũng không tôn kính phụ vương. Vì thế quốc vương rất đau lòng, không biết phải làm thế nào.
Các vị đại thần nhìn thấy tình cảnh đó thì thi nhau than ngắn thở dài. Một vị đại thần có tri thức uyên bác đã bày tỏ nên đưa hoàng tử ra khỏi hoàng cung để chàng nếm trải việc đời, đến khi chàng hiểu được ân đức mà người dành cho mình thì lại đón chàng trở về. Quốc vương không có biện pháp nào tốt hơn, đành miễn cưỡng chấp nhận. Vì thế, hoàng tử được đưa ra khỏi hoàng cung.
Khi vừa đi ra khỏi thành không xa, hoàng tử nhìn thấy một con sư tử hung dữ đang đuổi theo một chú nghé bé nhỏ, yếu đuối. Hoàng tử liền rút thanh kiếm ra chiến đấu với sư tử. Phải dùng hết sức lực của mình chàng mới đâm được vào tim sư tử. Chú sư tử chết nhưng chàng hoàng tử cũng đã bị thương.
Khi đó, chú nghé chạy đến bên cạnh hoàng tử, liếm cái lưỡi mềm ấm áp của nó quanh vết thương của hoàng tử và kêu “nghé ọ, nghé ọ”. Chú dùng ánh mắt để nói hoàng tử hãy cưỡi lên lưng chú.
Hoàng tử cưỡi lên lưng chú được một quãng thấy một dòng suối nhỏ. Chàng nghĩ: “có lẽ nó muốn rửa tay cho ta chăng?”. Vì thế hoàng tử đưa cánh tay xuống dòng nước suối, một điều kỳ lạ đã xảy ra, vết thương của chàng đã liền lại.
Vì thế, chàng lội xuống dòng suối, sau một thời gian, tinh thần của chàng trở nên phấn chấn, chàng vuốt ve chú nghé và thấy niềm vui lan tỏa. Hóa ra giúp người khác tâm trạng lại tuyệt đến thế!
Tạm biệt chú nghé, hoàng tử lại tiếp tục lên đường. Lúc đó, có một tiếng khóc từ xa vọng lại. Chàng đi về phía rừng, nơi phát ra tiếng khóc và phát hiện ra một cậu bé đang ngồi khóc, nước mắt cậu ta chảy giàn giụa.
Hỏi chuyện, chàng biết được cậu bé buồn rầu vì không có tiền chữa bệnh cho mẹ. Hoàng tử nghe cậu bé khóc rất thương tâm, liền lấy ra một thỏi vàng đưa cho cậu bé. Cậu bé rơi lệ cảm kích và luôn miệng cảm ơn. Hoàng tử nhìn thấy dáng vẻ vui mừng của cậu bé thì bất giác suy ngẫm về một điều gì đó.
Một tháng thấm thoát trôi qua, hoàng tử đã đi rất nhiều nơi và cũng đã tiêu hết số vàng mang theo. Một hôm, hoàng tử đói cồn cào, chàng leo lên một ngọn núi để hái quả, bỗng nhiên nhìn thấy một cô gái đang bị một đám người bịt mặt ức hiếp. Chàng chạy đến, lệnh cho đám người bịt mặt thả cô gái ra. Đám người bịt mặt không những không sợ chàng mà còn xông tới tấn công.
Hoàng tử tuy khỏe mạnh và giỏi võ công nhưng đã mấy ngày không ăn gì, cuối cùng ít không địch được nhiều, chàng bị thương nặng. Cô gái nhân lúc mọi người đang đánh nhau đã chạy thoát khỏi đám người bịt mặt.
Đến khi trời tối, đám người bịt mặt khiêng hoàng tử đặt dưới một gốc cây lớn và trở về chỗ ngủ. Hoàng tử vừa lạnh vừa đói, ngẩng mặt nhìn trời cầu mong trời sáng. Hàng loạt cảnh sinh hoạt trong cung điện hiện lên rõ ràng trước mắt chàng. Nghĩ đến những việc mình đã từng làm, chàng rơi những giọt nước mắt ân hận. Đúng lúc đó, cô gái được hoàng tử cứu mạng dẫn theo người dân trong thôn chạy đến, họ đã đánh tan đám người bịt mặt và cứu được hoàng tử.
Khi người dân trong thôn biết được người cứu sống cô gái chính là hoàng tử của vương quốc mình, họ vô cùng cảm động và cùng hộ tống hoàng tử về hoàng cung. Về đến hoàng cung, hoàng tử quỳ xuống trước mặt vua cha và tỏ ra hết sức hổ thẹn. Quốc vương đã rất vui mừng khi nhìn thấy sự thay đổi của hoàng tử, ngài đã hạ lệnh tổ chức một buổi lễ long trọng chào đón hoàng tử trở về và tuyên bố truyền lại ngôi cho chàng.
-
Từ thời xa xưa lắm rồi, khi chuyện ước nguyện còn có hiệu nghiệm, một ông vua có mấy cô con gái, cô nào cũng xinh đẹp cả. Nhưng cô út xinh đẹp lộng lẫy đến nỗi mặt trời tuy đã trông thấy nhiều cảnh đẹp mà vẫn phải ngạc nhiên mỗi khi chiếu vào mặt nàng.
Sát bên cung điện nhà vua là khu rừng lớn rậm rạp âm u. Bên gốc cây thùy dương cổ thụ của khu rừng có một cái giếng. Vào những hôm trời oi bức, công chúa thường vào rừng, ngồi chơi bên bờ giếng nước trong mát. Để cho đỡ buồn tẻ, công chúa thường lấy một quả cầu vàng tung lên để bắt chơi. Đó là đồ chơi mà nàng quý nhất.
Một hôm, quả cầu vàng tung lên lại không rơi vào tay nàng mà rơi trượt xuống đất rồi lăn thẳng xuống giếng nước. Công chúa nhìn theo, nhưng quả cầu đã biến mất. Giếng sâu đến nỗi không ai nhìn thấy đáy. Lúc ấy công chúa liền òa lên khóc. Nàng khóc mỗi lúc một to, khóc mãi không nguôi. Trong khi nàng đang than khóc như vậy, bỗng có người nào đó nói:
- Công chúa ơi, có chuyện chi mà nàng kêu khóc đến nỗi đá nghe cũng phải động lòng thương?
Nàng nhìn quanh xem tiếng nói vang từ đâu tới, chợt thấy một con Ếch nhô chiếc đầu to tướng và xấu xí lên khỏi mặt nước. Nàng bảo:
- Chà, tưởng ai! Hóa ra là cái giống vẫn bì bõm dưới nước lâu nay! Tôi khóc nhớ quả cầu vàng của tôi, nó rơi xuống giếng mất rồi.
Ếch an ủi: - Công chúa cứ yên tâm, đừng khóc nữa. Chắc chắn tôi sẽ có cách giúp công chúa. Nhưng nếu tôi lấy được quả cầu ấy lên cho công chúa thì công chúa sẽ cho tôi điều gì?
Nàng nói: - Chú Ếch thân mến, tùy chú, chú muốn lấy gì của tôi thì lấy: quần áo, châu báu, cả đến mũ miện bằng vàng tôi đang đội đấy cũng được.
Ếch đáp: - Quần áo, châu báu của công chúa, cả chiếc mũ miện bằng vàng công chúa đội tôi cũng chẳng thích. Nhưng nếu công chúa thương yêu tôi, cho tôi làm bạn tri âm, bạn lúc vui chơi, được ngồi cạnh công chúa bên chiếc bàn xinh xinh của nàng, cùng ăn chung với công chúa ở chiếc dĩa xinh xinh bằng vàng của nàng, cùng uống chung với công chúa ở trong chiếc cốc xinh xinh của nàng, được ngủ trong chiếc giường xinh xinh của công chúa. Nếu công chúa hứa với tôi như vậy thì tôi sẽ lặn xuống tìm bằng được quả cầu vàng lên cho công chúa.
Công chúa nói: - Ừ, được, ta hứa với Ếch, ta sẽ làm tất cả những điều Ếch muốn, miễn Ếch lấy lại được cho ta quả cầu vàng.
Hứa như vậy nhưng trong thâm tâm nàng nghĩ là con Ếch ngớ ngẩn kia ăn nói thật vớ vẩn. Hạng ếch ngồi đáy giếng thi nhau với đồng loại kêu ồm ộp suốt ngày thì làm bạn tri âm với người thế nào được.
Ếch thấy nàng bằng lòng bèn ngụp đầu lặn xuống dưới đáy giếng. Chỉ một lát sau nó đã ngoi lên, mõm ngoạm quả cầu ném lên cỏ. Thấy lại đồ chơi đẹp đẽ của mình, công chúa rất mừng. Nàng cúi xuống nhặt lên, rồi chạy ngay đi. Ếch gọi với theo:
- Đợi tôi với, đợi tôi với! Nàng hãy đem tôi đi cùng, tôi làm sao mà chạy nhanh như nàng được?
Ếch cố lấy hết sức để gân cổ lên kêu ồm ộp gọi với theo cũng vô ích! Công chúa vội vã chạy về nhà nên chẳng nghe thấy gì cả. Chỉ một lát sau là nàng quên hẳn con Ếch tội nghiệp kia. Ếch ta đành nhảy xuống giếng của mình.
Hôm sau vua, công chúa cùng quần thần đang ngồi bên bàn ăn, công chúa đang ăn trên chiếc đĩa xinh xinh của mình thì nghe thấy có tiếng nhảy lạch bạch, lạch bạch ở những bậc thang bằng cẩm thạch. Lên tới nơi, Ếch gõ cửa gọi:
- Công chúa, công chúa trẻ đẹp nhất ơi, mở cửa cho tôi vào!
Nàng chạy nhanh ra, định xem ai gọi cửa. Mở cửa ra, nàng thấy Ếch đang ngồi. Nàng vội đóng sầm sửa, trở lại ngồi bên bàn ăn, lòng đầy hồi hộp lo sợ.
Thoáng nhìn, vua biết ngay trống ngực công chúa đang đánh liên hồi. Vua hỏi:
- Con cưng của ta, có điều gì làm con sợ hãi thế? Phải chăng có một người khổng lồ đứng ngay trước cửa định bắt con đi?
Nàng đáp: - Thưa cha không ạ. Đó không phải là người khổng lồ mà là một con Ếch ghê tởm!
- Ếch muốn gì ở con?
- Trời, cha yêu dấu! Hôm qua, khi con ngồi chơi bên bờ giếng thì quả cầu vàng của con rơi xuống giếng nước. Vì con khóc lóc mãi nên Ếch lặn xuống mò quả cầu lên cho con. Nhưng cũng vì Ếch đòi con phải hứa hẹn với nó, con có hứa với nó rằng nó sẽ là bạn tri âm của con, nhưng lúc ấy con nghĩ chắc nó chẳng bao giờ nhảy nổi lên cạn được. Hiện giờ nó đã ở ngoài cửa và muốn vào với con.
Đúng lúc ấy có tiếng gõ cửa lần hai và có tiếng gọi:
Công chúa trẻ nhất ơi,
Mở cửa cho tôi vào!
Nàng chẳng nhớ hay sao,
Bao điều nàng hứa hẹn,
Bên bờ giếng mát trong?
Công chúa trẻ nhất ơi,
Mở cửa cho tôi vào!
Lúc đó, vua nói:
- Con đã hứa thì phải giữ lời hứa chứ. Con cứ ra mở cửa mời Ếch vào.
Công chúa ra mở cửa, Ếch liền nhảy theo nàng sát gót tới bên ghế nàng ngồi. Ếch nói với nàng:- Nàng hãy nhấc tôi lên chỗ nàng ngồi!
Công chúa choáng váng, lưỡng lự mãi, sau vua phải ra lệnh cho nàng làm. Nhưng vừa mới lên ghế, Ếch lại đòi lên bàn.Ngồi trên bàn rồi, Ếch nói:
- Nào, nàng đẩy chiếc đĩa vàng xinh xinh của nàng lại gần tôi để chúng ta cùng ăn.
Công chúa đành phải làm theo, nhưng ai cũng thấy rõ ràng là miễn cưỡng. Ếch ăn ngon lành, nhưng công chúa ăn miếng nào vào cũng như muốn tắc lại ở cổ.
- Tôi ăn no nê rồi, giờ thấy người đâm ra mệt mỏi. Khênh tôi vào buồng nhỏ xinh của nàng, rũ giường trải lụa cho ngay ngắn để chúng ta cùng lên giường ngủ.
Công chúa òa lên khóc, sợ con Ếch da lạnh nhớp nháp mà nàng không dám sờ đến. Thế mà nó lại sẽ ngủ trên chiếc giường xinh đẹp, sạch sẽ của nàng. Công chúa làm vua nổi nóng. Người nói:
- Ai đã giúp con trong cơn hoạn nạn thì sau đó con không được phép khinh thường họ.
Lúc đó, công chúa lấy hai ngón tay nhấc Ếch lên, đặt vào một xó nhà. Khi nàng lên giường nằm, Ếch nhảy tới bảo:
- Tôi mỏi mệt. Tôi muốn được ngủ trên giường êm như nàng. Nàng hãy đưa tôi lên, nếu không tôi mách vua cha.
Công chúa tức lắm, nhấc Ếch lên rồi lấy hết sức ném Ếch vào giường, lòng nghĩ thầm:
- Giờ thì mày yên thân nhé, đồ Ếch ghê tởm!
Nhưng khi nó rơi xuống thì không phải Ếch nữa mà hóa thành một vị hoàng tử có đôi mắt xinh đẹp và dễ thương. Theo ý muốn của vua cha, chàng thành người bạn tri âm và người chồng yêu dấu của nàng. Lúc đó, chàng kể lại cho nàng nghe, chàng bị một mụ phù thủy độc ác phù phép, không có ai ngoài nàng có thể giải thoát được chàng khỏi giếng.
Hai người định hôm sau sẽ về nước của hoàng tử. Họ ngủ một mạch cho đến sáng, khi mặt trời đánh thức họ dậy thì có một cỗ xe đến, xe thắng tám ngựa trắng, buộc xích vàng, đứng sau là người thị vệ của ông vua trẻ - bác Heinrich trung thành.
Trước kia, khi thấy chủ mình bị biến thành Ếch, bác Heinrich trung thành rất buồn, buồn đến nỗi bác đã đánh ba vòng đai sắt quanh tim để tim khỏi bị đau buồn mà vỡ ra. Cỗ xe rước ông vua trẻ về nước. Bác Heinrich trung thành đỡ chàng và nàng công chúa lên xe, rồi đứng ở phía sau xe. Bác vui mừng khôn xiết vì thấy phép yêu đã được xóa bỏ.
Khi họ đã đi được một đoạn đường dài thì hoàng tử nghe thấy ở đằng sau có tiếng kêu răng rắc như có gì gãy. Chàng liền quay lại hỏi:
- Bác Heinrich hình như xe gãy?
- Thưa chàng, không phải xe đâu.
Đó là tiếng rạn của vòng đai tim.
Khi chàng hóa Ếch giếng chìm,
Tim tôi đau đớn, buồn phiền xót xa.
Dọc đường lại có tiếng kêu răng rắc hai lần nữa. Hoàng tử cứ ngỡ là xe gãy, nhưng thực ra đó chỉ là tiếng nứt tung của những vòng đai sắt quanh tim bác Heinrich trung thành, nó nứt tung ra vì hoàng tử đã được giải thoát và hạnh phúc. -
Ngày xưa có một đôi vợ chồng nghèo sống ở một ngôi nhà nhỏ nhắn ven rừng. Một hôm người vợ thấy cạnh nhà có một giống hoa màu tím lạ, nên nài nỉ bắt ông chồng hái cho được bông hoa đấy.
Thương vợ người chồng leo qua tường hái bông hoa ấy. Nhưng người chồng không ngờ rằng đây là khu vườn của mụ phù thủy. Bà ta bắt gặp người chồng hái trộm nên ra điều kiện:
– Nếu ngươi chịu giao đứa con đầu lòng của ngươi cho ta, ta sẽ tha cho ngươi.
Quá sợ lời nguyền của mụ phù thủy nên người vợ đành chấp nhận lời đề nghị của mụ. Năm ấy người vợ hạ sinh một đứa con gái và vợ chồng họ đành giao đứa con gái đầu lòng của mình cho mụ ta.
Thời gian trôi qua cô bé càng lớn càng xinh đẹp nhất là bộ tóc dài vàng óng mượt. Sợ nàng trốn thoát mụ phù thủy đã đem nàng nhốt trên một ngọn tháp cổ rất cao. Mỗi khi về tới nhà mụ phù thủy lại gọi:
– Tóc dài! Tóc dài!
Thế là cô gái thả mái tóc xuống để mụ phù thủy leo lên. Ở trên tháp cổ một mình ngày nào cô gái tóc dài cũng cất cao tiếng hát để xua đi nỗi cô quạnh.
Một hôm có vị hoàng tử cưỡi ngựa đi ngang qua chợt nghe thấy tiếng hát của nàng. Chàng tò mò đến gần và thấy sự kiện lạ lùng khi thấy mụ phù thủy leo lên và leo xuống cái tháp bằng mái tóc dài của nàng.
Chờ mụ ta đi khuất chàng đến bên tháp bắt chước làm theo mụ phù thủy. Khi gặp được cô gái tóc dài, Hoàng tử cùng cô gái đàn ca vui vẻ họ trở nên thân thiết nhau hơn. Và chàng hẹn với cô gái hôm sau sẽ quay trở lại nữa.Tối đến khi mụ phù thủy trở về nhà, cô gái đã thật thà kể lại hết câu chuyện cho mụ phù thủy nghe. Bà ta tức giận cắt mái tóc dài của cô gái cột vào cửa sổ. Rồi bà ta dắt cô gái bỏ vào rừng sâu.
Sáng hôm sau hoàng tử lại đến và leo lên tháp. Chàng gặp mụ phù thủy đứng bên cửa sổ và biết là mình đã bị lừa. Mụ phù thủy cười khoái trá và cắt mái tóc để hoàng tử rơi từ trên cao xuống. Nhưng rất may chàng lại rơi trên đống tóc dài mà mụ đã cắt đi. Còn mụ phù thủy lúc này mới nhận ra rằng mình không còn cách nào để leo xuống và bị nhốt trên tháp cao suốt cuộc đời.
Đến lúc này thì Hoàng tử chạy đi tìm cô gái ở khắp nơi, bất chợt nàng nghe văng vẳng tiếng hát của nàng ở mãi tận rừng sâu. Chàng vui mừng thúc ngựa chạy mau vào rừng và gặp lại cô gái.
Chàng vui mừng dẫn nàng về ra mắt vua cha và xin với vua cha được cưới cô gái tóc dài làm vợ. Từ đó họ sống bên nhau thật hạnh phúc. Và nàng cũng đã tìm lại được cha mẹ nghèo khó của mình nơi xa xôi sau bao năm xa cách.
-
Ngày xửa ngày xưa có một người đàn ông rất giàu có, nhưng vợ của ông ta lại đang bị ốm nặng. Khi mà bà cảm thấy mình chuẩn bị gần đất xa trời rồi thì bà liền gọi cô con gái độc nhất vô nhị của mình tới bên cạnh giường mình đang nằm, rồi bà dặn dò với con gái rằng:
– Con gái yêu dấu của mẹ, khi mẹ đi rồi thì con hãy cố gắng chăm chỉ và nết na nhé, còn mẹ thì vẫn sẽ mãi mãi ở bên cạnh và phù hộ cho con.
Bà mẹ vừa nói xong lời trăn trối thì liền nhắm mắt qua đời. Sau khi mẹ mất thì ngày nào cô bé cũng tới bên cạnh mộ của mẹ mình mà khóc thương. Cô bé vâng lời mẹ nên ngày ngày rất chăm chỉ và nết na khiến cho tất cả mọi người xung quanh đều cảm thấy yêu mến cô bé.
Rồi khi mùa đông đã tới, tuyết đã phủ đầy một lớp dày ngay trên mộ của người mẹ, nhìn nó giống hệt như là một tấm khăn màu trắng xinh đẹp vậy. Rồi khi những ánh nắng mặt trời của mùa xuân tới và cuốn mất đi chiếc khăn trắng tinh ấy đi thì người cha quyết định sẽ cưới vợ hai.
Không chỉ đem vợ hai về nhà, mà người dì ghẻ này còn đem theo cả hai cô con gái riêng của mình nữa. Cả hai đứa con gái riêng này mặt mày tuy rằng cũng sáng sủa và kháu khỉnh, nhưng trong bụng lại vô cùng xấu xa và đen tối.
Cũng từ ngày đó trở đi thì cô bé kia phải sống một cuộc đời khốn khổ. Mụ dì ghẻ hùa cùng với hai đứa con gái riêng của mình bảo nhau rằng:
– Chúng ta không thể nào cứ để cho cái con ngan ngu ngốc ấy ngồi lỳ ở trong nhà được! Nếu nó muốn có bánh mà ăn thì phải tự đi mà kiếm. Ra đây ngay lập tức, con làm bếp!
Khi cô bé ra ngoài, chúng đem lột sạch tất cả những quần áo đẹp đẽ đang mặc trên người cô ra, ném cho cô chiếc áo choàng màu xám vô cùng cũ kĩ và xấu xí, sau đó lại ném tiếp cho cô đôi guốc mộc nữa. Rồi thì chúng vui vẻ cười nói:– Hãy nhìn xem cô công chúa đài các của chúng ta ngày nào đã thay đổi hình dạng của mình như thế nào kìa!
Và ba mẹ con họ cứ thế reo lên mà nhạo báng đủ điều, sau đó mới đẩy cô xuống nhà bếp. Họ bắt cô từ sáng tới tận tối làm lụng vất vả, từ tờ mờ sáng thì cô đã phải dậy, rồi đi gánh nước, về lại nhóm bếp, sau đó thì thổi cơm và giặt giũ. Nhưng như vậy vẫn còn chưa đủ, hai đứa con gái của dì ghẻ nghĩ ra rất nhiều cách để mà hành hạ cô, khi đã hành hạ chán chê thì chúng lại hả hê chế giễu, chúng còn đem đậu Hà Lan trộn lẫn cùng đậu biển đổ xuống tro rồi bắt cô nhặt riêng từng loại.
Khi tối đến, sau cả một ngày phải làm lụng vất vả, cơ thể cô đã mệt lử cả đi, nhưng ba mẹ con dì ghẻ cũng chẳng cho cô được ngủ trên một chiếc giường tử tế, chúng bắt cô ngủ ở trên đống tro tàn ngay cạnh bếp. Bởi vì lúc nào cũng ở gần tro bụi trong bếp nên nhìn cô càng ngày càng lem luốc, nên hai đứa con gái của dì ghẻ liền đặt tên cho cô là “Lọ Lem”.
Có một lần người cha chuẩn bị đi chợ phiên, ông ta hỏi hai đứa con của dì ghẻ xem chúng muốn mua món quà như thế nào. Đứa con gái thứ nhất thì nói:
– Con muốn có quần áo đẹp.
Còn đứa thứ hai lại nói rằng:
– Con muốn có ngọc với đá quý nữa.
Người cha lại quay ra hỏi:
– Còn Lọ Lem, con thì muốn thứ gì?
– Thưa cha, lúc trên đường trở về nhà, có cành cây nào vướng vào mũ của cha thì xin cha bẻ cành cây đó về cho con.
Đi chợ phiên trở về, người cha không quên mua quần áo đẹp cùng ngọc trai, đá quý về cho hai đứa con gái của dì ghẻ. Lúc đi trên đường, ông cưỡi ngựa ngang qua bụi cây, một cành dẻ vô tình vướng vào người khiến chiếc mũ ông đang đội rơi xuống đường. Nhớ đến Lọ Lem, ông liền bẻ luôn cành dẻ ấy mang về nhà.
Khi về đến nhà, người cha đem quà đã mua chia cho hai đứa con gái của dì ghẻ đồ chúng đã xin, ông cũng đưa cành dẻ kia cho Lọ Lem. Lọ Lem liền cám ơn cha mình, sau đó mang theo cành dẻ kia đến bên mộ của mẹ mình rồi trồng ngay bên cạnh mộ, sau đó cô ngồi đó khóc lóc thảm thiết, hai hàng nước mắt cứ chảy xuống không ngừng, tưới ướt cả cành cây dẻ mới trồng. Đột nhiên cành dẻ nảy dễ đâm chồi, sau đó một thời gian ngắn thì từ cành cây nhỏ đã trở thành cây dẻ cao lớn, tán lá xòe to.
Hằng ngày Lọ Lem đều chăm chỉ ra mộ của mẹ viếng ba lần, xong cô lại ngồi đó mà khóc lóc khấn mẹ, mỗi lần cô như vậy thì đều có một chú chim màu trắng bay tới rồi đậu ở trên cành cây dẻ. Hễ thấy Lọ Lem nói ra điều mong ước muốn thứ gì thì chim lập tức đem thả thứ ấy cho cô.
Ngày kia, nhà vua cho mở hội tận ba ngày, ngài cho mời hết tất cả những hoa khôi ở trong nước tới tham dự để cho hoàng tử con trai mình kén vợ.
Khi hai đứa con gái của dì ghẻ nghe tin mình cũng có thiệp mời tới tham dự thì vô cùng vui mừng, chúng liền cho gọi Lọ Lem tới và bảo cô:
– Mày mau mau chải đầu rồi đi đánh lại giày cho bọn tao, nhớ buộc dây giày cho thật chặt, bọn tao còn phải đi tới dự hội trong cung vua đấy.
Lọ Lem ngoan ngoãn làm theo những gì chúng sai khiến, sau đó lại ngồi ôm mặt khóc một mình, bởi vì cô cũng muốn được đi nhảy tại hội ấy. Cô liền xin mụ dì ghẻ cho mình được đi cùng. Nhưng dì ghẻ lại nói:
– Cái đồ Lọ Lem mày, người thì toàn bụi bẩn mà lại dám đòi được đi dự hội à! Quần áo, giày không có mà còn đòi được đi nhảy cơ!
Lọ Lem vẫn khẩn khoản cầu xin dì ghẻ cho phép mình đi. Cuối cùng dì ghẻ mới nói là:
– Tao vừa mới đổ một đấu đậu biển vào trong đám tro, nếu như mày có thể nhặt hết số đậu ấy trong vòng hai giờ đồng hồ thì tao sẽ cho mày được đi hội.
Lọ Lem vâng lời, cô lập tức chạy hướng cửa sau và ra vườn, cô gọi to:
– Hỡi những chú chim câu hiền lành, những chim gáy cùng tất cả những chú chim khác trên trời, các bạn hãy bay về đây nhặt đậu giúp em với:
Đậu ngon chim bỏ vào niêu,
Còn là đậu xấu chim bỏ vào diều chim nhé.
Cô vừa dứt tiếng gọi thì có hai con chim bồ câu màu trắng lập tức bay qua ô cửa sổ bếp và sà xuống đám tro nhặt đậu, tiếp theo còn có chim gáy, sau đó thì tất cả những loài chim đang bay trên trời đều đua nhau sà xuống nơi tro bếp.
Đôi chim bồ câu kêu gù gù hai tiếng rồi cúi đầu mổ lia lịa, liên tục phát ra những tiếng “píc, píc, píc”, chúng đem nhặt những hạt đậu tốt rồi bỏ vào trong nồi. Chưa hết một giờ đồng hồ thì đám chim đã cùng nhau nhặt xong chỗ đậu tốt ở trong đống tro bếp. Khi mọi việc xong xuôi thì đàn chim lại cùng nhau cất cánh mà bay đi. Lọ Lem mang chỗ đậu đã nhặt xong tới cho dì ghẻ xem, trong bụng mừng thầm, cô tin chắc rằng dì ghẻ sẽ cho mình đi theo tới chỗ dạ hội của nhà vua tổ chức. Nhưng không, mụ dì ghẻ nói với cô:
– Mày không thể đi đâu. Lọ Lem! Xem mày có được bộ quần áo tử tế nào không mà đòi đi nhảy, mọi người ở đó sẽ nhạo báng mày.
Khi trông thấy cô khóc nức nở thì dì ghẻ lại nói tiếp:
– Nếu như mày có thể nhặt hết hai đấu đậu biển lẫn trong đống tro ấy trong vòng một giờ đồng hồ thì tao sẽ cho mày được đi hội cùng.
Lúc đó dì ghẻ nghĩ rằng: “Nó chắc chắn không bao giờ có thể nhặt xong được”. Sau khi mụ dì ghẻ đã đổ hết đậu vào trong đống tro cạnh bếp, Lọ Lem lại đi từ cửa sau ra ngoài vườn và gọi lớn:
– Hỡi những chú chim câu hiền lành, những chim gáy cùng tất cả những chú chim khác trên trời, các bạn hãy bay về đây nhặt đậu giúp em với:
Đậu ngon chim bỏ vào niêu,
Còn là đậu xấu chim bỏ vào diều chim nhé.
Ngay lập tức lại có hai con chim bồ câu màu trắng lập tức bay qua ô cửa sổ bếp và sà xuống đám tro nhặt đậu, tiếp theo còn có chim gáy, sau đó thì tất cả những loài chim đang bay trên trời đều đua nhau sà xuống nơi tro bếp. Đôi chim bồ câu kêu gù gù hai tiếng rồi cúi đầu mà mổ lia lịa, liên tục phát ra những tiếng “píc, píc, píc”, chúng nhặt những hạt đậu tốt rồi bỏ vào trong nồi. Chưa hết nửa giờ thì đám chim đã cùng nhau nhặt xong chỗ đậu tốt ở trong đống tro bếp. Khi mọi việc đã xong thì đàn chim lại cùng nhau cất cánh mà bay đi. Lọ Lem đem chỗ đậu đã nhặt xong tới cho dì ghẻ xem, trong bụng mừng thầm, cô tin rằng lần này thể nào mình cũng sẽ được dì ghẻ cho phép tới chỗ dạ hội. Nhưng không, mụ dì ghẻ lại nói với cô:
– Dù mày làm gì cũng tốn công vô ích thôi Lọ Lem ạ! Mày không thể nào mà đi theo cùng được, bởi vì mày có đây quần áo đẹp mà lại đòi đi nhảy chứ. Chả nhẽ mày lại bắt chúng tao phải bẽ mặt với thiên hạ bởi vì đứa như mày sao?
Nói đoạn mụ dì ghẻ lập tức quay lưng và cùng với hai đứa con gái của mụ vội vã lên xe tới cung vua dự dạ hội. Khi trong nhà chẳng còn một bóng người thì Lọ Lem liền tìm ra mộ của mẹ, cô đứng ngay dưới gốc của cây dẻ mà gọi nhỏ:
– Cây ơi, hãy rung đi nào,
Hãy thả xuống cho em những áo vàng, áo bạc.
Khi cô vừa dứt lời thì chim liền thả xuống một bộ váy áo thêu những chỉ vàng chỉ bạc lấp lánh cho cô, còn thêm cả một đôi hài lụa cũng thêu chỉ bạc nữa. Lọ Lem vội vàng đem theo đống trang phục rực rỡ ấy vào nhà thay ra rồi đến chỗ dạ hội. Bởi vì Lọ Lem quá xinh đẹp nên cả mụ dì ghẻ lẫn hai đứa con gái của mụ đều không thể nào nhận ra được, bọn chúng cứ ngỡ rằng cô là công chúa của đất nước xa lạ nào đó được mời tới để dự dạ hội. Cả ba mẹ con mụ ta nào đâu ngờ được người đó chính là cô bé Lọ Lem, vẫn cứ đinh ninh cho rằng giờ phút này cô đang ở nhà lúi húi nhặt đống đậu ra khỏi tro bếp.
Hoàng tử bị thu hút bởi sắc đẹp lộng lẫy nên lập tức tiến lại gần cô, lịch sự đưa tay mời cô cùng nhảy một điệu. Hai người cùng nhau nhảy, và hoàng tử lại không muốn bắt cặp nhảy chung với một ai nữa, vì thế qua hết bài nhạc này tới bài nhạc khác vẫn không chịu rời tay khỏi tay cô. Khi có người khác tới để mời cô cùng nhảy thì hoàng tử lại nói rằng:
– Đây là bạn nhảy của tôi!
Cho đến khi tối đến, Lọ Lem muốn được về nhà, chàng hoàng tử lại nói:
– Hãy để tôi cùng đi, tôi muốn được đưa cô về tận nhà.
Hoàng tử muốn biết nàng thiếu nữ rất xinh đẹp này là tiểu thư của nhà nào. Khi đã gần tới nhà thì cô liền gỡ bàn tay của hoàng tử ra rồi nhảy lên phía chuồng của chim bồ câu. Còn chàng hoàng tử thì vẫn ngây ngốc đứng chờ ở đó rất lâu, đến tận khi người cha trở về nhìn thấy thì chàng liền kể lại cho ông nghe chuyện có một cô gái lạ mặt nhảy lên chuồng chim bồ câu. Vì vậy ông ta nghĩ thầm:
– Chẳng lẽ đó lại là Lọ Lem?
Nghĩ vậy nên ông ta liền đem rìu cùng câu liêm tới chẻ đôi chiếc chuồng chim bồ câu kia ra. Tuy nhiên thì ông chẳng thấy người nào ở đó. Rồi khi họ trở về đến nhà thì vẫn thấy Lọ Lem đang mặc trên người bộ quần áo nhem nhuốc và còn đang nằm ở trên đống tro bếp bẩn thỉu, ngay cạnh ống khói của lò sưởi vẫn có một ngọn đèn dầu đang cháy tù mù.
Nhưng thực sự là lúc đó Lọ Lem đã rất nhanh mà nhảy khỏi chuồng chim bồ câu, rồi chạy về phía cây dẻ bên mộ của người mẹ, thay bộ quần áo đẹp ra để lại đó. Và con chim kia lại sà xuống tha đống đồ đó đi mất. Sau đó thì Lọ Lem lại mặc lên người chiếc áo choàng màu xám cũ kĩ, trở lại đống tro cạnh bếp và nằm an ổn ở đó.
Ngày hôm sau dạ hội lại tiếp tục diễn ra như cũ. Đợi đến khi cả cha, dì ghẻ cùng hai người con gái của dì ghẻ đều đã đi hết. Lọ Lem mới đến chỗ gốc cây dẻ và gọi:
– Cây ơi, hãy rung đi nào,
Hãy thả xuống cho em những áo vàng, áo bạc.
Và chim lại thả cho cô một bộ trang phục còn lộng lẫy hơn cả hôm trước nhiều. Lọ Lem sau khi thay xong quần áo thì lại lên đường đến dạ hội. Cô xuất hiện dưới ánh đèn sáng của dạ hội khiến cho mọi người đều phải sửng sốt, cô đẹp đến rực rỡ làm cho ánh mắt của mọi người nhìn cô đều say đắm không nỡ rời.
Hoàng tử hôm nay đã đợi cô rất lâu, khi thấy cô đến lập tức tiến lại và nắm lấy tay cô. Hôm đó hoàng tử cũng chỉ nhảy cùng với duy nhất một người là cô mà thôi. Và những người khác ở trong dạ vũ đến mời cô cùng nhảy thì chàng hoàng tử lại nói:
– Đây là bạn nhảy của tôi!
Khi tối đến, lúc cô xin được trở về nhà thì hoàng tử lại theo sau, chàng muốn biết được nhà của cô ở nơi nào. Nhưng vừa mới đến nơi thì cô đã vội vã chạy về phía sau vườn. Nơi đó có cây lê đang kì trĩu quả nhìn thật ngon mắt. Lọ Lem nhanh như sóc liền trèo lên cây và lẩn trốn giữa những tán lá dày.
Lần này hoàng tử cũng chẳng biết được cô trốn ở nơi nào, chàng đành phải đợi người cha trở về rồi lại nói:
– Cô gái lạ mặt ấy lại chạy trốn rồi. Ta nghĩ cô ấy đã nhảy lên trên cây lê này rồi.
Người cha nghe vậy thì lại thầm nghĩ:
– Chẳng lẽ đó lại là Lọ Lem?
Người cha sai người đem rìu tới và đẵn cây lê kia xuống, nhưng mà chẳng trông thấy người nào ở trên cây cả. Khi tất cả mọi người cùng tới bếp, Lọ Lem đã ở đó, nằm trên đống tro bếp như mọi ngày khác.
Nhưng thực ra thì Lọ Lem đã nhảy xuống từ phía bên kia của cây lê, rồi đem bộ quần áo xinh đẹp tới trả cho chim vẫn đậu trên cây dẻ, sau đó mặc vào chiếc áo choàng xám bẩn thỉu của mình.
Ngày dạ hội thứ ba lại đến, cha, dì ghẻ cùng với hai cô con gái của dì ghẻ lại ăn diện rời khỏi nhà. Và Lọ Lem lại đến chỗ mộ của mẹ mình và bảo với cây dẻ:
– Cây ơi, hãy rung đi nào,
Hãy thả xuống cho em những áo vàng, áo bạc.
Lần này chim thả xuống cho cô một bộ váy áo vô cùng xinh đẹp, lộng lẫy chưa từng có và còn cả đôi hài làm bằng vàng. Lọ Lem thay quần áo đẹp, đi hài vàng tới dự dạ hội. Sự xuất hiện của cô khiến cho mọi người đều há hốc mồm ngạc nhiên, tất cả đều trợn tròn mắt mà ngắm nhìn cô.
Đêm này cũng không có gì khác, hoàng tử vẫn luôn nắm tay cùng cô nhảy hết bài này tới bài khác. Nếu như có ai khác tới và mời cô nhảy cùng thì chàng lại bảo:
– Đây là bạn nhảy của tôi!
Khi trời đã tối, Lọ Lem lại xin phép được trở về. Lần này hoàng tử cũng định sẽ đưa cô về, nhưng Lọ Lem lại nhanh hơn mà lẩn trốn khiến hoàng tử không theo kịp. Tuy nhiên thì lần này chàng hoàng tử đã nghĩ được một kế rất hay, chàng cho người đổ đầy nhựa thông trên chiếc thang, vì vậy nên lúc cô nhảy lên trên thang thì chiếc hài vàng bên chân trái vì bị nhựa thông dính chặt lại.
Lúc hoàng tử chạy tới nơi thì chỉ thấy chiếc hài bằng vàng nhỏ nhắn và xinh đẹp dính lại nơi đó, còn Lọ Lem thì đã biến mất. Ngày hôm sau chàng hoàng tử liền đem theo chiếc hài vàng đến nhà tìm người cha, chàng nói:
– Ta sẽ chỉ lấy người có thể đi vừa chiếc hài này làm vợ.
Hai đứa con gái của dì ghẻ nghe được chàng hoàng tử nói như vậy thì vui mừng vô cùng, bởi vì cả hai người đều có được những đôi chân rất đẹp. Người thử đầu tiên là cô chị cả, cô ta đem theo chiếc hài vàng vào trong buồng để thử cho mẹ mình nhìn trước. Tuy chân cô đẹp thật nhưng lại không cách nào nhét được ngón chân cái của mình vào trong chiếc giày. Dì ghẻ trông thấy vậy lập tức đưa cho con gái mình con dao rồi bảo:
– Con cứ cắt phăng cái ngón chân đó đi. Khi đã được làm hoàng hậu thì có bao giờ phải đi bộ đâu.
Cô con gái nghe mẹ nói vậy thì lập tức cầm dao chặt ngay ngón chân cái của mình đi, rồi sau đó cắn răng chịu đau mà nhét chân vào trong hài. Cô ta ra ngoài đến trước mặt hoàng tử. Khi thấy hài vừa chân, chàng hoàng tử liền nhận cô ta làm cô dâu của mình, chàng bế cô ta lên trên ngựa để cùng cưỡi trở về cung.
Trên con đường trở về hoàng cung, ngựa phải đi qua một ngôi mộ, ở đó có đôi chim bồ câu đang đậu ở trên cành cây dẻ, chim hót:
– Rúc-di-cúc, rúc-di-cúc.
Máu thấm trên hài,
Do chân dài quá,
Chính cô dâu thật,
Vẫn ở trong nhà.
Nghe tiếng chim hót, hoàng tử liền liếc nhìn dưới chân cô gái, chàng thấy máu vẫn đang chảy ra không ngừng, chàng lập tức dừng ngựa lại, rồi đưa cô dâu giả trả về nhà, và nói:
– Đây đâu phải là cô dâu thật của ta.
Chàng hoàng tử lấy lại chiếc hài vàng đưa cho cô em. Cô ta mang hài vào trong buồng để thử, may mắn là các ngón chân của cô ta đều lọt được vào trong hài, nhưng gót chân của cô ta lại quá to.
Lần này mụ dì ghẻ cũng đưa cho con mình một con dao và nói:
– Con cứ cắt phăng miếng gót chân ấy đi. Khi đã được làm hoàng hậu thì có bao giờ phải đi bằng chân đất đâu.
Nghe lời mẹ nên cô ta cắt một miếng lớn ở gót chân rồi lại cắn răng chịu đau đớn nhét chân mình vào trong chiếc hài nhỏ. Cô ra trình diện trước mặt hoàng tử. Thấy hài vừa chân nên chàng hoàng tử lập tức nhận cô ta làm cô dâu của mình, rồi lại bế cô ta đặt lên ngựa để cùng mình về cung.
Trên con đường trở về hoàng cung, ngựa phải đi qua một ngôi mộ, ở đó có đôi chim bồ câu đang đậu ở trên cành cây dẻ, chim hót:
– Rúc-di-cúc, rúc-di-cúc.
Máu thấm trên hài,
Do chân dài quá,
Chính cô dâu thật,
Vẫn ở trong nhà.
Nghe tiếng chim hót, hoàng tử liền liếc nhìn dưới chân cô gái, chàng thấy máu vẫn đang chảy ra không ngừng, chàng lập tức dừng ngựa lại, rồi đưa cô dâu giả trả về nhà, và nói:
– Đây cũng đâu phải là cô dâu thật của ta. Gia đình này còn có người con gái khác không?
Lần này người cha trả lời:
– Tâu hoàng tử là không còn ạ. Vợ cả của tôi trước khi qua đời để lại cho tôi một đứa con gái, nhưng đứa này cả người đều xanh xao và nhem nhuốc. Thứ như nó thì sao mà làm cô dâu cho được.
Tuy nhiên hoàng tử lại bảo ông ta cứ cho gọi cô gái đó ra đây. Mụ dì ghẻ thấy vậy thì liền chen ngang:
– Tâu hoàng tử, không nên làm thế đâu ạ. Cả người nó đều hết sức dơ bẩn, sao có thể gọi nó ra đây mà nhìn hoàng tử được.
Dù cho bọn họ có nói như thế nào đi nữa thì chàng hoàng tử vẫn cứ khăng khăng gọi cho được Lọ Lem ra gặp mặt. Lọ Lem liền rửa sạch mặt mũi, chân tay của mình sau đó mới ra cúi chào hoàng tử. Chàng liền đưa chiếc hài vàng nhỏ xinh cho cô. Lọ Lem ngồi xuống ghế, đem bàn chân nhỏ rút ra khỏi đôi guốc mộc nặng nề và xỏ vào trong hài vàng thì vừa như in. Lúc cô đứng dậy, chàng hoàng tử đã trông thấy khuôn mặt của cô thì lập tức nhận ra cô chính là cô gái xinh đẹp đã làm bạn nhảy của mình mấy ngày dạ vũ vừa rồi, chàng reo lên:
– Đây mới đúng là cô dâu thật của ta!
Mụ dì ghẻ cùng với hai đứa con gái của mụ lúc này cả khuôn mặt đều tái mét đi vì sợ hãi và tức giận. Chàng hoàng tử lập tức bế bổng nàng Lọ Lem đưa lên ngựa và trở về cung.
Trên con đường trở về hoàng cung, ngựa phải đi qua chỗ gốc cây dẻ, đôi chim bồ câu đang đậu ở trên cành cây liền hót:
– Rúc-di-cúc, rúc-di-cúc.
Hài không có máu,
Chân vừa như in,
Đúng cô dâu thật,
Hoàng tử dẫn về.
Sau khi hót xong thì đôi chim ấy liền bay tới và đậu trên vai Lọ Lem, mỗi con đậu một bên vai của cô.
Đám cưới của hoàng tử nhanh chóng được tổ chức, Lọ lem giờ đây đã trở thành công chúa. Hai đứa con gái của mụ dì ghẻ vì muốn phỉnh nịnh mong được hưởng theo phú quý nên cũng kéo đến. Khi đoàn rước dâu đi đến thì cô chị cả lập tức chạy tới bên phải, còn cô em thì lại chạy sang bên trái. Đôi chim bồ câu liền mổ cho mỗi cô mất một con mắt. Rồi khi hai chị em trở về, cô chị lại đi bên trái, còn cô em lại đi bên phải. Đôi chim bồ câu kia lại mổ cho mỗi cô mất thêm một con mắt nữa. Vậy là cả hai phải chịu cảnh mù lòa cả đời, họ bị trừng trị vì tội ác cũng như những giả dối suốt thời gian qua.
-
Ngày xưa, có một ông vua và một bà hoàng hậu ngày nào cũng mong: "Ước gì mình có một đứa con nhỉ?." Nhưng ước hoài mà vua và hoàng hậu vẫn chưa có con.
Một hôm hoàng hậu đang tắm thì có một con ếch ở dưới nước nhảy lên bờ nói với bà:
- Điều bà mong ước bấy lâu sẽ thành sự thực. Hết năm nay bà sẽ sinh con gái.
Lời ếch tiên tri quả là đúng. Hoàng hậu sinh con gái đẹp tuyệt trần. Vua thích lắm, mở hội lớn ăn mừng. Vua mời tất cả bà con họ hàng, bạn bè thân thuộc, người quen và mời cả các bà mụ đến để họ tận tâm săn sóc, thương yêu con mình.
Trong nước bấy giờ có mười ba bà mụ. Nhưng vua chỉ có mười hai đĩa vàng, do đó một bà mẹ không được mời.Hội hè linh đình. Lúc tiệc sắp tàn, các bà mụ đến niệm chú chúc mừng công chúa: Bà đầu chúc đức hạnh, bà thứ hai chúc sắc đẹp, bà thứ ba chúc giàu sang, phú quý… cứ như vậy các bà mụ chúc công chúa tất cả những điều tốt đẹp có thể mơ ước được ở trần gian. Bà thứ mười một vừa dứt lời chúc tụng thì bỗng bà mụ thứ mười ba xuất hiện. Bà muốn trả thù vì không được mời dự tiệc. Bà xăm xăm tiến tới chỗ công chúa chẳng thèm nhìn ai, chào ai.
Bà hét lên:- Đến năm mười lăm tuổi công chúa sẽ bị mũi quay sợi đâm phải rồi lăn ra chết!
Rồi chẳng thèm nói thêm nửa lời, bà đi ra khỏi phòng. Mọi người còn đang kinh hoàng thì bà mụ thứ mười hai bước ra. Bà tuy chưa niệm chú chúc tụng công chúa nhưng lời chú của bà cũng không giải được lời chú độc địa kia, mà chỉ làm giảm nhẹ được thôi.
Bà nói:
- Công chúa sẽ không chết, mà chỉ ngủ một giấc dài trăm năm. Nhà vua muốn tránh cho con khỏi bị nạn nên ra lệnh cấm kéo sợi trong cả nước. Tất cả những lời chúc của các bà mụ đều thành sự thực: công chúa xinh đẹp, đức hạnh, thùy mị, thông minh, ai thấy cũng phải yêu.
Chuyện xảy ra đúng lúc công chúa tròn mười lăm tuổi. Hôm ấy, vua và hoàng hậu đi vắng, công chúa ở nhà một mình, màng đi lang thang khắp cung điện, tạt vào xem tất cả các buồng và các phòng. Sau cùng nàng tới một chiếc cầu thang, nàng trèo lên từng bậc thang xoáy trôn ốc chật hẹp và dừng chân trước một chiếc cửa nhỏ. Ổ khóa có cắm một chiếc chùa đã rỉ, nàng cầm chìa quay thì cửa mở tung ra. Trong buồng có một bà già đang ngồi chăm chú kéo sợi.
Nàng hỏi:
- Cháu xin chào bà, bà làm gì vậy?
Bà lão gật đầu đáp:
- Bà đang kéo sợi.
- Cái gì nhảy nhanh như cắt thế kia hở bà
Nàng vừa mới sờ vào xa kéo sợi thì lời chú của bà mụ thứ mười ba hiệu nghiệm: nàng bị mũi quay đâm vào tay. Nàng ngã ngay xuống chiếc giường ở cạnh đó và thiếp đi. Cùng lúc, cả cung điện cũng rơi vào một giấc ngủ triền miên. Vua và hoàng hậu vừa về, mới bước chân vào buồng đã nhắm mắt ngủ luôn. Cả triều đình cũng lăn ra ngủ. Ngựa trong chuồng, chó ngoài sân, bồ câu trên mái nhà, ruồi đậu trên tường, tất cả đều ngủ. Cả ngọn lửa bếp đang chập chờn cũng đứng lặng. Thịt quay cũng ngừng xèo xèo. Bác đầu bếp thấy chú phụ bếp đãng trí, đang kéo tóc chú, bác cũng buông ra ngủ.
Gió ngừng thổi. Cây trước lâu đài không một chiếc lá rụng.
Quanh lâu đài, bụi hồng gai mọc mỗi ngày một rậm, phủ kín cả lâu đài, chẳng còn nhìn thấy gì nữa, cả đến lá cờ trên mái cũng không thấy. Rồi ở trong miền ấy, nhân dân truyền tụng lại là có một bông hồng xinh đẹp đang ngủ triền miên. Người ta gọi công chúa là công chúa Hồng Hoa. Thỉnh thoảng cũng có một vài hoàng tử nghe kể về câu chuyện truyền thuyết ấy đã chui vào bụi hồng gai tìm cách vào lâu đài, nhưng bụi gai như có tay giữ chặt họ lại, khiến họ bị mắc nghẽn.
Cứ thế năm tháng trôi qua. Một ngày kia lại có một hoàng tử tới nước này. Chàng nghe một ông lão kể lại rằng sau bụi gai có một tòa lâu đài, ở đó có nàng công chúa Hồng Hoa ngủ triền miên đã được trăm năm. Vua, hoàng hậu và cả triều đình cũng đều ngủ cả. Ông lão còn bảo là theo lời tổ phụ kể lại thì đã có nhiều hoàng tử tìm cách chui qua bụi hồng gai nhưng đều bị mắc lại ở đó.Nghe xong, hoàng tử nói:
- Con không sợ, con muốn tới đó để gặp nàng Hồng Hoa xinh đẹp. Ông lão hết sức can ngăn, nhưng hoàng tử không nghe.
Hạn ngủ triền miên trăm năm đã qua, đã đến lúc công chúa Hồng Hoa tỉnh giấc. Hoàng tử đến gần bụi gai thì chỉ thấy toàn những bông hồng to tươi nở như đón chào và giãn lối để chàng đi khỏi bị xây xát. Chàng đi qua tới đâu bụi hồng gai khép kín lại đến đó. Vào tới sân lâu đài, chàng thấy ngựa và những con chó tam thể đang nằm ngủ. Trên mái nhà, chim bồ câu rúc đầu vào cánh lặng lẽ. Chàng vào cung thấy ruồi đậu im trên tường, bác đầu bếp ngủ trong tư thế giơ tay như định tóm đầu chú phụ bếp. Còn cô hầu gái thiếp đi khi đang ngồi làm dở lông con gà đen. Chàng đi vào điện chính thấy cả triều đình đều ngủ. Trên ngai vàng vua và hoàng hậu cũng đang ngủ. Cảnh vật im lặng như tờ. Có thể nghe thấy rõ hơi thở của chàng. Tiếp tục đi, chàng tới trước một căn phòng, đó chính là căn phòng nơi công chúa Hồng Hoa ngủ. Chàng mở cửa bước vào thấy nàng đang nằm, dáng đẹp lộng lẫy. Chàng ngắm nhìn không rời mắt, rồi cúi xuống hôn nàng.
Chàng vừa đụng môi thì công chúa Hồng Hoa bừng tỉnh. Nàng mở mắt nhìn chàng trìu mến. Hai người dắt tay nhau đi xuống lầu. Vua, rồi hoàng hậu và cả triều đình đều đã tỉnh dậy. Ngựa ngoài sân đứng lên quẫy mình, chó săn nhảy lên ngoe ngoẩy đuôi, bồ câu trên mái nhà vươn cổ, ngóc đầu nhìn quanh rồi bay ra cánh đồng, ruồi bậu trên tường lại tiếp tục bò, lửa trong bếp lại bùng lên, chập chờn và đun thức ăn, thịt quay lại xèo xèo, bác đầu bếp cho chú phụ bếp một bạt tai làm hắn kêu toáng lên, cô hầu bếp làm nốt lông gà. Lễ cướii của hoàng tử và công chúa Hồng Hoa được tổ chức linh đình. Hai vợ chồng sống trọn đời hạnh phúc.
-
Ngày xửa ngày xưa có một hoàng tử không thích sống ru rú ở trong hoàng cung. Chàng chẳng biết sợ là gì, chàng nghĩ: "Ta phải đi chu du thiên hạ, ta chẳng còn cảm thấy thời gian dài dằng dặc nữa. Ta sẽ biết được bao điều kỳ lạ."
Chàng xin vua cha cho đi. Chàng đi mải miết từ sáng sớm tinh mơ tới khi trời tối. Chàng cứ thẳng đường mà đi, cũng chẳng cần biết con đường dẫn tới đâu. Một hôm, đi đường mệt, chàng ngồi nghỉ ngay trước nhà một người khổng lồ. Nhìn ngó nghiêng chàng thấy trong sân nhà của người khổng lồ có đồ chơi: một vài quả cầu rất lớn, một vài con ki cao bằng người. Bỗng chàng nổi hứng muốn chơi, chàng dựng các con ki cho ngay ngắn, rồi lăn các quả cầu đụng vào các con ki. Mỗi khi thấy con ki đổ ngã chàng khoái chí reo hò. Nghe tiếng ồn ào, người khổng lồ ngoái cổ ra ngoài cửa sổ thấy một người đang chơi ki nên quát:
- Quân nhãi nhép, mày mà cũng chơi ki à? Sức đâu ra mà chơi những con ki to như vậy?
Hoàng tử ngẩng đầu lên, nhìn thấy người khổng lồ thì hỏi:
- Ô, ông người gỗ. Ông tưởng chỉ mình ông mới có cánh tay khỏe. Khi nổi hứng thì tôi có thể làm được tất cả.
Người khổng lồ bước ra, nhìn hoàng tử chơi ki thì hết sức ngạc nhiên và nói:
- Quân trẻ con, nhưng nếu mày là loại người như vậy thì hãy đi hái cho ta một trái táo trên cây trường sinh.
Hoàng tử hỏi:
- Ông cần táo để làm gì?
- Tôi muốn có táo không phải để cho tôi. Tôi có một người vợ chưa cưới. Cô ta muốn có táo. Tôi đã đi khắp trần gian nhưng không tìm thấy được cây trường sinh đó. - Người khổng lồ trả lời.
- Tôi sẽ tìm được cây đó, nhưng không biết việc hái táo có bị ngăn cản không?
- Anh tưởng dễ vào lắm đấy hả? Khu vườn có cây trường sinh có hàng rào sắt, toàn thú dữ nằm canh để không ai vào được bên trong.
Hoàng tử nói:
- Nhất định chúng để cho tôi vào trong vườn!
- Nếu như anh có vào được trong vườn, nhìn thấy táo ở trên cây thì cũng chẳng với tay hái được, vì mỗi cây có treo một cái vòng. Ai muốn hái táo thì phải thò được tay qua cái vòng, nhưng tới nay vẫn chưa có người nào làm được.
- Tôi sẽ là người làm việc đó. - Hoàng tử đáp.
Chàng chào từ biệt người khổng lồ, rồi lên đường. Chàng vượt núi cao vực sâu, băng qua đồng hoang và rừng rậm cho đến khi tìm cho bằng được vườn cây kỳ lạ. Khắp nơi xung quanh vườn cây toàn thú dữ nằm chúi đầu xuống mà ngủ. Khi chàng đến, chúng vẫn chưa thức giấc. Chàng bước qua mình chúng, vượt qua hàng rào, rồi vào trong vườn cây một cách an toàn. Ở giữa vườn là cây trường sinh. Những quả táo đỏ hồng tỏa sáng các cành cây. Chàng trèo lên cây định thò tay qua cái vòng để hái táo. Chiếc vòng thít chặt vào tay chàng, đột nhiên chàng cảm thấy có một sức mạnh mãnh liệt được truyền vào trong huyết quản của mình. Chàng cầm táo tụt xuống khỏi cây, không trèo qua hàng rào, tay cầm cánh cổng lớn giật mạnh, thế là cánh cửa bung ra cùng với tiếng kẽo kẹt. Lúc chàng đi ra thì con sư tử tỉnh giấc và nhảy theo chàng. Nó chẳng hung dữ, mà ngoan ngoãn bước theo chàng như bước theo chủ nhân của nó. Hoàng tử đưa cho người khổng lồ quả táo mà chàng đã hứa. Chàng nói:
- Anh thấy đấy, tôi lấy được táo chẳng phải gắng sức gì nhiều.
Người khổng lồ vui ra mặt, vì ước nguyện được thực hiện nhanh chóng. Hắn vội đi ngay tới gặp vợ chưa cưới để đưa quả táo mà cô đòi hỏi. Cô là một thiếu nữ thông minh xinh đẹp. Khi thấy trên tay người khổng lồ không có chiếc vòng, cô hỏi:
- Tôi không tin là quả táo này do anh hái, trừ khi trên cánh tay anh có đeo một cái vòng.
Người khổng lồ nói:
- Tôi chỉ cần về nhà lấy nó.
Hắn nghĩ rằng có thể dễ dàng dùng sức cướp chiếc vòng từ tay anh chàng nhỏ yếu kia, cho dù đối phương không muốn. Hắn đòi đưa cho mình chiếc vòng, nhưng hoàng tử từ chối. Người khổng lồ nói:
- Cái vòng phải ở nơi có quả táo. Nếu mày không chịu đưa cho tao thì phải đấu sức với tao.
Hai bên vật nhau rất lâu mà người khổng lồ không sao đánh bại được hoàng tử, vì chàng có thêm sức mạnh phép thuật của chiếc vòng. Người khổng lồ nghĩ ra một kế và nói:
- Tôi cũng như anh nóng người vì giao đấu. Giờ ta cùng nhau đi tắm cho mát mẻ, rồi lại giao đấu tiếp.
Hoàng tử không biết đó là mưu kế nên cùng đi ra sông. Khi chàng cởi quần áo thì chiếc vòng tuột ra, rơi xuống. Tên khổng lồ vồ ngay lấy chiếc vòng, rồi chạy đi mất hút. Con sư tử thấy chuyện ăn cướp ấy. Nó đuổi theo người khổng lồ và cướp lại chiếc vòng đem về trả cho chủ nhân của nó.
Người khổng lồ nấp sau một cây sồi, nhân lúc hoàng tử đang mặc quần áo đã tấn công, móc đi hai con mắt của hoàng tử.
Bị mù, hoàng tử đứng đó, không biết phải làm gì. Người khổng lồ lại bước tới, nắm tay hoàng tử làm như thể là người dẫn đường, dắt chàng đến một đỉnh núi vách đá cheo leo, rồi để mặc hoàng tử đứng đó. Hắn nghĩ, chỉ cần đi thêm vài bước nó sẽ rơi xuống vực mà chết, lúc đó ta chỉ việc tới tháo cái vòng. Nhưng con sư tử trung thành luôn ở bên cạnh chủ nó. Nó cắn áo và lôi hoàng tử lui lại. Khi tên khổng lồ trở lại tính cướp vòng ở người chết thì hắn thấy mưu kế không thành. Bực tức hắn nói:
- Cái thằng bé nhỏ kia mà ta không sao thanh toán được sao?
Hắn nắm tay dẫn hoàng tử tới một cái vực khác, nhưng con sư tử thấy được ác ý của tên khổng lồ và thấy mối nguy hiểm đối với chủ của nó. Khi hai người tới gần bờ vực thì tên khổng lồ buông tay hoàng tử thì con sư tử lao thẳng hút tên khổng lồ rơi xuống vực, chết tan xác.
Con vật trung thành kia cắn áo lôi chủ nó về phía một cây cổ thụ bên dòng suối. Hoàng tử ngồi bên suối, con sư tử cúi xuống suối dùng chân trước vảy nước suối vào mặt hoàng tử. Có mấy giọt nước suối rơi vào hốc mắt làm chàng lại có thể nhìn thấy mọi thứ. Chàng thấy một con chim bay qua va vào thân cây rơi xuống suối. Chim tắm dưới suối rồi bay lên, rỉa cho lông khô, rồi bay giữa các hàng cây làm như nó đã nhận ra khuôn mặt của hoàng tử.
Hoàng tử nhận ra đó là sự mách bảo của Thượng đế, chàng cúi xuống suối rửa mặt. Khi chàng đứng lên thì đôi mắt sáng trở lại như xưa.
Hoàng tử cảm ơn ân huệ của Thượng đế, rồi cùng sư tử đi chu du thiên hạ. Có lần chàng tới một lâu đài bị phù phép. Bên trong cổng có một thiếu nữ xinh đẹp, dễ thương, nhưng toàn thân đen nhẻm. Nàng vẫy chàng và nói:
- Trời, chàng có thể giải thoát em khỏi bùa chú.
- Thế tôi phải làm gì bây giờ? - Hoàng tử hỏi.
Thiếu nữ nói:
- Chàng phải ở trong đại sảnh của lâu đài bị phù phép ba đêm. Chàng không được sợ hãi. Nếu bọn quỷ có hành hạ chàng dù bực tức khó chịu đến đâu thì chàng cũng phải ráng chịu đựng không một lời ta thán. Như vậy là chàng đã giải cứu em khỏi bùa phép. Bọn quỷ không dám ám hại chàng đâu.
Hoàng tử nói:
- Tôi không sợ, có thượng đế giúp đỡ thì cứ thử xem nó ra sao!
Thế là hoàng tử tươi cười bước vào lâu đài. Chàng ngồi ở trong đại sảnh, đợi tới tối. Mọi việc yên ắng cho tới khuya, rồi bỗng vang lên tiếng ồn ào rất to. Lũ quỷ nhỏ lao từ các hướng vào trong đại sảnh. Chúng ngồi xuống tự nhiên tựa như nơi đây chẳng có ai ngoài chúng. Chúng đốt một đống lửa, rồi bắt đầu đánh bạc. Một con quỷ thua bạc, nó nói:
- Có chuyện không ổn rồi, phải có người lạ ở đây, vì bị hắn ám nên tao mới bị thua.
Một con quỷ khác nói:
- Mày hãy tới sau lò sưởi. Đợi, tao sẽ lại ngay.Tiếng la ó ngày càng lớn thì ai mà chẳng sợ. Hoàng tử vẫn ngồi điềm tĩnh, không chút hoảng sợ. Cuối cùng cả bọn quỷ nhảy bổ về phía chàng. Chúng đông quá nên chàng không sao chống đỡ nổi. Chàng bị chúng đánh, xỉa, lôi đi kéo lại hành hạ, nhưng chàng vẫn nín thinh. Lũ quỷ biến mất khi trời hửng sáng. Còn chàng thì bơ phờ bải hoải tới mức không sao nhúc nhích được chân tay.
Khi trời sáng, một thiếu nữ bước vào đứng bên cạnh chàng. Tay nàng cầm lọ nước trường sinh. Nàng xoa bóp cho chàng bằng nước trường sinh. Chàng cảm thấy mọi đau đớn tiêu tan, khí huyết lại lưu thông. Nàng nói:
- Chàng đã chịu đựng được một đêm, nhưng còn hai đêm như vậy đợi chàng.
Nói xong, nàng ra đi. Khi nàng bước đi, hoàng tử thấy chân nàng đã trắng lại rồi. Tối tiếp theo bọn quỷ lại xuất hiện để cùng nhau đánh bạc. Chúng lao vào hoàng tử mà đấm đá thục mạng làm cho hoàng tử bị thương khắp người. Chàng cắn răng kiên nhẫn chịu đựng. Khi mặt trời ló ở phía đông thì bọn quỷ biến mất.
Thiếu nữ tới, nàng chữa trị cho chàng bằng nước trường sinh. Khi nàng bước đi, hoàng tử vui mừng thấy nàng đã trắng tới tận ngón tay. Chàng chỉ còn phải chịu đựng một đêm nữa, đêm khắc nghiệt đau đớn nhất.
Cảnh huyên náo lại diễn ra khi bọn quỷ nhỏ xuất hiện, chúng nói lớn:
- Mày còn ở lại đây à? Mày sẽ bị ăn đòn tơi bời đến mức muốn tắt thở đấy!
Chúng xông vào đánh chàng, xỉa chàng, tung ném chàng, túm tay túm chân lôi giằng tưởng chừng chúng muốn xé xác chàng ra. Chàng kiên nhẫn chịu đựng, không hề thốt lên một lời nào. Cuối cùng thì bọn chúng cũng biến mất, còn chàng thì nằm bất động, mê man bất tỉnh.
Một thiếu nữ bước vào, chàng muốn mở mắt mà không sao mở được. Thiếu nữ dùng nước trường sinh tẩm ướt người chàng, rồi xoa bóp cho chàng. Ngay lập tức mọi đau đớn của chàng tiêu tan. Chàng tỉnh người, thấy mình mạnh khỏe, sảng khoái như tỉnh dậy sau một giấc ngủ ngon lành.
Khi mở mắt ra, hoàng tử nhìn thấy thiếu nữ đứng bên cạnh, da nàng trắng như tuyết, đẹp như ánh ban mai, nàng nói:
- Dậy đi nào chàng ơi! Chỉ cần vung kiếm ba lần trên bậc thang là chàng đã giải thoát khỏi bị phù phép.
Hoàng tử vung kiếm như lời nàng dặn, cả hoàng cung được giải thoát bởi phép phù thủy. Thiếu nữ vốn là công chúa của một vương quốc giàu có. Những người hầu tới báo rằng yến tiệc trong đại sảnh đã bày xong. Chàng và nàng cùng ngồi vào bàn. Họ cùng nhau ăn uống vui vẻ. Và ngay tối hôm ấy hôn lễ được cử hành trọng thể.
Câu chuyện ca ngợi sự dũng cảm. Có thể nói sự dũng cảm là điều cần thiết nhất ở một vị hoàng tử, người sẽ cai quản cả một đất nước. Hoàng tử trong câu chuyện đã chứng minh mình là một người có trái tim quả cảm, không sợ bất cứ thế lực nào trên trái đất, lại có tính nhẫn nại. Đó là phẩm chất của một vị vua tương lai. Đồng thời câu chuyện khẳng định, nếu dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách thì nhất định gặt hái được thành công. -
Ngày xửa ngày xưa, ở vương quốc kia vua và hoàng hậu sống rất hòa thuận và có mười hai người con trai rất khôi ngô tuấn tú.
Có lần, vua nói với hoàng hậu:
– Nếu đứa con thứ mười ba lại là con gái thì mười hai đứa con trai kia phải chết để cho con gái ta thừa hưởng một mình gia tài và trị vì vương quốc này.
Rồi nhà vua sai làm mười hai cái quan tài, trong chứa phôi bào và để sẵn một cái gối. Tất cả mười hai quan tài được cất giấu ở một nơi. Nhà vua trao chìa khóa cho hoàng hậu và dặn không được nói cho ai biết.
Hoàng hậu suốt ngày rầu rĩ. Đứa con trai út lúc nào cũng ở bên hoàng hậu. Đó cũng là đứa con hoàng hậu đặt tên theo kinh thánh là Benjamin. Thấy hoàng hậu lúc nào cũng có vẻ buồn buồn, hoàng tử hỏi:
– Mẹ ơi, sao mẹ lúc nào cũng buồn vậy?
Hoàng hậu bảo:
– Con yêu quý của mẹ, mẹ không được phép nói ra điều đó.
Hoàng tử hỏi luôn mồm về chuyện đó làm cho hoàng hậu phải mở cửa buồng và chỉ cho biết mười hai quan tài. Rồi hoàng hậu giải thích:
– Benjamin, con yêu của mẹ. Nhà vua đã sai làm quan tài cho con và mười một anh trai của con. Nếu người con thứ mười ba ra đời lại là con gái thì tất cả mười hai anh trai sẽ bị giết, đặt vào trong quan tài đó đem chôn.
Hoàng hậu vừa nói vừa khóc nức nở, cậu con út an ủi mẹ:
– Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nữa, chúng con sẽ tìm cách đi khỏi nơi này.
Hoàng hậu bảo:
– Con hãy cùng mười một anh con lẻn vào trong rừng. Các con thay phiên nhau trèo lên cây cao để canh chừng xem cờ cắm ở tháp canh hoàng cung. Nếu mẹ sinh con trai thì sẽ có cờ trắng ở tháp canh, các con có thể trở về hoàng cung. Nếu mẹ sinh con gái, sẽ có cờ đỏ ở tháp canh, lúc đó các con hãy nhanh nhanh tiếp tục lên đường. Chúa kính yêu sẽ che chở các con! Đêm khuya nào mẹ cũng cầu khẩn cho các con, để mùa đông được quây quần bên lửa sưởi ấm, mùa hè quây quần dưới bóng mát của cây cổ thụ.
Rồi người mẹ làm dấu cầu nguyện cho đàn con. Ngay sau đó mười hai anh em trai trốn vào rừng. Anh em thay nhau trèo lên cây cao quan sát tháp canh hoàng cung. Đã mười một ngày trôi qua không có cờ, ngày thứ mười hai đến lượt Benjamin thì thấy có cờ cắm ở tháp canh, nhưng không phải là cờ trắng mà là cờ đỏ, lá cờ báo tất cả mười hai anh em phải chết.
Khi biết tin, tất cả mười hai anh em đều tức giận nói:
– Tại sao chúng ta lại phải chết chỉ vì một người con gái. Chúng ta thề sẽ trả thù, người con gái đầu tiên chúng ta gặp sẽ phải đầu rơi máu chảy.
Ngay sau đó, mười hai anh em lên đường, đi vào tận sâu giữa rừng. Ở đây bóng cây che hết ánh sáng mặt trời, nên lúc nào cũng âm u. Đứng ở giữa rừng là một căn nhà nhỏ mà mụ phù thủy đã bỏ bùa. Nhìn thấy căn nhà, họ đồng thanh nói:
– Chúng ta sẽ ở đây. Benjamin là em út và là người yếu nhất thì ở nhà lo bếp núc. Còn mười một chúng ta đi săn kiếm đồ ăn.
Mười một anh trai kéo nhau đi săn chim, hoẵng đem về để Benjamin chế biến thành món ăn, ăn cho qua ngày.
Thấm thoát, họ đã sống như vậy ở trong căn nhà đã được mười năm.
Người con gái hoàng hậu sinh ra giờ đây đã trưởng thành, cô rất thương người và cũng rất xinh đẹp, trán cô có ngôi sao vàng.
Có lần, nhìn trong đống đồ đem phơi cô thấy có mười hai chiếc áo nhỏ, cô hỏi hoàng hậu:
– Mẹ ơi, mười hai chiếc áo nhỏ này của ai? Nhỏ thế thì không phải là của vua cha rồi.
Hoàng hậu buồn rầu đáp:
– Con yêu của mẹ. Đó là áo của mười hai anh trai của con.
Cô gái hỏi tiếp:
– Thế mười hai anh trai của con đâu? Con chưa nghe thấy ai nói về điều này.
Hoàng hậu bảo:
– Chỉ có Chúa Trời mới biết được nơi ở của các anh con. Các anh con đang lưu lạc khắp mọi nơi.
Rồi hoàng hậu dẫn con gái tới một căn buồng, rồi lấy khóa mở cửa và chỉ vào phòng:
– Đấy là những quan tài làm sẵn dành cho mười hai anh trai của con. Nhưng các anh đã trốn khỏi hoàng cung trước khi con chào đời.
Rồi hoàng hậu kể cho nghe hết đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, công chúa nói:
– Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nữa, con sẽ đi tìm các anh con.
Công chúa lên đường và mang theo mười hai chiếc áo. Cô vào tận sâu trong rừng. Cô đi suốt ngày, khi trời tối thì cũng là lúc cô tới căn nhà nhỏ trong rừng sâu. Cô bước vào trong nhà thì gặp một chàng trai, người này hỏi:
– Cô ở đâu tới đây? Cô định đi đâu?
Chàng ngạc nhiên vì vẻ đẹp lộng lẫy của nàng, người đã xinh đẹp lại có ngôi sao vàng ở trán. Cô gái đáp:
– Tôi là công chúa. Tôi sẽ đi cùng trời cuối đất để tìm cho bằng được mười hai anh trai của tôi.
Rồi cô giơ mười hai chiếc áo cho chàng trai xem. Benjamin hiểu ngay người đứng trước mình chính là em gái của mình. Chàng nói:
– Tôi là Benjamin, em út trong mười hai người anh của em.
Hai anh em hết sức vui mừng, vui tới mức ôm hôn nhau vừa khóc. Chàng nói:
– Còn một việc nữa. Các anh có thề nguyền, người con gái đầu tiên mình gặp sẽ phải chết, chỉ vì chuyện sinh con gái mà tất cả mười hai người phải đi trốn tránh.
Cô gái nói:
– Em sẵn sàng chết để giải thoát cho mười hai anh.
Chàng trai nói:
– Không, em không phải chết. Em hãy ẩn trong cái thùng này. Khi nào cả mười một người về, anh sẽ bàn thống nhất việc này.
Đến đêm, mười một người đi săn về. Bàn ăn đã dọn sẵn, họ ngồi quanh bàn và ăn. Họ hỏi:
– Hôm nay có chuyện gì không?
Benjamin đáp:
– Có, có chuyện mà chưa ai biết.
– Thế chuyện gì nào?
– Trong lúc các anh đi săn, em ở nhà và có chuyện.
– Thì kể tiếp đi!
– Nhưng các anh phải hứa, sẽ không giết chết người con gái đầu tiên mà mình gặp.
– Thì cũng có thể tha được. Cứ kể tiếp đi!
Lúc bấy giờ chàng nói:
– Em gái của chúng ta đang ở đây.
Rồi chàng nhấc chiếc thùng. Mọi người nhìn thấy một cô gái có vẻ đẹp lộng lẫy, ở trán lại điểm ngôi sao vàng. Mọi người hết sức vui mừng, chạy lại ôm hôn thắm thiết.
Giờ nàng ở nhà cùng với Benjamin lo công việc bếp núc. Mười một người anh trai hàng ngày đi săn thú như chim, thỏ, hoẵng đem về để chế biến thành món ăn. Cô em gái đi hái rau, nhóm bếp và nấu thức ăn, để đến khi mười một anh trai đi săn về là có ngay. Nàng còn quét dọn nhà cửa, xếp chăn giường ngay ngắn. Mười ba anh em sống rất hòa thuận.
Có lần, hai anh em nấu món thật ngon để tất cả mười ba anh em cùng ăn uống vui vẻ. Phía bên nhà là một vườn hoa nhỏ có mười hai bông huệ trắng – mà người ta vẫn thường gọi là Hoa Sinh Viên. Cô em út ra vườn hái mười hai bông huệ trắng tính để tặng mười hai anh trai. Nhưng cô vừa hái hoa xong thì cả mười hai anh đã biến thành mười hai con quạ bay vào trong rừng. Căn nhà và vườn hoa cũng biến mất. Giờ đây chỉ còn một mình cô gái đáng thương ở trong rừng. Trong lúc cô đang còn ngơ ngác thì có một bà già xuất hiện đứng ngay bên cạnh. Bà nói:
– Nào, con của ta đã làm gì đấy? Tại sao con lại hái mười hai bông huệ trắng để cho các anh con biến thành quạ?
Cô gái òa lên khóc.
– Thưa bà, thế không có cách nào giải thoát cho các anh ấy à?
– Không có cách nào khác ngoài cách con phải bảy năm câm lặng, không nói, không cười. Khi thời hạn bảy năm chưa hết, dù chỉ trước đó một giờ mà con lại mở mồm ra nói thì tất cả chỉ là uổng công. Chính lời nói đó giết các anh con.
Cô gái tự nhủ:
– Chắc chắn mình có thể giải thoát cho các anh trai.
Cô đi, đi mãi, tới chỗ một cây cổ thụ, cô trèo lên ngồi ở trên cây. Cô ngồi đan, chẳng nói mà cũng chẳng cười.
Có lần nhà vua đi săn trong rừng, con chó săn to chạy lại gốc cây cổ thụ, nó vừa chạy quanh thân cây vừa sủa. Nhà vua thúc ngựa chạy tới thì nhìn thấy trên cây có người, nhà vua hết sức ngạc nhiên về vẻ đẹp của cô gái có ngôi sao vàng ở trán. Nhà vua hỏi cô có ưng làm hoàng hậu không. Cô không nói, nhưng gật đầu.
Nhà vua thân chinh trèo lên cây, bồng cô xuống, đặt cô lên ngựa và đi về hoàng cung.
Đám cưới được tổ chức rất linh đình và tưng bừng, nhưng cô dâu chẳng nói mà cũng chẳng cười.
Nhà vua và hoàng hậu vui sống bên nhau được mấy năm thì hoàng thái hậu dè bỉu chê:
– Nó chỉ là đứa ăn mày hạ đẳng mà con đưa về nhà. Ai mà biết được nó sẽ làm những trò quỷ quái gì. Nếu nó câm thì không nói được, nhưng ít ra nó cũng nhoẻn được miệng cười. Những loại người không cười là loại thâm độc.
Lúc đầu nhà vua không muốn tin lời mẹ, nhưng nghe hoàng thái hậu nói mãi, nói hoài, rồi lại thêm thắt những chuyện tội lỗi này nọ làm cho nhà vua nản lòng chiều theo ý mẹ để cho hành hình hoàng hậu.
Giàn hỏa thiêu được đặt ở trong sân hoàng cung, nhà vua đứng bên cửa sổ, vừa nhìn vừa rơm rớm nước mắt, nhà vua trong lòng vẫn thương yêu hoàng hậu.
Hoàng hậu bị cột chặt vào cột giàn hỏa thiêu, lửa cháy ngùn ngụt, ngọn lửa bắt đầu liếm tới quần áo nàng thì đúng là lúc hạn bảy năm cũng vừa hết. Trên bầu trời có tiếng chim vỗ cánh, mười hai con quạ bay tới, sà xuống đất và hiện thành mười hai chàng trai. Họ dập ngay lửa giàn hỏa thiêu, cứu cô em gái ra khỏi nơi ấy. Rồi anh em ôm hôn nhau thắm thiết.
Giờ đây hoàng hậu có thể cười nói. Hoàng hậu liền kể cho vua nghe tại sao bấy lâu nay không nói mà cũng chẳng cười. Nhà vua rất mừng, vì hoàng hậu là người vô tội. Nhà vua và hoàng hậu sống hòa thuận tới khi khuất núi. Thái hoàng hậu thâm hiểm độc ác bị đưa ra xét xử, bị ném vào vạc dầu sôi bơi cùng lũ rắn độc và chết đáng kiếp mụ. -
Ngày xửa ngày xưa, có một gia đình vô cùng nghèo khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Chẳng còn cách nào khác, bố mẹ buộc lòng phải bán cô con gái bé bỏng của mình cho Gấu trắng. Gấu trắng đưa cô gái về một cung điện nguy nga tráng lệ, hứa rằng sẽ ở bên cô hàng đêm, nhưng với một điều kiện là cô tuyệt đối không được thắp đèn lên.
Từ đó trở đi, đêm nào Gấu trắng cũng đến với cô gái. Một lần, sự tò mò đã chiến thắng lý trí, cô gái lén thắp lên một ngọn nến. Dưới ánh sáng lung linh, một chàng hoàng tử tuấn tú bỗng nhiên xuất hiện. Cô gái sững sờ đến nỗi tay cầm ngọn nến run lên, vô tình làm cho ba giọt sáp rơi vào áo hoàng tử.
Hoàng tử kể với cô gái:
– Ta vốn là một hoàng tử nhưng bị trúng bùa phép của mẹ kế, bởi bà ấy bắt ta phải cưới cô con gái riêng cũng độc ác như bà.
Sáng sớm hôm sau, khi cô gái tỉnh dậy, Gấu trắng cùng tòa lâu đài đều đã biến mất, xung quanh chỉ là một khu rừng rậm rạp, cây cối um tùm. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu cô gái:” Mình nhất định phải tìm gặp hoàng tử để giúp chàng hóa giải bùa phép.”
Đi ra khỏi khu rừng, cô gặp một bà lão hiền từ. Bà lão cho cô một quả táo bằng vàng và nói:
– Con hãy đi tìm người hàng xóm của ta, có thể bà ấy biết hoàng tử của con đang ở đâu.
Thế nhưng người hàng xóm tốt bụng ấy cũng không biết, nhưng tặng cô một chiếc xa kéo sợi bằng vàng và bảo cô đến tìm gió Nam nhờ giúp đỡ.
Gió Nam cũng không biết hoàng tử đang ở đâu, nhưng đồng ý đưa cô đi tìm gió Bắc:
– Gió Bắc đã đi khắp mọi nơi trên thế gian, hiểu biết nhiều, lại rất tốt bụng, nhất định sẽ giúp con tìm thấy hoàng tử của mình!
Thế là gió Nam để cô gái ngồi trên lưng mình và bay đi, chưa đầy nửa ngày đã đến nhà gió Bắc.
Cô gái vui mừng khôn xiết khi nghe gió Bắc nói:
– Ta biết hoàng tử ở đâu, ta sẽ đưa con đi ngay!
Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của gió Bắc, cô gái đã đến được cung điện của hoàng tử.
Cô gái cầm quả táo vàng rao bán ở bên ngoài cung điện. Con gái của bà mẹ kế độc ác là một công chúa xấu tính, nghe thấy tiếng rao liền háo hức muốn mua. Cô gái nói:
– Quả táo này vô cùng quý giá, nhưng nếu công chúa thực sự thích, tôi sẽ tặng cô, với điều kiện cô phải cho tôi gặp hoàng tử.
Công chúa tham lam đồng ý ngay. Nhưng khi vào được phòng hoàng tử, cô gái phát hiện ra chàng đã bị công chúa cho uống thuốc mê tự bao giờ.
Ngày hôm sau, cô gái lại lấy chiếc xa kéo sợi bằng vàng ra trao đổi. Tối hôm đó, hoàng tử đã không ăn bữa tối có tẩm thuốc mê do công chúa mang tới, vì thế khi cô gái vừa vào phòng, hoàng tử liền nhận ra ngay. Hoàng tử buồn rầu nói:
– Thật tội nghiệp cho nàng, ta xin lỗi, nhưng ngày mai ta không thể không cưới công chúa.
Hóa ra, người mẹ kế độc ác đã uy hiếp hoàng tử rằng, nếu không chấp thuận lấy công chúa làm vợ, bà ta sẽ biến tất cả thần dân vương quốc này thành gấu trắng. Hoàng tử không còn cách nào khác đành phải nhận lời.
– Em phải làm gì mới có thể giúp chàng? – Cô gái buồn bã hỏi.
– Chưa ai có thể giặt sạch được ba giọt sáp rơi lên chiếc áo của ta. Trong cuộc thi ngày mai với công chúa, nếu nàng làm được điều đó thì bùa phép sẽ không hiệu nghiệm.
Cô gái nghe vậy, gật đầu đầy tự tin.
Ngày hôm sau, khi cuộc thi bắt đầu, công chúa không sao có thể giặt sạch vết sáp trên áo hoàng tử, thậm chí càng giặt lại càng làm bẩn thêm. Ngược lại, cô gái chỉ cần nhẹ nhàng vò mấy cái, vết bẩn đã biến mất, chiếc áo của hoàng tử lại sạch như mới.
Đúng lúc đó, bà lão tốt bụng và người hàng xóm, cùng với gió Nam, gió Bắc cũng vừa tới nơi, giúp cô gái đuổi công chúa và bà mẹ kế độc ác ra khỏi cung điện.
Sau khi giải được bùa phép, hoàng tử và cô gái dũng cảm đã cùng nhau chung sống những tháng ngày thật hạnh phúc. -
Ngày xửa ngày xưa, có một ông vua và hoàng hậu sống trong giàu sang tới mức, muốn gì cũng có, chỉ duy một nỗi không có con. Hoàng hậu than thở ngày đêm và nói:
– Mình như thửa ruộng không có cây mọc!
Cuối cùng trời cũng thương tình, thuận cho sinh được một mụn con, nhưng nó chẳng giống những đứa trẻ khác, mà lại là một con lừa con. Khi nhìn thấy con lừa con, hoàng hậu than khóc om sòm, thà đừng có con còn hơn là có con lừa này và sai gia nhận tính đem ném nó xuống sông làm mồi cho cá.
Nhà vua nói:
– Không được, nếu trời cho vậy thì nó phải là con của ta và là người thừa kế ngai vàng sau khi ta khuất núi, nó sẽ đội vương miện trên đầu.
Con lừa được nuôi nấng chăm sóc cẩn thận nên lớn lên trông thấy. Hai tai nó vểnh lên thẳng đứng. Con lừa vui tính, nhảy tung tăng chơi đùa, đặc biệt nó rất thích nghe âm nhạc. Có lần nó tới chỗ người nhạc sĩ lang thang nổi tiếng và nói:
– Hãy dạy cho tôi cách đánh đàn để tôi có thể đánh được những bản nhạc hay như nhạc sĩ lang thang.
Người nhạc sĩ lang thang đáp:
– Trời ơi, mi làm sao mà học được. Ngón chân mi sinh ra đâu có phải để đánh đàn, nó to ơi là to! Ta chỉ sợ dây đàn không chịu nổi.
Cho dù bị thoái thác, nhưng lừa vẫn cứ khăng khăng đòi theo học và bền gan, chăm chỉ học đàn. Cuối cùng nó chơi đàn cũng hay như nhạc sĩ lang thang kia.
Có lần con lừa đi dạo chơi, nó tới gần một giếng nước. Nó cúi xuống nhìn thì thấy bóng mình là bóng con lừa. Nó rất buồn, nó tính đi chu du thiên hạ, nó đem theo một người hầu trung thành. Cả hai lên đường, đường gập ghềnh đồi núi, cuối cùng cả hai tới một vương quốc nơi có ông vua đã già, nhưng chỉ có một công chúa xinh đẹp, đồng thời là người con duy nhất. Tới trước hoàng cung, lừa nói:
– Chúng ta sẽ dừng chân ở nơi này.
Lừa ta gõ cổng hoàng cung và nói:
– Có khách tới, mở cửa cho khách vào nhé.
Đợi mãi không thấy cổng mở, lừa ta ngồi xuống, lấy đàn và dùng hai chân trước gảy đàn. Nghe tiếng đàn du dương, người gác cổng chạy vào tâu với nhà vua:
– Ngoài cổng hoàng cung có một con lừa đang ngồi gảy đàn, nó chơi hay như một nhạc sĩ lang thang cừ khôi.
Nhà vua phán:
– Thì mở cổng thành cho nhạc sĩ lang thang vào.
Lừa bước vào hoàng cung, dùng hai chân trước gảy đàn, cả hoàng cung cười ồ lên vì tiếng đàn do lừa đánh. Lừa ta được dẫn vào ăn cùng đám gia nhân, lừa không chịu và nói:
– Tôi đâu có phải là loại lừa vẫn nhốt trong chuồng, tôi là loại lừa quý tộc.
Mọi người nói:
– Nếu thế thì cho ăn chung với lính tráng.
Lừa đáp:
– Không, tôi thích ngồi bên cạnh nhà vua.
Nhà vua cười và nói:
– Cũng được, nếu thích thế thì hãy lại đây ngồi.
Sau đó nhà vua hỏi lừa:
– Lừa ơi, mi có ưng công chúa không?
Lừa quay lại phía công chúa nhìn, rồi gật đầu nói:
– Thưa có ạ, thần chưa thấy ai đẹp như thế.
Nhà vua bảo:
– Nếu vậy thì hãy lại ngồi bên cạnh công chúa.
Lừa thưa:
– Thần cũng mong được như vậy.
Lừa lại ngồi bên cạnh công chúa và ăn uống nom rất lịch thiệp.
Ở hoàng cung một thời gian, lừa quý tộc nghĩ:
– Những cái đó cũng chẳng giúp ích gì, ta trở về nhà thôi.
Lừa lững thững cúi đầu tới chỗ nhà vua và xin được cáo từ hoàng cung. Lâu nay nhà vua vẫn quý mến lừa nên nói:
– Lừa ơi, sao vậy? Nom mi buồn rười rượi, hãy ở lại bên ta, ta cho mi tất cả những gì mi muốn, có thích vàng không?
Lừa lắc đầu đáp:
– Không.
– Thế mi có thích ngọc ngà, châu báu không?
– Không.
– Ta cho mi nửa giang sơn này đấy, thế có ưng không?
– Chà, cũng không ạ!
Nhà vua nói:
– Thế mi vui sướng bởi cái gì nhỉ? Có thích lấy công chúa xinh đẹp không?
– Thưa vâng ạ. Điều đó thì thực lòng tôi thích.
Lừa ta vui tính hẳn lên, vì đó chính là điều nó mong ước. Đám cưới được tổ chức rất to và hết sức trang trọng. Đến tối, cô dâu và chú rể được dẫn tới phòng tân hôn. Nhà vua muốn biết cách cư xử của lừa nên để cho một gia nhân nấp ở trong phòng.
Khi đã vào trong phòng, chú rể ngó quanh một lượt. Khi tin là chỉ có hai người trong phòng, chàng ra cài then cửa. Rồi chàng vứt bỏ tấm da lừa trên người. Chú rể hiện nguyên hình là một hoàng tử khôi ngô tuấn tú. Chàng nói:
– Giờ em thấy đó, anh cũng xứng vai phải lứa với em.
Cô dâu tươi cười ôm choàng lấy chú rể hôn với cả tấm lòng thương yêu. Nhưng khi trời vừa hửng sáng, chàng lại choàng tấm da lừa. Có lẽ chẳng ai biết được, cái gì ẩn giấu trong tấm da lừa kia.
Sáng vua cha tới thăm con gái, vua hỏi:
– Con lừa có vui tính không. Chắc con buồn phiền lắm nhỉ! Đó chẳng phải là một trang nam nhi thực thụ.
– Thưa vua cha, không, con không buồn. Con rất yêu quý anh ấy. Con muốn suốt đời ở bên anh ấy, con người tuyệt vời.
Nhà vua rất đỗi ngạc nhiên, tên gia nhân liền kể cho nhà vua những gì mình chứng kiến. Nhà vua nói:
– Không thể có chuyện đó được.
– Nếu vậy nhà vua cứ thức đêm để tận mắt xem những gì xảy ra. Nhà vua nên vứt ngay tấm da lừa vào trong lửa hồng để cho phò mã hiện nguyên hình.
Nhà vua nói:
– Lời khuyên của ngươi hay đấy.
Đêm khuya, khi cả hai đang ngủ say, nhà vua lẻn vào xem. Dưới ánh trăng, nhà vua thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú nằm bên công chúa, tấm da choàng để ngay sát bên giường. Nhà vua cầm tấm da ném vào ngọn lửa hồng và đứng đợi cho tới khi tấm da cháy hết chỉ còn lại tro. Nhà vua thức thâu đêm tới sáng để xem khi bị mất tấm da choàng thì phò mã sẽ ứng xử như thế nào.
Khi trời hửng sáng, chàng trai thức giấc, tính lấy tấm da choàng nhưng chẳng tìm thấy. Chàng hoảng hốt, than vãn
– Thế thì chỉ còn cách trốn khỏi nơi này!
Chàng vừa mới bước ra thì gặp ngay nhà vua. Nhà vua nói:
– Con đi đâu mà vội vã thế. Con đang nghĩ gì vậy? Con hãy ở lại đây! Cha cho con nửa giang sơn này, và sau khi cha khuất núi thì cả giang sơn này là của con.
– Con mong rằng, bắt đầu tốt sẽ kết thúc tốt đẹp. Con ở lại đây với cha.
Nhà vua chia cho phò mã nửa giang sơn. Năm sau thì nhà vua băng hà. Phò mã cai trị cả giang sơn rộng lớn. Sau khi vua cha phò mã băng hà, phò mã được thừa kế cả giang sơn ấy nữa, và sống trong giàu sang phú quý. -
Ngày xưa, trên quảng trường tại thành phố nọ có dựng tượng một chàng hoàng tử. Pho tượng lấp lánh ánh vàng rực rỡ, trông tuyệt đẹp. Trừ bệ ra, còn cả pho tượng được dát toàn vàng lá. Đôi mắt hoàng tử đính hai viên ngọc bích xanh biếc. Chuôi kiếm có đính hồng ngọc long lanh. Ai nấy trong thành phố đều tự hào về pho tượng. Nó được đặt cho cái tên nghe rất thân thương: Tượng Hoàng tử Hạnh Phúc.
Pho tượng toát lên vẻ hiền hòa, nhân ái kỳ lạ. Nó có sức cảm hóa lòng người, nhất là trẻ nhỏ. Trong thành phố, khi có đứa trẻ nào hay khóc nhè thì người mẹ dẫ đế trước tượng và bảo:
– Con nhìn Hoàng tử Hạnh Phúc đây này! Hoàng tử có khóc nhè như con đâu! Con phải ngoan chứ!
Đứa trẻ nín bặt, không khóc nữa.
Còn trẻ con nào ương bướng, không nghe lời bố mẹ, khi thấy tượng Hoàng tử Hạnh Phúc hiền từ đều trở nên ngoan ngoãn, biết vâng lời bố mẹ.
Vào một chiều cuối thu, có con Én bay lạc tới quảng trường, nơi dựng tượng Hoàng tử Hạnh Phúc.
Én đang cùng đàn bay về phương nam để tránh rét. Hôm nay Én bị mệt, dậy muộn. Cả đàn đã bay mất.
– Ta phải cố đuổi kịp đàn! Ta phải về phương nam ấm áp trước khi mùa đông tới!
Én tới quảng trường thì trời đã sẩm tối. Thấy tượng hoàng tử, Én trầm trồ:
– Chao ôi! Nơi này có chàng hoàng tử tuyệt vời biết bao!
Én bay quanh tượng vài vòng, rồi mới đậu nơi chân tượng.
– Xin chào hoàng tử! Tối nay cho phép tôi được ngủ nhờ dưới chân hoàng tử!
Én đã định ngủ thì bỗng….
Tááaaaaachhhh….
Một giọt nước rơi đúng người Én.
– Ồ! Trời mưa à?! Nhưng ở chỗ này thì mưa nào tạt vào được!
Én vừa lẩm bẩm vậy thì lại…
Tááaaaaachhhh….
Một giọt nước nữa rơi xuống người Én. Én ngước nhìn lên.
Én giật mình nhận thấy nước mắt hoàng tử đang trào trên đôi má chàng. Én ngạc nhiên hỏi:
– Hoàng tử kính mến! Sao chàng lại khóc vậy?!
Hoàng tử Hạnh Phúc nghẹn ngào đáp:
– Trong thành phố này có nhiều người hạnh phúc, nhưng cũng còn rất nhiều người nghèo khổ. Nghèo lắm! Nghèo đến nỗi không có nổi tiền mua đồ ăn hàng ngày! Đứng nơi đây, ta đã nhìn thấu suốt bao nỗi đau buồn đó.
Im lặng một lúc, hoàng tử lại nói tiếp:
– Én nhìn vào ngôi nhà bên phải kia kìa! Ngôi nhà có đứa bé đang ốm nằm trên giường ấy! Bé bị ốm li bì! Nhà quá nghèo, người mẹ không có tiền mua thuốc cho con. Bà rầu rĩ ngồi nhìn con, lòng quặn đau. Thử hỏi ta làm sao có thể cầm được nước mắt trước cảnh như vậy?
Én bay tới bên cửa sổ ngôi nhà đó, rồi Én nhìn vào bên trong. Én thấy một đứa trẻ nằm mê man trên giường. Người mẹ ngồi bên vừa khóc vừa luôn miệng xin lỗi vì đã không có tiền mua thuốc.
– Hoàng tử ơi! Cậu bé chết mất!
Hoàng Tử Hạnh Phúc thở dài, rồi khẩn khoản nói:
– Ta có điều muốn nhờ Én đây! Ta mong Én không nỡ từ chối! Én cố gỡ viên hồng ngọc nơi chuôi kiếm của ta, rồi mang đến ngôi nhà đó được không?
– Tôi sẽ cố gắng hết sức!
Én gỡ viên hồng ngọc gắn nơi chuôi kiếm. Viên hồng ngọc gắn rất chặt. Mỏ Én có lúc như muốn bật văng ra. Mãi nó mới gỡ được. Én vội vàng mang viên hồng ngọc tới ngôi nhà cậu bé.
Người mẹ đã gục xuống ngủ thiếp bên con. Chắc bà quá mệt mỏi sau bao ngày chăm sóc cậu bé! Trông bà xanh xao, hốc hác vì thiếu ăn, thiếu ngủ và vì nỗi buồn hành hạ. Thật tội nghiệp!
Én nhẹ nhàng đặt viên hồng ngọc trước mặt người mẹ. Én cố không làm cho bà thức giấc, nên chỉ thì thầm:
– Tôi mang quà của Hoàng tử Hạnh Phúc tới tặng bà. Bà bán nó đi, lấy tiền mua thuốc cho đứa trẻ. Chắc chắn nó sẽ qua khỏi bệnh tật thôi mà!
Sau đó, Én bay về bên hoàng tử và nhìn vào ngôi nhà qua cửa sổ.
Người mẹ tỉnh dậy. Bà thấy viên hồng ngọc. Bà nhìn quanh, nhưng không thấy ai. Bà cho rằng Ông Trời đã thấu hiểu cảnh ngộ của bà, nên ban ơn cho bà. Bà cung kính tạ:
– Ơn Trời! Con xin cảm ơn Người đã ban cho con! Con sẽ bán viên hồng ngọc này lấy tiền chữa bệnh cho cháu!
Én cảm thấy lòng mình như vừa được sưởi ấm. Én thiếp đi trong giấc ngủ bình an. Chiếc mỏ bị sây sát do cậy hồng ngọc chợt hé mở. Chắc hẳn Én đang có một giấc mơ đẹp?
Sáng hôm sau, Én chào từ biệt Hoàng tử Hạnh Phúc:
– Hoàng tử kính mến! Tôi phải chia tay hoàng tử để đuổi theo đàn bay về phương nam ấm áp. Tôi phải về tới đó trước khi mùa đông đến. Nếu không, tôi sẽ chết vì lạnh cóng.
Hoàng tử lại khẩn khoản nói:
– Én này! Ta xin lỗi vì làm phiền Én trong lúc vội vã này. Ta mong Én đừng vội đi! Mong Én nghe thêm một lời nguyện cầu của ta!
Trước những lời tha thiết đó, Én không thể bỏ đi ngay được:
– Tôi nghe đây!
– Ta biết có một chàng trai trẻ chuyên viết truyện cho trẻ em sống trong căn buồng áp mái ngôi nhà đằng kia. Truyện chàng viết rất tuyệt vời! Chúng mang ước mơ và hy vọng đến với trẻ nhỏ. Nhưng chàng trai ấy rất nghèo. Chàng đã hết tiền từ ba ngày nay, nên không có gì ăn. Chàng mệt lả vì đói. Tay chàng run lên không thể viết tiếp. Nếu không được ăn, chàng sẽ lâm bệnh nặng, chẳng bao giờ còn cầm bút được nữa. Biết vậy mà không làm gì thì thật có lỗi với đám trẻ! Én làm ơn dùng mỏ cậy viên ngọc bích gắn một bên mắt của ta đem tặng chàng viết văn nghèo!
Én giật mình hỏi:
– Gì cơ?! Hoàng tử bảo sao?
Hoàng tử Hạnh Phúc nhắc lại lời cầu xin của mình.
Én giãy nảy đáp:
– Tôi không thể làm điều đó được!
Nhưng cuối cùng, do hoàng tử nài nỉ, Én không còn cách nào khác.
Én lại dùng mỏ cố nậy viên ngọc bích ở mắt hoàng tử. Én mang nó đến lẳng lặng đặt lên bàn cho chàng nhà văn.
Chàng trai trẻ đói xỉu người phải ra giường ngồi nghỉ. Một lúc sau, chàng quay về bàn uống nước lấy sức để viết tiếp câu chuyện đang dở dang. Chàng thấy một vật long lanh. Cầm lên xem, chàng nhận ra đó là một viên ngọc bích.
– Ôi! Thật kỳ diệu! Xin cảm ơn Trời Đất! Con sẽ bán vật này để mua cái ăn. Con sẽ khỏe lên và có thể tiếp tục viết thật nhiều truyện cho trẻ nhỏ. Các em chắc sẽ mừng lắm!
Chàng nhà văn trẻ bán viên ngọc bích, mua được bao đồ ăn, thức uống bồi bổ sức khỏe.
Hôm sau, Én lại nói lời chia tay với hoàng tử:
– Hoàng tử kính mến ơi! Tôi phải rời khỏi đây ngay để bay về phương nam. Nếu không thì không kịp! Tôi sẽ chết cóng mất! Thôi! Tạm biệt hoàng tử!
– Én ơi! Đừng vội đi! Ta mong Én cố giúp ta một việc này nữa thôi! Én có thấy cô bé đang khóc trên đường kia không? Cô bé rao bán diêm đến lạc cả giọng, nhưng không ai mua cho. Đói quá, cô bé lẩy bẩy làm đổ hết diêm xuống vũng nước. Diêm khô đã không ai mua thì còn nói gì diêm ướt! Cô bé không dám trở về nhà, vì sợ ông bố say rượu hành hạ. Ta muốn nhờ Én lấy nốt viên ngọc ở mắt còn lại mang cho cô bé!
Én sững sờ bảo:
– Nếu vậy, hoàng tử sẽ không nhìn thấy gì nữa!
– Không sao đâu! Ta còn trái tim nhạy cảm có thể nhìn thấy mọi thứ ở mọi nơi! Én làm ơn giúp ta với!
Én không thể làm theo lời hoàng tử. Nhưng hoàng tử chân thành nài nỉ, Én không đành lòng từ chối.
Mỏ Én vừa đụng vào viên ngọc xanh biếc thì màu xanh nhạt nhòa qua hàng nước mắt đang trào trên mi Én. Én cậy ngọc mà lòng nức nở khóc.
Én mang ngọc đến trao cho cô bé bán diêm. Cô bé không biết hết giá trị của ngọc. Nhưng thấy nó ngời sáng, cô bé mừng rỡ nói:
– Cảm ơn Én! Chắc cái này thừa đủ số tiền mà tôi bán hết diêm. Tôi không còn lo sợ bị đánh nữa!
Én bay về đậu trên vai hoàng tử. Nhìn hoàng tử, Én xót xa vô cùng. Én không nỡ rời hoàng tử. Én quyết định:
– Hoàng tử kính mến! Tôi sẽ ở lại đây! Tôi sẽ ở lại bên hoàng tử! Hoàng tử không còn nhìn thấy gì nữa. Tôi sẽ dùng đôi mắt của tôi nhìn mọi thứ, rồi kể lại với hoàng tử.
Hoàng tử hoảng hốt bảo:
– Én ơi! Mùa đông tới gần lắm rồi! Nếu Én không bay về phương nam trú rét ngay thì sẽ muộn đấy! Én sẽ bị chết cóng mất!
– Tôi đã quyết rồi! Tôi sẽ không đi đâu hết!
Hoàng tử nói thế nào Én vẫn một mực đòi ở lại bên hoàng tử.
Trời vừa sáng, Én đã bay đi khắp nơi trong thành phố. Én về kể lại hoàng tử nghe bao nỗi khổ đau của những người nghèo túng và bao thiếu thốn của các đứa trẻ đói rách.
Từ hai hốc mắt đã mất của hoàng tử rỉ ra những hàng lệ xót thương. Hoàng tử nghẹn ngào bảo:
– Én hãy gỡ các miếng vàng dát trên người ta, rồi mang tới cho các người túng thiếu và lũ trẻ không may mắn đó!
Én dùng mỏ gỡ những miếng vàng dát. Én kẹp chúng trong chiếc mỏ rớm máu. Én bay khắp thành phố mang chúng tặng những người nghèo và trẻ nhỏ khó khăn.
Mùa đông đã tới. Én rét run. Nhưng Én vẫn bay. Én vẫn quên mình mang niềm vui tới cho những con người bất hạnh. Nhờ vậy, họ có đủ cái ăn, cái mặc chống trọi với gió buốt, trẻ nhỏ được khỏe mạnh.
Vàng trên người hoàng tử ngày một bị tróc dần, tróc dần…
Và rồi các lá vàng đã bị bóc hết.
Những bông tuyết trắng bắt đầu rơi. Cả thành phố chìm trong tuyết.
Én không còn bay được nữa. Én run rẩy nép bên hoàng tử. Hoàng tử trìu mến nhìn Én và bảo:
– Én ơi! Ta xin lỗi Én! Ta còn một việc cuối cùng muốn nhờ Én. Én hãy bay ngay về phương nam ấm áp! Ở đây Én sẽ chết mất!
Én lập cập đáp:
– Không… Không sao đâu! Tôi… Tôi không… còn đủ sức… bay nữa! Bây giờ tôi muốn…mãi mãi ở bên hoàng tử.
Sáng hôm sau, Én nằm chết cứng trên đống tuyết bên hoàng tử.
Một quan chức của thành phố đi ngang qua quảng trường. Nhìn thấy pho tượng, vị nọ thốt lên:
– Pho tượng hoàng tử bị bẩn thế này từ lúc nào vậy? Nó làm xấu cả thành phố chúng ta!
Tượng liền bị hạ xuống. Nó bị đem đi nung chảy. Nhưng có điều kỳ lạ là không thể đun chảy trái tim tượng.
Người ta ném trái tim vào hố rác bên xác Én.
Một hôm, Thượng đế lệnh cho các thiên sứ:
– Hãy xuống trần thế kiếm cho ta hai báu vật quý nhất và mang lên thiên đường!
Tuân lệnh Thượng đế, các thiên sứ đem về dâng Người trái tim Hoàng tử Hạnh Phúc và xác Én.
Thượng đế đã biết rõ hành động cao đẹp của hoàng tử và Én. Do vậy, vừa thấy trái tim và xác Én, Người phán:
– Đây quả là những báu vật rất đáng được người đời chiêm ngưỡng!
Thượng đế liền ban cho Hoàng tử Hạnh Phúc và Én linh hồn bất tử. Cả hai cùng bay lên thiên đường.
Từ trên thiên đường, Hoàng tử Hạnh Phúc với trái tim nhân hậu, hiền từ và Én bây giờ vẫn luôn nhìn chúng ta.
Cả hai đều ước mong sao chúng ta sẵn sàng mở rộng tấm lòng để giúp đỡ những người gặp hoạn nạn, khó khăn.