Top 6 Truyện cổ tích về tinh thần đoàn kết hay nhất

Phương Kem 15479 0 Báo lỗi

“Đoàn kết” là một truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa đến nay của dân tộc ta. Tinh thần đoàn kết cũng được xuất hiện rất nhiều trong các câu chuyện cổ tích và ... xem thêm...

  1. Ở ngoài một ngôi làng nọ, có một cây đa rất lớn. Phía trên cây, có nhiều loại chim khác nhau làm tổ. Còn dưới những tán lá, khách bộ hành thường ngồi lại nghỉ ngơi sau khi đi một chặng đường dài. Một ngày nọ, có một người thợ săn đến khu vực này và nhìn thấy trên cây có rất nhiều chim. Anh ta tìm cách đặt bẫy những chú chim này, nhưng một con quạ đã biết được điều đó và cảnh báo cho những con chim khác.


    Đúng lúc này, có một đàn chim bồ câu đang bay gần đó. Chúng nhìn thấy có rất nhiều hạt thóc nên đã sà xuống ăn. Chẳng mấy chốc, chúng bị mắc kẹt trong chiếc lưới của người thợ săn. Dù rất sợ hãi nhưng con chim đầu đàn đã nghĩ ra một kế hoạch. Nó bảo với cả đàn: “Trong khi người thợ săn chưa quay về, chúng ta hãy hợp lực lại để mổ rách chiếc lưới này. Sau đó, một con sẽ thoát ra và tìm kiếm sự giúp đỡ”.


    Các chú chim bồ câu đều đồng lòng, hợp sức lại để cắn rách chiếc lưới. Khi chiếc lưới đã rách, con chim đầu đàn nhanh chóng bay khỏi chỗ đó. Nó nghĩ: “Bây giờ mình phải bay đến nhà chuột để nhờ các bạn ấy cắn rách chiếc lưới”.


    Nghĩ sao làm vậy, chú đã bay thẳng đến chỗ của chuột nhờ giúp đỡ. Chẳng bao lâu, cả đàn chuột kéo đến và cắn chiếc lưới rách tan tành. Đàn bồ câu liền bay vút lên trời cao.


    Bài học: Đoàn kết luôn mang đến sức mạnh vô địch. Để dạy bé biết được những ý nghĩa cao đẹp này, bố mẹ nên thường xuyên kể cho bé nghe những câu truyện hay như thế này.

    Người thợ săn và những chú chim bồ câu
    Người thợ săn và những chú chim bồ câu
    Người thợ săn và những chú chim bồ câu

  2. Thím Vịt bận đi chợ xa đem con đến gởi bác gà mái mẹ. Gà mái mẹ gọi con ra chơi với Vịt con. Gà con xin phép mẹ dẫn Vịt con ra vườn chơi và tìm giun để ăn, gà con nhanh nhẹn đi trước. Vịt con lạch bạch theo sau. Thấy Vịt con chậm chạp, Gà con tỏ ra không thích lắm. Ra tới vườn, Gà con lấy hai chân bới đất tìm giun. Ngón chân của Vịt có màng không bới đất được. Vịt con cứ lạch bạch khiến đất bị nén xuống. Gà con không tài nào tìm giun được. Gà con tức quá nói với Vịt con:

    – Bạn chẳng biết bới gì cả, bạn đi chỗ khác chơi để tôi bới một mình vậy.


    Vịt con thấy Gà con cáu với mình cũng buồn, liền bỏ ra ao tìm tép ăn. Một con Cáo mắt xanh, đuôi dài nấp trong bụi rậm, thấy Gà con đi tìm mồi một mình định nhảy ra vồ. Gà con sợ quá vội ba chân bốn cẳng chạy ra bờ ao. Gà con vừa chạy vừa kêu: “Chiếp, chiếp, chiếp!”.


    Vịt con đang lặn ngụp tìm tép, nghe tiếng bạn gọi vội lướt nhanh vào bờ kịp cõng bạn ra xa. Cáo chạy tới bờ đã thấy Gà và Vịt đang ở gần ao sâu. Chờ mãi không được, Cáo liếm mép và bỏ đi. Nhờ Vịt có đôi chân như mái chèo bơi rất nhanh mà Gà con thoát chết… Lúc này Gà con mới thấy việc mình đuổi Vịt con là không tốt, và xin lỗi bạn. Vịt con không giận mà còn mò tép cho gà con ăn.


    Từ đấy mỗi khi Vịt con đến chơi. Gà con mừng tíu tít đi tìm giun cho Vịt con ăn. Gà con nhanh nhẹn đi trước, Vịt con lạch bạch theo sau. Hai bạn gà và Vịt rất quý mến nhau.


    Bài học: Chúng ta phải sống đoàn kết, tôn trọng người khác bé nhé.

    Đôi bạn tốt
    Đôi bạn tốt
    Đôi bạn tốt
  3. Ngày xửa ngày xưa, trong một khu rừng nọ, có một Gấu mẹ đã già và hai chú gấu con sống với nhau.

    Một hôm hai chú Gấu thưa với mẹ:

    - Thưa mẹ, hai chúng con đã khôn lớn, xin mẹ cho chúng con tự đi kiếm thức ăn.

    Gấu mẹ ôm lấy hai con, ân cần căn dặn mọi điều. Hai Gấu con từ biệt mẹ ra đi. Chúng đi mãi mà vẫn chưa tìm được thứ gì để ăn, trong khi bụng đã đói meo.

    Bỗng ngay trên đường đi có một miếng phó mát lớn. Thật là sung sướng. Hai chú Gấu con cùng vồ lấy, định chia thành hai phần đều nhau. Nhưng hễ chú này định bẻ làm đôi thì chú kia giật lại vì sợ chiếm mất phần hơn. Miếng ăn trước mặt, lòng tham nổi lên, hai anh em quên cả lời mẹ dặn.

    Hai chú Gấu đầu tiên còn cãi nhau, về sau lớn tiếng tranh giành kịch liệt. Vừa lúc ấy, một con Cáo già đi tới. Cáo hỏi:

    Hai cậu làm gì mà ỏm tỏi thế?

    Hai chú Gấu con kể lại chuyện rắc rối về việc chia phó mát.

    Cáo già nói:

    - Chuyện ấy có gì mà rắc rối. Đưa đây, tôi chia hộ cho thật đều nhau. Cậu em sẽ được một phần bằng phần của cậu anh.Hai anh em gấu mừng rỡ reo lên:

    - Thế thì hay quá! Bác chia hộ cho.

    Cáo cầm lấy miếng phó mát bẻ làm đôi. Nhưng nó cố ý bẻ thành hai phần to, nhỏ khác nhau rõ rệt.

    Hai chú Gấu cùng vội vàng nói:

    - Miếng này to hơn rồi!

    Cáo già bình thản đáp:

    - Không hề gì! Nếu miếng này to tôi sẽ sửa lại ngay thôi mà!

    Nói xong, Cáo đưa phần to lên mồm cắn một miếng rõ to rồi nhai ngấu nghiến.

    Phần to trở thành phần nhỏ. Hai Gấu con lại kêu lên:

    - Hai phần này lại không bằng nhau rồi!

    Cáo già liếc mắt nhìn hai chú Gấu ra vẻ thông cảm:

    Không sao, không sao, tôi sửa lại cho đều ngay.

    Cáo lại há mồm ngoạm một miếng khá lớn ở phần to. Phần to lại hoá nhỏ hơn. Hai chú Gấu con lại hậm hực gào lên:

    - Lại không đều! Hai phần vẫn không đều!

    Cáo liếm mép rồi an ủi hai chú Gấu con:

    - Được rồi, được rồi, chỉ cần sửa lại một tí là hai phần đều nhau thôi.

    Cứ như vậy, Cáo chén hết miếng này đến miếng khác. Hai chú Gấu con thèm nhỏ dãi, cứ hếch mũi lên xem phần nào to hơn, phần nào nhỏ hơn. Cáo chén no bụng rồi mới chia cho hai phần đều nhau. Và lúc bấy giờ thì mỗi phần chỉ còn là một mẩu bé tí.

    Cáo nói:

    - Xong rồi, bây giờ thì hai phần tuy bé nhưng rất đều nhau đấy! Chúc hai cậu ăn ngon và đừng có tranh nhau nữa.

    Cáo cười khì khì, ve vẩy đuôi và chuồn thẳng.


    Bài học: Hai anh em phải biết nhường nhịn, đoàn kết và thương yêu nhau bé nhé. Nếu chỉ biết tranh giành nhau thì sẽ bị kẻ xấu lợi dụng như Cáo già trong câu chuyện đấy.

    Hai chú gấu tham ăn
    Hai chú gấu tham ăn
    Hai chú gấu tham ăn
  4. Có một người cha trước khi chết gọi ba người con trai đến bên giường, đưa cho họ một bó tên và bảo:

    – Các con hãy thử bẻ bó tên này xem ai có thể bẻ gãy được.


    Người con cả gắng hết sức nhưng không thể bẻ nổi bó tên. Người con thứ cũng bẻ, nhưng vô ích. Người con út lấy hết sức bình sinh để bẻ, bó tên vẫn không bị gãy một chiếc nào.


    Người cha cầm lấy bó tên và tháo ra, rồi bẻ từng chiếc một, không cần mất sức cũng bẻ gãy hết rồi ôn tồn nói với các con:
    – Đó chính là sức mạnh của sự đoàn kết. Nếu các con biết đoàn kết với nhau thì không ai có thể đánh bại được các con. Hãy hứa với cha rằng, ba con sẽ chung sống hoà thuận và đoàn kết, thương yêu nhau sau khi cha nhắm mắt xuôi tay. Nói xong, người cha trút hơi thở cuối cùng.


    Người cha chết đi để lại cho các con rất nhiều tài sản, nhưng lại không nói phải phân chia như thế nào. Ba anh em đền tranh lấy phần hơn, không ai chịu nhường ai. Thế rồi, họ dứt khoát chia riêng rẽ mỗi người một gian nhà và không qua lại với nhau nữa, quên hẳn lời cha dặn trước khi qua đời.


    Không lâu sau, có một chủ nợ đến nhà, đòi 3 anh em phải trả món nợ mà cha họ đã vay trước đây. Ba anh em đùn đẩy nhau, không ai chịu trả nợ cho cha. Chủ nợ kiện 3 người lên quan. Quan phủ bắt 3 anh em mỗi người phải bỏ ra một phần đủ để trả món nợ. Họ vẫn ngoan cố không chịu. Quan phủ liền tịch thu tải sản của họ. Tới lúc ấy, họ mới nhớ tới lời dặn dò của cha, nhưng hối hận thì đã muộn mất rồi.


    Bài học: Có câu “Một cây làm chẳng lên non”, khi gặp khó khăn, nếu đoàn kết một lòng thì nhất định sẽ vượt qua.

    Người cha và bó tên
    Người cha và bó tên
    Người cha và bó tên
    Người cha và bó tên
  5. Ngày xưa, có một người nhà giàu sinh được năm người con. Vì được nuông chiều họ sinh ra lười biếng, ích kỷ và ỷ lại. Khi đã trưởng thành, mỗi người đều có một cơ ngơi nhưng luôn ganh tị lẫn nhau vì những của cải mà cha mẹ cho. Người cha cố gắng để khuyên can họ nhưng vô ích, vì vậy ông rất đau lòng.


    Ít lâu sau người cha bị bệnh nặng, biết mình không qua khỏi, một hôm ông gọi năm người con đến và bảo gia nhân đem ra một bó đũa. Năm người con ngơ ngác không hiểu người cha có ý định gì, ông cầm lấy bó đũa và bảo từng người hãy bẻ đi, người con nào cũng gắng hết sức mình nhưng không sao bẻ nổi, lúc đó người cha lại bảo:
    - Các con hãy bẻ từng chiếc một xem sao.


    Lập tức năm người con bẻ một cách dễ dàng. Lúc đó người cha mới nói:
    - Các con ạ, bó đũa ví như năm anh em các con đó, nếu mỗi người các con đều chung tay gánh vác mỗi người một việc thì không kẻ thù nào làm các con gục ngã, còn nếu các con chỉ biết đến bản thân mình thì sẽ trở nên lẻ loi và bị thất bại trong cuộc đời. Nếu các con đoàn kết và thương yêu lẫn nhau thì cha mới có thể yên tâm mà nhắm mắt.


    Nghe xong, năm anh em mới hiểu lời người cha dạy, họ rất hối hận với những việc đã làm. Từ đó họ sống hòa thuận và đoàn kết, thương yêu lẫn nhau.


    Bài học: Qua câu chuyện bó đũa người đọc học được một bài học sâu sắc về tình đoàn kết trong mối quan hệ giữa con người với con người. Sống đoàn kết giúp chúng ta tạo dựng được mối quan hệ xã hội tốt, gắn bó giữa người với người hay anh em ruột thịt với nhau.

    Câu chuyện bó đũa
    Câu chuyện bó đũa
    Câu chuyện bó đũa
    Câu chuyện bó đũa
  6. Chuyện Quả bầu là truyện cổ tích của dân tộc Khơ Mú, kể về nguồn gốc của các dân tộc trên đất nước ta, qua đó nói lên tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc.


    1. Vợ chồng người đi rừng và con dúi

    Ngày xửa ngày xưa, có hai vợ chồng đi rừng, bắt được một con dúi. Dúi lạy van xin tha, hứa sẽ nói một điều bí mật. Hai vợ chồng thương tình tha cho. Dúi báo sắp có mưa to gió lớn làm ngập lụt khắp nơi. Nó khuyên họ lấy khúc gỗ to, khoét rỗng, chuẩn bị thức ăn đầy đủ bảy ngày, bảy đêm, rồi chui vào đó, bịt kín miệng gỗ bằng sáp ong, hết hạn bảy ngày hãy chui ra.

    Hai vợ chồng làm theo. Họ còn khuyên bà con trong bản cùng làm nhưng chẳng ai tin. Hai người vừa chuẩn bị xong thì sấm chớp đùng đùng, mây đen ùn ùn kéo đến. Mưa to, gió lớn, nước ngập mênh mông. Muôn loài đều chết chìm trong biển nước. Nhờ sống trong khúc gỗ nổi như thuyền, hai vợ chồng thoát nạn. Sau bảy ngày, họ chui ra. Cỏ cây vàng úa. Mặt đất vắng tanh không còn một bóng người.

    2. Câu chuyện quả bầu và nguồn gốc các dân tộc anh em

    Ít lâu sau, người vợ sinh ra một quả bầu. Thấy chồng buồn, chị đem bầu cất lên giàn bếp.

    Một lần, hai vợ chồng đi làm nương về, nghe thấy tiếng cười đùa trong bếp. Lấy làm lạ, họ lấy quả bầu xuống, áp tai nghe thì thấy có tiếng lao xao. Người vợ lấy que đốt thành cái dùi, rồi nhẹ nhàng dùi quả bầu.

    Lạ thay, từ trong quả bầu, những con người bé nhỏ nhảy ra. Người Khơ Mú nhanh nhảu ra trước, dính than nên hơi đen. Tiếp đến, người Thái, người Mường, người Dao, người Hmông, người Ê-đê, người Ba Na, người Kinh,… lần lượt ra theo.

    Đó là tổ tiên của các dân tộc anh em trên đất nước ta ngày nay.

    Câu chuyện Quả bầu
    Câu chuyện Quả bầu
    Câu chuyện Quả bầu
    Câu chuyện Quả bầu




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy