Top 10 Tản văn viết về hoàng hôn hay nhất
Nếu bình minh xuất hiện và tượng trưng cho những điều tươi đẹp, mới mẻ sắp đến thì hoàng hôn lại mang những nỗi buồn sâu lắng của thiên nhiên và con người. ... xem thêm...Hoàng hôn là để gợi nhắc cho con người ta thấy sắp kết thúc một ngày hoặc sự chia ly với một ai đó, tất cả dường như khiến hoàng hôn nhuốm màu tâm trạng. Cùng Toplist khám phá một số bài tản văn hay viết về hoàng hôn hay nhất qua bài viết dưới đây để hiểu hơn nhé.
-
Có những chiều hoàng hôn bình yên đến lạ!
Những ngày xa quê, con người ta lại man mác nỗi nhớ nhà, nhớ từ cái võng còn mắc trên những niềm thương của mẹ đến cái bếp quen thuộc, cái xe đạp cũ kĩ và nhớ cả buổi chiều đầy thương nhớ.
Thật vậy đấy, mỗi lần về quê, tôi rất thích ngắm hoàng hôn, hoàng hôn ở quê nó khác xa hoàng hôn trên thành phố. Nghĩ cũng lạ nhỉ? Tôi tự hỏi rằng tại sao hoàng hôn ở quê lại bình yên đến như vậy. Mọi mệt mỏi của một ngày làm việc đều được xua tan đi khi ngắm nhìn nắng chiều vàng vọt của một trời hoàng hôn yên bình, lả lướt. Thời khắc đẹp nhất của hoàng hôn là khi những tia nắng vàng mong manh còn vương lại, cả không gian đất trời như bao trùm một màu vàng cam tuyệt đẹp.
Tôi nhớ lúc nhỏ bạn tôi từng hỏi tôi rằng: “Cậu thích ngắm bình minh hay hoàng hôn”. Tôi liền đáp lại rằng: “Mình thích ngắm hoàng hôn! Vì muốn ngắm bình minh mình phải thức sớm”. Nhưng giờ đã lớn, tôi vẫn thích ngắm hoàng hôn đơn giản vì tôi cảm thấy hoàng hôn là khoảnh khắc yên ắng nhất, lãng mạn và đẹp nhất trong ngày.
Hoàng hôn quê tôi thật đẹp. Khi hoàng hôn buông xuống chính là lúc mặt trời đi ngủ nhường chỗ lại cho mặt trăng hay những vì sao đêm tỏa sáng. Vào chính là thời khắc chuyển giao từ một ngày làm việc vất vả sang một đêm nghĩ ngơi yên ả đó, cả một vùng quê khoác lên mình một chiếc áo màu vàng như mật. Cái cảm giác ngắm cái màu vàng cam của hoàng hôn thật thích. Tôi ước cái khoảnh khắc những tia nắng còn sót lại của buổi chiều tà và cái màu vàng cam thật lãng mạn đó có thể dừng lại để tôi ngắm thật kĩ, cảm nhận thật sâu...
Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác cùng đi ngắm hoàng hôn với lũ bạn trong xóm. Hôm đó, tụi bạn tôi rủ nhau ra đồng mót lúa, lụm trứng vịt vì mùa lúa vừa mới gặt xong. Khi chúng tôi chuẩn bị về thì cũng đúng lúc hoàng hôn đang dần buông xuống. Thế là cả đám rủ nhau ngồi lại ngắm hoàng hôn. Bọn trẻ chúng tôi như đang muốn bắt lấy cái màu tuyệt đẹp ấy của hoàng hôn. Từ phía Tây lấp ló những mái nhà với những ngọn khói hun hút tạo nên một khung cảnh như thơ, thật đẹp và thật bình yên đến lại. Khi hoàng hôn đang dần buông xuống trên cánh đồng bao la, bạt ngàn thì phía trên bầu trời những cánh cò đang vội vã xoãi cánh bay về tổ sau một ngày kiếm ăn vất vả, cánh cò trắng mềm mại hòa vào rực rõ của hoàng hôn khiến tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của tác giả Nguyễn Đình Thi:
“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”
Bức tranh thiên nhiên thật đẹp mang đến cho người xem một cảm giác thật thanh bình và an nhiên. Hoàng hôn là lúc chúng ta tụ họp lại sau một ngày làm việc vất vả, có những tiếng chào của các bác nông dân hay tiếng cười đùa của bọn trẻ, tiếng gọi về ăn cơm của má tôi. Những âm thanh đó thật chân thật và chan chứa tình yêu thương. Đó là thanh âm tôi không thể nào quên được. Có những lúc tôi vấp ngã hay mệt mỏi với những áp lực của cuộc sống tôi chỉ ước mình đang ngắm hoàng hôn trên cánh đồng quê.
Chúng ta thường nghe nói hoàng hôn là sự kết thúc, nhưng sự kết thúc ở đây chính là sự bắt đầu cho một cái gì đó. Chúng tôi gọi đùa với nhau là “Bắt đầu từ một kết thúc”. Khi ngắm nhìn hoàng hôn ta cảm thấy lòng mình có chút gì đó hơi tiếc nuối, nhưng bạn hãy trân trọng cái khoảnh khắc đẹp đẽ ấy vì nó sẽ không bao trở lại bởi mỗi buổi chiều, cảnh chiều chính là một kiệt tác khác nhau, một món quà đặc biệt mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta.
Hoàng hôn trên quê hương tôi bình dị như vậy nhưng nó chứa đựng tất cả những tình cảm, những cái đẹp đẽ nhất, thi vị nhất của thiên nhiên. Nó không đơn thuần là một thời điểm giao hòa mà nó còn là cả tuổi thơ của tôi, là cả một vùng trời đầy kỉ niệm mà tôi không thể nào quên được. Hoàng hôn đối với tôi luôn đặc biệt như vậy, luôn bình yên như vậy và luôn mang một nét đẹp không hòa lẫn được. Nó chính là miền kí ức tươi đẹp của tôi mà khi nhớ đến lại có chút bồi hồi…
Triệu Vy
-
Kết thúc đẹp như một chiều hoàng hôn
Trong mỗi thời khắc trôi qua của cuộc đời con người, dẫu là bao nhiêu thăng hoa hay thậm chí là cả những khoảng trầm, dẫu là những cơ hội mới hay những câu chuyện cũ còn dang dở thì người ta đều khó mà không bận lòng đến một khoảnh khắc duy nhất – thời điểm của sự kết thúc.
Khi một thứ gì đó đến lúc phải dừng lại, như một chuyến du lịch đến ngày phải quay về, như một cuốn sách, một bộ phim hay đã gần đến hồi kết, như một mối quan hệ đã vang lên hồi còi vãn cuộc, chúng ta thường không tránh khỏi những sự tiếc nuối vô hình và cảm giác lưu luyến không ngừng.
Chúng ta sẽ lại nghĩ nhiều về khoảnh khắc mọi thứ bắt đầu, chìm đắm trong những hồi ức đẹp đẽ, trong những giây phút mà ta ngỡ rằng mình hạnh phúc nhất, để rồi gặp khó khăn trong việc đối diện với hiện thực ngay trước mắt. Rằng tất cả đã sớm chấm dứt, rằng mọi cuộc vui, mọi niềm hạnh phúc đều có thời hạn của nó.
Đặc biệt là sự kết thúc của một mối quan hệ tình cảm, vốn dĩ mọi thứ vẫn đang lành lặn, từ lúc nào đã xuất hiện những vết nứt và sự đổ vỡ đã âm ỉ bắt đầu?
Mặc cho lý trí ta không ngừng nhắc đi nhắc lại, về cách mọi chuyện đi đến hồi kết như thế nào, về việc người mình yêu thương đã không còn cảm xúc với mình, về việc bản thân mình đã chịu đựng quá nhiều thương tổn. Trái tim ta vẫn bỏ ngoài tai mọi lời cảnh báo, mọi dấu hiệu đang hiện lên ngày một rõ ràng mà tiếp tục níu kéo, tiếp tục mù quáng chính mình bằng những lời biện minh vô căn cứ, tiếp tục ôm chặt lấy tất cả dù đôi bàn tay đang bỏng rát.
Nhiều khi người ta thà chấp nhận những vết thương lòng vẫn hơn là buông bỏ một mối quan hệ mà mình đã dành cho nó quá nhiều sự kỳ vọng và tình cảm.
Họ có thể sống với những lỗ hổng bị chắp vá chằng chịt trong tâm hồn mình, có thể sống trong những đêm dài buồn bã và đớn đau cùng cơn ác mộng triền miên, có thể khoác lên mình tấm vỏ bọc màu hồng giả dối. Tất cả chỉ để họ được tiếp tục giữ lấy những điều đẹp đẽ, hoặc ít nhất đã từng như thế, với người mà họ nặng lòng vô cùng.
Có lẽ sau cùng, chúng ta chỉ sợ phải đối diện với nỗi đau của sự kết thúc – nhất là với những điều mà ta vô cùng trân trọng, những điều mà ta đã đánh đổi bằng mọi công sức, mọi nỗ lực, mọi thứ có thể để gìn giữ và bảo vệ nó. Chúng ta không thể chấp nhận được một điều, đó là có những thứ chỉ cố gắng thôi là không đủ, không thể chấp nhận sự bất lực của chính mình, không thể chấp nhận rằng sau cùng, sự kết thúc cũng xảy đến với chúng ta.
Một thứ đã từng đẹp đẽ như thế, đã có một khởi đầu thuận lợi như thế, đã có những điều đặc biệt đến thế, đã có thể đi đến một kết quả mãn nguyện, tưởng chừng như đã gần chạm tay được vào hạnh phúc. Ấy vậy mà nó vẫn tan biến chỉ để lại sự hụt hẫng tột cùng, buồn bã tột cùng, như vệt nắng chiều ta thấy lấp lánh trên khung cửa sổ mà chẳng cách nào giữ lấy, chẳng cách nào cất được đi.
Ai có thể chấp nhận nổi cơ chứ, khi họ là những người đã cho đi quá nhiều công sức, nhiều sự mong chờ và gửi gắm vào đó tất cả trái tim mình?
Ai có thể nói rằng “tôi ổn mà” sau khi đã mất đi một nửa phần hồn mình, thả trôi mọi thứ theo những vỡ tan của cơn mưa ngoài kia, để đối diện với nỗi thất vọng và sụp đổ của những thứ mình đã dành tất cả để xây dựng lên?
Trong cuốn “Hoàng tử bé”, Saint Exupéry đã nói rằng "Người ta chỉ ngắm hoàng hôn khi họ cảm thấy buồn". Có lẽ đối với nhiều người, hoàng hôn chính là tượng trưng cho một sự kết thúc đẹp đẽ và êm đềm vô cùng. Nó làm dịu lòng người bằng thứ sắc màu đỏ cam, chầm chậm tan trên nền trời, như viên kẹo ấm áp, lan toả dấu ấn của mình.
Người ta yêu hoàng hôn cũng là bởi người ta yêu cái cách nó chậm rãi khép lại một ngày và nhường chỗ cho màn đêm buông xuống và cũng là bởi, người ta mong cầu những sự kết thúc đến với mình đều sẽ bình yên và trầm lặng như vậy.
Nhưng mỗi chúng ta đều nên hiểu rằng, mình chỉ ngắm nhìn hoàng hôn từ xa, đâu biết được bản thân nó là một vật thể vô cùng nóng rát, phủ kín quanh thân mình thành một quả cầu lửa khổng lồ. Bên trong sự yên bình đẹp đẽ ấy là những ngọn lửa khốc liệt, là những vết nứt ngang dọc trên bề mặt và là một ngôi sao khổng lồ cô đơn.
Những điều đẹp đẽ vĩnh cửu đều được xây dựng trên nền móng của sự khốc liệt và dữ dội.
Hoàng hôn đẹp là vì nó đã trải qua cả một ngày dài rực rỡ và chói sáng, toàn thân không ngừng bốc cháy. Chúng ta muốn biến những nỗi thất vọng thành mầm sống, muốn biến những kết thúc thành sự khởi đầu mới mẻ, chúng ta cũng phải học cách yêu lấy những vụn vỡ và cằn cỗi bên trong tâm hồn mình.
Vậy nên có thể nói, hoàng hôn vừa là sự kết thúc, vừa là khởi đầu. Bởi nếu không có sự xuất hiện của hoàng hôn, cũng như không có sự chấm dứt của những mối quan hệ không phù hợp thì chúng ta sẽ chẳng thể nào biết được điều mình thật sự cần là gì cũng như có thể bình lặng mà ngắm nhìn khoảnh khắc hoàng hôn rơi.
Dẫu cho sự kết thúc có là một nỗi buồn sâu thẳm, cũng hãy biến nó trở thành một nỗi buồn đẹp đẽ và yên bình, khi ấy hoàng hôn dẫu có trầm lặng đến mấy, cũng đã khuất dần dáng vẻ buồn thương.
Tác giả: Lido
-
Tôi yêu em vào một buổi chạng vạng ánh hoàng hôn
Tôi yêu em vào một buổi nắng chiều chạng vạng ánh hoàng hôn, khi em quay lại nhìn ai đó rồi cười rạng rỡ, lúc ấy, tôi biết rằng tôi không thoát nổi em rồi. Thực sự em quá cuốn hút! Ánh chiều nhợt nhạt rải đều trên hàng cây ven đường vì nụ cười của em mà trở nên giòn tan lạ thường.
Tôi không biết em là ai, em ở đâu, chỉ biết rằng tôi say em hơn cả say một loại rượu quý. Thần trí tôi lúc bấy giờ lâng lâng, đê mê, nó bay theo em, rong ruổi trên nẻo đường xa lạ. Tôi còn chẳng đuổi theo em, xin em địa chỉ cũng như cách liên lạc nữa, nghĩ lại cũng thật buồn cười.
Đến khi bóng tối lờ mờ xuất hiện, ánh đèn đường vàng soi rọi một góc, tôi mới bừng tỉnh khỏi cơn mê. Say một người chính là như thế này ư?
Mấy ngày sau, nỗi nhớ cứ thế điên cuồng cào cấu, cắn xé tôi đã hơn một lần trách mình thật ngu ngốc. Lẽ ra lúc đó tôi nên chạy đến bên em, làm quen và hẹn gặp em một ngày nào đó. Thế mà tôi chỉ biết nhìn em đến ngây người, nhìn như khảm em vào tận trong tim.
Tôi sợ mình sẽ lỡ mất em, lỡ em rồi thì tôi biết làm sao đây?
Và dường như số phận đã an bài cho đôi ta, tôi gặp lại em vào một ngày mưa khi em đang nhâm nhi tách cà phê ở một quán nhỏ gần nơi tôi làm việc. Em ngồi đó một mình, vẻ mặt em không được tốt lắm.
Em nhấm nháp vị đắng trong ly như nhấm nháp nỗi đau của chính mình, tôi đoán vậy. Có vẻ như em đã trải qua chuyện gì đó khổ tâm lắm. Tôi nhớ nụ cười khi xưa của em quá. Và rồi trái tim thôi thúc, tôi tìm đến khoảng trống bên em, tâm sự, lấp đầy nỗi cô đơn bằng cách của riêng tôi.
Tôi thật tâm muốn bảo vệ em, muốn yêu thương em.
Em biết không, người ta nói rằng, tình yêu là sự cho và nhận từ hai phía, em không thể để mình tôi trao gửi thương yêu như thế này mãi được. Em không yêu tôi ư? Em không yêu tôi vậy sao còn đồng ý để tôi bước vào cuộc sống của em? Tôi chẳng thể hiểu nổi em.
Vẫn nhớ như in hôm đó, tôi và em có một trận cãi vã lớn. Tôi không chịu nổi sự lạnh nhạt thờ ơ của em nữa rồi, còn em, hình như cũng muốn cuộc tình này chấm dứt. Tôi đau đớn nắm chặt bả vai em, hỏi em một câu đối với em, tôi là gì, đã có một giây phút nào em yêu tôi chưa.
Em thét gào lên, em nói em không tốt, em không xứng với tình yêu của tôi, em không có cách nào nguôi ngoai được mất mát; khổ đau vẫn luôn đeo bám hành hạ em từng ngày, từng giờ.
“Em chưa thể quên được anh ấy!”
Hóa ra đây là lí do cho tất cả sự ngụy biện của em lúc trước, là em quên không nổi tình cũ. Đôi tay tôi buông thõng, vô lực đi ra khỏi căn phòng, giẫm đạp lên thương tổn mà em vừa trao tặng, tình yêu của tôi không đủ lớn cho em có đúng không?
Tôi với em hợp nhau vô cùng, nếu đến bên em vào một thời điểm khác, vào lúc em có thể thôi nhung nhớ và sẵn sàng bắt đầu lại thì có lẽ đôi ta sẽ yêu nhau hạnh phúc, em nhỉ? Em bị mảnh vỡ kí ức cứa đến chảy máu nhưng em chọn cách tự băng bó vết thương mà không cần tôi, tôi buông tay em là đúng, phải không em?
Phạm Yến Thương -
Sài Gòn và chuyến tàu hoàng hôn
Những ngày cuối cùng của tháng Mười, cũng là cuối của mùa thu Hà Nội, đã có lúc cơn gió mùa chợt đến mang theo chút lạnh để người ta ngỡ ngàng cứ tưởng đông đã sang. Nhưng không phải, mùa đông giống như một “soái ca” vậy, cho dù anh chưa đến mà chỉ nói là “sẽ đến” thì cả không gian đã như tỏa ra một thứ khí chất khiến cho tất cả phải thảng thốt, và cứ háo hức, cứ mong chờ, rồi lại hụt hơi. Phức tạp như thế, đan xen như thế, đích thị là giao mùa...
Tôi vừa trở ra từ một miền đất được định danh là nắng, nắng Sài Gòn. Nhưng mùa này Sài Gòn cũng không nóng hầm hập và chao chát đổ lửa như những ngày hè mà nắng mang hơi gió từ sông, nhẹ nhàng phóng khoáng, khiến cho ai đó muốn gói tâm tư của mình lại cũng sẽ bị gió cuốn lấy mà trải ra, bay trên khắp phố, len cả vào những con hẻm dài và sâu hun hút. Đôi khi có trận mưa rào ập xuống rồi lại tạnh ngay làm cho kẻ lang thang dễ bị lạc vào cảm xúc như tôi chỉ kịp giật mình, rồi lại ngơ ngác như vừa bước qua một lỗ hổng thời gian, thoáng một cái, Sài Gòn đã khói bụi, đã ồn ào, và kẹt xe…
Người Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống và lập nghiệp đôi khi sẽ rất thấy nhớ nhà, nhất là nhớ cái rét mùa đông, nhưng nếu bảo họ quay trở lại ra Hà Nội như những ngày xưa cũ thì đa phần họ lại lắc đầu. Sài Gòn là thế, không cổ kính, không níu chân người ta bằng những phần hồn có tính lịch sử, mang một chút màu sắc của kẻ sỹ và văn hóa cội nguồn như Hà Nội mà Sài Gòn ngang tàng, hào sảng như một hiệp sỹ giang hồ vậy, nhưng cũng bởi vì thế mà đất Sài Gòn “dính” người phải biết. Không một ai mới đến Sài Gòn mà nghĩ là sẽ yêu mảnh đất này, đến vì công việc, đến vì tiện làm ăn thôi nhưng rồi ai cũng không biết “mình đã yêu tự bao giờ”, một lúc nào đó đã thấy thật sự rất nhớ khi phải rời xa…
Bạn đã bao giờ thấy nhớ một người ngay cả khi người đó đang ngồi trước mặt hoặc bên cạnh mình chưa? Tôi đối với Sài Gòn chính là như vậy, lúc nào cũng như vậy đấy. Thời thanh xuân, Sài Gòn lần đầu tiên xuất hiện như một “tiểu tam” xấu xí, xen vào giữa tôi và đứa bạn thân. Tôi đã bực bội và có lúc âm thầm trách nó, sao nó có thể nhanh chóng hòa nhập vào Sài Gòn đến thế, và không nhớ Hà Nội nhiều nữa. Sao nó có thể chưa về đến ngoài này đã lo cuống việc trong kia, sao nó có thể kể những câu chuyện hào hứng với giọng nói đã pha một chút “dễ thương” khiến cho Sài Gòn trong tôi càng trở nên chẳng dễ thương chút nào. Và lúc đó tôi đã nghĩ mình sẽ không bao giờ có thể như vậy, mình sẽ không bao giờ yêu Sài Gòn như yêu Hà Nội được.
Rồi tôi cũng thật sự đặt chân đến Sài Gòn, tình cờ và bất ngờ như đôi lúc cuộc sống thật sự là một chương ướt sũng của tiểu thuyết ngôn tình. Tôi đến Sài Gòn để chia tay tình đầu. Và kỳ lạ thay sau bao nhiêu năm tôi không thể nhớ người ấy đã nói những gì suốt buổi tối chạy xe vòng vòng nhưng lại vẫn có thể nhớ ánh đèn đường khi ấy, nhớ những tàng cây… dường như qua mỗi con phố, Sài Gòn đều đang nhẹ nhàng lắng nghe, an ủi tôi, tặng tôi một cái ôm bao dung nhất. Và tôi sau này mới thấy, thì ra mình cũng chẳng “tốt đẹp”, “thủy chung” gì, bởi ngay từ giây phút ấy tôi cũng đã quên ngay người bên cạnh và rung động trước một tình yêu khác, từ giây phút ấy, tôi đã thích Sài Gòn …
Công việc vẫn mang tôi đến và đi trên thành phố này. Không thường xuyên, không lâu quá, chỉ luôn vừa đủ cho một nỗi nhớ không bị chìm vào lãng quên, như lần gần nhất thì cách đây khoảng hai năm khi đứa bạn thân đã sang Anh, và lần trước đó nữa thì cũng hơn một năm, khi nó vẫn ở Sài Gòn. Bây giờ nó lại ở trời Tây rồi, còn tôi đi công tác và hội thảo bận tối mặt nhưng lúc nằm trên chiếc ghế gội đầu ở một quán nhỏ cạnh khách sạn, nhìn lên căn gác xép cũ và nghe tiếng hát phát ra từ chiếc radio rè rè gắn trên giá bỗng thấy nhớ một Sài Gòn ngày xưa da diết. Nhớ Sài Gòn có năm tôi chạy vào “trốn lụt”, mẹ gọi điện bảo nhà mình cao thế mà cũng ngập một gang tay rồi; nhớ Sài Gòn có năm tôi và đứa bạn thân đi uống cocktail ở bar trên tầng cao nhất của tòa sky thành phố; có năm hai đứa chạy taxi đi xa tít mù khơi chỉ để ăn ốc ở một chỗ nó quen; có năm một đứa bạn chung chưa đi Nhật nữa, ba đứa đi ăn bánh xèo rồi tôi qua nhà nó ngủ mà hai đứa buôn chuyện đến tận đêm khuya; rồi có năm khi đã lập gia đình, anh xã đi công tác ở Sài Gòn, tôi đi họp ở Huế, họp xong lại bay vào Sài Gòn chơi…
“Chị có cần em đổi nhạc không, nghe nhạc này em sợ chị bảo nhạc buồn, nhưng em thì lại rất thích”. Cô chủ quán giọng nhẹ nhàng và dễ thương vừa gội đầu vừa hỏi bên tai tôi, tôi xua tay nói “không cần đâu, chị cũng thích mà”. Tiếng nhạc phát ra từ radio là các bài bolero đã cũ, có bài thịnh hành có bài tôi chưa nghe bao giờ. Bolero nghe phải tùy tâm trạng và cả… thời tiết thì mới thấy hay được, nhưng giờ đây thì sao nó lại đi vào lòng tôi đến thế.
“Chiều nao, tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà
Hoàng hôn, đến đâu đây màu tím dâng trong hồn ta
Muốn không gian đừng tan, níu đôi chân thời gian
Ngừng trôi cho giây phút chia ly này kéo dài,
Trước khi phân kỳ, ước sao cho tàu đừng đi…”Thực ra thì tôi chẳng muốn tìm lại điều gì cả, cuộc sống là một dòng chảy, an nhiên là đôi bờ. Thành phố cũng như con người, trải qua thời gian, có điều gì mà không thể thay đổi chứ. Điều bất biến duy nhất là những gì đã qua thực sự vĩnh viễn trôi qua, đừng để lòng mang chấp niệm, vậy là được rồi…
Tạm biệt Sài Gòn, và hẹn gặp lại Sài Gòn. Tôi chợt nhớ đến mấy sư huynh cùng khoa Xây dựng mà tôi tình cờ gặp tại hội thảo, lúc chia tay một anh hỏi “khi nào mấy anh em mình lại tụ tập nhỉ”, và một anh trả lời “chắc là chờ hội thảo lần sau ở Sài Gòn”. Đều là người Hà Nội, đều sống ở Hà Nội, mà lại hẹn gặp nhau ở… Sài Gòn, nghe sai sai làm sao, nhưng mà thật, rất thật luôn. Tôi đã bảo mà, đất Sài Gòn “dính” người lắm, “nguy hiểm” thật, tôi phải về Hà Nội ngay thôi.
“Xe lăn êm êm lúc ga chiều sắp lên đèn
Mưa thu bay bay vắt ngang trời ướt vai mềm
Hoàng hôn dần buông,
Mà ai còn đứng im trong chiều sương xuống...”
Song Kiếm Ngư -
Gửi mẹ cho chiều
Những vệt nắng hối hả kéo nhau trở về bên mặt trời khi cuối ngày đã điểm. Vào thời khắc ấy, giữa huống cảnh ấy, nắng lại lần nữa chắt chiu soạn sửa, bấu riết và tuôn túa rực vàng vẹn tròn thành hoàng hôn mịn mượt. Chiều lẫn trong nhau. Chiều quyện trong màu. Và kìa, chiều dềnh lên bóng mẹ. Mẹ cứ đi, chiều cứ êm. Mẹ khẽ vui, chiều dài thêm. Chiều nhã nhặn thênh thang, chiều phúc hậu ráng vàng. Ta thầm gửi mẹ. Chiều nhận lời ta cậy nhờ với nhé.
Ngày nhỏ, cứ xế chiều nghe tiếng xe đạp kêu kin kít mỗi vòng quay cùng bóng mẹ thấp thoáng đằng xa tôi liền nhảy cẫng lên sung sướng. Chiếc váy chấm bi dính đầy cỏ may vì những chiều nỉ non đứng ngồi như thế. Mẹ mệt nhoài khi cả ngày rong ruổi ngược xuôi âu lo tất tưởi. Việc chợ búa, việc ruộng đồng cứ đan xen trùng điệp chẳng ngớt. Tôi bám mẹ như phải hơi vì chỉ có chiều và tối là lúc được bên mẹ lâu hơn cả. Tay mân mê chiếc nón rồi bóc xồn xột những nếp lá bong tróc ít nhiều, vài sợi cước cũng đã bật khỏi mối khâu. Quai buộc không còn mềm mại nữa vì những hạt mốc chen chúc nhau sần lên cồm cộm. Chiếc nón dãi dầu sớm hôm đã ngả màu trắng đục. Mẹ thường quấn vội tóc vào chiếc cặp ba lá. Chiếc cặp mảnh mai mà sáng loáng kẹp chặt lọn tóc đen dài nhưng không còn óng mượt. Chiếc xe đạp hẳn đã cũ rồi, chẳng thể nào phân biệt nổi màu sơn. Đọan thì xanh, chỗ thì vàng nâu xen kẽ. Những vết luyn từ xích xe cứ bám chặt lấy đôi gấu quần của mẹ, chà mãi chẳng thể ngừng thôi loang lổ. Mẹ mặc kệ, mẹ xuề xoà, mẹ vẫn đạp xe gần xa cho kịp chợ.
Chưa một lần tôi hỏi mẹ có mệt không. Đôi lần mẹ cáu gắt mấy bố con chắc cũng vì thế. Tôi lờ mờ cảm nhận. Tôi thương mẹ, dẫu tình thương ấy không nói thành lời vì non nớt, vì nông cạn thậm chí từng lúc thoáng qua. Tôi thực sự thèm một con búp bê tóc xoăn mắt tròn biết thức ngủ có váy đăng ten và giày đủ bộ mà chiều nay đứa bạn hàng xóm mới khoe và cho tôi bế thử. Tôi khao khát, tôi thèm thuồng và muốn có. Tôi vòi vĩnh năn nỉ nhèo nhẽo với mẹ rồi ngẩn ngơ chờ hết ngày này qua ngày khác. “Mẹ chưa đủ tiền đâu, để mấy ngày nữa nghe chưa” và rồi cũng đến lúc tôi được ôm món quà ấy vào lòng mà ngất ngây tràn trề hạnh phúc. Tôi ù té chạy đi khoe. Tôi đâu biết mẹ đã cố gắng thế nào để mang lại niềm vui ấy. Có lẽ mẹ cũng mừng lòng vì thấy đứa con gái bé nhỏ của mình vỡ oà khôn xiết. Ngày từng ngày vẫn lảng bảng trôi. Chiều từng chiều, vàng lẫn bóng mẹ tôi.
Người ta thường bảo, hoàng hôn là lúc chiều tà còn sót lại những tia nắng cuối cùng trước khi trời tối. Mọi thứ diễn ra không vội vã ồn ào mà chầm chậm yên ắng mênh mông. Khoảnh khắc ấy khiến cho lòng người trầm tư, man mác đó đâu một cảm xúc khó tả vô cùng. Cảm xúc ấy không chần chừ trễ nải mà nhẫn nại len lỏi từng ngóc ngách tâm can. Chiều khiến người ta vui, chiều khiến người ta buồn, chiều thở dài nhớ nhung và chiều còn nhiều cung bậc hơn thế nữa. Chao ôi! Chiều cao chót vót, chiều sâu thăm thẳm nhường nào mà chất chứa đủ những co thắt phình nở ấy. Chiều đón nhận và ôm hết vào mình, không chối từ hay đào tẩu xổng thoát. Chiều ở đó vỗ về những tâm hồn đang tá túc vạn trạng suy tư. Tôi yêu chiều vô tận, lòng như tan chảy theo màu vàng đặc quánh ngoài kia. Hoàng hôn đẹp là thế, xin thời gian đừng vội tắt, bóng tối hãy đừng vội rình rập núp lùm. Bởi mẹ chưa về. Tôi còn ngóng mẹ.
Nếu hoàng hôn là sự nỗ lực chiếu sáng cuối cùng của mặt trời khi ngày đóng lại thì cũng chính lúc này, mẹ tôi đang gồng mình cố gắng hoàn thành công việc để trở về bên bố con tôi. Khoảnh khắc ấy mẹ lẫn vào chiều. Tôi thấy chiều dịu êm, chiều vàng mềm, chiều hiền trong trẻo. Gió trời chiều làm dịu mát tiếng thở dài còn phừng phừng nóng hổi, làm khô lại những giọt mồ hôi méo tròn đang trực chảy trên khuôn mặt và lưng áo mẹ tôi.
“Cánh cò cõng nắng cõng mưa
Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương”Phải lắm, chiều rộng lượng nhân từ, chiều sẻ chia và thấu hiểu những khó nhọc quay quắt mà nâng bước mẹ tôi bên những vòng quay cuối ngày thêm vững vàng rắn rỏi. Không chang chang nắng, không mịt mùng mây. Con đường và cỏ cây như trườn toài theo chân mẹ. Hẳn mẹ sẽ đỡ mệt mấy phần khi được trở về giữa những chiều bình yên đến thế. Và hẳn là đôi mắt của tôi lại bừng sáng nở hoa tíu tít bám vào yên xe cùng mẹ chạy ròng ròng về tận cổng. Tôi ngoái cổ lại mỉm cười âu yếm. Chiều trìu mến hun hút nhìn theo mẹ con tôi. Sự giao thoa ngọt ngào và lắng đọng. Vậy là chiều đã đưa mẹ về khoẻ khoắn an yên. Chiều đã lắng nghe và giữ lời tôi gửi gắm. Tôi biết ơn chiều. Nhưng tôi phải cảm tạ chiều sao đây khi lòng đầy miên man trăn trở...
Mặt trời khuất dạng, bỏ ngỏ hay khước từ những áy náy trong tôi. Chiều mai, chiều kia và thêm muôn chiều nữa. Tôi bé bỏng lớn khôn. Mẹ vẫn đi bên chiều mang về niềm no đủ. Chiều ngắn ngủi mà vô tận bao la. Mẹ lặng thầm trong yêu thương vĩ đại.
Lòng mẹ như bát nước đầy
Mai này khôn lớn, ơn này tính sao”...Cho ta được gửi mẹ mỗi chiều. Chiều bằng lòng mãi nhé.
Mộc Nhiên (Nguyễn Thanh Xuân) -
Nhớ hoàng hôn xưa
Chiều về ánh nắng theo sau, nhìn ngắm tà dương lòng chợt vương vấn nỗi sầu nhớ cố hương.
Năm xưa trên cánh đồng hoàng hôn nhuộm đỏ cả đường về, lòng ao ước lớn lên được bay khắp muôn nơi, khám phá nhiều miền đất mới, lòng hào hứng vô cùng. Cứ nghĩ đến một nơi thật xa, nơi ấy không ai có thể cản bước chân mình, không ai có thể can dự vào cuộc sống, mình có thể tự tại, thong dong làm chủ vận mệnh.
Rồi khăn gói ra đi bỏ lại quê nhà vào một buổi chiều cô liêu, miệt mài đèn sách 4 năm trời nơi phồn hoa náo nhiệt. Tưởng chừng như chân trời mới ấy đủ sức để xoá nhoà những ký ức an yên thời thơ bé, nhưng cũng có lúc đôi chân mỏi mệt tưởng chừng như thành phố năng động này không thể dung nạp một đứa quê mùa. Một mình đạp xe ra biển ngồi trên cát ngắm mặt trời lặng lẽ đi xuống mặt biển êm ả, thả trôi nỗi buồn vào gió, gửi niềm ấm ức vào sóng rì rào, dẫm ánh nắng yếu ớt còn vương vấn để trở lại với thực tại.
Ra trường, háo hức khoác ba lô trên vai đi tìm chân trời mới. Đến nơi quê người với bao háo hức, bao mơ ước, bao ảo mộng về cuộc sống tươi mới căng tràn sắc Xuân. Nhưng thời gian lặng lẽ trôi đi song hành trong kiếp người đa đoan mới giật mình nhận ra đời người dù sống nơi đâu cũng phải trải qua nỗi đau, sự tổn thương, cũng phải mạnh trên mình nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Chiều nghe tiếng dế kêu bên nhà, chợt thèm được sống lại những ngày thơ bé vô ưu vô lo, một mình thong dong đi trên đường quê, ngắm khói chiều bảng lảng trên sông, thưởng thức hương lúa thơm nồng, hạnh phúc khi mẹ đang chờ về nhà bên mâm cơm chiều đạm bạc nhưng chứa chan tình thương.
Chợt giật mình nhận ra không nơi đâu đẹp bằng hoàng hôn chốn quê nhà. Tự dưng nhớ ra 2 câu thơ của Tô Hiệu:
"Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai".
Thắm Nguyễn -
Bạn có còn hay ngắm ánh hoàng hôn rực nắng chiều cuối thu?
Hoàng hôn, luôn mang một vẻ đẹp kiêu kỳ và quyến rũ. Nắng chiều hiu hắt nhàn nhã rơi. Bầu trời thì rực rỡ những đỏ, những cam, xem vào đâu đó màu tím diệu kì hay thăm thẳm xanh biếc.
Có được ngắm những buổi chiều hoàng hôn trên cánh đồng lộng gió. Bạn mới thấy, thiên nhiên quả là người nghệ sĩ tài ba, mà sức vóc của con người, xem ra còn lâu mới đuổi kịp.
Trên những cánh đồng rộng dài hun hút gió, ngước lên bầu trời, là cả một vũ trụ mênh mông. Cảnh hoàng hôn nơi thôn dã, kỳ vĩ và đẹp đến trác tuyệt. Không như những khung trời bé xíu ngoài thành phố đầy tàu xe và khói bụi.
Cùng là mặt trời với mây nước. Nếu bình minh rất dịu dàng e ấp, thì hoàng hôn lại rực rỡ kiêu kỳ khó tả. Những tia nắng cuối ngày, chiếu lên màn mây bàng bạc. Tạo ra nhiều hình thù cung nga điện ngọc, lầu các vàng tía đủ đầy. Tất cả như đứng trên một chiếc đèn cỡ lớn là mặt trời mà rực sáng. Đôi khi, nhuộm vàng cả một góc trời.
Những giây phút ngắm hoàng hôn, thường đem lại cho người ta những cảm tình khó nói. Chút tiếc nuối của sự kết thúc, hay vẻ trân trọng, một kiệt tác đẹp sẽ không còn gặp lại. Bởi hoàng hôn đi qua rất nhanh, nhất là vào những ngày đông giá rét. Chút ráng chiều của hoàng hôn, như nỗ lực cuối cùng của mặt trời, muốn bạn tặng cho nhân gian một màn biểu diễn đầy màu sắc. Điểm xuyết thêm thi vị cho những ngày đông u ám.
Cũng chẳng có ai nhớ nổi hoàng hôn vào lúc nào. Chỉ là cuối chiều, đột nhiên tìm ánh mắt trời le lói dịu dàng. Mới thấy khung cảnh trác tuyệt hiện ra trước mắt.
Những đám mây phía mặt trời, thường được chiếu rọi, nổi lên hình dáng của chính mình. Mây có lẽ vốn đang ẩn mình trong nền trời xanh thăm thẳm. Chợt những tia nắng đến, nhuộm một màu vàng huy hoàng, khiến những đám mây bất chợt nổi bật trên nền trời xanh trong như ngọc. Những đám mây, có hôm là hình một bãi biển cong dài. Có những ngày lơ đãng giống hình cung điện chốn nhân gian. Có những ngày, lại như một chiếc quạt giấy khổng lồ. Có những ngày, lại mang vẻ đẹp thâm sâu của cảnh núi non bí hiểm nơi nào.
Bao hình dáng, bao màu sắc. Vẫn phải dùng từ rực rỡ mà nhắc lại. Dùng cái kiêu sa bí hiểm mà thắc mắc. Ánh chiều đẹp vậy, trên thế gian này, còn mấy người có thể ngắm nhìn.
Bạn, có lẽ sẽ thích những buổi chiều hoàng hôn nhàn nhã như vậy. Ngắm cảnh hoàng hôn, để ánh nắng le lói chiếu qua khung cửa nhỏ. Thong thả chuẩn bị bữa tối. Không cầu nhiều, cũng chẳng mong mỏi lắm. Việc cần làm cứ nhẹ nhàng mà làm. Không cần tìm kiếm những ồn ào náo nhiệt, chẳng cần bầu bạn với những trò vui chóng đến chóng đi.
Cuộc đời này, nói dài không dài, nói ngắn không ngắn. Là một hành trình, mà đã bước lên con tàu của thời gian, sẽ chẳng thể nào ngoái lại. Mỗi một ngày đi qua, cuộc sống của bạn sẽ ít hơn một ngày. Đừng vội vã tìm đông tìm tây. Phải làm danh sách hay lập kế hoạch. Nếu bạn cảm thấy cần, thì cứ làm. Điều đó chung quy lại vẫn là tốt. Nhưng nếu cảm thấy không cần, thì mọi thứ đánh giá của thế nhân, chỉ là gió qua cầu.
Đừng sống cuộc đời của người khác, hãy sống cuộc sống của bạn. Chẳng phải không quan tâm đến thế nhân, mà là đừng để thế nhân ảnh hưởng quá nhiều đến chính mình.
Chay Mộc -
Bóng hoàng hôn
Chiều xuống thấp…
Hoàng hôn ngả dài theo theo dáng hàng cây đổ xiêu xiêu… Một chút gì man mác những xa xăm dội về…
Tôi một mình lạc bước trên con đường vắng, đếm bước chân theo hạt nắng cuối ngày rơi rớt lại. Tôi như thấy bàn chân mình mọc hoa, những con đường chỉ toàn hoa đang đua nhau nở rộ. Con đường thân quen ấy có muôn vàn bông tường vi mỏng manh phơn phớt hồng rung rinh trước làn gió nhẹ thoảng thơm từ phía bờ sông thổi lại, dịu dàng, mơn trớn lòng người… Khuôn mặt người không mảy may nghĩ suy tiễn đưa tháng chín nhưng hình như trong ánh hoàng hôn cuối ngày còn có một chút gì quyến luyến, bâng khuâng…
Tôi lặng lẽ đi trong chiều thu trên con đường quê ngập tràn bao ký ức cùng tâm trạng xúc động, bồi hồi. Tôi thỏa sức ngắm nhìn, tắm táp trong không gian làng quê thanh bình, êm ả, đó là nơi chôn rau cắt rốn, nơi đã níu giữ bao ký ức tuổi thơ tôi… Hình bóng gia đình người thân, họ hàng, làng xóm luôn theo tôi suốt chặng đường dài tôi đã đi qua… Là những buổi trưa hè trên cánh võng đưa kẽo kẹt, tôi mơ màng và chìm vào giấc ngủ trong tiếng ru hời của mẹ. Giấc mơ chập chờn, bay bổng theo làn khói thuốc nơi cha, là khi giật mình tỉnh giấc khi nghe tiếng gà cục tác xao động giữa trưa hè nắng nồng oi ả… Tất cả những hình ảnh ấy giờ đây chỉ còn là kỷ niệm hằn sâu vào cõi nhớ, luôn nhắc nhở tôi về một đời gian khó, nhọc nhằn của mẹ cha nuôi dưỡng tôi trưởng thành, khôn lớn…
Rồi thời gian cứ nghiêng mình chạy theo những cơn mưa nắng, như vệt màu loang lổ, như lá úa rụng rơi trải dài, như màu của đất nhàn nhạt trống trơn... Con đường vắng buổi chiều thu hoang hoải vương giọt hoàng hôn nhè nhẹ, se se chút gió heo may... Gió nhè nhẹ thôi… Rất nhẹ, thoảng qua, nhẹ tênh như tình yêu không tính toán... Cảm giác buồn chênh chao của con người ta ở tuổi giao mùa nhưng nghe rất bình yên…
Thời gian lặng lẽ trôi, ký ức cùng tôi chạy dài theo năm tháng… Đã nửa đời người, mái tóc xanh thuở nào giờ đã phôi pha màu sương gió lại trở về cùng bóng hoàng hôn bước trên con đường nắng mưa giăng mắc... Ta hỏi ta cất những gì của nỗi nhớ ngang qua... Con đường sao nhiều ngả rẽ... Con đường sao không song song suốt cả chiều dài???Chiều chênh vênh khi tia nắng muộn hôn lên đầu mái ngói… Cảm xúc rơi khi ánh hoàng hôn còn sót lại trên trên cánh đồng làng. Cánh cò dẫn gió về trong chiều vắng. Khói lam chiều quyện mùi rơm rạ thân thương… có lẽ chỉ mình tôi nhẩm nha bước chân trong chiều chạng vạng, để rồi bắt gặp những hoài niệm xưa cũ, mà thổn thức, khắc khoải cùng bao nỗi niềm chất chứa từ đáy con tim bé nhỏ… Để rồi lạc về nơi có vòng tay ấm và nụ cười trên môi không là ảo ảnh. Để say nồng những đam mê muôn lối, ấp ủ những yêu thương vơi đầy giữa mùa thu trong veo mát rượi… Vòm tay hứng lá me bay… Rồi bỗng thấy nhớ, thấy thương, thấy xao xuyến… Tâm hồn tựa đang quay về theo chuỗi buồn vui thuở ấy…
Bước trên con đường thơm mùi hoa cỏ, tôi bắt gặp trong gió tiếng xào xạc của vòm cây, tiếng ù ù, à à của sáo diều cao vút, tiếng thầm thì của bàn tay đan lấy bàn tay… Bất chợt nhìn lên vòm lá mà cứ thế chơi vơi… chơi vơi… Để rồi chợt thấy lòng xốn xang về những ngày vĩnh viễn không còn trở lại…
Nguyễn Thị Xuân Hương -
Màu hoàng hôn
Nắng chiều nhè nhẹ, buông thả trên cánh đồng làng. Màu nắng vàng nhạt lung linh, dịu dàng, ấm áp. Phía Tây, cuối chân trời xa tít, lấp lánh mặt trời thắm đỏ tươi. Có thể đến từng giây phút lặng lẽ tạm biệt của mặt trời sau một ngày cung cấp năng lượng ánh sáng cho thế gian. Xa xa những cánh diều thấp thoáng tung bay nghe được tiếng phần phật nô đùa giữa khung trời mênh mông của mùa hạ…
Chiều tà, những ngôi nhà trong xóm như nhộn nhịp lên sau một ngày lao động miệt mài, họ lại sum họp bên nhau, lại râm ran những câu chuyện đã qua, hiện tại. Khói chiều lan toả trong bếp hồng xen lẫn mùi thơm của gạo lúa mới, dường như mới phơi được vài nắng. Gió khe khẽ đưa hương gạo quyện vào dòng khói trắng lên cao rồi từ từ tan vào không gian vô tận. Thoảng trong gió, tiếng sáo du dương, đàn trâu hướng về chuồng trại của mình, những con cò trắng phau mãi ham chơi còn đứng trên lưng trâu ngắm nhìn đám mục đồng nô đùa trong khoảnh khắc của những tia nắng cuối ngày.
Yêu biết mấy khung trời làng quê, đậm đà chân chất và tha thiết biết nhường nào. Yêu cả màu hoàng hôn nhuộm đầy sắc đỏ. Bất cứ ai được sinh ra và lớn lên từ miền quê, khi xa quê cũng sẽ luôn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Nơi ấy, được ăn những hạt cơm trắng tinh từ lúa đồng mới chín, những con cá rô, trê đồng béo ngậy; được tắm mát bởi dòng sông hiền hoà và lớn lên cùng năm tháng dung dị, thầm lặng của thời gian. Ðôi khi, chỉ đơn giản như thế cũng đủ khiến ta cảm thấy thoải mái và yên bình đến lạ…
Phạm Nguyễn -
Ngắm hoàng hôn trên sân thượng
Trong không gian mênh mông xa vắng của buổi chiều tà, Lâm như lạc vào một khoảng không vô tận. Ở nơi đó, cô mặc cho thân thể bồng bềnh với mây trời, trôi dạt đi như lớp sóng trên biển khơi.
Những lúc chênh vênh, Thùy Lâm thường ngồi một mình trên sân thượng ngắm hoàng hôn khi mặt trời bắt đầu lấp ló sau những tòa nhà đối diện. Có lẽ, ánh mặt trời lúc đó giống như một ngọn đèn leo lắt giữa đêm khuya, mặc dù rực đỏ nhưng sẽ mau chóng tắt lụi khi cơn gió ập đến.
Nhìn mặt trời dần dần lặn xuống khi ánh chiều tà, Lâm thấm thía cái cảm giác cô đơn của những người trưởng thành. Khi một mình chống chọi với cuộc sống ở phố thị, không nơi nương tựa, không thể than phiền với bố mẹ ở nhà vì sợ lo lắng, bồn chồn thì bản thân đành im lặng chịu đựng. Hoàng hôn – khoảnh khắc tuyệt đẹp của tạo hóa mà dưới ánh nhìn của đôi mắt Lâm nó man mác buồn. Phải chăng những tháng ngày thất nghiệp, những ngày chống chọi với cơm áo gạo tiền thì nỗi lo đã lấp liếm đi vẻ đẹp ấy. Lâm cảm giác mình chới với giữa sóng biển cuộn trào mà chỉ cần một ngọn sóng dâng cao là đã nhấn chìm Lâm dưới đại dương mà không để lại một dấu vết gì. Con người làm sao biết thưởng thức cảnh đẹp khi mọi áp lực cứ đè nén từng giây xung quanh mình vì chỉ đến việc thở cũng thấy khó khăn.
Ánh nắng tắt dần trên đôi tay, bóng đêm bắt đầu cuộc xâm lấn trái đất. Nhìn dòng người tấp nập về nhà sau khi tan ca, Lâm lại ước mình được là một phần trong số đó. Khi Lâm bận rộn, Lâm mới có thể sống được. Một người đã quá quen với việc làm nhiều thứ cùng một lúc thì khó mà có thể ngồi khoanh tay như tượng phật trên bàn thờ. Lâm cũng giống như nhiều người trẻ tuổi khác, luôn mong muốn bản thân có một cuộc sống đầy khởi sắc nhưng thỉnh thoảng lại bất lực và cảm thấy mình vô dụng. Điều này cũng dễ hiểu vì những ngày còn học sinh Lâm ít cố gắng hơn người khác nên kết quả thu được ngày hôm nay chính là hạt trồng của những ngày tháng ấy. Nếu ai đó hỏi rằng Lâm có hối hận không, Lâm sẽ trả lời là có, nhưng nếu muốn quay lại quá khứ hay không thì Lâm sẵn sàng đáp rằng: không. Cho dù có tồn tại cỗ máy quay ngược lại thời gian của Đô rê mon, gặp được chính bản thân mình trong quá khứ, chắc gì Lâm có thể thuyết phục được “chính mình”. Lúc nhỏ, cô cũng là đứa trẻ nghịch ngợm và ngang bướng, không nghe lọt tai bất cứ lời dạy dỗ của ai. Lớn lên chút, Lâm lại mải mê yêu đương, tận hưởng thanh xuân, tận hưởng tuổi trẻ trên đồng tiền của cha mẹ mà chưa từng nghĩ suy. Để giờ đây, nghĩ lại, thấy mình đáng trách biết bao. Lâm đã từng nhìn thấy mẹ thở dài, cũng như cô giờ đây, nhưng lại bỏ qua với thái độ thờ ơ. Làm người lớn, luôn có những áp lực vô hình mà khi nhỏ không biết được. Còn nhỏ, cô luôn mong lớn lên nhanh chút để tận hưởng tự do, được làm chủ cuộc sống mà không bị ai la mắng, ép mình phải làm cái này, làm cái kia, rồi không được làm này kia. Ai mà biết được, năm tháng đó mới là chuỗi ngày vô lo, sung sướng nhất.
Ngắm nhìn hoàng hôn trên sân thượng cũng có cái hay của nó. Nó không mang đến cho bạn một cảm giác mát dịu khi đi trên cát ở bãi biển. Và cũng không ấm áp như lúc bạn nắm tay người mình yêu đi dạo trên đường phố, chờ đợi môi hôn. Cảm giác của Lâm lúc này khó mà có thể hình dung, tưởng tượng được. Đó là cảm giác của một người trẻ chưa chuẩn bị tinh thần để bước vào đời, cũng chưa từng phải nếm trải khó khăn của việc mưu sinh trên đất khách quê người. Thấy cuộc sống của những người xung quanh, đôi lúc Lâm chạnh lòng rồi lại tự dặn lòng phải cố gắng hơn, mỗi ngày lại cố gắng hơn ngày hôm qua chút nữa. Cuộc sống đôi khi cần những khoảng lặng để người ta suy nghĩ về cuộc đời, về tương lai, về mối quan hệ của chính họ nhất là với một kẻ đang tạm mất phương hướng như Lâm. Khi đã lớn, chúng ta chỉ có thể tiến về phía trước, phải tập làm điểm tựa dần cho cha mẹ, hoặc đơn giản là bớt gánh nặng cho gia đình.
Màn hình điện thoại bật sáng báo hiệu có cuộc gọi tới. Lâm ngoái đầu nhìn, là mẹ gọi cho cô. Thực ra, Lâm cũng không muốn nghe lắm, cô sợ nghe thấy mẹ hỏi: “Công việc sao rồi con?”, “Chỗ nộp hồ sơ người ta đã gọi cho mình chưa?”, sợ nghe thấy tiếng thở dài thất vọng của mẹ. Lâm vẫn bấm nghe máy, dù không ngoài dự liệu, nhưng, biết sao được, lớn rồi, có những chuyện dù biết chắc sẽ không vui vẻ thuận lợi ta vẫn phải dũng cảm đối mặt với nó mà.
Trong không gian mênh mông xa vắng của buổi chiều tà, Lâm như lạc vào một khoảng không vô tận. Ở nơi đó, cô mặc cho thân thể bồng bềnh với mây trời, trôi dạt đi như lớp sóng trên biển khơi.
Vài tiếng đồng hồ sau là mặt trời đã đi ngủ, đóng mi mắt tối sầm, trong giấc mơ chỉ còn lấp lánh những vì sao. Lâm đứng lên, duỗi vai, cô đã thấy vơi bớt áp lực tích tụ nặng nề trong lòng nhiều ngày qua. Rồi Lâm mỉm cười. Hoàng hôn tắt thì bình minh lên. Lâm tự xốc lại tinh thần mình và khe khẽ nói một câu: Cố lên nào! Mọi thứ mới chỉ bắt đầu, rồi sẽ tốt hơn thôi.
Tác giả: Trần Hàn