Top 9 Truyện cổ tích có sự xuất hiện của ông tiên, ông bụt hay nhất

Phương Kem 952 0 Báo lỗi

Thế giới cổ tích diệu kì nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, chắp cánh cho trí tưởng tượng bay cao và giáo dục con người sống tốt đẹp hơn. Đặc biệt là hình ảnh những ... xem thêm...

  1. Top 1

    Cây tre trăm đốt

    Cây tre trăm đốt là câu chuyện cổ tích mang đậm tính luân lý của người xưa: những người hiền lành, thật thà, chất phác sẽ luôn gặp may mắn và được giúp đỡ.


    Ngày xửa ngày xưa có một lão phú ông có một cô con gái đẹp lắm. Trong nhà lão có thuê một anh nông dân nghèo, khỏe mạnh để giúp việc và cày ruộng cho lão. Phú ông muốn lợi dụng chàng trai, mới nói với anh ta rằng:

    – Mày hãy cứ cố gắng làm việc, nếu như chăm chỉ, sau này tao sẽ gả cô cho mày!

    Chàng trai nghèo nghe vậy mừng lắm, vì trong lòng anh ta cũng rất thích cô chủ mà không dám với, nên đã ra sức làm việc cho phú ông mà không quản nắng sương, không nài mệt nhọc sớm khuya gì cả.

    Thời gian thấm thoát trôi đi cũng đã được ba năm, thấy trong nhà làm ăn mỗi ngày một khấm khá, phú ông bấy giờ mới nghĩ bụng rằng:

    – Nhà mình giàu có thế này mà gả con gái cho đứa ở thì chẳng là uổng con, mà người ta lại cười cho vào mặt!

    Nghĩ thế rồi, phú ông âm thầm đem gả con gái cho một nhà khác giàu sang nhất nhì trong làng.

    Sáng hôm sắp đưa dâu, phú ông gọi chàng trai ra, giở trò bảo rằng:

    – Lát nữa mày chịu khó lên rừng tìm lấy một cây tre trăm đốt, đem về đây làm đũa ăn cưới, thì tao cho mày lấy cô ngay!

    Chàng trai thật thà, nghe thấy thế, lập tức vác rìu vào rừng tìm.

    Nhưng suốt buổi kiếm hết khu này, khu khác, chẳng đâu thấy có cây tre có đủ được trăm đốt. Chàng trai buồn quá ngồi khóc.

    Bỗng có một ông lão đầu tóc bạc phơ, từ đâu bước đến hỏi rằng:

    – Làm sao con khóc? Nói cho ta nghe xem!

    Chàng trai thưa đầu đuôi câu chuyện, ông lão nghe xong rồi bảo:

    – Con hãy đi chặt tre, đếm đủ trăm đốt rồi đem lại đây ta sẽ giúp con.

    Chàng trai làm theo lời ông lão, chặt đủ một trăm đốt tre mang về.

    Ông lão bảo anh đọc: “Khắc nhập! Khắc nhập!”

    Chàng trai vừa đọc ba lần như thế, thì một trăm đoạn tre tự nhiên liền lại với nhau mà thành một cây tre trăm đốt.

    Anh ta mừng quýnh, ghé vai định vác về. Nhưng cây tre dài quá, nhấc lên vừa vướng, vừa nặng, không thể nào đi được.

    Chàng lại ngồi khóc hu hu.

    Ông lão lại hỏi:

    – Làm sao con khóc?

    – Thưa ông, cây tre dài quá, con không thể vác về nhà được ạ! – chàng trai nói.

    Ông lão cười, bảo anh đọc: “Khắc xuất! Khắc xuất!”

    Chàng trai vừa đọc xong ba lần thì cây tre lại tức khắc rời ra từng đoạn.

    Anh cám ơn ông lão, rồi lấy dây rừng bó những đốt tre lại, gánh về nhà.

    Lúc về tới nơi, thấy hai họ đang ăn uống tưng bừng, sắp đến giờ rước dâu, anh mới biết là đã bị phú ông lừa, nhân lúc anh đi vắng, đã gả con gái cho người khác.

    Không nói gì cả, anh ta cứ lẳng lặng đem trăm đoạn tre xếp thành hàng dưới đất, rồi lẩm bẩm đọc:

    – Khắc nhập! Khắc nhập!

    Tự nhiên một trăm đoạn tre kia chắp liền lại thành một cây tre dài cả trăm đốt.

    Phú ông thấy chuyện lạ lùng, chạy lại gần xem.

    Anh ta cũng đọc luôn:

    – Khắc nhập! Khắc nhập!

    Tức thì cả phú ông cũng bị dính liền vào cây tre, không tài nào thoát ra được.

    Ông thông gia thấy vậy chạy ra, định gỡ cho phú ông.

    Chàng trai đợi lúc ông ta tới gần, cũng lại đọc:

    – Khắc nhập! Khắc nhập!

    Thế là cả ông ta cũng dính chập luôn với cây tre, cố sức vùng vẫy mãi cũng không sao lìa ra được.

    Hai họ thấy vậy không còn ai dám mon men đến gần.

    Còn hai ông kia thì van van lạy lạy mong anh thả ra cho. Ông thông gia thì xin về nhà ngay, còn phú ông cũng xin hứa gả con cho anh ta ngay lập tức.

    Lúc bấy giờ, chàng trai mới đọc:

    – Khắc xuất! Khắc xuất!

    Lập tức lão phú ông và ông thông gia tách ngay ra khỏi cây tre, và cây tre cũng rời ra làm trăm đoạn.

    Chàng trai cưới cô con gái phú ông làm vợ và hai người sống bên nhau rất hạnh phúc.

    Vì truyện này, mà sau thành câu ví rằng:

    Chê ta rồi lại lấy ta,Tuy là đứa ở, song mà có công.

    Cây tre trăm đốt
    Cây tre trăm đốt
    Cây tre trăm đốt

  2. Top 2

    Tấm Cám

    Ngày xửa ngày xưa, có hai chị em cùng cha khác mẹ, chị tên là Tấm, em tên là Cám. Mẹ Tấm mất sớm, sau đó mấy năm cha Tấm cũng qua đời, Tấm ở với dì ghẻ là mẹ Cám. Bà mẹ kế này rất cay nghiệt, bắt Tấm phải làm hết mọi việc nặng nhọc từ việc nhà đến việc chăn trâu cắt cỏ. Trong khi đó Cám được nuông chiều không phải làm gì cả.


    Một hôm bà ta cho hai chị em mỗi người một cái giỏ bảo ra đồng xúc tép, còn hứa:

    - Hễ đứa nào bắt được đầy giỏ thì thưởng cho một cái yếm đỏ.

    Ra đồng, Tấm chăm chỉ bắt được đầy giỏ, còn Cám thì mải chơi nên chẳng bắt được gì.

    Thấy Tấm bắt được một giỏ đầy, Cám bảo chị :

    - Chị Tấm ơi, chị Tấm! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về mẹ mắng.

    Tin là thật, Tấm bèn xuống ao lội ra chỗ sâu tắm rửa. Cám thừa dịp trút hết tép của Tấm vào giỏ của mình rồi ba chân bốn cẳng về trước. Lúc Tấm bước lên chỉ còn giỏ không, bèn ngồi xuống bưng mặt khóc hu hu. Nghe tiếng khóc của Tấm, Bụt liền hiện lên hỏi:

    - Làm sao con khóc ?

    Tấm kể lể sự tình cho Bụt nghe, Bụt bảo:

    - Thôi con hãy nín đi ! Con thử nhìn vào giỏ xem còn có gì nữa không?

    Tấm nhìn vào giỏ rồi nói :

    - Chỉ còn một con cá bống.

    - Con đem con cá bống ấy về thả xuống giếng mà nuôi. Mỗi bữa, đáng ăn ba bát thì con ăn hai còn một đem thả xuống cho bống. Mỗi lần cho ăn con nhớ gọi như thế này:

    Bống bống bang bang

    Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta

    Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.

    Không gọi đúng như thế thì nó không lên, con nhớ lấy !

    Nói xong Bụt biến mất. Tấm theo lời Bụt thả bống xuống giếng. Rồi từ hôm ấy trở đi, cứ mỗi bữa ăn, Tấm đều để dành cơm, giấu đưa ra cho bống. Mỗi lần nghe Tấm gọi, bống lại ngoi lên mặt nước đớp những hạt cơm của Tấm ném xuống. Người và cá ngày một quen nhau, và bống ngày càng lớn lên trông thấy.

    Thấy Tấm sau mỗi bữa ăn thường mang cơm ra giếng, mụ dì ghẻ sinh nghi, bèn bảo Cám đi rình. Cám nấp ở bụi cây bên bờ giếng nghe Tấm gọi bống, bèn nhẩm lấy cho thuộc rồi về kể lại cho mẹ nghe. Tối hôm ấy mụ dì ghẻ lấy giọng ngọt ngào bảo với Tấm:

    - Con ơi con! Làng đã bắt đầu cấm đồng rồi đấy. Mai con đi chăn trâu, phải chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu.

    Tấm vâng lời, sáng hôm sau đưa trâu đi ăn thật xa. Ở nhà, mẹ con Cám mang bát cơm ra giếng cũng gọi bống lên ăn y như Tấm gọi. Nghe lời gọi, bống ngoi lên mặt nước. Mẹ Cám đã chực sẵn, bắt lấy bống đem về nhà làm thịt.

    Đến chiều Tấm dắt trâu về, sau khi ăn xong Tấm lại mang bát cơm để dành ra giếng, Tấm gọi nhưng chả thấy bống ngoi lên như mọi khi. Tấm gọi mãi, gọi mãi, cuối cùng chỉ thấy cục máu nổi lên mặt nước. Biết là có sự chẳng lành cho bống, Tấm òa lên khóc. Bụt lại hiện lên hỏi:

    - Con làm sao lại khóc ?

    Tấm kể sự tình cho Bụt nghe, Bụt bảo:

    - Con bống của con, người ta đã ăn thịt mất rồi. Thôi con hãy nín đi ! Rồi về nhặt xương nó, kiếm bốn cái lọ bỏ vào, đem chôn xuống dưới bốn chân giường con nằm.

    Tấm trở về theo lời Bụt đi tìm xương bống, nhưng tìm mãi các xó vườn góc sân mà không thấy đâu cả. Một con gà thấy thế, bảo Tấm :

    - Cục ta cục tác ! Cho ta nắm thóc, ta bưới xương cho !

    Tấm bốc nắm thóc ném cho gà. Gà chạy vào bếp bới một lúc thì thấy xương ngay. Tấm bèn nhặt lấy bỏ vào lọ và đem chôn dưới chân giường như lời bụt dặn.


    Ít lâu sau nhà vua mở hội trong mấy đêm ngày. Già trẻ gái trai các làng đều nô nức đi xem, trên các nẻo đường, quần áo mớ ba mớ bẩy dập dìu tuôn về kinh như nước chảy. Hai mẹ con Cám cũng sắm sửa quần áo đẹp để đi trẩy hội. Thấy Tấm cũng muốn đi, mụ dì ghẻ nguýt dài, sau đó mụ lấy một đấu gạo trộn lẫn với một đấu thóc, bảo Tấm:

    - Khi nào nhặt riêng gạo và thóc ra hai đấu thì mới được đi xem hội.

    Nói đoạn, hai mẹ con quần áo xúng xính lên đường. Tấm tủi thân òa lên khóc. Bụt lại hiện lên hỏi:

    - Làm sao con khóc?

    Tấm chỉ vào cái thúng, thưa:

    - Dì con bắt phải nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo, rồi mới được đi xem hội, lúc nhặt xong thì hội đã tan rồi còn gì mà xem.

    Bụt bảo:

    - Con đừng khóc nữa. Con mang cái thúng đặt ra giữa sân, để ta sai chim sẻ xuống nhặt giúp.

    - Nhưng ngộ nhỡ chim sẻ ăn mất thì khi về con vẫn cứ bị đòn.

    - Con cứ bảo chúng nó thế này:Rặt rặt (con chim sẻ) xuống nhặt cho tao

    Ăn mất hạt nào thì tao đánh chết

    Thì chúng nó sẽ không ăn của con đâu.

    Bụt vừa dứt lời, ở trên không có một đàn chim sẻ đáp xuống sân nhặt thóc ra một đằng, gạo ra một nẻo. Chúng nó lăng xăng ríu rít chỉ trong một lát đã làm xong, không suy suyển một hạt. Nhưng khi chim sẻ bay đi rồi, Tấm lại nức nở khóc. Bụt lại bảo:

    - Con làm sao lại khóc?

    - Con rách rưới quá, người ta không cho con vào xem hội.

    - Con hãy đào những cái lọ xương bống đã chôn ngày trước lên thì sẽ có đủ thứ cho con trẩy hội.

    Tấm vâng lời, đi đào các lọ lên. Đào lọ thứ nhất lấy ra được một cái áo mớ ba, một cái áo xống lụa, một cái yếm lụa điều và một cái khăn nhiễu. Đào lọ thứ hai lấy ra được một đôi hài thêu. Đào lọ thứ ba thì thấy một con ngựa bé tí, nhưng vừa đặt con ngựa xuông đất bỗng chốc nó đã hí vang lên và biến thành ngựa thật. Đào đến lọ cuối cùng thì lấy ra được một bộ yên cương xinh xắn.

    Tấm mừng quá vội tắm rửa rồi thắng bộ vào, đoạn cưỡi lên ngựa mà đi. Ngựa phóng một chốc đã đến kinh đô. Nhưng khi phóng qua một cây cầu đá, Tấm đánh rơi một chiếc hài xuống nước, không cách nào mò lên được.

    Khi đoàn xa giá chở vua đi qua cầu, con voi ngự bỗng nhiên cắm ngà xuống đất kêu rống lên, không chịu đi. Vua sai quân lính xuống nước thử tìm xem, họ mò được một chiếc hài thêu rất tinh xảo và xinh đẹp. Vua ngắm nghía chiếc hài hồi lâu rồi hạ lệnh cho rao mời tất cả đám đàn bà con gái xem hội ướm thử, hễ ai đi vừa chiếc giầy thì vua sẽ lấy làm vợ.

    Đám hội lại càng náo nhiệt vì các bà, các cô chen nhau đến chỗ thử giầy. Cô nào cô ấy lần lượt kéo vào ngôi lầu giữa bãi cỏ rộng để ướm một tí cầu may. Nhưng chẳng có một chân nào đi vừa cả. Mẹ con Cám cũng trong số đó. Khi Cám và dì ghẻ bước ra khỏi lầu thì gặp Tấm, Cám mách mẹ:

    - Mẹ ơi, ai như chị Tấm cũng đi thử hài đấy!

    Mụ dì ghẻ bĩu môi:

    - Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre!

    Nhưng khi Tấm đặt chân vào hài thì vừa như in. Nàng mở khăn lấy luôn chiếc thứ hai đi vào. Hai chiếc hài giống nhau như đúc. Bọn lính hầu hò reo vui mừng. Lập tức vua sai đoàn tỳ nữ rước nàng vào cung. Tấm bước lên kiệu trước con mắt ngạc nhiên và hằn học của mẹ con Cám.

    Tuy sống sung sướng trong hoàng cung. Tấm vẫn không quên ngày giỗ cha. Nàng xin phép vua trở về nhà để soạn cỗ cúng giúp dì. Mẹ con Cám thấy Tấm sung sướng thì ghen ghét để bụng. Nay thấy Tấm về, lòng ghen ghét lại bùng bốc lên. Nghĩ ra được một mưu, mụ dì ghẻ bảo Tấm:

    - Trước đây con quen trèo cau, con hãy trèo lên xé lấy một buồng cau để cúng bố.

    Tấm vâng lời trèo lên cây cau, lúc lên đến sát buồng thì ở dưới này mụ dì ghẻ cầm dao đẵn gốc. Thấy cây rung chuyển, Tấm hỏi:

    - Dì làm gì dưới gốc thế ?

    - Gốc cau lắm kiến, dì đuổi kiến cho nó khỏi lên đốt con.

    Nhưng Tấm chưa kịp xé cau thì cây cau đã đổ. Tấm ngã lộn cổ xuống ao chết. Mụ dì ghẻ vội vàng lột áo quần của Tấm cho con mình mặc vào cung nói dối với vua rằng Tấm không may bị rơi xuống ao chết đuối, nay đưa em vào để thế chị. Vua nghe nói trong bụng không vui, nhưng không biết phải làm thế nào cả.

    Lại nói chuyện Tấm chết hóa thành chim Vàng anh, chim bay một mạch về kinh đến vườn ngự. Thấy Cám đang giặt áo cho vua ở giếng, Vàng anh dừng lại trên cành cây, bảo nó:

    - Phơi áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao.

    Rồi chim Vàng anh bay thẳng vào cung rồi đậu ở cửa sổ, hót lên rất vui tai. Vua đi đâu, chim bay đến đó. Vua đang nhớ Tấm không nguôi, thấy chim quyến luyến theo mình, vua bảo:

    - Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh, chui vào tay áo.

    Chim vàng anh bay lại đậu vào tay vua rồi rúc vào tay áo. Vua yêu quý vàng anh quên cả ăn ngủ. Vua sai làm một cái lồng bằng vàng cho chim ở. Từ đó, ngày đêm vua chỉ mải mê với chim, không tưởng đến Cám.

    Cám vội về mách mẹ. Mẹ nó bảo cứ bắt chim làm thịt ăn rồi kiếm điều nói dối vua. Trở lại cung vua, nhân lúc vua đi vắng, Cám bắt chim làm thịt nấu ăn rồi vứt lông chim ở ngoài vườn.

    Lông chim vàng anh chôn ở vườn hoá ra hai cây xoan đào. Khi vua đi chơi vườn ngự, cành lá của chúng sà xuống che kín thành bóng, như hai cái lọng. Vua thấy cây đẹp rợp bóng, sai lính hầu mắc vọng vào hai cây rồi nằm chơi hóng mát. Khi vua đi khỏi thì cành cây lại vươn thẳng trở lại. Từ đó, không ngày nào Vua không ra nằm hóng mát ở hai cây xoan đào.

    Cám biết chuyện ấy lại về nhà mách mẹ. Mẹ nó bảo, cứ sai thợ chặt cây làm khung cửi rồi kiếm điều nói dối vua. Về đến cung, nhân một hôm gió bão, Cám sai thợ chặt cây xoan đào lấy gỗ đóng khung cửi. Thấy cây bị chặt, vua hỏi thì Cám đáp:

    - Cây bị đổ vì bão, thiếp sai thợ chặt làm khung cửi để dệt áo cho bệ hạ.

    Nhưng khi khung cửi đóng xong. Cám ngồi vào dệt lúc nào cũng nghe thấy tiếng khung cửi rủa mình :

    Cót ca cót két

    Lấy tranh chồng chị.

    Chị khoét mắt ra

    Thấy vậy Cám sợ hãi, vội về nhà mách mẹ. Mẹ nó bảo đốt quách khung cửi, rồi đem tro đi đổ cho rõ xa để được yên tâm. Về đến cung, Cám làm như lời mẹ nói. Nó đem tro đã đốt đi đổ ở lề đường cách xa hoàng cung.

    Đống tro bên đường lại mọc lên một cây thị cao lớn, cành lá xum xuê. Đến mùa có quả, cây thị chỉ đậu được có một quả, nhưng mùi thơm ngát tỏa ra khắp nơi. Một bà lão hàng nước gần đó có một hôm đi qua dưới gốc, ngửi thấy mùi thơm, ngẩng đầu nhìn lên thấy quả thị trên cành cao, bèn giơ bị ra nói lẩm bẩm:

    - Thị ơi thị à, rụng vào bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn.

    Bà lão nói vừa dứt lời, thì quả thị rụng ngay xuống đúng vào bị. Bà lão nâng niu đem về nhà cất trong buồng, thỉng thoảng lại vào ngắm nghía và ngửi mùi thơm.

    Ngày nào bà lão cũng đi chợ vắng. Từ trong quả thị chui ra một cô gái thân hình bé nhỏ như ngón tay, nhưng chỉ trong chớp mắt đã biến thành Tấm. Tấm vừa bước ra đã cầm lấy chổi quét dọn nhà cửa sạch sẽ, rồi đi vo gạo thổi cơm, hái rau ở vườn nấu canh giúp bà hàng nước. Đoạn Tấm lại thu hình bé nhỏ như cũ rồi chui vào quả thị. Lần nào đi chợ về, bà lão cũng thấy nhà cửa ngăn nắp, cơm ngon, canh ngọt sẵn sàng, thì lấy làm lạ.


    Một hôm bà hàng nước giả vờ đi chợ, đến nửa đường lại lén trở về, rình ở bụi cây sau nhà. Trong khi đó, Tấm từ quả thị chui ra rồi cũng làm việc như mọi lần. Bà lão rón rén lại nhìn vào khe cửa. Khi thấy cô gái xinh đẹp thì bà mừng quá, bất thình lình xô cửa vào ôm choàng lấy Tấm, đoạn xé vụn vỏ thị.

    Từ đó Tấm ở với bà hàng nước, hai người thương nhau như hai mẹ con. Hàng ngày Tấm giúp bà lão các việc thổi cơm, nấu nước, gói bánh, têm trầu để cho bà bán hàng.

    Một hôm vua đi chơi ra khỏi hoàng cung, Thấy có quán nước bên đường sạch sẽ, bèn ghé vào. Bà lão mang trầu nước dâng lên vua. Thấy trầu têm cánh phượng, vua sực nhớ tới trầu vợ mình têm ngày trước cũng y như vậy, liền hỏi :

    - Trầu này ai têm?

    - Trầu này con gái lão têm - bà lão đáp.

    - Con gái của bà đâu, gọi ra đây cho ta xem mặt.

    Bà lão gọi Tấm ra. Tấm vừa xuất hiện, vua nhận ra ngay vợ mình ngày trước, có phần trẻ đẹp hơn xưa. Vua mừng quá, bảo bà lão hàng nước kể lại sự tình, rồi truyền cho quân hầu đưa kiệu rước Tấm về cung.

    Cám Thấy Tấm trở về và được vua yêu thương như xưa, thì không khỏi ghen tỵ. Một hôm, Cám hỏi chị :

    - Chị Tấm ơi, chị Tấm! Chị làm thế nào mà đẹp thế ?

    Tấm không đáp, chỉ hỏi lại:

    - Có muốn đẹp không để chị giúp !

    Cám bằng lòng ngay. Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu dội nước sôi vào hố. Cám chết. Tấm sai đem xác làm mắm bỏ vào chĩnh gửi cho mụ dì ghẻ, nói là quà của con gái mụ gửi biếu. Mẹ Cám tưởng thật, lấy mắm ra ăn, bữa nào cũng nức nở khen ngon. Một con quạ ở đâu bay đến đậu trên nóc nhà kêu rằng:

    - Ngon ngỏn ngòn ngon ! Mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng.

    Mẹ Cám giận lắm, chửi mắng ầm ĩ rồi vác sào đuổi quạ. Nhưng đến ngày ăn gần hết, dòm vào chĩnh, mụ thấy đầu lâu của con thì kinh hoàng lăn đùng ra chết....

    Tấm Cám
    Tấm Cám
    Tấm Cám
  3. Top 3

    Truyện phú ông tham lam và ông lão chăn bò

    Truyện phú ông tham lam và ông lão chăn bò cho thấy nếu ăn ở hiền lành sẽ luôn được người khác giúp đỡ, còn những kẻ gian tham sẽ bị trừng phạt thích đáng.


    Ngày xửa ngày xưa, cách đây đã lâu lắm, ở ven khu rừng rậm rạp thuộc tỉnh Hòa Bình, có một ngôi làng nhỏ, trong làng lơ thơ vài chục nóc nhà. Người già nhất và cũng nghèo khổ nhất là cố Căng. Nghèo đến nỗi không có quần áo mặc, quanh năm cố chỉ đóng có một cái khố nhuộm chàm. Cố Căng rất tốt bụng, ai có khó khăn gì là vui vẻ giúp ngay.

    Cố đi ở cho nhà một tên phú ông tham lam từ khi còn trẻ. Ông lão hiền lành bao nhiêu thì tên phú ông này gian ác, xảo quyệt bấy nhiêu. Lúc trẻ, ông lão phải đi cày suốt ngày cho hắn, tối về hắn bắt xay xong hai cối gạo mới được ăn cơm và đi ngủ. Ngày tháng đi càng nhanh, tuổi lão càng già, sức lão càng yếu. Một hôm, biết lão không còn sức mà cày nữa, tên phú ông gọi lão ra bảo:

    – Này! Bây giờ ông già yếu rồi, không cày được nữa thì chăn đàn bò cho ta. Nếu mất một con phải đền một con, không đền được thì ta giết chết.

    Từ đó, ông lão lại càng khổ sở hơn. Hàng ngày phải dậy sớm đi chăn bò, tối mịt lại lùa đàn bò về. Thế rồi, có một hôm ông lão để lạc mất một con bò, suốt cả buổi chiều tìm kiếm mà chẳng thấy. Nửa đêm, ông lão mò về thú tội với tên phú ông. Tên phú ông tham lam giận dữ, đánh ông lão một trận.

    – Này! Nếu không tìm được ngay con bò về thì ông đừng hòng sống!

    Trời đang mưa to, gió lớn, nước chảy ầm ầm, ông lão vừa ôm mặt, vừa cắp nón ra đi…

    Nhưng lạ thay, khi vào đến cửa rừng thì mây mưa lùi cả lại phía sau. Trước mặt ông lão hiện ra một quang cảnh cực kỳ tươi đẹp. Những gốc cây thông xù xì tỏa ánh hào quang rực rỡ, khắp nơi chim hót vang lừng. Ông lão còn đang ngơ ngác chưa hiểu ra sao thì bỗng có một con công trên cây lim trước mặt cất tiếng dịu hiền:

    – Ông lão kia ơi, con bò của ông nó đi vào phía rừng bên trái. Muốn tìm, cứ đi thẳng đường này, khi đến một ngôi nhà cao lớn, ông hãy quỳ xuống trước cổng mà khấn: “Lạy Bụt! Lạy Bụt, giúp cho thân lão hiền lành…” Bụt sẽ hiện lên và đưa bò cho lão.

    Cố Căng mừng rỡ cảm ơn, rồi chạy thẳng về hướng đường chim kể. Một lúc sau, ông lão đến cổng tòa nhà lớn, quỳ xuống, và khấn theo lời công dặn. Quả nhiên Bụt hiện ra và bảo:

    – Ông lão nghèo khổ lại hiền lành, ở với tên phú ông gian ngoan, độc ác tận tụy mà chẳng sống được. Bây giờ ta cho ông lão căn nhà này…

    Nói xong, Bụt biến mất. Ông lão nửa tỉnh, nửa mê nhìn thấy trước mắt một căn nhà xinh đẹp. Đằng sau nhà là môt vườn rau xanh tươi. Bên vườn là một cái ao trong vắt. Trên bãi cỏ xanh, con bò đang ung dung ăn cỏ.

    Từ đó, ông lão sống một cuộc đời sung sướng. Nhưng vốn yêu làng, yêu xóm, yêu đồng ruộng nên ông lão muốn về. Bụt giữ cũng không được, sau bằng lòng và đưa cho ông lão một cái búa vàng. Cái búa này tự nó có sức rất mạnh, khi chặt củi ông lão chỉ cần tung búa vào bụi là cây cối đứt gãy ngổn ngang, tha hồ thu lại mà gánh về.

    Về đến nhà, ông lão trả bò cho tên phú ông và làm nghề kiếm củi nuôi thân. Họ hàng làng nước thấy ông lại về, lành lặn, béo tốt, ai cũng mừng rỡ, duy chỉ có phú ông thì ghen ghét và sinh lòng nham hiểm. Hắn lân la hỏi dò ông lão tại sao lại có búa vàng. Cố Căng ngay thẳng, thật thà kể lại đầu đuôi câu chuyện.

    Tên phú ông tham lam khấp khởi mừng thầm.

    Và cũng một hôm mưa to, gió lớn, hắn trát nhọ vào mặt, mặc quần áo rách rưới, ra vẻ vất vả, rồi thất thểu đi vào rừng.

    Đến cửa rừng, trời cũng sáng bừng lên, con công cũng hiện ra. Chưa kịp để công lên tiếng hát, hắn đã mếu máo:

    – Công ơi! Tôi khổ lắm… Tôi để lạc mất một con bò…

    – Thế à! Thế ông cứ theo đường bên trái mà đi sẽ thấy.

    Hắn mừng rỡ, nhằm phía bên trái ù té chạy thục mạng, trong lòng phấn khởi.

    – A! A! Phen này ta được giàu to!

    Nhưng lạ thay, càng chạy sâu vào rừng, trời càng tối sầm lại, cây cối càng rậm rạp và đường càng ngoằn nghèo, khó đi. Đến một cái suối sâu thẳm, hắn ôm đầu bước lên cây gỗ bắc làm cầu. Đến giữa cây gỗ thì trời nổi mưa to, gió lớn. Một tiếng sét kinh thiên động đánh gãy cầu. Tên phú ông tham lam và gian ác ngã lộn nhào xuống dòng nước lũ.

    Lúc ấy, Bụt hiện lại mỉm cười mà rằng:

    – Nhà ngươi giàu có mà lại gian tham, hành hạ từ cụ già đến con trẻ, thấy người nghèo sung sướng thì ghen ghét. Ta phạt ngươi tội này thật đáng…

    Nói xong, Bụt biến mất. Mất cơn sóng từ xa cuộn lại, cuốn chìm tên phú ông và sự gian tham của hắn xuống đáy vực thẳm.

    Truyện phú ông tham lam và ông lão chăn bò
    Truyện phú ông tham lam và ông lão chăn bò
    Truyện phú ông tham lam và ông lão chăn bò
  4. Top 4

    Truyện ba anh em

    Truyện ba anh em kể về chàng thanh niên thật thà, chăm chỉ, quý trọng giá trị lao động của mình hơn bạc vàng nên xứng đáng được hưởng cuộc sống hạnh phúc.


    Ngày xưa, có ba anh em nhà kia tên là anh Cả, anh Hai, và anh Ba. Cha mẹ mất sớm, ba anh em bàn bạc nhau ra đi để tìm cách sinh nhai. Ba anh em đến ngã tư đầu làng rồi chia tay, mỗi người một hướng và hẹn nhau ba năm sau sẽ trở về, xem ai kiếm được nhiều tiền.

    Anh Cả đi về phía tay phải. Anh đi liền mấy ngày đường và đến một thành phố. Qua một thời gian làm lụng có tiền, anh liền mở một quán rượu. Rượu của anh nấu rất ngon nên nhiều người mua. Nhưng thấy đắt hàng, anh càng nấu kém đi và pha nước lã vào. Vì buôn bán gian lận nên khách hàng ít dần. Tuy vậy, anh cũng dành dụm được một số tiền.

    Anh Hai đi về phía tay trái, đi mãi, đi mãi và sau tìm được một quán hàng. Anh ở làm cho người chủ. Vốn tính không thật thà, anh ăn bớt ăn xén nên cũng dành dụm được một số tiền để chờ ngày trở về.

    Anh Ba cứ thẳng đường đi mãi. Anh băng qua một khu rừng hoa nở trắng xóa. Vượt qua mấy thung lũng, anh gặp một dòng suối trong. Bên dòng suối có một căn nhà nhỏ nhìn ra đồng cỏ rộng; rất nhiều bóng cừu, dê lốm đốm trên thảm cỏ xanh. Anh vào căn nhà xin nghỉ. Chủ nhà là một ông lão râu dài, trên đầu lơ thơ vài sợi tóc, nét mặt hiền hậu. Ông lão hỏi anh :”Cháu đi đâu đấy?”.

    Anh Ba đem chuyện nói cho ông lão biết và ngỏ ý xin việc làm. Ông lão mừng rỡ nói: “Vậy thì cháu ở đây với ông, ông cháu ta sẽ chăn cừu. Nhưng ở đây không sung sướng lắm đâu. Cháu có chịu đựng được khó nhọc không?”.

    Anh Ba giơ nắm tay nói: “Ông ạ, cháu tuy nhỏ nhưng cánh tay rắn chắc này có thể làm được tất cả mọi việc, cháu không sợ lao động vất vả, trái lại cháu rất thích lao động”.

    Ông lão cười khà khà và vỗ vai anh Ba.

    Anh Ba chăn cừu rất chăm chỉ, vì vậy, đàn cừu mau lớn và đẻ thêm nhiều.

    Thấm thoát đã ba năm. Anh Ba nghĩ tới ngày hẹn với hai anh nên xin phép ông lão ra về.

    Trước khi về, ông lão đem ra một túi tiền vàng và ba hạt đào.

    Ông nói: “Cháu ơi! Cháu thật là một thanh niên giàu nghị lực, can đảm và tháo vát. Cháu rất đáng được thưởng. Bây giờ ông có hai món quà: Một bên là túi tiền vàng và một bên là ba hạt đào. Tùy ý cháu chọn, muốn lấy phần nào cũng được”.

    Anh Ba suy nghĩ hồi lâu, vốn tính không tham tiền nên cuôi cùng anh lấy ba hạt đào.

    Anh từ biệt ông lão ra về.

    Anh em gặp nhau vui mừng kể chuyện của mình. Hai người anh mở túi tiền ra khoe. Khi hỏi đến Ba thì anh chỉ có vẻn vẹn ba hạt đào. Hai người anh tức quá, mắng người em ngu ngốc và đuổi đi vì sợ người em ăn bám mình.

    Ba thản nhiên ra đi. Đã nửa ngày đường, chưa có gì lót dạ, anh ngồi nghỉ ở gốc cây. Sau sờ túi sực nhớ tới hạt đào, anh bèn lấy ra một hạt cắn ăn cho đỡ đói. Vừa cắn vỡ hạt đào, anh ngạc nhiên thấy hiện ra trước mắt một mâm cỗ đầy món ăn thơm phức. Anh ăn uống no nê và lại đi.

    Được một quãng đường, anh lại cắn hạt đào thứ hai xem có điều gì bí mật. Hạt đào vừa vỡ thì một chiếc xe song mã hiện ra và đàn cừu anh chăn khi xưa bỗng nhiên ùn ùn kéo đến. Anh ngồi lên xe trở về làng. Đàn cừu chạy theo sau.

    Óc tò mò không làm anh giữ nổi hạt đào thứ ba. Anh lấy ra cắn luôn. Một tiếng nổ vang và một nàng tiên hiện ra đứng bên đường. Nàng tiên tươi cười như hoa và xin về làm vợ anh.

    Hai vợ chồng ngồi trên xe song mã trở về làng. Ngày hôm sau có một đám cưới linh đình. Dân làng kéo đến mừng vợ chồng anh, thật là vui vẻ.

    Truyện ba anh em
    Truyện ba anh em
    Truyện ba anh em
  5. Top 5

    Viên ngọc ước của quạ

    Viên ngọc ước của quạ là câu chuyện cổ tích Việt Nam, qua đó nhắc nhở các bạn nhỏ phải biết tránh xa những thói xấu tham lam, ích kỷ trong cuộc sống.


    1. Viên ngọc ước của quạ

    Thuở ấy, có năm trời làm bão lụt liên miên, mùa màng mất trắng, nạn đói xảy ra ở khắp nơi. Trong xóm nhỏ ven đê có một nhà kia đã nghèo lại đông con, gặp lúc hoạn nạn nên càng khốn khó,

    Đê là con trai cả của nhà ấy, đành đi ở đợ cho một lão trọc phú để kiếm thêm bát cơm đỡ cho đàn em qua cơn đói.

    Lão chủ thấy Đê khỏe mạnh, nhanh nhẹn liền bắt anh phải chăn dắt cả đàn trâu nhà lão.

    Một hôm, Đê sơ suất để lạc mất con trâu vốn được lão chủ yêu quý nhất. Anh hoảng hốt chạy bổ đi các nơi tìm kiếm. Đám bạn chăn trâu thấy vậy cũng xúm vào giúp Đê. Mọi người lặn lội hết đồng nọ đến đồng kia, đi từ xóm gần đến làng xa, leo lên tận các ngọn núi, vẫn chẳng thấy tăm hơi con vật đâu.

    Đê sợ bị chủ bắt đền, phạt vạ nên không dám về nhà. Anh lang thang mãi đến mỏi rã đôi chân đành dừng lại nghỉ. Đê đang mơ màng chợt giật mình choàng tỉnh và thấy đau nhói khắp mặt mũi tay chân, còn bên tai thì vang lên tiếng đập cánh loạn xạ. Hóa ra lũ quạ tưởng anh đã chết nên kéo đến mổ xác.

    Đê cứ nằm im, rồi bất ngờ vùng dậy, tóm được một con.

    Quạ vội vàng van vỉ bằng tiếng người:

    – Xin tha cho tôi, tôi sẽ biếu anh một vật quý.

    Nói rồi, quạ nhả vào tay Đê một viên ngọc nhỏ sáng lấp lánh và dặn:

    – Đây là viên ngọc ước màu nhiệm nhất thế gian. Anh muốn cầu xin việc gì sẽ được ngay việc đó. Xin hãy giữ gìn ngọc cẩn thận,

    Đê mải mê ngắm nghía viên ngọc, nên quạ bay đi từ lúc nào cũng không biết. Bỗng anh buột miệng nói:

    – Ngọc ơi, ta muốn tìm thấy con trâu bị lạc để trả cho ông chủ.

    Ngay lúc ấy, con trâu quý của lão trọc phú đã chậm rãi bước đến đứng ngay trước mặt Đê, khiên anh ngỡ ngàng không tin vào mắt mình.

    – Ôi, quả là viên ngọc ước thần kỳ của quạ! Đúng là mình được trời thương rồi!

    Đê mừng rỡ cất vội viên ngọc quý.


    2. Lòng người khó dò

    Từ ngày có ngọc quý, Đê trở nên sung sướng, giàu có. Anh xây nhà, mua ruộng, tậu bò cho cha mẹ, tìm thầy đồ về nhà dạy chữ cho đàn em.

    Đê còn thường lấy viên ngọc ước của quạ ra ước có nhiều gạo tiền đem giúp bà con xóm giềng, khiến ai nấy không phải sống trong cảnh đói khổ như ngày trước nữa.

    Thời gian cứ thế trôi qua, đã nhiều lần cha mẹ giục Đê cưới vợ, nhưng anh cứ khất lần, chưa chịu lấy ai. Một hôm, anh nói với viên ngọc:

    – Ngọc ơi, ta muốn có một người vợ đẹp.

    Lời ước vừa dứt thì ngoài ngõ đã có tiếng người gọi cửa. Đấy là một bà mối đến bảo Đê rằng:

    – Ở làng bên, có nhà giàu đánh tiếng muốn gả con gái cho anh.

    Đê theo bà mối sang nhà ấy, thấy cô gái mày ngài mắt phượng, thiên hạ khó có ai hơn, liền ưng thuận cưới cô gái ấy làm vợ.

    Từ hôm về nhà chồng, cô vợ không chịu làm lụng gì, suốt ngày quanh quẩn bên Đê, cốt để dò la xem viên ngọc diệu kỳ giấu ở chỗ nào. Thấy Đê không chịu nói lộ chỗ giấu viên ngọc, một hôm, cô ta chuốc rượu cho chồng say bí tỉ. Trong cơn say, Đê lảm nhảm nói ra nơi để ngọc cho vợ biết. Cô vợ đợi chồng say ngủ mê man, mới lấy trộm viên ngọc, rồi lẻn về nhà cha mẹ.

    Khi Đê tỉnh dậy không thấy vợ đâu, tìm đến ngọc thì ngọc đã biến mất. Anh vội sang nhà bố mẹ vợ để tìm, nhưng vừa đến cổng, bố vợ đã xua chó ra đuổi.

    Đê buồn quá, thất thiểu ra về, vừa đi vừa than:

    – Lòng người quả là khó dò! Vợ mình còn thế nữa là người thiên hạ!…

    Vừa lúc ấy, có một cụ già cầm trên tay một bông hoa trắng và một bông hoa đỏ, bước lại gần Đê, cất giọng ấm áp bảo anh:

    – Con đừng buồn, hãy mang bông hoa trắng này gài vào cửa nhà bố mẹ vợ, rồi đợi khi nào họ cần thì đưa bông hoa đỏ ra giúp. Lúc đó, con sẽ lấy lại được vợ và viên ngọc.

    Đê chưa kịp dứt lời cám ơn, cụ già đã phất tay áo biến mất.


    3. Bài học cho những kẻ tham lam lấy trộm viên ngọc ước

    Sáng sớm hôm sau, vợ Đê thấy có bông hoa lạ cài ở cửa. Mùi thơm ngát tỏa ra từ bông hoa khiến cô ngây ngất. Cô mang bông hoa vào nhà ngắm nghía. Bông hoa thật đẹp, những cánh hoa trắng lung linh kỳ ảo.

    Căn nhà lập tức tràn ngập một mùi thơm kỳ lạ khiến ai nấy đều muốn cầm bông hoa để thưởng thức mùi thơm ấy. Mọi người ngủi hương hoa đều thấy cơ thể khỏe khoắn hơn, chỉ riêng vợ chồng lão chủ nhà giàu và cô con gái là bị đau đầu và ngứa mũi.

    Họ ra sức gãi, nhưng càng gãi mũi càng sưng và dần mọc dài ra. Ba người nhìn nhau vô cùng hoảng sợ, vì mũi của họ cứ không ngừng dài ra mãi, lòng thòng như những cái vòi voi con. Hai mẹ con cô vợ Đê vội trốn vào buồng, tránh mặt kẻ hầu người hạ, tránh sự nhòm ngó của hàng xóm láng giềng.

    Lão nhà giàu lo sợ, vội sai người đi mời thầy thuốc. Các thầy thuốc trong vùng lần lượt đến nhà, nhưng thấy căn bệnh lạ, ai nấy đều lắc đầu:

    – Cái mũi này của cụ chỉ còn có nước phải cắt đi, nhưng cắt chưa chắc đã khỏi, e rằng không triệt được tận gốc, chỉ kích thích để nó mọc dài nhanh hơn thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

    Đê đợi cho bên nhà vợ rối ren, hoảng hốt, náo loạn cả lên mới lững thững bước vào. Vừa nhìn thấy cái mũi dài của bố mẹ vợ, anh không nhịn được, ngã lăn ra vì cười, hồi lâu mới nói được:

    – Chỉ tại cha sai con gái lấy trộm viên ngọc ước của con mới nên nông nỗi này. Nếu cha trả ngọc, trả vợ con về nhà con thì cái mũi sẽ lành lặn lại như cũ.

    Lão nhà giàu đành phải ưng thuận. Đê bèn đưa bông hoa đỏ ra cho họ ngửi, chỉ trong chốc lát, cái vòi dần dần co lại cho đến khi mũi trở lại nguyên hình như xưa.

    Đê đưa vợ về, người vợ có ý hổ thẹn, cúi mặt lầm lũi bước theo chồng. Từ đó cô ta ngoan ngoãn, nghe lời chồng, chăm chỉ làm ăn. Họ sống với nhau đầm ấm thuận hòa.

    Dân chúng trong vùng ai gặp khó khăn, lại tìm đến vợ chồng Đê nhờ viên ngọc ước của quạ cứu giúp.

    Thời gian cứ thế trôi đi, khi Đê đã là một cụ già râu tóc bạc phơ thì con quạ năm xưa tìm đến và kêu to:

    – Quạ đây, quạ đây! Mau trả ta viên ngọc! Trả ta viên ngọc!

    Cụ Đê vội lấy viên ngọc ước ra trao cho quạ. Quạ ngậm ngọc lao vút lên cao, rồi bay đi mất. Từ đó đến nay đã bao nhiêu người đi tìm, nhưng chưa ai tìm lại được viên ngọc ước của quạ ấy.

    Viên ngọc ước của quạ
    Viên ngọc ước của quạ
    Viên ngọc ước của quạ
  6. Top 6

    Nàng tiên thứ chín

    Nàng tiên thứ chín là truyện cổ tích của người H’rê, kể lại hành trình lên trời đầy thử thách tìm lại người vợ bị Thiên lôi bắt về của hai bố con nhà nọ.


    1. Lời chỉ dẫn của tiên ông

    Ngày xưa, có một bà cụ già có một người con trai lớn, nhưng bà nghèo quá chẳng có tiền để hỏi vợ cho con. Ðêm nào thấy con trai nằm ngủ một mình bên bếp lửa, bà cũng ra đầu sàn ngồi nhìn trời mà khóc.

    Một đêm, sau khi khóc nhiều quá, bà ngả đầu vào cái vách ngủ mê đi lúc nào không biết. Một ánh chớp lóe lên, bà cụ vội mở mắt thì thấy một ông già râu tóc bạc phơ, mặc áo xanh, đi giày xanh, chống gậy xanh, đứng trên ngọn cây mít. Hoảng quá, bà cụ định chạy vào bếp, thì thấy ông cụ già khoát tay, cất giọng hiền từ bảo:

    – Ta là tiên, biết bà đang khổ vì cảnh nghèo khó, không có tiền đi hỏi vợ cho con, nên ta giúp. Ngày mai bà bảo con trai bà đi theo hướng ta chỉ, cứ đi mãi đến ngọn núi có phiến đá trắng to như cái nhà kia, sẽ thấy chín nàng tiên xuống tắm. Con trai bà yêu cô nào, thì cứ lấy đôi cánh của nàng tiên ấy đem về nhà là được.

    Nói xong, tiên ông biến mất. Mừng quá, bà cụ liền đẩy cửa, vào thổi bếp lửa cháy bùng lên, gọi con dậy, kể lại đầu đuôi câu chuyện vừa qua.

    Tờ mờ sáng hôm sau, người con trai gói cơm, đeo ống nước, băng rừng, leo núi, leo hết núi này đến núi khác, đúng trưa mới đến chỗ tiên ông bảo. Một cảnh tuyệt đẹp hiện ra trước mắt. Hồ nước xanh biếc, trong vắt như gương, có đường xuống bến tắm, trên bờ hoa thơm cỏ lạ đang đua nở khoe sắc cùng ong bướm, sỏi đá lấp lánh như kim cương.

    Thấy nắng rung rinh, chàng đưa mắt ngó lên trời, bỗng từ trong đám mây hồng có chín nàng tiên mặc áo xiêm trắng, đang bay và hạ xuống dần. Chàng con trai nghèo liền nép vào bụi nhìn theo. Chín nàng tiên đã đứng trên các phiến đá ngọc, cởi cánh ra, lội xuống tắm. Nước trong, da các nàng tiên trắng ngần, nhìn cô nào cũng đẹp lộng lẫy như mặt trời mọc. Duy có nàng thứ chín là đẹp hiền hậu hơn cả. Tóc nàng đen mướt và dài như dòng suối, giọng cười trong và thanh như tiếng sáo ngân vang: miệng đẹp hơn hoa nở, mắt sáng như sao, khi nàng nhìn vào vật gì vật đó rực lên như có trăm ngàn ánh hào quang chói sáng. Chàng trai liền lẻn đến lấy trộm cặp cánh tiên của cô thứ chín, rồi trở về nhà.


    2. Nàng tiên thứ chín

    Trống trên trời gióng bảy hồi khoan nhặt báo giờ các cô phải về tiên cung. Tám cô chị lên bờ, lắp cánh của mình và bay trước. Còn cô em mải đùa nghịch dưới làn nước mát, lên sau.

    Không thấy cánh tiên đâu nữa, nàng hoảng hốt cuống cuồng chạy quanh bờ. Trống trên trời vẫn giục giã, sắp đến giờ đóng cửa của thiên đình. Nàng tiên thứ chín lại chạy quanh bến nước chăm chú tìm lại, nhưng thông thấy.

    Nhìn dấu chân người còn in trên cát mịn, dấu chân trên đường xuống núi, biết có kẻ lấy đôi cánh của mình rồi, nàng vội vã cài lại áo xiêm, lần theo dấu chân đi mãi . Xế chiều nàng đến một ngôi nhà sàn nhỏ, dựng lẻ loi dưới chân núi. Nàng đang phân vân không biết đi ngả nào, thì một cụ già đến bên nàng chào hỏi:

    – Cháu ơi! Ðường xa vắng vẻ, cháu đi một mình như thế này nguy hiểm lắm, cháu hãy vào nhà ta ăn cơm, uống nước rồi nghỉ lại đã.

    Nhìn nét mặt hiền hậu của bà cụ, nàng tiên gục đầu vào vai bà khóc, kể lại việc nàng bị mất đôi cánh tiên nên không về trời được.

    Bà cụ đưa nàng vào nhà. Chàng con trai sung sướng bước ra chào hỏi, rồi vào rừng bẻ măng, nhổ nấm đem về đưa mẹ nấu canh cho cô gái ăn. Tối chàng ngồi kéo đàn K’ni – loại nhạc cụ réo rắt như đờn cò của người kinh – cho cô gái yên giấc.

    Ở đây một tháng, hai tháng, lúc đầu nàng tiên thứ chín hết sức nhớ mẹ, nhớ cha, nhưng được sự chăm sóc, trìu mến của bà cụ và chàng trai hiền hậu, siêng năng, nên nàng khuây khỏa dần. Buổi sáng nàng cũng đi lên rẫy, vào rừng, buổi chiều nàng cũng ra giếng đội nước với chị em.

    Nửa năm sau người con trai bà cụ lấy nàng tiên. Hai vợ chồng sống bên nhau rất hòa thuận, vui vẻ. Dân làng ví họ là cặp vợ chồng chim sáo – vì họ vừa xinh đẹp, vừa chịu khó làm ăn. Người chồng chưa bao giờ mắng vợ nửa lời. Chiều nào lên rừng về, chàng cũng cố tìm cho mẹ và vợ một ống mực thơm, một bó rau ngót, một bó măng, hay lưng gùi ngô non thơm sữa.

    Hai mùa, ba mùa, đến một đêm trăng tròn vành vạnh, nàng tiên thứ chín sinh được một đứa con trai kháu khỉnh. Từ đó, trong nhà càng thêm đầm ấm, vui vẻ hơn.

    Nhưng một hôm trời đang yên lành, bỗng có tiếng sấm ầm ầm, giận dữ. Mây đen, mây xám kéo đầy trời. Lửa đỏ rực, chớp nhằng nhịt dữ tợn. Người vợ vừa cõng con ra đứng đầu sàn phía Tây, đột nhiên thấy Thiên lôi từ trên trời cầm búa nhảy xuống sân. Mặt giận dữ, Thiên lôi bảo rằng, hắn vâng lệnh Trời, xuống bắt nàng tiên phải về ngay, nếu không sẽ giết chết con nàng, giết cả chồng và người mẹ chồng của nàng nữa. Thương con, thương chồng quá, nàng tiên ngã gục xuống khóc nức nở rồi chạy vào nhà rút ba ống nứa dài vắt đầy sữa, nhẹ nhàng đặt con lên chiếu, cắt một nắm tóc để lại cho chồng, rồi theo Thiên lôi về thiên đình.


    3. Lên thiên đình tìm vợ

    Chiều bà cụ và người chồng về nhà, không thấy nàng tiên, chỉ thấy đứa con nằm ngủ bên nắm tóc thơm của mẹ nó. Nhìn cây cối ngả nghiêng, cháy xém, biết có điều hung dữ xảy ra, chàng cõng con trên lưng, bước xuống cầu thang đi vào rừng, nhìn trời khóc suốt chín ngày đêm. Tiếng khóc ai oán, ấm ức nghe nghẹn cả cổ, đau cả lòng. Ðược tin, dân làng thương quá, rủ nhau giúp sức, góp của. Nhờ bác thợ rèn chuyên nghề chim sắt biết bay, đúc cho hai cha con người xấu số ấy một con chim công sắt.

    Ðược chim sắt rồi, hai cha con ngồi trên lưng công bay vút lên trời. Qua mây hồng, mây bạc, mây xanh, đến sông Hằng sắp tới triều đình, thì công sắt không tài nào bay qua được. Gió to, sóng gầm dữ dội. Năm bảy lần con công cất cánh đều lao đao muốn rớt. Hai cha con đành ở bên này sông. Một hôm, người vợ ra sông giặt áo, đứa con nhỏ thấy mẹ, liền gọi lên:

    – Mẹ ơi!

    Người vợ quay sang, hai vợ chồng nhìn thấy nhau, nhưng không gần nhau được. Ðau khổ quá, họ bưng mặt khóc.

    Dân làng nhà trời thấy vậy vô cùng thương xót. Họ vào xin thiên đình cho hai vợ chồng được gặp nhau. Nhưng thiên đình không cho, viện cớ sắp gả nàng tiên thứ chín cho chàng trai thuộc dòng họ quyền quý.

    Không quản ngại, dân làng liên tiếp cử người đến gõ cửa, buộc thiên đình phải xử. Cuối cùng Ngọc Hoàng phải xuống lệnh nếu chồng cô thứ chín làm được mấy việc sau này mới lấy được con gái nhà trời. Thứ nhất là trong một ngày phải nhặt hết số vừng rơi trong khu rẫy dài bằng một khoảng chim bay mỏi cánh. Thứ hai là phải ăn hết những ớt gió đã chín trong một khu rừng ớt. Thứ ba là phải làm một cái nhà bằng kim cương thật đẹp giữa sông Hằng.

    Thương con, thương vợ người chồng phải nhận. Sáng hôm sau, hai cha con dậy thật sớm để nhặt vừng, nhưng mãi cho tới trưa, khi mặt trời đã ở giữa đỉnh đầu mà vẫn chưa nhặt được bao nhiêu. Thấy thế, tiên ông liền đọc phù chú, gọi một bầy chim sẻ đông nghịt, bay xuống nhặt hộ, chẳng mấy chốc đã hết nhẵn.

    Nhưng còn rừng ớt chín đỏ kia làm sao hái hết cho được. Người chồng cố hái ăn, bụng nóng như lửa đốt, mắt đỏ xè, thế mà mới ăn được mấy quả. Tiên ông thấy vậy, liền niệm thần chú hoá ra một đàn chim chào mào bay xuống ăn giúp. Trong giây lát, cả rừng ớt chỉ còn trơ lại cành lá. (Ðến nay người H’rê giải thích chim chào mào đỏ đít là do ngày xưa nó ăn ớt cứu người).

    Ðã đến lúc phải xây nhà kim cương giữa sông Hằng chảy xiết. Chàng trai và dân làng đổ rất nhiều công đẵn gỗ thả xuống sông, nhưng gỗ dù nặng dù to mấy đều bị nước cuốn phăng đi như cuốn một cái lá. Một ngày không được, một tháng không được, một mùa không được, một năm không xong, hết phương kế, chàng trai ôm con ngồi bên bờ sông than khóc thảm thiết.

    Thần cá liền ra lệnh cho cá chình, cá sấp, cá chép, lươn, chạch, cua, rùa, cá lóc, cá ngạnh,… đều bơi lại giúp. Một con chình to lớn quẫy mạnh, nhô đầu lên bảo:

    – Anh đừng lo, ngày mai anh sẽ có nhà đẹp và sẽ được gặp vợ. Hãy vui lên, đừng khóc nữa!

    Quả đúng như vậy, sáng hôm sau, khi mặt trời vừa thức giấc, bỗng có một ngôi nhà lấp lánh bằng kim cương hiện lên đồ sộ giữa sông. Chung quanh sóng vỗ dào dạt. Chiếc nhà do các loài cá xây nên, cá chình nhận làm cột, cá lóc làm sạp, cá sấp, cá chép làm mái nhà. Cá ngạnh làm xà, rùa làm bếp, cua làm móc chiêng, lươn, chình thì nối đuôi nhau thành một cái cầu tuyệt đẹp từ bờ ra đến giữa sông.

    Ngọc Hoàng cùng thần hung ác thấy nhà đẹp mới chịu đem thuyền cho anh chàng nghèo sang sông gặp vợ. Còn bọn chúng thì hí hửng khiêng lúa, gạo, chiêng, ché ra nhà kim cương ở, chúng lao nhao tổ chức lễ ăn mừng. Nhưng khi vừa nhóm lửa nấu thịt thì rùa làm bếp bị nóng lưng quá lăn ngay xuống nước. Cùng lúc cá chình, cá lóc, cá sấp, cá trê… cũng lăn theo. Nhà đổ sập làm chìm cả lũ gian thần xuống dòng sông chảy xiết đầy cá sấu, cá măng. Trời cao vòi vọi, sóng nước mênh mông trắng xóa.

    Từ đó, nàng tiên thứ chín và chồng được cai quản thiên đình, làm cho mưa rơi xuống, mát mẻ trần gian. Làm cho nắng chiếu xuống để cây cỏ xanh tươi, bốn mùa hoa nở. Lâu lâu họ chắp cánh bay xuống tắm ở suối ngọc rồi về thăm mẹ già và bà con quê cũ.

    Nàng tiên thứ chín
    Nàng tiên thứ chín
    Nàng tiên thứ chín
  7. Top 7

    Vụ kiện châu chấu

    Vụ kiện châu chấu là câu chuyện cổ tích, qua đó giải thích quan niệm người xưa mang gà trống theo mỗi khi có kiện tụng và vì sao gà lại ấp trứng cho vịt.


    1. Cái duỗi chân tai họa

    Ngày ấy có một con châu chấu mải mê kiếm ăn lạc mất đường về. Tối đến, trời rét lại mưa rơi rả rích, làm cho châu chấu ta run rẩy. Nó muốn tìm một chỗ ngủ, nhưng bóng đen dày đặc chẳng biết đường nào mà lần. – “Ta có bò liều may gặp chỗ nào khỏi ướt thì nằm tạm một đêm”. Nghĩ vậy, chấu ta cứ lồm cồm bò mãi trên một cành cây mới bám được. Cuối cùng, không ngờ nó lại lọt vào nhà chim ri. Đến đây, châu chấu thấy ấm áp dễ chịu. Nhưng một tiếng hỏi cất lên:

    – Đêm hôm khuya khoắt, ai vào nhà tôi đó ? Khéo kẻo đạp lên mấy đứa con tôi!

    Thấy chim ri mẹ đứng lên hỏi thế, chấu rên rỉ đáp không ra hơi:

    – Tôi là chấu đây!… Đêm lạnh quá… Làm ơn cho ngủ nhờ một đêm, sáng dậy là đi ngay.

    – Nhà rách nát chật chội, mấy mẹ con nằm không đủ. Thôi chú tìm nơi khác đi!

    Nhưng chấu vẫn van nài:

    – Cho tôi ghé lưng nằm một tí phía ngoài này cũng được, kẻo tôi lạnh cóng không thể bước đi đâu được nữa.

    Nghe nói, chim ri mẹ thương hại, bèn đáp:

    – Thôi được, cho chú mày nằm ghé bên kia, nhưng phải co cẳng kẻo đạp vào mấy đứa con ta.

    Thế là chấu xếp hai càng vào bụng, đặt lưng ngay bên cạnh mấy con bé của chim ri. Chỉ một chốc sau, chấu cũng như chim ri ai nấy đều ngon giấc.

    Đang ngủ say sưa, bỗng nhiên một tiếng nai kêu “tác” bên cạnh nhà. Tiếng kêu quá to làm cho châu chấu giật mình tỉnh dậy. Chấu vươn vai rồi quên mất lời chim ri dặn, duỗi thẳng đôi cẳng dài thượt của nó. Nhà chim ri vốn đặt lơ lửng trên một cành na, nhà quá rách nát vì gió đánh tả tơi lâu ngày chưa kịp chữa. Châu chấu duỗi mạnh đôi càng làm cho cả một chỗ nằm răng rắc:

    – Ôi chao! Đổ mất, đổ mất.

    Chim ri mẹ kêu tướng lên. Quả nhiên cái duỗi chân của chấu đã làm hại nó. Mấy con chim con bị đạp dồn về một phía, cái nhà nghiêng hẳn, chỉ một chốc rời khỏi cành na, một con chim non còn ngủ say cũng lăn theo và rơi tõm xuống sông. Mẹ con chim bay loạn xạ đi tìm thì nó đã bị nước cuốn trôi mất.


    2. Vụ kiện châu chấu

    Tức giận, vì châu chấu tự dưng vô cớ đến gây tai họa cho nhà mình, sáng hôm sau mẹ con chim ri bèn đi kiện châu chấu với Bụt. Nghe nguyên cáo trình bày đầu đuôi, Bụt liền theo đến tận nơi xem xét rồi gọi châu chấu đến hỏi:

    – Tại sao nhà ngươi đêm hôm đến làm hại nhà người ta?

    Châu chấu cúi đầu nhận rằng quả nó có gây tang tóc cho nhà chim ri, nhưng nó cũng cho Bụt biết rằng nó vốn không có ác ý:

    – Tôi không phải là kẻ vô ơn bạc nghĩa đâu. Vì con nai tự dưng ở đâu đến kêu thét vào tai làm cho tôi giật nảy mình. Chính vì thế mà tôi duỗi chân theo thói quen nên mới ra nông nỗi.

    Thấy châu chấu thức tỉnh nên Bụt cũng thương hại, bèn cho gọi nai đến, kể cho nai biết đầu đuôi sự việc xảy ra, rồi bảo:

    – Nhà đổ, con chết, rõ ràng là tại tiếng kêu thét của nhà ngươi. Tại sao nhà ngươi đêm hôm khuya khoắt đến đây kêu rống lên làm gì để gây nên tai vạ?

    Nai vội vàng trả lời:

    – Oan tôi quá! Lúc ấy tôi cũng đang lim dim đôi mắt. Tự nhiên một quả na xanh rơi xuống trúng vào mặt làm tôi toáng đảm kêu lên. Vậy là tại quả na chứ không phải tại tôi.

    Nghe nai bày tỏ có lý, Bụt quay sang hỏi cây na:

    – Vì sao ngươi lại để cho quả xanh rơi trúng vào mặt con nai, làm cho nó hét tướng lên, gây tai vạ cho nhà ngươi. Người đã biết tội chưa?

    Na đợi Bụt buộc tội xong, lập tức trả lời:

    – Bẩm ngài. Tôi đâu có muốn quả xanh của tôi rơi. Vì con sâu nó làm hại tôi, nó cắn cuống quả xanh, cho nên quả mới rụng đấy ạ!

    Đến lượt sâu được Bụt sai gọi đến kể cho nghe sự tình rồi kết tội:

    – Nhà ngươi đã thấy rõ chưa? Nếu nhà ngươi không cắn quả na xanh thì làm gì có tai vạ xảy đến cho nhà chim ri. Vậy ngươi không tránh được tội lỗi.

    Nhưng Bụt không ngờ sâu cũng không nhận tội. Sâu đáp:

    – Bẩm ngài, tôi vốn sống yên ở trong đám lá khô dưới kia. Ở đó tôi có nhiều thức ăn ngon lành. Nhưng mấy hôm nay có con gà ở đâu đến sục sạo tìm giết cả họ nhà tôi rất kinh khủng. May mắn làm sao, tôi ba chân bốn cẳng bò được lên đây. Chẳng có gì nhét vài bụng nên tôi phải gặm chút vỏ quả na cho đỡ đói. Nếu có rơi trúng vào nai hay con gì khác thì điều đó không phải tại tôi mà là tại con gà kia.

    Lại đến lượt gà được gọi đến đối chất. Gà vốn không phải quê tại khu vực này. Nó có một đàn con. Mẹ con thường dẫn nhau đi kiếm ăn. Nhưng thức ăn ngày một hiếm. Ngày hôm kia, mẹ gà nhờ được vịt, chỗ quen biết chở qua sông hứa sẽ xin ấp trứng để đến ơn. Vì thế mấy hôm gà được no bụng. Nhưng khi nghe Bụt buộc tội vì đã gây vạ cho chim ri, gà đờ người không biết tìm câu gì để chống chế vì khu vực này không phải quê quán của mình. Hỏi đến ba lần, gà không trả lời được, nên bị Bụt giam lại.


    3. Minh oan cho mẹ

    Bầy con của gà có bốn con mái một con trống. Khi nghe vịt cho biết là mẹ mình bị giam ở bên kia sông thì chúng nó hết sức hốt hoảng. Chúng khẩn khoản nhờ vịt chở sang thăm mẹ. Bốn con gà mái nhớ thương mẹ quá tranh đi trước. Chúng nó chỉ biết kiếm sâu tìm mồi nuôi mẹ mà không biết kêu van với Bụt để mẹ được tha, nên cuối cùng lại về không. Hôm sau đến lượt con trống con đi thăm, mẹ nó kể đầu đuôi sự tình vì sao Bụt bị bắt giam, gà trống con bèn đi tìm Bụt rồi phân trần:

    – Bẩm ngài, ngài bắt giam mẹ con quả thật oan ức.

    Bụt chau mày, hỏi:

    – Lại còn oan nỗi gì. Nếu mẹ ngươi cứ kiếm ăn ở bên kia sông đừng qua bên này, thì làm gì có chuyện con sâu bò lên cắn quả na xanh, làm gì có chuyện quả na xanh ấy đứt cuống rơi vào mắt con nai để con nai kêu thét lên, rồi làm gì có chuyện con châu chấu giật mình duỗi chân đạp đổ nhà chim ri và làm cho con nó chết. Chính thủ phạm là mẹ ngươi, ngươi còn kêu oan nỗi gì.

    Gà trống con lễ phép thưa:

    – Bẩm ngài, chính vì thế mà con phải kêu oan cho mẹ con, vì rõ ràng trong lục súc sáu loài, loài nào loài ấy khi sinh con đẻ cái đều được trời cho có sữa nuôi con, riêng loài gà chúng con thì tuyệt nhiên không có lấy một giọt sữa. Vì thế gà phải chạy vạy tần tảo nuôi con. Mẹ con phải vất vả đi các nơi khác kiếm ăn là vậy. Bên kia người khôn của khó nên phải lần mò sang bên này. Tình cảnh khó khăn buộc phải thế, đâu có phải là tội tại mẹ con!

    Bụt thấy gà trống con cãi cho mẹ có lý có lẽ, đành phải thả cho mẹ nó về.

    Thấy gà trống bé người mà khôn ngoan, ai nấy đều khen ngợi. Từ đó mỗi lần có kiện tụng việc gì, người ta thường mang gà trống theo, hy vọng nhờ sự có mặt của nó mới thắng kiện. Còn gà thì phải ấp trứng vịt để trả ơn, dòng dõi của nó sau này vẫn thế.

    Vụ kiện châu chấu
    Vụ kiện châu chấu
    Vụ kiện châu chấu
  8. Top 8

    Bốn cô gái muốn lấy chồng hoàng tử

    Bốn cô gái muốn lấy chồng hoàng tử là truyện cổ tích Việt Nam, kể lại chuyến tiến kinh của bốn chị em xinh đẹp và âm mưu hãm hại họ của mụ yêu tinh gian ác.


    1. Đường đến kinh kỳ

    Ngày xưa, có vợ chồng một nhà phú hộ nọ sinh được bốn cô con gái. Lớn lên, cô nào cô ấy nhan sắc sinh đẹp, trong vùng khó có ai sánh kịp. Cha mẹ các cô muốn tìm nơi môn đăng hộ đối để gả chồng, nhưng khi hỏi đến, cả bốn cô đều trả lời:

    – Chúng con chỉ muốn lấy chồng hoàng tử.

    Cha mẹ các cô bảo:

    – Bốn đứa là con nhà dân, những hạng con vua, cháu chúa trong thiên hạ thiếu gì bậc “quốc sắc thiên hương”. Làm sao lại mơ tưởng xa xôi như vậy cho khổ tấm thân.

    Song dù khuyên dỗ thế nào, bốn cô gái muốn lấy chồng hoàng tử cũng không chịu nghe. Lâu rồi, vợ chồng phú hộ tức mình, bèn cho mỗi cô một nén bạc, bảo đi đâu thì đi cho khuất mắt. Bốn chị em cầm lấy bạc, và rủ nhau lên đường tìm đến kinh kỳ.

    Buổi chiều ngày thứ hai, họ đi trên một đoạn đường vắng toàn đồi núi. Đi mãi, mặt trời sắp lặn mà chẳng gặp một ai. Cuối cùng đến một ngã ba đường, họ gặp một bà già. Mừng quá, các cô xúm lại hỏi thăm:

    – Thưa bà, nhà bà ở đâu?

    Bà già cũng tỏ bộ thân mật:

    – Chà các con đi đâu đây?

    – Chúng con tiến kinh, đến đây thì trời tối.

    Chỉ vào một lùm cây xa xa, bà già nói:

    – Nhà già ở trong kia.

    – Bà làm ơn cho chúng con nghỉ nhờ một tối, có được không?

    – Nếu các cô không chê nhà già chật hẹp thì xin mời các cô ghé nghỉ. Nào, các cô hãy đi theo già.

    Không ngần ngại, bốn chị em đi theo bà già, qua một đoạn đường khá dài thì đến một lùm cây, trong có một ngôi nhà nhỏ. Chỉ vào một cái giường, bà già nói:

    – Giường đây, các con có thể nằm ở đây, còn già thì ngủ ở trong buồng kia.

    Thấy nhà vắng vẻ, các cô lại hỏi:

    – Thưa bà, bà ở có một mình thôi sao ạ?

    – Có đứa con gái nó đi vắng mấy ngày nay chưa thấy về.

    Vì đi đường mệt, các cô gái trèo lên giường làm một giấc li bì. Chỉ có cô út vì giường chật lại nằm mé ngoài, không ngủ được. Cô bỗng ngửi thấy phảng phất một mùi tanh. Chờ khi nghe tiếng bà già ngáy rống ở trong buồng, cô mới lén dậy tìm khe cửa nhìn vào. Thì ra dưới gầm giường nằm của bà già, đầu lâu và xương trắng vứt khắp nơi, ruồi nhặng lao xao, mùi tanh xông ra đến lợm mửa. Đúng đó là nhà một con yêu tinh chuyên đi dỗ trẻ về ăn thịt. Thấy bốn cô gái trẻ măng đang cần chỗ nghỉ, yêu ta không còn mừng nào hơn thế, bèn rủ về, chuẩn bị giam họ vào hầm kín chờ con gái về lần lượt bắt chén thịt. Khi thấy rõ tình thế nguy ngập, cô út liền đánh thức các chị dậy, rỉ tai kể cho nghe mọi việc, rồi nói:

    – Đây là nhà yêu tinh, không còn nghi ngờ gì nữa. Vậy nhân lúc nó đang ngủ, chúng ta hãy mau trốn khỏi nơi này, nếu không thì tính mạng chẳng toàn.

    Cả mấy chị em lật đật mở cửa rồi ba chân bốn cẳng đi ra khỏi lùm cây. Nhưng đi chẳng được bao lâu, họ biết là mình lạc đường. Loanh quanh một hồi, họ bỗng gặp một ngôi đền. Chị em mệt quá vào ngồi nghỉ một lát. Nhưng rồi lại sợ yêu tinh thức dậy đuổi kịp, nên họ lại hối hả ra đi. Bấy giờ vị thần ở ngôi đền vốn biết bốn chị em muốn lấy chồng hoàng tử kia là “quý nhân”. Nên hiện ra trước mặt họ, ôn tồn hỏi:

    – Các con đi đâu thế này?

    Bốn cô đáp:

    – Chúng con tiến kinh

    – Các con đi đêm khuya mà không sợ ư?

    Bốn chị em kể cho nghe câu chuyện gặp yêu tinh và bị lạc đường. Vị thần nói:

    – Ta là thần ngôi đền này. Hãy đi với ta, ta sẽ che chở cho đến tận kinh đô.

    Nói rồi, vị thần hóa thành một người cao lớn bảo các cô đi theo, nép vào trong tà áo của mình.

    Đi được một chốc, bốn cô nghe có tiếng rầm rập ở đằng sau. Vị thần bảo:

    – Hãy giữ hết sức yên lặng, con yêu đã đuổi kịp chúng ta.

    Nói rồi, thần bốc các cô lên ngồi trong túi áo mình, cứ hai cô một túi. Một chốc, con yêu đã bước kịp, hỏi:

    – Này lão kia, có thấy bốn đứa con gái đi đường này không?

    Vị thần đáp lại:

    – Có gặp, nhưng chúng đã rẽ về lối kia, lâu rồi.

    – Quái lạ, tại sao ta thấy có mùi thịt người?

    – Thế thì ta vừa mới ăn xong đấy, những thức ăn thừa còn vứt dọc đường kia kìa, ngươi có đói thì trở lại nhặt mà ăn.

    Khi con yêu quay đi, vị thần cứ để nguyên các cô gái trong túi áo mà bước đi vùn vụt. Gà chưa gáy canh năm đã tới cửa ô. Vị thần lại bốc các cô đặt xuống đất và nói:

    – Bây giờ đã đến kinh kỳ. Trời cũng sắp sáng. Các con tìm quán mà nghỉ, để ta trở lại.

    Vừa bước xuống đất, bốn cô cùng sụp lạy, hết lời cảm ơn cứu mạng. Nhưng khi họ ngửng lên thì vị thần đã biến mất.


    2. Bốn cô gái muốn lấy chồng hoàng tử gặp nạn

    Lại nói chuyện yêu tinh khi quay trở lại, sục sạo tìm mãi không thấy bốn cô gái đâu. Miếng mồi ngon sắp lọt vào miệng lại để trượt mất nên mụ ta vô cùng tức giận. Sau đó ít lâu, mụ nghe tin ở kinh kỳ cử hành hôn lễ của hoàng tử lấy một lúc bốn chị em. Không ngờ bốn con mồi của mình lại trở thành vợ hoàng tử, cơn giận của mụ lâu ngày đã lắng xuống giờ lại bừng bừng bốc lên:

    – Hừ, ta sẽ tìm cách làm cho chúng nó phải thân tàn ma dại mới hả.

    Nghĩ vậy, mụ ta đợi dịp hoàng tử lên ngôi, biết ông vua mới là một tay hiếu sắc, bèn biến con gái mình thành một trang nõn nà tuyệt sắc, rồi một ngày nọ đưa con gái về kinh, trong một đêm bỏ vào ngự uyển, nơi vua thường đi dạo hàng ngày. Trông thấy cô gái đẹp đi lại giữa các luống hoa, nhà vua sửng sốt đến mê mẩn. Vua hỏi:

    – Nàng ở đâu tới đây?

    Cô gái đáp:

    – Mẹ thiếp đưa thiếp lên thăm kinh kỳ, rồi vì mê cảnh quá chân, hai mẹ con lạc nhau. Cuối cùng thiếp vì say hoa, lọt vào chốn này, không biết đây là vườn cấm.

    – Nàng có muốn chung sống với ta ở chốn hoàng cung không?

    – Trong cung bệ hạ đã có những bà nhạn sa cá lặn, thiếp xấu xí, chẳng xứng với bệ hạ.

    – Thế mà cứ như ý ta, nàng lại bỏ xa bọn họ. Thôi, hãy theo ta vào cung, nàng muốn gì ta cũng bằng lòng.

    Bấy giờ cô gái yêu tinh mới nói toạc ý định của mình.

    – Nếu bệ hạ muốn chung chăn gối với thiếp thì trước hết xin hãy đuổi khỏi cung điện tất cả những người vợ cũ của bệ hạ.

    Vua đang cơn say đắm, đáp ngay:

    – Khó gì việc ấy?

    Bèn dắt cô gái đẹp về cung, lại hạ lệnh cho cung nữ lập tức đuổi bốn chị em ra khỏi hoàng thành.

    Khi nghe lệnh truyền, bốn chị em tưởng chừng như nghe tiếng sét. Nhưng lời của vua phán, bọn cung nữ không thể không thi hành. Bấy giờ người chị cả đang có mang. Mặc dầu cô tha thiết kêu nài, nhà vua cũng không thương hại. Bọn cung nữ và thị vệ cứ theo lệnh dẫn họ ra khỏi cửa cung.

    Yêu tinh sau khi thi hành kế độc, bấy giờ cũng đang đón chờ họ ở kẻ chợ. Mụ ta hóa phép thành một cái quán trọ có đủ mọi thứ đồ dùng lịch sự, lại biến mình thành bà chủ quán, chờ khi bốn cô đi lang thang mỏi mệt, mới cất tiếng đon đả chào mời:

    – Cửa hàng chúng tôi có chỗ trọ tươm tất, xứng đáng với các bậc quý khách dặm ngái đường xa. Xin mời các bà vào an nghỉ.

    Không nghi ngờ gì cả, bốn bà hoàng thất thế đành tạm vào quán nghỉ chân. Khuya lại, yêu tinh lẻn vào buồng, nhằm khi họ đang ngủ say lấy đi tám con mắt của họ một cách rất êm thấm. Đoạn, mụ ta hóa phép làm biến mất quán trọ cùng tất cả mọi thứ đồ dùng, rồi phi thân một mạch về nhà.


    3. Tìm lại sự công bằng

    Sáng mai, bốn chị em tỉnh dậy thấy mình nằm giữa mảnh đất trống, mắt trở lên mù tịt, thì kêu khóc rất thảm thiết. Bụt đang ngồi ở tòa sen chợt nghe tiếng kêu than nức nở bèn lập tức xuống ngay. Bụt hỏi:

    – Làm sao các con lại khóc?

    Các cô kể cho Bụt nghe về số phận của mình. Nghe xong, Bụt bảo:

    – Các con đang gặp nạn lớn. Hãy cố sống để nuôi con, sẽ có ngày tái hợp.

    Đoạn, Bụt hóa phép làm thành một gian nhà, trong đó có một vạn tiền, một chum gạo, dặn rằng hễ lấy vơi bao nhiêu lại đầy lên bấy nhiêu. Nghe lời Bụt, bốn cô yên lòng ở lại đây.

    Người chị cả đủ ngày tháng sinh được một đứa con trai. Cậu bé sởn sơ, chóng lớn. Lên năm tuổi, Bụt đêm đêm hóa thành người đến dạy cho các môn võ nghệ, văn chương. Cậu bé thông minh, khỏe mạnh, học chóng tấn tới. Lên tám tuổi, nó đã tinh thông mọi môn văn võ, lại gan dạ nhanh nhẹn, biết mọi cách ứng đối tiến thoái. Bụt bèn kể cho cậu bé nghe chuyện cũ của mẹ và các dì, nào lúc gặp yêu tinh, nào lúc bị vua ruồng đuổi và bị yêu tinh móc mắt. Đoạn cho nó một con ngựa, và bảo:

    – Con hãy một mình tìm đến nhà yêu tinh. Con tự xưng là cháu ngoại đến thăm bà. Con hãy đem hết khôn khéo để cho nó không ngờ vực, rồi tìm lấy lại công bằng cho mẹ và các dì con.

    Cậu bé ruổi ngựa theo lời chỉ dẫn của Bụt, tìm được đến nhà mụ yêu. Cậu xuống ngựa chào rất lễ phép:

    – Thưa bà, mẹ cháu là hoàng hậu, cho cháu về thăm bà.

    Yêu tinh hỏi thử mấy câu thấy nó đối đáp trôi chảy, tin là cháu ngoại thật, mừng rỡ đón cháu vào. Ở được vài ngày, cậu bé thấy nhiều sự lạ, miệng hỏi không ngớt:

    – Thưa bà, cái gậy kia bà dùng làm gì?

    Yêu tinh trả lời:

    – Ồ, thứ đó quý lắm, nó dùng để chỉ sông sông cạn, chỉ núi núi bằng.

    – Thưa bà, cái liễn kia đựng những đôi mắt, bà dùng làm gì vậy?

    – Đó là những con mắt bà lấy được ở bốn chị em nhà nọ, món đồ dưỡng lão của bà đấy.

    – Thưa bà, chén nước kia bà dùng làm gì?

    – Nếu ta đổ chén nước ấy vào cái liễn đựng con mắt thì mắt sẽ trở về với chủ cũ của chúng.

    – Còn con sư tử kia bà dùng làm gì?

    – Con giống ấy giữ sinh mệnh của bà và của mẹ con. Dầu bà hay mẹ con có bị ai chặt đầu cũng không bao giờ chết được. Nhưng nếu chặt đầu con sư tử thì bà và mẹ con đều chết cả.

    Bấy giờ, Bụt hóa làm con chuột bạch bò lên mái nhà yêu tinh làm lay động cái chuông con treo trên nóc. Cái chuông ấy ít khi kêu, mỗi khi kêu tức là chúa yêu ở trên rừng thẳm gọi bộ hạ đến gặp mình. Vì thế khi nghe tiếng chuông, yêu tinh lật đật bảo cháu:

    – Cháu ở nhà đây, bà phải đi có việc, ba ngày nữa mới về. Cháu nhớ giữ gìn mọi thứ cho bà nhé!

    Nhưng yêu tinh đâu có ngờ trong khi mụ ta đi vắng, thì thằng bé đã gom góp mọi thứ bảo bối rồi cưỡi ngựa về kinh. Đến nơi, nó đi thẳng vào cung xin gặp vua. Vua cho vào, nhưng vì không biết nó là ai, bèn hỏi:

    – Cậu bé là ai? Đến đây có việc gì?

    – Tâu bệ hạ thần là con trai của bệ hạ, do một trong bốn chị em trước đây bị bệ hạ ruồng rẫy sinh ra.

    Nói rồi thằng bé kể một mạch cho vua nghe tất cả mọi chuyện, từ lúc mẹ và các dì bị đuổi ra khỏi hoàng cung cho đến lúc nó đánh lừa con yêu tinh nắm được tang chứng trong tay. Đoạn nói tiếp:

    – Vương phụ từ bỏ những người vợ hiền thục để vui thú với yêu tinh. Hiện nay tính mạng vương phụ như trứng để đầu đẳng…

    Vua đáp:

    – Bảo hoàng hậu là yêu tinh, việc ấy ta hoàn toàn không tin?

    – Nếu vương phụ không tin thì con đem con sư tử này chặt đầu, sẽ biết hư thực.

    Bèn chặt con sư tử thành ba khúc. Hoàng hậu đang nằm trong cung tự nhiên ngất lịm rồi chết luôn. Trong khi đó yêu tinh mẹ đang ở trên động với yêu chúa cũng ngã lăn ra bất tỉnh nhân sự. Bấy giờ vua mới nhận rõ sự thật, bèn sai ném xác hoàng hậu ra ngoài bãi.

    Vua bèn theo hoàng tử đi thăm các người vợ cũ. Đúng lúc bước chân vào nhà, hoàng tử cầm chén nước của yêu tinh đổ vào chiếc liễn đựng mắt, thế là những con mắt bỗng dưng như có phép thần, nhảy lên gắn vào hố mắt của bốn người đàn bà. Mẹ hoàng tử và các dì của cậu lại nhìn thấy mọi vật và xinh đẹp như xưa.

    Bốn cô gái muốn lấy chồng hoàng tử
    Bốn cô gái muốn lấy chồng hoàng tử
  9. Top 9

    Của Thiên trả Địa

    Của Thiên trả Địa là câu chuyện cổ tích Việt Nam, lên án những kẻ vong ơn bội nghĩa, qua đó nói lên mong ước về sự công bằng của người xưa trong xã hội cũ.


    1. Đôi bạn Thiên và Địa

    Ngày xưa, có Thiên và Địa là hai anh chàng cày thuê cuốc mướn cùng ở một làng. Họ giống nhau ở chỗ anh nào anh ấy đều nghèo rớt mùng tơi và đều mồ côi cha mẹ. Nhưng Thiên rất sáng dạ, bảo gì hiểu nấy. Một hôm Địa bảo hắn:

    – Nếu hai ta cùng như thế này cả thì không biết bao giờ mới cất đầu lên được. Sẵn anh là người có khiếu thông minh, nếu được học hành chắc ngày sau sẽ thi đậu làm quan to. Vậy từ nay anh đừng đi làm nữa, tôi sẽ cố sức làm thêm để lấy tiền nuôi anh ăn học. Lúc nào anh làm nên, đôi ta sẽ chung hưởng phú quý.

    Thiên nhận lời nhưng Địa còn dặn: Lúc nào hiển đạt anh đừng có quên tôi nhé !

    Rồi đó Địa vất vả đêm ngày làm thuê để nuôi bạn. Thấy Thiên học mỗi ngày một tiến, anh chàng lại càng hăng hái làm việc, không quản gì cả. Cứ như thế, sau mười năm đèn sách, Thiên đậu khoa thi hương, rồi vào thi đình đậu luôn Trạng nguyên. Hắn được nhà vua bổ làm quan to, có kẻ hầu người hạ đông đúc, có dinh thự nguy nga, được mọi người trọng vọng.

    Được tin, Địa rất sung sướng. Lập tức, anh chàng đem trâu cày về trả chủ. Rồi anh bán phăng cái nhà ở lấy một số tiền mua đồ lễ tìm vào dinh bạn. Địa có ngờ đâu khi đến nơi thì Thiên đã thay lòng đổi dạ không muốn nhận lại bạn cũ nữa. Hắn dặn quân canh cấm cửa không cho Địa vào. Địa bị đuổi tủi thân, lủi thủi ra về.


    2. Người chèo đò may mắn

    Vừa đến bờ sông, anh chàng ngồi lại, nước mắt rơi lã chã nghĩ đến lòng người đen bạc, số phận hẩm hiu, vả bấy giờ về làng cũng không biết ở vào đâu nữa vì nhà đã bán mất rồi. Bỗng dưng Bụt hiện lên làm một người khách qua đường dừng lại hỏi anh:

    – Con làm sao mà khóc?.

    Địa kể lể đầu đuôi cho Bụt nghe. Bụt bèn hóa phép cho anh một chiếc đò và dặn rằng:

    – Con cứ ở đây chở khách qua lại trên sông này cũng đủ ăn, không phải đi làm thuê nữa.

    Địa nghe lời, ở lại đó làm nghề chống đò ngang. Nhưng anh chàng chỉ kiếm vừa đủ nuôi miệng, không để dành được một đồng tiền nào. Cho nên đến ngày giỗ cha chẳng biết lấy gì mà cúng. Chiều hôm ấy, sau khi chở cho mấy người khách sang bờ bên kia, Địa vừa chèo về đến nửa sông đã lại nghe có tiếng gọi đò. Anh lại cho đò trở lại. Khách là một người đàn bà còn trẻ tuổi và rất xinh đẹp. Trời lúc ấy đã nhá nhem, người đàn bà nói với Địa:

    – Trời đã tối mà đường còn xa, anh làm ơn cho tôi nghỉ nhờ một đêm.

    Nhà Địa chỉ là một túp lều nhỏ bên sông, trong nhà chỉ có một cái chõng, nhưng anh cũng nhường cho người đàn bà ấy nằm. Thấy Địa toan đi kiếm một nơi khác ngủ, người đàn bà bỗng hỏi anh:

    – Anh đã có vợ chưa?

    Địa trả lời:

    – Chưa

    – Tôi xin làm vợ anh!

    Địa rất ngạc nhiên và bỡ ngỡ, không biết trả lời ra thế nào cả. Nàng lại nói:

    – Tôi là người trên cung tiên. Trời thấy anh là người tử tế mà chịu khổ chịu sở đã nhiều rồi nên cho tôi xuống giúp đỡ anh.

    Nói rồi, nàng hoá phép biến túp lều bên bờ sông thành một dinh cơ rất đẹp: nhà ngói, tường cao, hành lang, sân gạch, trong nhà đồ dùng thức đựng đầy đủ, kẻ hầu người hạ từng đoàn.


    3. Của Thiên trả Địa

    Địa vừa kinh lạ vừa vui sướng. Nàng tiên lại hoá phép làm ra cỗ bàn linh đình để cho anh chàng làm giỗ cúng cha. Sáng hôm sau, nàng tiên bảo Địa hãy mặc đồ gấm vóc, ngồi kiệu đến mời Thiên sang nhà mình ăn giỗ. Lần này Địa được Thiên tiếp đãi có phần tử tế. Nhưng khi nghe nói mời đến nhà ăn giỗ, hắn bĩu môi bảo Địa:

    – Chú muốn ta đến chơi thì hãy trải chiếu hoa từ đây đến nhà, ta sẽ đến.

    Địa về kể lại chuyện cho vợ nghe. Nàng tiên lại hoá phép thành chiếu hoa trải một đoạn đường dài từ nhà mình đến dinh Thiên ở. Thiên không ngờ trong thời gian vừa qua Địa cũng trở nên giàu có lớn, mới đến xem cho biết sự tình. Đến nơi, hắn rất lấy làm lạ khi thấy nhà cửa và mọi thứ đồ đạc của Địa ít có nhà nào bì kịp. Khi ăn giỗ, vợ Địa thân hành ra mời rượu. Thấy nàng đẹp quá, Thiên đâm ra ganh tỵ với hạnh phúc của Địa. Rượu say, hắn nói:

    – Chú đổi vợ chú cùng cơ nghiệp này cho tôi thì tôi nhường chức quan cùng dinh cơ của tôi cho chú.

    Không bao giờ Địa lại muốn như thế, nhưng nàng tiên bảo nhỏ, xui Địa bằng lòng. Hai bên cùng làm tờ giao ước. Thế rồi sau đó Địa lên võng về dinh, còn Thiên say rượu nằm ngủ một giấc ly bì. Nhưng đến sáng hôm sau, khi bừng mắt tỉnh dậy, hắn ngơ ngác thấy mình nằm ở một túp lều bên sông. Người vợ đẹp cùng cả dinh cơ của hắn ngày hôm qua đã biến đâu mất cả. Từ đó hắn làm nghề chống đò thay cho Địa. Còn Địa hoá ra thông minh khôn ngoan, làm quan sung sướng mãi.


    Ý nghĩa truyện của Thiên trả Địa

    Của Thiên trả Địa là câu nói quen thuộc, chỉ những thứ của cải bỗng nhiên có được mà không phải do sức mình làm ra, rồi lại nhanh chóng mất đi không sao giữ được. Những thứ vật chất ấy được gây dựng lên từ những việc làm sai trái, phi pháp, bất nghĩa rồi cũng sẽ phải trả giá.

    Đây là câu chuyện cổ tích Việt Nam với một bài học ý nghĩa dành cho những kẻ vong ơn phụ nghĩa bạn bè, những kẻ đó rồi sẽ nhận được kết cục không tốt trong cuộc sống.

    Truyện ca ngợi sự hi sinh, sống hết lòng vì bè bạn, nhưng qua đó cũng cho thấy việc đặt niềm tin vào người khác luôn cần phải có sự thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, kẻo sẽ làm hại cho chính mình.

    Tục ngữ Việt Nam có câu: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Trong cuộc sống, một cá nhân sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn nếu như nhận được sự trợ giúp từ người khác. Nhân vật Thiên trong câu chuyện đã được sự hỗ trợ rất lớn về nguồn lực từ người bạn tên Địa của mình, vì thế mới có điều kiện thuận lợi để tập chung vào việc đèn sách đi thi. Nếu chúng ta biết đoàn kết lại, làm việc vì một mục tiêu chung, thì thành quả đạt được sẽ vô cùng to lớn.

    Giống như nhiều câu chuyện cổ tích Việt Nam khác, truyện Của Thiên trả địa cũng mang ý nghĩa thể hiện mong ước về sự công bằng của những người dân lao động nghèo khổ trong xã hội cũ, và nói lên quan niệm đạo đức trong lối sống của người xưa, đó là: ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác.

    Của Thiên trả Địa
    Của Thiên trả Địa
    Của Thiên trả Địa



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy