Top 10 Truyện cười dân gian về thầy đồ hay nhất

Đinh Thị Lan Phương 3673 0 Báo lỗi

Thầy đồ "dởm" là một trong những đối tượng bị châm biếm, đả kích trong kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam. Đó là một bộ phận những ông thầy dốt nát, lười ... xem thêm...

  1. Xưa, có anh học trò học hành dốt nát, nhưng trò đời “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”, đi đâu cũng lên mặt văn hay chữ tốt. Có người tưởng anh ta hay chữ thật, mới đón về dạy con trẻ.

    Một hôm, dạy sách Tam thiên tự, sau chữ “tước” là chim sẻ, đến chữ “kê” là gà, thầy thấy mặt chữ nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì, học trò lại hỏi gấp, thầy cuống, nói liều: “Dủ dỉ là con dù dì”. Thầy cũng khôn, sợ nhỡ sai, người nào biết thì xấu hổ, mới bảo học trò đọc khẽ, tuy vậy, trong lòng vẫn thấp thỏm. Nhân trong nhà có bàn thờ thổ công, thầy mới đến khấn thầm xin ba đài âm dương để xem chữ ấy có phải thật là “dù dì” không. Thổ công cho ba đài được cả ba.

    Thấy vậy, thầy lấy làm đắc chí lắm, hôm sau bệ vệ ngồi trên giường, bảo trẻ đọc cho to. Trò vâng lời thầy, gân cổ lên gào: "Dủ dỉ là con dù dì… Dủ dỉ là con dù dì…". Bố chúng đang cuốc đất ngoài vườn, nghe tiếng học, ngạc nhiên bỏ cuốc chạy vào, giở sách ra xem, hỏi thầy:


    - Chết chửa! Chữ “kê” là gà, sao thầy lại dạy ra “dủ dỉ” là con “dù dì” ?

    Bấy giờ thầy mới nghĩ thầm: “Mình đã dốt, thổ công nhà nó cũng dốt nữa”, nhưng nhanh trí thầy vội nói gỡ:


    - Tôi vẫn biết ấy là chữ “kê”, mà “kê” nghĩa là “gà”, nhưng tôi dạy thế là dạy cháu biết đến tận tam đại con gà kia.

    Nhà chủ càng không hiểu, hỏi:


    - Tam đại con gà nghĩa là làm sao?


    - Thế này nhé! Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà!

    Truyện
    Truyện "Tam đại con gà"
    Truyện
    Truyện "Tam đại con gà" và "Nhưng nó phải bằng hai mày" - hai truyện cười được đưa vào SGK Ngữ văn 10

  2. Một thầy đồ hay ngủ ngày, nhưng lại bắt học trò phải thức, nếu ngủ là thầy đánh. Học trò tức quá, mới hỏi:

    - Con học chữ và phải học cả tính nết của thầy. Thầy hay ngủ ngày, sao thầy không cho con ngủ ngày?

    Thầy trả lời liều:

    - Ta đâu có ngủ ngày, đấy là ta nằm chiêm bao để nói chuyện với ông Chu Công và Khổng Tử đấy chứ!

    Một buổi kia, thầy ngủ, trò cũng ngủ theo. Thầy thức dậy trước, liền lay trò dậy, mắng:

    - Sao mày dám bỏ học mà nằm ngủ?

    Trò thưa:

    - Thưa thầy, con có ngủ đâu! Con nằm chiêm bao để ra mắt ông Chu Công và ông Khổng Tử đấy chứ ạ!

    Thầy tức giận nói:

    - Mày phải ra mắt ông Chu Công và ông Khổng Tử, vậy thì hai ông ấy nói gì với mày?

    Trò trả lời:

    - Hai ông ấy bảo sao lâu nay không thấy thầy mày đến thăm. Con trình rằng mới hôm qua thầy có đến thăm ông. Hai ông thấy nói vậy có vẻ giận lắm bảo con rằng: "Mày về bảo cái thằng thầy mày đừng có nói dối".


    Lớp học của thầy đồ
    Lớp học của thầy đồ
    Lớp học của thầy đồ
    Lớp học của thầy đồ
  3. Có một thầy đồ rất lười biếng, thường kiếm cớ để không phải dạy dỗ gì cả. Một hôm ông vào lớp hỏi học trò:

    – Tụi bây biết hôm nay học cái gì không?

    Cả lớp trả lời:

    – Thưa thầy không!

    Thầy đồ tỏ vẻ giận dữ:

    – Không biết? Vậy tụi mày tới trường để làm cái gì? Cút về hết đi!

    Đám học trò khúm núm kéo về hết và bàn với nhau là lần sau thầy có hỏi thì sẽ trả lời biết xem thầy tính sao.

    Hôm sau, thầy giáo lại hỏi:

    – Hôm nay tụi bây biết sẽ học cái gì không?

    Cả lớp đồng thanh trả lời:

    – Dạ biết!

    – Đã biết hết rồi thì tụi bây còn ở đây làm cái gì vậy? Về hết đi!

    Tụi học trò tức lắm, cho nên bàn rằng kì sau thầy có hỏi thì nửa lớp sẽ trả lời "có" và nửa lớp sẽ trả lời "không" coi thầy tính sao.

    Ngày kế tiếp thầy hỏi:

    – Bây biết hôm nay học cái gì không?

    Nửa lớp trả lời:

    – Thưa biết!

    Nửa lớp trả lời:

    – Thưa không!

    – Vậy thì đứa nào biết ở lại dạy mấy đứa không biết, còn tao về!

    Thầy đồ dạy học
    Thầy đồ dạy học
    Thầy đồ dạy học
    Thầy đồ dạy học
  4. Một thầy đồ ngồi dạy học ở nhà kia. Trong nhà có người ốm. Chủ nhà chạy mời thầy cúng mãi không được, phải nhờ thầy đồ cúng hộ. Cúng thì phải có hương vàng, oản, chuối. Chọn được ngày lành rồi, đêm đến, chủ nhà hỏi:

    - Thưa thầy phải đóng bao nhiêu oản?

    Thầy vốn tham ăn, bảo:

    - Ra ngoài trời đếm được bao nhiêu sao thì đóng bấy nhiêu oản!

    Không ngờ hôm ấy trời đầy mây, chủ nhà ngó một hồi vào thưa: "Trời tối quá, thưa thầy chỉ thấy có một ngôi sao thôi ạ!".

    Thầy giật mình, nhưng nhanh trí bảo:

    - Ừ thì đóng một oản, nhưng lấy cái mủng mà đóng nhé!

    Thầy đồ dạy chữ
    Thầy đồ dạy chữ
    Thầy đồ
    Thầy đồ
  5. Ông thầy đồ nọ vốn tính tham ăn. Bữa ấy có người mời đi ăn cỗ, thầy mới cho một cậu học trò nhỏ theo hầu. Ðến nơi, thầy ngồi vào cỗ, bảo học trò đứng bên cạnh. Trông thấy trong mâm cỗ còn nhiều bánh trái, bụng no nhưng thầy lại muốn bỏ túi mấy chiếc. Sợ người chung quang nom thấy thì mất thể diện, thầy mới cầm bánh thản nhiên đưa cho học trò, bảo:

    - Này, con cầm lấy!

    Vừa đưa, thầy vừa nháy ra hiệu bảo cất mang về cho thầy.

    Cậu học trò không hiểu được cái nháy mắt thâm thúy của thầy, tưởng thầy cho thật, liền bóc ngay ra ăn.

    Thầy nhìn thấy, giận lắm, nhưng giữa đông đủ mọi người, không dám mắng. Ðến lúc ra về, thầy vẫn còn tiếc mấy cái bánh, muốn kiếm cớ để trả thù học trò. Khi hai thầy trò đang cùng đi ngang nhau, thầy bèn giận dữ mắng học trò:

    - Mày là anh em bạn với tao hay sao mà dám đi ngang hàng với tao?

    Trò sợ, vội vàng đi nhanh lên trước. Thầy lại gắt:

    - Mày là bố tao hay sao mà dám đi trước tao?

    Trò tụt lùi lại sau. Thầy lại quát:

    - Tao có phải là thằng tù đâu mà mày phải đi sau áp giải.

    Trò ngơ ngác quay lại thưa:

    - Bẩm bẩm, con đi thế nào thầy cũng mắng, vậy xin thầy bảo cho con nên thế nào cho phải ạ?

    Thầy chẳng ngần ngại gì nữa, hầm hầm bảo:

    - Thế bánh tao đâu...?

    Tranh minh họa truyện
    Tranh minh họa truyện "Bánh của tao đâu"
    Thầy đồ dạy học
    Thầy đồ dạy học
  6. Thầy đồ đang ngồi cặm cụi viết bài, bà vợ đến bên cạnh nói:


    - Ông lấy giấy khổ to mà viết có hơn không?".


    Thầy đồ lấy làm đắc chí, cho là vợ khen tài văn chương của mình, văn tứ dồi dào giấy khổ nhỏ không đủ chép, nhưng cũng hỏi lại:

    - Bà nói vậy là thế nào?

    Bà vợ thong thả nói:
    - Ông chả biết tính toán gì cả, giấy khổ to bỏ đi còn gói hàng, chứ giấy khổ nhỏ thì dùng làm gì được.



    Thầy đồ viết chữ thư pháp
    Thầy đồ viết chữ thư pháp
    Thầy đồ viết chữ thư pháp
    Thầy đồ viết chữ thư pháp
  7. Có một thầy đồ dạy học trò ở nhà kia. Hôm ấy, nhà có giỗ, cỗ bàn, chè cháo bày ra la liệt trên bàn. Thầy rất thích ăn chè, mới ăn vụng một lúc hai bát. Chủ nhà trông thấy không nói gì vì sợ thầy ngượng.

    Chẳng may thầy ăn phải bát chè có ruồi chết, đêm đến đau bụng cố nhịn vì sợ chó dữ nhưng đến khuya không chịu được, bí quá đành phải tương ngay vào cái tráp luôn mang bên mình.

    Sáng dậy trời còn mờ mờ, thầy ôm cái tráp mang ra đồng để đổ cái của nợ đi cho mất tích. Ra đến cửa thì bị ông chủ nhà đón lại, chủ sợ thầy ngượng vì chuyện ăn vụng chè nên tìm đi nơi khác, bèn cố níu lại khẩn khoản:

    – Xin thầy ở lại, đừng đi. Có việc gì đâu mà thầy phải làm thế…

    Thầy vội nói:

    – Không, không có việc gì đâu. Tôi ra đây một lát rồi về ngay.

    Tưởng thầy nói dối, chủ nhà càng kéo co tợn:

    – Thầy đừng đi. Thầy bảo đi về ngay mà còn mang tráp theo làm gì. Nếu vậy thì thầy để tráp lại đây vậy!

    Nói rồi, tay giằng lấy cái tráp. Thầy đồ càng hoảng, kéo tráp về, chủ nhà quyết không buông. Hai bên co kéo nhau, thầy kéo được nhưng mạnh quá, mất đà ngã lăn, làm cái tráp văng ra ngoài cứt bắn ra tung toé.

    Lớp học của thầy đồ
    Lớp học của thầy đồ
    Lớp học của thầy đồ
    Lớp học của thầy đồ
  8. Có một thầy đồ tính rất hay sĩ diện. Một hôm, có người mời thầy sang nhà chơi. Khi đi thầy cho một học trò theo hầu. Thầy đến, chủ nhà ân cần hỏi han:

    – Thầy đi đường xa mỏi mệt, chúng tôi lấy làm ái ngại quá!

    Thầy mệt nhưng vẫn nói sĩ:

    – Từ nhà sang đây, đi xe thì có gì là nhọc nhằn!

    Học trò nhìn thầy như tiếc rẻ nói:

    – Giá như lúc ấy, thầy giả thêm cho nó một xu thì ta đến đây còn sớm và không mệt hơn nhiều.

    Thầy xầm mặt lại, anh đày tớ biết mình lỡ lời, còn chủ nhà thì tủm tỉm cười. Về nhà thầy mắng:

    – Ai cho phép mày chõ mồm vào? Từ giờ trở đi nếu tao không hỏi mà mở mồm ra thì chỉ có chết nghe chưa.

    Một hôm, nhà thầy có giỗ. Mọi người đã đến đông đủ, chỉ thiếu một ông. Đợi mãi chẳng thấy, thầy liền sai học trò đi mời một lần nữa. Cậu học trò đi một lát rồi lẳng lặng đi xuống bếp không nói gì cả. Đợi mãi, thầy sốt ruột tưởng học trò chưa đi mời, mới gọi lên hỏi:

    – Mày đã đi mời chưa hả?

    – Dạ, con đã đi rồi ạ!

    Thầy tưởng ông khách kia đang đến, lại ung dung ngồi nói chuyện cùng các ông khác. Quá ngọ, cỗ bàn nguội tanh cả, mà vẫn không thấy ông kia sang. Thầy tức lắm gọi cậu học trò lên hỏi:

    – Mày sang có gặp ông ấy không?

    – Dạ có ạ!

    – Thế ông ấy bảo gì không?

    – Dạ ông ấy bảo ông ấy hôm nay bị cảm, xin thầy và mọi người thứ lỗi cho ông ấy không sang được ạ!

    Thầy tức giận lắm quát:

    – Sao lúc mày về không nói ngay?

    – Dạ thưa thầy, thầy chẳng đã bảo thầy hỏi mới được nói là gì!

    Tại thầy không hỏi
    Tại thầy không hỏi
    Tại thầy không hỏi
    Tại thầy không hỏi
  9. Có một thầy đồ ngồi dạy học ở nhà kia, nhân một buổi vui vẻ, ông chủ nhà khao một chầu bánh rán mật. Thầy ăn hết bánh rồi mà vẫn còn thòm thèm, lại nhìn thấy trên đĩa hãy còn nhiều mỡ với mật, tiếc lắm, nhưng chả nhẽ trước mặt học trò mà thè lưỡi liếm thì coi sao tiện. Thầy nghĩ mãi, bỗng nảy ra được một kế, liền ngồi ngay ngắn lại, một tay chống tráp, tay kia nhịp roi mây vun vút vừa rung đùi vừa dõng dạc truyền với học trò:

    - Này, bây giờ ta cho các con chữ này, đứa nào không nói được ta sẽ đánh đòn, nghe không!

    Học trò vội vàng ngồi lại ngay ngắn, nhìn vào thầy, lo lắng.

    Thầy rung đùi, ung dung liếm ngang một đường giữa đĩa, rồi hỏi:

    - Chữ này là chữ gì?

    Học trò ngơ ngác, muốn cười mà không dám hé răng.

    Thầy được thể quát:

    - Chữ nhất mà cũng không biết, chúng bay dốt quá!

    Nhìn lại trong đĩa, thấy vẫn còn nhiều mật, thầy bèn liếm dọc một đường nữa, rồi giơ lên hỏi:

    - Thế chữ này là chữ gì?

    Học trò nhìn nhau xanh mắt. Thầy nhịp roi đánh "vút" một cái, quát:

    - Đồ cơm toi! Chữ "thập" biết không!

    Nhưng vẫn còn mật, thầy lại rung đùi liếm một vòng quanh đĩa rồi hỏi:

    - Chữ này nữa là gì? Đứa nào không nói được thì tao cho ăn đòn!

    Cả lớp im phăng phắc... Thầy quất roi vun vút xuống giường, thét:

    - Chữ "điền" mà cũng không thằng nào biết cả!

    Nhìn vào đĩa, đã sạch nhẵn, thầy liền bỏ xuống, truyền:

    - Thôi cho chúng bay nghỉ.

    Thầy đồ dạy học
    Thầy đồ dạy học
    Thầy đồ và chủ nhà
    Thầy đồ và chủ nhà
  10. Top 10

    TỆ

    Có một thầy đồ hay trách vặt. Một hôm đang buổi học, có người đến xin phép thầy cho một học trò được nghỉ dở buổi học vì ở nhà có giỗ. Thầy liền cho em học trò ấy về ngay. Suốt ngày hôm ấy ai mời thầy đi đâu thầy cũng không đi. Thầy cầm chắc rằng, hôm nay sẽ được một bữa chén no nê, sao gia đình em học trò ấy lại không mời mình được!

    Quái! Chờ đã hết ngày cũng không thấy ai đến mời. Tối đến ngoài trời mưa tầm tã, trong nhà thầy vẫn chong đèn, ngồi ngóng tin mời. Trời càng khuya, gió thổi càng lạnh, đợi mãi không thấy, thầy đồ phải tắt đèn đi ngủ. Tuy vậy, thầy vẫn không dám ngủ. Song đôi mắt của thầy đâu có theo ý muốn của thấy. Nó cứ ríu dần, ríu dần, thầy đồ đã ngủ mơ. Chợt có tiếng động rèm, thầy đồ giật mình bật dậy. Trong bụng tưởng như có cờ phất, thầy liền hỏi:

    - Sao đến khuya thế con? Khuya thế?...

    Mãi không có tiếng đáp lại. Thầy đồ thắp đèn lên xem, thì chẳng thấy ai cả, chỉ thấy một con chó lông ướt mẹp đang đứng cạnh rèm, cái đuôi ngoắt ngoắt, đôi mắt lấm lét nhìn chủ.

    Thầy đồ bực quá, bụng bảo dạ: "Sáng mai phải cho thằng này bài học mới được! Ðồ tệ!".

    Sáng hôm sau, lớp học vẫn tiến hành như thường lệ, học trò đến lớp đông đủ. Ðang buổi học nghĩa, em học trò nọ giở sách ra, chỉ vào chữ thứ nhất của hàng đầu, bài thầy mới viết, hỏi thầy:

    - Thưa thầy chữ gì đây ạ?

    - Chữ "tệ".

    Thầy cắt nghĩa luôn: "tệ là tệ". Em học trò không hiểu ý thầy nên vẫn điềm nhiên học: "tệ là tệ", "tệ là tệ". Hỏi sang chữ thứ hai, thầy vẫn bảo đó là "tệ" và cũng cắt nghĩa "tệ là tệ". Chữ thứ ba, thứ tư, thứ năm, thầy cũng bảo như vậy. Sang chữ thứ sáu, vừa nghe thầy nói đó cũng là chữ "tệ" xong, em học sinh ngơ ngác hỏi:

    - Thưa thầy, tệ cả hàng phải không ạ?

    Với giọng như ngậm roi trong miệng, thầy đáp:

    - Phải, nhà mày tệ cả họ chứ không chỉ cả hàng đâu!!!

    Lớp học của thầy đồ
    Lớp học của thầy đồ
    Thầy đồ dạy học
    Thầy đồ dạy học



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy