Bài soạn "Quan Âm Thị Kính" số 3
ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
Câu 1. Đọc kĩ phần tóm tắt vở chèo Quan Âm Thị Kính.
Câu 2. Đọc kĩ phần trích và các chú thích.
Câu 3. Trích đoạn Nỗi oan hại chồng có 5 nhân vật: Thị Kính, Thiện Sĩ, Sùng ông, Sùng bà và Mãng ông.
Hai nhân vật chính thể hiện xung đột kịch là Sùng bà và Thị Kính.
Sùng bà thuộc loại vai “mụ ác” trong chèo, ở đây mụ đại diện cho lớp người giàu sang, nhiều quyền thế thuộc một gia đình “cao môn lệnh tộc” có địa vị cao trong xã hội phong kiến.
Thị Kính thuộc loại vai “nữ chính” trong chèo. Thị Kính đại diện cho lớp người nghèo, xuất thân trong một gia đình nông dân bình thường, chẳng có địa vị gì trong xã hội phong kiến, thường phải mò cua bắt ốc để kiếm sống.
Câu 4. Khung cảnh ở phần đầu đoạn trích là khung cảnh người vợ yêu thương chăm sóc chồng. Qua lời nói và cử chỉ của Thị Kính ta thấy đây là một con người đoan trang, đúng mực, biết lo cho chồng.
Câu 5. Hành động và ngôn ngữ của Sùng bà: Hốt hoảng chạy ra - khi nghe Thiện Sĩ nói về câu chuyện thực hư chưa tường thì Sùng bà đã sỉ vả Thị Kính: “Cái con mặt sứa gan lim này! Mày định giết con bà à?”.
Sau đó mụ luôn cao giọng kể về dòng giống cao sang của mình: “Giống nhà bà đây giống phượng giống công”.
“Trứng rồng lại nở ra rồng”.
“Nhà bà đây cao môn lệnh tộc”.
Và mụ ta luôn tỏ vẻ khinh miệt Thị Kính, coi nàng là dòng dõi rắn “liu diu” là “phường mèo mả gà đồng”, thực thất chỉ vì nàng là “con nhà cua ốc”, tức là xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó.
Trên cơ sở khinh miệt người nghèo khó đó, mụ ta không thèm nghe lời phân tích của Thị Kính và càng mắng nhiếc, càng thắt chặt tội cho nàng:
Này con kia! Mày có trót say hoa đắm nguyệt
Đã trên dâu dưới Bộc hẹn hò...
Mày cứ thú với bà, bà cũng thứ đi cho.
Can chi phải dụng tình bất trắc.
Mụ bắt Thị Kính ngửa mặt lên mà rủa xả làm nhục nàng:
“Ôi chao ơi là mặt!
Chém bổ băm vàm xả xích mặt!
... Phi mặt gái trơ như mặt thớt”
Rồi mụ bắt Sùng ông đi gọi Mãng ông là cha của Thị Kính tới để nhận con về, kiên quyết không nhận nàng làm con dâu nhà họ Sùng nữa.
Qua hành động và ngôn ngữ của Sùng bà ta thấy mụ ta đúng là con người độc ác, luôn cậy mình là giàu sang, khinh bỉ người nghèo khó và xét xử sự việc một cách hồ đồ.
Câu 6. Trong trích đoạn, Thị Kính đã kêu oan sáu lần:
- Lạy cha, lạy mẹ! Cho con xin trình cha mẹ...
- Giời ơi! Mẹ ơi, oan cho con lắm mẹ ơi!
- Oan cho con lắm mẹ ơi!
Chàng học khuya mỏi mệt.
Con thấy râu mọc ngược dưới cằm...
- Oan cho thiếp lắm chàng ơi!
- Mẹ xét tình cho con, oan con lắm mẹ ơi!
- Cha ơi! Oan cho con lắm cha ơi!
Nàng đã kêu oan với cha mẹ chồng, với chồng, với cha đẻ, nhưng chỉ khi nói với cha đẻ (Mãng ông) nàng mới nhận được sự cảm thông. Tuy nhiên, cha nàng là người hiền lành, nghèo khó, không sao đối đáp nổi với mụ sui gia chanh chua, độc ác, không sao bênh vực được nàng, đành chỉ đau đớn và bất lực khuyên con theo mình về nhà rồi mọi chuyên sẽ tính sau.
Câu 7. Trước khi đuổi Thị Kính ra khỏi nhà, Sùng bà đã đẩy ngã Thị Kính, Sùng ông thì mỉa mai, châm chọc Mãng ông:
"... Đấy, con ông đấy, ông đem về mà dạy bảo. Từ giờ trở đi, ông hãy bớt cái mồm mà khoe khoang, nữ tắc với chả nữ công, về đi!”
Sùng ông còn dúi ngã Mãng ông rồi bỏ vào. Đó là điều tàn ác. Xung đột kịch trong trích đoạn này thể hiện cao nhất ở chỗ Sùng ông đẩy ngã Mãng ông một cách tàn nhẫn và hai cha con Thị Kính chỉ còn biết ôm nhau khóc. Hành động của Sùng ông đã bộc lộ rõ nhất sự cách biệt và đối lập giữa hai gia đình họ Sùng, họ Mãng và cũng bộc lộ rõ nhất sự nhẫn tâm của gia đình họ Sùng.
Câu 8. Trước khi rời khỏi nhà Sùng bà, Thị Kính đã khẩn khoản kêu oan với mọi người trong nhà họ Sùng nhưng đều vô hiệu. Nàng thực sự là người đoan chính nên vô cùng đau đớn tủi hổ trước lời buộc tội giết chồng. Nàng thực sự yêu thương chồng nên vô cùng đau xót trước cảnh tình vợ chồng phải lìa tan. Việc Thị Kính quyết tâm cải dạng nam tử để đi tu có ý nghĩa là nỗi oan của nàng quá lớn không còn có thể giải quyết, minh oan được ở trong cuộc đời thường, nàng đành tìm tới cửa chùa “cầu Phật tổ chứng minh” cho tấm lòng ngay thẳng, từ thiện của nàng.
Tuy nhiên, con đường đó cũng chẳng phải là con đường thoát khỏi đau khổ trong xã hội cũ. Khi đã trở thành nhà sư trẻ, nàng lại phải đeo chịu một nỗi oan khác mà chỉ khi chết đi mới có thể giãi bày.
Ghi nhớ:
Vở chèo Quan Âm Thị Kính nói chung và trích đoạn Nỗi oan hại chồng nói riêng là vở diễn và trích đoạn chèo rất tiêu biểu của sân khấu chèo truyền thông. Vở chèo và trích đoạn này thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp cùng nỗi oan bi thảm, bế tắc của người phụ nữ và những đối lập giai cấp thông qua sự xung đột gia đình, hôn nhân trong xã hội phong kiến.
LUYỆN TẬP
Câu 1. Tóm tắt ngắn gọn trích đoạn Nỗi oan hại chồng
Một đêm, Thiện Sĩ ngồi đọc sách rồi mỏi mệt nằm xuống tràng kỉ ngủ thiếp đi. Thị Kính, vợ chàng, ngồi khâu ở bên cạnh, nhìn thấy cằm chồng có chiếc râu mọc ngược, toan cầm dao khâu xén đi. Nhưng khi lưỡi dao vừa đưa vào gần cổ, Thiện Sĩ bất giác giật mình, hô hoán lên. Cha mẹ Thiện Sĩ là Sùng ông, Sùng bà chạy vào và cứ đinh ninh là Thị Kính muốn giết chồng, không cho nàng nói lời minh oan, mắng nhiếc nàng thậm tệ rồi gọi cha nàng là Mãng ông tới để trao trả nàng về nhà cha mẹ đẻ. Thị Kính đau đớn tột độ, đành phải theo cha ra khỏi nhà họ Sùng, nhưng sau đó nàng quyết cải dạng nam trang, vào chùa tu để “cầu Phật tổ chứng minh” cho tấm lòng trong sạch của mình.
Câu 2. Đoạn trích đã học ở trên có chủ đề là nêu bật nỗi oan mang tiếng giết chồng của một người đàn bà rất mực đoan trang là Thị Kính.
- Thành ngữ “Oan Thị Kính” đã chứng tỏ rằng nỗi oan này là một nỗi oan điển hình mà người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa kia phải chịu đựng.
Hai điều oan trái lớn mà Thị Kính phải mang còn được đúc kết trong hai câu:
Khi làm vợ bị chồng ngờ thất tiết
Lúc giả trai, bị gái đổ oan tình
Hai điều oan trái lớn này không thể giãi bày, không thể minh oan khi nàng còn sống, mãi đến khi nàng chết đi, lá thư do nàng để lại mới giúp nàng tỏ rõ được sự đoan chính của mình.
Kết quả cần đạt
Hiểu được một số đặc điểm của sân khấu chèo truyền thông. Nắm được tóm tắt nội dung vở chèo Quan Âm Thị Kính, nội dung, ý nghĩa và một số đặc điểm nghệ thuật (mâu thuẫn kịch, ngôn ngữ, hành động nhân vật...) của trích đoạn Nỗi oan hại chồng.
Nắm được cách dùng dấu chấm lửng, dấu chấm phẩy.
Nắm được đặc điểm của văn bản đề nghị: mục đích, yêu cầu, nội dung và cách làm loại văn bản này.