Bài tham khảo số 10
Bài thơ Về thăm mẹ ghi lại cảm xúc của một người con xa về thăm mẹ trong một buổi chiều đông, thời gian trong bài thơ gợi cho người đọc biết bao cảm xúc, lẽ thường xưa nay thơ viết về buổi chiều thường buồn, thường gợi nỗi nhớ, sự đoàn tụ, sum họp, Đinh Nam Khương cũng không ngoài lẽ đó.
Về thăm mẹ vào một chiều đông, mẹ không có nhà khiến nhân vật trữ tình có điều kiện để quan sát, suy tư về những gì gắn với cuộc đời mẹ, cùng lúc đó cơn mưa bất chợt đến khiến cảm xúc của nhà thơ càng như dâng trào: mẹ đi vắng, bếp chưa lên khói, cơn mưa bất chợt cùng với đó là hình ảnh thân thuộc, giản dị gắn với cuộc đời mẹ như chiếc nón mê đã đội bao mùa mưa nắng nay mẹ mang ra đội cho chum tương ngoài vườn, chiếc áo tơi ra đồng nay không còn dùng được nữa nhưng vẫn còn tận dụng để khoác cho người rơm (bù nhìn để xua đuổi côn trùng phá hoại cây trồng), chiếc nơm đã hỏng vành được tận dụng để nhốt đàn gà con mới nở.
Chỉ qua bằng đó hình ảnh mà người đọc có thể cảm nhận về một bà mẹ nông thôn nghèo khó, lam lũ, chắt chiu tằn tiện. Có thể có những hình ảnh không còn gần gũi với thế hệ học sinh ở thế kỷ XXI này, nhất là ở thành phố nhưng qua giảng giải của giáo viên chắc chắn học sinh sẽ cảm nhận được:
"Con về thăm mẹ chiều đông
Bếp chưa lên khói mẹ không có nhà
Mình con thơ thẩn vào ra
Trời đang yên vậy bỗng oà mưa rơi
Chum tương mẹ đã đậy rồi
Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa
Áo tơi qua buổi cày bừa
Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm"
Hình ảnh ấn tượng nhất của bài thơ là trái na cuối vụ bất ngờ rụng ở trên cành, trái na mẹ dành dụm cho đứa con xa, đợi con về hưởng quả ngọt vườn nhà càng làm người đọc cảm động về một người mẹ cả đời dành tình thương cho con đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đúc kết: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”. Nếu ở phần đầu cơn mưa bất chợt khiến nhà thơ rưng rưng thì ở cuối bài hình ảnh trái na rụng đọng lại trong tâm trí nhân vật trữ tình để từ đó càng thương mẹ hơn từ những điều giản đơn trong cuộc đời mẹ. Có thể với học sinh lớp 6, tuổi đời và sự trải nghiệm chưa nhiều, chưa có nhiều sự đồng cảm với tác giả nhưng những hình ảnh thơ giản dị đó chắc chắn cũng sẽ giúp học sinh cảm nhận được tình cảm lớn lao của mẹ.
"'Bất ngờ rụng ở trên cành
Trái na cuối vụ mẹ dành phần con
Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn
Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày."
Bài thơ viết về mẹ với những cảm nhận gần gũi, giản dị từ đó toát ra sự vất vả, hy sinh của người mẹ cũng như tình cảm của con dành cho mẹ. Chúng tôi tin rằng với những ngữ liệu mới này các em học sinh sẽ có thêm những bài thơ hay trong hành trang của mình về tình mẹ. Bài thơ mang âm hưởng ca dao truyền thống vừa có nét hiện đại, đó là bài thơ mang giá trị nhân văn sâu sắc.