Bài tham khảo số 4
Hồ Xuân Hương có ba bài thơ Tự tình. Những bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương thuộc dòng thơ trữ tình thuần khiết, cũng dữ dội nhưng không có yếu tố trào lộng, dục và tục. Sau những hành vi bỡn cợt, châm biếm, sau những tiếng cười phá phách, nữ sĩ đa tình này lại trở về với cõi lòng tịch mịch của chính mình. Ngay cả trong những dòng tâm tư sầu thảm, oán hờn này, chúng ta cũng nhận ra tài hoa và bản lĩnh của một người đàn bà tuyệt vời.
TỰ TÌNH (I)
Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom
Oán hận trông xa khắp mọi chòm
Mõ thảm không khua mà cũng cốc
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ
Sau giận vì duyên để mõm mòm
Tài tử văn nhân ai đó tá
Thân này đâu đã chịu già tom
Mở đầu bài thơ là một âm thanh xao xác:
“Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom
Oán hận trông xa khắp mọi chòm”
Tác giả lựa âm “om” (khổ vận) thật là độc đáo. Âm “om” tượng hình, âm thanh phát ra trong một cái vòm (Vòm trời thì dưới mắt Xuân Hương cũng là một cái vòm thôi) luẩn quẩn không thoát ra được, thật hợp với tâm trạng ấm ức, tấm tức của nhân vật trữ tình. Cái không gian nghệ thuật ở đây cũng thật là đặc biệt và tiềm ẩn không ít bí mật. Nữ sĩ đang ở đâu mà nghe “tiếng gà văng vẳng gáy trên bom”? “Trên bom” là ở đâu? Nhiều nhà nghiên cứu có nói là từ “bom” không hiểu rõ. “Văn học 11” (Ban KHXH) chú giải là “phía sau một con thuyền nơi người dân chài thường nuôi gà nhốt trong bu”. Như vậy là ở đây có một con thuyền trong đêm tối, cũng có thể lắm vì trong nhiều bài thơ viết về thân phận của nữ sĩ thường có hình ảnh con thuyền, ngay trong bài Tự tình (III) cũng có con thuyền: “Chiếc bánh buồn về phận nổi nênh
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh”
Thân phận của Xuân Hương như con thuyền lênh đênh trong bóng tối. “Tiếng gà văng vẳng” tàn canh làm thức dậy nỗi đau đớn xót xa đến nỗi âm thanh lan tỏa đến đâu thì “oán hận” tràn ra ngùn ngụt đến đó. Đây không còn là nỗi “oán hận” của một cá nhân mà là nỗi oán hờn của những kiếp hồng nhan bất hạnh trong xã hội bấy giờ.
Tiếng gà đã thức dậy nỗi đau của kiếp hồng nhan, rồi nỗi đau, nỗi thảm sầu nhiễm vào từng âm thanh của buổi tàn canh bất kể tiếng kim hay tiếng mộc:
“Mõ thảm không khua mà cũng cốc
Chuông chùa chẳng đánh cớ sao om”
Sự kết hợp từ ngữ của Xuân Hương biến hóa lạ lùng, mõ thì mõ thảm, chuông thì chuông sầu. tác giả đã nội tâm hóa âm thanh của ngoại cảnh, khiến cho người nghe tưởng đấy là tiếng lòng của nữ sĩ. Chính tiếng gà đã thức dậy nỗi đau thương khắc khoải, chính tiếng gà tàn canh đã làm giật mình kẻ hồng nhan, làm khua lên nỗi thảm thành âm thanh khô khốc: “cốc”, đã đánh lên tiếng sầu não ruột, tối tăm: “om”. Một hòa âm thảm sầu của ngoại cảnh và lòng người đã tấu lên trong buổi tàn canh. Nhưng lắng nghe thật kĩ, ta nhận ra hòa âm thảm sầu ấy dội lên thật mạnh mẽ với những thanh trắc (tiếng, hận, thảm, cớ…) với những động từ (gáy, khua, đánh). Thành ra hòa âm thảm sầu bi mà không lụy, nỗi buồn của một sức sóng mãnh liệt. Tiếng lòng ấy như có sự cựa quậy cưỡng lại sự phũ phàng của người đời, sự nghiệt ngã của duyên kiếp.
Chuyển sang hai câu luận, tác giả trực tiếp bộc lộ nỗi lòng của mình:
“Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ
Sau giận vì duyên dể mõm mòm”
Không đặc sắc như hai câu thực, nhưng hai câu luận cũng bộc lộ được tâm trạng thật của nữ sĩ, một nỗi buồn tàn duyên rất con người, rất đàn bà. Chữ nghĩa hình tượng cũng tài hoa. Cái trừu tượng (duyên) đã trở thành cái cụ thể (để mõm mòm). Trong cái khó (khổ vận) của vần, Hồ Xuân Hương vẫn khám phá được hình tượng xác đáng, đầy cảm xúc. Nói về sự “toan về già”, về sự “hết duyên” có gì hay hơn hình ảnh “mõm mòm” như trái chín rục, chín úng. Mà quả thật, đường tình duyên, hôn nhân của Hồ Xuân Hương cũng quá hẩm hiu. Lấy chồng muộn mà cả hai đời chồng đều làm lẽ và sớm trở thành góa bụa. Nhưng Xuân Hương vẫn không chịu “hạ mình”, vẫn hướng đến những “đối tượng” mà nữ sĩ có thể đồng cảm được, kêu gọi, thách thức:
“Tài tử văn nhân ai đó tá
Thân này đâu đã chịu già tom”
Tứ thơ chuyển thật bất ngờ. Mà cũng chỉ có Xuân Hương mới đủ sức mạnh tinh thần để gượng dậy trong nỗi buồn tê tái như thế. Nữ sĩ hướng đến “tài tử văn nhân” (hướng đến chứ không phải là hướng lên vì thật khí có tài tử văn nhân nào trên Hồ Xuân Hương) là hướng đến những gì tốt đẹp của chính tâm hồn nữ sĩ. Xuân Hương chỉ đồng cảm với các bậc “tài tử văn nhân”, các bậc tao nhân mặc khách chứ không phải vì chín “mõm mòm” mà rụng vào tay bất cứ kẻ nào. Có một nỗi khát vọng trong lời kêu gọi vô vọng đó. Nữ sĩ kêu lên một tiếng càng làm tăng lên vẻ tịch mịch của cõi lòng như tiếng gà buổi tàn canh càng tăng thêm vẻ vắng lặng của không gian. Nhưng rồi Hồ Xuân Hương vẫn lộ ra bản lĩnh của mình, bản lĩnh của một người phụ nữ ý thức sâu sắc về cá nhân, về quyền sống, sẵn sàng thách đố lại với duyên phận.
“Thân này đâu đã chịu già tom”
Vần om là một vần tối. Với Hồ Xuân Hương, bóng tối không ngoài sự cô độc, hẩm hiu, góa bụa, già nua. Xuân Hương đã cưỡng lại bằng một tinh thần mãnh liệt. Tưởng chừng đằng sau vần om (tom) đầy bóng tối đó là một nụ cười, tre trung, tinh nghịch, thách đố lại với định mệnh oan nghiệt.
Ba bài thơ “Tự tình” của Hồ Xuân Hương đều hay, mỗi bài hay một vẻ. Bài Tự tình (I), trong khuôn khổ chật hẹp của thơ Đường, lại gieo vần hóc hiểm vậy mà nữ sĩ họ Hồ vẫn hồn nhiên bộc bạch tình cảm chân thành, nồng nhiệt. Lời thơ nôm thuần Việt, không điển cố, ngoại cảnh và nội tâm hòa quyện trong hình ảnh và nhạc điệu. Ấn tượng sâu đậm của Tự tình (I) là bài thơ đã thể hiện được bản lĩnh của Hồ Xuân Hương, một người phụ nữ tài hoa có sức sống mãnh liệt không chịu khuất phục trước số phận hẩm hiu, nghiệt ngã. Giá trị nhân văn của bài thơ thật là cao cả!