Bài văn cảm nhận chất thơ trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" số 2
Nhà văn Thạch Lam được biết đến với phong cách viết truyện nhẹ nhàng mà sâu sắc. Những tác phẩm của ông thường không có cốt truyện, nhưng lại để lại dấu ấn sâu sắc cho người đọc bởi những suy tư, trăn trở về đời, về người, những triết lý sống sâu sắc được gửi gắm và tác phẩm. Đến với truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của ông, ta bắt gặp một câu chuyện như được kể bằng sự thủ thỉ, tâm tình. Nhận xét về truyện ngắn trên, có ý kiến cho rằng: “Hai đứa trẻ” là một truyện ngắn đậm chất thơ.
“Chất thơ” được hiểu là tính chất trữ tình thường được xuất hiện trong một tác phẩm trữ tình. Nó được tạo nên từ sự hòa quyện giữa vẻ đẹp của cảm xúc, tâm trạng với vẻ đẹp của cách biểu hiện để tạo ra cho người đọc những rung động thẩm mỹ. Biểu hiện của chất thơ trong truyện ngắn đó là: một truyện ngắn mà đầm chất thơ khi nhà văn chú ý đến việc khai thác và biểu hiện một cách tinh tế mạch cảm xúc, tâm trạng, tình cảm của nhân vật hoặc chính mình. Tác giả chú ý nhiều hơn đến việc khơi gợi cảm xúc của chính mình. Và điều quan trọng là những cảm xúc, tâm trạng ấy được thể hiện bằng những chi tiết, hình ảnh gợi cảm, lối văn trong sáng, phù hợp để diễn tả nhịp điệu tâm hồn.
“Hai đứa trẻ” là truyện ngắn kể về cuộc sống của người dân phố huyện Cẩm Giàng qua hình ảnh một vài nhân vật tiêu biểu. Tại đây, cuộc sống của conngười diễn da lay lắt, tù túng. Ánh sáng ở đây bị bao trùm bởi bóng tối, sự xuất hiện của ánh sáng có chăng cũng chỉ là những hột sáng, khe sáng, quầng sáng… Cuộc sống của con người có sự nghèo đói mà tù túng. Tuy nhiên, ở đó vẫn có những đứa trẻ có tâm hồn trong sáng, biết mộng mơ, biết hướng đến, hy vọng về những điều tốt đẹp hơn như chị em Liên. Hình ảnh đoàn tàu xuất hiện cuối cùng của tác phẩm như thổi một làn gió mới vào cuộc sống nơi phố huyện Cẩm Giàng, mở ra những hy vọng mới về cuộc đời mới cho những con người nghèo khó nơi đây.
Chất thơ trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” thể hiện ở vẻ đẹp cảm xúc, tâm trạng của nhân vật Liên. Khi chiều đến, Liên thấy “lòng mình buồn man mác’. Liên có những suy tư và nghĩ ngợi lúc đêm về. Chi tiết đó thể hiện một tâm hồn tinh tế và nhạy cảm của nhân vật. Liên còn là một cô bé có tấm lòng nhân hậu, giàu lòng yêu thương. Cô thương cảm và cảm thấy xót xa khi nhìn thấy những em bé đi nhặt rác, những quan sát của Liên về các nhân vật khác thể hiện cô bé là người có giàu lòng trắc ẩn, đa cảm và có suy nghĩ rất nhân hậu. Liên thương cảm cho tất cả những con người đang ngày đêm bấu víu lấy cuộc sống ở khu phố huyện nghèo này. Liên còn là một cô bé biết hương về tương lai, biết khao khát ước mơ. Điều đó thể hiện rõ nhất qua cảnh đợi tàu của hai chị em. Cả hai đợi tàu, cũng là đợi được sống trong kí ức của những ngày đầy đủ, được sống trong một không gian ngập tràn âm thanh và ánh sáng. Liên biết khao khát, ước mơ, hướng đến một cuôc sống nhiều ánh sáng, đủ đầy.
Chất thơ trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” còn là vẻ đẹp, cảm xúc và tâm trạng của tác giả Thạch Lam. Đằng sau nhân vật Liên, người đọc thấy thấp thoáng bóng dáng của nhà văn Thạch Lam: dịu dàng, tinh tế, giàu cảm xúc, giàu tinh thần nhân đạo. Thạch Lam viết truyện ngắn “Hai đứa trẻ” bằng chính những trải nghiệm và kí ức tuổi thơ của mình ở phố huyện Cẩm Giàng. Vì vậy, người và cảnh hiện lên rất giản dị và chân thực. Liên và An là một góc nào đó trong cuộc đời của nhà văn Thạch Lam, hình bóng của Liên là một phần hình ảnh người chị của tác giả. Mẹ con chị Tí có thể là hình bóng của người mẹ Thạch Lam. Đằng sau những cuộc đời lam lũ vất vả ấy, người đọc nhận thấy một Thạch Lam rất gần gũi, rất đôn hậu và chan chứa yêu thương với cuộc sống và con người.
Thạch Lam xây dựng một thế giới hình ảnh vừa chân thực vừa xúc động, vừa gợi cảm. Nhà văn đã lựa chọn những chi tiết đặc sắc để thể hiện cảm xúc của nhân vật. Mạch truyện được triển khai đậm chất trữ tình. Truyện không có cốt truyện mà nó vận động theo mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình. Ngòi bút của Thạch Lam hướng nội là đi sâu vào thế giới bên trong của nhân vật, để miêu tả những biến thái tinh vi của lòng người, để nhận thấy những cảm xúc rất mong manh, mơ hồ và thoáng qua.
Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” là một truyện ngắn đậm chất thơ, là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Thạch Lam.