Bài văn phân tích bút pháp lãng mạn trong "Chữ người tử tù" số 7

Văn học lãng mạn thường được viết bởi cảm hứng lãng mạn. Bởi vậy, khi xây dựng nhân vật, nhà văn thường hướng tới những cái phi thường có tính biệt lệ. Ta nhận thấy trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân một không khí thiêng liêng khác thường, con người tài hoa dũng liệt một cách rất đỗi nghệ sĩ như Huấn Cao hay con người nơi tăm tối lại yêu cái đẹp da diết như viên quản ngục, Bút pháp lãng mạn thật sự đã thu hút người đọc từ những phút giây đầu tiên của câu chuyện còn dang dở phía sau.


Các nhân vật trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Tuân đều là những con người tài hoa, tài tử và hình ảnh Huấn Cao trong thế giới ấy rực sáng như một đại diện tiêu biểu nhất. Huấn Cao là nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật thi pháp lãng mạn thấm nhuần trong văn chương của Nguyễn Tuân. Tài năng của Huấn Cao đã được nhà văn ca ngợi bằng nhiều cách, từ tài năng viết chữ đẹp nổi tiếng khắp vùng tỉnh Sơn cho đến tài bẻ khóa vượt ngục. Chữ của họa sĩ thư pháp bình thường chỉ phản chiếu một phương diện của phẩm chất tài hoa, nhưng chữ của Huấn Cao khác biệt hơn, nó bộc lộ tính cách và phẩm giá của người tạo nên nó: “Những nét chữ vuông vắn, tươi tắn nó nói lên những hoài bão tung hoành của một đời con người”. Và cũng vì chính những dòng chữ này, một viên quản ngục đã bất chấp mọi nguy hiểm, dám đánh đổi tính mạng của mình để biệt đãi một người tù có tiếng là nguy hiểm của triều đình. Sự nhẫn nãi, quyết tâm và lòng dũng cảm của viên quản ngục như đã cho thấy giá trị của cái đẹp trong từng con chữ của Huấn Cao. Cái tài viết chữ đẹp của người tử tù được lưu truyền trong dân gian như một huyền thoại đã vang vọng đến cả chốn ngục tù – nơi chỉ dành cho những cái ác và cái xấu. Nét chữ của Huấn Cao đẹp đến nỗi làm người ta có thể đặt cao hơn sinh mạng và danh dự.


Nét đẹp ấy có ý nghĩa vô cùng to lớn với cuộc đời, tồn tại vì con người. Với bút pháp lí tưởng hóa, Nguyễn Tuân đã khắc họa nhân vật của mình trở thành một con người mang phẩm chất tài hoa siêu việt, người đứng đầu nghệ thuật thư pháp. Và cũng không phải ngẫu nhiên, trong khi giới thiệu Huấn Cao, con người nổi tiếng về tài nghệ thư pháp, tác giả bỗng để cho nhân vật thơ lại trầm trồ về cái tài bẻ khóa, vượt ngục của Huấn Cao. Chi tiết này phải được hiểu như một cách thể hiện độc đáo, đẩy lên cao độ phẩm chất nghệ sĩ tài hoa của nhân vật. Huấn Cao không mang trong mình phẩm chất tài hoa nghệ sĩ của một kiểu người nghệ sĩ tài hoa thông thường, con người ấy đích thực là một đấng tài hoa siêu việt, chọc trời khuấy nước. Đó là người anh hung có tài “phá cũi sổ lồng” mà cũng lại là người nghệ sĩ có tài thảo nên nét chữ rồng bay phượng múa. Huấn Cao thật sự đã trở thành một nhân vật rất đặc biệt của đời văn Nguyễn Tuân. Qua nhân vật này, nhà văn đã thể hiện thái độ trân trọng, ngưỡng mộ đối với phẩm chất tài hoa của con người, bởi thế ngay từ những dòng đầu của thiên truyện Nguyễn Tuân đã dành để ca ngợi tài năng của nhân vật chính.


Bút pháp lãng mạn tạo ấn tượng mạnh ở nhân vật Huấn Cao không chỉ là một con người mang phẩm chất tài hoa mà còn là con người mang nét đẹp của khí phách với tính cách ngang tàn, ngạo nghễ. Huấn Cao là một anh hùng từng đứng đầu một cuộc khỏi nghĩa chống lại triều đình. Ông luôn có lí tưởng sống cao cả, dám hi sinh hạnh phúc riêng vì sự nghiệp lớn. Đến cả khi bị bắt giam, Huấn Cao vẫn phải khiến thầy thơ lại không khỏi lo lắng“Thầy liệu cái buồng giam đó có cầm nổi một tên tù có tiếng là nguy hiểm không? Thầy có nghe người ta đồn, Huấn Cao ngoài cái tài viết chữ lại còn có cái tài bẻ khóa và vượt ngục nữa không? ”. Huấn Cao vẫn nguyên vẹn khí phách thuở bình sinh mà có lẽ chưa một tù nhân nào dám làm. Động tác rỗ gông lạnh lùng, mạnh mẽ “chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá đánh thuỳnh một cái”. Huấn Cao lạnh lùng, ông đã trút tất cả sự giận dữ, khinh bỉ của mình đối với bọn lính vào hành động thúc gông xuống nền đá đánh thuỳnh một cái, hành động đó chỉ có người không hề tỏ ra run sợ trước sự đe dọa của kẻ giữ tù. Huấn Cao ở trong một hoàn cảnh đặt biệt khi mà quyền tự do không có, quyền sống cũng không còn, đang phải đối mặt với cái chết chỉ qua quãng thời gian tính bằng ngày đêm nhưng chưa một phút giây nào con người ấy tỏ ra sợ hãi cái chết hay một thứ quyền lực vô hình nào. Ngay cả khi đối diện với viên quản ngục, Huấn Cao vẫn luôn giữ được tư thế oai phong của mình “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Và cốt cách ung dung, tự tại thể hiện ở cách ăn uống như một người làm chủ nhà lao. Có mấy ai, trước cái chết đã được báo trước vẫn giữ được bản lĩnh đó. Người xưa thường nói “ Một ngày ở trong tù bằng nghìn thu ở ngoài” quả không sai, Huấn Cao xem nhà tù là chốn ngục tăm tối mà chỉ xem nhà tù như một chốn dừng chân để nghỉ ngơi.


Bút pháp lãng mạn trong văn chương của Nguyễn Tuân còn được thể hiện qua một Huấn cao – một nghệ sĩ mang vẻ đẹp thiên lương trong sáng. Huấn Cao quý trọng tài năng của mình, lẽ sống của ông “ ông nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Ông đã từng tỏ ra khinh miệt đến tàn nhẫn để chứng tỏ cái khí phách không biết sợ uy quyền và cái chết của mình nhưng khi nhận ra quản ngục bên ngoài khoác áo ngục quan mà bên trong lòng mang tấm lòng biết quý cái tài, cái tâm, cái khí phách và cái đẹp thì chính ông lại đổi hẳn thái độ và bằng lòng cho chữ. Sau khi cho chữ, Huấn Cao đã khuyên quản ngục từ bỏ chốn ngục tù dơ bẩn này bằng những từ ngữ chân thành nhất “Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn, nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”; “Tôi bảo thực ngài hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rời cũng đến nhem nhuộc mắt cái đời lường thiệt đi”. Trước lời khuyên của người tử tù, viên quản ngục xúc động vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng nghẹn ngào “kẻ mê muội này xin bái lĩnh” Cái đẹp có thể nảy sinh từ chốn tối tăm, từ môi trường của cái ác nhưng không thể chung sống với cái ác. Ban phát cái đẹp thông qua sức mạnh kì diệu của cái đẹp, Huấn Cao còn cứu vớt một con người – sự minh chứng sức mạnh cảm hóa của cái đẹp.


Huấn Cao được Nguyễn Tuân xây dựng bằng bút pháp và cảm hứng lãng mạn, mang vẻ đẹp lí tưởng hóa vừa là một nghệ sĩ tài hoa vừa là một anh hung hào kiệt. Nhân vật được đặt trong tư thế đối lập với hoàn cảnh và vị thế để tỏa sáng như ngôi sao giữa bầu trời đêm. Nhà văn cũng đã đặt nhân vật của mình vào một tình huống đặc biệt, là sự gặp gỡ kì lạ giữa viên quản ngục và tử tù để nhân vật tự bộc lộ tính cách, phẩm chất.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy