Bài văn phân tích bút pháp lãng mạn trong "Chữ người tử tù" số 9

Nguyễn Tuân là nhà văn lãng mạn được mệnh danh là người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp, cái thật. Trước cách mạng, cái tôi nhà văn là cái tôi cá nhân chủ nghĩa đối lập với xã hội. Cái tôi ấy kết hợp với tố chất của nhà văn lãng mạn đã tác động phần nào đến sáng tác của ông. Có thể nói tác phẩm “ Chữ người tử tù” thuộc tập truyện “ Vang bóng một thời” đã thể hiện rõ phép đối lập của chủ nghĩa lãng mạn này.


“Chữ người tử tù” đã sử dụng thành công phép đối lập của chủ nghĩa lãng mạn qua sự tương phản giữa lý tưởng và hoàn cảnh thực tại, giữa cái thiện và cái ác, giữa ánh sáng và bóng tối. Ba nhân vật Huấn Cao, quản ngục, thầy thơ lại là ba ngọn lửa bừng sáng giữa hoàn cảnh ngục tù tăm tối. Họ đều có chung cảnh ngộ là sống trong nhà tù thực dân tuy số phận mỗi người khác nhau, một người là tử tù, hai người kia là tù chung thân nhưng họ cùng có nhân cách và lý tưởng cao đẹp, cùng bị giam hãm vào cái lồng thiên địa chật hẹp và bó buộc, là một không gian thù địch luôn ẩn chứa sức phá hoại đối với cái tài, cái đẹp, cái thiên lương.


Cả Huấn Cao, ngục quan hay thầy thơ lại đều là những hình mẫu lí tưởng của văn học lãng mạn. Dù sống trong nhem nhuốc, nhơ bẩn, khí tiết vẫn thanh cao, lí tưởng hướng đến không phải những gì phàm tục mà là hướng đến cái đẹp, cái cao cả, cái sáng rực của thiên lương. Huấn Cao cả đời chọc trời khuấy nước, trên đầu không biết có ai, chỉ có cái lí tưởng là đạp đổ cái triều đình phong kiến mục rỗng, thối nát mà ông hằng khinh bỉ, chỉ biết có cái lẽ sống tôn sùng cái đẹp, cái tài. Một người có cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp ấy, có khí phách của bậc trượng phu “ Bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” dù sống trong ngục tù toàn cặn bã, nhem nhuốc để chờ ngày xử tử nhưng phong thái vẫn ngạo nghễ, ung dung, con người vẫn sáng bừng lên áng sáng bất tử của thiên lương. Con người ấy đối lập mình với thế giới, với chế độ mà mình đang sống bởi tự ý thức được mình, ý thức được phẩm giá của mình, kiêu hãnh đứng riêng ra cao hơn với xung quanh. Ông đã vượt lên hoàn cảnh để sống với lí tưởng, sống là chính mình.


Cũng như Huấn Cao, viên quản ngục và thầy thơ lại đang sống với lí tưởng đối lập với cuộc sống đang níu giữ, kéo ghì mình xuống. Tuy quản ngục và thầy thơ lại không tự do tung hoành, không chịu ràng buộc như người anh hùng chọc trời khuấy nước Huấn Cao nhưng họ vẫn là những người xa lạ với hoàn cảnh của mình đang sống. “Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người (…) của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”. Họ sống lạc lõng với xung quanh, là những người chọn nhầm nghề bởi nơi họ sống là một nơi “lẫn lộn (…) khó giữ thiên lương”, là nơi mà những cái thuần khiết bị đày ải giữa một đống cặn bã. Giữa cảnh sống đó, người đọc vẫn nhận ra hình ảnh một ngục quan “ băn khoăn ngồi bóp thái dương” trước ngày tử tù Huấn Cao đến, nghĩ cách biệt nhỡn với kẻ tử tù cũng là người mình hâm mộ. Sẽ chẳng ai ngờ một ngục quan chỉ biết sử dụng những mánh khóe hành hạ người khác lại ẩn chứa bên trong tấm lòng trọng người tài, tấm lòng thiên lương thanh sạch với thú chơi chữ thanh cao. Trong màn đêm đặc quánh của nhà tù thực dân, tâm hồn ngục quan sáng bừng đối lập hoàn toàn với địa vị, nghề nghiệp.


Truyện ngắn “Chữ người tử tù” là một bức tranh gồm nhiều mảng màu khác nhau, phân rõ tối sáng, đậm nhạt mà trong đó cái thiện và cái ác, ánh sáng và bóng tối luôn tương phản với nhau. Ước muốn xin chữ Huấn Cao của viên quản ngục là một dụng ý nghệ thuật mở ra hàng loạt chi tiết để những mảng màu tương phản được bày ra. Cảnh tượng Huấn Cao cho chữ là tột đỉnh của bút pháp lãng mạn mà tại đó cái thiện chiến thắng cái ác, ánh sáng đã lấn át bóng tối và quan trọng hơn là sự phát triển của tính cách nhân vật không còn phụ thuộc vào hoàn cảnh mà đã vượt lên trên hoàn cảnh, làm nên cuộc đảo lộn trật tự ” xưa nay chưa từng có”. Nhà tù dường như không còn tồn tại, phòng giam cũng như biến mất, trật tự kỉ cương nhà tù đảo lộn khi ngục quan khúm núm, rụt rè, cúi lạy tử tù, ngược lại, Huấn Cao là tử tù nhưng uy nghi, đĩnh đạc răn dạy ngục quan và ban phát cái đẹp. Đối lập với không gian nhà tù chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián là hình ảnh bó đuốc đỏ rực và “ ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguy vẹn lần hồ” như ba ngọn bấc khêu lên niềm tin về sự lên ngôi tuyệt đối của cái đẹp. Đối lập với danh phận, địa vị của nhân vật chính là cái đẹp, là tâm thế hướng tới ánh sáng, thưởng thức chung một nét chữ, cảm nhận cùng một mùi thơm của mực.


“Cảnh tượng xưa nay chưa từng có” ấy đã mang đến cuộc hội ngộ cho những tấm lòng yêu cái đẹp đến say mê. Bóng tối nhà tù đã phải nhường chỗ cho ánh sáng, là ánh sáng của tâm hồn con người toả ra từ cái đẹp của thiên lương. Giữa nhà tù toàn cặn bã, nhơ bẩn, ở Huấn Cao vẫn toát lên vẻ đẹp của một người nghệ sĩ, ở viên quản ngục và thầy thơ lại vẫn toả lên cái đẹp của lòng biệt nhỡn liên tài, vẻ đẹp của thiên lương còn nguyên vẹn. Từ hành động rỗ gông của Huấn Cao ở đầu truyện tới việc cho chữ ở cuối truyện là sự thống nhất nhân cách của một nhân vật lãng mạn. Quản ngục, thầy thơ lại là hai nhân vật nâng đỡ nhưng cũng đẹp và đầy chất thơ – chất thơ của cái đẹp, của tài hoa đối lập và vượt lên khỏi thực tại tầm thường, tăm tối. Câu nói “Xin lĩnh ý” của viên quản ngục khi bị Huấn Cao quát đuổi ra ngoài đến câu “Xin bái lĩnh” của ở cuối truyện chính là nét đẹp của một tâm hồn cao hướng thiện, yêu mến tài hoa.


Một đặc điểm nữa của bút pháp lãng mạn là người ta có thể nhận ra được hình bóng nhà văn trong nhân vật lý tưởng của mình. Trong cuộc đời tự do vẫy vùng, tung hoành thỏa sức không biết trên đầu có ai cùng bản chất nghệ sĩ tài hoa, ngông nghênh của Huấn Cao dường như cũng là một phần tâm hồn Nguyễn Tuân gửi vào trong đó. Con người Nguyễn Tuân ở ngoài đời cũng như con người ông trong văn chương, đều tài hoa, nghệ sĩ, ngông cuồng, phóng túng. Họ tôn sùng cái đẹp, yêu mến những gì thuộc về hoài cổ bởi, họ đã quá bất bình với hiện thực và mất niềm tin vào tương lai mù tối. Cũng vì vậy, họ không chấp nhận cái tầm thường xung quanh, muốn nổi loạn với tất cả mà ở đây hình mẫu lịch sử của nhân vật Huấn Cao là Cao Bá Quát chỉ còn tiếng vọng. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra ở Huấn Cao, ở viên quản ngục và các nhân vật của Nguyễn Tuân chính tâm hồn ông, chính suy nghĩ và lẽ sống của ông.


Với truyện ngắn “ Chữ người tử tù”, nhà văn đã đem đến cho chúng ta một thế giới mà trong đó nhân vật lãng mạn vượt lên khỏi hoàn cảnh để hướng đến cái đẹp, đến ánh sáng và thiên lương để sống khác biệt với những tầm thường, tăm tối quanh mình. Nguyễn Tuân đã thực sự thành công khi sử dụng bút pháp lãng mạn trong việc sáng tạo hình tượng, gửi gắm đến độc giả thông điệp về sự lên ngôi, chiến thắng hoàn toàn của cái cao cả, cái đẹp, của ánh sáng với những cái xấu xa, nhơ bẩn, thấp hèn. Qua đó, mang đến cho tác phẩm một sức cuốn hút đặc biệt để nó mãi bất tử cùng thời gian.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy