Bài văn phân tích bút pháp lãng mạn trong "Chữ người tử tù" số 12

Văn học hiện đại Việt Nam có rất nhiều gương mặt văn chương nổi bật và tài hoa, một trong số đó là nhà văn Nguyễn Tuân – ông được mệnh danh là người lái đò chữ nghĩa, người thổi hồn và đưa các giá trị văn hóa xưa đến với độc giả. Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn chuyên tâm truy tìm cái đẹp ở những vật tưởng chừng như tầm thường, nhỏ bé. Nguyễn Tuân nhìn sự vật hiện tượng vô cũng độc đáo, ông luôn nhìn mọi vật ở góc độ tài hoa. Những thú vui, những giá trị văn hóa dân gian đã được Nguyễn Tuân truyền cảm hứng trên từng trang viết và được đưa đến độc giả. Trong số những tác phẩm được Nguyễn Tuân sáng tác, tập truyện Vang bóng một thời được xem là tập truyện kết tinh tài năng và tình yêu quê hương đất nước của tác giả. Trong tập truyện ấy, người đọc bắt gặp câu chuyện Chữ người tử tù– là một trong những câu chuyện nổi bật, mang lại dấu ấn mạnh mẽ cho người đọc. Tác giả đã khắc họa nhân vật Huấn Cao – một tên tử tù dưới góc nhìn tài hoa, nghệ sĩ, không chỉ có vậy Nguyễn Tuân còn vận dụng thủ pháp điện ảnh để xây dựng khung cảnh cho chữ lãng mạn, hiếm thấy trong văn học Việt Nam.


Khung cảnh cho chữ được khắc họa trong địa điểm và bối cảnh thật đặc biệt. Trong tù ngục tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián, bóng tối và ánh sáng lấn lướt đan xen nhau như muốn nuốt chửng hình ảnh người tử tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang giậm tô những nét chữ trên vuông lụa trắng tinh. Ngay từ đầu tác phẩm nhân vật Huấn Cao xuất hiện với tư cách là một tử tù mang trọng tội chuẩn bị chờ ngày phán quyết trên pháp trường. Nhưng ẩn đằng sau lốt người tử từ ấy lại là một con người tài hoa, một người có tài viết chữ rất nhanh rất đẹp. Chữ của ông Huấn đẹp lắm, có được chữ ông treo trong nhà là có một bảo vật ở trên đời. Những nét chữ vuông văn tươi tắn trên vuông lụa trắng tinh ấy đã làm lay động một thanh âm trong trẻo xen giữa mọi bản đàn mà mọi nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ đó là tâm hồn và trái tim của viên quan ngục. Xét về địa vị quản ngục hơn hẳn Huấn Cao, có thể nói nhân vật này nắm quyền sinh quyền sát Huấn Cao trong tay, nhưng đây là một con người có lòng ngưỡng mộ cái đẹp nên đã có sự biệt đãi Huấn Cao khi ông sống những ngày tháng đau khổ trong tù ngục.


Viên quản ngục mến mộ tài năng Huấn Cao và mong muốn một ngày nào đó xin được chữ ông Huấn, ban đầu có lẽ do hiểu nhầm nên Huấn Cao vô cùng xem thường những người như viên quản ngục, nhưng khi nhận ra đây là một tấm lòng biệt nhỡn liên tài, yêu mến cái tài, cái đẹp thế nên Huấn Cao đồng ý cho chữ quản ngục. Bằng cảm quan của một người nghệ sĩ, bằng tài năng nghệ thuật ngôn từ của mình, Nguyễn Tuân đã tạo nên một tờ hoa thật đẹp đó là dựng lại cảnh cho chữ xưa này chưa từng có trong một nơi ẩm thấp đen tối, chỉ có cái ác, và sự xấu xa hoành hành nhưng chính vì khung cảnh đặc biệt như thế được tạo nên bằng bút pháp lãng mạn đã lôi cuốn độc giả vào tác phẩm. Ngày xưa, cho chữ là một thú vui tao nhã, người ta quý trọng học hành là nhờ quý trọng chữ nghĩa và người cho chữ. Việc cho chữ được thực hiện ở một nơi thoáng mát, sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, nhưng trong câu chuyện bằng việc sử dụng thủ pháp đối lập cảnh cho chữ được thực hiện ở nơi không ai ngờ tới, đó là ngục thất tăm tối.


Từ nơi đầy rẫy của những cái tăm tối độc ác ấy đã sáng rực lên một góc ánh sáng của những bó đuốc trong nhà giam, những bó đuốc ấy tạo nên một khung cảnh lãng mạn, đó là sự chiến thắng của ánh sáng lương thiện trước bóng tối của cái ác, cái xấu. Trên cái nền tăm tối của ngục thất ấy, hiện lên một hình ảnh thật đẹp đó là hình ảnh Huấn Cao cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang giậm tô những nét chữ vuông vắn, tươi tắn cho quản ngục và viên thơ lại. Thoi mực, mùi mực mới tỏa ra từ những con chữ của Huấn Cao càng làm tỏa sáng thêm lương tri của nhân vật này. Những con chữ được viết cẩn thận nắn nót trên vuông lụa trắng tinh là những con chữ của thiên lương, của trái tim thấu cảm được tấm lòng biệt nhỡn liên tài của quản ngục, những con chữ đó đã khiến cho quản ngục trở thành con người thiện lương khác hẳn với vị trí, với cái danh mà ông đang mang trên mình.


Nếu trước đó theo dõi mạch truyện, người đọc sẽ thấy người nắm quyền hành trong tay là viên quản ngục, nhưng khi câu chuyện dần kết thúc thì Huấn Cao là nhân vật trung tâm của câu chuyện là người ban phát cái đẹp, cái thiện cho mọi người bằng những con chữ nắn nót, vuông vức trên bức lụa trắng tinh, còn quản ngục thơ lại là những người đón nhận cái đẹp, tiếp nhận cái đẹp, tiếp nhận ánh sáng của thiên lương của lòng khoan dung nhân ái. Sự hoán đổi vị trí ấy cho chúng ta thấy tài năng của tác giả Nguyễn Tuân, tác giả đã tạo ra một bức tranh lãng mạn đầy cuốn hút. Cái đẹp lên ngôi, cái tài được đề cao, như Đốtxtôiépxki từng nói Cái đẹp cứu rỗi thế giới. Thật vậy cái đẹp nâng đỡ những tâm hồn rách nát, những tâm hồn lầm lạc như viên quản ngục là một trong số những tâm hồn như thế, nhờ có chữ của Huấn Cao mà ông đã được sống là chính mình, sống đúng thật con người của mình.


Thạch Lam – một nhà văn cùng thời với Nguyễn Tuân đã từng có tuyên ngôn nghệ thuật rằng: Cái đẹp tồn tại khắp mọi nơi, tiềm tàng ở những vật tầm thường, chính vì quan niệm đó mà trong tác phẩm của mình, Thạch Lam đã cho xuất hiện hình ảnh chuyến tàu đêm như là tia hi vọng là ánh sáng cứu rỗi cuộc đời của hai chị em Liên và An trong tác phẩm Hai đứa trẻ, để Liên và An được một lần sống trọn với ước mơ của chính mình. Có lẽ Nguyễn Tuân và Thạch Lam đều đồng nhất quan điểm là tìm kiếm cái đẹp ở bên ngoài cuộc sống, thậm chí ở những vật nhỏ bé, bình dị nhất. Trở lại với câu chuyện Chữ người tử tù, chúng ta sẽ nhận thấy nhân vật Huấn Cao với khí phách ngang tàng đã được khắc họa ở đầu câu chuyện, nhưng đằng sau một con người có khí phách anh hùng như vậy là một người biết trọng dụng biết nhìn thấu tâm can người tài, người có tấm lòng thiên lương như quản ngục.


Nguyên mẫu của nhân vật Huấn Cao đó chính là nhân vật Cao Bá Quát, sinh thời ông đã từng có câu nói rằng: Nhất sinh đê thủ bái mai hoa – cả một đời chỉ biết cúi đầu trước cái đẹp, và trong cảnh tối tăm của ngục thất, của lòng người hiện lên ba con người đang cúi đầu bái ngưỡng cái đẹp và đang tạo ra những cái đẹp để góp nhặt cho cuộc đời, làm cho cuộc đời thêm ý nghĩa và đáng sống hơn bao giờ hết. Nguyễn Tuân đã rất tinh tế, khéo léo khi tạo dựng nên khung cảnh cho chữ lãng mạn trong ngục thất, chúng ta nhận thấy được đó là cảnh tranh đấu giữa cái xấu và cái tốt, giữa bóng tối và ánh sáng mà nhờ vào thủ pháp điện ảnh, Nguyễn Tuân đã sắp đặt dần dần cho cái xấu bị đánh bật còn cái tốt cái đẹp được lên ngôi. Chi tiết này khiến chúng ta nhớ đến trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam, tác giả đã miêu tả sự giao tranh giữa bóng tối và ánh sáng, bóng tối như một cái chảo đen khổng lồ bao trùm lên vạn vật, lên mọi con người, nó như một con quái vật chực nuốt hết tất cả những thứ nó lướt qua, còn ánh sáng thật yếu ớt, đó là ánh sáng nhỏ nhoi của ngọn đèn trên cái chõng của chị Tí, là ánh sáng bên bếp lửa bác Siêu là những vệt ánh sáng, những khe ánh sáng trong gian hàng nhỏ của chị em Liên và An.


Bóng tối và ánh sáng đan xen nhau, nhưng cuối cùng chính ánh sáng của đoàn tàu đã xua tan đi bóng đêm khắc nghiệt thắp lên ngọn lửa niềm tin, hi vọng, ước mơ vào tương lai của hai chị em Liên và An. Trong Chữ người tử tù, cái bóng tối khắc nghiệt, đầy rẫy những ân oán của ngục thất khiến cho những con người ở đó trở nên xấu xí, độc ác lạ thường chỉ duy nhất ở cuối truyện tác giả đã cho ánh sáng của bó đuốc trong nhà lao cháy rực lên như soi rọi lương tri, trái tim trong sáng của con người. Thủ pháp lãng mạn của Nguyễn Tuân đã khiến cho câu chuyện mang rất nhiều tầng lớp nghĩa, khiến cho đọc giả nín thở theo dõi kết cục của câu chuyện, cũng nhờ thủ pháp lãng mạn này mà hình tượng nhân vật trở nên thành đặc biệt, sáng ngời, đó là hình ảnh một người nghệ sĩ sáng tạo cái đẹp, cái thiện đang đẩy lùi cái xấu xa độc ác để tạo nên một nơi thật thiện lành và có khả năng cảm hóa con người. Nguyễn Tuân luôn là nhà văn khát khao truy tìm cái đẹp, chính vì vậy những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, rộng lớn luôn có sức hấp dẫn rất mạnh đối với tác giả, thêm nữa cách nhìn vạn vật của họ Nguyễn không giống với những người bình thường ông luôn nhìn sự vật hiện tượng ở phương diện văn hóa, nghệ thuật, bất cứ vật nào Nguyễn Tuân cũng đều tìm trong đó tâm hồn, sinh khí của cái đẹp để thổi hồn vào đó thành những hình tượng, thành những tờ hoa đầy sức lôi cuốn, mê hoặc. Bằng bút pháp lãng mạn trong Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã tôn vinh, tái tạo cái đẹp khiến cho cái đẹp trở nên xuất thần, rực rỡ đầy sức cảm hóa với người đọc, để lại dấu ấn khó quên.


Khi lật giở lại những trang viết của Nguyễn Tuân chúng ta càng khâm phục và ngưỡng mộ tác giả bởi bằng tài năng bằng trí tuệ của mình họ Nguyễn đã tạo dựng nên những vẻ đẹp bất tử theo thời gian. Câu chuyện khẳng định và tôn vinh sự chiến thắng của ánh sáng, cái đẹp, cái thiện và nhân cách cao cả của con người đồng thời bộc lộ lòng yêu nước thầm kín của nhà văn.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy